Sáu lão ông, gồm Nguyễn Đăng Hòa, Hòa Ga, Trần Đại Lộc, Lộc DP, Lê Cảnh Hoằng, và Đỗ Tùng, chiều Thứ Tư, 12.7, kéo nhau đến cắm trại ba ngày hai đêm tại China Camp State Park Campground, nơi nằm gần bên vịnh San Pablo Bay, thuộc thành phố San Rafael, cách xa lộ 101 chừng 5 dặm.
Công viên này có đủ chỗ cho 35 lều cắm, có sẵn nhà tắm, nhà vệ sinh, khách không giới hạn tuổi tác. Tuy nhiên đến cắm trại tại đây là phải chấp nhận tiện nghi của cách đây hơn một thế kỷ, đó là không điện, không wifi, không cellphone vì không có signal. Không biết trong thời gian lưu trú tại đây gia đình có chuyện gì khẩn cấp không biết làm sao để liên lạc.
Vì sao chỗ này được đặt tên là China Camp?
Vào thập niên 1880, khoảng chừng 500 người gốc Hoa, phần lớn gốc ở Quảng Đông, đến đây lập làng. Họ tự mưu sinh bằng nghề đánh tôm tại San Pablo Bay, cũng như giúp việc cho các cơ sở thương mãi địa phương. China Camp nằm trong số 26 làng đánh tôm tương tự, do người Hoa lập nên dọc theo vùng duyên hải, phần nhiều dọn khỏi San Francisco để tránh nạn ngược đãi và kỳ thị chủng tộc. Sau trận động đất và hỏa hoạn năm 1906 ở San Francisco, dân số China Camp tăng lên đến con số kỷ lục 10,000 người do cư dân ở đó chạy về đây lánh nạn.

China Camp chụp vào năm 1889. (Hình: US National Archives and Records Administration)
Vào cuối thế kỷ thứ 19, ngư dân gốc Hoa ở China Camp đánh được 3 triệu pound tôm mỗi năm, phần lớn đem xuất cảng sang Trung Hoa và Hawaii. Tuy nhiên vào đầu thế kỷ 20, nền kinh tế của làng này suy sụp trầm trọng sau khi một dự luật chống người Hoa được thông qua, khiến việc xuất cảng tôm trở thành bất hợp pháp và cấm dùng lưới để bắt tôm. Kết quả là dân số của China Camp giảm đến mức chỉ còn một gia đình họ Quan, và họ vẫn tiếp tục với nghề bắt tôm.
Khu vực này vào năm 1979 được liệt vào danh sách các di tích lịch sử của Hoa Kỳ nhờ mang tính lịch sử của tiểu bang về ngành khảo cổ, kiến trúc, thương mãi, định cư và xã hội.
Nơi đây từng được làm bối cảnh để quây cuốn phim Blood Alley vào năm 1955, với tài tử John Wayne trong vai thuyền trưởng một chiếc tàu buôn Mỹ cứu dân tị nạn cộng sản từ lục địa Trung Hoa và đưa họ đến Hồng Kông.
Trở lại với các tiên ông, mọi người không ai bảo ai, tự động khiêng vác đồ dùng cá nhân, lều trại, bếp núc các thứ vào nơi chỉ định trước. Lập tức, người thì lo dựng hai căn lều, một lớn dành cho Hòa, Hoằng, Lộc DP và Tùng; một nhỏ thuộc Hoàng và TD Lộc; đồng thời cũng lo lửa củi để nấu nướng. May mắn đêm đầu tiên nhờ có bới theo xôi và thịt nướng do nhà hàng năm sao Dạ Minh Luận cung cấp nên không phải nhọc công nấu nướng, chỉ việc đem ra hâm nóng và nhậu với rượu vang.

Đây là địa điểm sáu tiên ông dựng lều ở lại ba ngày hai đêm. Góc bên trái là bàn ăn tập thể, với tủ đựng thức ăn quay mặt ra ngoài. Cạnh đó là thùng rác, dùng để chuyên chở đồ từ ngoài xe đậu ở parking lot vào, khỏi phải khiêng nặng. Hòa Ga mặc áo vàng vừa bước qua bếp lửa, nơi buổi tối sẽ được đốt lên làm lửa trại. Kế bếp lửa sẽ là nơi cắm lều lớn và gần đó trên mặt đất là mớ đồ để dựng một lều nhỏ hơn.
Trong khung cảnh không điện, không wifi, dưới bầu trời đêm không trăng không sao, mọi người ngồi đấu láo. Tức cảnh sinh tình Lộc DP giải thích với bác Hoàng những tiêu chuẩn vật chất để tán gái của thanh niên Miền Bắc XHCN bắt đầu bằng bốn chữ Đ: Đồng, Đèn, Đài, Đạp. Đồng là đồng hồ, đèn là đèn pin (vì hầu hết ngoài Bắc thời ấy ban đêm tối mù như ở Bắc Hàn ngày nay), đài là cái radio, và đạp là chiếc xe đạp. Cụ thể có thể thấy trong phim Người Về Từ Đồng Cói (vào YouTube để xem), trong đó có cảnh anh chàng ra một cánh đồng để tìm người yêu đang làm việc tại một hợp tác xã nông nghiệp. Khi người đẹp từ dưới ruộng lội lên, anh chàng không nói không rằng, bèn đi một màn biểu diễn “khâu oai” bằng cách vạch cổ tay áo xem đồng hồ, rồi cầm lấy cái radio để rà đài. Xem phim bạn có thể thấy xe đạp hồi ấy có gắn bảng số ở dè bánh trước lẫn ở phía sau như xe mô tô. Sau đó hai người kiếm một ụ rơm để ngồi tỉ tê nhưng anh chàng suốt cả buổi mở miệng không ra được một chữ nào. Cuối cùng thì trước khi chia tay, anh chàng chỉ nói được một câu: “Em biết không, mẹ anh nói rằng anh yêu em.”

Từ chỗ cắm trại nhìn về phía trái có hai thùng rác công cộng, xa hơn một chút, khuất sau lùm cây, là nhà vệ sinh, đâu lưng với nhà tắm.

Ngay trước trại của tụi này là địa điểm của các trại khác, mà cái gần nhất đang còn để trống.

Bác Hoằng kéo hai thùng rác, chỉ được dùng để chuyển đồ từ xe vào hoặc mang ra xe.

Hai bác Lộc TD và Hoàng cắm lều nhỏ cho riêng hai bác, không rõ Hòa Ga đang chơi bản gì mà cả hai đều phải ngừng tay để nhìn.

Lều trại vừa xong, bác Tùng nằm lăn quay ra nghỉ mệt, không kịp chui vào trong.

Chuẩn bị ăn điểm tâm.

Sáu tiên ông, Hòa Ga, Đỗ Tùng, TD Lộc, LC Hoằng, ND Hoàng, Lộc DP.
Vừa ăn vừa uống rượu hàn huyên chưa được bao lâu thì đã đến giờ giới nghiêm. Qui định tại đây là phải giữ tuyệt đối im lặng sau 10 giờ đêm, thật cà chớn hết sức! Mất hứng, ai nấy đều lo dọn dẹp để vào lều.
Mới nằm thiu thiu thì nghe quanh lều có tiếng rổn rảng của lon, của chai lọ rỗng. Bác Tùng lồm cồm ngồi dậy vén màn nhìn ra mới thấy một lũ racoon đang moi móc thùng rác, leo lên cả trên bàn nơi mọi người mới ngồi ăn tối, và tìm cách xoi đồ ăn cất trong garde manger, không biết viết tiếng Tây như vậy có đúng không.

Mấy con racoon, tức gấu mèo, xuất hiện hằng đêm trong khu đóng trại. (Hình: Wikipedia)
Bên lều nhỏ vào lúc ấy cũng phát liên tục tiếng cưa gỗ thật lớn không biết của ai, nghe đồn là của ôn Lộc TD, chỉ một lát sau bên này một đồng hương khác của nước Đức cũng phụ họa theo, tạo thành một hệ thống stereo surround sound.
Lúc hừng sáng có tiếng của con chim nào đó kêu quang quác, như báo thức các trại viên. Ngày hôm sau, cũng cùng vào lúc ấy, nó cũng kêu một hồi rồi bay đi đâu mất.
Anh Loc DP viet vui qua, cuoi chay nuoc mat luon …dang cho doc tiep day.
HMai
ThíchThích