Giải Nobel Hóa Học 2015 vào tay ba nhà khoa học Thụy Điển, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ
STOCKHOLM, Thụy Điển (RFI & AP) – Tại Stockholm hôm nay, 7 Tháng 10, 2015, Ủy Ban Nobel công bố giải Nobel Hóa Học 2015 được trao cho ba nhà khoa học Thụy Điển, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ do những công trình nghiên cứu của họ về sự sửa lại ADN bị hư hại. Phát hiện này là đóng góp quan trọng cho việc điều trị ung thư.
(Hình: Getty Images/Jonathan Nackstrand)
Ba nhà khoa học đồng nhân giải Nobel Hóa học gồm Tomas Lindahl người Thụy Điển, Paul Modrich, người Mỹ và Aziz Sancar, người song tịch Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ba nhà khoa học nghiên cứu về “hộp dụng cụ tế bào” được trao giải về công trình nghiên cứu sử dụng các công cụ, như tia cực tím, vào việc sửa chữa ADN bị hư hại.
Ban giám khảo, các viện sĩ hàn lâm Thụy Điển đánh giá công trình nghiên cứu của ba nhà khoa học là đã đưa ra “hiểu biết căn bản” về cách thức một tế bào sống hoạt động và hé lộ ánh sáng về cơ chế hoạt động đằng sau bệnh ung thư và sự lão hóa.“
Ba người được giải đã vẽ ra lộ đồ và giải thích việc một tế bào tự bảo vệ DNA của nó như thế nào. DNA là phân tử chứa đựng những gene di truyền của chúng ta. DNA thường xuyên chịu sự tấn công của tia cực tím từ mặt trời.
Trước thập niên 1970, người ta vẫn nghĩ DNA là một phân tử ổn định cho đến khi ông Lindahl chứng tỏ cho thấy nó thoái hóa ở mức không tương ứng với đời sống con người. Ông suy luận rằng ắt phải có một cơ chế tự sửa và từ đó mở ra một lãnh vực nghiên cứu mới.
Làm việc tại trường Yale University, ông Sancar vẽ bản đồ của cơ chế mà các tế bào dùng để sửa lại DNA bị hư hại do tia cực tím. Ông Modrich cho thấy tế bào điều chỉnh những khiếm khuyết như thế nào khi DNA được sao chép lại trong tiến trình phân chia, một tiến trình được biết như là sự sửa lại ghép đôi không chỉnh (mismatch repair).
Những khám phá này quan trọng cho việc nghiên cứu về bệnh ung thư vì các tế bào ung thư có thể tiếp tục sống bằng cách tự sửa lại cơ chế DNA. Các nhà nghiên cứu nay đang tìm cách tiêu diệt cơ chế tự chữa ở bên trong tế bào ung thư để giết chúng.
Viên hàn lâm nhấn mạnh đến một dược phẩm tương tự hiện đã có mặt trên thị trường, đó là thuốc olaparib, được dùng để trị bệnh ung thư buồng trứng.
Giá trị giải thưởng năm nay được chia một nửa cho nhà khoa học Sancar, 69 tuổi, sinh ra tại một làng nhỏ ở Savur thuộc miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, trong một gia đình nghèo khó có 8 người con. Sự nghiệp của ông lẽ ra đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp, ông từng là thủ môn của đội tuyển trẻ quốc gia, nhưng cuối cùng Aziz Sancar đã chọn hướng nghiên cứu khoa học. Ông theo học tại Đại học Texas ở Dallas và hiện đang giảng dạy tại đại học Chapel Hill ( Bắc Carolina).
Nửa còn lại của giải thưởng chia cho hai nhà khoa học Lindahl và Modrich.
Nhà khoa học Thụy Điển Tomas Lindahl 77 tuổi hiện đang làm việc tại các phòng thí nghiệm lớn ở Anh Quốc.
Nhà nghiên cứu Mỹ Paul Modrich sinh năm 1946, tiến sĩ khoa học, thuộc Viện y học Howard Hughes, ở ngoại ô Washington. Ngoài ra ông còn là Giáo sư sinh hóa tại Đại học Dunke ( Bắc Carolina). (TP)
****************
Hồng Kông: Phụ nữ chết trong nhà hàng nhiều giờ không ai biết
HỒNG KÔNG, Trung Quốc (NV) – Một phụ nữ vô gia cư chết nhiều giờ trong một nhà hàng McDonald’s ở Hồng Kông, chung quanh đầy thực khách mà không ai chú ý, theo tin của AFP.
![]() Đường phố ở Hồng Kông. (Hình: Getty Images/Philippe Lopez) |
Cảnh sát cho biết người phụ nữ tuổi từ 50 đến 60, được khám phá chết vào sáng Thứ Bảy, một ví dụ cho thấy ngày càng nhiều người vô gia cư vào trú thân trong những nhà hàng mở cửa suốt ngày đêm.
Theo cảnh sát, họ đến nơi sau khi một nữ khách hàng báo cáo có người ngất xỉu trong nhà hàng. |
Truyền thông địa phương nói, người phụ nữ gục đầu trên một chiếc bàn, 24 giờ sau khi bà vào nhà hàng ở Ping Shek, khu vực của dân lao động.
Theo báo Apple Daily, bà này bất động trong suốt bảy giờ trước khi những thực khách ngồi gần đó chú ý có điều gì bất thường.
Báo South China Morning Post viết, người ta cho rằng người phụ nữ thường xuyên ở lại qua đêm tại nhà hàng McDonald’s này.
Ở Hồng Kông, nhiều người buộc phải sống bên hè phố vì không đủ sức thuê, dù rằng một nơi rất nhỏ hẹp vì giá nhà cực kỳ cao.
Với khí hậu nóng bức và ẩm, một số tìm vào những nhà hàng có máy lạnh mở cửa suốt ngày đêm.
Ông Wendy Lam, giám đốc của McDonald’s Hồng Kông, nói: “Chúng tôi bày tỏ niềm hối tiếc về biến cố bất hạnh này tại cửa hàng của chúng tôi ở Ping Shek Estate.”
Ông tiếp: “Chúng tôi hoan nghênh mọi người đến nhà hàng của chúng tôi bất cứ lúc nào. Để tạo không khí thoải mái chúng tôi chủ trương không quấy rầy khách hàng, nhưng chúng tôi sẽ có quyết định tức thời một khi có sự yêu cầu.” (TP)
.
Thảo luận
Không có bình luận