Triệu Phong dịch thuật

NHỮNG NỖ LỰC CUỐI CÙNG
Sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Tổng Thống Trần Văn Hương yêu cầu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn nán lại để bảo đảm guồng máy chính phủ vẫn tiếp tục hoạt động. Ông Cẩn đồng ý lưu lại đến khi có quyết định liệu có trao quyền lãnh đạo đất nước cho cựu Tướng Dương Văn Minh hay không. Để giúp ông Hương thành lập một tân nội các được dễ dàng hơn, người ta yêu cầu cựu Tổng Thống Thiệu và cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm phải rời khỏi nước. Bô Ngoại Giao Mỹ hỏi ý kiến nhiều quốc gia nhưng chỉ có Đài Loan là chịu nhận hai ông. Trong đêm 25 tháng Tư, Đại Sứ Mỹ Graham Martin xếp đặt một chiếc máy bay, đưa hai ông bay khỏi Sài Gòn. Tuy nhiên việc hai ông Thiệu và Khiêm ra đi cũng chẳng giúp ích được gì thêm cho ông Hương.
Dưới sức ép nặng nề từ phía người Mỹ lẫn người Pháp, ông Hương triệu tập Quốc Hội vào chiều 27 tháng Tư để biểu quyết ai sẽ là người kế vị. Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn tường trình sơ lược về một tình hình quân sự tuyệt vọng, ông Hương loan báo việc ông từ chức, và Quốc Hội chọn cựu Tướng Minh làm tân tổng thống. Ông Minh là người từng lãnh đạo cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963, nhưng chính quyền ông không lâu sau đó cũng bị lật. Mặc dù chìm vào hậu trường sau biến cố đó nhưng ông vẫn nổi lên như là một nhân vật lãnh đạo của “Lực Lượng Thứ Ba.” Người Pháp cho rằng ông là người duy nhất mà Bắc Việt chịu ngồi xuống thảo luận về khả năng ngưng bắn.
Vào chiều 28 tháng Tư, hai ông Dương Văn Minh và Trần Văn Hương làm lễ chuyển giao quyền hành. Mục tiêu cấp bách của ông Minh là dàn xếp một cuộc ngưng bắn, chủ yếu là với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, những người mà ông tin là không muốn thuần phục với Hà Nội. Ông Minh cũng tin tưởng rằng BV chưa muốn thôn tính Nam Việt Nam ngay. Ông tin vào điều tưởng tượng này vì ông vốn thường xuyên điện đàm với phía bên kia. Hơn nữa, em trai ông là một cán bộ quân sự cao cấp trong Quân Đội Nhân Dân, mà hồi năm 1963, ông Lê Đức Thọ đã từng lợi dụng mối quan hệ này, đã từng đưa người em ông Minh vào Nam để gây ảnh hưởng đối với ông. Nỗ lực đó đã không thành.
Trước khi nhậm chức, ông Minh yêu cầu Đại Tướng Cao Văn Viên gặp ông để thảo luận về tình hình quân sự. Ông Viên nhã nhặn khước từ, lấy lý do quá bận công vụ. Trong thực tế, ông Viên vẫn chưa quên việc bị dí súng sau lưng hồi tháng Mười Một 1963 và ông vẫn không chịu giúp ông Minh trong cuộc đảo chánh.
Không lâu trước khi trao quyền, ông Hương chấp thuận sự từ chức của Tướng Viên với tư cách tổng tham mưu trưởng. Trong vòng vài giờ sau, ông Viên bay trực thăng ra hạm đội Mỹ đậu ngoài khơi Vũng Tàu. Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, phụ tá Tướng Viên, sau đó không lâu cũng ra đi. Với việc hai ông Viên và Khuyên bỏ đi, bộ tổng tham mưu coi như tan tành.
Diễn văn nhậm chức của ông Minh thật ngắn. Ông tuyên bố muốn tái mở hội đàm với chính quyền Miền Bắc, hứa thả hết tù chính trị, chấm dứt hạn chế tự do báo chí, và hứa thành lập một chính phủ với đủ mọi thành phần. Đồng thời ông Minh kêu gọi các tướng lãnh tiếp tục bảo vệ phần đất còn lại của đất nước. Để kết thúc bài diễn văn, ông chìa ra cho BV một nhành ô-liu, yêu cầu BV chấp thuận một cuộc ngưng bắn và cùng ông tìm một giải pháp chính trị dựa theo tinh thần bản Hiệp Định Paris.
Mọi hy vọng rằng CS sẽ chịu ngồi xuống nói chuyện hòa đàm với Tướng Minh là chuyện mơ tưởng viễn vông. Lập tức ngay sau lễ bàn giao, Trung Ương Cục Miền Nam gửi bản phân tích của họ đến các cấp lãnh đạo quân sự địa phương : “Âm mưu của Đế Quốc Mỹ khi đưa Dương Văn Minh lên làm tổng thống của chính quyền bù nhìn là cốt để mở đàm phán với ta, mục đích để vớt vát những gì còn lại của chế độ Sài Gòn. Tuy nhiên, trong thực tế, Dương Văn Minh không còn đại diện cho Lực Lượng Thứ Ba nữa, thay vì vậy đã trở thành một tay sai của Mỹ, bị lợi dụng để chống phá cách mạng. Trong tình hình hiện tại, bất kỳ ai, không cần biết kẻ đó là ai, được đặt vào vị trí lãnh đạo của chính quyền bù nhìn đều là một tay sai của Mỹ. Ta phải thực hiện quyết tâm không gì lay chuyển giải phóng hoàn toàn Miền Nam, và thống nhất đất nước.”
Để tạo điểm nhấn cho tinh thần ấy, cuộc không kích độc nhất của Tướng Dũng xảy ra đúng thời điểm Dương Văn Minh đọc bài diễn văn của mình. Không Quân BV sử dụng năm chiếc A-37 thu được ở phi trường Phù Cát đưa vào hoạt động. Sau khi bay vào Thanh Sơn ở Phan Rang, những phản lực cơ này mà một chiếc do phi công đào tẩu Nguyễn Thành Trung điều khiển, cất cánh lúc 4:25 pm, ngày 28 tháng Tư và đến Tân Sơn Nhứt không lâu sau 6:00 pm, rồi thả bom, gây kinh ngạc cho quân dân Miền Nam, và làm hư hại mười một máy bay của KQ VNCH. Nhiều chiếc bay quành lại để thực hiện đợt thả bom thứ hai rồi quành trở về Thanh Sơn. Hai chiếc cạn nhiên liệu khi về đến Phan Rang nhưng cũng đáp xuống được an toàn.
Đúng như Tướng Dũng hy vọng, tác động tâm lý lên tinh thần của Không Quân NV thật kinh hoàng. Ngay sau cuộc dội bom, hầu hết không quân của QĐ III đều ngưng hoạt động, và các phi công bắt đầu tẩu thoát sang Thái Lan.
Mặc cho bom rơi và giao tranh đang diễn ra ác liệt, để cho nỗ lực thành lập chính phủ liên hiệp của mình được suôn sẻ, tân Tổng Thống Minh vội gửi cho Đại Sứ Mỹ Graham Martin yêu cầu toàn thể nhân viên phái bộ Mỹ phải rời khỏi Miền Nam trong vòng hai mươi bốn tiếng. ĐS Martin làm y theo lời yêu cầu ấy. Đại Tá Le Gro và Thiếu Tướng Smith bắt đầu đóng cửa văn phòng, đồng thời thiêu hủy các hồ sơ mật. Không lâu sau, những nhân viên còn lại thuộc cơ quan DAO bắt đầu gia nhập theo cuộc di tản đang diễn ra tại Tân Sơn Nhứt.
Để tái lập bộ tổng tham mưu, TT Minh bổ nhiệm cựu Tư Lệnh Quân Đoàn II, Trung Tướng Vĩnh Lộc lên thế chỗ Tướng Cao Văn Viên. Là người thuộc dòng dõi thân thích với Cựu Hoàng Bảo Đại, Tướng Lộc từng tích cực ủng hộ cuộc đảo chánh lật đổ TT Diệm khi dẫn các đơn vị xe tăng tiến vào Sài Gòn năm 1963. Ông không tỏ ra là vị tướng có năng lực nên đã bị bứng khỏi chức vụ tư lệnh QĐ II sau trận Tết ’68. Nhưng đứng trước việc hầu hết sĩ quan tham mưu bay ra hạm đội Mỹ, TT Minh không còn chọn lựa nào khác. Ông giao cho Tướng Lộc một sứ mạng : Gắng giữ vững Miền Nam trong hai ngày hầu ông có thời gian để sắp xếp một giải pháp hòa bình với phía bên kia.
Tướng Lộc về đến Bộ TTM vào lúc 10:00 am, ngày 29 tháng Tư. Sau khi tom góp nhân sự thành một bộ tham mưu tạm thời, ông liền gọi cho các tướng vẫn còn nắm binh đoàn trong tay, yêu cầu họ phúc trình tình hình. Không liên lạc được với Tướng Toàn ở QĐ III, ông bèn tìm gặp Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, người vẫn kiểm soát chặt chẽ QĐ IV. Tướng Nam đồng ý tuân theo lệnh Tướng Lộc và chuẩn bị biến Cần Thơ thành chiến lũy cuối cùng của chính quyền Miền Nam một khi Sài Gòn thất thủ.
TT Minh cũng mang một người bạn cũ đã về hưu trở lại chính quyền để nhờ giúp đỡ Tướng Lộc. Cựu Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh được đưa từ nhà riêng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long lên Sài Gòn để làm phụ tá cho Tướng Vĩnh Lộc. Đầu năm 1974, ông Hạnh giải ngũ sau khi nắm chức vụ cuối cùng là Tổng Thanh Tra Quân Đoàn I. Trước đó ông từng làm tư lệnh Đặc Khu 44 ở vùng ĐBSCL, nơi ông tạo sự oán ghét từ Đại Tá Mỹ David Hackworth. Trong cuốn sách của mình có tựa About Face, ông Hackworth thẳng thừng chê Tướng Hạnh là kẻ tham nhũng và nổi tiếng với việc ưa né tránh đụng độ với kẻ địch. Ông Hackworth đâu có hay rằng điều ông khinh bỉ thứ nhì nó có cái lý do của nó. Bởi Tướng Hạnh trong bí mật là người của phe CS. Sự hiện diện của ông Hạnh vào thời điểm này sẽ sớm chứng tỏ là thật quan trọng.
Thảo luận
Không có bình luận