//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Những Truyên Ngắn Hay Nhất, Tùy Bút, Truyện ngắn

Chung cư * Trùng Dương

Trích từ tuyển tập “Những chuyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta,“ do Nguyễn Đông Ngạc biên soạn. Sóng xuất bản năm 1973.

(Ảnh : Cao Lĩnh)

Trùng Dương tên thật Nguyễn Thị Thái, sinh ngày 15.4.1944 tại Sơn Tây, Bắc Việt. Di cư nào Nam năm 1954 và sống ở Saigon. Trình độ học vấn: Đại học. Khởi sự nhập tịch làng văn từ năm 1965 qua sự giới thiệu của nhà văn Võ Phiến với tạp chí Bách Khoa. Sau đó cộng tác thêm với các báo Văn, Vấn Đề, Đời, Diễn Đàn…

Ngoài lãnh vực văn chương còn sinh hoạt trong các ngành phát thanh, truyền hình, báo chí, điện ảnh… Tác phẩm đầu tay: Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn, một tập truyện; và từ đó tới nay cũng chỉ mới cho xuất bản một tập truyện vì tự nghĩ chưa đủ “chín mùi” để viết truyện dài…

QUAN NIỆM VỀ TRUYỆN NGẮN

Tuy nhiên, vẫn quan niệm rằng truyện ngắn là một thể tài cô đọng, khó thực hiện và đòi hỏi người viết một sự duyên dáng trong lối kể chuyện — tựa như công việc của một họa sĩ hí họa tài ba.

Về Truyện Ngắn “CHUNG CƯ”

Truyện ngắn “Chung Cư” dành cho nhà xuất bản được sáng tác trong một hoàn cảnh khá độc đáo. Sáng hôm sau là thời hạn phải trao bài, tối hôm đó, cơm nước xong, 8 giờ tôi ngồi vào bàn viết với ý định kể một câu chuyện tình. Nhưng không khí nơi tôi ở dạo ấy (1970) — chung cư Nguyễn Thiện Thuật — vào giờ đó lại là lúc mà các tiếng động có cường độ mạnh nhất, và rồi trong lúc vật lộn tranh đấu cho tâm hồn mình một yên tĩnh vừa đủ để khai thác đề tài dự định, tôi bị lôi cuốn vào việc ghi lại sinh hoạt của chung cư với tất cả sự phản kháng dành cho nếp sinh hoạt không thể phù hợp với tâm hồn người Việt Nam nói riêng và tâm hồn con người nói chung giữa một thời đại máy móc. Và viết xong truyện đó, tôi thấy sảng khoái và nuôi ý định rời chung cư từ đó…

Chung Cư

Đến chiều vụ dọn nhà kể như xong. Trong khi Hạo đang lo đóng đinh lên vách để treo vài bức tranh ở nhà ngoài, Nhiên loay hoay thu xếp những vật dụng gồm nồi niêu, soong chảo, bát đũa, v.v. vào hai dẫy tủ đóng sát vào tường cách mặt đất gần hai thước, theo hình thước thợ, trong bếp. Người thiếu phụ cảm thấy hân hoan, sung sướng đến độ, có lúc, nàng đứng ngẩn ra giữa những thùng sữa bằng giấy bỏ ngổn ngang trên sàn nhà, trong đựng các đồ bếp núc chưa được xếp ra, tự hỏi không biết nên sắp xếp ra làm sao, với một tâm trạng y hệt như của một đứa trẻ khi được dọn đến nhà mới. Nhưng ở một đứa trẻ, nó chỉ cảm thấy dọn nhà là một thay đổi thú vị, hơi pha tính chất phiêu lưu và hoàn toàn vô trách nhiệm. Còn ở Nhiên, việc dọn nhà lần này là cả một sự quan trọng, một hạnh phúc lớn lao và quý giá mà lần đầu tiên, từ ngày lấy Hạo, nàng có được. Bởi vì, đây là lần đầu tiên vợ chồng nàng được làm sở hữu chủ căn nhà này, một căn nhà vuông vức, xinh xắn, nằm ở lầu hai tại một trong khoảng mười tòa nhà thuộc chung cư N.T.T. Bảy năm làm vợ Hạo, trên mười lần dọn nhà, đến cái độ nhiều lúc muốn sắm thêm ít đồ đạc cần dùng, Nhiên cũng không dám, vì luôn luôn sống trong tâm trạng phải dọn nhà khiến nàng e ngại. Với Hạo, việc đó đã trở thành quen thuộc, vả lại, trước khi lấy Nhiên, anh đã quen nếp sống lưu lạc giang hồ, đồ đạc sang lắm là một cái sắc tay trong đựng dăm ba bộ quần áo và mấy cuốn sách gối đầu giường (theo cả hai nghĩa), mà tệ lắm là… trần có bộ quần áo đeo trên người với đôi dép lẹp kẹp; hôm nào đồ bỏ giặt, rủi có người tới rủ đi chơi, là y như rằng anh phải cái ốm hoặc bận. Thành ra, việc phải dọn nhà luôn luôn không hề làm Hạo bận tâm. Nhưng với Nhiên không thể được! Nàng là một người đàn bà, có khuynh hướng vì một cuộc sống ổn định, giấc mộng muôn đời của đa số đàn bà. Dù chẳng bao giờ tỏ ra phiền trách chồng về nỗi cửa nhà, nhưng Nhiên đã có những lúc không che giấu được sự chán nản, mệt mỏi. Họ lênh đênh khắp Saigon hầu như khu vực nào của Saigon họ cũng đã đặt chân tới ở qua ít tháng, ít hôm hoặc ít giờ. Nếu có ai nghe họ kể chắc không tin được, nhưng quả thật đã có lần bấn quá chưa thuê kịp nhà, họ đã phải trú chân hết hai đêm tại một khách sạn rẻ tiền gần trung tâm thành phố. Đó là lần đầu tiên Nhiên ở tại một khách sạn. Nàng sợ cái không khí sô bồ và nhơ nhớp ở đó, đến độ không dám dời chồng đến nửa bước, sợ nhất là khi phải ở trong phòng một mình, tưởng như lúc nào cũng có thể có người giả vờ vào lộn phòng với một ẩn ý nào đó… Mà nào phải họ khó khăn trong vấn đề nhà ở gì cho cam. Nhiên cho rằng có lẽ tại số vợ chồng nàng nó lận đận, biết sao. Lại được cái anh chồng quá dễ dãi, gì cũng xong. Thuê nhà đấy, nhưng hễ chủ nhà vừa ngỏ ý lấy lại nhà là Hạo trả liền, để rồi vợ chồng lại khăn gói quả mướp ra đi. Hạo thường an ủi vợ “Thôi cứ sống tạm ở thành phố này, chịu lận đận đôi ba năm, khi nào yên lành vợ chồng con cái mình về miền quê, hay lên cao nguyên kiếm lấy mảnh đất trồng rau cải, dựng một mái lều, anh sẽ mở một lớp học nhận dăm ba đứa học trò kiểu Cao Bá Quát xưa, sống cũng sướng chán”. Hôm nào vui miệng, Nhiên góp chuyện, đùa chồng: “Nhưng nhất định là anh không bất đắc chỉ như Cao Bá Quát đấy chứ?”

Cho đến một dạo khi những gia đình nạn nhân cháy nhà sau vụ Tết Mậu Thân rục rịch rút thăm lãnh nhà bồi thường trong các chung cư do chính phủ xây cất, mở đầu kỷ nguyên “nhà chung cư” tại nước Việt Nam Cộng Hòa, có nhiều gia đình không ở, vì một số lý do nào đó, bèn gọi người bán lại. Thoạt đầu giá cả tương đối rẻ: từ năm, sáu trăm ngàn đến hai, ba trăm ngàn, tùy theo nhà ở dưới đất hay lầu một, lầu hai, lầu ba. Dân Việt Nam dễ mắc bệnh phong thấp, hoặc… sớm bị mỏi lưng, chồn gối, nên có khuynh hướng không ưa nhà ở trên các lầu cao. Do đó, các căn ở dưới đất thường đắt hơn cả, và càng lên cao, giá càng rẻ.

Hạo có một người bạn thân hồi trước Tết Mậu Thân, dạo khu B.C., đường N.T.T. còn ở trong tình trạng mới mở mang, anh ta có chiếm được một mảnh đất trên một bãi rác, bèn dựng một túp lều, dựa nhờ vào vách một căn nhà gần đó, bán cà-phê, nước ngọt làm vì, theo kế hoạch chiếm nhà chiếm đất theo vết dầu loang, cho đến khi một ngôi nhà gỗ hai tầng được chính tay anh ta chớp nhoáng dựng lên, bất chấp cả các điều kiện nhà cửa của Sở Vệ Sinh Đô Thành. “Ngôi nhà” hẹp vanh vanh, chiều dài sáu thước, chiều ngang vỏn vẹn có… hai thước. Nhưng chiến thắng cuối cùng và đáng kể nhất của anh, là treo được một cái bảng số nhà và lấy được một cái sổ gia đình tại khu đó. Kịp khi vụ Tết Mậu Thân xảy ra, cả khu này bị khói lửa liếm sạch, trong đó có “ngôi nhà” kỳ dị của anh ta. Rồi khi khu đó được tái thiết xong với những tòa nhà chung cư rất khang trang, mát mắt đứng sừng sững vững vàng đầy vẻ mời gọi, anh ta, lúc đó đã phiêu bạt nơi khác làm ăn có chiều phát đạt, chợt nhận ra mình còn giữ được tấm sổ gia đình độ nào, bèn vác nó về và rút thăm lãnh được một căn, trong chung cư, nhưng anh khóa cửa bỏ đó, không ở.

Tinh cờ gặp Hạo, người bạn thân của thuở hàn vi lưu lạc giang hồ, và nghe Hạo cho biết về tình cảnh của mình, anh ta bèn cho Hạo mua lại căn nhà chung cư của mình, với điều kiện trả góp, đến khi nào hết thì thôi, với giá ba trăm ngàn.

Và thế là Hạo đương nhiên trở thành chủ nhân ông của một căn nhà trong chung cư. Khỏi phải nói Nhiên sung sướng đến mức nào, bởi vì đối với nàng, như thế có nghĩa là từ đây chấm dứt kiếp Do Thái lang thang, như thế có nghĩa là từ đây Nhiên có thể sắm sửa, bày biện tổ ấm của gia đình nàng thế nào, tùy thích, như thế có nghĩa là từ đây, nàng bắt đầu thấy được cái mộng ước muôn đời đàn bà của mình trở thành thực tế, không còn là một chuyện viễn vông nữa. Nếu dân Do Thái coi Palestine là Đất Hứa, là Thánh Địa của họ, thì căn nhà chung cư cũng là một thứ “Đất Hứa” của Nhiên vậy. Tuy nhiên, để làm vui lòng chồng, Nhiên đã nói: “Dù vậy, khi nào yên lành, em vẫn theo anh lên cao nguyên hay về miền quê, để cùng anh thực hiện giấc mộng của một Cao Bá Quát… không bất đắc chí. Căn nhà này, sẽ để cho con cái mình chúng ở, đi học, anh nhé”. Hạo chỉ cười. Dẫu sao, đây cũng là một dịp dừng chân nghỉ ngơi cần thiết. Hạo nghĩ đến việc cầm bút viết lại, một việc mà anh đã tạm xếp lại một chỗ, vì mắc kế sinh nhai và… dọn nhà liên miên.

– Em nghĩ gì mà đứng thần người ra thế?

Nhiên giật mình quay lại. Nàng chợt bẽn lẽn khi thấy chồng đứng ở hành lang dẫn xuống nhà bếp. Nàng có cảm tưởng chồng đã đọc được những ý nghĩ và cảm xúc của mình. Nàng nói lảng:

– Em… chắc phải cho bớt bát đĩa đi, anh à…

Nàng thấy ngay sự lố bịch của mình. Cứ làm như mình nhiều bát đĩa lắm không bằng, dù sở thích của mình là sưu tầm bát đĩa, đồ sứ, v.v. Lẽ ra mình phải nói: Em phải sắm thêm ít bát đĩa nữa để bày cho sướng, cho đã, mới phải.

– Các con chạy đi đâu rồi, anh?

– Chúng nó đang bận khuấy phá các ngõ ngách, xó xỉnh của “con tàu” này.

– Con tàu nào, anh?

– Đó chỉ là một cách ví von. Em không thấy mỗi tòa nhà chung cư với những hành lang chạy dài bao quanh nó, giống như một con tàu chở hành khách đấy sao…

Vặn nước rửa tay, Hạo bảo:

– Anh đói rồi. Mình đi ăn tiệm bữa nay chăng?

Nhiên dẫy nảy:

– Sao anh hoang thế? Em đã mua sẵn thức ăn từ sáng. Để em làm cơm, mình ăn mừng nhà mới luôn, chẳng hơn à?

Hạo vừa lau tay vào chiếc khăn bông, vừa nói:

– Em muốn thế, cũng được… Làm lẹ lẹ lên, anh đói quá rồi đấy.

Nhiên khẽ “dạ” một tiếng, rồi thu xếp đồ đạc và lôi chiếc bếp cồn ra.

Có tiếng bát đĩa chạm vào nhau từ các căn khác vọng lại và tiếng trẻ con khóc, tiếng người nói nghe như sát bên tai, bởi cứ tám căn chung nhau một khoảng không gian lộ thiên cho có không khí, từng cặp căn một đối điện nhau, không vách ngăn, người từ nhà này có thể nhìn sang nhà kia, nhìn lên nhà trên, nhìn xuống nhà dưới một cách… vui vẻ, xum vầy.

Nhiên cảm thấy ấm cúng, thân mật ngay được với khung cảnh mới lạ này.

Một giờ sau, hai vợ chồng Hạo và hai đứa con trai, một lên sáu và một lên năm tuổi, cùng nhau quây quần bên mâm cơm đặt trên chiếc bàn ăn trong bếp. Ăn trong bếp tuy hơi hẹp, song gọn và tiện hơn. Thằng Tuấn Anh khoe đã cùng với thằng Tuấn Em đi lục lạo khắp cái tầng lầu trong “con tàu” này, lại sang cả “tàu” khác nữa làm Nhiên trợn mắt kêu lên:

– Coi chừng lạc đó, Con!

Tuấn Anh lên mặt thành thạo:

– Lạc sao được, mẹ, “tầu” nào cũng giống “tầu” nào hà. Các “ca-bin” đều y hệt nhau hà, chỉ khác ở chỗ có “ca-bin” có ti-vi, máy lạnh đủ hết, có “ca-bin” không…

Nhiên mắng yêu con trong khi Hạo nhìn con vẻ trầm ngâm, thú vị:

– Sư mày thằng Tuấn Anh nhé. Lanh lắm chỉ tổ choắt người, không khá được!

Hạo quay sang vợ:

– Khiếp! Em mắng con cái giọng gì nghe mà.. ghê quá vậy?

Nhiên cười xòa, lảng sang chuyên khác:

– Mình ở đây, thật tiện, anh nhỉ? Mưa gió khó lo nhà giột. Cống rãnh khỏi lo nghẹt… Chả bù dạo trước! Em nghiệm lại thấy là chưa bao giờ mình được ở nhà không bị mưa giột, hay cầu cống tắc, chưa kể nhà méo xẹo, thiếu đầu hụt đuôi. Em nhớ hồi mình ở cái nhà dưới Tân Định. Nghĩ lại vẫn còn ớn! Nhà gì mà thắt đuôi chuột dễ nể: lại thêm ngay giữa phòng khách mọc lên một cây dừa thân to như thân cổ thụ, trái dừa già khô lâu lâu lại rơi lộp bộp xuống mái ngói. Hôm nào mưa to gió lớn, thân cây vặn tới vặn lui làm sàn nhà muốn tróc vậy đó. Chưa kể chú tắc kè cứ đêm đêm vặn mình kêu “hết tiền! hết tiền!”…

Hạo cười, vừa ăn vừa ngó vợ. Nhiên là một người vợ rất dịu hiền và ngoan ngoãn. Chỉ phải tội nhiều lúc nàng nói hơi nhiều, như một đứa trẻ học nói, bạ chuyện gì nói chuyên ấy, líu la líu lô. Hạo cảm thấy vui lây với niềm vui của vợ.

Cơm nước xong, Tuấn Anh lại kéo Tuấn Em đi chơi. Hạo rủ vợ đem ghế ra ngồi ngoài hành lang trước cửa. Anh bàn với vợ mua lấy vài loại cây leo cho leo ở phía trước để nhìn cho mát mắt. Anh cũng nói cho vợ nghe ý định viết lại của mình. Hai vợ chồng nói lan man qua chuyện ở chung cư, về sự thiệt thòi của những gia đình ở tầng cao nhất và tầng thấp nhất. Trời mưa, nhà dột, thì những gia đình trên cùng lãnh đủ, cống cầu có nghẹt hay đường chung cư có lụt lội, các gia đình tầng đất hứng. Mình ở tầng này, vậy là trung bình, anh nhỉ. Thế mỗi ngày hai lần giúp anh đem xe lên xuống vị chi là bốn lần cầu thang, em không ngại à? Như thế cũng như thể thao, càng khỏe, mà anh. À, tiền nước điện ở đây, mình trả ra sao há? Điện thì trả theo công tơ; còn nước thì họ tính theo công tơ chung, rồi chia đều ra từng căn, trả giá đồng hạng. Vậy thì nhà nào xài ít tha hồ mà chịu thiệt, anh nhỉ. Bà bên cạnh bảo em là có người lãnh đổ rác, mỗi căn chịu ít tiền mỗi tháng. Cái nhà bà ở căn 119 quét cầu thang lô này đó. Mỗi tháng họ xin hai chục. Vậy hả?… Họ tổ chức vậy được đấy chứ, anh nhỉ? Sao? Anh đang nghĩ gì vậy? Không… à…, anh nghĩ đến một cuốn truyện có bối cảnh là một chung cư…Này anh, em nghĩ nếu tụi nó có pháo kích lại, coi mòi mấy anh ở tầng trên cùng lãnh quá, anh há? Chỉ nói dại, cái nhà cô này. Bộ cô cho chúng nó chỉ pháo kích trên đầu mình chứ còn trước mặt sau lưng thì không, đấy chắc? Hôm nào rảnh, anh với em vô đường Nguyễn Trãi — phải đường Nguyễn Trãi không nhỉ? — tìm đến cái tiệm bán cây đó, lựa vài loại cây leo. Anh khoái trồng mướp. Lá mướp dẹp, trái mướp dài xanh buông thòng xuống dậu, trông thật đã con mắt — Thôi anh ơi, trồng mướp tụi nhỏ đi qua, chúng phá mất. Trồng thứ bông giấy hay bông kèn, tiện lại dễ mọc, không hay bị chết, bị khô. Nhưng việc đầu tiên là hẵng làm cái mái nhà che chỗ hành lang dẫn xuống nhà bếp bên cạnh nhà tắm đã, không có mưa xuống hắt chết — Em chỉ nghĩ đến cái nhà bếp của em thôi hà — Chứ sao. Cũng như anh lo giàn cây trước nhà của anh đó. Anh thấy không, trẻ con chơi ở đây cũng sạch sẽ hơn. Cả một lô những hành lang bọc quanh tòa nhà suốt bốn tầng lầu tha hồ cho các cậu chạy nhé, khỏi lo xe cộ, rác rưởi, bụi bặm…


II


Cứ năm phút một, khi Hạo vừa gờ gờ ngủ, lại có tiếng trẻ con vừa chạy vừa la rầm rập qua trước cửa. Hạo lại lầm bầm trở mình. Cuối cùng, thấy nằm phía ngoài không ồn, Hạo ôm gối vào phía trong, sát lối hành lang dẫn vào nhà bếp. Anh vừa đặt mình nằm xuống giường bỗng khám phá dường như căn trên đầu căn anh ở đang có một cuộc họp mặt gia đình trong bếp. Mọi người tranh nhau nói, cười oang oang. Thêm vào đó, là tiếng rửa chén bát, tiếng trẻ khóc, tiếng máy phát thanh. Đã hơn một giờ trưa rồi. Hạo cần nghỉ trưa để buổi chiều có thể làm việc. Nhưng Hạo không tài nào chớp mắt được lấy một phút.

Bên giường bên, Nhiên đang đọc báo. Thấy chồng thở dài, trằn trọc mãi không ngủ, nàng đưa mắt nhìn anh vẻ ái ngại, song không dám nói gì.

Bọn trẻ lại chạy qua trước cửa. Dường như có tiếng la của cả hai thằng Tuấn. Hạo bỗng chồm dậy, nhào ra cửa gọi như hét:

– Tuấn Anh! Tuấn Em! Về bảo!

Hai thằng bé đang hùng hục chạy, nghe bố gọi, bèn đứng khựng lại, ngó về phía bố nó, dò xét, chờ đợi. Hạo toan la con, bỗng nhận ra gốc cây mướp của anh đã bị đứa nào vặt khỏi chậu kiễng từ hồi nào, cái cây vừa mới nho nhoe leo được hàng lưới thưa đan bằng dây thép che hết gần nửa phần trên khoang lan can trước nhà.

– Đứa nào… đứa nào vặt cây mướp của ông!? Đứa nào’?

Hạo giận đến run cả người, run cả giọng. Tuấn Anh và Tuấn Em ngờ bố gọi về về vụ cây mướp, chúng cùng lên tiếng:

– Không phải con!

– Không phải con, bố. Con… không biết đứa nào. Chắc bọn thằng Vạn bên xóm Đền vẫn qua đây chơi!

Hai thằng bé, mỗi đứa đến đứng bên bố, tay chống nạnh, ngó cây mướp, vô tình không dè bị Hạo mỗi tay véo tai một đứa lôi vào trong nhà. Chúng kêu oai oái:

– Bố ơi, đâu phải con vặt!

– Oan con mà, bố ơi! Hu hu… con không biết gì hết!

Nhiên buông tờ báo xuống giường, ngồi dậy:

– Cái gì mà ba bố con làm ồn quá vậy? Buổi trưa…

Hạo quay lại vặc với vợ:

– Buổi trưa! Buổi trưa cái con khỉ! Sao không bảo bọn trẻ thôi chạy, mấy nhà hàng xóm thôi nói, thôi nghe máy hát đi, có được không?

Nhiên can chồng:

— Thôi mà, anh. Muốn bảo con nó về nhà, thì lựa lời chứ. Sao anh lại… giận cá chém thớt thế.

Được thể, thằng Tuấn Em ngoác miệng ra gào, bên thằng Tuấn Anh chỉ dám mếu máo là cùng. Nhiên dẫn hai con ra nhà bếp.

Còn lại mình Hạo, anh chán nản buông mình xuống ghế sa-lông, đốt một điếu thuốc để dằn cơn giận. Bây giờ thì Hạo thấy tỉnh hẳn ngủ. Một lúc sau cơn giận tan Hạo cảm thấy buồn buồn. Từ ít lâu nay, Hạo dễ mất bình tĩnh, hay nóng giận, không biết vì sao. Trước kia anh nổi tiếng là một người đơn giản, trầm tĩnh. Cái gì đã thay đổi mình đến thế nhỉ, Hạo tự hỏi. Có lúc Hạo nghĩ hay vì đã lâu anh không có dịp đi đây đi đó để thay đổi không khí tù túng của thành phố? Và vì con người ưa cuộc sống lưu lạc giang hồ của anh không thích nghi với một ổn định? Làm gì ra có được cái lý do lãng mạ đến thế! Đôi khi Hạo cảm thấy sống bên cạnh vợ con, nhất là Nhiên, mà anh thấy cô đơn hơn thuở hai vợ chồng còn lận đận? Chẳng lẽ anh ghen với vẻ an bình của vợ, với sự thích nghi khá nhiệt thành và say mê của nàng về cuộc sống ở chung cư, với sự am hiểu tường tận đầy thích thú của nàng về mỗi cá nhân riêng tư ở chốn này

Hay đúng hơn, anh tức vì Nhiên dường như đang bị lôi đi xa khỏi vùng ảnh hưởng của anh, để gia nhập vào cuộc sống ở đây, cuộc sống mà anh chẳng thể hòa mình? Ngày xưa, vì luôn luôn phải dọn nhà, Nhiên chẳng mấy quan tâm đến hàng xóm láng giềng. Ở đây khác hẳn. Cái bếp trong một căn nhà chung cư, thay vì là chỗ ẩn sâu kín nhất trong nhà lại là nơi để lọt ra ngoài những chuyện riêng tư của mỗi gia đình nhiều nhất.

Hạo dụi điếu thuốc vào chiếc gạt tàn, đứng dậy sửa soạn đi làm, như một người bị xua đuổi ra khỏi một nơi đáng lẽ phải là chốn yên ổn và ấm cúng nhất.

Sau mấy tiếng làm việc hùng hục, Hạo thấy lòng nguôi nguôi. Anh ân hận đã để mất bình tĩnh hồi trưa, đã nghĩ không tốt về vợ. Anh toan về nhà, sực nghĩ ra hôm nay thứ sáu có cải lương truyền hình, nên ngần ngại. Anh nghĩ bây giờ có về nhà, cũng chẳng được cùng vợ con ngồi trò chuyện vui vẻ trong hòa khí nào. Anh không chịu nỗi cái cảnh đã chẳng làm gì được, dù ngồi đọc một cuốn sách, dù muốn nằm nghĩ nghe nhạc êm dịu, bởi vì Nhiên sẽ bị màn ảnh truyền hình lôi cuốn, bởi vì căn nhà sẽ tràn ngập những âm thanh từ tứ phía đổ lại. Đến cái thèm khát được rúc vào xó bếp cũng là điều không được thỏa mãn tại chung cư. Cuộc sống đang bị loạn xà ngầu… Từ ngày về ở trong chung cư, Hạo chưa được hưởng lấy một buổi sáng ngủ muộn và thức giấc trong một sự êm lắng trọn vẹn, thanh thoát, trong sáng…

Khi Hạo về đến khu chung cư, đồng hồ đã chỉ mười một giờ ba mươi. Tuồng cải lương đã dứt. Mọi nhà còn chong đèn mở cửa ra vào hoặc cửa sổ, cho thấy mùng chiếu dọc ngang bên trong, có căn, cả gia đình lăn ra ngủ không trên nền nhà đá hoa lau sạch và đồ đạc duy nhất là một cái tủ đựng quần áo dựng ở góc nhà, với ba cái ghế dựng sát mé tường. Hạo tránh nhìn vào các nhà còn để đèn. Nhưng bước chân của Hạo, tuy nhỏ, cũng đủ khơi dậy sự chú ý của những khuôn mặt hoặc đang cúi trên sách báo, hoặc đang khâu vá… Họ ném cho Hạo những cái nhìn ơ thờ hơi mệt mỏi sau một ngày tranh đấu ngấm ngầm với đủ loại tiếng động ồn ào và cuộc chạy đua vô tận. Có lúc, Hạo thầm ví cuộc sống ở chung cư như một đứa trẻ: ban ngày thật hoạt động, ban đêm thật yên tĩnh êm đềm. Hạo hiểu rằng mình đã tỏ ra quá khắt khe với nó, đứa trẻ ấy.

Hạo dùng chìa khóa riêng mở cửa. Bọn trẻ đã ngủ cả. Chỉ còn mình Nhiên. Nàng đang ngồi giặt đồ. Tiếng giũ và sả nước khua động cả bốn tầng lầu. Ở đây, một căn có người đi vào nhà cầu, là cả tám căn liên hệ tới khoảng lộ thiên chung đều biết do tiếng nước giật cầu. Thường Nhiên giặt đồ sau khi rửa chén bát buổi tối xong. Hôm nay nàng giặt trễ. Tối thứ sáu nào nàng cũng giặt đồ trễ, trừ phi tuồng cải lương trên ti-vi dở quá! Hạo nghĩ có lẽ mình đã bất công với vợ. Cả ngày ở nhà lo việc chợ búa, bếp núc giặt giũ, nàng có gì để giải trí đâu, ngoài cái ti-vi. Trước kia, Nhiên cũng thích đọc sách. Nhưng Hạo không hiểu sao từ ngày về đây ở, Nhiên không mấy đọc nữa. Anh cũng chẳng có dịp hỏi vì sao. Anh ngỡ rằng mình có thể đã biết lý do tại sao. Dầu sao, Nhiên cũng chỉ là một người đàn bà đơn giản, dễ bị tôi cuốn bởi những thú vui dễ dãi.

– Hôm nay, em giặt đồ trễ vậy?

– Thứ sáu mà anh! Thứ sáu nào chả vậy. Cái ti-vi của nhà nó “nhảy” quá, anh à.

– Tại thiếu ăng-ten, chắc vậy.

– Anh dùng cơm chưa? Còn…

– Rồi, em.

Một lát sau, Nhiên xếp đồ giũ rồi vào một cái sô, đậy nắp lại, để mai sẽ phơi. Nàng tắm qua loa, thay bộ đồ mát bằng hàng nội hóa, rồi tắt đèn lên nhà nằm cạnh chồng lúc đó đang nằm hút thuốc. Hạo dang tay ra cho vợ gối lên tay mình. Họ nằm im một lát. Hạo cảm thấy tâm hồn dịu hẳn đi. Hạo thường làm việc khuya, khi vào giường nằm Nhiên đã ngủ rồi. Rất ít khi họ được hưởng cái thú cùng thức nằm bên nhau như hôm nay, Hạo có cảm tưởng dù sống bên nhau, mà hai vợ chồng có nhiều lúc như lạc mất nhau.

Anh dụi thuốc lá, quay sang vòng tay ôm lấy vợ siết vào người mình. Anh chỉ muốn nằm yên ôm vợ trong vòng tay như vậy. Nhưng người đàn bà lại nghĩ khác. Đôi khi cái ý thức bổn phận ở nàng mãnh liệt một cách thái quá.

Hạo biết vợ chỉ đợi làm xong bổn phận là sẽ lăn ra ngủ.

Hạo đốt một điếu thuốc khác khi nghe hơi thở đều đều, nhẹ nhàng đầy vẻ yên bình của người vợ đang nằm quay lưng lại phía mình, chiếc gối ôm trong vòng tay, giữa cặp đùi còn vương hơi ấm của cuộc ái ân vừa qua. Trong im lặng của đêm, Hạo nghe cay đắng trong lòng. Hạo có cảm tưởng sẽ có một ngày nào đó, khi cơ hội cho phép họ dời thành phố, dời khỏi cuộc sống bủa vây, ngột ngạt này, chính Nhiên sẽ từ chối đi theo anh.

Lúc ấy, anh sẽ trở thành một thứ Cao Bá Quát bất đắc chí thật sự, một thứ Cao Bá Quát tân thời, chỉ vì chẳng thể thích nghi được với cuộc sống đang đi dần đến chỗ máy móc của những đua chen, vật lộn, của những tòa nhà chung cư hiện diện như những con tàu bị kẹt trên đất liền, với những căn nhà chung cư không một góc xó an toàn cho một tâm hồn mỏng manh bị đe dọa không ngừng, bởi những âm thanh hỗn độn của ngày và bởi chính cả sự im lặng tĩnh mịch của đêm…

– Cậu nghĩ đến cậu nhiều quá,..

– Anh muốn nói… tôi ích kỷ? Tôi bình thường, như mọi người. Tôi thương vợ, thương con, hòa nhã với mọi người, và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai cần sự giúp đỡ, trong khả năng của tôi. Làm sao có thể gọi như vậy là ích kỷ được?

– Cậu không hiểu ý tôi. Tôi muốn nói, cậu thiếu sự hòa mình với cuộc sống xung quanh, cậu đặt ra một số nguyên tắc cho cuộc sống của cậu, và cậu bo bo giữ lấy chúng, không chịu linh động hóa chúng đi, khi cần. Muốn sống cho thích hợp với cuộc sống, đôi khi cần phải hy sinh một số nguyên tắc, hay ít ra tỏ ra uyển chuyển trong việc áp dụng chúng. Cậu thiếu cái đó.

– Kết quả?

– Cậu cảm thấy cô đơn trong xã hội cậu đang sống, cô đơn ngay giữa những kẻ thân yêu là gia đình cậu.

– Tôi đã tập cười, tập tha thứ. Anh thấy đó: tôi lúc nào cũng cười, và sẵn sàng bỏ qua mọi sự.

– Cậu cười, nhưng thật ra cậu đeo mặt nạ có vẽ cái miệng cười, đấy thôi. Cậu bỏ qua, nhưng sự thực như thế đâu có nghĩa là cậu từ bỏ quan điểm của cậu và chấp nhận những người mà cậu tha thứ, mà cậu đã phẫn nộ vì họ, dần dần, mọi người trở nên xa lạ đối với cậu, và ngược lại, cậu hóa ra xa lạ đối với họ.

Vậy tôi phải làm sao?… tôi phải làm sao bây giờ…

Hạo trở mình nghĩ đến ngày mai và những ngày mai nữa. Anh phải làm sao bây giờ? Nhiên ơi! Em Thiên Nhiên của anh ơi…

TRÙNG DƯƠNG

(Nguồn : vietmessenger.com)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: