Ðối với những người viết trẻ trước 75, đến nay vẫn cứ nhắc nhở, nghĩ đến tờ báo Văn nơi họ đành được một chỗ đứng trong văn chương buổi ban đầu. Và, với nhà văn Trần Phong Giao quí mến, họ cũng gọi anh là cánh chim đầu đàn. Suốt thời gian phụ trách bài vở cho Văn, luôn luôn anh có sự gần gũi thân tình, khích lệ anh em trẻ. Những kỷ niệm về anh trong bao nhiêu năm tháng cũ vẫn giữ lấy sự ràng buộc, thân thương.
Anh Trần Phong Giao đã qua đời tại Sài Gòn cách đây hơn hai năm. Khi hay tin anh mất, các nhật báo ở quận Cam có loan tin và đăng phân ưu. Riêng tạp chí Văn và Khởi Hành, hai nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, Viên Linh có dành một số đặc biệt tưởng niệm người bạn văn cùng thời.
Năm ấy, tôi rời Huế vào Sài Gòn tìm kiếm việc làm. Với đồng lương tuy ít, nhưng tôi cũng gắng để dành mua ít sách báo mình thích để đọc, và riêng tờ Văn đọc xong, tôi cất giữ.
Tôi ở trọ nhà người dì, trong con hẻm sau lưng tòa đại sứ Ðức. Con đường Võ Tánh chạy ngang qua tòa nhà này, phía dưới là rạp hát Quốc Thanh, phía trên là khu chợ Thái Bình trông ra đường Phạm Ngũ Lão. Báo Văn gần ngay đó, từ nhà tôi đi bộ tới chừng mười phút. Tôi thường gặp ông Vượng buổi chiều hay đứng ngoài hàng hiên đọc báo, hút thuốc, và thỉnh thoảng đến gặp anh Giao mỗi khi cần mua lại những số báo Văn cũ cho mấy người quen ở xa gửi nhờ. Từ đó, dù không phải là dân viết lách nhưng tôi cũng có chút giao tình với cả ông Vượng và anh Giao.
Tòa soạn Văn ở 38 Phạm Ngũ Lão, cũng là nhà in của ông Vượng. Anh Giao, trước khi đảm nhận tờ Văn anh làm việc bên tạp chí Tin Sách của Hội Văn Bút do cha Thanh Lãng làm Chủ tịch. Tin Sách ra hàng tháng, giới thiệu những nhà văn và các tác phẩm vừa mới xuất bản bằng những bài điểm sách rất nghiêm túc, khách quan. Ngoài công việc làm báo, anh Giao còn sáng tác và dịch thuật. Những tác phẩm của anh đã in gồm có:
Nửa Đêm Thức Giấc (tiểu thuyết)
Ngồi Lại Bên Cầu (truyện ngắn)
Guồng Máy (L’engrenage) dịch tác phẩm kịch của Jean Paul Sartre
Sự Đã Rồi (Les jeux sont faits) tác phẩm kịch của Jean Paul Sartre dịch chung với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.
Sứ Mệnh Văn Nghệ Hiện Đại (Discours de Suède) dịch những bài diễn văn của Albert Camus
Lưu Đày Và Quê Nhà (L’exil et le royaume) tuyển truyện của Camus, dịch chung với Vũ Ðình Lưu
Con Chim Trốn Tuyết (Snow goose) truyện của Paul Gallico, dịch chung với Hoàng Ưng.
Tuy không bằng cấp, nhưng sự tự học của anh rất cẩn trọng, chín chắn, vững vàng. Truyện sáng tác của anh cũng được độc giả ưa thích. Văn anh chân thực, giản dị, dồi dào kinh nghiệm sống. Truyện dịch của anh giữ được tinh thần nguyên bản, bút pháp của tác giả và dùng tiếng Việt rất dễ hiểu, vừa rõ ràng, chính xác. Người học thêm ngoại ngữ, luôn tin cậy vào bản dịch của anh. Người mới tập tễnh viết văn có thể học bút pháp nhà văn nước ngoài qua lối văn dịch của anh.
Sau biến cố đảo chánh 1/11 miền Nam bắt đầu bước qua một giai đoạn mới của lịch sử trong bầu không khí tự do cởi mở. Rất nhiều nhật báo, tuần báo và tạp chí xuất hiện vào thời kỳ đổi mới này, trong đó có tạp chí Văn quản nhiệm là ông Nguyễn Ðình Vượng, và anh trong vai trò thư ký tòa soạn.
Số 1 Văn ra mắt đầu Xuân năm 1964. Số báo ra mắt qui tụ rất nhiều nhà văn nổi tiếng miền Nam qua các thế hệ, và đã bán hết số lượng phát hành ngay trong tuần lễ đầu. Ðôc giả đón nhận hết sức nồng nhiệt, nhất là giới sinh viên, học sinh.
Số 2, bắt đầu bình thường với số trang hơn một trăm. Số 2, tưởng niệm nhà văn Pháp Albert Camus. Trong số này, có một bài viết quan trọng của Jean Paul Sartre: Cắt nghĩa cuốn L’étranger (L’explication de l’étranger). Bài này, được ông Nguyễn Minh Hoàng dịch và chú giải đầy đủ. Hai truyện ngắn rất đặc sắc rút trong tập Lưu Ðày Và Quê Nhà. Truyện thứ nhất, Người Khách Trọ (L’hôte) Trần Phong Giao dịch, truyện thứ nhì Người Đàn Bà Ngoại Tình (La femme adultère) Vũ Ðình Lưu dịch. Giáo sư Nguyễn văn Trung dạy trường Ðại Học Văn Khoa viết bài Những Tình Bạn Dang Dở, trong bài này, giáo sư nói đến sự liên hệ rồi đoạn giao giữa Jean Paul Sartre với Albert Camus và Merleau Ponty. Một bài tiểu luận khác nữa rất sâu sắc của một nhà phê bình Pháp có tựa: Camus, Kẻ Đánh Cá Với Cuộc Đời.
Số 2, Văn giới thiệu một nhà văn danh tiếng Pháp khá đầy đủ như một cuốn khảo luận. Albert Camus sinh năm 1913 ở Algérie. Năm 23 tuổi, ông in tác phẩm đầu tay tập tiểu luận Bề Trái, Bề Mặt (L’envers et l’endroit). Những tác phẩm tiếp theo có tập tùy bút Giao Cảm (Noces), tiểu thuyết Kẻ Xa Lạ (L’étranger), tiểu luận Huyền Thoại Sisyphe (Le mythe de Sisyphe), kịch, Ngộ Nhận (Le malentendu), tiểu thuyết Dịch Hạch (La peste), tuyển truyện Lưu Ðày và Quê Nhà, tiểu luận Con Người Phản Kháng (L’homme révolté), tiểu thuyết Sa Ðọa (La chute). Năm 1957, ông được giải Nobel văn chương, ba năm sau, ông tử nạn trong một tai nạn xe hơi, hưởng dương 47 tuổi.
Khi đảm nhận tờ Văn, anh Trần Phong Giao chủ trương dành cho lớp độc giả hiếu học ham đọc, ưa suy nghĩ. Rồi lần lượt, mỗi kỳ nửa tháng, những số tiếp nhau ra đều đặn và báo Văn luôn được độc giả đón nhận. Ở miền Trung, số lượng phát hành khá lớn đến 4000 số, mỗi gia đình công chức cũng đã chọn hai tờ Văn và Bách Khoa làm món ăn tinh thần hàng tháng trong gia đình. Ðọc Văn, yêu thích thơ văn. Ðọc Bách Khoa, mở mang thêm kiến thức tổng quát.
Số 6, tuyển tập những cây bút trẻ. Nói là trẻ ở đây, thực ra, các nhà văn ở lứa tuổi trên ba mươi cũng đã thành danh. Trong số này, nhiều truyện ngắn hay: Duyên Anh, Con Sáo Của Em Tôi. Lê Tất Ðiều, Vùng Ðất Khô. Thế Uyên, Vấn Ðề, đặc biệt một truyện vừa rất đặc sắc Hồi Chuông Tắt Lửa của Thế Nguyên. Truyện chiếm gần 42 trang báo in chữ véronèse thân 8. Nội dung rất đơn giản, chuyện kể một vị linh mục có đứa con hoang, nhưng cách kể chuyện kín đáo, bí mật, bằng một bút pháp lạnh, xám, đầy dục tính trong cơn mưa và bóng tối.
Số 14, tưởng niệm văn hào Nhất Linh trong ngày giỗ đầu. Số báo đặc biệt này đã gây xúc động cho văn giới và toàn thể độc giả qua những bài viết của bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn Vũ Khắc Khoan, nhà thơ Vũ Hoàng Chương, và hồi ký Người Bác của nhà văn Thế Uyên là người cháu gọi Nhất Linh bằng cậu.
Số 17, giới thiệu nhà văn triết gia Jean Paul Sartre với sự đóng góp những bài tiểu luận và phiên dịch của giáo sư Trần Thiện Ðạo, nhà văn Huỳnh Phan Anh, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.
Số 18, đề tài chiến tranh trong văn chương
Số 20, giới thiệu nhà văn phi công Pháp Saint Exupéry.
Chỉ mới qua một năm đầu vớ 24 số báo, tạp chí Văn đã tạo được uy tín và sự tin cậy cho lớp độc giả trung lưu, trí thức. Sự xuất hiện Văn cũng còn được coi là đại diện cho văn học miền Nam, trên từng số báo này, mỗi năm càng có nhiều sự đóng góp lớn những tên tuổi làm nên văn học miền Nam. Qui tụ ở đây có đủ các nhà văn ba miền Vũ Hoàng Chương, Ðông Hồ, Vũ Bằng, Lê văn Trương, Nguyễn Mạnh Côn, Võ Phiến, Linh Mục Thanh Lãng, giáo sư Nguyễn Văn Trung, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường, Vĩnh Lộc, Văn Quang, Phan Du, Võ Hồng, Ðặng Tiến, Trần Thiện Ðạo, Tô Thùy Yên, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Minh Hoàng, Vũ Ðình Lưu, Nguyễn Ðình Toàn, Tuấn Huy, Viên Linh, Ðỗ Quí Toàn, Phạm Công Thiện, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Nam, Phan Lạc Phúc, Phan Lạc Tiếp, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Mộng Giác, Tạ Ký, Trần Dzạ Từ… Về các nhà văn nữ, có Túy Hồng, Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Báo Văn, mỗi số mang một chủ đề quan trọng về các nhà văn Việt Nam cũng như ngoại quốc. Những người viết ở Văn đã thu hút người đọc bằng những bài nhận định, phê bình, bằng truyện và thơ chọn lọc, khơi dậy niềm ước ao nơi tuổi hai mươi của học sinh, sinh viên.
Từ báo Văn, sau mấy số đầu tìm hiểu, bài bạn đọc được gởi tới, và hộp thư của Văn trở thành địa chỉ văn học chung cho những cây bút trẻ tham dự.
Theo yêu cầu chung, một lá thư ngỏ đăng ở phần sinh hoạt nêu rõ chủ trương tờ báo:
– Văn không có chủ bút.
– Bài lai cảo khi nhận được chuyển ngay đến ban tuyển đọc gồm ba người. Truyện có hai người đồng ý, sẽ đăng. Truyện đọc, một người thuận, một người chống, sẽ đưa người thứ ba đọc và quyết định.
– Tác giả được đăng truyện lần đầu, sẽ nhận được báo biếu. Ðăng lần thứ nhì trở đi, sẽ có tiền nhuận bút.
– Bài không đăng, không trả lại bản thảo.
– Bạn đọc cần thư riêng, xin gởi kèm theo tem.
Thực sự là khó khăn cho những người mới viết về cả thơ và truyện. Ðược đăng, đã khó rồi, nói chi đến tiền nhuận bút, hay vinh dự có tên mình ở số báo Xuân.
Thế nhưng, chính báo Văn đã có một công lớn dạy viết văn cho lớp người trẻ bằng sự kích thích họ đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, tự dưng khám phá vỡ ra được một cách nhìn, một cách viết.
Chỉ sau một năm đầu còn ít ỏi, lớp trẻ chỉ mới có một số tên tuổi sớm xuất hiện trên Văn như Y Uyên, Phan Duy Nhân, Ðào trường Phúc, NH Tay Ngàn, Trần Như Liên Phương, Nguyễn Vũ Ðan Vy, Nguyên Vũ, Thái Lãng, Lê cao Nguyên, Văn Lệ Thiên qua những năm sau, những cây bút lúc đầu hẳn còn non kém dần tiến lên làm nên một đội ngũ, một lực lượng dự trữ cho Văn. Khi được một đội ngũ trẻ có học vấn, yêu thích văn chương, anh Trần Phong Giao rất hài lòng và kỳ vọng. Từ tỉnh đầu giới tuyến đến Sài Gòn, đến miền Ðông, miền Tây đã có:
Quảng Trị: Phan Phụng Thạch, Thạch Nhân, Sương Biên Thùy
Huế: Trần Doãn Nho, Hồ Minh Dũng, Trần Dzạ Lữ, Lê Bá Lăng, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Lữ Quỳnh, Mường Mán, Ngụy Ngữ, Hoàng Hạ Lan, Hoàng Ngọc Tuấn, Huỳnh Hữu Ủy, Lê Nhược Thủy, Yên My, Trần yên Du, Trần Ðình Sơn Cước, Võ Quê.
Ðà Nẵng: Nguyễn Nho Sa Mạc, Chu Trầm Nguyên Minh, Phương Tấn, Luân Hoán, Thành Tôn, Hà Thúc Sinh
Hội An: Thái Tú Hạp, Ðinh Trầm Ca, Hoàng Thị Bích Ni.
Tam Kỳ: Huy Tưởng, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Hoài Thư
Quảng Ngãi: Hà Nguyên Thạch, Mê Cung, Phan Nhự Thức, Vương Thanh.
Qui Nhơn: Trần Phiên Ngung, Ðặng Tấn Tới, Võ Chân Cửu.
Tuy Hòa: Nguyễn Lệ Uyên, Trần Huyền Ân, Hoàng Ðình Huy Quan, Mang Viên Long, Cảnh Cửu.
Nha Trang; Phạm Chu Sa, Văn Lệ Thiên
Phan Rang: (không nhớ)
Phan Thiết: Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Thị Ngọc Minh
Pleiku: Kim Tuấn, Lâm Hảo Dũng.
Dù ở xa thủ đô Sài Gòn, nhưng từ các tỉnh miền Trung, miền Ðông, miền Tây, hay cao nguyên, sáng tác của những cây bút trẻ kể trên vẫn gởi đến Văn một cách đều đặn và thể hiện sự tiến bộ rõ rệt. Những sáng tác của người viết mới, không chỉ giữa anh em cùng lứa tuổi biết nhau mà còn được các nhà văn đàn anh để mắt đến. Từ đó, mỗi người viết trẻ có chỗ đứng, một vị trí vững vàng trên Văn. Ðể khích lệ, mỗi năm, người phụ trách bài vở Trần Phong Giao cũng dành một vài số đặc biệt cho tất cả những cây bút trẻ được thành danh.
Tôi vẫn làm người đọc đều đặn của tạp chí Văn. Ðọc văn các bạn cùng lứa tuổi với mình, tôi rất thích và cùng hiểu được tâm trạng qua các nhân vật về tình yêu, về chiến tranh. Trong số anh em trên, tôi được làm quen một số người như anh Trần Hữu Thục, Lê Bá Lăng, Trần Yên Du, Hà Nguyên Thạch, Hồ Minh Dũng, Kim Tuấn. Mới cách đây một tuần, Thục từ Boston qua quận Cam chơi nhân kỳ lễ Ðộc Lập 4 tháng 7, anh được gặp khá đông bạn bè và có ghé thăm tôi. Một tối chuyện trò ngồi ở chiếc bàn vuông nhỏ ngoài mái hiên với mấy chai bia, dĩa đồ mồi, tôi và Thục có nói chuyện về báo Văn ngày xưa, về cái thâm tình của anh Giao đối với anh em viết văn trẻ, về những truyện ngắn thời đó của Thục, của Trần Hoài Thư, Hồ Minh Dũng, Ngụy Ngữ mà tôi đã đọc. Sau cùng, hai chúng tôi với một giọng buồn, ngậm ngùi nghĩ đến cái chết của anh Giao. Sau biến cố Tháng Tư Ðen, cũng như số phận nhiều anh văn nghệ sĩ miền Nam cũ, gia đình anh Giao sống trong cảnh khó khăn, nghèo túng.
Anh Trần Phong Giao đã gắn bó với tờ Văn trong những tháng ngày và những năm hưng thịnh. Từ tạp chí Văn, anh Giao gây dựng thêm Tin Văn, nguyệt san chuyên về tiểu luận, phê bình, và dùng tên tạp chí xuất bản một loại sách hay nhưng rẻ tiền bằng giá một cuốn báo để giúp đọc giả nghèo có sách đọc.
Người ta sẽ hiểu sai khi cho rằng, tạp chí Văn chỉ làm sáng giá những cây bút trẻ, còn những nhà văn có tên tuổi, dù viết cho báo nào họ cũng có một chiếu ngồi, một địa vị đã có sẵn. Hoàn toàn không đúng. Thực sự, nhìn xét một cách nghiêm túc, chính tờ báo là nơi mà các nhà văn đã tên tuổi tăng thêm uy thế của mình. Năm 1956, tạp chí Sáng Tạo ra đời. Những nhà văn trong nhóm này là Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp này gây được tiếng vang với tính cách chuyển dòng văn học mới khác với Tự Lực Văn Ðoàn, nhưng xét ra ảnh hưởng các nhà văn kể trên thời kỳ đó chưa rộng lớn, chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn mới biết đến tên tuổi, còn ra những nơi xa thì hẳn là vắng bóng. Một điều dễ hiểu, vào thời kỳ đó chỉ ở Sài Gòn mới có trường Ðại Học, trung học Ðệ Nhị Cấp, còn ở các nơi xa, mỗi tỉnh chỉ mới có một trường trung học Ðệ Nhất cấp, vậy làm sao ở cái tuổi học sinh mới Ðệ Ngũ, Ðệ Tứ đọc và hiểu nổi văn chương hiện sinh, văn chương mới của nhóm Sáng tạo.
Tạp chí Văn đã xuất hiện đúng lúc, đáp ứng nhu cầu độc giả học sinh, sinh viên. Vào thời điểm của Văn, hầu hết các tỉnh lớn nhỏ ở miền nam đã bắt đầu có trường trung học Ðệ Nhị Cấp, Huế và Ðà Lạt còn có thêm trường Ðại Học nên số độc giả tăng và giá trị văn chương được xét đoán đúng tầm mức của nó.
Nhà văn Thanh Tâm Tuyền được coi cây bút chủ lực của nhóm Sáng Tạo. Anh khởi sự cuốn Ung Thư sau khi viết xong Bếp Lửa. Truyện dài Ung Thư đã được trích đăng trên Sáng Tạo, Hiện Ðại, Bách Khoa, nhưng phải đợi đến lúc xuất hiện trên tạp chí Văn mới gây được sự chú ý cho độc giả. Và, cũng qua Văn người đọc mới tìm kiếm Mai Thảo ở Tháng Giêng Cỏ Non, Bản Chúc Thư Trên Ngọn Ðỉnh Trời , mới đọc Doãn Quốc Sỹ ở Dòng Sông Định Mệnh, U Hoài, và bộ trường thiên Khu Rừng Lau. Nói một cách khách quan, thực sự trên mảnh đất báo Văn, nơi hứa hẹn cho lớp nhà văn trẻ, và cũng là nơi làm tăng thêm uy tín các nhà văn đã có sẵn địa vị.

Tờ Văn, anh Giao đảm nhận từ số 1 năm 1964 đến cuối năm 1971 với hơn 190 số báo thì ngưng. Anh rời khỏi tòa soạn với một lá thư gởi bạn đọc cùng ngỏ lời chia tay với những người viết trẻ. Sự ra đi của anh rất lặng lẽ. Tiếp tục công việc cho Văn, ông Nguyễn Ðình Vượng mời hai nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và Mai Thảo. Ông Mai Thảo là nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp. Ông đã làm Chủ bút Sáng Tạo, Kịch Ảnh, viết scénario cho phim ngoại quốc chiếu ở rạp, và đang làm báo Vấn Ðề ngưng lại để lo cho tờ Văn. Còn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, trước đây cộng tác Văn Học, sau qua Văn cùng với một nhóm trí thức trẻ có Hoàng Ngọc Biên, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ , Nguyễn Ðình Toàn.
Nhưng cũng từ sự thay đổi này, số lượng Văn phát hành dần trở nên sút giảm, một phần do tình hình chiến tranh và kinh tế miền Nam sa sút. Hơn một năm giữ vai trò phụ trách bài vở, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng vì bận công việc dạy học lại thôi, để một mình nhà văn Mai Thảo cáng đáng.
Nhà văn Mai Thảo một mình với tờ Văn, đã giữ được tới số cuối cùng, ngừng hẳn khi cuộc chiến miền Nam vừa đi tới giai đoạn kết thúc.
(Theo báo Người Việt)
(Nguồn : nguoitinhhuvo.wordpress.com)
Thảo luận
Không có bình luận