//
you're reading...
Triệu Phong, Truyện Dịch

Nhà có ma * Luigi Pirandello * Triệu Phong dịch

Luigi Pirandello (1867-1936),
nhà văn kiêm kịch tác gia người Ý,
giải Nobel Văn Chương 1934.

(Khai bút mồng một Tết Quí Mão 2023)

* Dịch theo nguyên tác có tựa : The Haunted House

Chuột không bao giờ ý thức về cái bẫy chúng bị lọt vào. Liệu chúng có bị chộp cổ lần nữa không nếu chúng biết đó là cái bẫy do người ta gài? Ngay cả khi bị sập bẫy rồi chúng vẫn không ý thức được chúng đang ở đâu, mà chỉ biết hối hả chạy điên cuồng hết qua trái rồi qua phải, chọc cái mũi nhỏ đầy ria ra khỏi mấy thanh sắt, mồm kêu chí chóe trong nỗ lực tuyệt vọng tìm cách thoát ra ngoài.

Nói một cách khác, khi một người bắt đầu một vụ kiện, người đó biết quá rõ mình đang bị mắc bẫy. Nhưng khác với lũ chuột, trong khi chúng quay cuồng không yên thì người đàn ông nầy lại điềm tĩnh … dĩ nhiên điềm tĩnh ngoài thể xác thôi nhưng ở nội tâm, bên trong cái đầu óc ấy rối rắm không khác gì lũ chuột, nếu không muốn nói là còn tệ hơn nữa.

Thực ra đây là điều đang xẩy ra đối với đám đông thân chủ, những kẻ nhễ nhại mồ hôi và bị xơi tái bởi lũ ruồi cùng nỗi chán chường, đang ngồi trong phòng đợi của luật sư Zummo vào một buổi sáng tháng Tám oi nồng, chờ đến phiên vào nghe ông ta cố vấn về pháp luật.

Không một ai rời đít khỏi chỗ ngồi ngoại trừ những cái liếc xéo lẫn nhau đầy hậm hực, rõ ràng là phản ảnh những suy nghĩ của họ. Mỗi người đều muốn được ông luật sư dành cho mình sự đặc biệt, và mỗi cá nhân lại cảm thấy rằng, với số thân chủ quá đông trong cùng một buổi sáng như vậy, thời lượng dành cho bọn họ chắc là ít ỏi lắm. Về phần ông luật sư, ngoài việc phải đối phó với đám đông còn phải chịu thêm cái nóng trên 90 độ F (trên 32 độ C) trong bóng râm như thế này nữa, cộng thêm nhiều điều để phải tranh cãi trước tòa, liệu đầu óc ông có còn sáng suốt mà mỗi vụ tranh tụng đòi hỏi phải có?

Mỗi lần viên thư ký đang hý hoáy viết nơi bàn giấy ngước mắt nhìn lên đồng hồ, hai ba thân chủ lại buột miệng thở dài, trong khi những người khác do quá mệt mỏi với cái nóng và với sự chờ đợi quá lâu, mắt dán chặt vào những cái kệ tủ đựng đầy những  tập hồ sơ pháp lý, to và bụi bặm. Những người khác nữa vẫn cố giữ vẻ thờ ơ, đưa mắt qua mấy tấm rèm cửa sổ nhìn ra đường phố nơi người ta đang hân hoan và lơ đễnh dạo bước, trong khi họ ở trong này thì … chán phèo! Và với một cử chỉ bực bội của bàn tay, họ gạt mạnh lũ ruồi đang xông xáo bạo dạn hơn bao giờ dưới cái nóng ẩm và mồ hôi nhễ nhại.

Nhưng gây phiền hà hơn cả lũ ruồi là thằng nhóc con ông luật sư, tuổi mới lên mười, đi chân không, người ngợm nhếch nhác, chắc lén chạy từ khu ở riêng của gia đình sang khu văn phòng để chào hỏi khách hàng của papa.

“Bà tên chi?” “Cái locket đeo trên cổ là cái gì?” “Làm sao để mở nó?” “Bên trong đựng gì vậy?” “Một lọn tóc à?” “Tóc của ai thế?” “Bà giữ để làm gì?”

Thế rồi nghe tiếng của papa gần cửa ra vào đang tiễn chân vài thân chủ quan trọng, cậu nhóc vội chui ngay xuống gầm bàn, ẩn trốn giữa hai cẳng chân của viên thư ký.

Mọi người trong phòng đợi đồng loạt đứng dậy, ai cũng nhìn ông luật sư với vẻ van lơn. Ông luật sư đưa hai tay lên trời, miệng nói: “Các bạn làm ơn kiên nhẫn, từng người một, từng người một nhé.”

Kẻ may mắn được gọi tên khúm núm theo sau ông, tay khép cánh cửa sau lưng lại trong khi những thân chủ khác lại cùng ngồi xuống với nỗi đợi chờ chán chường và oi bức.

Duy chỉ có ba thân chủ, có vẻ là chồng, vợ và con gái, là không tỏ dấu hiệu bồn chồn nào cả. Người chồng tuổi ngoài sáu mươi trông ủ rột với bộ mặt đưa đám. Lão bướng bỉnh không chịu lấy xuống cái nón lông xù màu xanh lục rộng vành mà lão nghĩ hợp nhất với cái áo khoác nặng nề đã lỗi thời, hôi mùi long não. Rõ ràng đây là bộ đồ vía lão đem mặc vào những dịp long trọng, một cuộc phỏng vấn với luật sư.

Vậy mà lão không rịn mồ hôi.                              

Mặt mày xanh xao như không còn máu, xương hàm và đôi gò má được phủ phơn phớt bởi một lớp mỏng mốc meo màu xanh rêu, với đôi mắt lác màu xám nhạt nhích gần hai bên cái mũi to tướng. Khum mình trên ghế, đầu rủ xuống, đôi tay mảnh dẻ tựa lên một cây gậy, lão trông có vẻ như bị nghiền nát bởi một sức nặng không thể chịu đựng nổi. Cạnh bên lão, bà vợ với cái nhìn ngu ngơ đầy thách thức.

Trong cái thân hình đẫy đà với bộ ngực đồ sộ, đôi mắt đẹp đen huyền trên khuôn mặt đỏ ria của vợ lão có vẻ bị dán cứng lên trần nhà.

Cạnh vợ lão, cô con gái què, ốm xanh, và mắt lác như bố. Nhìn chung, sự hiện diện của người đàn bà mập giữa người cha và cô con gái, như có thể kịp ngăn họ khỏi bị lăn nhào xuống đất.

Ba người làm khơi dậy sự tò mò mãnh liệt của những thân chủ khác, vì đã ba lần họ nhường phiên mình cho người đến sau, viện dẫn rằng trường hợp của họ rất quan trọng cần phải gặp lâu với luật sư.

Chuyện gì xảy ra với họ? Ai hăm dọa họ? Chắc là một vụ trả thù hoặc giết người? Hay là bị khánh tận gia sản?

Không, làm gì có chuyện tán gia bại sản. Người vợ đeo đầy vàng; cặp bông tai to tướng đung đưa dưới tai; một cặp dây chuyền bự đang làm cho mụ nghẹn thở nơi cổ; một hộp locket lớn trồi lên trụt xuống trên ngực: một sợi xích dài bằng vàng nối với cái quạt cầm tay, và mấy chiếc nhẫn quí phủ đầy những ngón tay búp măng. Vậy thì điều gì đưa họ đến đây để tham khảo ý kiến với luật sư Zummo?

Dần hồi mọi thân chủ đều được vào gặp luật sư nhưng ba người vẫn còn ngồi đó, bất động, có vẻ vô tư lự nhưng lại đang đắm chìm trong suy tư. Duy thỉnh thoảng người vợ xài đến cây quạt hoặc người chồng chồm người về phía đứa con gái, nhắc nhở:

“Tinina … nhớ đừng quên cái đê kim khâu.”

Một số thân chủ cố đẩy thằng nhóc con ông luật sư về phía ba người, nhưng thằng bé vì sợ mấy bộ mặt đưa đám đó nên không dám đến gần.

Thế rồi đến giữa trưa, khi tất cả thân chủ đều đã ra về, ba người vẫn còn ngồi đó, bất động và câm như bức tượng, người dính chặt vào ghế.

“Chà chà bộ mấy người ngủ quên rồi đó sao? Còn chờ gì mà không vào đi?” Viên thư ký to tiếng, hất cằm, trở nên bồn chồn.

“Chúng tôi vào được sao?” Người đàn ông xá lỗi trong khi cả ba cùng đứng dậy.

“Dĩ nhiên quí vị có thể vào; đáng lẽ quí vị vào từ trước nữa chứ,” viên thư ký trách. “Các người có biết là sắp đến giờ ăn trưa rồi không? Mà thôi, tên họ là gì nào?”

Cuối cùng người đàn ông phải lấy nón xuống khỏi đầu, lộ ra cái vết thương mà bộ răng khía nặng nề gây cho lão. Từ cái hộp sọ màu hồng bốc khói, chảy tuôn xuống từng dòng mồ hôi, phủ lên cái khuôn mặt như mặt ma, không có chút máu. Cúi mình về phía người thư ký lão trịnh trọng thầm thì:

“Dạ thưa tên là Piccirilli Serafino.”

(Xem tiếp kỳ 2)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: