//
you're reading...
góp nhặt cát đá, Truyện ngắn

Cô gái xóm nghèo – Phan Du

Nhà văn Phan Du sinh ngày 1.5.1915 tại làng Phước Sơn, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông là con của tiến sĩ Phan Quang, em ruột GS. Phan Khoang. Nhiều tác phẩm của ông đã ấn hành tại miền Nam, như: “Cô gái xóm nghèo” (truyện, 1959), “Hai chậu lan Tố Tâm” (truyện, 1965), “Uất hận lên men” (truyện, 1964), “Truyện con người” (biên khảo, 1968), “Dinh Thầy” (truyện 1969), “Mộng kinh sư” (biên khảo, 1971), “Những quả cà chua” (1971), “Của báu nhà họ Vương” (1970), “Quảng Nam trong lịch sử” (1973, biên khảo), “Hang động mới” (truyện, 1970)… Trong các thể loại, Phan Du thành công hơn cả ở truyện ngắn. Ông từng đoạt giải thưởng về truyện ngắn của Trung tâm văn bút Phi Luật Tân với tập truyện “Hai chậu lan Tố Tâm”.  Trước năm 1975, ông cùng nhà văn Nguyễn Văn Xuân sáng lập Hội Khuyến học Đà Nẵng. Ông mất vào ngày 11.3.1983.

Cái ngày Lợi và Lộc chết, tôi còn nhớ là ở nhà xác ra, tôi thấy cần được nghỉ ngơi đôi chút trong sự yên tĩnh. Cái chết đột ngột tức tối của hai anh em Lợi và Lộc đã làm cho tinh thần tôi phải trải qua một cơn giao động quá mãnh liệt. Tôi thấy mất cả cái hứng đi chơi như mọi buổi chiều.

Lợi và Lộc là hai anh em sinh đôi cùng học lớp đệ nhị trường Quốc-học, con một thương gia ở Quảng Ngãi. Cả hai đều thông minh, hiếu học, lại giỏi về âm nhạc và các môn điền kinh. Thay phiên nhau đứng đầu lớp luôn, nên Lộc cũng như Lợi nắm chắc cái đậu trong tay ở kỳ thi sắp tới. Mới hôm trước, Lợi còn lại nhà rủ tôi đến chủ nhật cùng về Cửa Thuận tắm bể. Hai anh em Lợi trọ gần nhà tôi, hay qua lại mượn sách báo, nên chúng tôi quen nhau hiểu nhau. Sự thông cảm giữa ba tâm hồn son trẻ đã làm cho mối giao tình của chúng tôi càng ngày càng thêm nồng đậm. Suốt cả buổi chiều hôm ấy chúng tôi cùng trò chuyện không chán trước khi tôi lên xe ra Quảng Trị. Tôi còn nhớ Lộc ngồi bên bàn viết tôi, lưng tựa vào tường. Lợi thì nằm trên chiếc ghế vải cạnh đấy. Tôi còn nhớ cả cái khuôn mặt nhìn thẳng của Lộc và cái khuôn mặt nhìn nghiêng của Lợi. Cả hai gương mặt trắng trẻo ấy hơi xanh lại trong nguồn ánh sáng lọc qua đám lá mãng-cầu trước cửa sổ. Chúng tôi cùng bàn luận về chuyện thi cử sắp tới, về thời cuộc. Sau đó, Lợi còn cho tôi biết là mẹ anh lại nhắc đến chuyện hôn nhân mà Lộc cũng như Lợi đã từ chối nhiều lần. Lúc ra về, Lợi còn cẩn thận dặn tôi :

« Chiều mai anh nhé. Thế nào anh cũng phải đi với chúng em về Cửa Thuận. Có anh mới vui. »

Mới chiều hôm trước thì Lợi còn sờ sờ như thế đấy. Họ còn nói, còn cười, còn sống với những dự định rất gần gũi. Nhưng trưa hôm sau, vừa ở Quảng Trị về, tôi sửng sốt đến muốn ngất người đi khi được biết Lộc và Lợi đã chết rồi. Họ chết trong đêm. Chết đuối. Cả hai anh em rủ nhau đi tắm, rồi cả hai suy tính thế nào chả biết mà kéo nhau đi luôn, không buồn trở về nhà trọ, cũng chẳng màng đến việc thi cử nữa. Tôi không còn gặp họ ở nhà trọ mà phải gặp ở nhà xác. Nói là gặp mặt, chứ thực ra, tôi chỉ còn được nhìn hai cái xác lạnh tanh, nằm song song bên nhau, trên cái bệ xi-măng và được phủ kín bằng mấy lớp vải trắng, một màu trắng xanh lạnh. Mùi hương, trên bàn thờ tạm, toả ra rồi nhạt dần đi trong một thứ mùi gì là lạ. Cái leo lét nhún nhẩy của mấy ngọn đèn sáp, cái vàng ủng của ngọn đèn điện yếu ớt từ trên trần buồn rầu thòng xuống, thoi thóp trong ánh sáng ban ngày, cái lạnh lẽo toát ra từ bốn bức tường, từ nền xi-măng, từ chân bệ và có lẽ cả từ hai cái thi hài, hoà hợp lại, tạo nên cho nhà xác một sắc thái ma quái, cô quạnh, đìu hiu. Tôi cảm thấy xa biệt hẳn với cuộc sống ồ ạt bên ngoài, tuy ngay lúc ấy có rất đông người xúm xít trước sân và cái thế giới chật hẹp trong này chỉ cách thế giới ngoài kia có một bức tường dày không quá ba bốn tấc. Ở góc phòng, tôi còn thấy hai cái chăn bị vất trong một xó, một cái màu xám, một cái màu đỏ, nằm chèn nhau như hai cái thi hài trên bệ. Màu đỏ vốn tươi sáng lạc lõng vào đây, tự nhiên cũng đượm lây cả cái màu sắc u linh, như mấy búp sen xanh héo hắt trên bàn thờ và nổi bật bên cạnh chiếc sơ-mi trắng nhầu nát bỏ rơi trên cái chăn màu xám. Áo của Lộc hay của Lợi ? Thỉnh thoảng môt ngọn gió ở ngoài lọt vào, lướt khói hương và đạp ngã rạp mấy ngọn đèn sáp xuống mà đi. Gió khẽ rung động, phe phẩy những nếp xếp lơ lỏng của tấm vải bọc xác, như có một bàn tay bí mật nào muốn vén lên. Nhưng tấm vải chèn kỹ và căng thẳng quá. Hai cái xác trông như một, nếu hai vầng trán và bốn cái chân, ở hai đầu, không cộm lên. Qua một kẽ hở phía đầu hồi, ngay trên chiếc gối, mắt tôi bắt gặp cái màu đen của một mảng tóc. Và thế là hết. Thế là tất cả những gì tôi còn thấy được ở hai cái hình hài bị phủ kín của hai chàng trai tơ này. Vả lại tôi cũng không muốn thấy nhiều hơn nữa. Cái chết đột ngột oan uổng và cái quang cảnh của nhà xác làm cho lòng tôi ngổn ngấu không biết bao nhiêu là đau xót, thương tiếc, uất hận về cái lẽ sinh tử không theo một quy luật nào phải chăng cả. Nhất là cái nhà xác. Cái nhà xác chật chội, lạnh lẽo, khi nó lại được dùng làm khung cảnh cho cái chết của hai học sinh trẻ, nằm im trên bệ xi-măng kia, đã gieo vào lòng tôi một mối uất hận muôn thuở. Mối uất hận về sự tàn rụi nôn vội, vô lý của những cái gì son trẻ quá, xanh non quá, của những gì đang lên và còn nhiều hứa hẹn. Tự nhiên tôi nghe như bốn bức tường trần truồng và cả cái không khí tù uất, nặng nề và nồng nặc cả mùi tử khí đè nặng lên người tôi. Ngạt thở, tôi bước vội ra, chạy vội trở về với cái sáng sủa khoáng đạt, rộn rịp ở ngoài kia. Tôi lao mình trở vào cõi sống như một con cá sắp ngất trên cạn, lao mình vào hồ nước vậy.

– Chị quên hôm nay là ngày thứ bảy à. Tuần nào tối thứ bảy, em cũng đi xi-nê, để sáng chủ nhật tha hồ mà ngủ trưa. Tối nay ở rạp Nguyễn Văn Yến lại chiếu phim « Công chúa Mỵ Cơ » mới thú chứ. Phim này mà bỏ qua là uổng lắm. Michiko Kyo đóng vai chính đấy nhé.

– Thế thì tối lại nhà rủ mình đi với. Có nhất định không nào ? Ngoéo tay này.

Mấy câu nói và những tiếng cười khúc khích của hai nữ sinh đi bên cạnh tôi, lúc qua cầu Tràng Tiền, vụt kéo tôi ra khỏi những phút nghĩ ngợi liên miên về cái chết của Lợi và Lộc. Không phải là chuyện đi xi-nê, cũng không phải là phim « Công chúa Mỵ Cơ » hay cái tên quen thuộc của cô đào Nhật có một tài nghệ chắc chắn và một sắc đẹp mê hồn khiến tôi chú ý. Nhưng là hai tiếng « thứ bảy ». Phải, một danh từ chỉ định một ngày trong tuần, có thế thôi. Nhưng ngay lúc này, tự nhiên trí tôi lại bắt chợp được mối liên hệ giữa nó với một công việc đáng nhớ. Một công việc có dính dáng nhiều đến những kẻ vừa khuất mặt. Tôi nhớ tới một số thiếu niên nghèo, trong một xóm nghèo ở Cầu Đất. Tôi nhớ tới một lớp học mà tôi tạm gọi là lớp học gia đình. Tôi còn nhớ một cách tỉ mỉ hơn. Tôi nhớ tới một mái tranh quen thuộc, một ngọn đèn toạ đăng, một cái bàn gỗ tạp và trên mươi em thiếu niên, đang ngồi hoặc đứng. Lúc này, có lẽ chúng đang mong chờ vì là tối thứ bảy. Cũng như tối thứ năm, tối nay chúng đang chờ. Chúng chờ hai anh em Lợi và Lộc. Tôi biết rõ là chúng đang chờ. Không phải là vì lòng ham học, mà còn vì cái lòng mến yêu, trìu mến hai người bạn trẻ của tôi.

Trước kia, khi chưa lên ở gần nhà tôi tại Nam Giao, Lợi và Lộc đã trọ tại nhà một cụ già ở Cầu Đất, bà Tư, trong một xóm nghèo có nhiều em thất học. Ở đây, có một số thiếu niên rất thông minh, nhưng vì gia đình túng thiếu, chỉ theo học các lớp Bình dân học vụ rồi phải nghỉ. Hai anh em Lợi thương tình, những lúc rảnh, thường khuyến khích bày vẽ thêm cho. Trẻ em trong xóm, những đứa ham học thêm, tối nào cũng kéo đến nhà bà Tư. Chúng quyến luyến Lợi và Lộc như anh ruột vậy. Cha mẹ chúng cũng hết sức quý mến hai anh em nhà này. Về sau, vì cần ở gần trường, Lợi và Lộc buộc lòng phải dời chỗ trọ. Không nỡ để cho đám thiếu niên này buồn khổ và gián đoạn việc học hành, nên dầu ở xa, hai anh em Lợi vẫn thay phiên nhau, mỗi tuần trở về với chúng hai đêm.

Đã mấy tháng nay, Lộc và Lợi không hề bỏ quên một đêm nào. Nếu có việc gì cần thì Lợi lại qua năn nỉ nhờ tôi đi thế. Tiếp xúc đám thiếu niên này, cũng như cha mẹ chúng mấy lần, tôi mới hiểu vì sao mà Lợi và Lộc không nỡ rời bỏ chúng và không quản ngại khó nhọc như vậy. Tôi nhận thấy được tất cả cái sức cố kết, cái không khí hoà vui dễ chịu giữa người với người, khi người ta biết sống trong tinh thần xây dựng, yêu thương. Cũng vì vậy mà khi nhớ đến đám trẻ em ở Cầu Đất, nghĩ đến lớp học đêm ở nhà bà Tư, tôi thấy có cả một bổn phận đối với chúng cũng như với hai người bạn vừa chết. Tôi phải báo cái tin này, cái tang đau đớn này với chúng và cha mẹ chúng. Ở giữa cái đất phồn hoa rộn rịp, lạ cảnh lạ người, đối với Lợi và Lộc, hai học sinh từ xa đến, tưởng không còn ai thân hơn là đám trẻ em ở cái xóm nghèo kia. Nếu những giọt nước mắt chân thành quả thực đã làm an thỏa được vong linh người chết thì chính phải là những giọt nước mắt của chúng.

Điện đường bật sáng từ lâu. Tôi bương bả mà đi, xem như trễ phút nào là có lỗi lớn với tình bạn phút ấy. Đến nơi, tôi vào ngay nhà bà Tư. Vừa tới đầu sân, tôi bỗng dừng lại, vì nghe có những tiếng cãi nhau từ bên trong đưa ra :

– Đêm nay chắc là anh Lộc xuống.

– Không phải, anh Lợi chứ. Anh Lộc xuống đêm thứ ba kia mà.

– Nhưng anh Lộc hứa xuống đây nữa.

Tôi nhận rõ giọng nói của Liên – con gái bà Tư – ở câu sau cùng. Qua khung cửa sổ, tôi thấy Liên đang ngồi cúi mặt xuống, tẩy một vết mực trong vở. Theo những cử động của bàn tay, đầu và mình Liên cũng rung chuyển. Mái tóc bỏ xoã từ hai vai trụt lần ra phía trước, phủ kín cả mặt. Liên làm công việc này một cách vội vàng và bảo Nam, một em bé độ mười ba tuổi, đứng bên cạnh :

– Thằng em tao nó ác quá. Lấy vở người ta xem rồi làm bẩn thế này. Lát nữa, anh Lộc anh ấy cự cho chết. Tẩy nhanh chứ không thì anh ấy xuống bây giờ. Tao lo quá Nam ạ.

Trong số học sinh lớp này, Liên lớn hơn cả. Nàng vừa được mười sáu tuổi, ở cái Tết vừa qua. Nhà nghèo, cha chết sớm, sống với mẹ già, Liên phải chật vật vì công ăn việc làm, nhưng lại rất ham học. Đêm về, lúc rảnh, Liên thường tìm đủ cách để học thêm. Nhờ Lợi và Lộc bày vẽ ngay từ lúc còn trọ ở nhà này, Liên lại thông minh, chăm chỉ, nên sức học của Liên hiện đã tương đương với lớp nhất. Liên rất vui tính. Không đẹp lắm, nhưng Liên lại rất có duyên. Một thứ duyên thầm kín, quyến rũ. Nhí nhảnh nhưng thuỳ mị, dịu hiền và nhút nhát như một con thỏ bạch, Liên được Lợi, Lộc cũng như tôi thương yêu như một cô em gái. Những dịp gần gũi, chúng tôi hết lòng bày vẽ cho Liên và nàng cũng trìu mến, tin cẩn chúng tôi như anh em ruột vậy.

Liên đang tẩy, bỗng ngừng lại. Bảo kêu lên :

– Ấy chết, vừa vừa chứ. Chị tẩy mạnh quá lại rách cả giấy. Anh Lộc chứ có phải anh Lợi đâu mà đâm hoảng lên. Anh Lộc không nóng tính.

Thạnh vừa loay hoay xếp chiếc ghe giấy, vừa góp lời :

– Ừ, nghĩ cũng lạ. Anh em sinh đôi mà khác tính nhau. Anh Lộc hiền hậu đằm tính hơn, bình dân hơn, cũng ít chưng diện hơn anh Lợi. Mình làm bài sai, anh Lộc chỉ la rầy thôi chứ không nổi nóng như anh Lợi. Em đến khiếp cái lối cốc như búa bổ và lối beo tai của ông tướng nhà trời. Đau quá. Nhưng nói thế chứ anh nào mình cũng mến cả. À chị Liên này, thằng Mẹo nó bảo tối nay nó không đến học đấy.

Liên ngẩng lên :

– Nó đau à ?

– Nó đau với ba con ve sầu và mấy trái bắp nướng ở ngoài trụ điện ấy.

– Sao em không dỗ nó đi học. Chúng mình mà học là một cái may. Anh Lộc, anh Lợi ở xa thế mà còn chịu khó về bày vẽ ; mình không học là uổng lắm.

Bảo ngắt lời :

– Thằng Thạnh nó nói tào lao đấy. Mẹo tối nay phải bán bắp nướng thế cho mẹ nó chứ nó có ham chơi đâu. Mẹ nó ốm… Nhưng đến bây giờ chưa thấy anh nào xuống cả.

Chung quanh cái bàn lớn, dưới ánh sáng của ngọn tọa đăng, cả bọn trẻ quây quần, xúm xít, vui vẻ sửa soạn sách vở và có ý mong chờ.

Đứng nhìn cái cảnh tượng ấy và nghĩ tới hai cái thi hài chưa kịp liệm ở nhà xác, tôi cám cảnh đến ứa nước mắt. Cái tin tôi sắp đưa ra giữa đám trẻ này thật chẳng khác gì quả bom nguyên tử ném vào giữa cảnh thanh bình. Mà tôi thì làm gì có được cái nhẫn tâm của hạng người thích dội bom nguyên tử. Tôi không có can đảm. Thật là tôi không có đủ can đảm để làm tan vỡ cảnh yên vui và sự tin tưởng ở những gì tốt đẹp tối thiểu của cuộc đời, trong lòng đám thiếu nhi nghèo khổ này. Tôi chần chờ mãi trong bóng tối nửa muốn mạnh dạn bước vào nói rõ sự thực, nửa muốn rút lui. Bỗng có tiếng reo lên :

– Ai như các anh ấy đến ngoài cửa.

Rồi cùng một lúc, ba bốn em chạy vội ra. Tuy sân bị khuất ánh đèn, chúng cũng nhận ra tôi :

– À anh Hoàng đây rồi ! Mấy anh kia không qua sao ? Chúng em trông sốt cả ruột.

Tôi nghe quay quắt trong lòng. Không thể nói sự thực ngay lúc này, tôi đành phải liệu bề giấu diếm. Lau vội nước mắt, tôi cố dọn lại bộ mặt vui tươi. Rồi tôi bước vào bảo các em :

– Đêm nay anh Lợi cũng như anh Lộc vì bận quá không qua được, anh phải đi thế. Các em bằng lòng chứ ? Cô Liên nữa, thế nào ?

Cả bọn cười. Liên cũng cười. Lớp học bắt đầu. Không nghi kỵ gì, Liên cũng như các em vui vẻ làm bài, nghe giảng bài. Và sau cùng đến giờ nghỉ, chúng xúm lại quanh tôi. Liên hỏi :

– Các anh bận gì thế ?

Tôi ngập ngừng. Nhưng rồi tôi lại phải nói dối :

– Bận học bài thi.

– Phải rồi. Hôm trước em cũng có nghe anh Lộc nói là kỳ thi sắp tới. Chắc anh ấy bận lắm.

Nghĩ rằng cái sự thực này khó mà giấu lâu được, đã mấy lần tôi định đánh bạo nói toạc ra, hầu thoát khỏi nỗi khó chịu vì phải tìm cách nói dối mãi. Nhưng cứ tưởng tượng đến tình trạng bi đát của đám trẻ này, một khi tiếng sét kia đã nổ, tôi càng thấy ngại ngùng, không dám rỉ hơi. Tôi lại tự khất với lòng tôi :

« Thôi để lần khác. Chờ đêm học sau vậy. »

Thế rồi, như một anh chàng túng tiền hẹn nợ, tôi kéo dài cái kế hoãn binh này ra có trên hai tuần lễ, nghĩa là qua sáu đêm học. Cứ mỗi bận ở nhà ra đi, tôi quyết định là phải nói sự thực. Tôi còn mong rằng cái tin kia đã được đồn đến tai các em hơn là chính tôi phải nói. Việc đó cũng rất có thể. Cũng chính thế mà, mỗi đêm khi đi dạy, lúc gần tới nhà bà Tư, lòng tôi hồi hộp vô cùng. Nhưng rồi khi thấy Liên, cũng như bà Tư và tất cả các em khác trong lớp, vẫn vui vẻ, săn đón hỏi han về Lợi và Lộc, tôi lại yên tâm và cố tình để lùi cái việc báo tin qua một ngày khác.

Vả lại, sau mấy tuần dạy dỗ, tôi còn thấy một lý do khác để cần giấu kín, được ngày nào hay ngày ấy, cái tang đau đớn kia. Tôi nhận thấy ở lớp học đêm này, một công tích xã hội rất có ý nghĩa. Nếu Lợi và Lộc, hai học sinh ưu tú với cái công trình học hỏi lâu nay, đã góp phần vào cuộc sống được một cái gì ích lợi thiết thực đáng kể, thì chính là cái lớp học này. Một thành tích hết sức nhỏ mọn, theo quan niệm thông thường, nhưng mà hết sức chân thành. Ở giữa một cuộc sống mà người với người, vì tham vọng, chỉ biết cắn xé nhau, đạp bừa lên nhân tình, nhân nghĩa mà đi, thì cái việc làm nhỏ mọn nhưng đầy tình yêu thương này há chẳng đáng quý giá, trân trọng như những suối nước mát ngọt giữa bãi sa mạc nóng bỏng hay sao ? Với nó, mặc dầu phải chết giữa cái tuổi xuân xanh hơ hớ, giữa cái đời học trò, Lộc và Lợi vẫn không phải ra đi với hai bàn tay trắng. Sự sống của họ đã có một đôi chút ý nghĩa nào rồi. Tôi còn muốn nói là rất nhiều ý nghĩa, nếu người ta biết đánh giá những công tích xã hội, ở cái tính chất chân thành và cái tác dụng thiết thực của nó hơn là ở những nhãn hiệu huy hoàng, to tát mà rỗng không. Và là bạn, tại sao tôi lại không biết nhận thấy, ở sự kế tục, bảo toàn cái công việc tầm thường này, một bổn phận và một vinh dự lớn. Hơn nữa, ở những giờ phút sinh hoạt với đám trẻ em, mặc dầu với những ấn tượng mà tâm não tôi đã thu nhận ngay trong nhà xác hôm nào, tôi vẫn có cảm tưởng như là Lợi và Lộc chưa chết. Họ còn sống, cũng như tôi vậy, giữa đám thiếu niên nghèo nàn, ham học kia. Và tôi không có quyền làm cho họ chết.

Cũng may là cái xóm nghèo này gần như cách biệt hẳn với thành phố nên đã mấy tuần qua, cái chết của hai học sinh, xảy ra gần cầu Bạch Hổ, vẫn chưa có tiếng vang nào đến đây cả.

Thế rồi đến một buổi chiều, nhân có việc phải đi ngang qua nhà bà Tư, tôi gặp Liên đứng trước ngõ. Vừa thấy tôi, Liên mừng rỡ, gọi tôi rối rít :

– Anh Hoàng ! Anh Hoàng ! Anh đi đâu thế ? Ghé nhà em chơi đã.

Tôi vừa xuống xe, Liên đã lại nói tiếp :

– Em có một việc muốn hỏi anh.

Tôi lo ngại :

– Liên định hỏi việc gì ?

– Anh Hoàng này, hình như anh có điều gì muốn giấu chúng em. Em hỏi thiệt có phải…

Tim tôi đập mạnh. Nhưng rồi tôi lại hoàn hồn ngay khi Liên nói tiếp :

– Có phải anh Lộc… À, có phải hai anh ấy đau không ? Nếu không thì sao lâu quá thế, dầu có bận học bài thi ? Có đau thì anh nói thực để mạ em và em qua thăm chứ.

Giọng nói chân thành và vẻ âu lo hiện trên gương mặt thùy mị của Liên lúc ấy làm cho tôi cảm thấy mình đã tàn nhẫn quá. Tự nhiên tôi muốn cho Liên biết sự thực. Tôi bảo :

– Này Liên, anh nói cho Liên biết sự thực nhé. Nhưng có chịu hứa với anh… một điều không ?

Mắt Liên chớp nhanh, nàng tỏ vẻ nôn nóng :

– Em hứa… Nhưng thế nào, anh nói cho em nghe đi. Nói đi…

– Liên đừng cho các em khác biết, chúng buồn tội nghiệp.

Tôi đưa tay chậm rãi và thân mật gỡ một chiếc lá khô vướng trên mái tóc Liên để có thì giờ nghĩ kỹ những lời sắp nói. Tôi cương quyết không yếu đuối lần này. Nhưng rồi, trước cái vẻ băn khoăn của Liên, tôi lại phải nói dối, và khéo nói dối hơn cả các lần trước :

– Cả hai người chả ai đau ốm cả. Nhưng vừa rồi… được tin… bà mẹ cảm nặng, Lợi và Lộc phải về gấp và nhờ anh thay thế bày vẽ cho các em. Cũng hết nghỉ hè họ mới trở ra.

– Thế các anh ấy bỏ thi à ?

– Bỏ thi.

Liên thở dài, đưa ngón chân cái ấn sâu xuống mặt đất rồi đứng im lặng. Được một lúc nàng ngẩng lên, tôi lại thấy cặp mắt Liên chớp nhanh. Liên bảo tôi :

– Anh vào nhà chơi đi. Có mạ em ở trong ấy.

Theo Liên tôi vào. Vừa đi, Liên vừa chỉ lên những chùm vải lồng trên cây, nói với tôi :

– Thế mà mạ em lo lồng vải để dành cho các anh đấy. Bây giờ anh Lộc, anh Lợi đều đã về xứ cả. Nhưng tại sao anh không cho biết sớm ?

Vào nhà, Liên rót nước mời tôi. Trong lúc tôi ngồi nói chuyện với bà Tư, Liên bỏ xuống nhà dưới. Được một lúc, vì hết thuốc hút, bà Tư lên tiếng gọi. Nhưng không thấy Liên, chỉ thấy đứa em chạy lên nói nhỏ cùng bà mẹ :

– Chị Liên chóng mặt đi nằm rồi.

Bà Tư phàn nàn :

– Con ấy mới đấy mà đã ngộ gió máy gì rồi. Khổ quá.

Nhưng đến lúc tôi ra về, vừa đến ngõ, thì Liên lại chạy vội theo gọi tôi :

– Anh Hoàng ! Cho em nói cái này chút.

Tôi dừng lại, quay nhìn Liên. Bỗng tôi sửng sốt. Mới cách có mấy phút thôi, trông Liên đã khác hẳn đi. Nàng có vẻ bơ phờ như vừa qua một cơn sốt vậy. Tôi hỏi :

– Liên sao thế ?

– Em có sao đâu. Này, anh. Anh trở xuống chứ ? Anh xuống với chúng em mãi cho đến lúc anh Lộc… và anh Lợi ra chứ ?

– Lẽ cố nhiên.

Liên lại nhìn tôi bằng một cái nhìn khác thường khiến tôi phải chú ý. Tôi cảm thấy Liên nhìn một người nào qua tôi hơn là nhìn tôi. Tự nhiên tôi hiểu cả. Cái nhìn là lạ, cái nhìn có gợn một thứ sóng mắt ngại ngùng mà tôi được thấy lần đầu tiên, ở người con gái thanh tân này, đã tiết lộ với tôi một cái gì rồi đây. Tôi biết vì sao mà Liên cần sự có mặt của tôi, cần gần gũi tôi trong những ngày sắp đến. Những người quen thân với Lộc và Lợi nhất là Liên được biết, còn ai ngoài tôi nữa. Tôi thấy tôi là một cái điểm bám víu cho một con thuyền đang chới với giữa dòng. Tôi như vừa bắt chợp được qua cặp mắt ấy, một cái gì chớm nở, một sự chuyển cánh nhè nhẹ, một lằn xao dợn đầu tiên của mặt hồ im vừa gặp gió sớm. Chỉ có thế thôi. Nhưng vì Liên, tôi đã nghe chết điếng cả lòng.

Tôi đi đã xa, nhưng Liên vẫn còn đứng yên trước ngõ. Hàng ngàn cánh ve, từ trong những vòm lá xanh uể oải gội nắng chiều, ngân lên rộn rã một khúc nhạc sầu. Gió nam thổi rạp cả bờ cây, thổi tung cả tà áo và mái tóc của người con gái đáng thương. Nhìn lại bóng Liên ở xa, tôi chắc Liên còn ngó theo tôi. Nàng ngó theo – qua bóng tôi – một bóng người nào khác. Một người đã chết rồi nhưng Liên thì vẫn đinh ninh là còn sống. Một sự lạ là ngay chính tôi, giữa lúc này, tôi cũng có cảm tưởng y như là hai anh em Lộc chỉ về quê thăm nhà mà thôi.

(Nguồn : vietmessenger.com)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: