PHẦN 4
Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời chưa lên hết trên đường chỉ biển phía Ðông, chúng tôi đã xuống thuyền trở về Côn Sơn. Chú Năm, An và tôi đều như ba đứa trẻ hư lủi thủi trở về sau một cơn phá phách và biết là mình có lỗi. Chú Năm – như mắc cỡ vì cơn say rượu nhẩy Tuýt đêm qua – tránh không nhìn mặt tôi và An. Có lẽ chú nghĩ rằng vì chú bầy đặt ra vụ ăn yến, uống rượu yến đêm qua nên mới xẩy ra cơ sự. Ðêm qua, sau khi lưng chú chạm xuống cát và mặt chú ngửa lên trời, chú đã ngủ say, ngủ không biết có những chuyện gì xẩy ra quanh chú, ngủ từ lúc trăng mới ngang đầu cho tới lúc trăng lặn về Tây, nhưng chú cũng đã biết rõ có những chuyện gì xẩy tới cho tôi và An. Như vậy là chú đã tiếp tay làm cho xẩy ra cái chuyện mà chú vẫn sợ xẩy ra giữa tôi và An. Và chú hối hận, lo âu, vì thế.
Tôi và An ngồi hai bên mạn thuyền. Nàng nghiêng mặt nhìn về phía mặt trời mọc, sáng nay mặt nàng như hơi nặng, đôi môi nàng mím chặt như để chuẩn bị đối phó với những bất hạnh sắp đến. Tôi cũng nhìn về phía đông và trong ánh hồng của bình minh, tưởng tượng lại khuôn mặt của An đêm qua dưới ánh trăng – khuôn mặt có vừng hào quang xuất thần, đam mê, hào hứng, sung sướng – và tiếng nàng hỏi như tiếng gió, tha thiết, thê thảm, bồi hồi, như tiếng thở của một người đang thời trẻ xuân yêu đời khi thấy mình sắp chết, như một tiếng gì ở ngoài hệ thống âm thanh của cõi đời này, một tiếng mà tôi khó còn có lần được nghe lại bên tai – tiếng hỏi của nàng sau đó nghe như tiếng hỏi của kẻ tử tù trước kẻ có quyền tha cho mình khỏi chết:
– Anh… Anh có yêu em không? Anh có yêu em chút nào không?
Sáng sớm hôm nay, trước khi chúng tôi xuống thuyền, trên bãi cát hoang sơ như cảnh một thời tiền sử, khi mặt biển xám như bạc loãng và buổi sáng sắp đến trang trọng nhưng vẫn vô hồn như buổi sáng đầu tiên khi trái đất này thành hình, nàng nói với tôi:
– Em yêu anh. Dù anh có yêu em hay không, em cũng yêu anh. Anh là người đàn ông đầu tiên em yêu kể từ ngày em có chồng. Em không muốn yêu vụng trộm, em không muốn lừa dối James, em sẽ nói cho James biết em đã yêu người khác. Em sẽ không nói là em yêu anh nhưng em chắc James biết. Em phải cho James biết để ly dị nhau. Em không yêu James, em chỉ bằng lòng làm vợ James vì hoàn cảnh riêng của em cách đây gần mười năm, khi em còn là người thiếu nữ mười bẩy, mười tám tuổi. Ngày ấy em đã chọn lối thoát dễ dàng nhất mà em có: đi lấy chồng, và lấy chồng ngoại quốc để có thể đi ra khỏi xứ, đoạn tuyệt với tất cả. Bây giờ em biết là em đã lầm. Không biết người khác thì sao, riêng em, em không đoạn tuyệt được. Cắt bỏ hết với những cái cũ, những gì mình yêu thương, em có cảm giác như em đã chết. Em đã tưởng em sẽ không còn bao giờ yêu một người Việt Nam nào nữa, không bao giờ em còn trở lại xã hội Việt Nam nữa… Nhưng đó chỉ là những gì em tưởng, sự thật khác hẳn như thế… Dù anh có không yêu em, em sẽ khổ lắm nhưng em cũng vẫn trở về…
Tôi không thể hiểu được tất cả những gì An muốn nói lúc đó với tôi và dường như nàng cũng không đòi hỏi tôi phải hiểu nàng ngay. Nàng không thể nói hết được trong một lúc tất cả những gì chất chứa trong tâm tư nàng từ mười năm trời nay. Chỉ có sống gần nàng trong một thời gian lâu, qua những gì nàng làm tôi mới có thể hiểu được tâm trạng của nàng. Lúc đó, tôi chỉ thấy nổi lên rõ rệt sự nhận thức là người thiếu phụ này không sung sướng, không hài lòng với cuộc sống nàng có như tôi tưởng, nàng không có tình yêu và nàng đang khao khát tình yêu, ở đời này khó có người nào sống được mà không có tình yêu, và người ta có thể yêu mà không cần được yêu lại. Tôi không biết tôi phải nói với nàng ra sao, khuyên nàng ở lại với chồng nàng, vì lý do đàn ông nào cũng giống nhau, ích kỷ, hèn nhát, ngu si, vì bỏ James Foster, nàng sẽ không bao giờ còn gặp được một người chồng tốt như hắn, hay khuyến khích nàng trở về với xã hội đã cấu tạo ra nàng, hay hứa hẹn sẽ yêu nàng? Tình yêu đến đột ngột như sóng biển cao vạn trượng úp chụp lấy con thuyền nhỏ làm tôi hoang mang. Cuộc ái ân đã xô đẩy chúng tôi đến trước tình yêu chứ không phải là rơi vào nhục dục. Tôi mơ hồ thấy rằng tôi vừa bị lôi cuốn vào một dòng nước chẩy xiết cùng với người đàn bà đa tình này, dòng nước trôi không biết đến đâu là cùng và có thể làm cho tôi, cho nàng, hoặc cả tôi và nàng cùng chết đuối.
o O o
Chiếc thuyền nhỏ đưa chúng tôi về đến Côn Sơn vào lúc chín giờ sáng, khi ánh nắng chan hòa cảnh vật. James M. Foster đợi chúng tôi trên du thuyền, anh đã sửa soạn xong để ra đi, chúng tôi đã làm xong những gì chúng tôi đến đây để làm. Nơi đến thứ hai của chúng tôi là đảo Phú Quốc.
Từ Côn Sơn đi Phú Quốc, đường biển phải đi vòng mũi Cà Mau. Cuộc sống của chúng tôi trên thuyền bề ngoài không có gì khác với chuyến chúng tôi đi từ Vũng Tàu tới Côn Sơn, nhưng đó chỉ là bề ngoài. Tâm hồn chúng tôi đã thay đổi nhiều, nhất là An và tôi, nhưng sự thay đổi ấy chưa phát hiện. Tôi và nàng vẫn gặp nhau, vẫn nói chuyện với nhau như thường ngày, chúng tôi cùng nghĩ rằng tránh gặp nhau hay thái độ đổi khác là một bằng chứng tội lỗi, nhưng dù không muốn, tình yêu vẫn lộ ra trong mắt, trong giọng nói, trong từng cử chỉ của An. Chúng tôi sống trong tình trạng vừa khổ sở, vừa sung sướng lẫn lộn. Sung sướng vì biết là mình được yêu, khổ sở vì không phát hiện được tình yêu của mình, không được tự do ôm nhau, hôn nhau, hòa hợp thể xác làm một. Tôi không biết James biết những gì về tình yêu của tôi và An, tôi chỉ thấy anh vẫn sống trầm lặng, thản nhiên, xa cách như mọi ngày. Tôi cũng không thấy anh chất vấn An đã làm những gì trong đêm nàng đi ra đảo không có anh.
Cuộc sống trôi qua với những công việc thường ngày. Cả chú Năm cũng không dám đả động với tôi câu chuyện mà chú không thể hiểu sẽ giải quyết ra sao. Và cuộc khủng hoảng xẩy đến sớm hơn là tất cả chúng tôi cùng tưởng.
Nhưng cuộc khủng hoảng không xẩy ra vì nguyên nhân An yêu tôi hay vì tôi và nàng yêu nhau. Cuộc khủng hoảng, cũng như tình yêu, đến không ngờ và làm cho chúng tôi choáng váng, như một trái bom nổ giữa lúc không ai ngờ nhất, để khi bom đã nổ rồi, những nạn nhân vẫn chưa ai biết là bom đã nổ.
Một buổi sáng, du thuyền của chúng tôi ghé vào một bãi cát gần khu An Thới, nơi ven biển có một xóm dân chài, vào lúc một số ghe chài vừa đánh cá ở ngoài biển về đổ cá lên đó bán. James đang quay đoạn phim về đời sống của ngư phủ trong miền biển này và tất cả mọi điều kiện đều có để anh thực hiện một đoạn phim đẹp. Ánh nắng tốt, cảnh đẹp, đồng bào chài lưới ở đây sau khi biết bọn chúng tôi định làm gì, không còn chú ý đến chúng tôi nữa. Họ làm việc tự nhiên và hồn nhiên. Tôi vẫn sợ họ sẽ chú ý đến người ngoại quốc và việc quay phim hơn là những công việc của họ, nhưng tôi đã lầm khi sợ hãi như thế. Ðàn bà, trẻ con ở thành thị mới xúm xít một cách vô ý thức để coi những đám quay phim, đàn bà, trẻ con ở đây ai cũng có việc phải làm và họ chỉ chú ý đến người lạ một cách vừa phải, đúng mức. Ngay cả sự chú ý của họ cũng cho James thâu được những hình ảnh tốt cần có trong những cuốn phim tài liệu.
Một chiếc thuyền đánh cá mới về bến và tôi thấy đồng bào nhốn nháo. Hình như thuyền này đánh về được một con cá lớn. Tôi nghĩ thế và nói thế với James. Anh và chú Năm đem máy tới quay cảnh thuyền ghé bến. Và đúng như lời tôi nói, người ta đem lên bến một con cá lớn khủng khiếp. Ðứng xa, tôi thấy con cá dài như cái ghế bố và tôi nghĩ đó có thể là một con cá đuối, hoặc cá mập, thứ cá thịt không ngon và ít khi dân chài hào hứng đem về.
Tôi đến gần và từ một góc khác của bãi biển, An cũng đến gần. Nàng cũng bị hấp dẫn vì sự náo động của đám đông. Con cá lớn nằm giữa bãi cát và mọi người xúm đông chung quanh. Người ta, trong số có chú Năm, đang bàn cãi sôi nổi vì cái bụng lớn của con cá. Nhiều người bảo là con cá đang có chửa, nhiều người khác quả quyết cá không có chửa. Mùa này không phải là mùa cá có chửa và cá chửa bụng không lớn như thế. Chú Năm nói rằng con cá này vừa đớp một vật gì đó vào bụng, vật đó có thể là một con cá khác, hoặc một đồ vật gì rớt xuống từ một chiếc thuyền chở khách nào. Loài cá đuối này vẫn có thói quen lội theo những chiếc tầu chở khách và đớp tất cả những vật gì ở trên tầu rơi xuống, kể cả những cục đá người ta cố tình vứt xuống để giết chúng.
Một người đưa cho chú Năm con dao nhọn dài tới hai gang tay. Chú quì gối bên con cá và lẹ tay, dễ dàng như khi cắt một miếng thịt bò bằng lưỡi dao thật sắc, chú đưa mạnh lưỡi dao trên làn da bụng căng lồi của con cá…
Vật nằm trong bụng cá lòi ra từ vết cắt. Thật nhanh, như trong cơn ác mộng, tôi thấy chú Năm bật ngửa ra cùng với tiếng kêu ghê sợ của đám người vây quanh…
Tôi và An tuy đứng hơi xa nhau nhưng cùng ở dưới làn gió. Gió thổi mùi hôi thối kinh khiếp ập đến chúng tôi trước khi mắt chúng tôi kịp nhìn rõ vật vừa lòi ra từ bụng cá. Ðó là một cái đầu người. Một đầu người con gái bị cá táp tới cổ. Mái tóc dài còn mướt trên làn da mặt nhợt nhạt của kẻ xấu số. Mùi tanh hôi theo gió ào tới làm tôi lộn mửa và tối tăm mặt mũi. Tiếng nôn của An kéo tôi trở lại thực tại. Nàng quì gối trên cát và đang nôn ọe như làn hơi đó là một sức mạnh vật chất đánh tới làm cho nàng phải ngã xuống. Tôi cố nén kinh tởm để thốc nách An, dìu nàng đi ra ngoài chiều gió.
Mọi người tán loạn, sợ hãi. Riêng có một người vẫn nhớ đến việc mình phải làm và làm trọn mọi việc của mình. Người đó là James Foster, người Hoa Kỳ đi quay phim tài liệu về đời sống ở Việt Nam. James vẫn đứng thâu hình bất chấp mùi tanh hôi, thản nhiên trước cảnh ghê rợn. Ðoạn phim này với anh sẽ là đoạn phim vàng. Anh có nhiều may mắn lắm mới tình cờ gặp được cảnh này. Chỉ cần một cảnh này là đủ làm cho khán giả Âu Mỹ xúc động và phim của anh chiếm giải thưởng quốc tế làm cho tên tuổi anh nổi sáng.
Chú Năm chạy tới sau tôi, chú vừa thở vừa nói:
– Thầy phải ngăn không cho ông ấy thâu hình cảnh này… Dã man lắm… Khi phim đem chiếu, người ta sẽ cho dân mình là dân dã man…
Lời nói của chú làm tôi thức tỉnh.
Tôi nhớ lại những đoạn phim tài liệu về đời sống của những giống dân bán khai ở Phi Châu tôi từng được thấy trên màn ảnh. Tôi từng ghê rợn khi thấy những cảnh sống man rợ ấy. Những người Âu Mỹ thích chứng kiến những cảnh man rợ của những dân tộc mà họ cho là kém văn minh tiến bộ hơn là thấy những cảnh đẹp. Chỉ một đoạn phim đầu người lòi ra từ bụng cá mà tình cờ người quay phim James M. Foster vừa thâu được sẽ làm cho không biết bao nhiêu khán giả Âu Mỹ hiểu sai về dân tộc Việt Nam.
James M. Foster đã quay xong đoạn phim và chiếc đầu người con gái xấu số đã được mang ra khỏi bụng cá, được đặt nằm ở một chỗ khác dưới mảnh bao bố phủ lên chờ đem đi mai táng khi tôi và chú Năm đến trước mặt James. Anh nở nụ cười hài lòng khi thấy chúng tôi đến. Tôi ít khi thấy anh cười nhưng nụ cười này báo trước cho chúng tôi biết anh sẽ không chịu rời bỏ đoạn phim quí báu anh vừa thực hiện được, dù cho chúng tôi có nói rõ với anh rằng đoạn phim đó sẽ có hại đến hình ảnh của cả một dân Việt Nam.
– Các anh nghĩ thế là lầm – Anh lắc đầu nói với chúng tôi, sự hài lòng vì thành công làm cho anh nói nhiều hơn thường ngày – Ðây chỉ là một tai nạn, đã gọi là tai nạn thì có thể xẩy ra bất cứ ở đâu. Ở những bãi biển Florida, Miami bên Hoa Kỳ cũng có thể có những tai nạn này… Bên Hoa Kỳ còn có những tai nạn thảm thiết, ghê gớm hơn nhiều nhưng có ai căn cứ trên những tai nạn ấy để nói rằng Hoa Kỳ chậm tiến, dã man đâu?…
Tôi cố gắng giữ bình tĩnh để giải thích với James rằng người ta sẽ không nghĩ đến chuyện dã man khi những tai nạn tương tự xẩy ra trên đất Hoa Kỳ nhưng chắc chắn người ta sẽ cho là dã man, sơ khai khi thấy cảnh này trong một cuốn phim tài liệu về đời sống của những ngư dân Việt Nam, và vì danh dự dân tộc, chúng tôi quyết liệt yêu cầu anh hủy bỏ đoạn phim đó. Tôi nói chúng tôi sẽ không lùi trong yêu cầu này và nếu cần, chúng tôi sẽ dẹp lòng hiếu khách và lịch sự đi để thực hiện cái việc mà chúng tôi cho rằng chúng tôi có bổn phận phải làm.
Chú Năm quyết liệt hơn tôi trong việc này. Có lẽ vì chú không nói được nên chú phải thực hiện ngay ý muốn bằng hành động. Chú đi thẳng tới và không nói nửa tiếng, chú vớ lấy cái túi da đựng những cuộn phim vừa thâu hình xong của James. Chú biết trong túi này có cuộn phim thâu hình lúc chú mổ bụng cá và đầu người con gái lòi ra từ làn da căng như mặt trống. Cái túi da được James đeo bên mình.
James M. Foster từng ở trong quân đội Hoa Kỳ, anh từng là sĩ quan và quân đội anh từng huấn luyện anh những thế võ cận chiến để tự vệ và cũng để tấn công khi chạm mặt với kẻ thù. Tôi thấy James bình tĩnh xoay mình đưa cái túi da ra khỏi tầm tay của chú Năm đồng thời cái máy quay phim trên tay anh được sử dụng như một võ khí, cái máy đập vào mang tai chú Năm, tôi thấy chú lảo đảo rồi ngã xuống cát…
Tôi thấy như có ánh lửa lóe lên trong mắt người đàn ông chất phác ấy khi anh chống hai tay trên cát và một dòng máu tươi chẩy trên má. James đã buông chiếc máy xuống và đứng thủ thế. Trước khi tôi kịp kêu lên nửa tiếng, chú Năm từ dưới mặt cát bay lên…
Không một tiếng hét, như trong một đoạn phim quay chậm, tôi nhìn thấy hai chân chú liên tiếp đá vào ngực, vào bụng James. Một đá, hai đá, rồi ba đá, bốn đá… Hình như hai chân chú không cần chấm đất. Như chỉ trong một cái bay lên, chú đá được tới năm sáu cái, và cái đá nào cũng trúng người địch thủ. James lùi lại, anh loạng choạng trên cát – những đòn cận chiến anh học được tỏ ra vô ích trước những cú đá tới tấp này – và đến lượt anh ngã ngồi trên cát.
Chú Năm xua xua hai tay. Chú ra hiệu cho James hiểu chú không đánh nữa và chú chỉ muốn lấy cuộn phim, chú như muốn làm cho James biết là võ nghệ của anh không địch lại được với ý muốn của chú. Và chú đi tới. James chuyển mình đứng dậy và từ chuyển mình của anh phát ra tiếng nổ.
James có để khẩu súng lục trong túi da. Anh rút súng và bắn xuống mặt cát giữa hai chân chú Năm. Chú Năm dừng lại và đứng sững như pho tượng. Người Tây Phương, một lần nữa, chế ngự người Ðông Phương nhờ phương tiện cơ khí. Chú Năm không thể thắng được James khi anh đã có khẩu súng trong tay.
An chạy tới và James đưa cho nàng túi da. Tôi nghe rõ tiếng James bảo An mang túi da về thuyền trước và đừng cho ai đến gần nàng. Trong cơn xúc động, trao cái túi da cho An, James đã làm một việc lầm lẫn và dại dột.
Lúc ấy, James không biết là anh lầm. Không ai biết là anh lầm. Không ai nhớ rằng người đàn bà ấy tuy là vợ anh nhưng nàng vẫn còn là một người đàn bà Việt Nam. Trước khi làm vợ một người Hoa Kỳ và trở thành công dân Hoa Kỳ, nàng đã là đàn bà Việt và lúc này, bản chất đàn bà Việt trong nàng gặp những điều kiện, hoàn cảnh để sống lại mạnh nhất.
Nhưng James biết là anh lầm ngay sau khi An vừa mang túi da đi xa anh. Nàng không mang túi da với những cuộn phim trong đó chạy về du thuyền, nàng chạy lên ghềnh đá. James chạy theo nhưng không kịp, anh dừng lại bên triền nước và anh giơ súng về phía người đàn bà đang chạy trên ghềnh đá.
Con người văn minh trong James M. Foster không cho phép anh bắn một người đàn bà, dù người đàn bà đó có làm hại anh. An không quay lại nhìn và nàng không biết những gì xẩy ra sau lưng nàng. Nếu nàng biết và nếu James có bắn, tôi chắc nàng vẫn làm cái việc nàng chạy lên ghềnh đá để làm.
Ðứng trên đỉnh đá cao nhô ra ngoài biển, với những làn sóng bạc dưới chân, mái tóc phất phơ bay trong gió, nàng giơ cao tay quăng túi da xuống biển.
Cuộc khủng hoảng kết thúc trong im lặng, như không hề có xung đột xẩy ra. Người đàn bà đứng trên đỉnh đá nhìn ra biển như pho tượng vọng phu trong huyền sử, chỉ khác với tượng đá là pho tượng bằng da thịt này có mái tóc mềm tung bay trên vai, có những giọt nước mắt trong như ngọc lăn trên gò má. Người đàn ông cô đơn đến từ bên kia bờ Thái Bình Dương lủi thủi xách máy quay phim đi bên triền nước. Anh là đại diện của giống dân da trắng bị những người da vàng đoàn kết lại để chống đối. Anh chấp nhận thất bại một cách thẳng thắn, không che giấu, không bao biện, theo bản chất thực tế của giống dân anh. Anh biết rằng một người đàn ông khi đã bị cả vợ mình chống đối không còn hy vọng nào có thể chiến thắng.
James M. Foster vào một căn cứ Hải quân Hoa Kỳ trên đảo và từ đó, anh lên một chiếc trực thăng để trở về đất liền. Du thuyền được anh gửi lại căn cứ chờ người khác đến đem về Vũng Tàu. Buổi tối hôm đó James nhờ một trung sĩ người Việt trong đơn vi quân đội đóng ở căn cứ cầm thư của anh đến đưa cho An, mời nàng lên suống về căn cứ với anh. Nhưng An không về theo anh. Và buổi sáng sớm tinh mơ hôm sau, chúng tôi, An, chú Năm và tôi, xuống một chiếc đò máy chở đồng bào và binh sĩ từ đảo về Rạch Giá.
An ngồi giữa những người vợ lính đồng tuổi với nàng. Bộ quần áo nàng bận trên người làm nàng khác với những người đàn bà kia nhưng mầu da, nét mặt, ánh mắt, trái tim nàng, những ý nghĩ của nàng không khác biệt chút nào những người đàn bà quanh nàng. Nàng vẫn hoàn toàn là người đàn bà Việt Nam trong một bộ quần áo của đàn bà Mỹ.
– Dù anh có không yêu em như em yêu anh, dù anh có không nhận em làm vợ, dù em không được làm vợ anh, em cũng trở về…
Khi nước thủy triều lên, người ta cho đò máy rời bến Dương Ðông. Ngồi bên cạnh chú Năm, tôi nhìn xuống thấy quanh tôi có làn nước đi vào trong đảo, có làn nước đi ra biển xanh, con đò tròng trành giữa hai dòng nước ấy và lần đầu tiên tôi thấy rõ người đàn bà kia như một cọng cỏ lau trôi dạt giữa hai dòng nước. Nàng có đủ sức mạnh để tự lái nàng đi theo dòng nước nào hay không, vấn đề đó thời gian sẽ trả lời và chỉ có thời gian mới có thể trả lời.
– Anh không thể biết, anh chưa thể biết em yêu anh đến là chừng nào. Nhưng em tin rằng có ngày anh sẽ biết. Em không đòi hỏi anh phải yêu em nếu anh không yêu em. Em biết tình yêu không thể đòi hỏi mà được…
Những lời nàng nói trong đêm khuya, trong mờ sáng, cả những lời nàng chưa từng nói văng vẳng bên tai tôi:
– Anh chỉ mới thấy một phần nhỏ tình yêu của em. Cũng như anh chỉ mới thấy vốc nước biển này trong tay em, anh chưa thấy được hết nước của biển…
Lời nàng nói làm tôi nhớ đến một lời của Ðức Phật Thích Ca khi Người nói với đệ tử tôi đọc được trong một ngày nào đó trong một quyển sách giảng về Phật pháp. Ðức Phật cầm một nắm lá cây trong tay, Ngài hỏi đệ tử lá trong tay ta nhiều hay lá trong rừng nhiều, người đệ tử trả lời lá trong rừng nhiều. Phật nói:
“Cũng vậy, những gì ta biết nhiều như lá trong rừng nhưng những gì ta dạy các con chỉ ít như nắm lá này. Bởi vì những điều kia không ích lợi gì cho các con và sự diệt khổ …”
Ðệ tử của Phật có thể không cần biết hết những gì Phật biết, nhưng tôi, tôi có cần biết hết tình yêu của người đàn bà kia không? Tôi có quyền nói với nàng là tôi yêu nàng nhiều lắm, là tình yêu nàng thấy ở tôi chỉ ít như nắm lá này so với lá trong rừng kia, hay nàng có quyền nói với tôi nàng yêu tôi nhiều lắm, tình yêu tôi thấy ở nàng chỉ ít như vốc nước biển nàng múc trong lòng hai bàn tay so với nước của đại dương kia.
HẾT
(Nguồn : hoanghaithuy.wordpress)
Thảo luận
Không có bình luận