Người tu thiền thường được nghe giảng là Phật tính có sẵn trong người mà mình không biết. Tuy nhiên người tin tưởng Phật giáo thấy cần phải tu luyện mới đạt đến một trạng thái không thể diễn tả, ngay cả khi quan niệm là trạng thái giác ngộ. Tôi không có khả năng và tham vọng giải thích Phật pháp, tôi là người phàm chỉ muốn tìm hiểu ý nghĩa tập hình mười (nhiều hay ít hơn) bức tranh vẽ con trâu thay màu (hay không thay màu) trong bức họa Thập mục ngưu đồ trình bày tinh hoa cốt tủy của Thiền Trung Quốc. Tôi được thấy một tập tranh vẽ Việt hóa nầy nhân một semine ở Trường Cao học Thực hành EPHE tại Paris với cố Giảng sư Langlet (Quách) Thanh Tâm. Vì lớp học không chuyên về tôn giáo nên hôm ấy sự tích không được bàn rộng. Tìm hiểu thêm thì tôi đọc được trong sách dạy để giải thích sư kiện, người ta thường sử dụng lý luận, lập luận hay cũng có thể dùng phương cách vận chuyển sự kiện qua một hình ảnh khác với hàm ý so sánh gọi là phép ẩn dụ. Phép nầy sử dụng những hình ảnh dễ thấy như bọt nước, bọng không khí, ánh phản chiếu cung trăng trong nước,… rồi từ đấy tiến đến những điểm chính của sự kiện. Trong trường hợp Thập mục ngưu đồ, chỉ là chuyện một con trâu, tìm cách thuần hóa nó qua mười bức tranh tương ứng với quá trình hành đạo của một người phát nguyện đạt đến sự giác ngộ. Sau nầy, những bức tranh vẽ đầu tiên trên tường tôi được thấy không phải ở Trung Quốc hay Nhật Bản là những nước thường được nói đến nhiều nhất mà là ở Hàn Quốc, tại ngôi chùa nhỏ bé Tùng Quảng Tự Sanggwangsa đậm chất thiền trên bờ hồ nhân tạo. (Minh họa :Tranh Đại thừa và Thiền Tông). Bài giảng rõ ràng nhất làcủa Trần Thị Lai Hồng.
Từ thế kỷ VII, trong phái Thiền (tiếng Phạn dyana) đã thấy có dùng ẩn dụ trâu để hướng dẫn con đường đến giác ngộ. Phải đợi đến khoảng các thế kỷ XXII mới có những bài thơ, những hình vẽ minh họa nhiều giai đoạn của con đường ấy. Sự kiện nầy không phải riêng lẻ mà đóng góp vào một phong trào chung thể hiện đồ thị những hệ thống triết lý hay thuần túy nghệ thuật dưới thời Tống (960-1279) bên Trung Quốc. Phong trào nầy phát hiện đúng vào thời kỳ bành trướng phương pháp khắc in bản gỗ có hình vẽ để phổ biến những văn bản Phật giáo tương tự với sự kiện phát minh những chữ in rời của Johannes Gutenberg thế kỷ XV ở châu Âu. Năm 845 lệnh triều Đường cho phá hơn 40 ngàn chùa chiền và buộc 25 vạn tu sĩ nam nữ hoàn tục, làm Phật giáo Trung Quốc yếu đi ít nhiều. Tuy vậy tôn giáo nầy vẫn nảy nở mạnh mẽ thành năm phái Thiền, trong lúc Lão giáo và Nho giáo luôn được thịnh hành, từ dó nảy sinh
truyền thống Tam Giáo. Chính từ hai phái Thiền Tào Động và Lâm Tế còn tồn tại ngày nay mà xuất phát ẩn dụ Thập mục ngưu đồ. Câu hỏi là tại sao con trâu ? Sách giảng con trâu là bản ngã của ta xem như là ý thức của ta. Gắn bó với đời sống con người từ lâu, trâu có bản tánh khó thuần phục, muốn chế ngự nó phải có cử chỉ cứng rắn như dùng dây xỏ mũi. Con trâu cũng được xem như là tâm chúng sinh, thuần phục nó biểu thị ý chí tu tập. Ý niệm thuần phục trâu bao hàm một công cuộc lâu dài, hằng ngày, kiên trì, thực hiện với một lòng kiên nhẫn không sờn, một mức cảnh giác thường xuyên. Ý niệm nẩy không phải mới, đã tìm thấy trong nhiều văn bản Phật giáo trước kia. Có tranh vẽ trâu đen hoang dã ban sơ được thuần hóa thì dần dần trắng ra cho đến toàn thiện, biểu tượng chân tâm thanh tịnh. Cùng có tranh vẽ trâu trắng trở thành đen. Cũng có tranh vẽ trâu giữ nguyên vẹn một màu (đen hay trắng) qua
các giai đoạn biến chuyển vì được giải thích là Phật tính có sẵn trong người, Phật hay không Phật, không thành Phật lần lần.
Có nhiều bộ tranh (4,5,6,10,12 bức) nội dung sắp đặt có phần khác nhau nhưng nổi danh và bao hàm toàn vẹn ý nghĩa nhất là bộ 10 tranh Thập Ngưu Đồ của Thiền sư Khuếch Am (hay Quách Am) Sư Viễn (Kuoan Shiyuan, Kakuan Shion). Truyền đạt trong các thiền viện khắp Á Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc,
cả Việt Nam, bộ nầy có tiếng nhiều nhất ở Nhật Bản có lẽ vì là bộ đầu tiên nhập cảng và tác giả thuộc phái Lâm Tế (Linji, Rinzai) rất phổ biến trong nước. Được Thiền sư Vân Thê Chu Hoàng thời Minh đề tựa năm 1585, mỗi tranh có một bài tụng của Thiền sư Phổ Minh, bộ được lưu lại qua bản sao 10 bức tranh
màu nước của Thiền sư danh họa Châu Văn (Shubun), bảo quản ở đền Shokokuji tại Kyoto. Tác giả bộ tranh mới nhất là Tomikichiro Tokuriki. Một bộ khác ra đời trước với 5 bức tranh cũng thường được nhắc đến là bộ Mục Ngưu Đồ của Thiền sư Thanh Cư (Qingju, Seikyo), thuộc tông Tào Động, được Thiền
sư Tự Đắc (Zide, Jitoku) bổ sung thêm một bức thứ 6, sau cùng cải tiến lên đến ít nhất 12 bức. Về tác giả thực hiện các bộ tranh, trước Thanh Cư có Phật Ấn Liễu Nguyên thuộc tông Vân Môn. Trong tông nầy có thêm Phật Quốc Duy Bạch và người đồng môn Phổ Minh ở núi Thái Bạch, pháp hiệu của Tưởng Chi Kỳ. Tác phẩm của các phái (theo Nam tuyền thủy cổ : Thanh Cư 12 chương, Phổ Minh 10, Phật Quốc 8, Phật Ấn 4, dưới các dạng khác nhau đã được Khuếch Am tổng hợp lại. Nhưng đạt thắng lợi lớn ở Trung Quốc là bộ của Thiền sư Thanh Cư. Bộ Thập mục ngưu đồ không rõ nhập cảng Việt Nam hồi nào, chỉ thấy bản chữ Hán Thập mục ngưu đồ Luận giải được Thiền sư Quảng Trí thời vua Lê Dụ Tông soạn thảo và chép lại thời vua Tự Đức. Năm 2000, bản nầy được nhà xuất bản An Tiêm ở Paris ấn hành do anh Nhật Cao Trần Đình Sơn biên soạn, phiên dịch và chú giải. Một số bộ Tranh Chăn Trâu có thể xem trong tập Phật học Tinh hoa (Thu Giang Nguyễn duy Cần), tập Học Làm Phật (Thầy Trương Lạc chùa Linh Chưởng, 1964), pho sách cổ Mục Ngưu Đồ tại thư viện chùa Xá Lợi Sài Gòn. Chùa còn có một bộ 10 bức tranh, trụ sở Tam Tông Miếu có một tranh sơn dầu ở chánh điện, ở Huế có một bộ tranh của Hòa thượng Kế Châu, một mộc bản của Hội Phật học (1933). Trong cuốn Con Trâu nhà Phật do Phật đường Khuông Việt xuất bản (2009) chỉ có một tranh vẽ ngoài bìa. Nhìn theo khía cạnh này, đạo Phật quả là bình dân và thiết thực: không dạy gì ngoài việc chăn trâu. Nhưng để đạt đến cảnh giới như chàng mục đồng ngồi trên mình
trâu, nghêu ngao hát khúc nghê thường hay thong dong thổi điệu sáo thiên thai thì không dễ. Người ta phải sống gần gũi, lân mẫn, lặn lội vất vả, chăm nom cho nó từng dám cỏ, từng tụm nước, chạy vòng quanh theo nó trong các đường ngõ hẻm hay bờ ruộng ao hồ, đôi khi phải dùng đến roi để thị uy, dùng đển ngàm để buộc miệng, dùng đến dây để trói buộc, rồi nó mới chịu phục và nghe lời. Một khi trâu đã biết nghe lời thì chàng mục đồng mới thong dong tự tại trên đồng cỏ.
Tuy số tranh khác nhau tùy bộ, điểm chung hình thức là tranh nào cũng có kèm theo một bài thơ tứ tuyệt và một bài chú giải bằng văn xuôi. Trên nội dung thuần hóa trâu, hay theo Kinh Kim Cương làm sao làm chủ được cái tâm, tranh được sắp thành hai loại : nói chung trong loại theo khuynh hướng Đại thừa tranh
được giải thích, nói lên bản tính hung hăng của trâu, trong loại Thiền tông tranh chỉ gợi lên câu hỏi hướng dẫn tìm hiểu ý nghĩa, chỉ rõ phương pháp tu tập chế ngự tâm chúng sinh. Trong tranh Đại thừa, trâu một màu đen từ đầu đến cuối, trong tranh Thiền tông, trâu ban đầu đen chuyển qua trắng vào cuối. Trong bộ 4 tranh của Thiền sư Phật Ấn, trâu trắng trở lại hoàn toàn đen ! Cả hai khuynh hướng đều dẫn đến giai đoạn quên trâu, Đại thừa ở tranh 7, Thiền tông ở tranh 9. Trâu và người đều quên ở tranh 8 bên Đại thừa, tranh 10 tức tranh cuối bên Thiền tông, hình dung qua một vòng tròn rỗng không, tượng trưng sự đoạn tuyệt với tất cả các suy tư của ta. Mặc dầu đi sau nhiều vị tiền bối, Khuếch Am có cách nhìn riêng, không nề hà chi tiết trâu đen hóa trắng hay trâu trắng trở lại đen mà chú trọng về cuộc diễn biến tìm trâu (Đại thừa-Thiền tông) (1-Tầm ngưu-Vi mục), thấy vết (2-Kiến tích-Sơ điều), thấy trâu (3-Kiến ngưu-Thọ Chế), bắt trâu (4-Đắc ngưu-Hồi thủ), giữ trâu (4-Đắc ngưu-Hồi thủ), thuần trâu (5-Mục ngưuThuần phục), cưỡi trâu về nhà (6-Kỵ ngưu quy gia-Vô ngại), về nhà quên trâu, (7-Vong ngưu tồn nhân-Nhâm vận), quên trâu lẫn người (8- Nhân ngưu câu vong-Tương vong). Không biết tìm trâu ở đâu (tranh 1) thì chú mục đồng thấy nó (tranh 2), bắt nó (tranh 3), thật ra ra trâu có trốn đâu, luôn có mặt ở đó, chỉ có chú không thấy thôi. Tức khắc, chú bắt trâu, xỏ mũi, cột cổ, thuần hóa nó, lần lần nó ngoan ngoãn theo chú (tranh 4), chú chăn nó (tranh 5) rồi cưỡi nó thổi sáo về nhà (tranh 6)… Người và trâu xa nhau trong những tranh đầu, dần dần xịch lại gẩn nhau và sau cùng nhập với nhau thành một. Trâu là tâm của ta, ta đi tìm bắt trâu và rút cuộc tìm ra tâm trong chính ngay ta.
Những giai đoạn trải qua đều nhắm mục đích luyện tâm, khuất phục tâm để đạt đỉnh cao là ngộ nhập Phật tánh. Nhưng để đạt đến Phật tánh, bộ Đại thừa cần thêm hai tranh nữa : Trở về nguồn cội (9- Phản bổn hoàn nguyên-Độc chiếu) và Thỏng tay vào chợ (10-Thùy thủ nhập triền-Song dận). Trở về nguồn
cội tức là trở về với thiên nhiên, một quan niệm xa xưa mà sao thấy rất hiện tại, nằm đúng trong thời sự ngày nay sau nhiều thế kỷ phát triển kinh tế, xã hội, sau những cuộc cách mạng kỹ thuật, công nghệ. Trở về với thiên nhiên vì con người có từ thiên nhiên, sống trong thiên nhiên, lớn lên giữa hoa lá, rừng rậm cây ngàn, sông sâu biển rộng, nơi đã cống hiến mọi chất dinh dưỡng để con người trưởng thành như thấy ngày nay. Người Nhật tin tưởng thần linh, thờ cúng cây cối, tất nhiên hưởng ứng toàn vẹn nhận thức nầy. Trở về cội nguồn cũng có nghĩa là tìm hiểu gốc cội khởi thủy của ta, một huyền bí mà các nhà khoa học không ngớt tìm cách giải thích, kết quả đến dần song song với tiến triển máy móc, phương pháp. Bức tranh thỏng tay vào chợ hình dung một vị Bồ tát đứng nói chuyện với một người bán cá trong tranh xưa, trong tranh bây giờ là một cụ già. Thanh thảng thoải mái, đầu óc nhẹ nhàng sau khi thông hiểu cội nguồn, ông vào chợ đời với lòng thành tiếp xúc dân làng, giúp sức diệt khổ, xây dựng hạnh phúc. Trái với những A la hán của Tiểu thừa tập trung vào sự giải thoát cho chính mình, các vị Bồ tát cứu độ chúng sinh và sẵn sàng thụ lãnh tất cả mọi đau khổ của người đời cũng như hồi hướng phúc đức mình cho kẻ khác.
Mười bức tranh của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn, được chú thích rất rõ, rất hay trong Thiền luận của Daisetz Teitaro Suzuki, bản dịch của Trúc Thiên và Thích Tuệ Sỹ. Bộ tranh loại Đại thừa được trình bày trong cuốn Judo internatioal của Liên đoàn Nhu đạo Pháp do Jagarin sao lục, trong pho sách Mục ngưu đồ, tập Học làm Phật của Thầy Trương Lạc tại chùa Xá Lợi.
1-Tầm ngưu : Tìm trâu
Mang mang bát thảo khứ truy tầm : Nao nao vạch cỏ kiếm tìm trâu
Thuỷ khoát sơn dao lộ cánh thâm : Núi thẳm đường xa nước lại sâu
Lực tận thần bì vô xứ mịch : Kiệt sức mệt nhoài tìm chẳng thấy
Đãn văn phong thụ vãn thiền ngâm : Chỉ nghe réo rắt giọng ve sầu.
2-Kiến tích : Thấy vết
Thuỷ biên lâm hạ tích thiên đa : Ven rừng bến nước dấu liên hồi
Phương thảo li phi kiến dã ma : Vạch cỏ ruồng cây thấy được thôi
Túng thị thâm sơn cánh thâm xứ : Ví phải non sâu lại sâu thẳm
Liêu thiên tị khổng chẩm tàng tha : Ngất trời lỗ mũi hiện ra rồi
3-Kiến ngưu : Thấy trâu
Hoàng oanh chi thượng nhất thanh thanh : Hoàng anh cất tiếng hót trên cành
Nhật noãn phong hoà ngạn liễu thanh : Nắng ấm gió hoà bờ liễu xanh
Chỉ thử cánh vô hồi tị xứ : Chỉ thế không nơi xoay trở lại
Sâm sâm đầu giác hoạ nan thành : Đầu sừng rành rõ vẽ khôn thành
4-Đắc ngưu : Giữ trâu
Kiệt tận thần thông hoạch đắc cừ : Dùng hết thần công bắt được y
Tâm cường lực tráng tốt nan trừ : Tâm hùng sức mạnh khó khăn ghì
Hữu thời tài đáo cao nguyên thượng : Có khi vừa hướng cao nguyên tiến
Hựu nhập yên vân thâm xứ cư : Lại xuống khói mây mãi nằm ì
5-Mục ngưu : Thuần trâu
Tiên sách thời thời bất li thân : Nắm chặt dây roi chẳng lìa thân
Khủng y túng bộ nhạ ai trần : Ngại y chạy sổng vào bụi trần
Tướng tương mục đắc thuần hoà dã : Chăm chăm chăn dữ thuần hoà dã
Ki toả vô câu tự trục nhân : Dây mũi buông rồi vẫn theo gần
6-Kị ngưu quy gia : Cưỡi trâu về nhà
Kị ngưu mạt trấp dục hoàn gia : Cưỡi trâu thong thả trở về nhà
Hà địch thanh thanh tống vãn hà : Tiếng sáo vi vu tiễn vãn hà
Nhất phách nhất ca vô hạn ý : Một nhịp một ca vô hạn ý
Tri âm hà tất cổ thần nha : Tri âm nào phải động môi à
7-Vong ngưu tồn nhân : Về nhà quên trâu
Kị ngưu dĩ đắc đáo gia san : Cưỡi trâu về thẳng đến gia san
Ngưu dã không hề nhân dã nhàn : Trâu đã không rồi người cũng nhàn
Hồng nhật tam can do tác mộng : Mặt nhật ba sào vẫn say mộng
Tiên thằng không đốn thảo đường gian : Dây roi dẹp bỏ bên cạnh sàng
8-Nhân ngưu câu vong : Quên trâu lẫn người
Tiên sách nhân ngưu tận thuộc không : Roi gậy, người trâu thảy đều không
Bích thiên liêu khoát tín nan thông : Trời xanh thăm thẳm tin chẳng thông
Hồng lô diệm thượng tranh dung tuyết : Lò hồng rừng rực nào dung tuyết
Đáo thử phương năng hợp tổ tông : Đến đó mới hay hiệp Tổ Tông
9-Phản bản hoàn nguyên : Trở về nguồn cuội
Phản bản hoàn nguyên dĩ phí công : Phản bản hoàn nguyên đã phí công
Tranh như trực hạ nhược manh lung : Đâu bằng thẳng đó tợ mù câm
Am trung bất kiến am tiền vật : Trong am chẳng thấy ngoài vật khác
Thuỷ tự mang mang hoa tự hồng : Nước tự mênh mông hoa tự hồng
10-Nhập triền thuỳ thủ : Thong dong vào chợ
Lộ hung tiển túc nhập triền lai : Chân trần bày ngực thẳng vào thành
Mạt thổ đồ khôi tiếu mãn tai : Tô đất trét bùn nụ cười thanh
Bất dụng thần tiên chân bí quyết : Bí quyết thần tiên đâu cần đến
Trực giáo khô mộc phóng hoa khai : Cây khô cũng khiến nở hoa lành
Đọc thêm
-Catherine Despeux, Le chemin de l’éveil, L’Asiathèque, 2015
-Hoàng Ngọc Tùng, Thập Mục Ngưu Đồ, sites.google.com.site
-Huỳnh Ngọc Trản, Thập Mục Ngưu Đồ, Trang nhà Quảng Đức quangduc.com
28.09.2010
-Kakuan, Dix tableaux pour domestiquer le buffle, Commentaire d’Alain
Subrebost, Ed. Dervy, Paris 2012
-Nguyễn Nam Trân, Tìm hiểu nội dung và xuất xứ Thập Ngưu Đồ, Giải thích về
xuất xứ Thập Ngưu Đồ, Chim Việt Cành Nam, daophatngaynay.com 24.12.2009
-Phạm Đình Trúc Thu, Thập Ngưu Đồ phamdinhtructthu.blog.spot.com
29.01.2015
-Thập Mục Ngưu Đồ, Gia đình Phật tử Việt Nam Đức quốc, gdpt-ducquoc.de
8
-Thinh Minh Nhựt, Kinh Thập Mục Ngưu Đồ, thuongson.net
-Thích Thanh Từ, Thập Mục Ngưu Đồ – Tranh chăn trâu, Đại bi Quan thế âm
Bồ Tát daibi.vn 26.06.2012
-Thích Thanh Từ, Thập Mục Ngưu Đồ luận giải, 66.254.41.11.HieuGiang
-Thích Phước Tịnh, Thập Mục Ngưu Đồ, matthuongnhindoi.org
-Thích Tuệ Sỹ, Tranh chăn trâu Đại thừa và Thiền tông, Thư viện Hoa Sen
thuvienhoasen.org 19.01.2011
-Trần thị Lai Hồng, Mười tranh chăn trâu, gio-O.com số đặc biệt Tết Trâu 2009
– Con trâu nhà Phật, Khuông Việt-France, 2009.
(Nguồn : diendan.org)
Thảo luận
Không có bình luận