//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Nhân vật, Nhạc, Tình Yêu, Văn Hóa Nghệ Thuật

Những khúc tình buồn trong thơ nhạc Miền Nam

Phạm Văn Duyệt

Tình yêu lứa đôi, hôn nhân vợ chồng là những phạm trù triết học vô cùng mầu nhiệm. Thật khó để giải thích cho tận tường thấu đáo.

Hạnh phúc – khổ đau, Hòa thuận – xung khắc, Sum họp – chia lìa… Nhiều người thành công viên mãn, lắm kẻ thất bại ê chề.

Giới văn nghệ sĩ cũng không tránh khỏi những trường hợp buồn bã ly tan khi mà hai tâm hồn thiếu sự đồng điệu cảm thông, không chấp nhận tương nhượng đi chung về một hướng, khiến cho lực hướng tâm phải nhường bước lực ly tâm. Chỉ có điều an ủi là chính nhờ những chuyện tình buồn mà nền thi ca âm nhạc đã sản sinh biết bao tuyệt tác để đời.

Chúng ta hãy cùng thưởng thức một số tác phẩm nói về chuyện tình buồn của giới thi nhân và nhạc sĩ miền Nam mà cuộc đời họ không may mắn gặp trắc trở tình duyên.

1. PHẠM VĂN BÌNH (1940  – 2008)

* “Nhà Thơ Phạm Văn Bình và Mối Tình Khắc Khoải trong Ca Khúc Chuyện Tình Buồn”, (nhạc xưa blog, 18.6.19):

Đậu Tú Tài 2 năm 62. Dạy Việt Văn trường Trung Học Bán Công Đông Hà từ 63. Nhập ngũ năm 66. Sĩ quan Tâm Lý Chiến Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến.

Là bạn thân với người anh cô Nguyễn Thị Túy, nữ sinh cùng lối xóm nên hay qua lại. Dần dà tình cảm thăng hoa. Tiếc thay không thành duyên nợ. Chỉ vì khác biệt tín ngưỡng. Túy về làm vợ chàng sĩ quan Quân Y, cùng đạo Thiên Chúa. Chẳng may sau mấy năm thì chồng tử trận, để lại 4 con thơ. Còn Bình cũng kết hôn với cô học trò trẻ đẹp khác.

Tuy đôi bên đều lập gia đình riêng, nhưng mỗi khi có dịp về lại Đông Hà, Bình vẫn không quên ghé thăm người tình cũ, lúc nào Ông cũng tỏ ra thân thiết đậm đà với các con cô.

Tới 75, mang cấp Đại Úy, Ông bị tù đày nhiều năm. Khi về thì nghe tin vợ hết còn chờ đợi, đã sớm dẫn dắt đàn con qua Mỹ.

* “Góp phần Dựng Tiểu sử Nhà Thơ Phạm Văn Bình”, Hoàng Đằng, havuvhp.blogspot.com, 4.8.18

Cô Túy, sinh 45, dáng người bắt mắt, biết ăn diện, sắc đẹp, duyên dáng, học thức. Bình đã nhiều lần tới nhà người tình, chuyện trò thân thiết với cả Mẹ cô. Lắm lúc tưởng chừng như sẽ thành đạt chung đôi. Thế mà rồi không tròn mộng ước. Trong cơn đau tột cùng, dòng máu thi nhân trổi dậy, Ông để con tim thổn thức qua Chuyện Tình Buồn:

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mãi
Đời chia như nhánh sông

Phong thư tình ngây dại
Và vai môi ướt mềm
Những hẹn hò cuống quýt
Trên lối xưa thiên đàng

Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn

Ngày nhà em pháo nổ
Tâm hồn anh nhuốm máu
Ôi nhát chém hư vô
Ôi nhát chém hư vô

Năm năm rồi đi biệt
Đường xưa chưa lối về
Trong đìu hiu gió cuốn
Nằm chơ vơ gác chuông

