//
you're reading...
Colnav Nguyen, Du Lịch, Khảo Cổ, Photography, Về Huế, về Lịch Sử

Đại Nội mồng một Tết mù sương * Colnav Nguyen

Sáng mồng một Tết con rồng Giáp Thìn, tôi rảo bộ một vòng vào Đại Nội xem việc trùng tu các đền đài nay đã tiến triển đến đâu, kể từ lần viếng thăm sau cùng vào năm 2015. Nhờ được LHQ công nhận là di sản văn hóa của nhân loại cho toàn quần thể di tích cố đô, hằng năm Đại Nội cũng được tài trợ để phục hồi, nâng cấp, thậm chí tái dựng lại các di tích bị hư hại trong cuộc chiến. Đáng kể nhất là Điện Kiến Trung, chỉ cách đây không lâu từ một nền đất trơ trụi mà nay đã mọc lên một lâu đài nguy nga. Hôm đó trời mù sương xám xịt, âm u như mấy ngày Tết Mậu Thân, thỉnh thoảng lại có mưa lất phất khiến tầm nhìn bị hạn chế, một điều đáng buồn cho các bác phó nhòm. An ủi một điều là trời âm u lại hợp với khung cảnh đền đài lăng tẩm, vắng bóng mặt trời tránh được những bóng đen tương phản không cần thiết. Huế là xứ mưa dầm, những bức tường sơn vôi qua một hai mùa mưa đã bắt đầu nổi mốc meo xấu xí, ảnh màu sau khi chụp xong, xem lại chỉ thất vọng mà thôi. Giải pháp là chọn ảnh đen trắng cho bài này có lẽ thích hợp cả với cảnh đền đài trong những ngày mù sương, mà cũng loại bỏ được những cái xấu xí ấy.

Cửa Hiển Nhơn xây năm 1805 dưới thời Gia Long, một trong những lối vào Đại Nội, ngày xưa dành riêng cho các quan lại và lính tráng vào ra phục vụ triều đình.
Thái Miếu nhìn từ Triệu Miếu, một trong những khu vực dành riêng để thờ các vua chúa nhà Nguyễn. Hai tòa nhà này nằm bên tay trái ngay sau khi bước qua khỏi cửa Hiển Nhơn.
Triệu Miếu được xây dựng từ năm 1804, là một trong những công trình kiến trúc xuất hiện sớm nhất ở Hoàng Thành Huế. Mặc dù nhân vật được thờ ở đây, Nguyễn Kim, không phải là chúa Nguyễn, nhưng ông có công sinh ra vị chúa Nguyễn đầu tiên là Nguyễn Hoàng, cho nên vua Gia Long đã cho xây dựng riêng cho Nguyễn Kim một miếu thờ để tưởng nhớ công ơn của ông. Bên trong miếu này hiện trống trơn chưa thấy đồ thờ gì cả, chỉ có hàng cửa xếp đúng kiểu nhà rường Huế là đáng để ý đến mà thôi.
Thái Miếu, xây cùng năm với Triệu Miếu, là nơi thờ tổ tiên của các vua nhà Nguyễn, tức là các chúa Nguyễn, đã từng mở mang khai thác và làm chủ lãnh thổ Đàng Trong từ 1558 đến 1775.
Phủ Nội Vụ, nhà kho tàng trữ đồ quí, các xưởng thủ công mỹ nghệ chế tạo đồ vàng bạc ngọc ngà, gấm vóc .. cho triều đình và hoàng gia sử dụng.
Trong bảy cửa vào ra Tử Cấm Thành, Đại Cung Môn là nơi duy nhất chỉ dành cho nhà vua.
Điện Thái Hòa, chỗ đặt ngai vàng, nơi từng chứng kiến bao nỗi thăng trầm của triều đại nhà Nguyễn qua 13 vị vua, từ Gia Long đến Bảo Đại. Được xây dựng khá sớm (1805) nhưng được dời sang vị trí hiện nay vào năm 1833, dưới thời Minh Mạng. Điện đã được sửa sang nhiều lần nên vẻ cổ kính xưa bị giảm đi một phần nhưng kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật vẫn còn.
Điện Thái Hòa trong giai đoạn đại trùng tu, sàn còn đang được lót tạm.
Khách du lịch từ sân Đại Triều bước vào Điện Thái Hòa.
Ngai vàng đặt trên ba tầng bệ.
Sắc Mệnh Chi Bảo, ấn đúc bằng vàng khối năm Minh Mạng thứ 8 (1827) dùng để đóng trên các sắc phong của triều Nguyễn.
Tự Đức Thần Hàn, đúc năm Tự Đức nguyên niên (1848), dùng để đóng trên văn từ của vua viết bằng mực son gọi là Châu bút.
Dãy đèn giấy treo ở mặt trước Điện Thái Hòa.
Điện Thái Hòa và sân chầu rộng lớn là nơi tổ chức những lễ triều quan trọng nhất. Vua thường ngự trên ngai vàng, trong điện chỉ có một số hoàng thân đứng chầu hai bên ngự tọa, còn hàng trăm quan lại đều phải sắp hàng ngoài sân theo thứ tự phẩm trật được ghi ở những tấm bia đá nhỏ (gọi là “phẩm đơn”) cắm hai bên sân và theo nguyên tắc tả văn hữu võ.
Cửa Ngọ Môn, nhìn từ cầu Trung Đạo, như thấy ngày nay được vua Minh Mạng cho xây lại vào năm 1833, gồm hai phần chính là nền đài cao gần 5m ở dưới, có dạng mặt bằng hình chữ U vuông góc. Ở phần giữa của nền đài trổ ra ba cửa mà cửa giữa chỉ dành cho vua đi qua, hai cửa hai bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn, dành cho quan văn võ theo hầu trong đoàn Ngự đạo. Trong lòng mỗi cánh chữ U còn trổ một lối đi như đường hầm chạy từ trong ra ngoài, dành cho lính tráng và voi ngựa theo hầu. Lầu Ngũ Phụng ở trên. Lầu có hai tầng làm bằng gỗ lim, gồm 9 bộ mái. Bộ mái ở giữa là lớn nhất lợp bằng ngói hoàng lưu ly vì không gian dưới đó là nơi dành cho vua ngồi trong các dịp lễ. Còn 8 bộ mái còn lại ở hai bên thì nhỏ hơn và đều lợp bằng ngói thanh lưu ly, đây là vị trí của các quan tham dự.
Phường Môn nhìn từ cửa giữa Ngọ Môn. Mỗi trụ của Phường Môn được kê trên chân đá tảng và trên chóp là đóa hoa sen. Thân trụ, nhất là hai trụ giữa, được đúc nổi đề tài “long vân thủy ba” với hình rồng 5 móng (dành riêng cho vua) và mây cụm quấn chung quanh. Tòa nhà xa xa là Điện Thái Hòa.
Cầu Trung Đạo và hồ Thái Dịch.
Kỳ đài Phu Văn Lâu nhìn từ lầu Ngũ Phụng.
Ngọ Môn năm cửa chín lầu
Cột cờ ba cấp, Phu Văn Lâu hai tầng.
Dãy đại bác ở hai cổng phụ trước cửa Ngọ Môn.
Lầu Ngũ Phụng nằm ở tầng trên cửa Ngọ Môn. Lầu được dựng trên một nền cao 1,14m xây trên nền đài. Tòa nhà lầu có 100 cột chẵn, trong đó có 48 cột ăn suốt cả hai tầng.
Kỳ đài Phu Văn Lâu và quảng trường Ngọ Môn, nơi triều đình tổ chức các buổi diễn tập vào đầu mùa xuân hằng năm của các đơn vị bộ binh trước sự duyệt khán của vua và các trọng thần.
Từ lầu Ngũ Phụng nhìn vào phía Điện Thái Hòa. Phường môn nhô lên từ cây cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch.
Một hành lang trên lầu Ngũ Phụng.
Cầu Trung Đạo và hồ Thái Dịch, vào mùa hè hồ nầy cũng như các hồ khác nở đầy sen trắng.
Một hành lang nối với Duyệt Thị Đường.
Đi đâu cũng chạm mặt du khách. Đại Nội không thu tiền vào cửa trong ba ngày Tết đầu năm nên đông hơn thường lệ chăng?
Điện Kiến Trung được vua Khải Định cho xây năm 1923, bị đặt mìn phá sập vào đầu tháng 2.1947 trong chiến dịch Tiêu thổ Kháng chiến khi Pháp trở lại tái chiếm, gây hư hại 100%, vừa mới được xây lại xong.
Trường lang nối Duyệt Thị Đường với Lưỡng Kiêm Đình.
Lưỡng Kiêm Đình và trường lang tiếp giáp chạy bọc phía sau.
Lầu Lưỡng Kiêm Đình nhìn từ dãy trường lang.
Dọc theo dãy trường lang.
Từ lầu Lưỡng Kiêm Đình nhìn xuống, xa xa là Điện Kiến Trung.
Dọc trên lầu Lưỡng Kiêm Đình.
Từ lầu Lưỡng Kiêm Đình nhìn xuống dãy trường lang.
Bể nước và hòn non bộ ở mặt sau Thái Bình Lâu.
Hành lang từ Lưỡng Kiêm Đình dẫn ra hồ Ngọc Dịch.
Chim phụng trên nóc Thái Bình Lâu.
Thái Bình Lâu hậu thân của Thanh Hạ Thư Lâu, nơi vua đọc sách, do vua Khải Định hạ lệnh cho Bộ Công xây vào năm 1921. Nhờ nằm sát hồ Ngọc Dịch, đây trở thành trong số các điểm thăm viếng hấp dẫn nhất trong phạm vi Tử Cấm Thành.
Hồ Ngọc Dịch bọc quanh vườn Ngự Uyển. Tòa nhà phía trước là Điện Kiến Trung.
Vườn Ngự Uyển và thuyền câu của vua.
Điện Kiến Trung và nhà bát giác.
Mặt nhìn ra hồ sen Ngọc Dịch của Lưỡng Kiêm Đình.
Lầu Lưỡng Kiêm Đình nhìn xuống hồ sen.
Đứng vững trên một cái nền cao gần 3m, Điện Kiến Trung là tòa nhà hai tầng đồ sộ, xây bê tông cốt thép, phong cách nghệ thuật, nguy nga tráng lệ với trang trí nội ngoại cực kỳ phong phú và tinh xảo.
Từ khi xây dựng lần đầu vào năm 1923, Kiến Trung trở thành nơi ăn, ngủ và làm việc của vua Khải Định. Đến thời Bảo Đại, cả gia đình nhà vua, gồm Hoàng hậu Nam Phương cùng cư ngụ.
Chi tiết trên một vòm cửa chính. Vua Khải Định đã tham khảo các loại hình nghệ thuật kiến trúc Âu Á, tự đưa ra kiểu thức phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của mình, và hạ lệnh cho Bộ Công y theo đó mà xây dựng.
Trước cửa phụ bên phải điện, các du khách nữ thuê áo quần kiểu cung đình leo lên các bậc cấp, tạo dáng chụp hình.
Cửa chính, một trong ba cửa trước để vào Điện Kiến Trung.
Từ Điện Kiến Trung nhìn về hướng cột cờ là một không gian rộng rãi, nơi có các bồn hoa, thảm cỏ, cây cảnh được cắt xén tươm tất, có các lối đi dạo khắp trong sân dành cho chủ và khách nhàn du thưởng ngoạn.
Nội thất một phòng trưng bày bên trong Điện Kiến Trung.
Hành lang ở mặt sau điện nơi thông ra hoa viên.
Hoa viên từ hành lang nhìn ra
Hoa viên sau Điện Kiến Trung
Khoảng sân ở mặt hông điện vẫn còn ngổn ngang gạch đá, chưa được tu sửa.
Cầu bắc qua một cù lao ở vườn Cơ Hạ.
Một am nhỏ trên cù lao.
Trong phạm vi Thành Nội, ngày xưa có đến khoảng 40 hồ ao nối kết với Ngự Hà bằng một hệ thống cống rãnh để điều tiết nước tự nhiên vào mùa nắng nóng cũng như mùa mưa lũ hằng năm. Tất cả đều ăn thông với Hộ thành Hà và sông Hương, nhờ vậy không có tình trạng nước bị tù đọng, hôi hám, sinh ra bệnh tật.
Bầy vịt sống quanh cù lao
Một chú vịt chúi đầu xuống mặt nước ..
.. chắc để giải mã thông điệp nước muốn nhắn nhủ với chú
.. Nước nói với chú chuyện gì vậy, hả chú vịt ?
Hai người khách đi về phía cửa Hòa Bình để ra khỏi Đại Nội, tôi cũng theo cùng hướng với họ, sau khi lùng sục nửa vòng Đại Nội, tức hết nửa phần bên trái.

Thảo luận

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện