Cho đến bây giờ, cả linh hồn và thể xác cô tôi đều cô đơn. Cô tôi sống và chết vẫn một mình, rất một mình. Không ai chối cãi nấm mồ chôn trên bãi cát hoang vắng miền quê xứ Hội An, lại có hy vọng chưa biết sầu hiu quạnh?
Đáng lẽ chết đi, cô tôi phải được an táng một cách cầu kỳ, chẳng hạn mộ phần nằm uy nghi trên đỉnh núi Đá Bạc, cạnh ngôi mộ của ông tôi. Ôi! Thừa Thiên, Hương Thủy, Đá Bạc, Truồi, Nong.., những âm thanh gần gũi và xa xôi, trầm mà không lạnh, khô khan mà lưu luyến tự bao giờ.
Nhưng dòng họ tôi ngày nay đã suy tàn. Những ai còn sống vất vả vì nỗi đời cơ cực, không còn thì giờ và tiền bạc tìm một nơi an nghỉ nghìn thu thật đẹp, thật phiêu diêu cho người về thiên cổ.
***
Ngày tuổi nhỏ, những mùa hè nghỉ học, chúng tôi thường sống bên cô. Ngồi nhà ba gian, khu vườn xanh cây cỏ, thực sự quá lớn và quá rộng đối với một người đàn bà đang tuổi xuân.
Về sau, cô tôi nhận một chú bé vẫn gọi bằng dì làm con nuôi. Chú bé chưa đầy mười tuổi đã tỏ ra thông minh lạ thường. Bao nhiêu liễn, đối treo trong nhà, chú bé đều thuộc mặt chữ, và đọc thuộc cả những bài thơ tận túy của Lý Bạch.
Hồi ấy, ông Nguyễn Mạnh Tường từ Pháp vừa về nước. Ông Tường ngoài hai mươi tuổi đổ hai cấp bằng : tiến sĩ văn khoa và tiến sĩ luật khoa. Ngày trở về của ông là một xôn xao cho những ai chưa chồng ước mơ trang cát sĩ. Nghe cô tôi và bạn hữu bàn tán, chú bé đến một bên vòng tay thưa : “Mạ ơi! Khi nào con lớn, con cũng học giỏi như ông Tường.” Từ đấy, mọi người trong nhà vui miệng gọi chú bé là ông Nghè tí hon.
Tôi có hai người cô. Cô thứ hai đầy đủ tác phong của người em vườn Thúy, khuôn trăng đầy đặn, vừa đôi tám đã vui vẻ bên chồng, hạnh phúc bên con. Chỉ riêng người chị cả trong gia đình là lận đận. Có phải từ xa xưa, tài sắc vẫn đố kỵ với trời xanh chăng ?
Chỉ biết cuộc tình duyên của cô tôi cũng bắt đầu bằng hình ảnh trang phong lưu cỡi con ngựa bạch, giống như Kim Trọng lỏng buông tay khấu lần dặm băng chào đón vẻ e lệ của nàng Kiều.
Quan phong lưu đó là quan Án Sát trong tỉnh. Quan Án còn trẻ, đẹp trai và đa tình. Quan Án gặp cô tôi tại nhà quan Công Sứ, rồi khởi sự một hành trình thật vô định trong tình yêu. Chả bao lâu quan Án vinh thăng Nam Nghĩa Tổng Đốc. Uy quyền bao quát một vùng dân cư, mỗi bước chân đi óng ánh hào quang phú quí.
Trời đã chọn bàn tay quyền thế của ta mà gởi kho vàng, trời cũng đã chọn trái tim đa tình của ta mà gởi niềm đắm đuối. Bằng một tâm trạng mang mang như thế, đêm kia quan Tổng Đốc ghé lại nhà cô tôi. Không có bụi đường lấm áo phong sương, và những bước chân mòn đá sỏi. Không có nỗi buồn sông núi nhập vào hồn lữ khách. Không có đàn địch thật mê tơi, đào nương thật lơi lả.
Chỉ có ngôi nhà ba gian, và người đàn bà ngủ một mình giữa đêm xuân. Người đàn bà không uyển chuyển như những cây hoa nhảy múa một vũ khúc ngây ngất hương trà.
Chỉ có một cây đàn tranh, và mười ngón tay lướt nhẹ trên dây cầm sắt. Người đàn bà dạo qua vài khúc Nam ai, Nam bình và hát rất khẽ, vừa đủ cho một người nghe : “Kìa núi Ngự, sông Hương… có thú chi… ” Ngồi giữa phản gõ, xếp bàn lại và gảy đàn tranh vốn là một thói quen tao nhã, một kiểu cách trong gia đình quyền quí. Cho nên tiếng đàn không cần thật ngọt, mười ngón tay gảy đàn không cần thật mềm, thật uốn nắn. Trước sau chỉ là một nghi lễ, một điểm trang cho khung cảnh kỳ ngộ thêm phấn khởi và mời gọi.
Thế rồi mười ngón tay có móng nhọn và cong vút, rất êm ái mời khách dùng bánh nậm, bánh bò đặc biệt xứ Huế, chè hạt sen cánh gián và những ly rượu dâu, không say sưa ai nhưng cũng đủ nồng nàn.
Khách uống rượu như uống hạnh phúc vào lòng. Khách nhìn qua sắc rượu, mái tóc nào còn phất phơ vừng trán, bàn tay nào còn ngại ngùng che nửa mặt hoa. Khách nắm lấy bàn tay, ngập ngừng kể lể :
– Em à, anh không vui sướng gì đâu… Anh có vợ, nhưng người vợ này do gia đình ràng buộc. Anh không yêu vợ, anh thề chỉ yêu em. Địa vị của anh, vàng bạc, châu báu của anh, cưới bao nhiêu lại không được ? Khổ một nỗi, anh là người có đạo. Anh không có quyền cưới hai vợ, dù rất yêu em, dù rất muốn em về chung sống ngay giờ này, ngay phút này…
Nhưng em hãy an tâm. Vợ anh thật mảnh khảnh, bao nhiêu ngày tháng đau ốm, xanh xao. Anh không muốn mang tội giết vợ. Nhưng trong thâm tâm, anh vẫn ước mơ người vợ bệnh hoạn sớm từ giã cõi đời. Anh nghĩ rằng ước mơ không hão huyền, vì vợ anh yếu quá, rõ ràng là yểu mệnh, rõ ràng là ngọn đèn sắp tắt giữa gió lay. Và một ngày không xa lắm, anh sẽ long trọng rước em về làm vợ. Em sẽ là mệnh phụ, em hãy chờ anh…
Người đàn bà không nói, chỉ cúi đầu im lặng. Nhưng bây giờ và ở đây, im lặng có nghĩa là bằng lòng. Bởi vì đã lỡ làng tất cả. Hồn cô độc chưa thờ một chúa, nay yêu một người, ai còn nỡ so đo? Không bằng lòng chờ đợi, thời gian vẫn trôi đi. Ngày đi, tháng đi, năm đi và mối tình dang dở chắc gì nhờ liều thuốc thời gian mà quên lãng được ?
“Em sẽ là mệnh phụ, em hãy chờ anh”. Mệnh phụ là đàn bà vì chồng làm quan mà có tước phong. Không phân biệt chánh tòng văn võ, hễ nhất phẩm, nhị phẩm gọi là phu nhân, tam phẩm gọi là thục nhân, tứ phẩm gọi là cung nhân… Áo gấm của mệnh phụ vợ quan Thượng Thư, Tổng Đốc rất cách biệt với áo gấm những bà Huyện, bà Phủ… Bởi vì người chưa chắc đẹp hơn áo, nên áo cần đẹp hơn người. Nhìn chiếc khóa vàng là biết được châu báu buộc vào xiêm, nhìn mảnh gấm bên ngoài là biết được của trân bảo ấp in trên ngực. Ngày không xa lắm, người ngọc sẽ lấy chồng cho xứng tấm chồng, sẽ khoác lên thân thể nghìn vàng chiếc áo hào hoa…
Thế rồi từ đấy, ngôi nhà ba gian, khu vườn xanh cỏ tương đối không quá lớn và quá rộng, vì thỉnh thoảng lại phảng phất bóng dáng người đàn ông bên người đàn bà. Cũng từ đấy, những đêm rằm hoặc mùng một, cô tôi thắp hương khấn vái giữa trời. Mãi sau nầy, khi đã biết suy nghĩ, tôi vẫn không thể nghĩ rằng cô tôi cầu khẩn những gì ? Hạnh phúc tươi sáng trong tương lai ? Một nhịp thở bình yên trong cuộc sống ?
Đối với người cô, hạnh phúc đây là trăm năm hạnh phúc. Khi cánh chim cao bay là quan Tổng Đốc ngày mai trìu mến dừng lại trên suối tóc, trong vòng tay người yêu dấu. Nhưng hạnh phúc không đậu hoài một chỗ, cũng như chim hãy còn bay, hãy cứ bay. Cũng khó tìm một nhịp thở bình yên được. Tình yêu trắc trở và đam mê, nhịp thở chỉ có thể gấp rút, sôi nổi. Mộng đã không bình thường, nên cô tôi có giây phút nào yên ổn đâu ? Nhất là ánh sáng trong đời sống một người lại can hệ đến bóng tối trong cuộc đời người khác. Đôi mắt cô tôi mở to và nhìn thẳng, khi đôi mắt bà vợ quan Tổng Đốc vĩnh viễn khép lại. Cô tôi muốn êm đềm bên quan Tổng Đốc, phải cầu khẩn cho người vợ yểu mệnh kia sớm từ trần ? Mô Phật ! Tôi không dám nghĩ như thế…
Một ngày mùa hạ, cô tôi lặng lẽ đem cái áo ra phơi. Áo này là áo gấm thêu kim tuyến, lại óng ánh bảy màu như bảy sắc mây trời những hoàng hôn ngựa uốn cầu vồng lụa. Áo này là “nhất thể gia kim”, dành riêng cho vợ quan lớn. Cũng là đàn bà, nhưng bà Huyện, bà Phủ không được quyền mặc áo gấm “nhất thể gia kim”. Giống như cũng là đàn ông, nhưng binh nhì không được phép mang ngôi sao của đại tướng.
Cô tôi nâng niu vạt áo, bằng hình ảnh đài trang của tay ngọc cầm ngà. Cô tôi gìn giữ màu áo như ôm ấp một hoài bão. Như tưởng tượng một giấc mơ. Bởi vì ngay lúc ấy, cô tôi không chính thức là vợ quan lớn. Mặc áo “nhất thể gia kim” thiên hạ sẽ dị nghị, luật pháp sẽ nhốt vào vòng lao lý chưa biết chừng… Rồi những ngày tiếp theo, những mùa hè tiếp theo. Khi nắng mai nhảy múa trên ngọn cây, cô tôi thường đem áo ra phơi, xế chiều cẩn thận xếp vào ngăn tủ.
Một hôm chú bé nổi tiếng là ông Nghè tí hon nằng nặc đòi mặc áo gấm. Chú vừa dậm chân xuống đất vừa khóc nức nở. Chiếc áo của cô tôi đắc giá như bảo vật, mong manh như kỷ niệm, mê ảo như huyền thoại, sao có thể vui lòng trẻ con được ? Cho chú bé mặc áo, rồi bé cao hứng chạy nhảy hoặc nghịch đất. Áo sẽ tả tơi như giấc mộng mệnh phụ lập tức tan vỡ. Đòi hỏi mãi không được, chú bé tỏ ra biết điều, vòng tay thưa : “Mạ ơi ! Khi mô con lớn, mạ cho con mặc áo gấm hỉ ?”
Cô tôi không nói, thoáng buồn nhìn chú bé. Rồi lại nhìn tôi và mỉm cười : “Cháu có tay đăng quyền, sau này sẽ làm quan. Bác Huyện Bảy khi xem địa lý khuyên nên chôn mộ ông trên đỉnh núi Đá Bạc, cũng bảo trước sẽ ‘kết’ vào tuổi cô và tuổi cháu.” Lúc ấy, tôi không hiểu bàn tay đăng quyền xấu xí hoặc đẹp đẽ ra sao ? Không hiểu nấm mồ chôn trên núi sẽ “kết” vào tuổi cô hoặc tuổi tôi là thế nào ? Dường như cô cũng không cần tôi hiểu. Cô nói để hứa hẹn, để than thở với chính mình. Tuy nhiên, thấy cô cười tôi cũng cười theo, hồn nhiên hơn bao giờ hết.
Mười lăm năm qua, tôi lại gặp cô tôi tại một ngôi chùa lẻ loi gần nghĩa địa. Mười lăm năm về trước và mười lăm năm về sau, cuộc đời và kiếp người quả thật thay đổi. Tôi đã lớn và cô tôi già rồi. Mái tóc cô không còn xanh như mây trời buổi sáng, cũng không bạc xóa như núi tuyết buổi chiều, vì cô đã xuống tóc, đã đi tu.
Chú bé nổi tiếng là ông Nghè tí hon xưa kia có vợ, ba đứa con. Chú không thi đỗ hai cấp bằng tiến sĩ văn khoa và tiến sĩ luật khoa, chỉ thi … rớt trung học để nhất cấp, xin làm thư ký công nhật. Cuộc đời thư ký bận bịu gia đình, không thể thường xuyên săn sóc người mẹ nuôi, từng thương mến từ ấu thơ.
Một sụp đổ trầm trọng nhất, thê thảm nhất đối với cô tôi là hình ảnh điêu tàn của giấc mơ mệnh phụ. Người vợ yểu mệnh của quan Tổng Đốc vẫn còn sống, vẫn kéo dài những chuỗi ngày xanh xao. Riêng quan Tổng Đốc và con trai bị thủ tiêu từ đêm đầu tiên cuộc chính biến năm 1945. Mấy năm sau thân nhân mới tìm ra hài cốt quan Tổng Đốc vùi lấp dưới hố, cùng với nắm xương khô của quan cựu Thượng Thư họ Phạm.
Gặp tôi, người cô khốn khổ ngậm ngùi bảo :
– Cháu à, cháu cố gắng lên. Mộ ông chôn trên đỉnh núi Đá Bạc gần “kết” rồi đó. Đời cô muộn màng, chắc tuổi của cháu thế nào cũng hưng vượng… Ngày tuổi nhỏ cháu khá thông minh, chín tháng đã bập bẹ biết nói. Giáp thôi nôi, cháu không bốc cục xôi mà lại bốc cây bút. Tay cháu là tay đăng quyền…
Tôi ở lại với cô hai ngày tại ngôi chùa u nhã kia. Tôi ngạc nhiên thấy cô quá già, sức đã tàn, vẫn kiên nhẫn thức giấc từ tinh sương. Cô tôi quỳ bên bàn Phật, mắt lim dim, và tụng niệm đến xé trưa mới xong buổi công phu. Hai bàn tay có chắp lại để lạy Phật, thỉnh thoảng giang ra phía trước như mời gọi những âm thanh từ cõi hư vô nào. Những âm thanh nhịp nhàng và không buồn tẻ, thật huyền bí và bay cao. Rất cao. Tôi lắng nghe không nhớ hết. Chỉ nhớ văng vẳng vài câu : Nguyện sanh Tây Phương tịnh độ trung, cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu”…
Văn chương trong kinh kệ, nói rõ hơn, văn tả cảnh của người xưa thật thu hút. Ôi ! Nguyện sinh về cõi Tây Phương, với “chín phẩm hoa sen là cha mẹ”. Còn gì thanh thoát, còn gì tươi sáng và diễm lệ hơn.. Và tình người tục lụy hòa lẫn khói hương càng trở nên kỳ ảo, vương vấn, đôn hậu mà vẫn si mê.
Có phải người đàn bà hơn một lần tuyệt vọng vì giấc mơ mệnh phụ, đã nương tựa câu kinh lời kệ, giọt nước cành dương nhưng không hẳn muốn tắt lửa lòng. Chỉ cậy nhờ bóng khỏi để mơ màng một ảo ảnh thiên đường.
Giấc mơ thật chập chờn, khó thực hiện, nhưng cũng khó biết đích thực đã tan vỡ hay chưa ? May ra khi chết…
Một ngạc nhiên thật cảm động đến với tôi. Tình cờ, tôi thấy chiếc áo gấm “nhất thể gia kim” ngày nào vẫn nguyên vẹn, vẫn lộng lẫy trong tủ áo của cô. Bên cạnh là áo cà sa. Áo cà sa cô tôi khoác vào những khi tụng niệm. Nhưng áo gấm bảy màu mê ảo đó, cô tôi dùng vào việc gì ? Ngày nay đã đổi khác, quan Tổng Đốc hóa ra người thiên cổ, có ai còn hy vọng mặc áo mệnh phụ nữa đâu ?
***
Cho đến bây giờ, cô tôi vẫn sống và chết một mình, rất một mình. Đêm ấy tại Sài Gòn, tôi được tin người cô qua đời. Tôi không hiểu khi tẩm liệm, có ai còn nhớ bỏ vào quan tài chiếc áo gấm “nhất thể gia kim” rực rỡ mà thuở sinh thời, người ra đi từng ấp ủ bao nhiêu năm. Tôi chợt nhớ chú bé sớm mai nào bên bờ dậu, năn nỉ : “Mạ ơi ! Khi mô con lớn, mạ cho con mặc áo gấm hỉ ?” Dường như khi ấy, ánh mắt cô tôi thoáng buồn. Bây giờ tôi mới biết, cô buồn là phải. Vì đã lớn như cô, già rồi như cô, và ngay cả khi chết, vẫn không được mặc chiếc áo bảy màu huê dạng đó.
Lại nhớ lời người quá cố : “Cháu à, cháu có tay đăng quyền, sau này sẽ làm quan. Bác Huyện Bảy khi xem địa lý khuyên nên chôn mộ ông trên đỉnh núi Đá Bạc, cũng bảo trước sẽ “kết” vào tuổi cô và tuổi cháu.
Lần đầu tiên, tôi còn bé bỏng, không hiểu ý nghĩa của câu nói. Lần thứ hai, tôi khá lớn, vẫn không nghe được tiếng buồn trong lời than thở kia. Mãi hôm nay, tôi lăn lóc quá nhiều giữa cuộc sống, tôi cảm nghe tất cả điêu tàn trong lời nhắn gởi bi ai. Nhưng cô tôi đã chết, tôi còn biết than thở, biết buồn, biết khóc với ai ? Cô bảo thuở bé tôi khá thông minh. Lớn lên, tôi muốn dùng trí thông minh để kiếm tiền. Tôi vẫn không có tiền, dù cần tiền để thết bạn bè một mâm rượu túy lúy.
Tay tôi là tay đăng quyền, giòng họ tôi trước kia làm quan. Nhưng tôi không làm quan, dù một chức quan thật ngô nghê, thật đồng ấu trong thời loạn. Tôi chỉ viết báo, ông chủ báo khinh rẻ tôi như ông nhà quê hành hạ trậu bò. Nấm mồ ông tôi trên đỉnh núi sẽ “kết” vào tuổi cô và tuổi tôi ? Hình ảnh người cô nay đơn giản là một nấm mồ. Riêng tôi cả dĩ vãng đã là một nấm mồ. Và tương lai, một ngày gần đây, ngày rất gần đây, vẫn sẽ là một nấm mồ. Có phải đó là nấm mồ của ông tôi đã “kết” rồi chăng ?
(Trích tuần báo Nghệ Thuật số 21, ra ngày 12 tháng Ba, 1966) (tt)
Bài liên quan : Hoàng Trúc Ly, Sài Gòn văn nghệ, 1954-1975 * Viên Linh
Thảo luận
Không có bình luận