Năm năm rồi cách biệt
Cỏ hoang sân giáo đường
Chúa buồn trên thánh giá
Mắt nhạt nhòa mưa qua

Ngồi bâng khuâng nhớ biển
Bên bãi đời quạnh hiu
Anh mang lòng thủy thủ
Cùng năm tháng phiêu du

Anh một đời rong ruổi
Em tay bế tay bồng
Chiều hắt hiu xóm đạo
Hồi chuông giáo đường vang

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Bao kỷ niệm chôn kín
Dường như đã lãng quên

Năm năm rồi trở lại
Một màu tang ngút trời
Thương người em năm cũ
Thương góa phụ bên song

Ra tù, Ông thành trắng tay, nhà cửa vợ con không còn, bơ vơ lạc lõng. Cô đơn, buồn bã lang thang, thần trí mất tính lạc quan, chẳng thiết tha làm việc gì, chỉ thích chuyện trò tâm sự suốt ngày với những người bạn trẻ quen biết tình cờ ở quán cà phê, vui chơi với họ, say sưa triền miên. Tâm trạng sầu bi áo não không thua chi Thi Sĩ Hà Liên Tử trong bài thơ Đến Đây Là Chỗ Rẽ Lòng, nhạc sĩ Anh Sơn phổ thành ca khúc Nhà Anh Nhà Em:

Nhà anh nhà em
Cách hai đoạn đường dài
Tuy xa mà gần
Tuy gần mà xa
Rồi còn xa mấy nữa
Khi em đã lấy chồng

Một chiều thu úa lá
Một con đò sang sông
Một cõi lòng băng giá
Một thoáng buồn mênh mông

Anh đến mừng em trong tiệc cưới
Ra về men rượu ngấm buồng tim
Gió khuya lạnh thấy hồn đơn lẽ
Một ánh sao rơi chìm trong đêm

Anh ướp hồn anh men rượu đắng
Nghe chừng men rượu đắng niềm yêu
Bóng em chợt thoáng mờ hư ảo
Đẹp giấc mơ tan sầu bao nhiêu

Nhà anh nhà em
Cách hai đoạn đường dài
Tuy xa mà gần
Tuy gần mà xa
Từ đây xa mấy nữa
Khi em đã có chồng

Dù tình còn đậm đà
Dù lòng còn thiết tha
Dù buồn xa cách biệt
Thôi em đừng nhắc chuyện đôi ta.

Trước ngày qua Mỹ, lắm phụ nữ tìm tới để xin ăn theo, nhưng Ông đã quá chán ngán tình đời đen bạc, nên chỉ ra đi một mình, cõi lòng trở thành băng giá sau cuộc tình đầu dang dỡ, rồi người vợ trẻ sớm rủ áo ra đi.

Ở chốn tạm dung, Ông tiếp tục sống đời phất phơ, chẳng màng đua chen danh lợi. Sống trong sự bảo bọc của mấy người con cho đến ngày giả từ nhân thế.

Còn cô Túy cũng tới được vùng đất hứa. Hiện nay đang định cư tại Hoa Kỳ.

2. PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG (1929 – 1991)

Một phần cuộc đời Phạm Đình Chương gắn liền với người vợ đầu.

* Theo tintuconline.com.vn, 1.4.22: “Không chỉ nổi tiếng trên sân khấu, Khánh Ngọc còn được chú ý ở cả mặt diễn xuất, nổi tiếng nhờ giọng hát lẫn nhan sắc. Bà sở hữu thân hình bốc lửa, sexy, cùng lối thời trang táo bạo so với thuở bấy giờ. Gương mặt kiều diễm, kiêu sa, cùng nụ cười tỏa sáng, ánh mắt hút hồn, được mệnh danh là “ca sĩ ngọn núi lửa”, khiến bao người đê mê”.

Kết hôn với nhau năm 1953. Thuở đầu vô cùng hạnh phúc, lũy tiến theo đà danh vọng đang lên của cả hai vợ chồng. Sinh một con trai.

Khánh Ngọc gia nhập ban hợp ca Thăng Long bao gồm Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng, Phạm Duy. Chính môi trường gia đình nổi tiếng này đã phát sinh nghịch cảnh éo le, xảy ra quan hệ tình ái không  mấy tốt đẹp giữa anh rể em dâu.

Sau nhiều ngày nghe phong thanh về tin đồn thiếu chung tình của vợ, Phạm Đình Chương cùng bạn ráo riết theo dõi rồi bắt gặp cuộc hẹn hò giữa Khánh Ngọc và Phạm Duy tại quán chè Nhà Bè. Báo chí Saigon làm rùm beng một dạo. Thời điểm ấy trời đất như sụp đổ trên chân nhạc sĩ họ Phạm. May có người bạn dắt dìu, Ông mới gắng gượng ra về với cõi lòng tan nát. Quá buồn đau và uất hận, Ông đệ đơn ly dị.

Một đêm mưa tầm tả, Ông nghe văng vẳng lời thơ Lệ Đá Xanh của Thanh Tâm Tuyền:

Đôi khi anh muốn tin
Ôi những người khóc lẻ loi một mình

Để rồi chỉ trong vài giờ đã viết xong: NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU

Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa
Cho tôi về đường cũ nên thơ
Cho tôi gặp người xưa ước mơ
Hay chỉ là giấc mơ thôi
Nghe tình đang chết trong tôi
Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời

Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
Ôi sao nghìn trùng mãi xa nhau
Hay là còn hẹn nhau kiếp nào
Anh ở đâu? em ở đâu?
Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu

Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt
Chỉ thấy là nhớ nhung chất ngất
Và tiếng hát và nước mắt

Đôi khi em muốn tin
Đôi khi em muốn tin
Ôi những người, ôi những người
Khóc lẻ loi một mình
Khóc lẻ loi một mình.

* Ca sĩ Ý Lan cảm nhận về bác ruột Phạm Đình Chương: “Bác ấy là người hiền lành, tử tế. Dù là nghệ sĩ lớn nhưng bác sống đơn giản, thân mật  với gia đình và mọi người. Bữa cơm chỉ cần bát canh, dĩa cà mắm, chút thịt thái hạt lựu là bác đã hài lòng. Điều đặc biệt là phải có cốc rượu đi kèm.

* Ca sĩ Phương Dung cũng đồng quan điểm: Anh Chương vô cùng dễ thương, hiền từ, luôn cư xử dễ chịu với bè bạn và quần chúng xung quanh.

Bà tiết lộ từng bật khóc theo lời ca khi nghe họ Phạm hát Nửa Hồn Thương Đau, vì thông cảm cho cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa. Bà còn cho biết Huỳnh Anh và Phạm Đình Chương là đôi bạn tâm giao vì cùng hoàn cảnh, đổ vỡ hôn nhân, bị vợ phụ tình.

* “Nửa Hồn Thương Đau và Bi Kịch của một Gia Đình”, truongvankhoa.blogspot.com, 25.4.13:

Cuộc chia tay bất ngờ, oan trái giữa ông và Khánh Ngọc đã xảy ra. Thảm kịch gia đình dập tắt mọi tiếng cười, khép lại mọi nẻo đường của gia đình tiếng tăm. Ban Hợp ca Thăng Long gần như bị “chôn sống” sau cơn địa chấn rung động của tình ái. Phạm Đình Chương trải  qua chuỗi ngày cô đơn, gần như cắt đứt mọi liên lạc với xã hội. Chỉ tiếp xúc giới hạn một số bằng hữu thân thiết. Ông lột xác thành kẻ khác. Không màng để ý ăn mặc, trở nên kiệm lời. Nhắc khoảng thời gian đó, Mai Thảo nói: “Nhiều khi cả ngày Hoài Bắc không mở miệng, nhưng số anh em thân vẫn lui tới, không bảo nhau, chúng tôi tôn trọng sự im lặng của bạn, tìm mọi cách, nghĩ mọi chuyện cốt làm sao cho bạn vui.

Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ cho ta thấy mối đau thương tột cùng của Phạm Đình Chương.

* “Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Một Thời Đã Qua”, Quỳnh Giao, posted on 22.8.20, FB Nguyễn xuân Nghĩa:

Hoài Bắc là linh hồn của ban hợp ca một thời lừng lẫy từ Saigon ra Hà Nội, tới cả hải ngoại. Mấy chục năm qua, sau bao thay đổi về nơi chốn và nhân sự, thính giả khắp nơi vẫn nghe Thăng Long. Vắng Thái Hằng và Khánh Ngọc, vẫn còn Thăng Long. Không Thái Thanh, thay thế bằng Mai Hương, vẫn là Thăng Long. Ban nhạc chỉ thật sự mất khi không còn Hoài Bắc. Vì Thăng Long là Hoài Bắc, là hòa âm Phạm Đình Chương, là tinh thần yêu mến nghệ thuật ca hát của Phạm Đình Chương.

Hoài Bắc mất đi, hẳn là các tác phẩm của Ông sẽ còn được nâng niu mãi mãi. Người ái mộ không bao giờ quên những thanh âm tình tứ, ngọt ngào và thật gần gũi của Ông, nhắc họ nhớ cánh đồng, ruộng lúa, cây đa, con sông, ngọn núi, quê cha, đất mẹ, mùa xuân, ngày Tết, hạnh phúc, khổ đau, tình yêu, chia ly, đêm trăng, thành phố…

Bạn hữu của Ông rất đông, họ thấy rõ một thời đã qua. Sơn Tây, Ba Vì, Hà Nội, Saigon, Đêm Màu Hồng, Pasadena, quận Cam…cùng với Hoài Bắc, tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Điều họ quý nhất ở Ông, ngoài những tác phẩm lớn cho nghệ thuật tân nhạc Việt Nam, còn là tính tình nhũn nhặn, thân ái, hòa nhã. Ông giao thiệp nhiều, đủ mọi giới mọi ngành mà không mất lòng ai. Ông là tụ điểm cho nhiều sinh hoạt của giới nghệ sĩ trong suốt mấy chục năm qua. Ông mất đi, ngôi nhà cũ như tắt đèn đóng cửa, bạn hữu cảm thấy trống vắng quạnh hiu.

3. VŨ HOÀNG CHƯƠNG (1916 – 76)

“Thiên Tình Sử của Vũ Hoàng Chương”, Phạm Thị Nhung, tongphuochiep.com:

Một buổi chiều, Vũ Hoàng Chương tới thăm Ngãi, người bạn đang làm trợ giáo, dạy thêm cho các con Bà Tư, lớn nhứt là Trần Tố Uyển, 14 tuổi.

Vừa được vị nể, lại thêm tiếp đón ân cần, Hoàng cảm thấy đời vui như mở hội, nên hay lui tới mỗi tuần. Rồi nhận chỉ dẫn hai chị em môn tiếng Anh. Chẳng bao lâu trở nên thân thiết như người nhà. Nhiều hôm được giữ lại ăn cơm. Tình cảm quyến luyến giữa Hoàng và Tố dần dà nẩy nở một cách hồn nhiên, cả gia đinh chẳng ai để ý.

Hoàng thuật lại trong thơ:

Nhà đông người vui nhộn
Chẳng ai còn nhớ ra
Nơi này anh có mặt
Vì đâu tự bao giờ

Có thời gian bận học, Hoàng ít ghé chơi. Bỗng dưng thấy lòng nhớ nhung vời vợi. Rồi chợt nhận ra vì đâu chàng năng lui tới:

Kèm cho cả nhà học
Đã có thầy giáo riêng
Anh qua lại khuya sớm
Chỉ vì anh yêu em

Tình yêu nẩy sinh từ lòng cảm mến, hòa họp tâm hồn giữa đôi trai gái vừa mới lớn lên. Hoàng kể lại những buổi đón đưa:

Em biết anh chờ em ngã ba
Trường Thi, Ngõ Huyện vắng người qua
Đi chung một quãng, chiều tan học
Chẳng nói yêu, mà yêu thiết tha

Hay những lúc trao thư:

Em biết anh chờ em ngã tư
Hàng Khay, Hàng Trống để trao thư
Lời yêu chẳng viết, nhưng trong ý
Hai đứa cùng chia một động từ

Hoặc tả về mấy hàng chữ của người yêu:

Mười hàng chữ đơn sơ, ồ ngượng ngập
E dè sao mười hàng chữ đơn sơ
Màu mực tươi xanh ngát ý mong chờ
Tình hé nụ bừng thơm trong nếp giấy

Thời gian êm trôi cho đến chuỗi ngày Tố sửa soạn kỳ thi trung học. Mỗi chúa nhật, thầy Ngãi soạn đề thi thử về toán và Pháp văn, còn Hoàng tất bật lo đề thi Anh Văn cho hai chị em. Nhiều hôm chàng nấn ná ở lại tới khuya để giảng giải thêm:

Mùa thi rối gương lược
Anh sửa soạn cho em
Ngay từ nửa tháng trước
Ngồi khuya đêm lại đêm

Những lúc ấy Hoàng cảm thấy đời vui:

Thời gian rất hạnh phúc
Bao nhiêu đêm ngồi kề
Bấy nhiêu vòng khăng khít
Buộc đôi hồn si mê

Ngày đi xem bảng, thấy tên nàng, Hoàng tưởng chừng hoa mắt, vui mừng khôn xiết, vội phóng về nhà. Vừa thấy Bà Tư đứng tựa cửa, chưa kịp gác xe vào vỉa hè, chàng vội vã rối rít báo tin vui: – Tố đỗ rồi! Tố đỗ rồi!

Reo to đến cả xóm đều nghe.

Đó là giữa năm 1939, Tố vừa tròn 18, cái tuổi thanh xuân mơn mởn đào tơ của người con gái. Lúc này Hà Thành nở rộ phong trào kén chồng theo quan điểm: “phi cao đẳng bất thành phu phụ” của các cô gái xinh đẹp, học thức, gia thế giàu sang. Tố được nhiều chàng trai danh giá rắp tâm để ý. Bà Tư vô cùng hãnh diện về con mình.

Nhưng vì từ lâu vốn có thiện cảm với Hoàng, lại thấu rõ ân tình của đôi trẻ, nên Bà dự tính gả con cho chàng. Đã đến lúc Hoàng về thưa chuyện với thân sinh, xin đem trầu cau đến dạm hỏi. Thì hỡi ơi bị cha mẹ từ khước. Các Cụ chỉ muốn kết thông gia với quan bố chánh, viện lẽ Bà Tư mới 38 tuổi, lại làm chủ cửa hàng bách hóa, không xứng môn đăng hộ đối với Ông Bà Tri Huyện.

Trời đất quay cuồng sụp đổ, đau đớn tột cùng. Hoàng lánh mặt, biệt tăm, không dám bén mảng tới nhà Tố nữa. Chẳng tha thiết học hành, chàng tìm quên trong men rượu:

Ta say, trời đất cũng say
Ta buồn, ta chán sự đời
Vì đời bạc bẽo như vôi

(Say, Lam Phương)

Bà Tư thắc mắc sao đã nửa năm không thấy Hoàng trở lại. Một cô em họ chàng, cũng là bạn học của Tố ghé chơi, kể cho nghe tự sự: Bà Tư tuy tự ái giận bố mẹ Hoàng xúc phạm coi thường, lại buồn nghe tin Hoàng bỏ học, đi làm Phó Kiểm soát viên Sở Hỏa xa Đông Dương, nhưng vẫn rủ lòng thương khi thi thoảng Hoàng chợt hiện về, tuy không ở lại lâu như ngày nào, cho nên bà còn nấn ná, chưa dứt khoát chuyện duyên tình của con. Dù thời gian này Tố và Hoàng không còn dịp nào gần nhau như trước nữa.

Một bữa, Bà gọi Hoàng ra nói chuyện, cho biết thuận lòng gả Tố nếu bố mẹ chàng chịu hỏi cưới đường hoàng.

Thế mà cả hai năm Ông Bà Tri Huyện vẫn bặt tăm hơi. Còn Hoàng làm việc tận Cao Bằng chẳng mấy khi trở về. Tố đã 20, Ông Bà Tư không thể chờ đợi nữa. Bà khuyên lơn Tố lấy chồng cho yên bề gia thất. Gia đình Bà không phải là hạng người “Tham đó bỏ đăng, thấy lê quên lựu thấy trăng quên đèn”.

Nghe lời thủ thỉ của Mẹ, riết rồi Tố cũng xiêu lòng. Tuy không hề yêu thương quen biết, Nàng cũng nhận lời cầu hôn của ông Đào bá Cương, tiến sĩ luật khoa ở Pháp vừa về nước.

Một tháng sau thì bất ngờ Mẹ Hoàng khăn gói tới thăm nhà Bà Tư, nhưng hỡi ơi đã quá muộn màng.

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra

Hay tin Tố nhận trầu cau của người khác, Hoàng rả rời tuyệt vọng, bao năm trời vun đắp tình ái, bây giờ đành chịu vỡ tan.

Tiếc công anh đào ao nuôi cá
Ba bốn năm trường người lạ đến câu

Từ đó mà ngày 12 tháng 6, Tố lên xe hoa về nhà chồng, trở thành nhan đề cho bài thơ bất tử. Nỗi đau tựa nhát dao sắc bén chém vào tim, khiến vết thương khắc thành mộ bia. Niềm chua cay bi phẩn làm cho chàng như cuồng như say, đến độ cao hứng gõ vào bia rồi ca “Khúc Cổ Bồn”, học đòi Trang Tử thuở nào sau khi biết vợ bội phản, kết liễu đời mình vì xấu hổ. Ông gõ vào chậu đồng mà ca, than trách tình đời cay đắng, đốt hết cơ nghiệp rồi bỏ đi xa. Hoàng cũng đang mang tâm trạng khắc khoải u hoài đó qua bài thơ:

Mười Hai Tháng Sáu

Trăng của nhà ai trăng một phương
Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường
Ồ! Đêm tháng sáu mười hai nhỉ
Tố của Hoàng ơi! hỡi nhớ thương!

Là thế, là thôi, là thế đó,
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyền ước
Tố của Hoàng ơi! Tố của Anh

Tháng sáu mười hai từ đấy nhé
Chung đôi từ đấy nhé lìa đôi
Em xa lạ quá đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của Tôi

Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu ghi mười hai
Tình ta ta tiếc, cuồng ta khóc
Tố của Hoàng, nay Tố của Ai

Tay gõ vào bia mười ngón rập
Mười năm theo máu hận trào rơi
Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp
Khúc Cổ Bồn Ca gõ hát chơi

Kiều Thu hề Tố em ơi!
Ta đang lửa đốt tơi bời Mái Tây,
Hàm Ca nhịp gõ khói bay
Hồ Xừ Xang Xế bàn tay điên cuồng

Kiều Thu hề trọn kiếp thương
Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô
Xừ Xang Xế Xự Xang Hồ
Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên

Kiều Thu hề Tố hỡi em!
Nghiêng chân bốn bể mà xem lửa bùng
Xế Xừ Xang khói mờ rung
Nhịp vươn sầu tỏa năm cung ngút ngàn

4. LAM PHƯƠNG (1937 – 2020)

Sự nghiệp âm nhạc của Lam Phương được nhắc nhở rất nhiều. Bài này xin ghi nhận một số ý kiến tiêu biểu.

   * “Lam Phương và Những Sáng Tác Để Đời”, (vangson.info):

Mới 10 tuổi, Lam Phương giả từ mái tranh nghèo xơ xác nơi miền quê Rạch Giá, tấp tểnh tới Saigon ở nhờ nhà bà Dì vùng Tân Định. Vừa học vừa làm sống qua ngày. Một thời gian sau đưa Mẹ và 5 em lên sống chung trong căn gác tồi tàn khu Đakao lầy lội.

Bắt đầu sáng tác năm 15 tuổi, với nhạc phẩm đầu tay: Chiều Thu Ấy. Hai ba năm sau thêm Kiếp Nghèo, Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Trăng Thanh Bình, Nắng Đẹp Miền Nam, Khúc Ca Ngày Mùa...Các hãng đĩa nhạc đua nhau ký hợp đồng với tác giả để thu âm. Ông để lại gia tài đồ sộ, với chừng 200 bài hát, hầu hết rất được ưa thích.

   * Sách về Lam Phương, “Thoát Nghèo nhờ Kiếp Nghèo”, Nguyễn Thanh Nhã, vnexpress.net, 1.12.19:

“Giữa năm 54, những cơn mưa tầm tã phủ kín phố phường Saigon. Vùng Đakao ngập úng nặng nề. Một buổi xế chiều, Lam Phương phờ phạc đạp xe về xóm trọ. Thấy trên hiên nhà Mẹ đang loay hoay hứng từng chậu nước. Căn gác ọp ẹp hiện ra trước mắt người nhạc sĩ trẻ tuổi như một cảnh sống tối tăm của những phận đời mong manh, trôi nổi. Ngậm ngùi sầu muộn, Ông viết Kiếp Nghèo:

Thương cho số kiếp tha hương thân gầy gò gởi cho gió sương
Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai
Đêm nay giấy trắng tâm tư gởi về người chốn mịt mùng
Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung.

Lam Phương hồi tưởng: Tôi viết Kiếp Nghèo trong tình cảnh thực sự của tôi lúc đó, viết trên những dòng nước mắt. Sau khi bán được bài Trăng Thanh Bình năm 53, tôi mua chiếc xe đạp để đi học. Mỗi chiều, muốn về khu Đakao phải vòng qua đường Phan Thanh Giản cây cối um tùm. Ngang trường Gia Long chẳng có một căn nhà nào. Đêm đó gặp trận mưa to, không chỗ ẩn trú, đành phải đi dưới mưa để về nhà. Quên cả thay quần áo, ôm cây đàn và cứ thế viết bài Kiếp Nghèo, nói về phận bạc của con người. Ông tâm sự chỉ với bài này mà mua được ngôi nhà khang trang cho mẹ với giá 40 lượng vàng.

   * Đôi Điều về “Thành Phố Buồn” – Ca khúc đưa Lam Phương thành triệu phú:

Lam Phương và Hạnh Dung cùng thuộc Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Năm 1970, Nhạc Sĩ thân thương của chúng ta đi công tác trên cao nguyên Dalat. Ngồi ngắm đồi thông vi vu gió lộng, không có Hạnh Dung chung đôi như ngày nào. Trong nỗi ray rứt nhớ người yêu dâng trào, Ông làm nên bài hát mà vừa phát hành một vài hôm là hết sạch. Tái bản nhiều lần vẫn không đủ cung cấp cho lượng người hâm mộ đông đảo. Tên tuổi nổi như cồn. Đâu đâu cũng nghe thoang thoảng “Thành phố buồn nhớ không em, nơi chúng mình tìm phút êm đềm”…Điều không ai ngờ là nhạc sĩ thu về số tiền chưa nhạc sĩ nào có được: 12 triệu đồng, tương đương nửa triệu Mỹ kim.

   * Về Ca khúc “Lầm”:

Ngày 28.4.75, Hạnh Dung năn nỉ Lam Phương cùng đi lánh nạn cộng sản, nhưng ông đành đoạn chối từ.

“Hai hôm sau, chen chân với dòng người hối hả, Ông cùng vợ con vội vã chạy ra khu Khánh Hội tìm đường thoát thân theo tàu Trường Xuân. Bất chấp nhà cửa, tiền bạc gởi ngân hàng hơn 30 triệu chưa kịp lấy ra. Bỏ cả xe hơi trên bến cảng.

Như phần đông đồng bào tị nạn, tới Mỹ bước đầu bỡ ngỡ, chưa thể hội nhập vào cuộc sống mới, Ông phải làm đủ mọi chuyện, toàn là việc bằng chân tay: lau nhà, thợ tiện, thợ mài, tiệm tạp hóa, dọn dẹp, khiêng đồ, chất hàng…Đêm về còn đi đánh đàn mà cũng không dư giả gì. Hai vợ chồng thuê một nhà hàng mở phòng trà ca nhạc để đồng hương có chỗ gặp nhau, cùng giúp Lam Phương và  Túy Hồng đỡ nhớ sân khấu. Công việc này không sinh lợi bao nhiêu mà oái oăm thay, chỉ sau thời gian ngắn, Lam Phương khám phá người bạn đời không còn chung thủy. Ông biết thân phận mình mất hết hấp lực, đâu còn phong lưu giàu sang như hồi ở Saigon một thuở huy hoàng vương giả. Đời sống quá vất vã khó khăn, tâm hồn người vợ cũng dễ bị lung lay.

Cuối cùng là đổ vỡ, xẻ nghé tan đàn.

Với tâm hồn đa sầu đa cảm, Ông chua xót đắng cay sáng tác ca khúc Lầm mà một dạo, khắp hang cùng ngõ hẽm đâu đâu cũng nghe oang oang:

Anh đã lầm đưa em sang đây
Để đêm trường nghe tiếng thở dài
Thà cuộc đời yên trong lòng đất
Được trở về tiếng khóc ban sơ
Hơn là mang kiếp mong chờ…

Anh đã lầm đưa em về đây
Cho tâm hồn tan nát từng ngày
Cùng điệu nhạc lâm ly huyền bí
Dìu lòng người sang chốn đam mê
Đưa anh vào khổ lụy hôm nay…

Lời yêu thương nồng cháy
Của hai mươi năm đầy
Ngày yên vui hạnh phúc
Ước vọng đến tương lai
Đã vùi trong giấc ngủ say
Cơn đau và vũng lầy

Để anh đi, để anh viết, bằng yêu thương, bằng nước mắt, bằng con tim đọa đày, tìm quên trong miệt mài để quên nỗi buồn còn đây…

Con tim nào không hay đổi thay
Cuộc tình nào không lắm hận sầu
Ngọn đèn vàng lung linh hè phố
Điệu nhạc buồn văng vẳng đâu đây
Chỉ thêm làm giá lạnh đêm nay…

Lam Phương than thở: “Trên đời này ai cũng có ít nhất một lần lầm lẫn, người lầm nhỏ, kẻ lầm lớn, nhưng tôi lại không may mắc phải cái lầm rất lớn trong cuộc đời mình”. Chẳng biết có khi nào ông cảm thấy tiếc nuối vì  không chịu nghe lời nài nỉ của Hạnh Dung, người mà về sau kết hôn với ca sĩ Nhật Trường, sống chung được mấy năm.

   *”Lam Phương, Người Nghệ Sĩ của Khăn Tay và Nước Mắt”, Trịnh Thanh Thủy, hungviet.org, 15.1.16:

Lam Phương đã chinh phục được số đông người mến mộ. Nhạc Ông dễ nghe, dễ hát. Ca từ giản dị, dễ hiểu, chân phương, mộc mạc. Thính giả cảm được tiếng lòng thổn thức, nhất là khi họ bị rơi vào hoàn cảnh trùng hợp bài hát. Hầu hết lời ca, chuyện kể trong các nhạc khúc của Ông đều diễn đạt những cách ngăn, hoài cảm, tiếc nuối kỷ niệm xưa của tình yêu đôi lứa, những buổi chia ly, sân ga, bến đò, vẫy biệt, khăn tay và nước mắt.

CÒN MỘT KỲ

Thảo luận

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện