– Tôi cứ e là tôi sẽ không tìm lại được quán phở nhỏ mà theo tôi biết thì nó nằm đâu đó bên vệ đường, nơi QL 1 chạy về hướng Sài Gòn. Chúng tôi dừng lại định uống lẹ một cốc cà phê trước khi chạy tiếp vào thành phố, nhưng rồi ra chúng tôi nhận thấy mình không muốn rời khỏi nơi đây. Hai đứa quyết định ăn tối ở đây luôn và trở nên khá say.
– Tôi còn thấy lâng lâng khi chúng tôi mới đặt đít ngồi xuống; Cảm giác này tôi có từ khi vừa thoát chết và nay tôi vẫn còn run. Họ cố giết chúng tôi mà chúng tôi vẫn sống, và tôi vẫn tiếp tục muốn cười cho hả.
– Mưa vừa mới ngưng. Chiếc Budgie đậu nơi chúng tôi có thể để mắt nhìn thấy qua cửa ra vào. Quán nằm bên vệ đường lầy lội bùn cùng dãy với dãy dài các quán bằng gỗ trông như lều lán, mái lợp bằng tôn đã rỉ sét. Trẻ con và gà chạy chơi loanh quanh. Những cành bông giấy sắc tím rũ xuống từ mái riềm che bằng vải bạt đỏ của quán. Cà phê được mang đến với tách và đồ lọc bằng nhôm. Chưa có cà phê nào mà ngon đến thế, tôi nói với Jim như vậy.
– Gã nhìn tôi, mặt biểu lộ vẻ hài hước, rồi nói, sau cơn tai biến cái gì lại chẳng ngon. Đồ ăn, beer, chất kích thích, làm tình. Bây giờ bồ nhận ra chân lý rồi đó.
– Rồi gã trở nên nghiêm túc. Gã nói, anh bạn cũng vừa mới hiểu thêm VC là ai rồi chứ gì. Bạn không bao giờ có thể biết được họ có hiện diện đâu đó hay không. Họ mặc đồ giống nông dân và trà trộn trong làng trong xóm. Nên nhớ rằng bạn có thể đang đứng kề bên họ mà không hay biết. Dân quê gọi họ là Người Bên Kia.
– Tôi hỏi gã vì sao họ giật mìn chiếc xe tải.
– Có lẽ vì họ muốn chuyển quân với cả một đơn vị lớn băng qua quốc lộ trên phía bắc, gã giải thích, đường sẽ bị đóng sau khi đoàn xe bị tấn công. VC họ có những con đường vô hình chạy băng qua các đồng lúa.
– Rồi gã chỉ tay về phía tôi, nói, đáng lẽ tớ phải bắt mạch được chuyện sắp xảy ra sớm hơn. Đó là nhầm lẫn của tớ. Còn bồ, bồ biết bồ nhầm lẫn gì không? Một: bồ muốn giúp gã sĩ quan miền Nam đó. Một cameraman không thể làm việc đó: bồ không được để cho mình dây dưa vào. Hai: bồ để cho mình rơi vào Camera’s Daydream, từ này do Bá Tước đặt. Khi bồ tìm cách thu hình VC, bồ quên mất hiện trạng của mình. Bồ nghĩ mình là kẻ bất khả xâm phạm, là kẻ mình đồng da sắt chứ gì ?
– Đúng vậy, tôi đáp, và Jim gật đầu.
– Tất cả chúng ta ai cũng phải chiến đấu chống lại cái suy nghĩ ấy, gã nói. Đừng bao giờ để nó chế ngự mình. Bồ suýt bị ăn đạn sau đít là do vậy. Và làm ơn đừng mặc lại cái áo đó nữa. Rồi gã cười thành tiếng, và tôi cũng nhập cuộc. Chúng tôi vẫn tiếp tục cười cho đã; bởi biết mình vừa mới được may mắn biết chừng nào.
– Không có người ngoại quốc nào khác ngoại trừ hai đứa tôi trong quán phở : trong này không có thứ gì cho họ cả. Chỉ ba, bốn thanh niên chạy xích lô, còn trẻ, tuổi ngoài hai mươi, thư giản sau một ngày vật lộn với cuộc sống bên thuốc lá và bia. Có thể họ là VC lắm, ai mà biết, nhưng tôi không nghĩ thế; họ có vẻ gì là quan tâm tới chúng tôi đâu. Cái bàn gỗ tròn chúng tôi đang ngồi rất là thấp, như cái bàn dành cho con nít, còn ghế thì là những ghế mây cũ, giống như mấy cái ghế đôn chúng ta để trước hiên ở bên nhà. Sinh hoạt của quán hệt như trong một tư gia : đồ chơi con nít nhét chung trong tủ chén bát; một chú bé con đang ngồi chơi với chiếc xe tải nhỏ trên nền gạch hoa; một con mèo nằm ngủ trên một chiếc ghế. Đằng sau quầy của quán, bạn có thể nhìn thấy khu sinh hoạt trong gia đình, với một bà cụ mặc bà ba đen nằm ngủ trên giường, một người đàn ông đầu đội mũ vải của lính đang ngồi vá xe đạp. Đèn cầy đỏ và nhang đang cháy trong một cái am thờ nhỏ.
– Nhìn qua khung cửa chính, trời chiều đã nhạt, và chúng tôi bắt đầu uống bia Ba Mươi Ba, cùng loại bia Việt Nam mà mấy anh xích lô đang uống. Bia được dọn ra chung với đá lạnh: beer on the rock, Jim nói. Cách người Việt họ thích uống như vậy. Trận mưa mới đây nhất vừa mới ngưng, và một khoảng trời hoàng hôn mờ sương màu cam hiện ra. Rồi tôi cảm thấy mình như đang trong cơn thôi miên: bởi cái thứ ánh sáng ngoài kia; bởi mùi long não và mùi nước mắm, cái thứ nước gia vị mà món gì người ta cũng nấu chung; bởi tiếng nhạc Việt Nam vang ra từ cái radio nằm trên cái quầy sơn đỏ, ở mặt lưng căn phòng. Đó là giọng của một ca sĩ phái nữ, giọng cao nghe như giọng một cô gái rất trẻ, cái lối mà các ca sĩ của họ thường ngân nga. Và bài ca nàng hát cứ đi tiếp, và tiếp tục với một nhịp rất chậm, mở ra như một dòng suối tuôn, như một bài hát dài liên tục không bao giờ kết: chậm, chậm, với những nốt rền rĩ, khiến tôi muốn nổi gai ốc. Bây giờ thì đêm đã trùm xuống hẳn rồi, và trong bóng tối là những người có thể giết bạn. Khi đêm xuống du kích VC bắt đầu ngự trị các khu ngoại thành. Nhưng tôi tin tưởng hôm nay chúng tôi sẽ không chết: việc vừa xảy ra trong ngày chứng minh điều đó.
– Sau buổi ăn tối món ăn Việt rẻ mà ngon, dọn lên trong nồi đất sét, chúng tôi uống bia tiếp. Thật tình mà nói chúng tôi thích chỗ này đến nỗi chưa muốn về.
– Tớ nghĩ bồ sẽ ổn khi đi thực hiện cuộc thu hình ngoài mặt trận lần đầu, James nói. No sweat. Tớ đã truyền hết chiêu cho bồ rồi đó. Nhớ đừng quên khi quây phim thì nhớ lấy nắp che ống kính xuống.
– Gã cười to, tay đấm vào vai tôi. Lúc này thì cả hai khá say, và lần đầu tiên tôi thấy Jim thật sự có vẻ say: mắt lờ đờ và hai hàng lông mày dựng lên. Gã ra hiệu thêm hai chai Ba Mươi Ba. Người mang bia ra là một phụ nữ trẻ có khuôn mặt tươi tắn, nhiệt tình mà Jim cố tìm cách bắt chuyện, cái cách mà gã thường hay trổ tài trước phụ nữ đẹp. Khi nàng đi rồi, gã quay sang phía tôi với một câu hỏi.
– Bồ có nàng nào bên quê nhà không?
– Không, tôi đáp. Bây giờ thì chưa.
– Tớ có một nàng bên Hồng Kông, Jim nói. Một thiếu nữ rất quyến rũ và thông minh. Chúng tớ đã đính hôn; nhưng năm ngoái nàng hủy hôn ước rồi. Cha mẹ nàng không muốn con gái mình lấy một kẻ không biết sẽ bị giết bất kỳ lúc nào. Phụ huynh có ảnh hưởng rất lớn trong gia đình người Hoa. Mà tôi nghĩ họ cũng đúng. Người làm nghề tường thuật tin chiến sự thường không khá trong hôn nhân. Người ta kháo nhau rằng cái hên của bạn cạn kiệt sau ba năm hành nghề. Ba năm chuyên tường thuật tin chiến trường là quá đủ. Nhưng tớ có được đến năm năm ở nhiều nơi khác nhau.
– Gã cẩn thận rót thêm bia, có bị trào ra ngoài tí chút; rồi gã chợt ngước lên nhìn tôi, lắc đầu, nhíu mày. Tớ ba mươi hai và đã từng yêu một số phụ nữ, gã tâm sự. Có lúc. Đôi khi tớ nghĩ sẽ không tìm được người phụ nữ để có thể sống chung. Tớ nản rồi Mike à – Tớ nản với nhiều người; nhiều hoàn cảnh. Bởi thế tớ tránh xa họ. Tớ ra đi.
– Tôi nói với gã rằng tôi hiểu gã. Chính tôi cũng từng bỏ đi khi tôi sang Á Châu.
– Nghe vậy, gã chưa đáp lời tôi ngay mà nhìn trừng tôi với cách nhìn của người Hoa tôi không hiểu ý. Khi gã nói trở lại, giọng gã nghe dịu êm hơn bình thường. Luôn luôn một sự lên bổng xuống trầm thì thật tốt để lắng nghe; bây giờ thì có lẽ nhờ có bia, nên âm điệu được mạnh thêm ít nhiều.
– Gã chồm qua bàn tới đằng trước mặt và chỉ với một ngón tay. Tớ thấy chán, gã nói, và tớ chạy trốn cái nỗi chán chường vốn đối nghịch với cuộc đời. Nhưng tớ chưa bao giờ thấy chán đối với chiến trận. Không bao giờ. Làm ơn hãy hiểu tớ rằng tớ không chấp nhận cuộc chiến này hay bất kỳ cuộc chiến nào khác. Tớ đâu khoái thấy cảnh các ông bị banh thây xẻ thịt. Nhưng thú thật với bồ: tớ không thể rời xa chiến trường được.
– Tôi hỏi gã tại sao.
– Vì trong chiến trận mọi thứ đều có giá trị cả, gã nói. Mọi thứ dù nhỏ đều rõ ràng, rõ như bạn mới thấy lần đầu khi bạn tuổi còn thơ. Và trong chiến đấu, tất cả đều xích lại gần nhau. Bạn gần với những người khác chung quanh bạn qua một cách đặc biệt: bạn nhìn thấy cái tuyệt đỉnh nơi mỗi cá nhân. Sau đó, cuộc sống bình thường có vẻ là sự kinh doanh, chính trị vô bổ, mọi sự người ta làm đều không có gì quan trọng.
Thảo luận
Không có bình luận