Cả thôn hầu như hoàn toàn vắng vẻ, ngoại trừ hai cụ bà và vài đứa con nít. Những người khác đều biến mất. Đây là thôn VC, Trung nói. Đi cạnh Langford, ông chỉ tay lên lá cờ Mặt Trận Giải Phóng màu xanh đỏ, treo bằng khúc tre trên nóc một căn nhà. Hai người lính leo lên, lấy xuống.
– Tôi thu được đầy đủ khúc phim lúc ấy. Tôi cũng thu được cảnh bốn xác Việt Cộng nằm chết trong hố đào trên đê. Ruồi xanh lớn bắt đầu bay quanh các vết thương của họ; nơi đây thật yên ắng, tiếng ruồi vo ve là âm thanh duy nhất. Hình ảnh này gợi tôi nhớ lại ngày sát sinh ở nông trại khi chúng tôi hạ thịt bầy heo, nhưng đây không phải súc vật mà là những người đàn ông. Một người trong số họ có khuôn mặt vuông, vẻ lương thiện, bụng mở toang: những thứ không nên nhìn. Từ ông ta toát lên mùi hôi thối bạn cũng không nên ngửi, và sau khi thu hình xong, tôi phải quay đi chỗ khác để nôn ọe. Rồi tôi chợt hồi tưởng đến Ken lần nữa, đến hắn ra sao khi hành động tương tự, khi phải giết người lính Nhật ấy.
– Khi tôi thu cận cảnh mấy tử thi VC, khuôn mặt họ làm tôi kinh ngạc. Tôi cứ tưởng họ giống như quỉ sứ. Nhưng thay vì vậy, nằm chết nơi đó trong bộ bà ba đen, chân mang đôi dép thô sơ có quai làm bằng vỏ bánh xe hơi, họ có những khuôn mặt y hệt của những người lính Miền Nam. Rất trẻ. Họ đều là thanh niên nông thôn cả.
Langford và Đ/úy Trung ngồi xếp bằng trên poncho, dưới thân một cây chuối, ở mép một đường đất hẹp chạy xuyên qua xóm. Trung vừa mới bước qua ngồi chung với Langford, điều ông chưa làm trước đây. Thôn này là một nơi nhỏ và đơn sơ, nằm kề một vùng nước ngập mặn bên mé tây. Mặt trời đã lặn, để lại ánh sáng màu đồng và màu hồng sẫm nơi chân trời, nổi bật hình dáng đen của những cây đước cong queo và vài cây dừa cao. Những căn nhà nằm dọc theo con lộ nhỏ làm bằng tre, với mái lợp lá kè khiến chúng trông như mấy đụn rơm. Lợn đen và gà bươi đất trong sân.
Nhiều người lính nằm sấp trên poncho, ngủ vùi với súng ống để cạnh bên. Đây là lần đầu tiên Langford trông thấy biểu lộ sự mệt nhoài nơi họ. Đ/úy Trung và anh hút thuốc, tay xoa vuốt những chỗ nhức mỏi, đồng thời đập cả muỗi, thoạt đầu, họ nói chuyện với nhau chút đỉnh.
“Tối nay chúng ta sẽ được ăn ngon,” Trung nói. Ông chỉ ra chỗ sân, bên ngoài mấy căn nhà, nơi đám lính đang nhúm lửa vào mấy cái lò gạch, trên đó họ nấu bằng chảo và nồi có sẵn trong thôn. Họ đã giết một số heo, gà. Khói than từ bếp hòa quyện một cách dễ chịu với vị nồng thuốc vấn của người Việt. Dưới chân, thoang thoảng mùi cống rãnh.
Langford nói với Trung rằng anh thấy thương tiếc đối với Thọ vì anh quí mến người thanh niên ấy.
“Tôi cũng tiếc. Anh ta là lính giỏi. Chúng tôi sẽ mang xác anh ấy về căn cứ để chôn cất đàng hoàng.” Trung vẫn nhìn về phía mấy người lính tụ tập quanh bếp lò; tiếng cười của họ từ đó trôi ra ngoài cùng với tiếng rúc của lũ gà mái, và cả tiếng gọi đàn của chim chóc dưới đầm nước. Ông ra hiệu đi qua bên đó.
“Mấy người lính nầy hầu hết xuất thân là trai làng,” Trung nói. “Họ được trả lương bèo và không được hưởng nhiều phúc lợi như người Mỹ. Nếu họ chết, gia đình họ không được cấp dưỡng gì. Họ thấy chị em, bạn gái họ trở thành bar girl phục vụ cho lính Mỹ. Thật không dễ khi muốn bảo họ nói tại sao họ chịu chiến đấu và chết.”
Langford mời ông một điếu thuốc. Khi Trung cúi xuống chiếc quẹt lửa trên tay anh, ông ngước nhìn anh với sự tò mò công khai. “Anh đâu cần phải đi theo với tụi tôi,” ông nói. “Con cái tôi cứ thắc mắc tại sao. Tại sao anh không đi theo lính Mỹ, được ăn ice cream tại mặt trận, rồi lúc chiều tối được bay về Sài Gòn tắm rửa, thay áo quần. Thật tình tôi không có câu trả lời cho họ.” Ông nhả khói ra, mắt vẫn dán vào Langford. “Họ thích anh. Ba ngày vừa qua anh đi bộ giỏi lắm. Tôi cứ e anh không đeo nổi tới cùng. Claudine nói với tôi anh không giống mấy tay đặc phái viên khác nhưng tôi không tin. Tôi không thấy ai khác làm chuyện như anh. Tôi nghe kể năm ngoái có một anh nhà báo ngoại quốc xin đi theo như vậy, nhưng sau một ngày thì đổ bệnh, trực thăng phải đến bốc về. Anh chắc đã từng đi lính? Tôi nghe nói người Úc là chiến sĩ rừng rú cừ khôi.”
“Không,” Langford đáp rằng anh chỉ là một cameraman.
Trung dựa vào thân cây chuối, nhìn Langford nhưng bây giờ với một biểu lộ của sự giễu cợt. “Tôi nghĩ chuyến sau anh sẽ đi theo với lính Mỹ hành quân.”
Đúng vậy, Langford đáp. Anh phải tường trình ở mọi góc cạnh của cuộc chiến. Nhưng anh hy vọng được đi theo lần khác với đại đội của Đ/úy Trung.
“Anh vẫn chưa nói tôi nghe tại sao.”
Langford giải thích rằng các cơ quan báo chí Tây phương có vẻ như dành hết việc tường thuật nhắm vào đối tượng là người Mỹ. Anh nghĩ khán giả truyền hình nên được nhìn thấy quân đội Miền Nam đang làm gì. Đây là cuộc chiến của các ông, anh nói. Đất nước của các ông mà, phải không, đại úy?
Trung gật đầu chầm chậm. “Phải – cuộc chiến này của chúng tôi. Và người Mỹ nói chúng tôi không chiến đấu. Họ nói cấp chỉ huy chúng tôi bất lương. Tôi rất tiếc phải thừa nhận rằng chuyện đó đúng trong nhiều trường hợp. Có nhiều cấp lớn sống bằng tiền hối lộ, ăn chận lương của lính. Lính Sài Gòn. Nhưng chúng tôi hoàn toàn khác.” Bỗng nhiên ông nở nụ cười, và nụ cười ấy biến đổi khuôn mặt gầy hóp. “Lần sau nhập bọn trở lại với tụi tôi sớm nhé, bởi anh mới là người đủ điên được như vậy. Anh sẽ được chào đón nồng nhiệt. Và nhớ chỉ gọi tôi bằng tên, Trung.” Ông duỗi người, hít mùi thức ăn nấu chín, và cầm nón sắt lên. “Bây giờ chúng ta đi ăn – và đêm nay chúng ta ngủ có canh chừng. Nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ không ngủ yên được lâu đâu.”
Langford trố mắt nhìn Trung. Không lẽ ý ông là họ sẽ trở lại sao?
“Họ luôn quay lại, Mike à. Tốt nhất là đừng có cởi bốt ra khi ngủ.”
HẾT
Đến đây kết thúc phần dịch trích đoạn của chương ba cuốn “Highways to a war” của Christopher J. Koch. Quí độc giả hiểu tiếng Anh tò mò muốn đọc trọn cuốn có thể tìm mua online. Vì sách dày trên 450 trang, chúng tôi không có tham vọng dịch hết, mong rằng một ngày nào đó, hy vọng sẽ mang con người lý tưởng Mike Langford trở lại với quí vị qua một chương khác của cuốn sách.
Triệu Phong
Thảo luận
Không có bình luận