PHẦN BA
Phú Quốc, theo lời chú Năm, cũng là nơi ngày xưa từng xẩy ra những trận hải chiến giữa thuyền của vua Quang Trung Tây Sơn với hải thuyền Tiêm La. Hai trăm năm trước đây, xuất phát từ Qui Nhơn hay Nha Trang, đoàn hải thuyền của vua Quang Trung đã đi tới tận Phú Quốc và đánh thắng hải thuyền Tiêm La ở đó. Sự kiện này chứng tỏ quân đội Tây Sơn thời xưa cả hải lục đều mạnh và có tổ chức nhưng không hiểu vì sao quân đội mạnh mẽ ấy lại chóng suy tàn đến thế, vua Quang Trung vừa mất chưa được bao năm quân đội ấy đã thảm bại tan tành để cho nhà Tây Sơn bị diệt thê thảm gây cho người hậu thế bao nhiêu luyến tiếc.
Sau chuyện vua Gia Long, chú Năm kể đến chuyện một nhân vật khác mới hơn từng sống trên đảo Phú Quốc: chuyện ông Sư Muôn. Ðồng bào miền Nam, nhất là những người bây giờ đã có tuổi sống ở vùng Sài Gòn-Gia Ðịnh trong khoảng những năm 1935-1940, đa số đều biết chuyện Sư Muôn. Ông này là một nhà tu hành thuộc loại sư cải lương, mở chùa Long Vân Tự ở miệt Gia Ðịnh. Chùa có sư nam, sư nữ tu chung và ngoài những giờ tụng đọc kinh kệ, học Phật pháp còn có cả giờ tập sì-po, sư nam đánh bóng chuyền, bóng rổ, sư nữ đánh ping-pong, v.v… Tôi có được nghe một đĩa hát cải lương riễu theo chuyện Sư Muôn do một hãng đĩa hát ở Sài Gòn thâu. Ông sư văn minh này tu ở Chùa Long Vân được ít lâu thì bị dân chúng tố cáo có nhiều hành vi bê bối, trong số những hành vi này nặng nhất là chuyện sư nữ có thai và phá thai do chính Sư Muôn thực hiện. Người Pháp thời đó có lẽ muốn tránh dính vào việc mà họ cho là tôn giáo bản xứ, và cũng có lẽ đồng bào chỉ tẩy chay Sư Muôn mà thôi, không ai đứng ra tố cáo ông ta trước pháp luật, nên Sư Muôn chỉ phải bỏ Chùa Long Vân ở Gia Ðịnh để ra đi. Ông dẫn tám ni cô, những ni cô truhg thành với ông nhất, những nữ tu sống chết với Thày, chú Năm nói đúng là tám chứ không nói mơ hồ là năm bẩy hoặc chừng một chục, từ Sài Gòn xuống Rạch Giá, mướn thuyền ra đảo Phú Quốc. Tới đây ông lập chùa trên một hòn đảo nhỏ và ông tu hành cùng với tám ni cô trên đó. Ông canh tác lấy, ông nuôi gà vịt bán cho dân, dân chúng thời đó vắng vẻ, chẳng ai tò mò làm rối cuộc tu hành thần tiên của ông cho đến năm 1946 khi chiến tranh Việt Pháp nổ ra, hải quân Pháp chiếm Phú Quốc. Sư Muôn thường đem gà vịt do chùa ông nuôi được về Dương Ðông bán để mua gạo muối, vải vóc. Chẳng biết ông có thực sự liên lạc với quân Pháp hay là không, chỉ biết sau đó ông bị Việt Minh nghi là Việt gian, làm do thám cho Tây, họ bắt ông đưa lên một hòn đảo khác xử tử. Chú Năm kể rõ ông bị trói vào cột đá và chém đầu. Chú biết cả tên hòn đảo nơi ông chết, nơi bây giờ còn ngôi mộ cũng bằng đá do các sư nữ đến xây cho ông trước khi họ phân tán đi bốn phương. Chú Năm nói vanh vách đến tên những hòn đảo quanh Phú Quốc như tôi và An cũng đã biết rõ như chú vậy. Những đảo nhỏ được gọi là Hòn, có lẽ vì đó chỉ là những hòn đá lớn nổi lên trên mặt biển: Hòn Phú Dự, Hòn Dừa, Hòn Thơm, Hòn Ngang, Hòn Minh Hoa, Hòn Nghệ, Hòn Thủ Chu. Tên những đảo quá nhỏ này không được ghi trên bản đồ. Hòn Thủ Chu là nơi ông Sư Muôn từ Sài Gòn tới với tám ni cô lập chùa, Hòn Sơn Ráy là nơi Việt Minh giết Sư Muôn, cột đá nơi Sư Muôn bị trói và chém đầu, sau đó bị chôn ở Hòn Sơn Ráy tên là Hàm Ếch. Rồi chú kể tên những hòn đảo nhỏ quanh Côn Sơn: Hòn Trắc lớn, Hòn Trắc nhỏ, Hòn Tre lớn, Hòn Tre nhỏ, Hòn Thỏ, Hòn Trứng. Có tới mười ba, mười bốn hòn đảo nhỏ quanh nơi người Pháp đặt tên là Poulo Condore và trên những hòn đảo nhỏ này đều có chim yến làm tổ và đều có tổ yến. Yến ở đây không nhiều bằng yến ở những hải đảo miền Trung nhưng cũng là một nguồn lợi thiên nhiên đáng kể. Hiện lúc này Côn Sơn được chính phủ đặt lên thành một tỉnh, các ông Tỉnh Trưởng giữ quyền khai thác tổ yến ở bốn hòn đảo nhiều yến nhất. Tổ yến là nguồn lợi chắc chắn nhất và lương thiện nhất của những ông Tỉnh thời nay ở đây.
Chú Năm kể cho chúng tôi nghe cách chim yến sống và làm tổ. Không ai biết chúng ăn thức gì để sống, có người nói chúng ưa ăn bọt nước biển. Vào mùa này, khi ở miền Nam sắp là mùa mưa và đã có mưa lớn một hai trận đầu mùa, chim yến bắt đầu làm tổ. Chúng vào những hang núi tìm những vách đá nào kín nhất, sạch nhất, những vách đá ít gió và không có rong rêu, tức là không bị nước chẩy lên hoặc hắt vào. Ở đó, chim yến nhả rãi của chúng lên vách đá. Những sợi nước rãi của chúng khô lại thành những dây trăng trắng nhỏ như sợi miến, cuộn lại thành một cái tổ nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay người. Chúng nhả rãi như thế làm trong khoảng hai mươi ngày thì xong một tổ. Xong, chim cái nằm vào tổ đẻ trứng và nằm ấp trứng. Tổ yến này nếu chim vừa làm xong mà đến lấy đi ngay thì sạch, không có lông chim, trắng và bán được nhiều tiền. Khi yến bị mất tổ, lập tức chim tìm chỗ khác và nhả rãi làm một tổ khác. Chim cứ tiếp tục nhả rãi làm tổ mãi cho đến khi nào chúng có tổ nằm đẻ và ấp trứng mới chịu thôi. Những tổ yến được làm sau vì chim đã yếu, hết nước rãi nên nhỏ hơn. Có khi nước rãi của những chim yến bị mất tổ nhiều lần nhả ra có lẫn cả máu nên tổ yến có sắc hồng, người ta gọi những tổ yến sắc hồng này là yến huyết và cho là quí hơn, bổ hơn những tổ yến bạch. Theo lời chú Năm, người từng đi lấy tổ yến và từng ăn từng nồi yến nấu với đường cát trắng, yến huyết thật ra không có gì bổ hơn là yến trắng như người ta vẫn tưởng. Sở dĩ tổ yến có dính máu chỉ là vì yến đã nhả hết rãi mà vẫn cứ cố nhả mãi nên rãi có dính cả máu mà thôi.
Ðến Côn Sơn, cả bốn người chúng tôi cùng vào gặp vị đại diện chính quyền ở đây. Tỉnh Trưởng là một vị Thiếu Tá từng giữ chức Quản Ðốc Trung Tâm Cải Huấn Trung Ương, tức khám lớn Chí Hòa, nhiều năm. Ông có vẻ là một quân nhân cương quyết nhưng bề ngoài hiền hòa, thản nhiên, ông rất hiếu khách. Có lẽ ông hiếu khách vì cuộc sống coi tù trên đảo buồn quá, đảo có rất ít khách từ Sài Gòn đến và vì công vụ, ông không có dịp nào về được Sài Gòn. Tỉnh có đủ các ty, sở nhưng chỉ quanh quẩn trong một khu ven biển lớn không bằng một quận lỵ nhỏ nhất trong đất liền. Thiếu Tá Tỉnh Trưởng cho phép chúng tôi ở lại với điều kiện không được quay phim trên đảo, không được quay phim tù nhân hay tiếp xúc với tù nhân. Ở đây trừ những tù nhân nguy hiểm bị tù cấm cố hay vi phạm kỷ luật bị giữ trong khám, có nhiều tù nhân được tự do đi lại trên đảo suốt ngày để làm việc như trồng rau, nuôi heo, sửa đường xá, tạp dịch trong những ty, sở. Trong những giờ nghỉ, tù nhân có quyền xuống biển bắt cá đem ra chợ bán lấy tiền tiêu riêng. Chúng tôi được phép quay phim về tổ yến và cách lấy tổ yến ở những hòn đảo nhỏ ngoài kia.
Chúng tôi bắt tay vào việc. James và chú Năm là hai người làm việc nhiều nhất. Họ có vẻ ăn ý nhau. Chú Năm biết hai câu tiếng Mỹ. Ðó là Yes và No nhưng chú đoán được ý muốn của James. Họ nói chuyện với nhau bằng tay và dễ hiểu nhau hơn là khi có tôi hay An ở đó để thông ngôn cho họ. An là người nhàn rỗi nhất. Nàng mang máy ảnh một mình đi lang thang suốt ngày trên bãi. Nàng thích hỏi chuyện những tù nhân được ra làm việc bên ngoài mặc dầu chồng nàng đã dặn nàng đừng hỏi chuyện tù nhân theo lời anh đã hứa với Thiếu Tá Tỉnh Trưởng. An cãi rằng nàng chỉ hỏi chuyện như người Việt hỏi thăm người Việt, nàng không chụp ảnh tù nhân và nàng cũng không dùng những lời tù nhân nói vào việc gì hết. Tôi cho rằng James có lý khi anh nói rằng những người có quyền trên đảo không biết như vậy và họ sẽ khó chịu khi thấy nàng nói chuyện với tù nhân với chiếc máy hình sẵn sàng để chụp trước ngực. Việc này gây ra trận cãi lộn đầu tiên giữa vợ chồng An.
Quay phim ban ngày không có gì khó. Các cuộc quay phim ban đêm mới vất vả, chú Năm phải đi chọn trước, thăm thú trước những hang đảo ở xa Côn Sơn nhất, ít người lui tới nhất, những hang đá có nhiều yến ở nhất. Mọi việc đều phải sắp sẵn trước hoàn toàn vì mỗi lần đèn bật lên là yến trong hang ào ào bay ra như mưa, chỉ một loáng là trong hang không còn một con nào cả.
Một chiều gần tối, khi cho thuyền chạy ra hòn đảo được chọn để quay phim đêm nay, tôi thấy chú Năm đem xuống thuyền một bình rượu đế. Chú cười và quan trọng bảo tôi:
– Tôi làm bình rượu này tuyệt lắm. Rồi cậu sẽ biết. Cậu có bao nhiêu bệnh nan y thuốc Tây không trị được khai hết cả ra với tôi coi nào. Uống rượu yến này của tôi cam đoan cậu sẽ hết mọi bệnh. Bảo đảm với cậu là cậu sẽ dứt luôn chứng sốt rét mang vô đây từ Việt Bắc của cậu…
Chú tìm được một hang yến có nhiều yến mới nở. Ðêm nay, sau việc quay phim, chú sẽ làm một cuộc lấy trộm tổ yến. Chú leo lên vách đá cậy tổ yến bỏ vào túi đeo trước bụng. Phải là người có nghề mới trèo lên được những vách đá cheo leo, trơn nhẵn không chỗ bấu víu. Hàng trăm con chim yến mới nở nhỏ bằng đầu ngón tay, chưa mở mắt, đỏ hồng, chưa có một sợi lông, được chú bỏ tõm vào bình rượu. Chỉ một lúc sau soi đèn vào bình rượu, tôi thấy rượu trở thành đỏ tươi. Xương thịt những con chim nhỏ xíu ấy đã tan ra trong chất rượu mạnh.
Ðêm ấy, sau khi quay phim, chúng tôi cho thuyền đưa James trở về Côn Sơn với An, tôi và chú Năm ở lại trên hòn đảo nhỏ này, hòn đảo nhỏ trơ vơ giữa biển. Chú Năm mang sẵn gà quay, cơm nếp, nước ngọt và nồi gang theo. Chú sẽ nấu một nồi yến và dọn tiệc ăn ngay trên bãi cát dưới trăng, bữa tiệc đặc biệt chỉ có tôi và chú hưởng thụ. Rồi chúng tôi sẽ ngủ ngay trên cát. Tôi dự định sẽ thức hết đêm nay, thức để xem đêm đi qua trên hải đảo như thế nào, thức để mai sau khi nghĩ lại chuyến đi này, ký ức tôi sẽ nổi bật hình ảnh một đêm dài không ngủ trên đảo vắng.
Trăng lên, trời biển sáng vằng vặc, tôi ngồi dựa lưng vào một gốc dừa trên bãi biển, miệng hút pipe thuốc Half and Half, tâm hồn nhẹ nhõm và lâng lâng. Tôi ngồi đó tưởng tượng đến những nhà Ðăng-xinh ở Sài Gòn vào giờ này đang đầy nghẹt những người, đầy khói thuốc lá, khói thuốc lá ở đó nhiều đến nỗi làm cho những người mới đi nhẩy, chưa quen với không khí của tiệm nhẩy, sau mỗi đêm ở đó về nằm ngủ nước mắt chảy ràn ra. Tôi nghĩ đến những gã bạn tôi đang ăn chơi hoặc đang vất vả kiếm tiền để ăn chơi bằng đủ mọi thứ nghề ở Sài Gòn, và đây là lần thứ nhất trong những lần đi xa Sài Gòn, tôi không thấy khổ sở vì phải xa Sài Gòn. Những lần xa Sài Gòn trước đây, mỗi khi ngồi mơ về Sài Gòn như thế này, tôi đều có cảm tưởng như tôi đang chết, như chỉ có những người đang ở Sài Gòn mới được sống, như có được sống trong lòng Sài Gòn tôi mới là sống.
Nhìn khuôn mặt xương xương của chú Năm với đôi gò má cao gồ, với xương quai hàm bạnh, với đôi lông mày rậm được ánh lửa của bếp nấu nồi yến bập bùng soi sáng, tôi nghĩ đến chuyện tôi là chàng Robinson sống trên hoang đảo, tôi nẩy ra ý muốn được sống mãi cuộc sống phiêu lưu này, chỉ thỉnh thoảng mới về Sài Gòn với một bộ râu phong trần, về để đập phá, để ăn chơi, để yêu đương vài người đàn bà sống với nghề ca-ve, tức gái nhẩy, rồi lại đi.
Trong tiếng gió phần phật và tiếng sóng ì ầm, bỗng có tiếng máy tầu nổ tạch tạch ngoài bể xa vang lại. Chú Năm nghe thấy tiếng máy tầu trước cả tôi. Chú chạy ra bãi cát, tôi đến gần chú và cùng nhìn về phía phát ra tiếng động:
– Tầu Hải quân đi tuần chắc? – Chú Năm cất tiếng – Tiếng máy này nghe như tiếng máy tầu của mình chứ không phải tầu Hải quân…
Bóng chiếc thuyền lờ mờ hiện ra trên sóng. Chú Năm reo lên như một đứa trẻ:
– Thuyền nhà mình… Ông Phốt Tưa trở lại ăn tiệc với mình, ngủ lại đây với mình… Ổng chán ngủ với bà An rồi…
Có tiếng người gọi chúng tôi từ ngoài biển vọng vào. Gió bạt tiếng gọi đi, nghe lúc xa, lúc gần, như tiếng gọi trong giấc mơ. Chú Năm cẩn thận đặt bếp khuất sau những tảng đá để cho tầu Hải quân đi tuần bên ngoài không nhìn thấy, tránh việc họ lên đảo hỏi han lôi thôi, khi chú biết chắc thuyền người nhà trở lại, chú cầm cây củi đang cháy lên múa như một cây đuốc để trả lời. Tôi chạy xuống triền nước đón thuyền. Nhưng người đứng trên mũi thuyền là An chứ không phải là James. Từ trên mũi thuyền trờn tới nàng nhẩy xuống bãi khi thuyền chưa ngừng hẳn, nước biển tóe lên ngực tôi, nàng loạng choạng ôm chầm lấy tôi và cất tiếng cười khanh khách:
– Xấu quá… Ði ăn, đi chơi một mình…
Nàng trách tôi và tay nàng vẫn không rời nắm cánh tay tôi, chúng tôi đứng cạnh nhau với nước biển ở dưới chân. Chưa bao giờ nàng tỏ ra thân mật với tôi đến thế:
– Thấy anh và chú Năm không về, em biết ngay là anh có trò gì vui đêm nay rồi… Em hỏi ông tài… Ổng phải khai hết với em ngay… Ðâu, các cô bạn của anh với chú Năm trốn đâu cả rồi…? Mời ra đây cho em được làm quen chớ…
Tôi cười và đỡ nàng đi lên bãi:
– Làm gì có ai là đàn bà. Ở trên đảo này chỉ có tôi với chú Năm, và bây giờ, có thêm An. Có nồi yến nữa thôi. Ðang nấu. An ra vừa vặn để ăn yến. James đâu?
– Hắn ở nhà không đi. Nếu có hắn ở đây đêm nay, em đã không ra…
Qua giọng nói của An, tôi biết vợ chồng nàng lại vừa cãi nhau một trận nữa và nàng tự ý ra đây mặc dầu chồng nàng không bằng lòng. Tôi cảm biết chú Năm hơi lo vì việc An một mình ra đảo đêm nay không có chồng nàng đi theo nhưng nỗi lo của chú cũng chóng tan biến đi ngay. Ðêm nay trời biển quá đẹp, quá thơ mộng. Giữa cảnh bao la, bát ngát, trong sạch này, khi mà hơn 2,000 triệu con người, có sách nói rằng gần 3,000 triệu con người, với cả 200 giống dân, chỉ thu gọn lại còn có ba người, khi cả trái đất rút lại còn có một hòn đảo nhỏ, những nỗi lo buồn thường ngày và thường tình của loài người không còn đất đứng, không còn có thể có mặt, không còn hành lạ được người sống. Chúng tôi bầy thức ăn lên bãi cát. Dưới ánh trăng, cả ba chúng tôi cười đùa hồn nhiên như những đứa trẻ thơ.
Mỗi bát yến lèo tèo vài sợi yến thật còn thì toàn là yến giả, được long trọng tiêu thụ ở những cao lâu lớn nhất Sài Gòn, kém xa những bát yến của bọn tôi đêm nay. Những ly rượu yến đỏ tươi được rót ra. Chú Năm và tôi thi nhau uống. An cũng uống vài ly nhỏ. Sau khi ăn no, uống say, máu nóng rạo rưc như muốn làm nổ huyết quản trong thân xác chúng tôi. Chú Năm cởi trần như mọi da đỏ nhẩy Tuýt với An trên bãi cát. Tôi đứng bên vỗ tay cho họ nhẩy. Chú Năm biểu diễn solo như đánh vật với không khí cho đến lúc chú mệt, rượu bốc làm mờ mắt, chú ngã lăn trên cát, nằm thở dốc. Tôi và An đứng nhìn nhau, nàng chợt nói:
– Uống rượu nóng quá. Xuống biển tắm cho mát…
Nàng quay phắt đi và nhanh như một con nai tơ, chạy về phía sau đảo, về bãi biển khuất sau những ghềnh đá trắng toát dưới ánh trăng. Tôi loạng choạng chạy theo nàng, mắt tôi cũng mờ đi vì rượu.
Tôi khó nhọc trèo qua ghềnh đá, suýt ngã mấy lần trên những mỏm đá nhẵn lì vì sóng biển. Trên một mũi đá, tôi trông thấy bóng người đàn bà đứng nổi bật trên sóng biển và nền trời. Khi vượt qua được những mũi đá ướt và nhọn để tới gần nàng, tôi không thấy nàng đâu cả. Mặt biển dưới chỗ nàng đứng phản chiếu ánh trăng thành một vũng bạc sáng ngời. Dường như nàng vừa nhẩy xuống vũng bạc đó vì tôi thấy nước ở đó rung động. Mắt tôi hoa lên, da thịt tôi nóng điên, gan ruột tôi như bốc lửa, tôi cũng cần nước mát làm dịu chất rượu. Mắt vẫn nhìn quanh tìm nàng, tôi cởi vội quần áo quăng bừa trên cát.
Tôi nhẩy xuống nước, phóng mình ra xa. Khi nổi lên, tôi vẫn không thấy An. Chỗ đó có nhiều sóng, những làn sóng theo nhau đánh vào bờ. Rồi tôi nhìn thấy nàng ở một chỗ cách tôi chừng hai mươi sải tay. Có tiếng nàng cười vang trên sóng:
– Ê… Ðố bắt được đấy…
Tôi nhoài mình bơi tới nhưng nàng đã lặn sang chỗ khác. Làm sao nàng bơi nhanh được bằng tôi. Tôi trước đó mười lăm năm, mùa hè ở Hà Nội, vẫn từng bơi ngang Hồ Tây. Tôi hụp xuống lặn đến chỗ nàng nhưng nàng, tuy chưa từng bơi ở Hồ Tây, cũng nhanh không kém. Khi tôi nổi lên nàng vẫn ở cách chỗ tôi khoảng mười sải tay. Tôi bơi nhanh tới rồi bơi nhanh tới, bơi hết sức nhanh. Tôi bắt đầu thấm mệt và vì vô ý, tôi bị sóng đánh vào miệng, tôi sặc nước, tôi ho. Tiếng cười của nàng vang lên gần đó như khiêu khích, như kêu gọi tôi. Tôi nhắm mắt bơi về phía tiếng cười. Có lúc tôi đã vớ được tay hoặc chân nàng, mình nàng trườn khỏi vòng tay tôi, trơn như một con cá lớn. Tôi bắt được nàng, tôi ôm chặt nàng để nàng không còn thoát được. Nàng chống cự và tôi dìm nàng xuống nước mặc dầu tôi không muốn. Tiếng cười của nàng lẫn trong tiếng ho sặc nước…
Sóng đánh chúng tôi ra xa bờ. Khi tôi tỉnh lại đủ để ghi nhận nguy hiểm, chúng tôi đã dạt ra khá xa bờ, dưới chân tôi chỉ có khoảng không đầy nước. Tôi la lên bảo An bơi vào nhưng đến lúc đó, không biết nàng giả vờ hay nàng mệt thật, tôi thấy chân tay nàng bất động. Vừa buông nàng ra, tôi thấy nàng chìm lỉm.
Tôi lại ôm nàng và dìu nàng bơi vào bờ. Khi hai chân tôi đặt lên được trên mặt cát, tôi không biết tôi đỡ nàng hay nàng đỡ tôi đi lên cạn. Tôi chỉ biết chúng tôi ôm nhau đi lên được tới triền cát và chúng tôi cùng ngã xuống. Chúng tôi thở dốc và vòng tay đàn bà như từ mặt cát bay lên choàng lấy cổ tôi.
Ðến lúc ấy, tôi mới biết là nàng trần truồng.
Thảo luận
Không có bình luận