Ngày nay, không hiếm để bắt gặp các bạn trẻ mặc áo da nâu đã đôi chút phai màu, hay những chiếc quần nhung ống rộng của những thập kỷ trước trên đường phố thủ đô Paris hoa lệ. Các dịp bán đồ cũ ngày càng thu hút nhiều người quan tâm. Vì yêu thích phong cách thời trang cổ điển, giá rẻ hay bảo vệ môi trường, sử dụng đồ cũ – Vintage đang trở thành một xu hướng tiêu dùng “thông minh” ở Pháp.
Cuối tuần vừa qua, trước lối vào trung tâm triển lãm Bastille Design Center ở Paris, dòng người nối dài xếp hàng chờ vào xem đồ cũ, được bày bán trong vòng ba ngày tại cửa hàng OhMyFrip – chuyên tổ chức các đợt bán hàng ngắn hạn tại khắp các thành phố của Pháp. Mặc dù đã yêu cầu các khách hàng đặt trước chỗ và lựa chọn khung giờ đến để tránh quá tải, phần lớn mọi người đều phải đứng chờ 15 đến 30 phút. Jonathan, ban tổ chức sự kiện cho biết : “Chỉ còn chưa đầy một giờ nữa là chúng tôi đóng cửa mà số người xếp hàng đợi ở ngoài vẫn rất đông. Đây là điều thường thấy và chúng tôi thường cố gắng chuẩn bị tốt và có đủ đồ để bán, nhưng lần nào chúng tôi cũng bị ngạc nhiên bởi số người đến đây”.
Có người đến để tìm trang phục hóa trang diễn kịch, có người vì tò mò đến xem, một số khác thì là tín đồ của Vintage – chỉ các loại quần áo, phụ kiện hay đồ cũ, đồ đã qua sử dụng nói chung. Jack, người Thuỵ Điển hiện đang sinh sống ở Paris, đã đến đây mua đồ cũ và anh đã tìm thấy một chiếc cà vạt cũ. Jack giải thích :“Bởi vì Vintage thường là những món đồ độc nhất, và tôi không bao giờ biết được sẽ tìm thấy những đồ như thế nào ở những nơi bán đồ cũ. Tôi thấy khá là thú vị khi có thể tìm thấy những thứ mà không ai có. Đối với tôi Vintage là thời trang. ”
Tiêu dùng thân thiện với môi trường
Ngoài lý do muốn có một phong cách riêng, nhiều người chọn đi mua đồ cũ còn là vì lý do môi trường. Một khách quen của các cửa hàng Vintage nhấn mạnh : “Hiện có quá nhiều quần áo được sản xuất trên thế giới và cần phải tái sử dụng, thay vì sản xuất thêm và tiếp tay cho thời trang nhanh – fastfashion”.
Nói đến thời trang nhanh, ngành công nghiệp dệt may tạo ra ít nhất 1, 2 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm. Chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp thời trang đứng thứ ba trong bảng xếp hạng phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất, chỉ đứng sau ngành công nghiệp thực phẩm và xây dựng.
Nếu như trước kia, vào những năm 1990, dùng đồ cũ bị xem như là đi ngược lại với sự hiện đại và thường gắn với hình ảnh nghèo khó của thời hậu chiến, thì nay, tiêu thụ đồ cũ lại được xem như là “mua hàng thông minh”, “thân thiện với môi trường”. Trang L’Obs trích dẫn nhận định của giáo sư ngành khoa học quản lý tại trường Paris-Est Créteil Val-de-Marne, (tác giả của cuốn “la Nouvelle Jeunesse de l’occasion”), cho rằng “giới trẻ ngày nay đã thay đổi cách tiêu dùng. Nếu như cha mẹ của họ theo tư tưởng sở hữu thì giới trẻ lại nghĩ đến logic về cách sử dụng.”
Chưa bao giờ việc sử dụng đồ cũ lại được hưởng ứng đến vậy, nhất là sau đại dịch Covid-19. Phải nói đến sự thành công của ứng dụng Vinted, nơi trao đổi bán đồ cũ cho người dùng mạng. Được thành lập từ năm 2008, cho đến nay Vinted đã có mặt tại 16 nước và 50 triệu thành viên đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó 19 triệu là người Pháp (theo số liệu của tổ chức Paris Good Fashion). Vinted là một trong những ứng dụng thu được lợi từ đại dịch. Trong vòng vài tháng (tháng 01 đến tháng 5/2020),Vinted đã có thêm 1 triệu thành viên.
Lạm phát thúc đẩy tái sử dụng đồ cũ
Ngoài lý do đam mê phong cách thời trang cổ hay môi trường, phần lớn những người đến mua đồ cũ là vì giá rẻ, như nhận định của ban tổ chức sự kiện bán đồ cũ OhMyFrip ở Bastille, Paris. Tại đây, quần áo được bán theo cân (28 euro/kg), hoặc theo chiếc nếu là đồ của các thương hiệu như Levis hay Tommy Hilfiger. Jonathan, quản lý của ban tổ chức cho rằng xu hướng sử dụng đồ cũ có thể được lý giải “một phần là do lạm phát từ hai năm qua, tất cả các sản phẩm tiêu dùng đều tăng giá. Mọi người muốn tìm mua những loại quần áo chất lượng và giá thấp.” Anh cho biết những người đến mua hàng, phần đông là sinh viên.
Tuy nhiên, Vintage không phải chỉ đơn giản là những đồ cũ, rẻ tiền. Tại Hội chợ Vintage (Salon de Vintage) lần thứ 30 ở Paris, diễn ra vào ngày 11-12/02 vừa qua, khoảng hơn 100 gian hàng về thời trang, đồ nội thất, phụ kiện các loại, có niên đại từ những năm 1950 đến 1990 được giới thiệu với công chúng quan tâm đến Vintage ở thủ đô nước Pháp. Những đồ cũ được bày bán ở hội chợ thường là những món đồ hiếm, đến từ các nhà thiết kế nổi tiếng của Pháp hoặc châu Âu, hay từ các thương hiệu như Christian Dior, Hermes hay Chanel.
Theo ông Laurent Journo, đại diện ban tổ chức Hội chợ Vintage, tùy vào những nơi khác nhau trên thế giới mà Vintage được nhìn nhận, đánh giá theo cách khác nhau: “Tại châu Âu, Vintage được xem là các món đồ cổ, các sản phẩm có chất lượng, đã trải qua các thăng trầm lịch sử và không chỉ đơn giản là tái sử dụng đồ cũ”. Đó cũng là hình ảnh mà Hội chợ Vintage mang lại. Từ những món trang sức, túi xách Chanel cũ cho đến các đồ nội thất từ các nhà thiết kế từng lẫy lừng một thời. Giá của chúng có thể từ vài chục euro đến cả chục ngàn euro. Ví dụ như chiếc ghế bành Elda, một sáng tạo của nhà thiết kế người Ý Joe Colombo, có giá 12000 euro. Ông Laurent giải thích rằng “ những sản phẩm tại hội chợ chủ yếu là từ những năm 1950-1970 nhưng chất lượng của chúng vẫn khá tốt và cũng chính vì vậy mà ngày càng hiếm để tìm được những món đồ như vậy. Ví dụ như chiếc ghế Elda của Colombo, đó là phiên bản đầu tiên được tạo ra”.
Hoài niệm về một giai đoạn “không lo lắng”
Hội chợ Vintage thu hút những khách hàng ở nhiều thế hệ khác nhau, đa dạng hơn so với các chợ đồ cũ thông thường. Ban tổ chức cho biết khoảng hơn 10 000 khách đã ghé thăm. Tại hội chợ, trước khu triển lãm những bộ trang phục mà Madonna từng mặc, anh Jol cho biết luôn mơ ước được ngắm nhìn tận mắt những bộ trang phục mà nhà thiết kế người Pháp Jean-Paul Gautier tạo ra từ hơn 30 chục năm trước. Anh Jol có định nghĩa về Vintage của riêng mình : “Vintage là một nghệ thuật sống, là cách để làm sống lại nhiều thứ mà một số người chưa từng biết đến. Ví dụ như tôi, năm nay 20 tuổi, có những thứ mà ngày nay người ta không còn thấy nữa. Vintage là niềm vui, là màu sắc, là một loại năng lượng đã biến mất mà chúng tôi đang cố gắng hồi sinh. Đó là điều mà tôi thấy tuyệt vời ở Vintage. Sử dụng đồ Vintage là một cách để tưởng nhớ đến tất cả những gì đã không còn lưu truyền nữa.”
Khoác trên mình chiếc áo da nâu đỏ, có chút phai màu theo thời gian, bà Cecile cho rằng hội chợ Vintage là dịp để có thể hoài niệm về một thời mà họ đã từng trải qua, một giai đoạn tươi đẹp : “ Hồi đó chúng tôi có ít lo lắng hơn là bây giờ. Đó là những năm tháng mà chúng tôi có thể khám phá những thứ mới mẻ, về âm nhạc, về trang phục, trang trí. Chúng tôi đã thử mọi thứ, dù cho không phải lúc nào cũng có thị hiếu mặc đẹp. Đó là thời mà chúng tôi thấy hạnh phúc và khao khát tự do”.
Kỹ năng chế tạo thời xưa
Không giống như bà Cecile, cô Cathy có mục đích rõ ràng khi đến hội chợ cùng gia đình, đó là để tìm ý tưởng trang trí cho căn nhà mới của mình, với những đồ nội thất mang màu sắc Vintage. Cô cho rằng những đồ nội thất cũ thường có những màu sắc và kiểu dáng lạ và cách chế tạo cũng khác. Ông Stéphane cũng là một người đam mê đồ nội thất cổ, đến xem đồ trong cả hai ngày diễn ra hội chợ. Trong ngày đầu tiên, 11/02, ông đã ra về với một cái tủ nhỏ từ những năm 1960, một bảng điều khiển cũ cũng từ những năm 1960, một chiếc đèn cổ của nhà thiết kế người Ý. Đến hội chợ hôm 12/02, ông đặc biệt chú ý đến một chiếc tủ dài, lần đầu tiên được sản xuất vào những năm 1950, nhưng vẫn đang phân vân vì giá của chiếc tủ lên đến 6000 euro. Ông Stéphane giải thích : “ Tôi sinh ra vào những năm 1970, một số đồ đạc ở đây tôi nhìn thấy đầu tiên, ví dụ các loại đèn hay chiếc tủ từ những năm 1950, tôi thấy rất đẹp nhưng hơi đắt. Nếu như trước kia, chúng tôi có thể là không có điều kiện để mua những món đồ này thì ngày nay, tôi đã đi làm và có thể tặng cho mình những món đồ như vậy. Tại sao lại không sở hữu 1 hoặc 2 món đồ nào đó, nhắc nhớ lại những kỷ niệm của tuổi thơ. Tôi cho rằng, một hội chợ như thế này rất quan trọng, để nhắc mọi người nhớ rằng đã từng có những đồ nội thất như vậy. Tôi nói như thế không có nghĩa là những đồ của hãng Ikea là không tốt. Nhưng đối với những người như tôi, thì những đồ ở hội chợ phản ánh những kỹ năng chế tạo (savoir-faire) mà ngày nay không còn nữa.
Theo tạp chí Forbes, đối với những người sành sỏi về đồ cũ hay các nhà sưu tập thì đồ Vintage không có gì là mới lạ. Tuy nhiên, có một điều khác biệt ngày nay đó là các thương hiệu cũng đang tham gia vào thị trường này. Một loại hình kinh doanh mới xuất hiện, dựa trên xu hướng Vintage : phát hành lại các mẫu cũ hoặc thiết kế những sản phẩm mới lấy cảm hứng từ phong cách cổ điển. Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group, thị trường hàng xa xỉ đã qua sử dụng ngày càng phát triển và có thể đạt 1.300 tỷ euro vào năm 2025, sẽ chiếm 8% thị trường xa xỉ toàn cầu.
(Nguồn : rfi.fr/vi)
Thảo luận
Không có bình luận