//
you're reading...
Triệu Phong, Xuân Lộc tháng 4.1975

Xuân Lộc tháng Tư 1975 (7) * Triệu Phong dịch thuật

Lúc đêm xuống của ngày 12 tháng Tư, trong khi chính phủ Miền Nam tuyên bố chiến thắng thì quân Bắc Việt động binh chuẩn bị cho động thái kế tiếp. Đó là tấn công vào ngã ba Dầu Giây.

Sang ngày 13 tháng Tư, những cuộc tấn công ào ạt bằng trọng pháo lẫn bộ binh với quân số áp đảo dễ dàng đẩy đội quân phòng thủ yếu ớt ra khỏi ấp Phan Bội Châu, lùi về mé ngoài của Dầu Giây. Đêm đó, trung đoàn trưởng Trung Đoàn 52 NV ra lệnh cho hai đại đội thuộc Tiểu Đoàn 3 tìm đến Tiểu Đoàn 1, yểm trợ họ rút ra khỏi Dầu Giây. Di chuyển dưới trời đêm tối đen xuyên qua những lùm cây rậm rạp, Tiểu Đoàn 3 thực hiện thành công việc giải cứu thành phần còn lại của Tiểu Đoàn 1. Số là tiểu đoàn này chỉ còn một phần ba quân số sau năm ngày ăn đạn pháo và chịu sự tấn công liên tục của Trung Đoàn 33 BV. Dầu Giây nay coi như bỏ không. Bị bao vây và không thể tải thương cũng như nhận tiếp tế, thành phần còn lại của Trung Đoàn 52 nay đang ở trong tình thế cực kỳ nguy khốn. Hôm 10 tháng Tư trung đoàn này bị Tướng Đảo lấy bớt Tiểu Đoàn 2 để tăng cường phòng thủ cho Xuân Lộc khiến tuyến phòng thủ của trung đoàn trở nên yếu hẳn đi. Việc lấy bớt một tiểu đoàn như vậy là một trong vài sai lầm chiến thuật của ông.

Với sự rút lui của Tiểu Đoàn 1, Lữ Đoàn 3 Thiết kỵ một lần nữa tìm cách tiếp cận với Trung Đoàn 52. Nhận thấy tầm quan trọng của việc khai thông quốc lộ, Chuẩn Tướng Khôi quyết định đi vòng tránh chỗ bị chận. Ông gửi một đoàn gồm một tiểu đoàn Biệt Động Quân và đội Thiết Kỵ tiến lên phía bắc Hưng Lộc để gặp Trung Đoàn 52 tại vị trí của họ ở ấp Nguyễn Thái Học, nằm trên QL 20, ngay phía bắc Dầu Giây.

Bộ đội CS xung phong. (alamy stock photo/Wikipedia)

Vào giữa trưa ngày 14 tháng Tư, quân của Tướng Khôi chiếm được Đồi 122, vùng cao điểm phía bắc Hưng Lộc, nơi đây chỉ gặp kháng cự lẻ tẻ của quân CS. Tuy nhiên con suối đầu tiên trong số nhiều con suối khác cản đương làm đoàn chiến xa dừng lại, chờ công binh làm cầu để vượt qua. Điều này cho phép quân CS phản ứng bằng động thái bất ngờ, và họ nhanh chóng mở cuộc phản công. Chẳng mấy chốc, lực lượng của Tướng Khôi ăn mưa pháo từ cả ba phía. Theo cấp chỉ huy dưới quyền ông, “Địch bu lại đông như kiến. Họ tung ra nhiều đợt tấn công biển người tiến lên ba phía của ngọn đồi. Trước tình thế tuyệt vọng như vậy, tôi thỉnh cầu xin yểm trợ bằng pháo binh lẫn máy bay. Bất hạnh thay, những gì chúng tôi có chỉ vài chiếc trực thăng võ trang bay tới thụt vài trái hỏa tiễn rồi lập tức biến đi. Địch lại tấn công với cường độ ác liệt hơn. Tôi nghĩ rồi ra họ sẽ hoặc tràn ngập Đồi 122 hoặc bao vây rồi cắt chúng tôi thành từng mảnh. Đột nhiên họ rút quân và cuộc giao tranh kết thúc. Chúng tôi thiệt mất hai mươi con cái, trong khi bên BĐQ mất đến gấp đôi. Còn phía địch quân thì xác nằm rải đầy đồi.” Việc tìm đường đi vòng lên hướng bắc của Tướng Khôi như vậy là bị chận lại khiến chịu cảnh cắt đứt liên lạc với SĐ 18 lẫn Trung Đoàn 52.

Tướng Lê Minh Đảo (phải) và trung tá trung đoàn trưởng Trung Đoàn 52. (Photo : Line-17QQ)

Để phá vỡ vòng vây, quân NV tiếp tục vận dụng mọi cách để cân bằng với phe CS về mặt trọng pháo lẫn quân số. Một trong những lợi thế chiến thuật của Tướng Đảo là sử dụng hữu hiệu việc nghe lén điện đàm. Bộ Tổng Tham Mưu có phái đến các toán hai mươi người cho mỗi sư đoàn để theo dõi và nghe lén điện đàm của địch. Về sau Tướng Đảo thuật lại với tác giả cuốn Black April nầy rằng, “Các đơn vị Cộng quân thường phải báo cáo địa điểm đóng quân và sức mạnh của đơn vị như thế nào cho bộ chỉ huy. Mỗi ngày tôi lượng định những gì nghe lén được đó và chấm mục tiêu cho pháo binh dội lên đầu họ. Tôi cũng chuyển những mục tiêu này lên Quân Đoàn III, trên đó họ điều động những phi tuần thả bom.”

Còn đâu B-52 !! Không Quân Nam Việt thay vì vậy bèn quyết định xài mấy quả bom 15.000 cân Anh, tên hiệu là “Daisy Cutters” vừa mới nhận viện trợ để thả lên đầu những mục tiêu tối quan trọng.

Vào hôm 14 tháng Tư, quả Daisy Cutters đầu tiên được thả xuống một nơi nằm cách Xuân Lộc bảy dặm về hướng đông bắc, trên một mục tiêu tình nghi là tổng hành dinh của Quân Đoàn 4. Báo cáo cho hay bảy mươi lăm phần trăm bị tiêu diệt.

Sáng sớm ngày 15 tháng Tư, mở màn một thời kỳ của kế hoạch mới của CS. Một tiểu đội đặc công BV xâm nhập vào căn cứ không quân Biên Hòa và làm nổ một phần của kho bom chính. Sức nổ làm rung rinh cửa kính nhà cửa ở Sài Gòn, cách đó hai mươi dặm. Bốn khẩu 130 ly bắt đầu pháo vào sân bay, tạo những hố sâu trên phi đạo và phá hủy nhiều phi cơ. Căn cứ Biên Hòa, nguồn huyết mạch của Tướng Đảo, bị tê liệt hết nửa ngày.

Đơn vị pháo binh NV tác xạ một đại bác 155 mm. (Pinterst)

Lúc bình minh vào cùng ngày, hai Trung Đoàn 95B và 33, thuộc SĐ 6 CSBV bắt đầu đánh hiệp đồng bất ngờ vào Trung Đoàn 52 trấn giữ Đồi Móng Ngựa và ấp Nguyễn Thái Học. Vô số quả đạn rưới xuống đầu quân trú phòng đang bị vây khốn. Sau khi chiếm được ngã ba Dầu Giây quan trọng, Trung Đoàn 33 chuẩn bị tấn công ấp Nguyễn Thái Học nhưng phải ngừng lại để chận đường tiến của đội quân của Tướng Khôi trước. Bên mé sườn phía bắc, Trung Đoàn 95B thăm dò đại đội đơn lẻ của NV đang nằm giữ Đồi Móng Ngựa. Sau khi đánh bật ba cuộc xung kích, trung đoàn trưởng Trung Đoàn 52 ra lệnh một đại đội thứ hai thuộc Tiểu Đoàn 3 tăng phái cho đại đội nằm lẻ loi trên đồi. Ngay sau khi đại đội thứ nhì vừa lên đến, tái tiếp tế cho đại đội ở đó, đồng thời di tản thương binh, vừa lúc 95B bắt đầu trận tấn công chính, một cuộc xung phong trực diện lên đồi. Từng đợt bộ binh chạy băng qua những khoảng đất trống trải để rồi bị hỏa lực quân NV đốn ngã. Một tiểu đoàn khác của 95B được gửi tiến dọc theo QL 20 để đánh vào cạnh sườn của quân trú phòng trên đồi, nhưng bị chận đứng bởi hàng rào đại bác bắn tập trung của pháo binh NV.

Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 3 về sau viết lại, “Hai đại đội 1 và 4 trên Đồi Móng Ngựa bị buộc phải kháng cự hết đợt xung phong này đến đợt khác. Lúc 4:00 pm ngày 15 tháng Tư, một trong các sĩ quan bảo vệ đồi báo cáo ‘chung quanh chúng tôi chẳng còn gì … dưới chân đồi phủ đầy xác địch, còn cây rừng thì bị tiêu hủy hoàn toàn, khiến ngay cả dốc đồi thấy cũng thay đổi. Đỉnh đồi vốn xanh tươi nay trở nên khô cằn, nhẵn trụi cỏ cây. Những vườn cây trái rậm rạp nay trở thành một đống rác rộng mênh mông. Thân cây và thân người nằm chồng lên nhau, dãy này đến dãy khác.”

Trong giây phút có lẽ đẹp nhất của SĐ 18, vào một ngày giao tranh ác liệt, hai đại đội được pháo binh yểm trợ, đã chận đứng và gây thiệt hại nghiêm trọng cho một trong những trung đoàn tinh nhuệ nhất của CSBV.

(Xem tiếp kỳ 8)

(Trở lại kỳ trước)

(Trở về kỳ đầu)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: