//
you're reading...
Ký giả Mike Langford, Triệu Phong

Ký giả mất tích Mike Langford và Sài Gòn thập niên ’60 (4) * Triệu Phong

Giờ thì tất cả chúng tôi ai cũng khá say và vì vài lý do nào đó bar rượu đối với tôi bắt đầu trông có vẻ bất an nào đó. Sài Gòn cũng thế.

Một barman đang nhìn chăm về phía chúng tôi. Gã có vẻ mặt Hoa lẫn Việt khó suy đoán đang nghĩ gì. Gã không ngớt nhìn đồng hồ trong khi đứng xỉa răng. Sự kiện khiến tôi trở nên hoang tưởng; Tôi cho là gã có biết trước chuyện gì đó và thế rồi gã đột nhiên bỏ đi. Chắc chúng tôi cũng phải rút luôn.

Có lẽ tôi nên giải thích rằng trong tháng này tất cả chúng tôi cần phải cảnh giác hơn bình thường. Đặc công VC hầu như hiện diện khắp thành phố, khó mà phát hiện, biết đâu y có thể đang đứng cạnh bên bạn chứ chẳng chơi. Và ở chỗ cuối phố Tự Do, gần bờ sông này, một số nhà hàng gần đây đã từng bị bom dập cho tan tác. Cũng đã từng có một vụ nổ lớn tại tòa đại sứ Mỹ cách đây đâu đó chừng một tháng làm chết hoặc bị thương cho hơn hai trăm người. Điều này khiến người ta dễ tin rằng người Mỹ còn chưa bảo vệ được cho chính sứ quán của họ, nói chi là thành phố Sài Gòn. Mọi người bắt đầu lo âu.

Do vậy, khi gã người Việt gầy tong ôm gói quà bước vào, phản ứng của chúng tôi có tính cách cấp thời. Volkov là người phát hiện y trước nhất. Gã lên tiếng, “Có một kẻ xuất hiện với một gói đồ mang theo.” Vừa nói gã vừa ra hiệu bằng cái ngước đầu khiến tôi cảm thấy lạnh choáng. Người đàn ông bề ngoài giống mấy người đẩy xe đi bán hàng rong thấy khắp nơi ngoài phố, thường rao bán đồ ăn cắp từ kho quân tiếp vụ PX của Mỹ hoặc các loại hình khiêu dâm. Y gầy như khúc cây, tóc dài, để râu con kiến, vẻ mặt xảo trá và đầu đội nón chơi bóng chầy. Y trườn vào chiếc ghế băng sát gần cửa ra vào, nơi có hai bar girls đang ngồi. Cả ba cười chào hỏi nhau rồi y cẩn thận đặt gói đồ lên trên bàn giữa họ. Cái hộp lớn bằng hộp sô-cô-la và được gói bằng giấy nâu. Hình như không ai trong quán chú ý dù rằng những gói đồ thường bị nhìn với vẻ nghi hoặc. Tình huống xảy ra như lúc bạn đang ngủ chợt muốn co giò chạy mà không thể chạy được mặc dù rất muốn.

Nhưng rồi thì tôi thấy Volkov thở phào ra. “Chẳng có sao hết,” gã nói. “Y không đi thẳng vào nhà tiêu, còn mấy cô gái thì trông vui vẻ cả. Chỉ là gói đồ bình thường thôi.”

Chúng tôi đều hiểu bài bản của VC mỗi khi họ dự tính cài bom một quán bar nào, hung thủ thường đi thẳng vào nhà tiêu trước khi gói đồ phát nổ, rồi tẩu thoát bằng cửa sau. Tin tưởng thế, chúng tôi cụng ly và thư giản.

Nhưng Jim lại vỗ lên vai tôi, nói. “Chúng ta kết luận hơi sớm.”

Người đàn ông đội nón chơi bóng chầy đang lách qua đám đông và tiến về hướng chúng tôi. Y đi ngang qua và biến mất xuyên qua cánh cửa che bởi tấm rèm hột cườm, dẫn thẳng vào nhà tiêu của quán. Gói đồ vẫn nằm yên trên bàn, còn hai cô gái thì vừa cùng đứng dậy.

Tôi cũng đứng dậy theo. Người ướt đẫm mồ hôi, đầu óc choáng váng. Không phải tôi say vì uýt-ki mà vì tôi biết tôi sắp chết. Quả bom nằm giữa chúng tôi và lối ra, nó sẽ nổ bất cứ lúc nào, làm vỡ tung cả quán. Tôi chưa từng tận mắt chứng kiến nhưng tôi nghe kể lại sự kiện tương tự khá nhiều rồi. Vẫn không ai chú ý đến gói đồ ngoại trừ nhóm chúng tôi, chỉ mới vài giây trôi qua, và nay thì tôi nghe Volkov hét lớn, tay chỉ về phía cái ghế băng. “Bom! Mọi người chạy mau.”

Chung quanh chúng tôi, từ lính tráng cho đến thường dân, ai cũng nằm rạp xuống đất. Về phía gần chiếc bàn tử thần, người ta bắt đầu túa ra ngoài, vừa chạy vừa la báo động. Các bar girls la hét om sòm, cố tìm cách vượt qua mặt chúng tôi. Trong khi lo chạy lấy thân, tôi nhác thấy Langford vọt trước ba chúng tôi, hướng về phía cửa.

Anh luồn qua đám đông thật lẹ, vừa dùng vai vừa dùng cùi chỏ để xông tới, thành thạo như một tay chơi bóng bầu dục nhà nghề, và tôi tin chắc Langford đã từng là một cầu thủ của môn thể thao ấy. Tôi kinh hãi khi nhìn thấy anh nhào tới chiếc ghế băng, và không chút do dự, đưa tay phải chộp lấy gói đồ rồi chạy tiếp. Hành động nầy cùng động tác kế tiếp gợi tôi nhớ lại môn chơi bóng bầu dục. Anh lao ra khỏi cánh cửa mở và tung gói đồ qua khỏi đầu đám đông trước mặt, cho rơi vào giữa mặt đường. Tuy nhiên không nghe có tiếng nổ nào.

Ngoài hè phố tối và nóng ấm, bao vây bởi các lính Mỹ và đám đông những người Việt tò mò, chúng tôi tìm thấy Langford đang nhìn chằm vào dòng xe cộ lưu thông, nào là xích lô, xe gắn máy, và một chiếc xe buýt cũ kỹ, cà rịch cà tang sơn đủ màu lòe loẹt đang chạy chầm chậm.

Mấy chàng GIs xì xào với nhau và nêu thắc mắc, “Có thấy bom mẹ gì đâu?”

Đến khi chiếc buýt chạy qua hẳn, tất cả chúng tôi nhìn thấy gói đồ nằm ngay giữa đường, giấy bọc bung ra, bên trong là một cái transistor radio bị vỡ.

Dmitri, tôi và Jim bắt đầu cười, rồi một số lính Mỹ cũng phụ họa vào. Volkov loạng choạng bước quanh lề đường, cúi gập người, tay chỉ chỏ, trong khi Langford thì vừa cười vừa gãi đầu. Thế rồi xuất hiện một bar girl nhỏ người, nổi bật với chiếc áo lót dây tím và chiếc quần sọt ngắn cũn cỡn, cô nàng giận dữ nhíu mày hỏi gặng Langford.

“Tên GI đần độn kia. Mày đập vỡ cái radio của tao. Tại sao vậy?”

Volkov nhét một nắm tiền vào tay cô gái. “Cưng tìm mua cái khác đi.” Trong khi cô nàng đang đứng đếm tiền, gã quay lại và vỗ lên lưng Langford, đôi mắt ngời lên niềm vui. “Anh bạn Úc (từ lóng tiếng Anh : Aussie) của tôi định làm gì thế? Bộ tính cho nổ tung cả khu phố hay sao?”

Langford hỏi xin gã điếu thuốc. Lấy một điếu, ngậm lên môi rồi kề vào bật lửa của Volkov, miệng nói. “Ngoài đường người ta không đông bằng trong quán.” Anh chàng có vẻ ân hận nhưng vẫn trầm tĩnh.

Volkov quay về phía Jim và tôi, “Anh chàng này ngày càng gây chú ý hơn đấy nhé. Y điên thứ thiệt rồi. Tôi muốn xem lần khác y sẽ làm trò gì với lựu đạn. Volkov cảm thấy thích anh chàng Mike này ngay, không chút thắc mắc.

Đúng vậy, Langford trở nên đáng chú ý nhưng cũng hơi rắc rối chứ chẳng chơi. Tôi tò mò muốn biết phải chăng anh chàng muốn tự sát hay chỉ do cái tội khù khờ mà ra. Trong khi Volkov và Jim Feng đi về phía chiếc Budgie, tôi đi chậm lại rồi chụp lên cánh tay Langford, miệng hỏi rằng anh ta có muốn chết trước khi đi hành sự ngoài chiến trường hay không.

Langford nhìn nghiêng sang phía tôi, im lặng một hồi rồi nói, “Tôi đã biết đó là cái radio rồi. Trước đây chừng nửa giờ tôi đã thấy y đem vào bên trong để bán. Mấy anh lúc ấy không ai để ý đến y đâu.” Langford nháy mắt với tôi kiểu xứ anh ta và nói. “Đừng kể lại với Volkov.”

Chúng tôi kết thúc buổi tối trên sân thượng khách sạn Caravelle. Trước đó chúng tôi ăn uống tại một nhà hàng Việt-Pháp gần bờ sông, và ngà ngà với một tửu lượng lớn rượu nho Tây. Khi ra về, Volkov đi loạng choạng và tuy mệt nhưng tinh thần vẫn hết sức hài hước.

Lệnh giới nghiêm bắt đầu vào lúc nửa đêm, có hiệu lực đối với thường dân người Việt và lính Mỹ, thời gian mà chúng tôi đặt tên là Giờ của Nàng Lọ Lem, khi tất cả các bar girls đều biến mất.

Khu vườn trên sân thượng Caravelle là một trong vài nơi ít ỏi, nơi rượu vẫn có thể tiếp tục uống. Và từ đó bạn có thể theo dõi cuộc chiến.

(Xem tiếp kỳ sau)

(Trở về kỳ trước)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: