Triệu Phong dịch thuật

HẬU QUẢ CUỘC CHIẾN
Hình ảnh các nhà lãnh đạo CS, quân đội lẫn chính trị, hồ hỡi ăn mừng đánh bại Nam Việt Nam được phổ biến rộng rãi, trong khi hầu như không thấy đề cập gì đến số phận của đồng minh cũ của chúng ta (VNCH), tức phe thua trận.
Sự sụp đổ nhanh chóng của Miền Nam, cộng thêm các cuộc giao tranh ác liệt diễn ra vào những ngày cuối, khiến hầu hết giới quân sự (Mỹ) hoàn toàn kinh ngạc. Tổng số người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bỏ mình trong trận đánh bảo vệ Sài Gòn là bao nhiêu thì không được rõ, nhưng con số chắc chắn là không nhỏ. Các cuộc giao tranh trong những ngày sau cùng làm xóa sổ nhiều đơn vị; rất hiếm đơn vị nào mà không chịu tổn thất nặng.
Lấy ví dụ, Tiểu Đoàn 82 BĐQ Biên Phòng, vốn rút khỏi Quảng Đức an toàn hồi tháng Ba để rồi rơi vào địa ngục Xuân Lộc, rồi được điều động đi đánh tiếp ở Nước Trong. Khi từ Quảng Đức về có 410 mạng nhưng khi rút khỏi cầu Tân Cảng vào sáng 30 tháng Tư thì chỉ sáu mươi lính và bốn sĩ quan còn sống sót. Không lâu sau đó, họ bị lọt vào ổ phục kích của CS, và những thành phần còn lại đó bị quét sạch. Chỉ Th.Tá Vương Mộng Long và một nhúm binh sĩ khác là thoát chết.
Sư Đoàn 25 và hai liên đoàn Biệt Động Quân tân lập bị tiêu diệt. SĐ.5 sau khi bị cắt liên lạc với Sài Gòn đã đầu hàng tập thể.
***
Vào buổi sáng định mệnh ấy, nhiều cảnh đau xót diễn ra ở khắp mọi hướng của Sài Gòn.
Ch.Tướng Trần Quang Khôi đang di chuyển Lữ Đoàn 3 Thiết kỵ của mình qua Cầu Mới về Sài Gòn, trong nỗ lực dũng cảm góp sức giải cứu thủ đô. Đó cũng là lúc ông nghe lệnh ngưng bắn đầu tiên của TT Minh phát trên radio. Binh sĩ ông đang đối mặt trước nguy cơ hiểm nghèo, sắp đụng lớn với đoàn xung kích của QĐ.1 CS. Khi ấy họ chỉ còn cách nhau ba dặm trên QL 13. Nghe phát thanh xong, Tướng Khôi ra lệnh đơn vị dừng lại và cho phép mọi người tự giải tán. Ông nhảy lên một chiếc xe và lái về nhà ông ở dưới miệt Miền Tây.
Th.Tướng Lê Minh Đảo của SĐ.18, vốn vừa chiến đấu một trận rất anh dũng ở Xuân Lộc, đang gấp rút tổ chức tuyến phòng thủ dọc theo xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa, là lúc ông nghe tin đầu hàng. Ông cũng cho phép binh sĩ tan hàng rồi mặc vào bộ đồ thường dân, tìm cách trốn về Vùng IV, mặc dù hầu hết QĐ.4 đã đầu hàng hoặc tự giải tán.
Đ.Tá Nguyễn Thành Trí của Thủy Quân Lục Chiến, đang tập hợp quân tại doanh trại chính của họ cách Cầu Mới nhiều dặm, thì nghe loan báo lệnh buông súng trên đài phát thanh. Ông cũng cho binh sĩ ai về nhà nấy, phần ông thì đi bộ về nhà của một người bà con ở gần đó.
Đ.Tá Phan Văn Huấn và chiến hữu của ông thuộc LĐ 81 Biệt Cách Dù, trong giờ phút cuối cùng có lẽ đã đồng diễn được một hoạt cảnh xúc động nhất.
Số là hôm 29 tháng Tư ông được lệnh kéo quân qua Cầu Mới rồi đến bố trí ở gần Thủ Đức. Qua cầu rồi ông lại không còn liên lạc được với bộ chỉ huy nào cả.
Vào sáng 30 tháng Tư, người của ông nghe phát lệnh đầu hàng. Tập họp hết binh sĩ, ông nói vài lời ngắn : “Chúng ta đều sinh ra ở Miền Nam, ai cũng phải có bổn phận bảo vệ mảnh đất mẹ Miền Nam. Nay Nam Việt Nam chúng ta bị đánh bại, và thật cay đắng, chúng ta phải tuân theo lệnh của Tổng Thống Minh, giao nộp hết vũ khí cho Việt Cộng. Các anh em! Chúng ta đã từng chiến đấu bên nhau trong nhiều năm trường. Trước giờ phút lịch sử này, chúng ta phải chứng tỏ rằng chúng ta là một đơn vị có kỷ luật. Chúng ta sẽ bước quân hành về Sài Gòn để gặp một đơn vị QĐND để giao vũ khí cho họ. Tôi muốn tất cả anh em hãy nhớ rằng các anh em không có tội gì cả vì các anh em chỉ làm theo lệnh tôi. Tôi sẵn sàng chịu hết tội và tôi sẽ đi dẫn đầu. Nếu địch nổ súng tôi sẽ là người trúng đạn trước.”
Súng quàng trên vai, họ đi thành hàng bốn trong đoàn quân dài khoảng nửa dặm, hai ngàn binh sĩ của đơn vị tinh hoa nhất Miền Nam bắt đầu bước theo nhịp bước quân hành dọc theo xa lộ, về hướng Sài Gòn. Giữ đúng lời hứa, Đ.Tá Huấn đi đầu đoàn quân. Dân chúng đứng dọc hai bên đường để xem. Nhiều người mang nước ra mời. Không lâu sau, Đ.Tá Huấn gặp các binh sĩ VNCH đi bộ ngược từ phía Sài Gòn, trên người chỉ mặc quần xà lỏn, còn tay thì cầm giấy tờ tùy thân. Khi ông hỏi tại sao lại ăn mặc như thế thì họ đáp rằng người CS bắt họ phải cởi bỏ hết đồ trận, giao nộp vũ khí rồi về nhà.
Sau đó, một sĩ quan CS cùng một số bộ đội giáp mặt với Đ.Tá Huấn trên xa lộ. Ông nói với người sĩ quan rằng người của ông sẵn sàng giao nộp hết vũ khí nhưng tất cả sẽ không cởi bỏ quân phục. Nếu lệnh bắt phải cởi bỏ họ sẽ không tuân lời, và giao tranh sẽ bùng nổ. Người sĩ quan CS nhượng bộ, đồng ý, thế là các binh sĩ của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù chất đống vũ khí của họ trên xa lộ rồi … ai đi đường nấy !!!
Đó là đơn vị cuối cùng ở Sài Gòn buông vũ khí.
Thảo luận
Không có bình luận