//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Những Truyên Ngắn Hay Nhất, Truyện ngắn

Cổ tích ngày xuân * Vũ Hạnh

Trích từ tuyển tập “Những chuyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta,“ do Nguyễn Đông Ngạc biên soạn. Sóng xuất bản năm 1973.

(Ảnh : Mai Lĩnh)

Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng sinh ngày 15.1.1926 tại Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam. Học ở quê nhà (Thăng Bình) rồi ở Đà Nẵng, và Huế. Sống trong vùng kháng chiến liên khu Năm cho đến Hiệp định Genève. Đấu tranh đòi hiệp thương hai miền Nam Bắc năm 1955, bị chính quyền Diệm bắt giam; cuối 1956 được tự do, vào Saigon viết báo và dạy học, cộng tác với Bách Khoa, Mai, Văn… Năm 1961 chính quyền Diệm bắt lại nhưng nhờ báo chí can thiệp nên sớm được tự do.

Năm 1967 đã tham gia Lực Lượng Bảo Vệ Văn Hóa Dân Tộc.

Đã viết: Vượt Thác, Mùa Xuân Trên Đỉnh Non Cao, Lửa Rừng, Đọc Lại Truyện Kiều

QUAN NIỆM VỀ TRUYỆN NGẮN

Thu gọn một cảnh sống, một cuộc đời và cố gắng trình bày những nét đậm đà nhất, tiêu biểu nhất hầu góp phần xây dựng xã hội theo chiều hướng mà mình cho là hợp lý, tiến bộ. Sự trình bày ấy có thể là tố cáo, là khích lệ, là phê phán, là tán thường… Nó cũng đóng một chủ đích như truyện dài, nhưng chỉ khác ở chỗ nó ngắn, và vì ngắn vấn đề phải khiêm tốn hơn, đơn giản hơn.

Về Truyện Ngắn “CỔ TÍCH NGÀY XUÂN

Nội dung câu truyện Cổ Tích Ngày Xuân thật quá rõ, nói dài dòng sợ bất kính với bạn đọc. Đó là mâu thuẫn giữa chính và tà, thiện và ác. Đó là đối lập giữa văn hóa thoái bộ, hưởng thụ vị kỷ, nhằm tạo những hạng mọt sách chỉ biết có mình mà không quan tâm gì đến đồng bào, đồng loại, sớm thành một mối tai họa cho dân chúng; và văn hóa nhân bản, một thứ nhân bản đích thực, cụ thể, bắt nguồn từ sự cảm thông với đông đảo kẻ khốn khổ và đồng hóa với những giá trị lớn lao, cao đẹp một cách hồn nhiên qua chiến đấu và thử thách.

Cổ Tích Ngày Xuân

Mai Trầm là một kẽ sĩ ở mạn Hoài Dương, người không cao, chí lại thấp, thường lấy cái lỗ đồng tiền làm thứ mắt kiếng ngắm nhìn thiên hạ. Trải bao nhiêu năm đèn sách, gã chỉ mong chiếm bảng vàng đặng làm một con chuột lớn đục khoét túi tiền của dân cho thỏa giấc mộng cao sang.

Mỗi ngày, ôm sách đến trường ở cách xa nhà độ hai ngọn núi, Mai Trầm thường dừng bước lại trên đèo Chân Cửu, cúi nhặt một viên đá nhỏ ném vào trong một hốc núi tục gọi là hang Huyệt Động và tự nhủ rằng: “Chừng nào hang đá lấp đầy thì ta cũng sẽ công thành danh toại”. Hăng hái trong khát vọng ấy, Mai Trầm chúi mũi chúi lái mà học, không biết đất trời gì nữa.

Thầy dạy, một hôm, gọi Mai Trầm lên và bảo:

– Ta thấy con rất có chí, biết điều cầu học. Nhưng nên soát xét lại thái độ học của mình.

Vòng tay cung kính, Mai Trầm thưa lên:

– Dám mong sư phụ chỉ giáo, chẳng hay con có điều gì phải nên sửa đổi?

Thầy dạy bảo rằng:

– Có hai điều đáng quan tâm: Một là con chỉ chuyên nhìn vào sách mà không chịu nhìn vào đời. Con người phải sống với đời chứ không thể nào nằm ngồi ở trong sách mãi. Sách chỉ là một phương tiện để đi vào trong cuộc sống đó thôi, cắm cúi vào trong sách vở mà không biết đến bên ngoài, liệu khi rời sách bước chân vào đời thì khác nào kẻ mù lòa nói chuyện trăng sao? Bởi lẽ sách vẫn ở nguyên một chỗ mà cuộc đời thì biến hóa phi thường.

Thầy dạy ngừng lại để xem phản ứng trên mặt người học trò giỏi, rồi tiếp:

– Hai là trong khi học tập con không nhìn thấy bạn mình. Không ai có thể tiến bộ thật sự nếu chỉ lo học riêng lấy cho mình. Con ngồi giữa đám bạn bè mà chỉ biết mỗi phần con, lấy họ làm cái khung tốt cho mình nổi bật thì sao cho hợp đạo học? Cái gì mà con cướp đoạt của đời thì đời sẽ cướp đoạt lại. Sự cướp đoạt lại có thể ở trong hiện tại, có thể ở trong tương lai, nếu không kiếp này thì trong kiếp khác.

Mai Trầm vâng dạ nhưng vẫn không chịu thay đổi lối học của mình. Đến mùa thi cử, Mai Trầm hăm hở đi thi. Con đường từ nhà dẫn đến kinh kỳ khá xa, phải tính ít nhất hai tuần băng qua nhiều thác, nhiều ghềnh. Họ Mai rủ một người bạn đồng môn, quê ở làng bên, tên là Vương Bái, khăn gói lên đường.

Khi qua gần lỗ Huyệt Động, Mai Trầm chợt nhớ đến lời khấn vái hàng ngày của mình là bao giờ đá lấp đầy thi mình thành đạt, cúi nhìn thấy huyệt vẫn còn khá sâu, bèn bảo Vương Bái:

– Bây giờ thì anh đi trước đi, tôi lấp cái huyệt này cho đúng với lời tôi đã khấn nguyện ngày xưa.

Người bạn họ Vương đáp lời:

– Chúng ta đồng hành mà lại kẻ trước người sau thì coi sao được? Anh cứ lấp đi, tôi góp sức với.

Mai Trầm liền nói:

– Phải rồi, anh lấp với tôi một tay cho chóng. Mình hứa với mình chứ có hứa với ai đâu!

Hai người hì hục suốt một hồi lâu thì hốc lấp đầy. Đến lúc xuống suối rửa tay, Mai Trầm rửa mãi không sạch nước cứ đục lầy loang rộng ra trên mặt suối. Mai Trầm giận lắm, hậm hực:

– Cái đất vùng này sao mà dơ bẩn đến thế?

Quay sang Vương Bái, thấy gã rửa xong ngồi trên tảng đá, Mai Trầm liền hỏi:

– Sao mà chỏng vậy? Chắc là anh quen ở bẩn quá thôi.

Vương Bái lấy làm ngạc nhiên, bảo rằng:

– Tay tôi đã sạch lắm rồi, sao còn phải rửa?

Mai Trầm lại đưa tay mình lên coi thấy còn lấm láp, lại xuống vũng suối kỳ cọ. Cuối cùng đôi bàn tay Mai vẫn không chịu sạch. Không được hài lòng, Mai vội lau tay rồi cùng khăn gói lên đường.

Đến một tòa miếu rất xưa hai người cùng ghé vào nghỉ. Nhân có tấm bia khá cổ, rêu phong, Vương Bái cúi đọc. Mai Trầm cũng ghé lại xem nhưng không biết được là gì. Mai hỏi:

– Chữ gì mà kỳ cục vậy?

Vương Bái đáp lời:

– Đây là một lối cổ tự có từ sáu bảy trăm năm về trước, gọi là chữ Triện Đại Trang, bây giờ ít ai dùng nữa.

Mai không muốn nhận mình dốt, bảo rằng:

– Tôi có học qua chữ ấy đã lâu nhưng quên nhiều rồi. Thế anh có đọc được không?

Vương Bái đáp lại:

– Đọc hết không được nhưng vẫn hiểu rõ đại khái.

Mai Trầm ra vẻ lưỡng lự rồi hỏi:

– Vậy bia nói gì?

– Ghi lại công đức một người ăn mày.

– Ăn mày mà cũng có công đức sao?

– Sao lại không thể có được? Người này tên là Mã Ngữ bấy giờ sống ở Thủy Lăng, gặp mùa lụt lội nước lên tràn ngập xóm làng đến phải bỏ xứ mà đi. Tiếp đến lại bị giặc cướp quấy phá không sao sống nổi, lâm vòng bệnh hoạn phải đi cầu thực tha phương. Đến tại miền này Mã Ngữ chọn ngôi cổ miếu làm nơi trú ngụ, ăn xin quanh vùng. Bấy giờ giặc ngoài kéo đến rất đông, án ngữ cả vùng Tây Bắc, giết hại vô số sinh linh. Đại tướng Ninh Sơn cầm quân tiến đánh, đẩy chúng ra được năm mươi dặm ngoài, nhưng sau quân giặc viện binh tiến đến khá đông lập mưu gài bẫy bắt được hùng tướng Ninh Sơn trói chặt dẫn về. Qua ngôi miếu này vừa trưa, trời rất oi bức, quân giặc dừng lại nơi đây, viên tướng của giặc là Trầm Phi Bá vào trong miếu cổ nghỉ trưa. Lúc ấy, Mã Ngữ đang nằm trong miếu, nghe động, vội dòm ra ngoài thấy thế không dám chạy đi, vội chui vào trong bệ gạch ở nơi chính điện. Đến trưa, Mã Ngữ nghe có tiếng ngáy như sấm làm cho các khung cửa gỗ mong manh rung động, thò đầu ra xem thì thấy tướng giặc nằm ngay trên điện mà ngủ. Liếc nhìn chung quanh không thấy có ai thấp thoáng, mấy tên lính gác đang ngồi ngủ gà, ngủ gật ngoài sân, lập tức họ Mã bò ra, men gần lại bệ, rón rén nắm thanh bảo kiếm tên giặc đặt bên cạnh mình, chém mạnh giữa cổ khiến nó chết ngay không kịp kêu lên một tiếng. Đoạn Mã cởi hết giáp phục mặc vào người mình, đun xác giặc xuống dưới bệ rồi leo lên trên nằm vào chỗ nó. Xế trưa lính gác ngoài sân nhìn thẳng vào trong thấy tướng còn ngủ không đánh thức, đành chịu bồn chồn chờ đợi. Mãi đến khi trời sụp tối Mã mới ngồi dậy, làm bộ mệt nhọc bước ra, rồi tiến đến chỗ Ninh Sơn, làm vẻ hung hăng, xua tay ra dấu bảo lính dạt xa hai bên và vung lưỡi kiếm như muốn chém đầu Nhưng Mã hạ kiếm chặt đứt các vòng dây trói, bảo nhỏ:

– Ngài trốn mau lên. Tôi đã giết tên tướng giặc ấy rồi.

Ninh Sơn tiếp lấy thanh kiếm, quay lại chém chết những tên đứng gần rồi kéo Mã Ngữ xông xáo giữa đám giặc cướp, mở một đường máu. Quân giặc canh giữ chung quanh ùn ùn kéo đến khá đông phóng dao bủa tên nhưng nhờ trời tối và tài võ nghệ của tướng Ninh Sơn nên cả hai người chạy thoát. Ra khỏi núi được một dặm, Mã Ngữ không đi được nữa vì kiệt sức rồi. Mã nói:

– Tôi đã bị tên từ sớm nơi lưng nhưng không dám nói, sợ Ninh tướng quân vì tôi mà dừng bước lại.

Ninh Sơn đặt Mã ngồi xuống, rút mũi tên ở lưng ra thì Mã ngã lăn trên đất. Bèn hỏi:

– Ngài là ai đây mà giết được loài giặc dữ cứu tôi trong lúc khốn nguy?

Mã Ngữ mệt nhọc đáp lại:

– Tôi chỉ là tên ăn mày ngụ trong cổ miếu đó thôi. Không có chí khí, không có bản lĩnh, nhưng cảm cái lòng oai hùng xưa nay của ngài vì dân khử bạo, lại căm cho loài cướp nước dã man nên thừa cơ hội mà giết được giặc.

Kể lại sự việc vừa qua, Mã gắng gượng tiếp:

– Bây giờ thế là toại nguyện, vì cả cuộc đời ăn mày tủi nhục đã có dịp tốt dựa nhờ thế mạnh tướng quân mà bớt xấu hổ. Nay có chết đi cũng chẳng hối tiếc.

Đại tướng Ninh Sơn cúi xuống lấy miệng hút máu thấm độc ở nơi vết thương của Mã, quỳ lạy rồi nói:

– Con người có những lúc bĩ không ai tránh được nghèo khốn nhưng cái tinh thần vị nghĩa, bất khuất vẫn còn, là còn sáng tỏ như sao trên trời. Hình hài của ngài là kẻ ăn xin, nhưng tâm hồn ngài là đấng trượng phu cao trọng hơn trăm ngàn lần những bọn mũ cao áo dài quỳ gối khom lưng trước lũ giặc quỷ để mong kiếm chút bỗng lộc cao sang. Tôi với ngài đây cùng gặp gỡ nhau ở trên tinh thần cứu nước, nhưng tôi xin cảm tạ ngài là bậc ân nhân.

Mã Ngữ gắng gượng đáp lại:

– Tôi biết mình không còn sống được nữa. Xin chúc tướng quân còn đủ sức khỏe giết loài ác tặc cứu dân.

Ninh Sơn khóc ròng, vội hỏi:

– Ngài còn dặn bảo điều gì nữa không?

Mã phều phào nói:

– Ước nguyện cho mọi con người đừng ai khốn khổ, đói nghèo, điêu linh vì giặc giã nữa. Xin cho gửi xác gần tòa cổ miếu, vì đó là nơi nương náu nhiều ngày…

Nói xong, tắt thở. Ninh Sơn vuốt mắt cho Mã Ngữ xong, cởi chiếc áo ngoài gói xác họ Mã rồi đào một huyệt mà chôn lấp lại, hì hục trong đêm bỏ đá mấy đống làm dấu mộ phần. Sau đó, Ninh Sơn đuổi sạch kẻ thù, thống nhất cõi bờ, truyền đem mộ người ăn mày dời đến cổ miếu, dựng một bia lớn ghi rõ công đức và phong là Vương.

Mai Trầm nghe xong có ý không được bằng lòng.

Gã nói:

– Thờ phụng cả bọn ăn mày là điều quá đáng.

Vương Bái trả lời:

– Đâu có thờ phụng ăn mày? Thờ người cứu nước là Mã Ngữ đó.

Mai bỗng hỏi lại:

– Thế anh học cổ tự này ở đâu?

Vương đáp:

– Nhà tôi vốn nghèo, đâu có cách gì học hỏi cho nhiều. Tôi tự tìm học trong các sách xưa rồi quen lê la tìm đọc trong các bia cổ. Nhưng biết thì ít mà hiểu thì nhiều là nhờ mình đọc ở ngoài các chữ.

– Làm sao mà đọc ở ngoài chữ được?

– Phàm các câu nói, câu văn đều có một số các tiếng chính yếu như là bộ óc, thấy được cái óc đủ rõ con người, không cần phải biết chân tay. Hơn nữa, đó cũng là thói quen thôi.

Nghĩ rằng Vương Bái giấu cái sở học với mình nên Mai tỏ ý không vui. Rồi họ tiếp tục lên đường về kinh ứng thí.

Qua đến Liêu Nam thì trời tuôn mưa xối xả suốt ba ngày liền, cả hai trú ngụ trong một ngôi chùa. Đến ngày thứ ba nước sông cuồn cuộn dâng lên tràn ngập. Đứng trên chùa cao nhìn xuống thấy những làng mạc bập bềnh trong nước, vị sư trưởng rất băn khoăn hội cùng tăng ni trong chùa đắn cây, phá các tường gỗ đóng bè cứu lụt. Vương Bái hăng hái phụ lực cùng với mọi người xông ra cứu giúp dân làng.

Mai cứ ngồi lì trong phòng đọc sách, bảo vời họ Vương:

– Lụt cả trời đất mà riêng chúng ta cứu đỡ phỏng được mấy người? Hơn nữa, bỏ công mười năm đèn sách mà chết đuối trong mưa bảo thì uổng phí quá.

Vương bèn đáp lại:

– Học cốt giúp người, nay thấy nỗi nguy kẻ khác mà ngồi yên sao?

Mai không đáp lại, chúi đầu vào sách. Càng ngày nước lụt càng cao, nạn nhân càng nhiều, mọi người quanh vùng sống sót đều tập trung lại nơi chùa là chỗ cao nhất để lo việc cứu trợ. Một hôm, có một nông phu là Hàn Kỳ Lực vừa vớt xác chết trở về đi qua phòng Mai Trầm ở, thấy Mai tay cầm quyển sách liền nhảy xô vào quát lớn:

— Khốn nạn! Nhà ngươi là ai mà lúc này còn điềm nhiên tọa thị ngồi đó nhai văn nhả chữ, mặc cho mọi người chết chóc, lo âu ?

Rồi giằng quyền sách ném ra ngoài cửa, túm lấy đầu tóc Mai Trầm kéo ngược hẳn lên, nói rằng: Mày có thấy nước ở ngoài kia không?

– Có… thấy.

– Thế sao mày cứ ngồi im trong phòng đề cho mọi người lo lắng mà không đóng góp phần nào? Cái loại như mày ngày sau thi đỗ làm quan lại càng chết bọn dân đen này thôi.

Nói xong Kỳ Lực những toan hành hung, nhưng vị sư trưởng nghe động, chạy đến bảo rằng:

– Thôi chớ gây điều huyên náo trong lúc mọi người đều phải bận tâm, bận trí vào việc cứu nạn. Việc người đều phải bận tâm, bận trí vào việc cứu nạn. Việc thiện phải được xuất phát từ lòng, bắt buộc làm gì ? Kẻ nào đã không muốn thấy, đã chẳng muốn làm, thì nên khuyên nhủ hơn là ép uổng.

Rồi gỡ tay Hàn Kỳ Lực, kéo gã ra ngoài.

Mai Trầm sau cơn hoảng sợ, lấy làm giận lắm, tự bảo:

– Ta nhớ mày rồi, sẽ có lúc gặp.

Ở trong thâm ý, họ Mai quyết tâm thi đỗ, làm quan, xin về trấn nhậm vùng này trị bọn lỗ mãng với mình một phen.

Nhưng sau hôm đó Mai Trầm cảm thấy không có cách gì ngồi yên mà học, nên gắng gượng theo Vương Bái cứu giúp nạn nhân bão lụt. Khi cả hai người chèo chiếc bè đến một ngôi nhà chìm ngập trong nước, thình lình bỗng nghe có tiếng kêu rên thê thảm. Họ Vương vội vàng lái bè cập đến rồi cả hai cùng leo lên trên nóc, sờ soạng tìm đến chỗ phát ra những tiếng kêu.

Họ thấy một người cao tuổi nằm trên mái ngói, nhợt nhạt, thoi thóp, tay vẫn còn cầm chặt lấy một gói khá nặng. Họ Vương vừa chạm đến người, kẻ kia đã kêu rủ lên, ôm sát gói đồ vào ngực, ngón tay run rẩy, co quắp, bấu chặt lại như móng vuốt của loài thú dữ.

Gã kia thều thào:

– Trời ơi! đừng ai động đến tôi hết.

Rồi lại rên rỉ hết sức thảm thiết như muốn kêu cứu. Họ Vương liền bảo với Mai:

– Đây là một gã trọc phú trong cơn lụt lội lo giữ lấy vàng để mặc vợ con cuốn theo dòng nước. Rồi đem vàng lên chỗ kín đáo nhất mà nằm, chờ cho nước rút, nhưng đã kiệt sức quá rồi.

Mai Trầm nói rằng:

– Vậy kệ xác nó.

Vương bảo:

– Trong khi cứu nạn thế này, khó lòng phân biệt kẻ ác người thiện. Chúng ta chỉ biết đó là mạng người mà thôi. Dầu sao cũng phải đem gã ra khỏi nơi này.

Nói xong, giục Mai áp lại khiêng người kia ra nơi bè. Người ấy kêu la hốt hoảng như ai cắt cổ, tay vẫn không ngừng ôm chặt gói vàng trên ngực. Gã kêu:

– Không đi đâu hết! Không đi đâu hết!

Vương cúi xuống bảo:

– Chúng tôi cứu ông, đừng sợ. Không ai chiếm lấy của cải ông đâu.

Gã kia quẫy mạnh, hé mắt nhìn ra, lại kêu:

– Trời ơi!

Và đạp cặp chân gầy nheo vào cả hai người như muốn đẩy họ xuống nước. Mai nói:

– Cho nó chết đi rồi đem vàng kia về cứu các nạn nhân khác, thế là thượng sách.

Vương đáp:

– Bổn phận của ta là đi cứu người chứ không có quyền phán xử.

Rồi tìm mọi cách đem gã kia lên trên bè.

Chèo được một quãng thì gặp gió ngược, bè không đi mau cứ lơ lửng mãi giữa vời. Trời dần dần tối, gió càng thổi lạnh. Người kia chịu không nổi được, rên rỉ một hồi rồi tắt lịm dần. Vương Bái vuốt mắt cho gã rồi xé vạt áp đắp lên mặt. Nhưng được một lát, bỗng thấy xác gã ngồi nhổm hẳn lên đưa tay quờ quạng, rồi chừng như không chịu nổi một sự tuyệt vọng lớn lao gã nhoài người ra khỏi bè, lăn mình xuống nước tối đen như là vực sâu thăm thẳm.

Mai Trầm quá sức ngạc nhiên hỏi rằng:

– Sao gã đã chết, còn ngồi dậy được?

Vương Bái đáp lời:

– Có lẽ thần xác của gã nhiều năm quá tha thiết với bạc vàng nên khi đã chết còn thiết tha chăng?

Thốt nhiên, gió nổi rất lớn rồi mưa tuôn xuống thêm nhiều. Trong đêm mù mịt, hai người ngồi sát gần nhau trên bè mà vẫn không thấy mặt nhau. Chiếc bè mỗi lúc càng chòng chành hơn, Vương liền bảo Mai:

– Cố giữ gói vàng đem về cho vị sư trưởng cứu giúp nạn nhân.

Rồi bèn nỗ lực chèo chống, để mong ngược gió về chùa. Nhưng gió quá mạnh đẩy bè trôi phăng về phía Tây Nam. Phần đã gắng sức quá nhiều trong mấy ngày qua, phần bị đói lạnh trong đêm nên đến nửa khuya thì Vương cảm sốt, nằm gục mê man trên bè, không biết đất trời gì nữa.

Mai Trầm lo giữ gói vàng, không chèo chống được, cứ mặc cho bè trôi đi. Đến khi sờ vào trán của Vương Bái thấy nóng mê man, Mai tự nhủ rằng: “Cách này chắc gã không sao sống nổi. Nếu ta đưa gã về chùa mà gã sống được thì phải nuôi dưỡng mất cả tháng trời chưa chắc khỏi bệnh”.

Đoạn xô Vương Bái xuống nước, rồi cầm sào đẩy bè tới, sau khi đã cột chặt gói vàng vào cổ mình.

Bấy giờ trời đã lặng gió, Mai Trầm chèo cho tới sáng thì đến một thị trấn lớn. Ở đấy khá cao, nước chỉ tràn vào tới thềm nên mọi người vẫn đi lại mua bán như thường. Mai Trầm tìm một nhà trọ, thuê một gian phòng lịch sự rồi đóng chặt cửa, ngồi đếm số vàng. Đây là lần đầu họ Mai thấy vàng quá nhiều như vậy nên hoa cả mắt, tay cứ run lên không sao đếm được. Giờ lâu, gã mới định tâm và đếm được một trăm nén. Tuy vậy, vẫn cứ ngại mình lầm lẫn nên phải đếm đi đếm lại đến mấy mươi lần. Xong, gã tìm vào hiệu kim hoàn đổi bớt một nén, lấy tiền vào quán ăn uống no nê rồi sắm sửa các vật dụng lên đường.

Họ Mai thuê một chiếc ghe khá lớn, đi theo đường biển mà đến kinh kỳ. Trên ghe, suốt ngày Mai được ăn nằm thong thả nên thấy vui vẻ cực độ.

Một hôm, đến thành Giang Biên thì gặp trời tối, ghé đậu nơi bến. Cơm nước xong xuôi, Mai ra ngồi trước mũi thuyền ngắm cảnh đèn sáng và người đi lại nhộn nhịp trước mắt. Bỗng nghe có một tiếng hát rất là não nùng bên cạnh. Nhìn qua, thấy một thiếp phụ khá đẹp đang hát trong một khoang thuyền. Chung quanh, người nghe thỉnh thoảng ném tiền tán thường. Tiếng hát vẳng lên:

Vượt trăm nghìn ngục nhân gian
Tìm sao cho gặp mặt chàng thì thôi
Con thơ như ngọc tan rồi
Mẹ cha khuất bóng, còn đôi lứa mình
Đưa tay vuốt tóc còn xanh
Bạc đầu riêng vẫn để dành cho ai…

Mai Trầm gọi người lái thuyền, và bảo:

– Gọi người ca nữ ấy đến cho ta. Bảo ở luôn đây đêm nay.

Người kia trả lời:

– Ca nữ ấy là Chung Từ Ly phiêu bạt tìm chồng bị quan bắt giam giữ trong ngục tối lâu ngày rồi đày ải đến chốn xa. Nàng không bao giờ tiếp khách.

Mai Trầm có vẻ khó chịu, nói rằng:

– Phàm gái xướng ca đều phải sống thêm nghề ấy cả, sao không chịu tiếp? Bảo nó đòi trả bao nhiêu, ta cũng chịu trả.

Lái thuyền đợi Chung Từ Ly hát xong đám ấy, đón mời sang thuyền. Mai Trầm vừa gặp mặt nàng vội nói:

– Ta tuy hơi lùn nhưng tài năng ta cao hơn thiên hạ, điều đó không nói ắt nàng cũng hiểu. Nguyên ta nghe nói chồng nàng bị bắt, thật là cảnh ngộ đáng thương. Hãy lấy mảnh giấy ghi rõ lý lịch, rồi nay mai đây thi đỗ ta sẽ tìm cách cứu xét cho nàng.

Từ Ly vội vàng lấy giấy trần tình, rồi trao cho Mai. Mai nói:

– Ta nghe nàng hát ban nãy nhiều rồi. Bây giờ ta mời nàng qua để mà trả tiền.

Từ Ly tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi lại:

– Thưa ngài, những người ở trong đám ấy trả cho tôi rồi, ngài ở ngoại cuộc, không phải tính tiền.

Mai Trầm bèn đáp:

– Phàm nghe giọng hát thì phải nghe xa là hay. Ngồi gần, người hát chiếm hết giọng hát. Ta trả cho nàng gấp ba lần tiền của bọn lúc nãy.

Từ Ly trả lời:

– Thưa ngài, tôi không dám nhận.

Mai Trầm mỉm cười:

– Gái hát chê tiền, quả cũng là điều rất lạ. Xưa nay, ta đọc trong sách, thấy lớp như nàng đều sống vì tiền cả mà.

Từ Ly nghiêm sắc mặt lại, trả lời:

– Xin ngài đừng đem sách vở ra mà xúc phạm cuộc đời. Cho phép tôi lui.

Mai Trầm gượng nói:

– Thôi đừng giận dữ. Chẳng qua ta nói thử lòng đó thôi. Nào hãy ngồi xuống đi nào.

Người đàn bà vẫn đứng yên.

Mai Trầm nói tiếp:

– Con đường ta đi còn xa, muốn có một người đàn bà bên mình. Vậy nàng theo ta có được hay chăng?

Từ Ly đáp lại:

– Ngài đi về đâu?

– Về kinh.

Sau một phút giây suy nghĩ, Từ Ly trả lời:

– Xin vâng. Tôi mong được theo về đó kêu oan cho chồng.

Mai Trầm nghĩ bụng: “Bọn này chỉ khéo làm bộ. Mới gặp thì lại khoác vẻ đạo đức, nhưng chính đó là kiểu cách đòi giá cao thôi.”

Rồi bảo lái thuyền dọn riêng một khoang cho Từ Ly nằm.

Từ Ly yên lặng đến nơi dành riêng cho mình.

Nửa đêm, đang nằm thao thức, nàng thấy Mai Trầm tắt đèn tiến tới bên nàng.

Lập tức, Từ Ly ngồi dậy, cầm lấy chiếc đàn.

Mai Trầm đưa một bàn tay lên che miệng nàng. Nhưng nàng gạt phắt tay gã, toan kêu to lên thì gã vội bảo:

– Đừng kêu. Ta sẽ cho nàng nguyên một nén vàng.

Từ Ly trả lời:

– Nén vàng của ngài không xóa sạch được ô nhục.

Mai Trầm liền bảo:

– Đêm tối không ai hay biết, làm sao mà ô nhục được?

Người đàn bà đáp:

– Ô nhục đối với chính mình, hà tắt phải đợi kẻ ngoài biết đến. Xin ngài lùi lại, không thì tôi sẽ kêu lớn.

Mai Trầm gắng gượng nói tiếp:

– Hai nén vàng ròng, có bằng lòng chăng?

Từ Ly cả giận, trả lời:

– Đem cả núi vàng cho ta, ta cũng không thèm. Đừng có nhiều lời, vô ích.

Mai Trầm bèn nói:

– Thân ngươi giá đáng bao nhiêu mà nói những lời khinh mạn. Nay mai ta đỗ đạt rồi, những hạng như nàng không đáng cho ta chọn làm tì thiếp một đêm, có gì mà cao giá vậy?

Nói xong, hậm hực lui về chỗ nằm nhưng cứ trằn trọc không sao ngủ được.

Sáng dậy gã bảo Từ Ly:

– Ta chọn một người đàn bà để theo ta trên đường xa mà nàng thì vô dụng quá.

Từ Ly trả lời:

– Tưởng ngài kiếm người sửa sang cơm nước cho nên tôi mới chịu lời. Nay không ưng chịu, xin trả tôi về chỗ cũ.

Bấy giờ thuyền đã đi xa biết là mấy dặm sông hồ? Mai Trầm hằn học:

– Ta đã bị ngươi lường gạt.

Người đàn bà nói:

– Kẻ lường gạt người, chính là ngài đó.

– Con tiện tì này vô lễ!

Từ Ly không khuất, đáp lại:

– Đê tiện hay là cao sang chỉ đo được bằng nhân cách mà thôi. Những kẻ khinh mạn đàn bà không phải con của giống người.

Mai Trầm trợn mắt:

– Hừ, to gan quá lắm. Sao ngươi dám bảo không phải con của giống người?

– Vì chúng đâu biết có mẹ. Mẹ chúng chẳng là đàn bà hay sao?

Mai Trầm tức lắm, tưởng có thể xách Từ Ly mà ném xuống bể.

Đến chiều hôm đó, thuyền ghé lại miền Nghi Đảo là nơi hoang vắng. Gã bảo người đàn bà lên mua ít đồ nhắm để tối uống rượu. Khi Chung Từ Ly lên bờ đi được một quãng, gã bảo lái thuyền nhổ neo mà chạy. Lái thuyền hỏi lại:

– Còn người đàn bà?

Mai đáp:

– Cho nó ở lại. Chẳng dùng được việc gì cả.

Lái thuyền không chịu:

– Ở đây là chốn hoang vu, sao nỡ bỏ người ta lại?

– Nhà ngươi chớ có bận tâm vô ích. Cứ cho thuyền đi, ta sẽ trả gấp rưỡi số tiền đò.

Chủ thuyền ham lợi, giong buồm, nhổ neo đi thẳng.

Ra đến kinh kỳ, chỉ còn ba ngày đã tới khoa thi, sĩ tử bốn phương kéo đến ồn ào tấp nập, quang cảnh thật là náo nhiệt khác thường. Trong thời bấy giờ có Lưu Hào Vĩ là viên chủ khảo hết sức tham lam, lén cắp đề thi đem bán cho những con nhà vọng tộc để kiếm vàng ngọc. Cứ mỗi đề thi được đánh đổi bằng số nén vàng ròng và kẻ mua bán gặp nhau trong một hầm đá khá rộng sau dinh thừa tướng họ Võ, vốn là cậu ruột của Lưu.

Giá bán quá cao nên bọn con quan lười biếng học hành rủ nhau chung vốn mua các đề ấy. Đồng thời đôi người thấy đó là dịp tốt để làm ăn nên quyết mua đề đem ra khai thác làm giàu.

Một người bạn thi ở gần phòng trọ của Mai, tên là Lý Can, thấy Mai ăn tiêu sang trọng biết là gã có tiền nhiều, bén mớm cái ý mua đề trục lợi. Mai Trầm mừng lắm hẹn với Lý Can vào một buổi tối cùng đi tới hầm đá ấy.

Đến nơi, cả hai thấy một người rất đạo mạo, ra vẻ là tay phương diện quốc gia đang ngồi chính giữa, hai bên có hai thuộc viên uy nghi, ngồi ở hai bên.

Mai Trầm bèn hỏi:

– Xin cho biết giá nhất định mỗi đề là bao nhiêu tiền?

Thuộc viên bên hữu trịnh trọng đáp rằng:

– Ở đây là một tổ chức nhân đạo giúp đỡ cho những kẻ sĩ suốt năm không có thì giờ học hành, nên không có một lề lối mua bán như bọn gian thương.

Người ngồi ở giữa gật đầu, nói tiếp:

– Chính thế. Chúng ta phải làm việc thiện để mà cứu đời.

Người ngồi bên cạnh phụ họa:

– Vi vậy, không thì nêu ra giá cả bây giờ. Văn chương lại vốn là một thứ đồ vô giá. Một khi đỗ đạt, các người có đủ phương tiện làm ăn, tiền của lương dân sinh sinh, hóa hóa hết sức nhiệm mầu, khai thác bao nhiêu cũng được. Do đó các người phải cho biết trước sẵn có bao nhiêu tiền bạc ta mới tùy liệu mà đòi giá cả phải chăng.

Mai Trầm bèn đáp:

– Tôi chỉ có ba nén vàng.

Lập tức, người kia hầm hầm quát lớn:

– Đồ khốn, lui ra! Chỉ có ba nén mà cũng tính chuyện đỗ đạt là nghĩa làm sao?

– Thực tình tôi có năm nén nhưng còn phải để chi dụng vì con đường về rất xa.

Người kia lộ vẻ suy nghĩ rồi hỏi vị ngồi ở giữa;

– Ý của Thượng Quan thế nào?

Vị này phán rằng:

– Nếu xem nó quả là học trò nghèo thì nên giúp đở để mua phúc đức về sau. Bán rẻ cho nó nửa đề cũng được.

Mai Trầm kêu lên:

– Nửa đề thi làm sao hiểu mà thi cho đặng?

Vị đại quan nói:

– Tiền nào của nấy là lẽ thường tình xưa nay. Nếu muốn hiểu đủ thì cứ trả gấp đôi số vàng. Bây giờ chịu vậy thì ta trao cho, song điều quan trọng ngươi phải là học trò nghèo mới được. Chúng ta chỉ thương những kẻ khốn cùng, vì đây là triều đại của dân nghèo.

Mai Trầm nói:

– Tôi quả là thứ dân nghèo chính hiệu, nghèo trên ba đời.

Vị đại quan truyền:

– Khám nghiệm ngay xem để biết thực giả ra sao!

Hai người bên cạnh áp đến lôi Mai Trầm lại trước đèn, lật bàn chân gã ra xem. Cả hai làm bộ quan sát thật kỹ, nháy nhỏ với nhau, rồi nói:

– Đích thực là học trò nghèo. Thôi lấy nó sáu nén vậy.

Mai Trầm lôi ra sáu nén, đặt ở trên bàn cho đại quan xem lại. Vị đại quan nói: Hãy chặn tên này xét lại chu đáo, chắc nó còn vàng trong người. Hai kẻ thuộc hạ lại xông đến lôi Mai Trầm, đè xuống, lọc lọi một hồi lôi ra từ trong lưng quần đủ hai chục nén và nói:

– Đại quan thật là sáng suốt. Đích thị nó không phải là dân nghèo.

Vị quan nghiêm nghị phán rằng:

– Đã nghèo sao còn có vàng? Vả lại bọn nghèo thường thường chăm học, làm gì phải chạy mua các đề thi! Tội của thằng này to lắm, dám mạo nhận cái danh nghĩa nghèo nàn để mà lường gạt bề trên, thật đáng vào ngục tối. Song nếu nó nộp đầy đủ số vàng thì khoan dung cho nó một lần thứ nhất.

Mai Trầm tiếc của, xanh mặt, nói giọng thiểu não::

– Vậy xin hãy giao đề thi cho tôi.

Vị quan rút một tờ giấy màu vàng có đóng dấu rất kỹ lưỡng, rồi bảo:

– Bọn ta làm ăn lâu dài và có tín nhiệm, nhà ngươi chớ lo. Cầm biên lai này, và trước ngày thi ghé lại nơi đây mà nhận đầu đề. Không thể giao sớm đề ngươi đem về phổ biến bậy bạ.

Mai Trầm cùng với Lý Can đành phải cáo từ lui ra, lòng rất buồn phiền. Ra đến bên ngoài, Mai Trầm giậm chân than thở:

– Thôi chết cha rồi, bị kẹt hai chục nén vàng trong đó, dễ gì mà lấy lại được! Đem bao nhiêu của mua mảnh giấy lộn này sao?

Họ Lý an ủi:

– Không hề gì đâu. Người ta là vị đại quan, không lẽ nói sai lời.

Mai đáp:

– Nó không nói sai, nhưng chắc là nó nói láo. Bây giờ chúng ta nguy mất. Chưa kịp làm ăn mà đã lỗ hết cả vốn liếng. Việc này chung qui là tại anh ca.

Lý buồn rầu lắm, nghĩ ngợi một lát rồi nói:

– Thôi được. Tôi đã có cách.

– Cách gì?

– Bây giờ ta làm thế này…

Đoạn kề miệng vào tai của Mai Trầm nói nhỏ mấy câu. Mai Trầm hớn hở gật đầu:

– Thôi vậy cũng được.

Qua tối hôm sau hai người tìm thuê hai gã du đãng, cho ăn mặc rất lịch sự, đứng núp ở ngoài hầm đá của viên đại quan họ Lưu rồi cùng thuê một căn nhà rất là bí mật ở ngay cuối phố. Cứ thấy kẻ nào đi đến thì bọn du đãng đón đường, bảo rằng:

– Các người muốn tìm Lưu đại quan đấy phải không?

Nếu họ đáp phải thì cứ dẫn đi ngoằn ngoèo và đưa đến căn nhà riêng. Tại đây Mai Trầm đã mua của một gánh hát một bộ đồ quan rất đẹp mặc vào, ngồi giữa, gã Lý Can bận sắc phục nha môn làm người chuyển ngôn, cả hai bịa ra nhiều đề, viết thành nhiều bản, rồi đòi giá cao mới bán, do đó chỉ trong mấy ngày đã kiếm được một món tiền rất lớn, trên cả hai trăm nén vàng.

Mai bảo Lý rằng:

– Không ngờ mình lại làm ăn khá giả thế này. Cũng nhờ là bọn sĩ tử bây giờ lười biếng quá cỡ, thêm nữa địa vị ngày nay dễ kiếm chác hơn. Điều mà ta sung sướng nhất là chúng cứ ỷ có sẵn đề rồi không chịu coi lại văn bài nên mình có dịp đỗ cao.

Do bọn Mai, Lý phỗng hết tay trên như vậy nên quan họ Lưu ế hàng, cuối cùng đến ngày thi cử, đành phải giao đề cho Mai để lấy thêm vài nén nữa.

Năm ấy Mai đỗ thủ khoa, Lý cũng đỗ cao, và một số đông con nhà có tiền nhưng không biết chữ bao nhiêu cũng được mũ cao áo dài. Một số bị mưu của Mai, mất tiền mà không trúng đề, giận lắm, làm đơn tố cáo họ Lưu gian lận. Nhưng Lưu khôn khéo đút lót quan trên nên chỉ có vài ba người thuộc hạ bị khép vào tội tử hình mà thôi.

Mai được bổ nhiệm làm quan trấn thủ Hà Tây là vùng hết sức giàu có. Bấy giờ xã hội bày ra tình trạng rối loạn vô kể. Nguyên do là vì những hạng cai trị đều không có một căn bản học vấn và đạo đức nào mà chỉ nhờ mấy nén vàng đã làm quan được nên cùng thi nhau vơ vét của dân, cốt sao cho được nhà cao cửa lớn, ngựa xe rộn rịp là thỏa dạ rồi. Họ lập thành một tổ chức rộng lớn gọi là Kim Tiền Đảng Hội, chỉ có mục đích là kiếm được nhiều tiền. Mỗi một hội viên phải đeo trên ngực ở trong lớp áo nhà quan một đồng tiền lớn, mài nhẵn, không có mặt trái mặt phải nào cả để làm huy hiệu. Gặp nhau thì chỉ lấy ngón tay trỏ bấm vào đầu ngón tay cái để làm dấu hiệu liên lạc, chào kính. Các hội viên này phát triển ngày một thêm đông, làm cho thanh thế của hội thật là lẫy lừng hết sức. Một trong những tay trụ cột của tổ chức này là Hoàng Kim Trọng có uy tín lớn khắp nơi, ở đâu cũng được một số quan lại cao cấp đỡ đầu và nhiều gái đẹp đỡ đuôi. Nói về nghi thức nhập hội thì ly kỳ lắm. Chỉ cần làm một tờ trình lý lịch, trong đó nêu rõ đã trục lợi như thế nào, rồi viết một bài luận văn bênh vực cho tiền, là được trúng cử vào kỳ thứ nhất. Sau đó, vào kỳ thứ hai là kỳ vấn đáp, có ba người đeo mặt nạ hỏi các câu rất khó khăn về chuyện làm tiền, phải thuộc lòng các nhân vật lịch sử đã nhờ tiền bạc làm nên danh giá hoặc đã vì tiền mà không từ bỏ một thủ đoạn nào. Trung bình cứ hỏi mười câu mà đáp đúng được năm câu là trúng tuyển rồi. Ai không nói đúng số ấy thì phải về nhà nghiên cứu thêm ba tháng nữa mới được ứng thi kỳ hai. Đậu xong cả hai khóa ấy là vào kỳ ba, thiên nhiều về môn thực hành hơn là lý thuyết.

Đại khái các môn thực hành gồm có các khoa như sau: bỏ người dự thi vào trong một phòng rồi bịt mắt lại, đoạn bảo anh ta tìm đồng tiền giấu một nơi nào đó trong các khe cửa. Thí sinh cần phải dùng mũi chứ không được phép dùng tay để tìm. Môn này tuy cũng hơi khó, song tính trung bình ba trăm thí sinh thì bị đánh hỏng độ năm sáu người là cùng. Nguyên do là các vị đứng giảm khảo cho Hội, vốn là những người có trình độ cao nên rất sẵn sàng nhận món hối lộ của các thí sinh đề cho họ đỗ. Thủ đoạn rất dễ: chỉ cần bôi vào đồng tiền một mùi gì đó rồi cho thí sinh biết trước để họ đánh hơi, và muốn cho thật chắc chắn họ vẫn bôi vào đồng tiền những chất hôi hám đặc biệt. Chỉ có thí sinh nào nghẹt mũi lắm mới bị đánh hỏng.

Về cách khảo thí thực tập thứ hai, thì có môn này: một người cầm một đồng tiền xoay mạnh cho nó quay như chong chóng rồi thí sinh phải xoay người cho kịp đồng tiền. Nếu tiền còn quay mà thì sinh đã ngã nhào thì coi như là phạm phép, không thể dung nạp. Cách này tuy khó gian lận vì nó có vẻ công khai, song các ông lớn chủ trì cũng vẫn có thừa phương pháp để mà ủng hộ thí sinh. Họ chỉ việc quay nhẹ tay một tí là được.

Còn cách thứ ba rất là khó nói, vì chẳng hợp với vệ sinh, song cũng nên kể ra luôn, là bỏ đồng tiền vào một thùng lớn đựng toàn phân bã rồi cho thò tay, mở mắt để mà bươi móc lục lọi sao cho tìm được. Tất nhiên phải có một sức chịu đựng cao độ về các mùi hôi mới đứng suốt buổi mò mẫm như thế. Nhiều thí sinh đã bôi đầy dầu thơm vào mũi mà vẫn không sao chịu nổi, có người ngất xỉu nửa chừng. Nói chung, còn có nhiều môn khác nữa, như là nhai tiền, nuốt tiền, câu tiền, giấu tiền… nhưng tương đối dễ thực hiện.

Trong số các bọn quan lại móc họng dân chúng lấy tiền và trong số các hội viên của tổ chức trên thì Mai Trầm có uy thế rất lớn. Một phần vì gã đậu cao, có tiền bạc nhiều khi ra nhậm chức, lại có thủ đoạn. Suốt một năm ròng trấn nhậm gã đã tống giam có đến ba trăm người dân có chút máu mặt, lấy vợ của hàng nha lại có đến bốn năm mươi người. Vàng bạc của gã đúc thành từng khối vuông vức, chồng làm bức tường trong nhà, và gã ngủ giữa tường vàng tên gọi là Kim Bích phòng.

Được trên hai năm, Mai Trầm một hôm soi gương bỗng thấy mặt mũi của mình thay đổi khác xưa rất nhiều. Trán gã tự nhiên lồi lõm, y tuồng bị sự suy tinh bất thường bên trong làm cho ảnh hưởng bên ngoài, lại thêm cặp môi dày ra mím lại, biểu lộ một tấm lòng tham không đáy và sự thèm khát không nguôi. Nhất là cặp mắt luôn luôn đục ngầu, hấp háy đảo nhìn đầy ý soi mói, sục sạo. Có quan Đô Úy ở gần muốn gả cô con gái quí cho Mai nhưng Mai chưa muốn lấy vợ. Gã nói:

– Có một người vợ thì chỉ có mỗi một vợ mà thôi. Không có vợ nào thì sẽ có được mọi người làm vợ.

Một hôm đang ngồi suy nghĩ bỗng nghe có tiếng động mạnh, ngẩng đầu nhìn lên thấy một quyền sách rớt ở góc phòng. Trong óc sực nhớ mối thù bị người nông dân nắm tóc kéo lên buộc đi cứu lụt ngày nào, liền nổi cơ giận quyết lòng trả thù. Mai liền cho kẻ tâm phúc là Hắc Đạo Nhân mang một lễ tốt và một phong thư đem qua cho viên tổng trấn vùng ấy, nhờ bắt và áp giải Hàn Kỳ Lực đến tại nha môn của mình.

Viên tổng trấn này là Tôn Bảo Ngọc cũng ở trong ban lãnh đạo Hội Đảng Kim Tiền nên khi nhận được phong thư, vội vàng cho đi bắt Hàn Kỳ Lực. Lúc ấy vào trưa, Kỳ Lực đang nằm ngủ dưới gốc đa thì có bốn tên sai nha đi tới. Kỳ Lực không hề hay biết gì cả, thiêm thiếp giấc nồng. Một tên lấy chân đá vào mạn sườn Kỳ Lực nhưng anh ta vẫn không hay. Một tên khác bèn dùng đao đánh mạnh vào ông chân anh, khiến anh choàng mắt, tỉnh đậy, hỏi rằng:

– Các anh là ai mà lại phá ngang giấc ngủ người ta như vậy?

Tên sai nha đáp:

– Mày đui hay sao mà không thấy rõ chúng ta là ai?

Kỳ Lực trả lời:

– Sao lại chẳng thấy? Lũ mày chỉ là một phường chó má đấy thôi, dựa lưng bọn quan lại ác thú để mà hiếp đáp dân lành.

Lập tức một tên sai nha vung chiếc roi da quất mạnh vào mặt Kỳ Lực. Nhưng Kỳ Lực không né tránh chỉ hơi lắc đầu, hé miệng cắn chặt chiếc roi vào giữa hàm răng rồi gặc một cái thật nhanh khiến cho tên kia ngã chúi về trước, buông vội tay ra. Kỳ Lực cằm lấy chiếc roi, đứng vụt ngay dậy, quát to:

– Nào, lũ chó săn, bay muốn trừng trị thế nào cho xứng tội trạng?

Mấy tên còn lại vung đao chém tới loạn xạ nhưng Hàn Kỳ Lực vẫn múa chiếc roi vun vút đỡ gạt, nhiều lần quất mạnh vào mặt mũi chúng, khiến chúng tối tăm mặt. Tên bị ngã chúi lần đầu nhiều lần muốn ngồi nhỏm dậy để cứu đồng bọn nhưng con roi da trong tay Kỳ Lực vận chuyển quá nhanh, đến nỗi mỗi lúc gã nhỏm dậy được đã bị một roi giáng xuống ngay mông quắn quýt không sao ngồi thẳng.

Kỳ Lực giao đấu một lát thì bọn sai nha đều chạy dài. Anh ta đuổi theo nắm cổ một tên hỏi rằng:

– Bọn mày đi tìm đứa nào?

Tên này liền đáp:

– Chúng tôi được lệnh bắt người có tên Kỳ Lực họ Hàn.

– Bắt về tội gì?

– Không rõ tội gì. Quan trên truyền bảo như vậy.

– Đưa trát cho tao xem nào.

Tên sai nha đưa tờ trát cho Kỳ Lực. Đọc xong Kỳ Lực kêu lên:

– Trời ơi! Nó bảo rằng ta can tội xúc phạm quan trên, hành hung kẻ sĩ, lỗ mãng, khinh người. Bọn này láo thật!

Rồi quay sang bọn sai nha, Hàn nói:

– Bọn bay chẳng cần phải tìm đâu xa, tao đây là Hàn Kỳ Lực. Nói thật, cả trăm đứa bay cũng chẳng làm gì nổi tao, nhưng bọn mày đã có lòng tìm đến mà ta cũng có bụng gặp quan chúng mày để xem cho rõ hư thực. Vậy hãy theo ta về nhà để ta gói ghém một ít áo quần, mang theo ít lương thực, thưa lại ít tiếng với cha mẹ già, rồi ta sẽ đi cùng với chúng mày.

Nói đoạn, đưa tay vẫy bọn sai nha trở lại, cùng quay về nhà. Sau khi chuẩn bị hành lý, Hàn thưa cha mẹ:

– Việc nhà đã có mấy em lo liệu, xin cha mẹ chớ lo phiền. Nếu con không đi, chúng sẽ vu cáo làm phiền cha mẹ. Nay thử đến đó, xem lũ ác ôn này dở trò gì.

Kỳ Lực vừa tới công đường thì quan trấn thủ chẳng nói chẳng rằng cho lính trói chặt nhốt vào ngục tối. Ngày sau, cho một toán quân mang đao, mang kiếm áp giải về dinh Mai Trầm. Vừa thấy mặt Hàn, họ Mai quát tháo:

– Hay cho tên kia! Mày có nhớ mặt ta không?

Kỳ Lực trả lời:

– Một kẻ làm ruộng khốn khổ như tôi làm sao quen được với ngài mà nhớ hay quên. Có lẽ ngài lầm với kẻ nào chăng?

Mai Trầm cười gằn, rồi đáp:

– Khốn nạn, mày đừng mong trốn tội lỗi của mày. Ta đây là kẻ học trò ngày trước trốn tránh nạn lụt tại chùa Hoa Nghiêm đã bị nhà ngươi xúc phạm. Nay ta cho đem ngươi đến không ngoài giáo dục cho ngươi về sự tôn kính đối với kẻ sĩ để ngươi nhớ mãi suốt đời và truyền lại cho con cháu của ngươi lòng tôn kính ấy.

Kỳ Lực mím môi, làm thinh, tự thấy mình đã dại dột dẫn mình đến nộp mạng cho quỉ dữ. Cuối cùng, nghĩ rằng không lẽ chịu sự khuất phục dễ dàng, Kỳ Lực trả lời:

– Quan lớn bây giờ là kẻ có quyền, ngài muốn làm gì lũ dân hèn này chẳng được. Nhưng nếu ngài muốn nhớ lại thì ngày xưa tôi chỉ xúc phạm đến một kẻ sĩ vô trách nhiệm trước bao nỗi đau khổ của đồng bào mình chứ đâu có làm thương tổn mọi kẻ sĩ được?

Mai Trầm quát lớn:

– Đừng có hỗn láo! Truyền cho nha lệ đánh nó trăm roi như là bài học vỡ lòng. Rồi mày còn được học tập nhiều bài khác nữa cho thêm sáng mắt.

Bọn sai nha lôi Kỳ Lực ra sân, đánh đúng trăm roi khiến Hàn quằn quại cố nén tiếng kêu, cắn răng chịu đựng gia hình.

Thấy vẻ mặt quá bình tĩnh của Hàn, Mai căm tức lắm, bảo rằng:

– Tên này thuộc loại cứng đầu, đánh đập bao nhiêu cũng không biết sợ. Phàm con người có biết sợ mới biết phục thiện. Vậy nhốt nó vào ngục tối, ta sẽ có cách.

Rồi người nông dân đôn hậu và kiên cường ấy sống chết ra sao? Và người đàn bà chung thủy và đáng yêu kia, bị bỏ rơi giữa hoang đảo, còn mất thế nào? Anh chàng thư sinh trung chính, nhiệt thành, bị xô xuống vùng nước lạ giữa đêm mưa bão, có thoát được chăng?

Sự việc còn dài, ngày xuân lại ngắn, chỉ xin vắn tắt trình bày để khỏi nản lòng bạn đọc đang phải thưởng xuân trong nổi băn khoăn.

Hòn đảo mà nàng Từ Ly lạc vào không phải là chốn hoang vu. Nơi đấy là chỗ trú ẩn của những đàn ông trốn chạy đàn bà. Những anh chàng gặp vợ dữ, những gã trai phụ tình, đồng mang những nỗi nghi hoặc về đời, đổi lại thành họ Nghi cả, chọn miền đất này gọi là Nghi đảo làm căn cứ địa. Bắt gặp Từ Ly, họ liền ghép nàng vào tội đột nhập phá hoại, toan xé xác nàng cho hả những mối hờn giận đối với đàn bà chất chứa lâu nay. (Kể ra điều đó không những bất công mà còn phi lý nữa. Nhưng xét cho cùng thì xưa nay đàn ông đãi ngộ đàn bà vẫn chưa có gì tốt hơn điều đó bao nhiêu.)

Tuy nhiên Từ Ly không để cho mình trở thành nạn nhân của những anh chàng râu quặp mang mối mặc cảm hốt hoảng về người đàn bà. Dầu biết rằng đáng lý ra đàn bà phải nên xé xác đàn ông thì mới công bằng, nhưng tự hiểu mình cô thế nàng phải mềm mỏng để mà thoát nạn. May thay ở nơi người nàng ngời chói một thứ ánh sáng hết sức kỳ diệu đẩy lùi được sự hung tợn của bọn mày râu. Cái ánh sáng ấy không chỉ ở vẻ xinh đẹp và sự hiền dịu của nàng, mà chính ở lòng chung thủy và sự hi sinh của nàng cho một tình nghĩa cao sâu. Lớp đàn ông ở Nghi đảo thật sự xúc động về nàng, họ chợt thấy rằng người đàn bà tốt và đáng yêu quý vốn có nhan nhản trên mặt đất này. Và họ hiểu người đàn bà, có tồi tệ chăng, phần lớn cũng do chính bọn đàn ông gây ra.

Giác ngộ điều ấy, họ cùng tranh nhau hộ tống nàng Chung Từ Ly trở về đất liền, như tranh nhau bảo tồn một giá trị, và cũng vì thế dân trên Nghi đảo dần dần trốn hết, bởi không còn đủ lý do để tập họp nữa. Từ đó, ở trong đất liền, những anh chàng buồn và những gã tình nhân khổ không còn có chỗ di trú như xưa, đành phải lẩn quẩn trong nhà đề mơ về một chân trời xa lạ. Nơi chân trời ấy, không phải vắng bóng đàn bà, mà có người tình trong mộng chung sống với mình toàn bằng rau cỏ và không khí.

Còn chàng Vương Bái, đang sốt mê man, bị gã Mai Trầm xô xuống giữa vùng nước lụt, thoáng bị ngấm lạnh, tỉnh người. Cái tài chữa trị ngày nay bệnh viện Cơ Đốc vẫn dùng là ngâm các người bị sốt vào trong nước đá có lẽ cũng được xuất phát từ chuyện này chăng? Nhiệt độ đã nhờ nước lụt làm giảm khá mau, chàng Vương cố gắng bơi lội và vớ được một cây cột nhà khá lớn trôi nổi giữa dòng. Ôm chặt vị cứu tinh cột, chàng được sóng nước lấp vào chân núi hoang vu. Ở đấy, Vương Bái gặp nhiều nạn nhân sống sót như chàng, nhưng đều phải chịu đói lạnh vì đi cứu trợ được một số người làm việc từ thiện thuổng hết đem bán.

Nhưng trong những tháng ngày dài đói lạnh, Vương Bái có dịp nghĩ ngợi sâu xa về cuộc đời mình và về cuộc đời đồng loại. Đau khổ vẫn là vị giáo sư tốt, và học trò ngoan Vương Bái tìm được chân lý trong kiếp sống này. Chàng đã đứng lên, mạnh dạn đối diện với những gian lao trước mắt, quần tụ tất cả những nạn nhân lại, không còn mơ tưởng bảng vàng như một lá bùa hộ mệnh, mà đem sức mạnh hợp đoàn vươn lên từ những kêu đòi chính đáng mà xây dựng tương lai.

Và một mùa xuân đã đến với chàng. Ngục tù của gã Mai Trầm đã bị san bằng, Kỳ Lực cũng như chồng nàng Từ Ly và bao kẻ khác đã được giải thoát. Niềm vui đoàn tụ sau những đắng cay, lại càng thắm thiết, mặn nồng.

Tất nhiên Mai Trầm đã không còn nữa, dù gã vẫn còn tiếp tục được sống trong nỗi buồn phiền. Bởi lẽ gã tượng trưng cho bóng tối, mà bóng tối phải thuộc về dĩ vãng.

VŨ HẠNH

(Nguồn : vietmessenger.com)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: