PHẦN BA
NHẬT KÝ THU ÂM CỦA LANGFORD
TAPE SỐ 5: 20 THÁNG NĂM, 1965
– Đêm qua tôi ăn tối tại nhà Madame Claudine Phan. Khi tôi gọi mới biết bà đang ngóng tin tôi. Donald Mills đã liên lạc trước với bà, và cho bà biết rằng tôi có mặt ở Sài Gòn. Gã không phải phí nhiều thì giờ.
Biệt thự họ Phan nằm trên một con đường nhỏ, toàn tư gia, có tường đá cao, và những cây me tàn lá tỏa rộng, cách khoảng với đoạn trên của đường Tự Do, gần ngôi Thánh Đường. Langford đến bằng xích lô vào lúc trời vừa tối.
Người đạp xích lô biết ngay biệt thự nằm ở đâu mà không cần xem địa chỉ. Y là một thanh niên tóc dài, có khuôn mặt gầy, quỷ quyệt, đầu đội nón lưỡi trai dài. Y hỏi tên và nghề nghiệp của Langford và Langford trả lời những câu hỏi của y một cách thận trọng; anh được Jim Feng cho biết trước rằng nhiều người đạp xích lô là VC trá hình. Khi người thanh niên chồm tới trước để đạp, miệng y kề sát tai Langford một cách thuận tiện, bởi vì chỗ ngồi của hành khách đi xích lô nằm ở đằng trước xe.
“Ông là bạn Madame Phan, phải không Mr Mike?” Giọng nói từ phía sau nghe có vẻ thân mật.
Không, Langford đáp rằng anh chỉ mới sắp gặp bà ấy thôi.
“Ai cũng biết đến Madame Phan,” giọng nói thầm thì. “Bà ấy là một con rồng cái. Có business quan trọng ở khắp mọi nơi. Chồng bà, Mr Phan Le Dang cũng quan trọng không kém – nhưng tôi nghĩ ông ta không bao giờ có mặt ở Sài Gòn bây giờ đâu. Có người nói Phan Le Dang đã bị CS giết. Tại sao ông đến thăm Madame Phan vậy, Mr Mike?”
Chỉ công việc thôi, Langford đáp.
Sau đó là sự im lặng, mà trong cái yên lặng ấy tiếng ken két của bàn đạp chiếc xích lô nghe như một phản kháng đối với sự sống sượng của Langford. Rồi chiếc xích lô dừng lại cạnh hai cánh cổng sắt cao, với những hàng cột trắng bụi bẩn. Người thanh niên đạp xích lô muốn đợi nhưng Langford trả tiền và bảo y cứ việc đi đi. Y từ từ đạp đi dưới ánh đèn đường, ngước mặt nhìn lui với vẻ quở trách.
Khi Langford vừa đến gần cổng, ở phía sau cánh cửa, trong bóng tối và từ đằng sau một cây cam một hình bóng gầy nhỏ hiện ra. Thoạt đầu, Langford tưởng đó là một đứa bé con. Nhưng hóa ra là một thiếu nữ Việt, chiều cao chỉ hơn một mét năm. Nàng mặc một chiếc áo dài trắng, khuôn mặt trái soan, nhìn anh qua mấy song sắt.
– Như một nàng tiên trong hang động nhìn ra.
Nàng mở khóa và đẩy một cánh cửa cho anh bước vào, rồi cất tiếng chào bằng tiếng Pháp, “Bonsoir, monsieur.” Nàng cất tiếng chỉ vừa đủ nghe. Anh ôn lại vốn liếng Pháp ngữ học ở trường coi có từ nào xài được để chào đáp trả, rồi nàng dẫn anh bước lên vài bậc cấp bằng đá hướng vào cửa chính. Nàng xô để mở cánh cửa đôi cao bằng gỗ nặng nề, chạm trỗ, và có màu lá úa. Biệt thự kiểu thời thuộc địa Pháp, với khu tầng hầm nằm ngay bên dưới bậc cấp, hai tầng lầu ở phía trên với nhiều cửa sổ có cửa chớp màu xanh đã nhạt màu. Cô gái đưa anh vào bên trong rồi mất dạng như biến mất vào trong khe tường.
Langford thấy mình đang đứng trong cái tranh tối tranh sáng của căn phòng có vẻ như một tiền sảnh. Trước mặt anh, một số đèn cầy đặt trên các kệ và những chiếc bàn thấp tỏa ra thứ ánh sáng chập chờn khiến cả nội thất như nhảy múa với một ánh vàng rực. Anh ngửi thấy mùi gỗ đàn hương lẫn mùi gia vị, và ngạc nhiên khi nghe tiếng dương cầm; một khúc nhạc Âu mà anh chỉ biết đó là nhạc cổ điển. Anh tiến thêm vài bước nữa, mắt làm quen dần với ánh sáng bên trong.
Dương cầm là một kiểu piano đứng, cũ xưa, đặt ở một phía của căn phòng, đang được chơi bởi một người đàn bà ngồi quây lưng về phía anh. Mớ tóc đen của bà được bới về phía sau và bà mặc một áo khoác xanh cổ cao kiểu Tàu, cùng một chiếc váy đen có xẻ. Mới đầu anh tưởng bà ta không để ý đến mình, nhưng rồi bà quay lại và mỉm cười, làm như họ đã từng gặp nhau và trao đổi nhau một vài niềm vui thân mật. Bà ta tiếp tục chơi , một gò má cao nhuộm ánh sáng cam của ngọn đèn cầy.
Langford lịch sự ngồi đợi giữa các tủ kệ mạ vàng và bàn chạm trổ kiểu Trung Hoa, tất cả đều trĩu nặng những tượng bán thân, tượng nhỏ và chậu sành sứ. “Chen chúc toàn đồ vô giá trị” là lời miêu tả của Langford về chốn này, nhưng anh đâu có biết rằng những gì anh thấy toàn là đồ cổ hằng mấy thế kỷ của người Khmer, người Chàm và người Hoa, một số có giá trị rất lớn. Langford có ấn tượng của bụi bẩn trong các nhà bảo tàng và sự chật chội ở đây khiến cái không khí nóng bức của Sài Gòn ngột ngạt đến khó thở. Mồ hôi chảy xuống mặt anh và Langford phải dùng khăn tay để lau. Có vẻ như nhà không có máy quạt điện, làm như cái thế giới Âu Châu giả tạo này không cần đến chúng.
Người phụ nữ chơi hết bài nhạc và đứng dậy. Langford đoán tuổi bà ta đâu đó chưa đến bốn mươi. Bà ta dáng gầy nhưng trông còn có da có thịt hơn so với cô gái giúp việc anh gặp lúc nãy, và vóc dáng bà lớn cao như người Âu hơn là người Việt. Tiến về phía anh, đôi tay giang rộng, cử chỉ bà toát ra một khí chất mạnh khỏe. Chiếc áo khoác lụa với thiết kế hình hoa mẫu đơn, tỏa sáng như đồ sứ; cũng như cái dây chuyền vàng to nặng cẩn đá rubi bà ta đeo trên cổ. Langford miêu tả sợi dây chuyền với nỗi kinh sợ.
“Ông Langford có thích nhạc của Chopin không? Xin lỗi ông về ánh sáng đèn cầy lãng mạn, chúng tôi ở đây bị mất điện.” Bà ta có lối nói nhanh, phần nào hơi trầm, và nặng âm tiếng Pháp.
Một bức hình chân dung màu duy nhất chụp bà ta, mặt sau có tên của tiệm ảnh ở Sài Gòn, còn sót chung với mớ đồ Langford để lại. Hình có lẽ chụp lúc bà ta vẫn còn thanh xuân, phải công nhận bà trông thật kiều diễm đúng như Langford miêu tả. Nhưng có một sức hấp dẫn khác thường mà Langford ít đề cập đến. Khuôn mặt ngự trị bởi đôi mắt, vốn đang nhìn thẳng một cách thách thức vào phía camera. Đôi mắt có hình quả hạnh như của người Việt nhưng với dòng máu Tây của tổ tiên bà ta khiến chúng có màu lục xám đáng ngạc nhiên.
“Cũng không có quạt điện luôn,” bà ta nói. “Chúng ta tan chảy mất.” Bà ta cầm cánh tay Langford và tiếp. “Chúng ta đi nào. Mấy đứa con gái tôi tuy không có điện vẫn tìm cách để nấu buổi ăn tối, dĩ nhiên là dưới sự giám sát của tôi. Tôi không muốn để cho ông phải thất vọng. Tôi tin chắc ông Aubrey Hardwick có nói với ông về tài nấu nướng của chúng tôi. Có lẽ đó là lý do tại sao ông ấy giới thiệu ông đến đây cho một bữa ăn ngon miệng. Đúng vậy không? Nhưng Aubrey không bao giờ có một lý do để làm bất cứ điều gì. Ông nghĩ ra chưa?”
Langford nói với bà ta rằng anh chưa biết đủ nhiều về ông Aubrey nên chưa có thể xét đoán được.
Bà ta cười to làm như điều Langford nói có vẻ dí dỏm lắm khiến Langford cũng cười theo. Bà lấy tay kéo tấm màn nhung đỏ nặng nề vốn che cánh cửa bên cạnh cây đàn dương cầm, và dẫn Langford đi vào bên trong.
Thảo luận
Không có bình luận