Vài nét sơ lược về tác giả.
(tt) BS. Nguyễn Hy Vọng sinh năm 1932 tại Huế. Tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1958, hành nghề Y Khoa tại Miền Nam Việt Nam từ năm 1959 đến năm 1975.
Đã cộng tác với cố học giả Đào Đăng Vỹ soạn: Pháp Việt Đại Tự Điển năm 1952, Pháp Việt Tiểu Tự Điển năm 1954, Việt Nam Bách Khoa Tự Điển năm 1960.
Nghiên cứu và soạn thảo Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt từ năm 1981 đến năm 2012.
Ngoài việc đam mê nghề nghiệp trong ngành Y Khoa, ông còn là một Giáo Sư dạy toán tại Trường Trung Học Chu Văn An, Ông là người rất đam mê nghiên cứu về Tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ, ông coi đó như là một cái nghiệp đã đeo đuổi theo ông suốt đời, ông muốn nghiên cứu để làm sáng tỏ một số vấn đề cho thế hệ con cháu chúng ta mai sau. Vì vậy, một mình âm thầm làm việc trong mấy chục năm qua với hàng chục ngàn trang giấy bản thảo tài liệu, chứa đầy trong nhà, đây là một việc làm rất công phu, tốn rất nhiều thời gian đi nhiều nơi để nghiên cứu, tham khảo, sưu tầm, dịch thuật, đối chiếu…
Ông cho biết trong số 275 ngàn tài liệu, hàng trăm ngàn từ ngữ của 57 ngôn ngữ, kết quả đã được trình bày chi tiết in thành sách trên 2200 trang và đã lưu trữ qua DVD media. Là một công trình giá trị để lại cho thế hệ mai sau
Tác giả BS. Nguyễn Hy Vọng nói tổng quát trong công việc thực hiện bộ Từ Điển, ông đưa thí dụ đủ thứ ngôn ngữ, trong đó có dính dáng đến ngôn ngữ Ấn Độ. Chữ “diêm” gốc Ấn Độ có nghĩa là “thần chết”, người Tàu vay mượn thành “diêm vương” là vua âm phủ, BS. Vọng nói rõ “thần chết” và “vua âm phủ” khác nhau!
BS. Nguyễn Hy Vọng cho biết tiếp: trên bước đường nghiên cứu về ngôn ngữ học, qua chặng đường ông sưu tầm tiếng nói của người cổ Việt ở vùng Động Đình Hồ, phía Nam sông Trường Giang tức là Dương Tử Giang ngày nay theo cách gọi phiên âm của tiếng quan thoại Trung Hoa Yang Zijiang, BS. Vọng cho thấy “600 triệu dân Trung Hoa ở Hoa Nam có nguồn gốc Bách Việt”, nghĩa là người Tàu ở vùng đất này từ những trăm năm về trước tỵ nạn và di dân đến Đại Việt và Đông Nam Á Sutherlands thành những người “khách trú” trên các xứ sở này không hẳn có huyết thống của địch thủ Hán tộc, một bên là bọn cai trị có sức mạnh vũ khí từ trong bưng biền ra chiếm đoạt của cải vật chất và công trình văn hoá của thành thị làm sở hữu cho mình, một bên là các nhà kiến tạo văn học nghệ thuật có đầu óc phát triển lại bị các quan lại Hán gian trói tay chân, sự khác biệt rõ rệt giữa hai chỉ số M117 (Hán?) và M119 (gốc Việt và Đông Nam Á) theo tài liệu của giới nghiên cứu Đài Loan.”
Lời ru thành ngọn gió đưa
Quạt anh ve vuốt giấc mơ vợ hiền
Chìa tay anh, em gối lên
Xõa ngực anh, mái tóc mềm của em. (Dân Ca)
Câu dân ca trên hoàn toàn tiếng Việt. Người Việt nào hát lên và người Việt nào nghe cũng hiểu ngay và thấm thía cái âm hưởng của tiếng hát, thưởng thức cái ý nhị trữ tình của nội dung.
Nhưng đó không phải là dân ca Việt Nam, đó là dân ca của người Khờ-me (Khmer)
Câu hát nói về một tiếng gió và tình yêu vợ chồng. Chúng ta thử xem có bao nhiêu ngôn ngữ của người dân vùng Đông Nam Á (ĐNÁ) dùng chữ “GIÓ” để gọi gió.
Mường: k-juó
Thái: wa-du / wa-giu/ph- giú/ kh-glol (chặp kh-glol là bắt gió/cạo gió)
Lào: ph-gio
Kmer: kh-gio-l/via-gio/wa-giu/ph-gio
Hmong: t-zuó, chjuó
Và người Yao thì dùng ngay chữ “GIÓ” để gọi gió
Nếu ta mở đến chữ “GIÓ” trong vần “GI” của bộ Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt –Tác giả BS-Nguyễn Hy Vọng ra thì ta sẽ thấy đến 20 dân tộc của vùng ĐNÁ nói chung một tiếng GIÓ.
Rồi đến câu chúng ta hay nói thường ngày như: “Săn sóc sức khỏe.” Chúng ta nói mà chưa bao giờ tìm hiểu chữ “săn sóc” ở đâu mà ra. Có bao nhiêu dân tộc cùng dùng bốn chữ này, hiểu một nghĩa và phát âm một cách như chúng ta.
Khi người Thái nói: săn-t là theo dõi (như đi săn con mồi) thì người Khmer nói: sok là sức khỏe.
Để rồi người Thái, Lào, Miên, Khmer đều nói: Sănth-sok hay là Săn-tỉ s-sok và
tới tiếng Việt trở thành: Săn sóc sức khỏe.
Chỉ hai chữ đơn sơ đó, cộng chung lại thành một cấu trúc ngôn ngữ tuyệt vời của vùng ĐNÁ.
Bây giờ chúng ta đọc câu thơ của thi sĩ Định Nguyên sau đây:
Đêm đêm anh đếm sầu riêng rụng
Như đếm tình anh nỗi nhớ chung
(Định Nguyên)
Ta thử dịch dòng thơ đầu bằng ngôn ngữ của những người bạn láng giềng khác nhau, khi đọc lên ta có nhận được ra không?
Đêm đêm: pđăm pđăm (Chàm)
anh: eng (Lào)
đếm tém (Hmong)
sầu riêng thô-riên (Thái)
rụng ch-ruu (Khmer)
Cả câu dịch đọc lên, nếu ta lắng nghe bằng cả tâm hồn:
Pđăm pđăm eng tém thô-riên ch-ruu.
So sánh với: Đêm đêm anh đếm sầu riêng rụng
Ta sẽ thấy cái âm phát ra rất gần với tiếng Việt mình.
Điều đó chứng minh cho ta thấy rõ tiếng Việt và các tiếng nói trong vùng ĐNÁ có liên hệ mật thiết với nhau.
Một con người với một tâm hồn yêu chữ nghĩa nói chung và tiếng Việt nói riêng đã để ra 31 năm (1981-2012) trong đời mình để tìm hiểu đến nơi đến chốn về nguồn gốc, liên hệ của tiếng Việt với các tiếng nói của những dân tộc láng giềng.
Nếu nói tuổi thọ của một người là 100 năm như ta vẫn chúc nhau (mà mấy ai có được) thì con người này đã bỏ ra 1/3 đời mình cho “Tiếng Nước Tôi”
Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng kể lại những năm đầu dọn tới Seattle từ thủ đô DC (1980)
Khi mở phòng mạch khám bệnh. Một ngày ông chỉ khám được có hai, ba bệnh nhân, vì khám bệnh cho toa xong ông ngồi nghe họ nói tiếng Lào, tiếng Miên, tiếng Kampuchia. Ông nhận thấy khi họ nói chuyện với nhau có quá nhiều tiếng Việt trong ngôn ngữ của họ. Thế là có ngay những giờ “Bệnh nhân dạy bác sĩ”. Dậy ngôn ngữ của họ: Lào, Miên, Thái, Nùng và cả tiếng Hoa.
Là một người yêu chữ, ông để tâm vào việc học hỏi và sưu tầm về nguồn gốc của tiếng Việt qua 57 ngôn ngữ của miền nam Á và ĐNÁ với 275 ngàn tiếng một (từ vựng) đồng nguyên. Ông bắt tay vào công việc này từ năm 1981 đến năm 2012 thì bộ sách hoàn thành và đến nay, ông vẫn tiếp tục bỏ ra bao nhiêu tâm huyết cho một công trình bạc tóc và nặng trĩu ngàn cân đó.
Ông đã chứng minh cho thấy tiếng Việt pha trộn giữa các nước láng giềng như Chàm, Khmer, Lào, Thái, Mã Lai, Mường v.v nhiều hơn là pha tiếng Tầu như trước đây ta vẫn tin như thế (Những Nẻo Đường Tiếng Việt-trang 232).
Ông cũng đã về Việt Nam, đến Ninh Bình học tiếng Mường một thời gian. Nhờ có người cháu nói được tiếng Mường nên ông học rất nhanh. Bây giờ ông có thể nghe và nói ngôn ngữ này. Ông cho biết ở quê nhà, những vùng như Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị rất nhiều tiếng Việt lồng trong tiếng Mường.
Ông cũng chứng minh, chính tiếng Tầu là tiếng vay mượn của nhiều tiếng nước khác, có gốc của tiếng Sanskrit, (Ấn Độ), Pali, Hy Lạp, Turkey, v.v. Nhưng đặc điểm của người Tầu là không bao giờ nói mình vay mượn của ai, không bao giờ nhắc tới và sau một thời gian nhận luôn là của mình. (NNĐTV- trang 166)
Bộ Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt gồm 3 quyển, mỗi quyển dầy trên 700 trang, khổ Magazine. “Những Nẻo Đường Tiếng Việt” sách dày 370 trang, theo Tác giả thì đây là “Chân trời tiếng Việt qua những đường nét và sắc màu đa dạng, từ cái nôi đầu đời cho đến tuổi dậy thì gần đây và nay là sự lớn mạnh qua nếp sống ngôn ngữ của ba miền.
Bs Nguyễn Hy Vọng hồi ra mắt sách năm 2014 có nói : “Tương lai tiếng Việt sẽ ra sao tùy theo niềm tin và sự đóng góp của gần 90 triệu người, trong đó có tôi và bạn…”
(Nguồn : tổng hợp)
Thảo luận
Không có bình luận