//
you're reading...
Bút ký, góp nhặt cát đá, thời đã qua

Giữa hai dòng nước (2) * Hoàng Hải Thủy

(Tiếp theo kỳ trước)

PHẦN HAI

Ngay từ phút đầu, tôi đã không gọi An bằng bà, có lẽ vì tôi thấy nàng nhí nhảnh, hồn nhiên và hãy còn như ngây thơ, nàng không giống chút nào với hình ảnh những người đàn bà lấy chồng ngoại quốc mà tôi đã có thời xửa, thời xưa khi tôi đọc phóng sự Kỹ Nghệ Lấy Tây của Vũ Trọng Phụng. Và nhất là vì nàng hãy còn trẻ.

– Ði làm việc này sẽ vất vả lắm, An không sợ ư?

Tôi gọi nàng là An và cô và nàng không để lộ vẻ gì bất mãn hay thích thú vì hai tiếng cô ấy:

– Tôi muốn đi coi phong cảnh nước mình. Tôi chưa được biết gì về nước mình ngoài Huế và Sài Gòn. Thời nhỏ tôi sống ở Huế, lớn lên tôi vào Sài Gòn rồi ra ngoại quốc. Người Việt Nam như tôi thật là bậy…

Nàng cười, nụ cười hồn nhiên và không có lý do, hàm răng nàng trắng bóng, sạch và đẹp, lộ ra giữa hai đường môi hồng hơi mỏng:

– Anh biết không… tôi là người Việt Nam mới chỉ biết có hai thành phố Việt Nam trong khi tôi đã đi gần hết nước Mỹ. Hoa Kỳ rộng lớn lắm, nói là đi hết thì bậy nhưng tôi đã qua chừng ba mươi tiểu bang của họ, ngay cả người Mỹ cũng ít người đi hết được nước Mỹ. Tôi sống nhiều nhất ở California, Texas. Tôi có sang Mexico. Về Âu Châu, tôi được đến Paris, Roma, Brussels, Vienna… Ở Á Châu, tôi đã đến Manila, Hongkong, Tokyo… Ở Việt Nam, ngoài Huế và Sài Gòn, tôi chỉ mới được đi chơi ít ngày ở Ðà Lạt và Vũng Tàu. Tôi tức nhất là không có dịp được ra Hà Nội. Bây giờ có dịp được đi trong nước là tôi đi. Người Việt mình phải sống trong nước ai cũng ao ước đi ngoại quốc, tôi thì nếu phải chọn giữa đi ngoại quốc và đi trong nước, tôi bỏ đi ngoại quốc ngay… Ði các nơi thấy nước người ta tiến bộ quá mà nước mình thì nghèo, chỉ thêm buồn.

An nói cho tôi biết chồng nàng phản đối việc nàng theo đi quay phim. Nhưng sự phản đối ấy dù có quyết liệt đến chừng nào đi chăng nữa, vẫn không phải là một hành động cấm đoán. Chồng nàng không cấm được nàng và anh cũng không có ý muốn cấm nàng, muốn ra lệnh cho nàng. Người Mỹ rất trọng phụ nữ. Người phụ nữ trong xã hội Mỹ có nhiều quyền mặc dầu họ vẫn sống bám vào chồng. Người vợ Mỹ có quyền làm theo ý mình, sống theo ý mình dù chồng họ có không bằng lòng. Nghe An nói, tôi nghĩ nếu chồng nàng là người Việt Nam, có lẽ nàng đã lãnh vài cái bạt tai, đôi khi thêm… vài cái đạp. Tôi đoán nàng là người đàn bà bướng bỉnh và thích làm theo ý mình.

– Tại sao ông ấy lại không muốn cho cô đi theo? – Tôi hỏi – Có cô đi làm thông ngôn, ông ấy đỡ phải mượn tôi. Có hơn không?

– James không tin tôi… James không tin là tôi có đủ tiếng Mỹ để thông ngôn… Có thể James còn không tin rằng tôi có đủ tiếng Việt nữa… James khó tính lắm…

– Tôi lại thấy ông ấy dễ tính…

Nàng gật đầu:

– Anh nhận xét đúng đó. James thuộc loại đàn ông dễ tính với đàn ông nhưng rất khó khăn với đàn bà, nhất là khó với vợ.

Và nàng nhìn tôi như để đánh giá tôi:

– Anh có vẻ mến James. Tôi chắc trong công việc, anh và James sẽ hợp nhau. Người Mỹ họ thích những người trẻ và hoạt động. Họ không thích ngồi rỗi. Với họ, nhàn rỗi như là chết vậy. Anh đừng nghĩ là họ hăng hái làm việc chỉ vì mục đích kiếm tiền. Họ thích làm việc. Như James chẳng hạn, nếu bây giờ James phải chọn giữa hai việc, một việc làm việc nhiều nhưng ít tiền và một việc được lãnh nhiều tiền nhưng chỉ ngồi chơi, tôi tin James sẽ chọn việc phải làm nhiều. Tôi đã từng thấy nhiều người Mỹ như James. Anh không nghĩ rằng tôi đề cao họ chớ?

Tôi chưa biết An đã sống chung với người Mỹ trong xã hội của họ trong bao nhiêu lâu, tôi chỉ thấy nàng có lối hỏi thẳng ngay vào việc của người Mỹ, những câu hỏi không bóng gió xa xôi, bằng lòng hay không, “Yes or No?”. Lối hỏi này hay vì thẳng thắn, được việc nhưng dở vì nhiều khi trắng trợn.

Không để cho tôi bày tỏ ý nghĩ của tôi về cá tính của những người Hoa Kỳ, An nói sang chuyện khác:

– Trước năm 1954, trước ngày ký Geneve chia đôi đất nước mình, anh ở đâu? Tôi sống ở Huê Kỳ bẩy năm rồi. Ðây là lần thứ hai trong vòng bẩy năm tôi về nước. Lần trước mẹ tôi mất, tôi chỉ về nước được có bẩy ngày. Anh thấy tôi nói tiếng Việt có ngượng lắm không? Tức cười quá, lúc mới về tới phi trường, tôi nói với mấy ông phu khuân vác. Tôi cố tình nói tiếng Việt và yên trí mình đang nói tiếng Việt nhưng mở miệng ra là cứ nói tiếng Mỹ. Chắc các ông ấy chửi tôi làm tàng quên tiếng mẹ đẻ…

Bẩy năm, An lấy chồng xong là theo chồng về Mỹ, nhưng họ vẫn chưa có với nhau đứa con nào. Có lẽ họ không muốn có con. Tôi được An cho biết James đã có một đời vợ và hai đứa con một trai, một gái đang đi học ở Hoa Kỳ. James và người vợ Mỹ trước ly dị nhau. James sang Việt Nam gặp nàng, yêu nàng, cưới nàng làm vợ và đưa nàng trở về Hoa Kỳ, để rồi bây giờ vợ chồng họ lại trở về Việt Nam. Rất có thể James chỉ sốt sắng nhận việc quay phim ở Việt Nam để có dịp đưa vợ anh trở về quê hương nàng, cho nàng đỡ nhớ quê hương.

Năm ngày sau, chúng tôi – James Foster, ông trưởng đoàn, An, tôi và chú Năm lên đường ra Vũng Tầu. Chúng tôi ở lại đây vài ngày để làm quen với chiếc du thuyền James mướn trong chuyến đi biển này trước khi khởi hành đi Côn Sơn và Phú Quốc. Tuy tôi đã nói rõ với James về tình trạng Côn Ðảo, anh cũng vẫn muốn đến thăm cho biết, dù là không được quay phim ở đó.

Du thuyền James mướn thuộc loại thuyền gỗ vừa có buồm vừa gắn máy. Du thuyền này đẹp ngang với du thuyền Hương Giang của Cựu hoàng Bảo Ðại, du thuyền Hương Giang không biết bây giờ phiêu lạc đi đâu, về tay ai. Du thuyền James mướn nguyên là của Công Ty Ðồn Ðiền Cao Su Terre Rouge chuyên dùng để chở những ông chủ Tây đồn điền đi chơi trên biển. Thuyền tên là Neptuna, có hai ca-bin. Ca-bin chính có máy điều hòa không khí, có phòng tắm riêng, trang hoàng lịch sự, dành cho vợ chồng James. Tôi và chú Năm ở trong ca-bin nhỏ. Chú Năm biết lái du thuyền này, James cũng biết điều khiển du thuyền, tôi phụ lực với họ.

Tới Cấp, chúng tôi xuống ở ngay dưới thuyền. An thích tắm biển. Nàng bận bộ bikini mousse mầu xanh rêu viền trắng, trông thân thể nàng đẹp và gọn như một Lolita đôi mươi. Trong những ngày ở Cấp, khi chú Năm và James xem xét máy móc du thuyền, cho du thuyền chạy thử, chuẩn bị mọi thứ, An và tôi suốt ngày nằm trên bãi. An thoa một chất dầu nắng lên người và làn da nàng hồng lên như mầu bồ quân, có chỗ trông như hổ phách. James bơi thật giỏi. Anh có thể bơi không dai sức bằng chú Năm nhưng anh bơi nhanh hơn, mạnh hơn. Anh tắm biển ít và anh thích câu cá. Ngoài những dụng cụ quay phim, anh mang theo súng trường, súng bắn cá dưới nước, đồ lặn và nhiều cần câu cá. Lúc rảnh, James mướn một chiếc thuyền nhỏ ngồi một mình ở những đầu ghềnh đá vắng câu cá. Trong cái cộng đồng gồm bốn người này, James như một đơn vị biệt lập tuy vẫn gần nhưng vẫn riêng hẳn với ba đơn vị kia.

Trong một lúc vắng An, chú Năm rủ rỉ nói với tôi:

– Sao tôi ngại chuyến đi này quá. Ði biển mà có đàn bà, khó tránh được chuyện lộn xộn. Tôi coi bà này làm sao ấy… Khó nói quá. Sao ông ấy già rồi mà lại lấy vợ quá trẻ? Vợ thiệt chứ đâu phải gán ghép chơi bời, phải không cậu?

Thường thì anh gọi tôi là thầy, những lúc thân mật anh gọi tôi là cậu. Cậu đây là cậu em theo lối gọi thân mật mà anh thấy ở những người bạn sinh trưởng ở miền Bắc, không phải cậu là em mẹ mình, cậu ngang với dượng như danh từ cậu được dùng ở miền Nam. Khi nghe anh nói thế, tôi cười anh vì nghĩ anh ngây ngô, sợ hão nhưng tôi không ngờ ở những người bản tính chất phác, thành thật và đơn sơ như anh, linh tính cảm nhận được có tình yêu đâu đây, tình yêu sắp đến cũng thật mạnh. Chú Năm đã nhìn thấy tôi và người thiếu phụ ấy sẽ yêu nhau trước cả khi tôi nghĩ rằng tôi có thể yêu nàng.

Tuy cười nhưng tôi cũng cảm thấy hai má nong nóng. Kể từ ngày có An xuất hiện, tôi đã gần nàng quá nhiều. Tôi tự bào chữa với ý nghĩ chuyện chúng tôi gần nhau là chuyện tự nhiên, không có ẩn ý, và tôi đoan quyết:

– Chú sợ… bà ấy và tôi lộn xộn chứ gì? Chú yên trí đi. Làm gì có chuyện đó. Tôi không bậy bạ đâu. Bà ấy quen sống theo lối Âu Mỹ nên tự do, cởi mở như vậy đó thôi.

Chú Năm giơ bàn tay gân guốc lên xoa mái tóc quăn và chú nhìn An, trong bộ bikini, làn da nâu hồng, đi từ triền nước lên chỗ chúng tôi ngồi, hàm răng nàng cười sáng trong ánh nắng.

– Tôi không dám khuyên cậu… nhưng tôi cũng phải dặn cậu coi chừng. Ðể có chuyện bê bối xẩy ra trong chuyến đi này thì thật là… nhục quốc thể.

Tôi phải cố gắng để khỏi phì cười vì danh từ “nhục quốc thể” quan trọng chú dùng. Chú hạ giọng nói vội:

– Không có bà ấy đi chuyến này, tôi yên tâm hơn. Trông bà ấy tắm với cậu, ngồi nằm cạnh cậu, tôi ngán quá. Coi bả hấp dẫn chịu không nổi. Thiệt mà… Cậu đừng có cười. Cậu chết lúc nào không biết đó. Ổng bắn súng hay vàng trời… Tôi được coi ổng bắn súng ngoài biển đêm qua. Ổng bắn mấy lon la-ve liệng xuống biển. Trúng bóc bóc. Mười phát không trật một. Ðừng quên ổng có súng nghe cậu. Chồng Mỹ cũng ghen như người Việt mình vậy. Có khi họ còn ghen hơn là khác… Mình ghen mình không dám làm dữ chứ họ ghen là họ nổ liền…

Sống xa quê hương lâu ngày, An thèm ăn mắm ruốc, mắm nêm, mắm tôm Huế, khô mực, đậu phụng, bánh hỏi thịt nướng, bánh xèo, nước mắm. James cho những thứ đó đều không có vệ sinh nhưng vì lịch sự, anh không ngăn cấm vợ anh ăn những thức ăn mọi rợ đó trước mặt chúng tôi. An biết thế và nàng càng ăn dữ, như ăn để trả thù những ngày nàng phải nhịn thèm, nhịn nhạt ở Huê Kỳ. Nàng kể chuyện ở bên đó người ta không ăn thịt mỡ luộc như ở Việt Nam, người ta ăn toàn thịt nạc và không có nơi nào bán thịt mỡ để nàng có thể mua về nhà luộc ăn cho đỡ thèm. Muốn ăn thịt mỡ, nàng phải năn nỉ người giao thịt đến nhà xin dùm cho một miếng ở lò thịt. Tất cả những món, kể cả những món ăn Tầu do chính người Tầu nấu ở Mỹ đều có bơ hoặc có mùi bơ, cơm Việt Nam nấu ở bển vì không đủ gia vị cũng biến thành món ăn lai Mỹ. James cũng ăn cơm nhưng anh chỉ ăn cơm nếp với giò chấm muối hoặc thịt nguội, thịt hộp. Anh nhìn vợ anh ăn mắm nêm với đôi mắt ái ngại của người khỏe mạnh nhìn một kẻ sắp chết vì dịch tả ăn những miếng cuối cùng.

o O o

Thuyền rời mũi Ô Cấp vào lúc năm giờ chiều. Nước lớn, biển lặng, du thuyền lướt đi êm như trên sông lớn. Ðêm xuống, trăng lên. Ðêm nay trăng thật sáng. Cảnh vật này hứa hẹn với chúng tôi một chuyến đi êm đẹp, gặt hái nhiều kết quả. Tôi như người mê mẩn nhìn ngắm mặt trăng. Ở trong thành phố, tôi vẫn thèm được thấy mặt trăng, được ngồi trong ánh trăng chan hòa, vằng vặc, được sống những đêm chỉ có ánh trăng soi chứ không còn ánh sáng của bất cứ thứ gì khác. Ở thành phố, ánh đèn làm người ta quên mất ánh trăng, những căn nhà chật hẹp, chen lấn nhau cũng không cho phép người ta nhìn thấy được mặt trăng. Giờ đây, khi vừa đi xa thành phố, tôi đã gặp mặt trăng thật đẹp.

Chín giờ tối, những dẫy đèn ở Cấp đã chìm mất nơi chân trời, trăng sáng tỏ như ban ngày. Chú Năm và tôi ngồi trong phòng lái. Chú Năm lái thuyền và tôi ra đó ngồi ngắm trăng, nói chuyện với chú. An lên đó ngồi với chúng tôi. Ðêm nay, chú Năm sẽ lái thuyền đến hai giờ sáng, James sẽ thế chú lái đến tám giờ sáng hôm sau. Chúng tôi chỉ đi đêm có một đêm nay mà thôi. Sau ngày mai, thuyền sẽ chỉ đi toàn ban ngày.

Ðêm nay, An bận áo sơ-mi nylon mầu đỏ, hai vạt áo buộc lại trước bụng, quần jeans xanh, chân đi dép cói, một dây nhung đỏ buộc cho tóc khỏi bay. Nàng ngồi hơi xa chúng tôi, lưng dựa vào thành ca-bin, nghe chú Năm kể chuyện.

Chú Năm đã đi nhiều và sống nhiều. Chú đi nhiều trên rừng núi cũng như trên biển. Từ năm mười lăm tuổi, chú đã theo thuyền buôn của ông thân chú tải hàng đi Tân Gia Ba, Hương Cảng, Hải Nam. Phần nhiều những chuyến đi đó đều có hàng lậu. Chú đã đặt chân lên gần hết những hải đảo quanh nước ta. Và chú kể chuyện rất có duyên, tuy chất phác, không khoa trương, không thổi phồng sự thật hoặc làm cho sự thật thành mơ mộng để tự đề cao, những chuyện chú kể hấp dẫn người nghe một cách lạ lùng. Hấp dẫn có lẽ chính cái cảm giác mình được nghe một chuyện thực, mình không bị lừa dối. Chú có những nhận xét tế nhị chỉ những người thành thật lắm mới có, và ký ức của chú cũng thật mạnh, chuyện xảy ra từ những năm xa xưa nhưng chú vẫn kể lại được với những chi tiết nhỏ nhặt nhất, chú có cái biệt tài trời cho của những người kể chuyện có duyên là làm dĩ vãng sống lại, đặt chuyện đã xảy ra trở vào hiện tại.

Những cảnh chú Năm diễn tả bằng giọng nói còn nhiều lơ lớ như vẽ ra bằng những nét vàng son rực rỡ trước mắt tôi. Chắc An cũng mê nghe chuyện chú Năm kể như tôi vì tôi thấy nàng ngồi yên nghe cả giờ đồng hồ trong lúc thuyền lướt trên sóng bạc ra khơi, đi thẳng vào vùng ánh sáng bàng bạc thần tiên của đêm trăng trên biển. Làn môi nàng hé mở để lộ đường răng trắng và đôi mắt nàng sáng long lanh trong ánh trăng.

Chưa sống gần nhau được bao lâu, chúng tôi dường như đều đã có cái cảm giác như đã quen biết, đã thân thiết và đã hiểu biết nhau từ lâu lắm. Cuộc sống thu hẹp lại trên chiếc du thuyền này đã gây cho chúng tôi cái cảm giác gần gụi ấy và mỗi giờ, mỗi phút đến và qua tô đậm thêm. Thế giới thâu hẹp lại trên phạm vi một chiếc thuyền và loài người cùng không biết bao nhiêu chủng tộc đã thâu lại còn có bốn người và hai mầu da, hai giống người. Phần cô đơn nghiêng nặng về phía người Mỹ James M. Foster, nhưng anh có vẻ không coi chuyện đó là quan trọng. Tôi không thấy có phút nào James tỏ ra thèm nói chuyện hoặc muốn hòa mình với chúng tôi.

Chú Năm kể chuyện về những hải đảo ở ngoài biển cực Nam Việt Nam, nhiều nhất là chuyện về đảo Phú Quốc, hòn đảo nếu xét theo vị trí biển, nằm gần đất Cao Miên hơn là đất Việt Nam, từ Phú Quốc thả thuyền theo gió đi vào tới bờ đất Cao Miên chỉ mất có sáu tiếng đồng hồ trong lúc muốn về Rạch Giá, nơi gần với Phú Quốc nhất, phải mất ít nhất là mười hai tiếng. Mới đây, người cầm đầu chính phủ Cao Miên là Thái Tử Sihanouk thực hiện chính sách bất thân thiện với chính phủ Việt Nam miền Nam, có nói xa gần đến việc định đòi lại đảo Phú Quốc. Ðảo Phú Quốc với lãnh thổ Việt Nam có thể được ví với đảo Ðài Loan của lục địa Trung Hoa. Ðảo có nhiều di tích của vua Gia Long đời nhà Nguyễn khi ông chỉ mới là Nguyễn Ánh và đang bôn ba mưu đồ vương vị. Ðảo Phú Quốc trong một thời được coi là căn cứ điểm của vua Gia Long. Ðảo dài khoảng bẩy mươi cây số và chiều ngang, ở chỗ lớn rộng nhất, khoảng năm mươi cây số, đảo có nhiều gỗ quí, nhiều dừa, nhiều cọp, nhiều voi, nhiều cá biển. Ðặc biệt ở đây có loài chó mà những người sành về giống chó nói là khôn nhất, quí nhất Việt Nam, chó nhỏ thôi nhưng người ta nói cả đến hổ báo cũng phải sợ. Phú Quốc có Dương Ðông là thị trấn, nơi sản xuất nước mắm ngon nổi tiếng. Ở đầu kia của đảo, đối lại với Dương Ðông là khu gọi là Cây Dừa, hoặc An Thới, nơi trước kia có một nhà máy làm sà-bông bằng dầu dừa của người Pháp, nơi trước năm 1954 có một trại giam 12,000 tù binh Cộng Sản. Vào khoảng năm 1948, một số đơn vị Quốc Quân Trung Hoa bỏ lục địa trước làn sóng tấn công của Trung Cộng đã dùng thuyền đi xuống miền Nam và được phép ghé vào Phú Quốc ở tạm trước khi rút hết về Ðài Loan. Chú Năm không rõ thời đó số binh sĩ Trung Hoa lên đảo là bao nhiêu, chú chỉ biết họ được sống tạm ở khu An Thới và ở đó họ kiến tạo lên một khu nhà tới ngàn chiếc, toàn là nhà gỗ mái tranh, hiện nay vẫn còn nhưng không có ai ở. Cả ngàn chiếc nhà làm lên ở sườn núi. Họ dựng lên một rạp hát lớn mà không cần đến một cái đinh sắt. Tư dinh của những ông tướng cũng có hồ sen, nhà mát ở giữa hồ. Trên đỉnh núi có một bãi đất rộng cả trăm mẫu, phẳng lì như bãi đá banh, không cây cối mà chỉ có cỏ xanh, gọi là bãi Voi. Hàng năm, đến mùa voi làm ái tình, cả ngàn con voi sống trên đảo vẫn kéo nhau về bãi này để gặp nhau. Trước khi làm hành động sinh lý, voi đực, voi cái như lên cơn điên, quật phá cây cối đến vài ba ngày. Trên núi có nhiều hang động khá lớn trước đây được vua Gia Long chọn làm nơi cư ngụ. Tục truyền trong cái hang lớn nhất được vua ở nhiều tháng có hai cái vú đá – một cặp thạch nhũ – rỏ nước ngọt và vua sống được nhờ nước ngọt rỏ ra từ hai cặp vú đá này trong hang, nhưng có một lần vua táy máy sờ vào một vú đá tức thì vú đá đó ngừng rỏ nước. Chú Năm kể cho chúng tôi nghe một giai thoại đáng chú ý nữa là câu nói để đời của vua Gia Long nhà Nguyễn, câu: “Sơn bất cao, thủy bất thâm, nam đa trá, nữ đa dâm” mà người Việt ta vẫn cho là vua nói tới một số người ở một địa phương miền Trung, chính là lời vua nói đến một số người ngày xưa sống ở Phú Quốc và đảo này. Chú Năm nói là lý do làm nhà Vua thốt ra lời sỉ vả nặng ký đó là vì trong một chuyến Vua về đất liền và bị quân Tây Sơn đuổi chạy có gió, dân Phú Quốc thời đó thấy Vua thất trận, lưu vong sang xứ Tiêm La mất nên nghĩ rằng Vua đã thua luôn, Vua sẽ không còn bao giờ trở lại nữa, và họ bảo nhau bỏ đói một bà vợ Vua cùng với một hoàng tử ở trong hang trên núi. Bà vợ Vua và hoàng tử này chết đói. Khi trở lại, Vua cay cú thốt ra lời nói đó.

CÒN TIẾP

Thảo luận

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện