//
you're reading...
Colnav Nguyen, Du Lịch, Phóng Sự, Photography, Về Huế

Lăng Cô & Hải Vân (2) * Colnav Nguyen

 

 

 

Sau lần nghỉ ngơi ngắm cảnh và chụp hình Lăng Cô, từ chân đèo xe bắt đầu leo dần lên đỉnh, nơi có di tích của Hải Vân Quan xây từ đời nhà Trần và phế tích khách du lịch thấy ngày nay là công trình trùng tu lại vào năm 1826 dưới thời Minh Mạng.

 

DSC_2304_r_bw

Chiều chiều mây phủ Ải Vân / Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn. (Ca dao Việt Nam)

 

Thơ đề vịnh về ngọn đèo này cũng có nhiều, song đáng chú ý có bài thơ chữ Nho “Vãn quá Hải Vân quan” của nhà chí sĩ Trần Quý Cáp (1870-1908), tạm dịch ra Việt văn như sau:

Hùng quan chất ngất đỉnh non xây,
Bước đã quen nơi cúi ngửa này.
Sầu ngập mắt trông ngàn dặm biển,
Giận tung quyền phá bốn bề mây.
Chiều quang mái trú đìu hiu bến,
Mỏi đáp rừng chim lạnh lẽo cây.
Bảy dặm quang co đèo vượt khói,
Non Hành (*) giai khí ngút trời bay.

(*) Non Hành chỉ Ngũ Hành Sơn ở gần Đà Nẵng

(trích từ Wikipedia)

 

DSC_2306_r_bw

Hôm chụp loạt hình này tôi đang được chở từ Huế vào Đà Nẵng để lấy máy bay về với ông Tổng Trump. Ngồi băng ghế sau ngó qua cửa kính xe, thấy gì ấn tượng là quơ máy bấm liền. Tốc độ máy chỉnh sẵn ở tốc độ nhanh, đại khái chừng 1/1000 sec là không sợ rung mờ. Nhìn kỹ mấy ngọn lau, xe lao như vậy mà còn đứng yên được.

 

Từ khi hầm đường bộ bắt đầu được đưa vào sử dụng vào Tháng 6, 2005, đường đèo Hải Vân vắng hẳn sự giao thông, nay dành cho những ai nhàn hạ muốn theo đường cũ để ngắm cảnh trời mây, những tốp đi xe mô tô, hoặc những đoàn tour chở khách du lịch người nước ngoài hoặc trong nước.

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa vì nguy cơ tai nạn giao thông trên con đường đèo chật hẹp nên việc qua lại được điều hành bằng cách đặt 3 trạm kiểm soát: 1 ở Lăng Cô, 1 ở đỉnh đèo, và 1 ở Liên Chiểu, hạn chế xe phải đi thành đoàn cùng lên đèo hoặc cùng xuống đèo để giảm tai nạn xe đâm nhau ngược đường. Xe từ Lăng Cô (phía Huế) hay Liên Chiểu (phía Đà Nẵng) phải đợi tụ thành một đoàn rồi bắt đầu trèo đèo cùng một lượt. Đến đỉnh đèo thì đoàn xe dừng lại ở trạm kiểm soát và rồi xuống đèo cùng một lượt cho đến qua khỏi trạm kiểm soát ở chân đèo. Như vậy suốt đoạn đường đèo chỉ có một chiều xe chạy. Năm 1966 lực lượng công binh Seabee của binh chủng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ nới rộng đường xa lộ qua đèo thì việc giao thông không phải đợi ở ba trạm kiểm soát kể trên nữa.

 

DSC_2335_r_bw

Trạm kiểm soát ở đỉnh đèo thuở trước tuy đã được dẹp bỏ nhưng hàng quán giải khát vẫn còn và đa dạng hơn vì thường xuyên có xe tour đổ khách xuống ngoạn cảnh.

 

DSC_2313_r_bw

Từ chỗ nghỉ ở đỉnh đèo, khách có thể nhìn thấy vịnh biển và thành phố Đà Nẵng chìm khuất xa xa trong sương mù. Vào những ngày nắng ráo, có thể nhìn rõ hơn tới cả cảng Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà và cù lao Chàm.

 

Về mặt mỹ thuật, đèo Hải Vân và cửa ải trên đỉnh đèo được triều đình nhà Nguyễn coi trọng nên vua Minh Mệnh đã truyền cho khắc hình vào Dụ Đỉnh, tức đỉnh thứ 8 của Cửu Đỉnh trong sân Thế miếu.

 

DSC_2311_r_bw

Ngày nay, trên đỉnh đèo Hải Vân vẫn còn dấu vết của một cửa ải. Cửa ải này gọi là Hải Vân Quan (海雲關), xây từ đời Trần, và được trùng tu vào thời Nguyễn (Minh Mạng thứ 7, 1826).

 

DSC_2312_r_bw

Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

 

DSC_2322_r_bw

Năm 1876 trước khi người Pháp lập nền Bảo hộ thì nhà địa lý học Jules-Léon Dutreuil de Rhins khi đi đường bộ từ Đà Nẵng ra Huế có ghi nhận rằng cửa ải có 50 lính canh phòng. Năm 1885 sau khi ký Hòa ước Giáp Thân (1884) thì số lính chỉ còn khoảng 5 người và sang đầu thế kỷ 20 khi Henri Coserat của Hội Đô thành hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué) lên đèo quan sát thì cửa ải đã bị bỏ ngỏ, không còn ai canh gác.

 

DSC_2337_r_bw

Cửa ải Hải Vân còn chứng kiến cuộc ngự du của vua Thành Thái vào mùa hè năm 1896. Xa giá của vua đi đường thủy vào đến Lăng Cô, nghỉ qua đêm rồi hôm sau đăng sơn. Vua cưỡi ngựa; tháp tùng là giới chức Pháp gồm có Toàn quyền Rousseau và Khâm sứ Brière lên tận cửa ải để ngắm cảnh quan.

 

DSC_2331_r_bw

Đáng tiếc là di tích này đang bị xuống cấp trầm trọng.

 

DSC_2325_r_bw

Ngoài ra, nơi đỉnh Hải Vân hiện vẫn còn một vài lô cốt (tàn tích của Đồn Nhất) do quân đội Pháp xây dựng vào năm 1826 để bảo vệ ngọn đèo chiến lược này.

 

DSC_2308_r_bw

Sau, đồn bót ấy được chuyển sang tay quân đội Mỹ.

 

DSC_2318_r_bw

Năm 2017, cửa ải Hải Vân (Hải Vân Quan) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định xếp vào hạng di tích cấp quốc gia. Bây giờ là tháng 12 năm 2018 nhưng chưa thấy có dấu tích nào chứng tỏ vừa được tu bổ, sửa sang gì thêm sau khi được vinh dự đó.

 

DSC_2334_r_bw

Ngày nay, từng đoàn du khách theo xe tour có thể leo lên các di tích này, muốn lùng sục nơi nào tùy thích. Trong hình là một cặp tân hôn người Hàn dùng thang leo lên một lô cốt để chụp hình lưu niệm có lẽ cho tuần trăng mật của họ.

 

DSC_2339_r_bw

Rời trạm nghỉ ở đỉnh, xe bắt đầu đổ đèo để đi vào địa phận Quảng Nam – Đà Nẵng. Nhìn thật kỹ sát mé đường ở phía hông bên trái chiếc xe buýt, bạn sẽ thấy một người mê nhiếp ảnh đến nỗi đang quỳ gối tựa vào lan can để chụp một cảnh nào đó ở dưới vực sâu.

 

DSC_2336_r_bw

Bầu trời phía bên này đèo trời quang mây tạnh hơn phía bên kia.

 

DSC_2338_r_bw

“Dừng chân đứng lại, trời, non, nước / Một mảnh tình riêng ta với ta.” (Bà Huyện Thanh Quan)

 

Loạt hình thực hiện vào cuối tháng 12, 2018, vài ngày trước lễ Noel.

Colnav Nguyen

.

.

 

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: