//
you're reading...
Bút ký, góp nhặt cát đá, thời đã qua, Truyện ngắn

Giữa hai dòng nước * Hoàng Hải Thủy

Hoàng Hải Thủy

LỜI MỞ ĐẦU

Ðây là Truyện Sáng Tác của tôi. Lê Xuyên đọc truyện này, nói với tôi:

Ông sài phí cốt truyện quá. Truyện này phải là một truyện dài.”

Năm 1965 – hai năm sau ngày Nhật báo Sàigònmới, Nhật báo Ngôn Luận bị đóng cửa, chính phủ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ – đời sống kinh tế của tôi đi vào chu kỳ đen như mõm chó. Từ năm 1957 đến Tháng Tư năm 1964 – 7 năm – tôi là nhân viên Nhật báo Sàigònmới, tôi viết tiểu thuyết trên Nhật báo Ngôn Luận, Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, Tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai, Ðiện Ảnh, Kịch Ảnh. Ðây là thời gian phong độ nhất của đời tôi. Mỗi tháng tôi có khoản tiền 20.000 đồng. Cuộc đảo chính năm 1963 xẩy ra. Hai tờ nhật báo chính của tôi – Sàigònmới, Ngôn Luận – bị Nguyễn Khánh- Ðỗ Mậu đóng cửa, vì cái tội bị cáo buộc ngang xương “cấu kết với nhà Ngô.”

Sàigònmới, Ngôn Luận bị đóng cửa, tôi bị lao đao nhưng chưa sao, chưa đến nỗi nào. Tôi dạt sang làm trong toà soạn Nhật báo Ngày Nay của anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Ðược chừng năm, sáu tháng, cuối năm 1964 Nhật báo Ngày Nay chết, báo tự đình bản. Một số ông có tiền góp lại chừng một, hai triệu đồng, giao cho ông Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, ông Vũ Khắc Khoan làm tờ Nhật báo Ngày Nay. Ông Nguyễn Hoạt chủ nhiệm, ông Vũ Khắc Khoan chủ bút. Hai ông cùng không biết làm nhật báo. Ngày Nay lỗ dài dài, lỗ đến hết vốn. Mấy ông bỏ tiền thấy tờ báo như cái thùng không đáy, không dại mà bỏ tiền ra nữa. Ngày Nay chết queo.

Nhật báo Ngày Nay chết, tôi thực sự lao đao. Ðang kiếm được 20.000 đồng mỗi tháng, số tiền tôi kiếm được tụt dần đến chỉ còn khoảng 3.000 đồng. Vợ chồng tôi lâm vào cảnh túng bấn. Nhật báo Ngôn Luận bị đóng cưả, tất cả nhân viên tòa soạn Ngôn Luận bị thất nghiệp. Chủ nhiệm Hồ Anh đóng cửa nằm nhà, bỏ mặc ký giả tòa soạn đói dzài, đói dzẹt. Nhật báo Chính Luận do ông Ðặng Văn Sung làm chủ nhiệm ra đời. Toàn bộ nhân viên toà soạn Ngôn Luận, theo Tổng Thư Ký Toà soạn Từ Chung, sang làm tờ Chính Luận. Chính Luận, thay thế Ngôn Luận. Chính Luận có bề thế hơn, có giá hơn, hay hơn, có nhiều độc giả hơn. Bị mất Ngôn Luận, ông Hồ Anh còn tờ tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Năm 1965, ông ra tờ nhật báo Thời Thế. Cũng nhật báo nhưng dường như Chủ nhiệm Hồ Anh không muốn phô trương, hay ông không có điều kiện làm nhật báo Thời Thế thành tờ báo lớn có thể cạnh tranh với báo Chính Luận, thay thế cho nhật báo Ngôn Luận của ông. Nhật báo Thời Thế ở chung với tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong trong toà soạn-nhà in Ngôn Luận, đường Lê Lai. Toà soạn nhật báo Thời Thế năm 1965 chỉ có hai nhân viên thường trực: Ký giả Lê Xuyên – Chú Tư Cầu – làm thư ký toà soạn, ký giả Trần Quân – bút hiện Sức Voi – phụ tá.

Năm 1965 vợ chồng tôi về ở Xóm Chuồng Bò, xóm nhà cạnh bến xe đi Ðà Lạt đầu đường Petrus Ký. Chúng tôi phải chi cho căn nhà nhỏ đó khoảng 1.200 đồng một tháng. Tôi viết truyện “Giữa Hai Dòng Nước” trong căn nhà Xóm Chuồng Bò đó. Cần tiền, tôi viết mau mau cho xong, viết trong một ngày, đem đến Văn Nghệ Tiền Phong, lấy ngay 500 đồng. Khi báo in ra, Lê Xuyên có tờ Văn Nghệ Tiền Phong, anh đọc “Giữa Hai Dòng Nước” và nói:

Ông sài phí cốt truyện quá. Truyện này phải là một truyện dài.”

Năm 1953 tôi là Lính Ðệ Nhất Ðại Ðội Võ Trang Tuyên Truyền, Phòng Năm, Bộ Tổng Tham Mưu. Tiểu đội của tôi phải ra đảo Phú Quốc phục vụ 6 tháng. Ðảo Phú Quốc năm 1952-1953 có Trại Tù Binh do quân đội Pháp để lại, trại tù ở cuối đảo, nơi gọi là Mũi Cây Dưà. Giải đất nhô ra biển nên chỉ có ba mặt, hai mặt là biển, một mặt đi vào đảo. Trại quân giữ trại tù đóng chặn ngay trên phần đất đi vào đảo. Trại Tù Binh gồm 4 trại riêng, giam giữ đến 10.000 người. Toàn đàn ông. Tất cả những người bị tù ở đây đều bị quân Pháp bắt ở những mặt trận miền Bắc, quân Pháp coi họ là tù binh, nhưng trong số có nhiều nông dân bị bắt oan, quân đội Pháp đưa họ từ miền Bắc vào tận Phú Quốc, giam giữ họ cho đến ngày hết chiến tranh. Người Pháp gọi loại tù này là “Fin des Hostilités.” Những chuyện về đảo Phú Quốc tôi kể trong Giữa Hai Dòng Nước là những chuyện tôi nghe được trong thời gian tôi là Lính ở đảo Phú Quốc.

Tôi sống trên đảo Phú Quốc năm 1953, năm 1965 tôi viết Giữa Hai Dòng Nước ở Sài Gòn; tôi viết những dòng chữ quí vị đang đọc đây năm 2010 ở Kỳ Hoa Ðất Trích.

PHẦN 1

Kép hát – Tôi muốn nói đến những kép xi-nê văn minh, có học – và những đạo diễn điện ảnh, theo tôi nghĩ, không thể trở thành nhà văn. Những gì xẩy ra trong giới điện ảnh quốc tế cho tôi thấy điều tôi nghĩ là đúng. Sau bẩy mươi năm thế giới có phim ảnh và phim ảnh phát triển, tiến bộ vượt bực, người ta đã thấy có nhiều tài tử và đạo diễn viết sách, nghĩa là muốn trở thành nhà văn, ít nhất cũng muốn được người đời coi là người viết truyện, nhưng tất cả đều đã không thành công. Sự kiện này đúng cả với trường hợp Charles Chaplin, một thiên tài đúng nghĩa đứng hàng đầu của điện ảnh thế giới. Eric Von Stroheim viết tiểu thuyết, Peter Ustinov viết kịch và tiểu thuyết, nhưng những văn phẩm của họ đều không mang lại cho họ sự hưởng ứng của độc giả như họ từng được khán giả hoan nghênh với những vai trò họ đóng trong phim, những cuốn phim do họ đạo diễn. Riêng có đạo diễn Alfred Hitchcock thành công trong việc xuất bản tiểu thuyết, viết rõ hơn là trong nghề in và bán văn của người khác, dưới hình thức những tuyển tập truyện ngắn quái đản, kinh dị với nhan đề “Do Hitchcock giới thiệu”: Alfred Hitchcock’s Stories they wouldn’t let me do on TV, Stories for late at night, Bar the door, Fear and Trembling, v.v… Những truyện ngắn này nếu được do chính tác giả của chúng xuất bản khi bán ra chưa chắc đã được độc giả chịu bỏ tiền ra mua, nhưng cứ do Hitchcock trình bày, giới thiệu là bán được. Kể cũng lạ.

Ngược lại, nhiều văn sĩ, kịch tác gia sau khi đã thành công trên văn đàn, đã nổi tiếng với văn phẩm, khi bước sang địa hạt điện ảnh lại hay thành công. Ðó là trường hợp của những Jean Cocteau, Tennessee Williams, William Inge – xa hơn nữa là Molière, Sacha Guitry và Blaise Cendras. Tôi thích cuộc sống nghệ sĩ vừa viết tiểu thuyết vừa đi khắp nơi trên trái đất để quay phim của Blaise Cendras, văn sĩ Pháp.

Trong xã hội Âu Mỹ, người ta đặt rất cao giá trị của loại phim tài liệu. Nhiều cơ sở hoạt động xã hội, văn hóa của những hội tư nhân, nhiều cơ quan nghiên cứu địa dư, lịch sử nhân chủng học xuất vốn cho những người làm phim đem caméra lên Hy Mã Lạp Sơn, vào Tây Tạng, Tân Cương, Tây Bá Lợi Á, Bắc Cực, Trung Tâm Phi Châu, Kilimandjaro, v.v…, lên đỉnh núi cao, vào rừng sâu, tới giữa dòng sông Amazon mênh mang có chỗ rộng tới 35 cây số, đi khắp nơi trên trái đất, để thực hiện những cuốn phim tài liệu. Họ có những cuốn phim riêng về nghề săn hổ báo, sư tử, săn cá voi, cá sấu, về đời sống của những loài thủy tộc sống sâu dưới đáy biển con người không sao có thể nhìn thấy, có thể tưởng tượng ra hình dáng nếu không mạo hiểm xuống tận nơi, những cuốn phim dài về giống dân tí hon Pigmée sống trong rừng thẳm ngàn năm vẫn không đổi thay lối sống, về mọi săn đầu người, ăn thịt người… Và Blaise Cendras, tác giả những cuốn tiểu thuyết L’Or, Moravangine, La Main coupée, L’homme foudroyé... vẫn thường được cấp những số tiền lớn để một mình cùng với một người phụ tá, đem máy quay phim làm những cuộc phiêu lưu dài trên khắp trái đất, có những chuyến đi của ông kéo dài cả năm, để thực hiện những cuốn phim tài liệu. Tôi mê đọc những hồi ký của Blaise Cendras viết về những cuộc phiêu lưu với mục đích ghi lại đời sống lên phim ảnh của ông trong rừng núi Phi Châu. Tôi đọc tác phẩm đầu tiên của Cendras, tác phẩm Cendras đầu tiên tôi đọc, không phải là tác phẩm đầu tay của Cendras, năm tôi chưa đầy hai mươi tuổi. Ðó là thời gian tôi đọc tiểu thuyết Pháp chưa hiểu hết nghĩa nhưng vẫn say sưa và chịu khó đọc. Ðọc và đoán. Ðó cũng là thời gian tôi đọc nghiến ngấu, đọc quên ăn, quên ngủ những tác phẩm tiểu thuyết được đời công nhận là giá trị: Autant en emporte le vent, Guerre et Paix, Anna Karénine, Crimes et chatiments, Resurrection, Notre Dame de Paris, Les Misérables, Les Trois Mousquetaires, La Tempête, La Chute (Ehrenbourg). Thời ấy tôi ở nhà trọ, nằm ngủ chung giường với một người bạn. Bạn tôi là tư chức, anh đi làm nuôi tôi trong lúc tôi mỗi tháng bán được vài cái truyện ngắn mỗi truyện giá 200 đồng chỉ để đủ ăn sáng, hút thuốc lá. Tôi đọc sách khuya và buổi sáng tôi dậy muộn, bạn tôi cần ngủ sớm để sáng mai dậy sớm đi làm. Tôi mua cây đèn bin hộp, loại đèn bin dẹp mà tôi còn nhớ là xài những cục bin Wonder năm, bẩy đồng một cục, treo lên đầu giường. Vừng sáng của đèn bin chỉ soi vào vừa đúng trang sách tôi đọc, để không làm chói mắt bạn tôi cần ngủ. Sau năm 1954 công nghệ Pháp không còn làm những đèn pin vuông Wonder.

Mười năm sau những ngày đó tôi vẫn chưa trở thành văn sĩ. Ðã có những ngày buồn nản tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ có thể trở thành văn sĩ, nhưng tôi đã có một lần được sống một cuộc phiêu lưu với máy caméra gần giống như Blaise Cendras.

Hai mươi tám tuổi, chưa vợ con, tôi làm Interpretor – thầy Thông – cho một sở tư Hoa Kỳ. Những viên chức Hoa Kỳ trong sở đều là thường dân, có học, đa số họ là người tốt, lịch sự, dân chủ, lương thiện và có đời tư đàng hoàng, họ không sống xô bồ, hỗn tạp và bất cần như những người Mỹ lính tráng đến nước ta trong những năm mới đây. Nhưng lẽ tất nhiên không phải tất cả những người Mỹ tôi gặp thời ấy đều là người Mỹ tốt. Sau một thời gian làm việc với những người Mỹ tốt, tôi gặp một anh Mỹ xấu – An Ugly American như tên gọi của Nhà Văn Graham Greene – Vì anh Mỹ xấu này mà tôi bỏ việc để rồi từ đó đến nay, không bao giờ tôi còn trở lại làm việc cho người Mỹ nữa.

Cô đầm phụ trách về nhân viên của sở – Miss Carter, Personal Officer – trạc 40 tuổi, một cô gái già, cô chưa có chồng nên cô vẫn là Cô. Miss Carter có cảm tình với tôi. Cô muốn tôi tiếp tục làm việc với Sở, cô buồn vì vụ bất hòa giữa tôi và người Mỹ xếp của tôi. Khi tôi bỏ việc, cô giới thiệu tôi với một ông bạn Hoa Kỳ của cô vừa ở Mỹ quốc sang Việt Nam. Ông Mỹ này tới Việt Nam để quay một số phim tài liệu cho các đài Tivi Mỹ. Lúc này dân Mỹ đang rất muốn biết về Việt Nam nên Việt Nam là đề tài số một của báo chí và những đài Tivi Mỹ. Ông ta cần một thanh niên Việt Nam vừa làm phụ tá vừa là thông ngôn kiêm hướng dẫn viên. Ông sẽ đi khắp miền rừng núi Việt Nam và đi dọc bờ biển từ Nha Trang tới đảo Phú Quốc, Côn Sơn. Vào thời này, ba năm sau ngày ký Hiệp Ước Genève, miền Nam vẫn còn thanh bình.

Tôi sốt sắng nhận lời giới thiệu của Miss Carter. Tôi đang cần xa Sài Gòn với những phố phường chật hẹp, tôi đã sống quá nhiều tháng trong những bức tường văn phòng và những dẫy nhà che kín chân trời, những đêm ngắn được soi sáng bằng ánh đèn điện, những đêm không thấy ánh trăng hay mặt trăng.

Tôi gặp ông Foster – James M. Foster – lần đầu cùng với Miss Carter vào một buổi sáng ở phòng điểm tâm của Hotel Majestic. Miss Carter cho tôi biết ông Foster trước đây là Thiếu Tá trong Hải Quân Mỹ, ông đã có thời sống ở Việt Nam trong Phái Bộ Viện Trợ Quân Sự. Hiện ông làm việc cho U.N.E.S.C.O với cái chức vụ nghe lạ tai và gợi cảm là Cố Vấn Siêu Nhiên và Dã Thú – Wild Life and Animals Advisor – Trước mắt tôi, ông Foster trạc ngoài bốn mươi. Ông có khổ người quắc thước, cao và gầy, nét mặt ông có vẻ khắc khổ, ông nói vừa đủ và rất ít cười.

Trong cuộc gặp gỡ giới thiệu ấy cả ba chúng tôi cùng hài lòng. Miss Carter, một cô gái già không chồng dễ đến bốn mươi nhăm tuổi, gầy và răn reo như củ khoai tây héo, có lẽ vì là đàn bà, gái già Mỹ cũng vẫn là đàn bà, nên để lộ sự hài lòng của cô ra nét mặt. Cô hài lòng vì đã tìm được người đúng, người tốt cho ông bạn. Tôi hài lòng vì sắp được làm một chuyến đi chơi thú vị lại có tiền. Riêng Foster vẫn bình thản như thường. Về sau này, với những chuyện dữ dội xẩy ra trong chuyến đi quay phim, tôi mới được biết rõ sức mạnh tinh thần chế ngự tình cảm của James M. Foster.

Foster và tôi, sau đó, ngồi nói chuyện riêng với nhau về chuyến đi. Anh dự tính anh và tôi sẽ đi và trở về Sài Gòn nhiều lần. Chuyến đầu chúng tôi sẽ đến các đảo Côn Sơn và Phú Quốc và những hòn đảo nhỏ nằm quanh hai đảo lớn này. Anh muốn quay cuốn phim ngắn đầu tiên về đời sống ngư dân và một số cá biển có nhiều ở miền biển cực Nam Ðông Dương. Anh ngỏ ý muốn quay phim về chim yến và nghề lấy tổ yến, chất thực phẩm thiên nhiên bổ dưỡng nhất nhưng cũng đắt tiền nhất thế giới. Dân Mỹ giầu tiền khoái ăn yến nhưng họ yên chí rằng chỉ có Trung Hoa mới có tổ yến. Sau nữa, chúng tôi sẽ đi lên rừng núi để quay phim về cọp, voi, heo rừng, về những sắc dân thiểu số. Chương trình này kéo dài tới 12 tháng, hứa hẹn với tôi nhiều bình minh hồng trên núi cao, nhiều hoàng hôn vàng trên biển rộng và nhiều đêm xa Sài Gòn chật chội. Tôi nghe anh nói và tôi có lại cái cảm giác hào hứng, say sưa của những ngày tôi còn là Hướng Ðạo Sinh sửa soạn đi cắm trại hè ở Sầm Sơn, Rừng Sặt, Tam Ðảo ngày xưa.

Tôi nói cho Foster biết rằng muốn quay phim về chim yến và tổ yến, cách lấy yến sào, chúng tôi phải ra Nha Trang. Còn Côn Sơn thì khó xin được phép vào vì đó là khu quân sự, ở đó chỉ có tù và gần như hoàn toàn không có thường dân, trái lại, ở Phú Quốc, ngoài đời sống ngư dân và các loại cá biển, anh có thể quay phim nghề làm nước mắm đặc biệt của Việt Nam, và về những thứ gỗ quí trên núi, về những di tích của vua Gia Long, vị vua khai sáng ra triều Nguyễn của Việt Nam. Foster tỏ ra hiểu biết khá nhiều về địa dư và lịch sử Việt Nam, anh biết vua Gia Long từng đánh nhau với quân Tây Sơn và quân Xiêm La ở Phú Quốc và trên đảo này có những hang đá vua Gia Long ngày xưa đã đúc tiền, đã ẩn nấp, anh biết nước mắm là thứ nước chấm không thể thiếu trong bất cứ bữa ăn nào của người Việt.

Tôi trình bầy với Foster việc chúng tôi cần một người hướng dẫn nữa. Người này phải là người sinh trưởng ở miền biển miền Nam, thông thạo các đảo, biết lái đò máy, biết chèo đò và bơi lội giỏi, biết cả đánh cá, nếu có thể, biết nói tiếng Miên vì đi ra biển miền Nam, chúng tôi sẽ gặp nhiều người Việt gốc Miên nói không rành tiếng Việt mà tôi thì lại là người sinh trưởng ở Hà Nội, tôi có thể nói tiếng Anh cho người Anh, người Mỹ hiểu dễ dàng hơn là nói tiếng Việt cho chính đồng bào miền Nam ở xa Sài Gòn của tôi hiểu.

Foster đồng ý và sau khi thỏa thuận về lương và các khoản chi tiêu khác, tôi đi tìm chú Năm, người mà tôi nghĩ đến trước khi đề nghị với Foster về việc mượn người địa phương hướng dẫn. Tôi sợ chú Năm bận việc và không thể đi được với tôi chuyến này.

Chú Năm độ bốn mươi tuổi, nước da ngăm ngăm đen như mầu da của những người Miên lai Việt Nam. Tuy chưa bao giờ hỏi về gia đình chú, tôi chắc chú Năm phải là người có hai dòng máu Việt Miên trong huyết quản. Chú vui tính, chất phác, thẳng thắn và hăng hái làm việc. Quê hương chú ở miền Cà Mau giáp với biển. Từ nhỏ, chú đã đi theo ông già chú trên những chiếc ghe buồm chở hàng đi Tân Gia Ba, Mã Lai, đảo Hải Nam.

Khi tôi gặp chú Năm, chú đang làm cai đóng tầu – loại tàu gỗ có động cơ dùng để đánh cá biển do Cơ Quan Viện Trợ Hoa Kỳ mướn đóng để giúp chánh phủ Việt Nam bán trả góp cho dân chài lưới – một người bạn tôi thầu việc đóng tầu. Anh bằng lòng cho tôi mướn chú Năm với điều kiện là vấn đề tiền nong phải được chú Năm bằng lòng. Thực ra, việc đi với ông Mỹ quay phim không đem lại cho chú Năm nhiều tiền hơn việc đóng tầu, chú còn được hưởng những khoản tiền thưởng khi đóng tầu đúng điều kiện, đúng kỳ hạn, nhưng chú thích đi vì chú cũng thích phiêu lưu, chú cũng chán sống luẩn quẩn ở Sài Gòn, chú có cảm tình với tôi và nhất là chú có dịp được trở về thăm những hải đảo và vùng biển mà chú đã sống trong thời niên thiếu. Cũng như tôi, chú thấy chuyến đi quay phim này là một cuộc đi chơi dài được trả tiền.

Chú Năm, tôi và James F. Foster gặp nhau để hoạch định chương trình và bắt tay ngay vào việc chuẩn bị lên đường. Chú Năm sẽ xuống Rạch Giá và mướn một chiếc thuyền máy để chúng tôi dùng suốt trong thời gian lênh đênh trên biển quanh Phú Quốc. Gặp chú Năm, James cũng đồng ý với tôi rằng chú là một người có vẻ tin được và được việc. Bộ ba chúng tôi hứa hẹn một sự ăn ý và cộng tác hữu hiệu.

James Foster ngụ trong khách sạn Majestic. Trong thời gian chuẩn bị, tôi và chú Năm thường lên phòng anh. Gần James ít ngày, tôi đã biết sơ về tính tình của anh. James sống đơn độc, khắc khổ và ít nói như một nhà tu hành trầm lặng. Anh không hút thuốc lá, không uống rượu – trừ những trường hợp bắt buộc – và gần như hoàn toàn không chú ý đến đàn bà. Hình như anh chỉ say mê có việc săn bắt hình ảnh. Trước khi giải ngũ và trở thành chuyên viên quay phim nhà nghề, anh từng đoạt giải thưởng về phim tài liệu tài tử, từng được Walt Disney khen ngợi, khuyến khích. Và anh là một tay bắn súng trường thiện xạ, anh từng đi săn sư tử ở Kenya. Trong một chuyến đi săn sư tử này, anh được gặp văn hào Hemingway và thực hiện được một đoạn phim về nhà văn này.

Miss Carter khi giới thiệu James Foster với tôi không nói gì đến chuyện vợ con anh. Những lần lên phòng của anh ở khách sạn Majestic, tôi không thấy có một bức hình đàn bà hay trẻ con nào ở đó mặc dầu anh mướn dài hạn phòng này. Tôi chỉ thấy anh có nhiều tấm bản đồ Việt Nam, những bản đồ ghi chi tiết chi li mà tôi chưa từng thấy bao giờ. James không nói gì về đời tư của anh và tôi cũng không hỏi. Tôi và chú Năm cùng nghĩ rằng có thể anh góa vợ hoặc vợ anh là một thiếu phụ Mỹ không hào hứng lắm với nghề đi lang thang khắp thế giới quay phim của chồng.

Tôi và chú Năm ngạc nhiên nhiều khi, mọi sự chuẩn bị đã xong chỉ còn ba hôm nữa là đến ngày xuất phát, chúng tôi thấy một người đàn bà xuất hiện trong phòng ông chủ Mỹ. Người đàn bà này là bà chủ, là vợ chính thức có hôn thú của James F. Foster chứ không phải là một cô gái chơi bời được Mỹ bao. Ðiều làm chúng tôi ngạc nhiên và bỡ ngỡ hơn nữa là nàng lại là phụ nữ Việt.

Nàng tên An, chừng hai mươi sáu, hai mươi bẩy tuổi, người nàng mảnh mai – loại đàn bà mình dây, chân dài, dẻo dai và đa tình, mảnh mai nhưng vẫn “có da, có thịt” – đôi mắt nàng hơi sếch. Buổi sáng ấy tôi vào phòng James và thấy An bận sơ-mi trắng, quần jeans xanh, chân đi dép mỏng, đang quì gối xếp lại những đống dụng cụ phim ảnh để trên sàn. Tôi có cảm giác như James miễn cưỡng và khó chịu khi anh giới thiệu vợ anh với tôi – hai người Việt Nam – bằng tiếng Mỹ. An nhanh nhẹn đứng lên, mỉm cười và đưa tay bắt tay tôi. Trước mặt chồng, nàng thản nhiên nói tiếng Việt với tôi. Qua giọng nói của nàng, tôi biết nàng là người xứ Huế, sông Hương, thôn Vỹ Dạ miềnTrung:

– Tôi cùng đi ra biển với các anh chuyến này. Tên tôi là An… Anh cứ gọi tôi là An cũng được đừng Mít-sí, Mít-sớt gì cả…

Tôi gượng cười và cố gắng tỏ cho vợ chồng họ biết rằng việc James đưa vợ đi theo là việc riêng của anh, không liên can gì đến tôi. Nhưng có một cái gì đó mơ hồ làm cho tôi cảm thấy khó chịu, sờ sợ vì sự có mặt trong chuyến đi của người đàn bà này. Tôi hiểu vì sao James có thái độ miễn cưỡng khi vợ anh nói tiếp:

– Nhà tôi không muốn cho tôi đi, nhưng tôi muốn đi. Tôi không chịu ở lại thành phố một mình. Có tôi đi, tôi sẽ giúp được các anh nhiều việc. Tôi quay phim cũng được lắm.

James còn khó chịu hơn tôi nhiều, tôi nghĩ thế và tôi bỗng có cảm tình với James nhiều hơn. Tôi cũng nghĩ ý muốn đi theo của người đàn bà này chỉ là một ý muốn đàn bà, rồi nàng sẽ chóng chán và rồi nàng sẽ bỏ về thành phố sớm hơn là chúng tôi tưởng.

Ngay trong phút gặp An đầu tiên ấy, tôi đã cảm thấy có một tình trạng là lạ trong thái độ đối xử với nhau của vợ chồng Foster. Khi đó tôi nghĩ rằng tình trạng đó có thể lạ với tôi nhưng không lạ với vợ chồng họ, vì vợ chồng người Mỹ đối xử với nhau như thế, vợ chồng Mỹ, dù là chồng Mỹ vợ Việt, không đối xử như vợ chồng Việt Nam. Tôi nghĩ vì tôi quen thấy lối sống của những cặp vợ chồng Việt Nam nên nay thấy vợ chồng Mỹ, tôi cho là lạ. Tuy vậy, tôi cũng thấy không lầm ngay từ phút đầu rằng An có vẻ không thích thú lắm với cái tên Mrs. Foster. Nói rằng nàng không kiêu hãnh với cái tên đó có lẽ đúng hơn.

Về sau, chỉ ít ngày sau đó thôi, tôi thấy ngay vợ chồng họ sống không có hạnh phúc. Tôi đoán biết James yêu vợ nhiều hơn là An yêu chồng. Nhưng anh yêu theo lối yêu, cách yêu riêng của anh và An, vợ anh, lại không thích, không cảm động gì với cách yêu ấy. Nhìn cặp vợ chồng chồng Mỹ, vợ Việt ấy, người kém nhận xét nhất cũng nhận thấy ngay là họ không hợp nhau. Họ đúng là cặp vợ chồng “thất bại” của hai giống người đúng như câu nhận xét về những cặp vợ chồng hai giống của một nhà văn Pháp – “les ratés des deux races” – họ cũng sẽ đẻ ra những đứa con lai không giống ai, những đứa nửa tẹt, nửa lõ, tóc đen, mắt xanh như cả ngàn cặp vợ chồng Pháp Việt đề huề trước đây nửa thế kỷ. Vợ chồng Foster không hợp tính lại không hợp cả tuổi. James Foster hơn vợ tới hai mươi tuổi. Người đàn bà ở vào số tuổi từ hai mươi nhăm cho đến ba mươi tuổi là tuổi phơi phới xuân tình nhất. Trong số tuổi này, người đàn bà đã chín chắn, đã không còn là con gái nữa nhưng chưa hẳn già, chưa già nhưng đã nhận biết là mình sắp già. Trong số tuổi này người đàn bà đang yêu nhiều và cần được yêu nhiều. Với người vợ chưa đầy ba mươi tuổi, ông chồng năm mươi đã bị kể là già. Dù là đàn ông Mỹ ham hoạt động không giống như đàn ông Á Ðông thích nhàn, chưa già đã cả ngày ngồi đánh cờ, uống trà, James Foster cũng không có thể nhẩy Tuýt suốt đêm với vợ, không thể bận y phục playboy cho hợp với kiểu trang phục nouvelle vague của vợ. Ði với ông chồng già vào dạ hội, vào những chỗ đông người, người vợ trẻ sẽ thấy ngượng, hoặc ít nhất nàng cũng không thấy hào hứng vì vẻ già lão của chồng. Nàng biết rằng những người khác nhìn nàng bằng những con mắt ái ngại, thương hại.

CÒN TIẾP

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: