Người luật sư nghĩ công việc buổi sáng của mình chắc đã xong nên thu vén bàn giấy lại cho gọn gàng, nhưng trong khi chuẩn bị bước ra thì chạm trán ngay với bộ ba thân chủ.
“Các người là ai?” người luật sư hỏi với vẻ khó chịu.
“Dạ thưa tên tôi là Piccirilli Serafino,” người đàn ông thở ra và cúi gập người xuống, mắt liếc qua phía hai người đàn bà đang nhún đầu gối cúi chào y như lời lão đã dặn trước.
“Mời ngồi,” người luật sư nói, mắt không rời mấy người thân chủ dị kỳ, “nhưng lẹ dùm vì người ta đang chờ tôi đến để cùng ăn trưa.”
Ba người ngồi thành một dãy đối diện với bàn giấy, điệu bộ lúng túng sợ sệt. Lão Piccirilli cố nở nụ cười nhưng mặt lão thiểu não quá. Lẽ đương nhiên lão đã quên cách làm sao để nở nụ cười rồi.
“Ông xem …” lão khởi đầu.
“Chúng tôi đến đây để hỏi …” cô con gái nói xen vào.
“Những điều không thể tin được …” người mẹ tuôn ra , mắt vẫn dính lên trần nhà.
“Từng người một nói thôi,” gã luật sư nhíu mày. “Tôi đã bảo là tôi đang vội lắm. Các người cần tôi giúp gì nào?”
“Chuyện nó như thế này,” lão Piccirilli nuốt nước bọt nói. “Chúng tôi vừa nhận được một trát tòa.”
“Đồ sát nhân, thưa ông, đồ giết người,” người vợ nói xổ ra.
“Mẹ à,” cô con gái tìm cách làm dịu bớt.
Piccirilli nhìn vợ và với tất cả quyền uy mà thể chất ông cho phép, ông năn nỉ:
“Hãy để tôi nói, Mararo.”
Rồi quay qua phía người luật sư:
“Chúng tôi vừa nhận được một trát tòa. Chúng tôi buộc phải dọn ra khỏi căn nhà chúng tôi đang ở vì …”
“Tôi hiểu,” gã luật sư cắt ngang. “Lệnh trục xuất chứ gì.”
“Thưa luật sư không phải vậy,” lão Piccirilli cáo lỗi đáp. “Hoàn toàn khác; ngược lại chính chúng tôi tự dọn ra; chúng tôi buộc phải dọn dù làm vậy trái ý chủ. Nay ổng kiện đòi bồi thường thiệt hại vì vi phạm hợp đồng và vì chúng tôi làm cho ngôi nhà mang tiếng xấu..”
“Là như thế nào?” luật sư Zummo hỏi, mặt sa sầm lại, rồi lần này quay sang phía người vợ. “Các người dọn ra khỏi căn nhà, các người để lại tiếng xấu cho căn nhà và giờ thì ông chủ phố … Chúng ta hãy cùng làm rõ; quí vị có thể trình bày với luật sư như với một linh mục … Ví dụ các người có sử dụng căn nhà cho công việc mua bán bất lương không?”
“Chắc chắn là không thưa ông,” lão Piccirilli vội vàng đáp, hai tay bắt chéo ngang trước ngực. “Hoàn toàn không có chuyện ấy. Chẳng có buôn bán đổi chát gì. Chúng tôi không kinh doanh. Chỉ thỉnh thoảng vợ tôi có cho vay một món tiền nhỏ … một cách riêng tư … với mức lời vừa phải thôi.”
“Tôi hiểu,” gã luật sư nói, “những thuật ngữ thông thường.”
“Dĩ nhiên là vậy rồi,” lão đàn ông khẳng định; “Các điều khoản mà ngay cả Giáo Hội cũng sẽ cho phép, nhưng chuyện đó không liên hệ gì đến trường hợp của chúng tôi. Ngài Granella, chủ phố của tôi, khiếu kiện rằng chúng tôi bôi nhọ tiếng tăm căn nhà của ổng vì trong suốt ba tháng sống trong đó chúng tôi chứng kiến những điều dị thường khiến đến giờ mỗi khi nghĩ đến là thấy hãi sợ.”
“Cầu xin Thượng Đế đừng để cho kẻ có tội trọng của ngài phải chứng kiến điều chúng tôi trông thấy,” mụ vợ tuôn ra với một tiếng thở dài thật to, mụ đứng dậy và đưa tay làm dấu thánh.
“Khủng bố, một sự khủng bố đích thực,” cô con gái nói khẽ.
“Hoàn toàn đúng như thế, đúng là khủng bố,” người cha chen vào. “Không còn từ nào để nói cho đúng hơn. Trong suốt ba tháng chúng tôi là nạn nhân của khủng bố trong căn nhà ấy.”
“Khủng bố bởi ai?” gã luật sư hét lên, đang bắt đầu mất kiên nhẫn.
“Bởi … Bởi tụi ma,” lão Piccirilli thầm thì sau một hồi lâu ngưng bặt, lão chồm về phía bàn giấy, hai tay bụm miệng vì sợ tiếng mình phát ra lớn hơn. “Đúng thế, bởi tụi ma, thưa luật sư.”
“Bởi ai? …” gã luật sư hỏi lại, nghĩ là mình nghe nhầm.
“Ma, lũ ma!” người vợ hét lên, hai tay vung lên với vẻ thách thức.
Gã luật sư nhảy dựng lên … giận dữ.
“Tào lao !!!!!!!! đừng để tôi không nín được cười! Bị ma khủng bố à! Cút ra !!!!!!!!!!!!! Để tôi đi ăn trưa, đừng làm phí mất thì giờ của tôi.”
Nhưng cả ba cùng nhảy khỏi ghế, nhích lại gần bàn giấy hơn, van nài:
“Đừng đi, làm ơn đừng đi luật sư ơi! Ông không tin chúng tôi, nhưng chúng tôi đều thấy tận mắt, chúng tôi thấy, chúng tôi nghe ma chúng nó phá – chúng khủng bố tinh thần chúng tôi suốt ba tháng trời.”
Họ nhao nhao trong sự hết sức hỗn độn khiến gã luật sư càng điên tiết thêm.
“Đủ rồi !!” gã gầm lên, “các người điên hết rồi: các người nên đến gặp một bác sĩ chuyên khoa thần kinh thay vì gặp một luật sư.”
“Nhưng tôi nhận được trát hầu tòa,” lão Piccirilli nài nỉ, hai bàn tay chắp lại như đang cầu nguyện.
“Quá xứng đáng !!!” luật sư Zummo hét vào mặt lão.
“Lời khuyên của ông là như vậy sao?” người vợ xen vào, mụ gạt hai người kia qua một bên. “Có phải đây là cách mà ông đối xử với người đến cầu sự giúp đỡ. Ông sẽ nói khác nếu ông từng bị khủng bố tinh thần như chúng tôi, nếu ông từng thấy ma như chúng tôi.”
“Vậy là các người có thấy ma, thật vậy không?” gã cười chế nhạo.
“Dĩ nhiên tôi từng thấy với chính mắt tôi,” người cha nói vào.
“Chính mắt cháu cũng vậy,” cô con gái nói thêm.
“Phải rồi, rất có thể với những đôi mắt đó,” gã luật sư nổ bùng, tay chỉ thẳng vào những đôi mắt lác.
“Vậy chứ mắt tôi thì sao ???” Người vợ ré lên, bàn tay phải mụ xòe ra trên bộ ngực và đôi mắt đen bự mở lớn hết mức có thể. “Lạy Chúa tôi, đôi mắt này rất bình thường và đủ lớn để thấy, để nhìn chứ! Và đôi mắt này thấy ma rõ ràng như đang thấy ông bây giờ.”
“Chắc không, bà nói có chắc không đấy?” Zummo dè bỉu.
“Hoàn toàn chắc,” người phụ nữ thở dài. “Nhưng nếu ông vẫn không tin lời chúng tôi, chúng tôi có thể cung cấp nhân chứng, họ sẽ đến để kể lại điều họ trông thấy …”
Gã luật sư nhíu mày, biểu lộ sự cảm kích ra mặt.
“Bà nói đến nhân chứng à?”
“Phải thưa ông, những người từng nghe và thấy ma.”
“Thấy gì, ví dụ thử xem?”
“Thấy ghế di chuyển mà không có ai đụng tay đến.”
“Ghế à?”
“Dạ phải, ghế.”
“Cái gì, ghế bình thường như cái nằm ở góc nhà kia chứ?”
“Chính xác là như vậy, một cái ghế di chuyển lộn nhào quanh phòng như trẻ trai chơi ngoài đường, và rồi tôi nên nói sao đây, một cái gối nhỏ để giắt kim hình trái cam do con gái tôi làm bỗng nhiên ném vào mặt chồng tôi như từ một bàn tay vô hình. Ồ! Và chuyện cái tủ quần áo rung lắc, kêu ken két, như nổi cơn tam bành, và từ bên trong … từ bên trong … (chỉ nghĩ đến đó tôi thấy nổi cả gai ốc) … phát ra tiếng cười the thé.”
“Dạ tiếng cười the thé,” cô con gái góp thêm.
“Phải, tiếng cười the thé,” người cha khẳng định.
Nhưng người vợ, không để phí mất thời gian, mụ liền nói tiếp.
“Hằng chục láng giềng, từng trông thấy như vậy và sẵn sàng trưng chứng cớ như tôi đã kể cho ông nghe, trong khi chúng tôi thì từng thấy và nghe nhiều hơn thế nữa.”
“Tinina, kể chuyện cái đê kim khâu,” người cha nói cắt vào.
“Dạ vâng,” bé gái bắt đầu với một cái thở dài. “Cháu có một cái đê nhỏ xinh xắn bằng bạc, quà của bà ngoại cháu. (Cầu Chúa phù hộ linh hồn bà!) Cháu hết sức thích món đồ nhỏ này nhưng một hôm nó biến mất. Cháu tìm xáo tung cả nhà trong ba ngày nhưng vẫn không thấy, cho tới một hôm, trong khi cháu đang say ngủ trong mùng thì …”
“Căn nhà đáng ghét đó cũng đầy cả muỗi nữa,” người mẹ nói nhảy vào.
“Và chúng to đến khiếp,” người cha xác nhận, lúc lắc đầu.
“Cháu nghe tiếng có cái gì đó nhảy trên nóc mùng,” đứa con gái tiếp.
“Giống như trái banh cao su từ dưới đất dội lên,” người cha cắt ngang.
“Rồi đột nhiên cái vật nho nhỏ ấy – chính là cái đê của cháu – bị ném hết sức mạnh lên trần và rớt xuống đất, đến móp luôn!”
“Móp,” người mẹ xác nhận.
“Phải, nó bị móp,” người cha lập lại.
“Cháu run rẩy bước ra khỏi giường để lượm cái đê lên, rồi trong khi cháu đang khum mình xuống , thì từ trên trần vọng xuống …”
“Tiếng cười the thé, lớn thật lớn …” người mẹ tiếp hết câu.
Gã luật sư đứng yên trong chốc lát, đầu cúi xuống, hai tay chắp sau lưng.
“Lũ ma đùa nghịch!” sau một hồi gã nói, đưa một ngón tay lên gãi đầu, cố xem xét kỹ lưỡng cái thật trong câu chuyện khó tin này. “Tiếp, kể tiếp nữa đi; chuyện buồn cười đấy.”
“Đùa nghịch à? Thưa luật sư hoàn toàn không phải đùa nghịch đâu,” người đàn bà cãi lại. “Trời đánh thánh đâm. Lũ ma giật chăn chúng tôi khỏi giường, ngồi lên bụng cả đêm, chộp lên vai, xiết mạnh cánh tay, rung chuông, lay lắc tủ như động đất, đầu độc thức ăn chúng tôi, ném tro vào chảo, những điều mà ông bảo là đùa nghịch được sao? Mời linh mục tới làm phép, vẩy nước thánh, chúng vẫn không ngưng phá; rồi khi chúng tôi báo với ông chủ phố Granella luật sư biết ông trả lời sao không? ‘Nói chuyện tào lao, ăn cho nhiều vào và chữa thần kinh của các người đi.’ Chúng tôi nài nỉ ổng đến để tận mắt nhìn thấy nhưng ổng không nghe. Trong thực tế ổng còn hăm chúng tôi nữa là khác. ‘Nhớ cẩn thận mồm mép nhé, coi chừng tôi sẽ dứt điểm cả đấy’- chính miệng ổng nói như thế.”
“Và giờ thì ổng đã vừa dứt điểm chúng tôi,” người chồng cay đắng kết luận. “Nay, thưa luật sư, chúng tôi hoàn toàn trong tay ông. Ông có thể tin chúng tôi. Chúng tôi là người tự trọng, chúng tôi biết sẽ hậu tạ luật sư ra sao.”
Gã luật sư, như lệ thường, vờ như không nghe kịp câu cuối. Trong một chốc lâu, gã đứng cạnh bàn giấy, tay kéo bộ ria mép, đắm chìm trong suy tư. Rồi gã nhìn lên đồng hồ. Gần một giờ trưa. Người của gã đợi cả tiếng đồng hồ rồi, giờ ăn trưa coi như đã quá trễ.
“Đây là một trường hợp đặc biệt,” cuối cùng gã nói. “Quí vị hiểu rõ cho rằng tôi không thể chấp nhận câu chuyện của quí vị về lũ ma: mọi điều quí vị kể có thể chỉ là ảo tưởng … chỉ là đồn nhảm … nhưng tôi đang xét về mặt pháp lý của vấn đề. Quí vị nói quí vị trông thấy … hừm! Tôi không muốn xài đến chữ ma … quí vị trông thấy cái gì đó … mà chúng tôi sẽ nói – và quí vị có nhân chứng để chứng minh rằng quí vị không thể tiếp tục sống trong căn nhà đó vì … ờ … một thứ gì đó … chúng tôi nên nói … ờ … sự khủng bố đặc biệt … tôi phải đồng ý rằng vụ này mới lạ và thú vị đấy … Tôi cảm thấy khuynh hướng có thể nhận vụ kiện này… Chắc có thể tìm được vài lý lẽ pháp lý có lợi cho quí vị hơn. Để tôi suy nghĩ xem trước khi có quyết định. Bây giờ trễ quá rồi, nhưng nếu mai quí vị gọi lại, tôi sẽ cho quí vị biết tôi sẽ giúp được gì!”
Thảo luận
Không có bình luận