Chiếc Big Budgie được sơn lại với hai màu xanh lơ và kem, mục đích để tỏ cho thiên hạ thấy rằng nó không còn là một xe nhà binh nữa. Theo Jim Feng sơn lại màu như vậy du kích VC trong thành phố sẽ tha mà không cài bom. Hay gã hy vọng làm như vậy có mang lại kết quả, có hay không ai mà biết. Gã thường đậu xe tại nhà xe của khách sạn Continental Palace Hotel ở trên đường Tự Do, nơi gã và Langford ở chung một phòng.
Bây giờ đang ngồi trước tay lái của chiếc Budgie với Langford bên cạnh, Jim lái xe với tài nghệ dựng tóc gáy, hết lách lại lạng qua dòng xe cộ trên đường Tự Do vào buổi chiều tối. Cả hai mang vòng hoa kết bằng hoa nhài dại mà họ mua từ những đứa trẻ bán dạo trước khách sạn. Bốn trong những đứa trẻ ấy đang ngồi trên băng ghế sau của chiếc Jeep, chúng gồm ba đứa trai và một gái tuổi teen, chân bị thương tật. Một chiếc nạng duy nhất đặt trên ghế ngồi bên cạnh, nó kiêu hãnh ngồi thẳng lên, một khay hàng quàng qua cổ, đồ bày bán của nó gồm thuốc lá và hoa.
Những chiếc taxi nhỏ nhắn hiệu Renault cũng sơn hai màu xanh và kem như chiếc Budgie, còn sống sót từ thời Pháp thuộc, chạy len lỏi giữa các xe nhà binh Mỹ, cùng những chiếc Chevrolet và Ford của thời thập niên 1950. Kẹt xe là chuyện thường tình lại thêm ồn ào náo nhiệt một cách thô bạo. Xe xích lô chen chúc giữa mớ hỗn độn mà người phu của chúng là những người đàn ông khô gầy nhưng dẻo dai, đầu đội nón rơm hoặc nón kiểu thời thế kỷ 19, chuông xe họ kêu như tiếng alarm của đồng hồ. Chúng ùn ùn cùng với hàng lớp xe cộ túa đi như bầy bọ, gồm xe đạp, xích lô máy, và xe gắn máy của Ý, của Nhật, lên đến hằng trăm, cùng di chuyển trên con đường Tự Do nhỏ hẹp. Đầu phía trên của con đường là ngôi giáo đường bằng gạch đỏ, Nữ Vương Hòa Bình, và những tòa nhà công sở màu trắng kiến trúc kiểu Baroque của Pháp. Đầu dưới, gần con sông Sài Gòn, nơi chiếc Budgie đang hướng về, là nơi được mở rộng cho các quán bar phục vụ lính Mỹ.
Dầu bị chiến dịch Rolling Thunder đang bắt đầu làm chững lại, Sài Gòn năm nay vẫn còn vang vọng của một thành phố ngái ngủ của vùng Provence, với những tòa nhà thời thuộc địa có cửa sổ lá sách kiểu Tây, và có ban công chồm ra phía trước. Những biển quảng cáo áp trên tường đã nhạt màu với chữ bằng tiếng Pháp như Michelin; Pernod; Le Journal d’Extrême-Orient. Nhưng bên trên những cửa ra vào tối tăm, đang xuất hiện những bảng hiệu và những đèn quảng cáo bằng neon với các hàng chữ tiếng Anh như Chicago Bar; Saigon Express; Massage; The Bunny. Những cây bông giấy tán xòe rộng và leo lên những vòng thép gai concertina mà người Mỹ giăng để bảo vệ các hội quán và khách sạn khỏi bị VC tấn công bằng bom. Những hàng me lá xanh với thân cây màu sẫm được sơn trắng gần dưới gốc, trồng dọc hai bên đường, vẫn tồn tại từ thời thuộc địa, khi con đường còn mang tên Catinat.
Chiếc Jeep chạy xuống đến gần sông nơi hầu như cách mỗi căn phố là một quán bar. Tại đây, đường Tự Do trở thành con hẻm hội hè, phảng phất mùi bia, mùi nước tiểu và mùi nước hoa. Các chàng lính Mỹ bận đồ vải ka-ki hoặc áo sơ-mi Hawaii lang thang dưới cái không khí nóng ẩm : những tên khổng lồ xa lạ và thô kệch này, trắng có đen có, bị bám sát bởi đám lùn quỉ thần da màu ngà, có đứa đu đưa cẳng chân hoặc cánh tay cụt về phía họ, có đứa cố trì kéo để bán mấy tờ tạp chí Times hoặc nhật báo quân đội Mỹ Stars and Stripes.
Một trong mấy đứa trẻ hàng rong ngồi trong chiếc Budgie là một đứa chín tuổi, tóc húi cua, có khuôn mặt của một người đàn ông cao niên, và mặc chiếc áo thun người dơi Batman. Bây giờ thì nó chồm người ra, vói tay chộp lấy chiếc máy ảnh từ tay của một chàng GI trẻ đang đứng bên lề đường để chụp hình. Rồi, nhanh như một chú chim hải âu, nó nhảy khỏi xe và lẹ làng lẩn vào trong đám đông. Chàng lính trẻ hô hoán lên, khuôn mặt đỏ bừng vì giận khiến gã trông trẻ con hơn kẻ vừa tấn công mình. Jim Feng vẫn tiếp tục cho xe chạy tới, mắt liếc nhìn sang Langford, kẻ đang trong bộ mặt chết trân với bộ lông mày dựng ngược lên.
“Thằng bé nhanh như điện,” gã nói. Rồi nghiêm nghị lớn tiếng với mấy đứa còn lại trên xe. “Tụi mày cút xuống hết! Tao đã bảo đi trên xe tao thì chớ có trộm cắp nữa!”
Gã chậm xe lại trước bảng hiệu đèn nê-ông có hàng chữ Texas Happy Bar, và mấy đứa trẻ bắt đầu nhảy xuống. Chạy ào vào phía đám đông, chúng hò reo lời giã từ. “Xin lỗi ông Jim!” “Tạm biệt, tạm biệt ông!” “Ông là người đàn ông Sài Gòn số một!”
Con bé bán dạo với khay đồ dùng chiếc nạng duy nhất cà khiểng bước theo chúng, thong dong và tự tin giữa dòng người, và Langford đưa mắt nhìn theo. Anh nhận xét con bé có khuôn mặt thanh thoát đóng khung bởi một mái tóc đen tuyền, quả là một đóa hoa. Anh chưa từng thấy một khuôn mặt nào đẹp như thế. Tiếc rằng một bàn chân của nó co quắp và teo lại chỉ còn một mảng thịt. Nhìn vậy thật không thể chịu nổi.
“Chào mừng người anh em đến với Hòn Ngọc Viễn Đông.”
Harvey Drummond là một người có vẻ lịch thiệp và kiểu cách, với giọng nói lên xuống rõ ràng của một nhà truyền thanh chuyên nghiệp. Gã chìa một bàn tay hộ pháp về phía Langford, đong đưa trên chiếc ghế xoay bên quầy rượu. Gã cỡ ba mươi lăm, làm đặc phái viên cho đài phát thanh Úc Australian Broadcasting Service, chia thời gian làm việc giữa Sài Gòn với Singapore, thường thực hiện bản tin truyền hình cho phần thu hình của Jim Feng. Từ sau đôi kính dày, đôi mắt xám được thấu kính phóng đại yêu cầu Langford hãy chuẩn bị cho những trận cười. Gã mặc nguyên bộ đồ kiểu đi săn thú rừng hiện đang thịnh hành trong giới đặc phái viên làm việc ở Á Châu, và chắc chắn giới thợ may sẽ bắt chước cóp theo kiểu nội trong vài năm tới. Đó là bộ đồ màu xanh ô-liu với nhiều túi bự và cặp cầu vai.
Langford và Feng ngồi lên hai chiếc ghế xoay phía hai bên gã, rồi Harvey ra hiệu cho một trong hai người Việt hầu bàn mặc áo sơ-mi trắng. Ngón tay hô pháp của gã được trông thấy ngay lập tức. Với chiều cao 6 bộ 6, tức xấp xỉ hai mét, gã ngồi mà còn cao bằng một vài người đang đứng. Mới thoạt nhìn, gã trông như một tài xế xe tải, hay có lẽ là một tay lính đánh thuê. Nhưng hai bờ vai gã sụm xuống do hậu quả của nhiều năm ngồi cặm cụi bên bàn máy đánh chữ; cái đầu to đùng với vầng trán sói cao, mớ tóc nâu quăn và cặp ria để theo kiểu Victorian, kiểu đời xưa của mấy thầy tư tế Anh giáo, kể cả giọng nói của gã có chút nào lối ngân nga của các nhà tu.
Gã trao cho Langford một ly Scotch. “Rất vui anh được Jim dẫn đến đây,” gã nói. “Texas Happy Bar nhộn mà không điên cuồng – anh có đồng ý như vậy không Jim? Cho đến nay ở đây chưa hề bị VC ném bom.”
“Đúng thế,” Jim nói. “Happy Bar cũng được. Rồi anh sẽ thấy.”
“Rồi anh sẽ thấy,” Harvey nói lập lại và gật đầu về phía Langford. “Tôi là nhà báo thận trọng Mike à – tôi không phải là thứ cameraman điên rồ. Loại thích súng ống thì đầy dẫy khắp nơi. Điều tôi quan tâm là tôi không muốn chết. Bar nào tôi thấy không phù hợp là tôi bước ra ngay. Nếu có ai mang bịch đồ đứng gần là tôi dời đi chỗ khác liền. Tay pha rượu nào khôn ngoan tôi cũng không thích, coi như quán bar đó không có tôi. Tôi thích quanh tôi là những barmen đần độn và những khách khứa đáng kính thôi. Barmen khôn ngoan cuối cùng cũng chết, chắc vì không đóng đủ sở hụi cho VC.” Gã nốc hết nửa ly uýt-ki chỉ trong một hớp và chỉ tay vào ngực Langford, giọng nói ngân nga của gã với nhịp phách của một bài thuyết giáo. “Chúng ta có đủ loại quán bar trên đường Tự Do này người anh em à. Bar ồn ào; bar có cả sex; bar nơi có thể bị ăn đấm; và những bar nơi quí ông thuộc Lực Lượng Đặc Biệt đặt súng M-16 hoặc UZI lên trên quầy rượu. Nhưng Happy Bar là nơi chúng ta ưa thích. Đây là nơi mà một phóng viên nhạy cảm có thể say sưa một cách dễ cảm.”
Chỗ này vừa chật vừa đông, và trong khung cảnh nửa sáng nửa tối được thắp sáng bằng những đèn có chụp che, đặt trên quầy rượu bằng gỗ đánh bóng. Một cặp sừng trâu và một chiếc nón cao bồi được bài trí bên trên những kệ rượu đựng các chai đủ màu sắc và được chiếu sáng từ phía sau. Có một bức ảnh đóng khung khổ lớn, hình của của tài tử cao bồi John Wayne tay cầm súng sáu, và trong bar, người ta để nhạc đồng quê lẫn nhạc miền Tây. Ngoài một vài nhà báo, hầu hết khách ở đây toàn là sĩ quan Hoa Kỳ, một số mặc đồ ka-ki có ủi hồ, số khác mặc đồ dân sự, với một số nhỏ là lính trơn mà thôi. Mùi xì-gà hòa quyện với thứ mùi mà người ta đoán là mùi nước mắm. Vài người ngồi ngay quầy trong khi những người khác ngồi trên băng ghế dài đóng dọc theo tường, được bọc bằng loại nhựa dẻo màu xanh lục nhạt. Đa số mấy tay lính này đều là da trắng; rồi đây Langford sẽ khám phá ra rằng lính da đen có bar riêng của họ, nơi trắng không được welcome, nơi nhạc soul, tiếng ghi-ta của Bo Diddley và tiếng cười ròn rã vang vọng ra ngoài cửa.
Nhìn chung quanh, gã nhận thấy có một cảnh giác căng thẳng thường xuyên, gã nói. Mọi khách mới đều được hai barmen kín đáo dò xét kỹ càng, và được xem xét lộ liễu hơn bởi các sĩ quan và các chàng GI. Một khi người khách mới được đánh giá là vô hại, họ thở phào và quay lại với phần thức uống của mình. Gần như tất cả khách ở đây đều là phái nam; ngoại trừ một số cô gái người Việt đang ngồi một dãy trên mấy chiếc ghế cao dọc theo quầy, những cô khác thì ngồi trên đùi của mấy anh lính ngồi trên ghế băng.
Trở lại trên đường Tự Do, Langford bị hớp hồn bởi vẻ đẹp của các phụ nữ trẻ người Việt, đó là nhận định chung của hầu hết các tay đực rựa vừa mới đặt chân đến Sài Gòn. Họ ngồi để chân về một phía, đằng sau chiếc gắn máy, khiến họ trông như cưỡi trên con chiến mã trong truyện tích xứ Annam. Tất cả đều trong chiếc áo dài truyền thống ôm sát, nửa kín nửa hở. Họ ngồi thẳng người, dáng vẻ đàng hoàng, thanh tao, với mái tóc đen buông xõa trên chiếc áo dài lụa phất phơ. Họ đi lướt qua, mắt nhìn ngoảnh đi hướng khác với vẻ e lệ, khuôn mặt nhỏ nhắn hình trái xoan trông dịu dàng và xa xăm. Nhưng các cô chị em của họ ở trong quán Happy Bar thì lại khác. Hầu hết các cô vì tô quá nhiều lên mi mắt và lên môi khiến khuôn mặt họ trông như mấy tên hề; và thay vì áo dài thì họ lại mặc những chiếc mini jupe sặc sỡ, áo choàng ngắn cũn cỡn, áo ngực màu mè và bộ ngực nhỏ của họ được làm lớn hơn nhờ mang áo ngực có độn để bắt mắt người Mỹ.
Đó là đáp ứng của Langford đối với một trong những cô bar girl, điều mà Harvey Drummond nhớ lại cái đêm hôm ấy, khi gã và tôi cùng trò chuyện.
Thảo luận
Không có bình luận