Cao Nguyên Lộc lược thuật theo bài viết “The real story of the Green Book, the guide that changed how black people traveled in America” đăng trên trang mạng Vox ngày 25.02.2019.
Vào thập niên 1930, xe hơi bắt đầu hết sức phổ biến khiến người dân Mỹ thích lái xe đường dài để khám phá đất nước họ. Tuy nhiên tài xế người da đen thường gặp phải những sự kỳ thị trong cuộc hành trình. Hồi đó tinh thần kỳ thị chủng tộc ở Mỹ còn rất gay gắt, người da đen không phải muốn vào nhà hàng hay khách sạn nào cũng được.
Năm 1936, ông Victor Hugo Green, một nhân viên phát thư người da đen, có sáng kiến nhằm hướng dẫn giúp những người Mỹ gốc Phi Châu cũng được vui hưởng cuộc hành trình như các người da trắng khác. Thế là “The Negro Motorist Green Book,” sách hướng dẫn viết cho khách du lịch da đen ra đời và trở nên thịnh hành trong suốt ba thập niên.

Hình bìa cuốn Green Book ấn bản năm 1947, được tái bản hằng năm với các địa điểm mới được cập nhật. (New York Public Library)
Trong ấn phẩm xuất bản từ giữa thập niên 1930 đến giữa thập niên 1960, cuốn sách đưa ra một lộ đồ (road map) để những người Mỹ gốc Phi Châu có thể theo đó mà đi ngao du trên khắp đất nước, chỉ dẫn cho họ biết nơi đâu để dừng lại ăn uống, ngủ nghỉ và tận hưởng niềm vui mà không còn phải quan tâm đến những tình huống chẳng đặng đừng như bị kỳ thị hoặc khinh rẽ.
Cuốn sách hướng dẫn này gây được sự chú ý trở lại sau khi phim “Green Book” được trao giải Oscar năm 2019 như là phim hay nhất trong năm. Phim kể lại chuyện có thật về người nghệ sĩ da đen chơi dương cầm nổi tiếng tên Don Shirley và người tài xế Mỹ gốc Ý kiêm cận vệ tên Tony Vallelonga. Cả hai du hành xuyên khắp miền Nam Hoa Kỳ trong một chuyến lưu diễn kéo dài hai tháng vào đầu thập niên 1960.

Từ thập niên 1930 đến 1960, tài xế người da đen dùng cuốn “Negro Motorist’s Guide” của ông Victor Green để du hành trên khắp Hoa Kỳ. (Lake County Historical Society)
Nhưng cuốn hướng dẫn Green Book của Victor Green giàu tính chất lịch sử hơn so với khi được chuyển thể thành phim, vốn chỉ nhắc thoáng đến cuốn sách.
Vào thời gian đỉnh điểm, Green Books được dùng không những giúp tài xế da đen tìm được nơi an toàn và tránh bị sỉ nhục mà còn tìm được địa điểm để giải trí, nghỉ vacation. Các nhà hoạt động dân quyền cũng nại đến Green Book để tìm những khách sạn, điểm kinh doanh, nơi người da đen thường lui tới làm nơi hội họp.

Poster quảng cáo cho phim tài liệu “The Green Book: Guide to Freedom,” được chiếu lần đầu vào ngày 25.02.19 trên kênh truyền hình Smithsonian Channel. (Smithsonian Channel)
Nhà làm phim Yoruba Richen, mà bộ phim tư liệu mới ra của ông có tên “The Green Book: Guide to Freedom,” ra mắt lần đầu trên kênh truyền hình Smithsonian Channel vào ngày 25 Tháng Hai, phát biểu: “Việc đi du hành lên miền Bắc và miền Tây còn khó khăn hơn nếu không có hướng dẫn. Quí vị không biết chỗ nào là nguy hiểm và đâu là nơi không nên đặt chân đến.”

Khách sạn Casa Blanca ở Idlewild, Michigan, là một trong hằng ngàn địa điểm kinh doanh được Green Book đề nghị dừng chân. (Lake County Historical Society)
Nói chung, Green Book (sách) không chỉ giúp người tài xế da đen du lịch an toàn ở miền Nam mà còn giúp họ du hành thoải mái trên khắp Hoa Kỳ.
Phim Green Book dài hơn hai tiếng nhưng với những tình tiết ly kỳ, lôi cuốn người xem từ phút đầu đến phút cuối.. Đôi khi làm khán giả phải bật cười thành tiếng trong phần đối thoại giữa hai nhân vật, đôi khi lại gây cho người xem sự phẫn nộ trước những bất công của xã hội vào mấy chục thập niên trước. Cuốn phim đáng nên xem, xem để thừa nhận rằng phim xứng đáng để được chọn như là phim hay nhất của mùa giải Oscar năm nay. Ngoài ra, cũng để công nhận rằng Mahershala Ali xứng đáng để được chọn là diễn viên phụ xuất sắc nhất, trong vai Don Shirley.
.
.
Thảo luận
Không có bình luận