Tập II
Từ năm 1925 – 1955
Lấy chồng và xuất gia đầu Phật
– Một biến cố của đời tôi
Nguyên năm ngoái(4) mẹ tôi đau nặng, có gọi cha tôi đến và dặn rằng: “Nếu tôi có mệnh hệ nào, thì đừng cho con Tám (tức tôi) để tang vì nó đã cãi lời tôi dạy, là đứa con bất hiếu”
Tôi sợ Bà Cụ chết, nên mới thưa: “Xin Mạ yên tâm, chuyến này con xin nghe lời Mạ dạy”. Mẹ tôi lo cho con mà phát ốm, thật tình mẹ thương con không bờ bến. Nghe lời tôi thưa và xin hứa, sức khỏe đã ngày một trở lại như thường.
Cũng trong năm ấy, Cụ ông tôi có dịp đi dự lễ Trà Tỳ vua Cao miên (nay là Campuchia) vừa mất, tôi cũng được phép đi theo hầu ông Cụ. Mẹ tôi sửa soạn cho tôi đủ thứ: giày nhung thêu toàn hạt trai, giày nhung có con bướm bằng vàng kết vào, có nhân hột xoàn, mỗi bước đi con bướm rung rinh rất đẹp, rất sang. Vì bên Cao Miên họ giàu có lắm, nên mình phải giữ thể diện của nước Việt Nam mình. Tôi lại còn phải mặc lễ phục: áo gấm, chít khăn theo kiểu thứ bậc của một bà Quận chúa.
Mẹ tôi đưa 2 cha con tôi ra xe còn dặn nhỏ cha tôi “chuyến này phải ép nó giữ lời hứa”. Cha tôi gật đầu rồi sau đó nói lại với tôi: “Mẹ con hy vọng con sẽ lập gia đình sau chuyến được đi hầu cha ở nước ngoài về”
Tôi cũng biết, tự thấy lòng mình sao dửng dưng trước bao nhiêu người ngang trang, ngang lứa, học cao, địa vị cao, con nhà “môn đăng hộ đối”, đang muốn được dạm hỏi mình.
Riêng tôi, tình thương nào ? mà sao chỉ thương người khổ đau? Như năm 1926 kia, tôi đã bồng về nhà một đám con côi vì mẹ chúng nó đã chết vì uất hận.
Lại nói đến đoàn đại biểu Việt Nam đi dự lễ Trà Tỳ ở Cao Miên gồm có Cụ tôi, tôi, một ông thư ký ở viện Cơ mật và 1 bác sỹ. Đoàn đi xe hơi nhà vào Sàigòn, và lên Cao Miên. Họ đón tiếp đoàn Việt Nam ở một ngôi nhà rộng rãi, sang trọng. Trên lầu 2 phòng để Cụ tôi và tôi ở. Dưới cũng 2 phòng sang trọng để 2 ông ở.
Ngoài những bửa tiệc khoãn đãi, tôi thường làm cơm ta để ông cụ hợp khẩu vị, xơi được cơm. Đặc biệt của lễ Trà Tỳ là đốt hương thơm nhiều, liên tục.
Sáng hôm ngày lễ, trời vừa hửng sáng, người đã lũ lượt kéo đến trước lễ đài. Đài rất cao làm bằng 1 cây gỗ quý. Mỗi vị khách quý đều lên bỏ vào 1 hoa gỗ rất thơm, khói nghi ngút, trang nghiêm. Dự lễ chính có 720 Thầy tu, tượng trưng nhà vua được 72 tuổi. Khi vị Hòa thượng già cuối cùng lên châm lửa, tiếng tụng niệm nghe như khúc nhạc thiên nhiên, ai nấy đều cầu nguyện cho nhà vua sớm tiêu diêu về cõi Cực lạc.
Xong lễ Trà Tỳ, xác vua để ở 1 cái tháp đồng. Tro ấy sẽ để lại 1 bình thờ ở đại nội tại chùa vàng, gia đình nhà vua sẽ làm lễ bố thí cho người nghèo đang tụ tập quanh đài. Tự tay vua con và gia đình đem bố thí.
Xong lễ cúng dường, bố thí ấy, chúng tôi được mời về Đại nội ăn cơm trưa. Tôi được sắp xếp ngồi đối diện với ông Hoàng tử Cao miên, nói tiếng Pháp và cả tiếng Anh khá giỏi.
Trước khi ăn cơm, tôi thấy ông ta chấp tay vái, tôi hỏi thì ông nói đó là cúng Phật trước khi ăn. Tôi hỏi: ông tu từ hồi nào? Ông ta nói: Từ khi 6 tuổi đến 12 tuổi, ông ở 1 chùa trong Đại nội, học đạo làm người. Nếu không học, dù là một ông Hoàng cũng không ai gả vợ cho. Chúng tôi đều cười, nói lãng đi.
Khi về nhà, ông Cụ tôi cho biết ông hoàng ấy muốn qua Việt Nam gặp con trở lại. Tôi thưa: “Thầy nên từ chối ngay đi, gia đình đã làm khổ chị con, thôi đừng làm khổ con nữa. Vả lại nếu con đi xa, Thầy và Mẹ con sẽ sống với ai? Còn chị con nữa đang bất mãn, lấy ai để tâm sự? Cụ tôi thở dài, im lặng, không nói gì nữa.
Ở Cao Miên, một cử chỉ đẹp làm tôi không quên. Ngôi nhà tôi ở, có anh lao công. Khi sắp về lại VN, tôi có tặng anh ta 100đ. Tôi nói anh giữ làm kỷ niệm, anh tỏ vẻ không bằng lòng. Không nói gì, anh mời tôi ra xe hơi cùng đi đến 1 cửa hiệu bán đồ bạc chạm trổ rất đẹp. Anh ta mua 1 quả bồng bằng bạc giá 95, rồi lên xe bảo đi nữa. Đến 1 ngôi chùa anh vào trước, lấy khay để quả bồng, trước mặt vị sư Tăng đã già 80 tuổi rồi bảo tôi vào lạy. Sau, anh cũng vào lạy rồi ra xe cùng về và anh ta bảo: “đó là kỷ niệm đẹp đời đời đó”
Tôi tự nghĩ, một người nghèo mà tâm hồn sang và đẹp quá, trái lại người giàu mà hèn, rồi cứ hèn mãi!
Về đến Sài gòn, ai mời đi đâu, Cụ tôi đều bảo tôi đi thay. Nào là tiệc Tây, tiệc Nam, nghe nhạc, chơi nhạc, nhảy đầm thời ấy rất thịnh hành.
Tôi cùng bạn của các anh tôi ở Pháp về nước(5) đi chơi thả cửa, đủ các nơi suốt 2 tuần lễ.
Hôm ra về, vé xe lửa đã có sẵn. Vì vậy xe ôtô nhà chỉ chở đồ ra Nha Trang và tin cho chú ruột của tôi hiện làm Tuần vũ tỉnh ấy. Mỗi cabin có 4 giường sang trọng dành cho phái đoàn. Tôi nằm ở trên, ông Cụ tôi nằm dưới với ông Thư ký. Ông Cụ hỏi tôi: “Con đi chơi cùng các anh bạn, vậy có anh nào vừa ý không?”. Tôi đáp: “Con thấy họ theo Tây quá và thấy họ thật là con nít” rồi đi nằm. Cụ tôi bảo nhỏ với ông thư ký: “tính nó kỳ quá vậy, tuổi còn nhỏ đã hơn gì ai mà bảo người ta là đồ con nít?” và nghe ông ta đáp lại: “Thưa Cụ, cô ấy kiêu kỳ quá!” Tôi liền nói lại: “Ông thư ký nói ai kiêu kỳ, tôi chỉ nói sự thật, thanh niên mà chỉ biết ăn chơi là con nít, chẳng phải sao?”. Ông làm thinh và xin lỗi đã nói lén tôi.
Về Nha Trang ở lại 2 ngày. Trên đường về chúng tôi ghé Tuy Hòa ăn cơm trưa. Bị mời, Cụ tôi và ông Bác sĩ đi, 2 chúng tôi ở nhà ăn cơm, ngồi chơi, nói chuyện.
Ông nói: “Cô kiêu kỳ ở chỗ khinh người trẻ trong khi người ta lớn tuổi hơn Cô”. Tôi đáp: “tuổi tác không làm người già trẻ, mà là tánh con người khác nhau? họ ham chơi, trong lúc người dân mình quá nghèo khổ? Họ ích kỷ như vậy là họ còn con nít. Người lớn là người biết lo gia đình và xã hội. Vì vậy mà tôi nói con nít ở đức tánh con người”. Vừa nói đến đó, thì xe Cụ tôi đã về và chúng tôi cũng lên xe ra Huế.
Về đến nhà, bà cụ tôi hớn hở ra đón cha con chúng tôi. Vào phòng nghe ông cụ nói sao đó mà thấy mẹ tôi xịu mặt và cũng không hỏi han tôi gì cả. Tôi đoán biết câu chuyện, cũng buồn. Một hôm tôi hỏi: “Mẹ muốn con đi lấy chồng, sau này dù con gặp gian khổ, mẹ có chịu không?”. Bà đáp: “Dù ai, tao cũng gả, có như vậy tao mới thấy an lòng và mới trọn bổn phận của người mẹ!”
Suy tính mãi, nếu không chịu thì mẹ tôi sẽ rất khổ tâm, mà nếu theo ý mẹ thì biết trước rằng tôi sẽ rất khổ và ước gì lúc ấy có một chùa Sư nữ để mình được vào chùa tu.
Một hôm, tôi xin phép cha cho tôi được gặp ông bạn thư ký, người mà cha tôi có thiện cảm, đã thông cảm hoàn cảnh của ông nên đã đi hỏi vợ cho mà không ai dám nhận lời vì ông mang bệnh, lại có 6 con còn nhỏ, gặp rất nhiều khó khăn. Cụ tôi hỏi: “Vậy con ưng ông ấy hay sao?”. Tôi thưa: “Nói ưng thì không đúng mà con muốn nuôi các con ông ấy, và con luôn được ở gần Thầy, Mẹ và chị con”.
Cụ tôi cho mời ông lên, tôi tỏ ý. Ông nói: “Cưới cô, thì tôi không dám, vì tôi có bệnh, còn các con tôi, Cô muốn nuôi, tôi xin cảm tạ Cô. Tôi sẽ đưa lên để Cô nuôi dạy thay Mẹ chúng”. Cụ tôi bằng lòng cho tôi làm mẹ nuôi chúng nó.
Một năm qua, tôi thương các con côi như con mình, mấy đứa nhỏ rất dễ dạy. Cuối năm ấy, nghe tin gia đình bên họ Cao vào Huế có các Cụ anh chị của ông ấy lên gặp Cụ tôi và trình bày sao đó. Cụ tôi cho gọi tôi lên và dạy rằng: “Con đã thương chúng nó thì phải thương đến cùng. Nay các Cụ bên họ Cao vào xin lễ cưới con để dù 1 ngày con làm mẹ chính thức của chúng nó. Con nên suy nghĩ, hy sinh, cụ cố họ Cao là thầy học của Thầy đó, không nên để họ phải băn khoăn, mang tiếng là nhờ vả nhà ta nuôi con cháu họ”. Tôi suy nghĩ 3 ngày rồi xin nhận lời. Nguyên nhân khi nghe vậy, tôi bèn xuống nhà, gọi chúng nó cho chúng biết là chúng sắp phải rời tôi để về ở với các O, các Bác…Chúng nó khóc quá và nói “không đi đâu hết, chúng con ở với Cô trọn mãi, nhất là Cao Xuân Lữ, là anh lớn nhất được 10 tuổi, rủ các em ra lạy Cô và khóc sướt mướt.
Tôi cũng khóc và nói: “Cậu các con sắp có vợ rồi, các con phải về nhà, không ở đây với Cô được nữa. chúng nó khóc ré lên. Cụ tôi nghe, cho gọi chúng, dỗ dành chúng (3 trai, 2 gái, út được 3 tuổi, lớn là 10 tuổi). Ông ngoại sẽ cho Cô về làm Mẹ các con, thôi đừng khóc nữa. Chúng nó liền vỗ tay, reo cười, làm tôi cũng trào nước mắt.
Riêng tôi, tôi cũng thấy trước được rằng, Cha chúng nó cũng sẽ không sống lâu được. Chúng nó sẽ khổ gấp bội nếu tôi không nuôi dạy thay cha mẹ nó, thì ai là người thương chúng nó? Chú, bác, cô, gì của chúng cũng đông nhưng ai nấy đều có con cái, gia đình họ.
Nghĩ vậy, tôi cũng đồng ý cho họ Cao đi hỏi và cưới với điều kiện tôi sẽ ở nhà tôi với các con vì còn bổn phận đối với Thầy, Mẹ và Chị tôi nữa. Mẹ tôi rất buồn, nhưng đã hứa rồi, nên đành vậy. Các anh chị tôi đều rất bất bình, song không ai dám cãi lời ông Cụ. Cũng vì vậy mà đám cưới tôi thành một đám tang. Ngày chú rể lên lạy 2 Cụ, cả nhà hai họ đều khóc. Khi các con ra lạy ông bà ngoại và cha mẹ họ hàng đều khóc như là đám ma. Do đó, tôi làm mấy câu thơ kỷ niệm!
Đám cưới
Đám cưới hay là một đám tang?
Cả nhà, lớn, nhỏ, thảy đều than
Chồng chung, bệnh hoạn tình phai lạt
Vợ kế, kề vai gánh đoạn tràng
Kẻ nói là ngu, người nói dại
Người cho là dở, kẻ cho gan!
Biết chăng chỉ có người trong cuộc
Gạy mái thuyền từ phải quyết sang.
Qua 11 tháng sau, tôi vừa nằm chỗ được 3 tuần, có tin lên báo tôi biết là cậu chúng nó đã yếu lắm rồi.
Tôi về nhà, đem ông lên nhà thương thì đã muộn quá. Chính người bệnh cũng không muốn sống vì sợ bệnh lây sang vợ con. Đưa về nhà, ông vui vẻ bảo với các anh chị ông: “Bao giờ bà ấy trả các con, thì các Anh, các Chị hãy nhận nuôi chúng nó. Mà tôi chắc chắn là Mợ nó không trả chúng nó đâu, bà ấy muốn nuôi con mồ côi nên mới về nhà ta vậy đó!”
Tôi xin miếng đất ở lưng núi Ngự Bình để chôn cất. Khi lễ tang đã xong, các bà đầm bạn bè trong hội Lạc Thiện đi đưa đám hỏi tôi: “Bây giờ bà tính sao đây?” Tôi đáp: “Việc mà phụ nữ châu Âu cho là nan giải, là khó, thì phụ nữ Á Đông chúng tôi đều nghĩ đến đạo lý, đến tình nghĩa cho nên cũng sẽ vững vàng trong chịu đựng vì vậy việc nuôi dạy chúng nó từ nay mồ côi cả cha lẫn mẹ là đạo nghĩa”. Các bà ấy tiếp lời: “Chúng tôi nói khó là ở chỗ bà còn trẻ quá, mới có 25 tuổi, lại đẹp vậy nữa mà sẽ phải hy sinh trọn đời hay sao?” Tôi chỉ im lặng, cho các con ra vái tạ ơn và nói sang chuyện khác.
Chôn cất xong, tôi xây mộ cho ông. Khi ngồi coi thợ xây, các con đều quây quần xung quanh tôi. Bỗng, một con chim én lượn vòng tìm tổ, tôi bỗng nảy mấy vần thơ kỷ niệm việc xây mộ như sau và cũng nhờ bài thơ này truyền tụng mà tôi được các Thiền sư lưu ý rồi tìm gặp tôi, dẫn dắt tôi vào con đường đạo, đến nay đã quá nửa đời người mà vẫn còn nhớ mãi.
Đắp mộ
Đắp điếm cho nhau thí gọi là
Hẵn người thanh khí thấu cho ta
Bơ vơ trên núi chim tìm tổ
Quanh quẩn bên mình trẻ gọi cha
Cây cỏ như cười người bạc mệnh
Non sông nào phụ khách tài hoa
Ví cho thử nắm quyền ông “Tạo”
Thì bể trầm luân lấp phẳng qua.
Thế là cuộc đời đã trôi qua 20 năm trời, tôi bước vào đạo Phật với một tấm lòng không thay đổi, không e ngại. Nhờ học Phật mà thấy rõ cuộc đời giả tạm và tôi đã chọn đúng đường đi, lối sống vô ngã là lối sống thanh cao. Con người Việt nam mình hơn loài vật ở chỗ biết chọn lối sống vô ngã, vị tha, một tình thương không ích kỷ mà ông cha ta xưa nay đã trải qua 20 thế kỷ đã chọn làm kim chỉ nam cho cuộc sống dân tộc Việt Nam. Do đó tính bất khuất của dân ta mỗi ngày thêm nuôi lớn cũng nhờ ý chí ấy.
*
Một nhân duyên mới
Khi tang lễ xong, tôi xin đem thờ Cậu các cháu tại chùa Tường Vân nam do chị gái lớn tôi lúc ấy về Huế vì anh rể tôi đổi về làm Phủ doãn Huế, khuyên nên xin ký tự tại chùa.
Sắp đến 49 ngày, Hòa Thượng Tường Vân cho gọi tôi và dạy rằng: “Bà nên lên xin Hòa Thượng Trúc Lâm để thờ ông Tham trên ấy luôn, vì trên ấy có bàn thờ họ Hồ Đắc xưa lắm rồi”.
Tôi vâng lời, lên bạch xin Hòa thượng và xin được phép thờ họ Cao Xuân ở Chùa. Sau đó tôi mới rõ rằng các Ngài đã bàn cùng nhau trước và quyết tâm “độ” cho tôi được học Phật vì biết tôi có sẵn mầm giống, sợ rằng để tôi đi lạc về thế pháp thì uổng. Chùa Trúc Lâm là chùa của Cô ruột tôi thành lập sau khi Cô vào thọ giới tại đàn chùa Phước Lâm tỉnh Quảng Nam vào năm 1911, gọi tên Đàn Vĩnh gia.
Tôi nhớ lại năm ấy, Cô tôi vào Quảng Nam ở lại 1 tháng với gia đình ông Cụ tôi, ngày nào cũng khóc và xin cho được khai Đàn. Cụ tôi nói: sợ đông đảo người tới dự sẽ gây tai biến tại bản tỉnh thì nguy. Cô tôi phải nhờ Mẹ tôi xin mãi, buộc lòng ông Cụ tôi phải bố trí cho khai Đàn và may không xảy biến cố nào.
Năm ấy Cô tôi và các bà Sa di ni như Cô Tôn ở chùa Thiên Hưng là bạn với Mẹ tôi cùng nhiều bà ở trên Tỉnh đều có mặt. Mẹ tôi làm cơm chay cúng dường các Bà, tôi cũng được ăn hầu và rất thích đi chùa theo các Bà.
Khi thọ giới xong, các Bà đều ra Huế, tôi rất muốn đi theo Cô, song không được phép của Cụ tôi, đành thôi.
Đến nay, tôi lên lại chùa Trúc Lâm mà Cô tôi không còn nữa để gần gũi. Cô đã cúng chùa cho Hòa Thượng Giác Tiên làm trụ trì khai sơn và sau này Hòa Thượng là bổn sư thập giới của tôi.
Lại nói khi Thầy đã cúng lễ 49 ngày cho Cậu các cháu xong, Hòa Thượng gọi tôi cho uống nước và hỏi: “Bây giờ Bà làm gì?” Tôi bạch là vẫn tiếp tục công việc từ thiện, hội nữ công v.v…” Ngài dạy: “Làm việc ngành ngọn mà quên cội gốc, ví như cây lá sum suê mà gốc cây mục nát, trước sau gì cũng sẽ thất bại”.
Tôi hỏi: “Vậy cội gốc là gì?” Ngài đáp: Là cái tâm người không lo trau dồi mà chỉ lo các việc làm, khác gì ngành lá sum suê mà gốc mục nát sẽ đổ tất cả”.
Ngồi suy nghĩ một hồi, tôi xin phép về, Ngài còn dạy thêm: “Bà hãy về suy nghĩ kỹ kẻo sau ăn năn”. Tôi vâng dạ ra về, suy nghĩ mãi mà sau 1 tháng mới lên hầu Thầy. Ngài hỏi: “Bà suy nghĩ chín chưa? rồi nói tiếp: Vua Minh Trị vì biết dạy dân về đạo đức nên dân mạnh và nước giàu. Đời Lý, Trần, nước ta cũng nhờ Đạo đức mà 200 năm người Tàu không dám xâm lược. Vua Trần Nhân Tôn một nhà Cách mạng mà cũng là Đại Thiền Sư, tôi đã lên núi Yên tử, đã được đọc lịch sử ấy;
Tình hình nước ta bị đô hộ, họ muốn dân ta quên gốc và biến dân ta thành nô lệ. Những người ái quốc nổi lên chống trả đều bị giết . Nếu Bà có tâm, nên lặng lẽ học Phật, tu tâm và dạy người. Có như vậy, và nhiều người như vậy mới mong thế hệ sau lo cho nền độc lập nước nhà”
Nghe một hồi, tôi như người mê chợt tỉnh, không ngờ trong chốn thiền môn mà có những tâm hồn cao đẹp, nhìn xa, thấy rộng. Tôi nghĩ, ở chùa chỉ gõ mõ, tụng kinh ai ngờ có người hiểu xa, sâu sắc vậy.
Tôi hỏi: “Thầy dạy con phải làm gì?”. Ngài dạy: “Trước phải lo cho hiểu đạo, rồi phải tu mới làm nên sự nghiệp”.
Tôi về từ biệt các anh chị em và cụ Đạm Phương, Cụ hỏi vì sao?. Tôi nói: từ nay, tôi chỉ muốn được học kinh Phật và tôi chỉ còn giữ chức thư ký cho hội Lạc Thiện. Đến 10 năm sau, lập xong các chi hội Phật học tôi mới nghỉ. Tôi về đem thằng con nhỏ(6) giao cho Bà chị ruột, khi ấy con bà là Bửu Hội đã đi Pháp học nên bà đã vui nhận. Cháu gái đầu đã về ở cùng 2 Bác ruột. Còn 5 cháu nhỏ, tôi gởi nội trú ở 2 trường nam, nữ Quốc học và Đồng Khánh, chỉ ngày chủ nhật nghỉ học mới về.
Giai đoạn ấy, gặp lúc bà chị ruột tôi ở trong nội đã hết tang vua, nên đã xin ra Chùa ở Châu Ê, hiệu là Khải ân tự. Tôi được lên ở với Bà, ngày ngày về chùa Trúc Lâm theo lớp học tại đó, chiều lại lên chùa với Bà. Như vậy được 3 năm yên tĩnh. Sau đây có mấy bài kỷ niệm ngày lên chùa.
Giao cao
Xin chị vì em nuôi lấy con
Để em lên núi mới vuông tròn
Tình nhà, tình đạo, tình dân tộc
Hiến trọn đời tình cho nước non.
Lên chùa
Phong cảnh Châu ê khéo lạ lùng
Nhìn trời, nhìn núi lại nhìn sông
Lên đây dưa muối phai mùi tục
Mõ sớm, chuông khuya sưởi ấm lòng
Năm 1932, tôi thảo thơ xin lập hội Phật học. Ông Cụ tôi và cụ Thân thần đều hết sức ủng hộ, nhưng cụ Nguyễn Hữu Bài lúc ấy làm đầu triều vẫn không cho phép.
Một hôm, Thầy tôi sau khi khai trường học ở Trúc Lâm, có mời Hòa Thượng Tập Tháp ở Bình Định ra dạy Ngài bạch rõ cùng Hòa Thượng Thập Tháp về việc trở ngại thành lập hội. Hòa thượng có ý kiến giúp đỡ của Thánh Cung Hoàng Thái Hậu. Thầy Trúc Lâm bảo tôi nghỉ học vào Nội hầu và đọc bản điều lệ lập hội cho Ngài Thái hậu nghe.
Trong bản điều lệ xin phép, đoạn đầu có nói từ vua Gia Long rồi kế đến Minh Mạng, Thiệu trị đều lập Chùa ủng hộ Phật Giáo. Nhân đó tôi đã trình bày việc cản trở Phật giáo, người Pháp muốn đem đạo chúa hóa đổ dần dần người dân sẽ quên người sáng lập mà chỉ biết đến “mẫu quốc Pháp”.
Ngài Thánh Cung giận quá hỏi chuyện. Tôi tâu là sẵn có bản điều lệ mà cụ Nguyễn Hữu Bài đã xếp lại cả năm nay. Vậy xin Ngài gửi thẳng cho vua Bảo Đại ký gởi về cho mới duy trì đạo Phật trong dân chúng được.
Ngài suy nghĩ, và ngày mai cho ra mời Ngài Tịnh Khiết ở chùa Tường Vân. Tôi đã thưa trước nên Hòa thượng cũng nói như vậy. Ngài đồng ý viết thư kèm theo bản điều lệ gởi cho vua Bảo Đại. Một tháng sau tôi vào, thì Ngài nói: “Ông Bài đã vào cự nự nói là Ngài nghe con nít!” Tôi đã la cho và nói: “Sao ông binh vực đạo của người Pháp mà lại bỏ đạo của Việt Nam từ ngàn đời? Vậy là Ông không nghĩ các vua Chúa nhà Nguyễn ra sức lập chùa, mà Ông muốn phá sao? Ông lui và vì giận ông ta nói: “Các chùa nên thận trọng đó”
Tôi đem tin vui về, các ông Lê Đình Thám và tất cả Hội viên đều rất mừng lo sửa soạn lập hội ở Huế và các chi nhánh các tỉnh miền Trung.
Hòa thượng Giác Tiên lại dạy: “Lúc này Bà phải hoạt động cho Đạo để báo ơn Tổ. Ông Lê Đ.Thám vì bận công tác bên ngành y phải lo ở Huế. Bà rảnh rang hơn phải đi các Tỉnh mà phát triển thành lập hội. Các giảng sư sẽ vào giảng mỗi khi các nơi lập hội xong”.
Vâng lời Thầy, tôi về chuẩn bị điều lệ Hội. Đi đến tỉnh nào, tôi đều lấy tư cách là hội viên Lạc Thiện đến thăm các bà Sứ, các Cụ, các quan, các bà quan. Tiền của Hội thì mua toàn quần áo đem đi cho người nghèo, trẻ nhỏ. Trước cho các con chiên ở các nhà thờ, sau nhà các bà quan đem ủng hộ cho dân Phật giáo. Tôi đưa các điều lệ cho Thầy trụ trì và xin mời các nhà trí thức Phật tử đến ăn bữa cơm chay, nói chuyện.
Chỉ 2 năm sau, từ Thanh Hóa đến Phan Thiết, khắp cả Trung phần đều thành lập các Tỉnh hội và chi hội, có đủ các giảng sư đi giảng kinh. Phong trào Phật giáo cũng lôi cuốn người yêu nước. Báo Từ Bi âm ở trong Nam, báo Đuốc Tuệ ở ngoài Bắc, báo Viên âm ở Huế, tiếp sau đó là báo “Tiếng chuông sớm”, báo Từ Quang, báo “Liên Hoa” ra sau khi tờ Viên âm đình bản vị cụ Lê Đình Thám đi ra Bắc 1945.
Ở các miền, phong trào Phật giáo đều sôi nổi nhất là ở các trường Phật học, ở Huế có 1 trường Đại học ở Tây Thiên, 1 trường Tiểu học ban đầu ở Trúc Lâm sau dời ra chùa Bảo quốc, 1 trường sư nữ ban đầu lập ở chùa Từ Đàm, sau nơi đó lấy làm Hội quán nên trường của các sư nữ dời vào chùa Diệu Đức.
Phong trào Phật giáo làm bình phong cho phong trào cách mạng. Các bác Hội viên, các thanh niên như Võ Đình Cường, Đinh Văn Nam, Đinh Văn Vinh, nữ có các chị Hoàng Kim Cúc, Bích Thủy, Bích Chi đều đi học Phật và xây dựng các gia đinh Phật tử. Toàn quốc có 3.000 đơn vị. Các nhà lãnh đạo Phật giáo vẫn biết có số cán bộ cách mạng gia nhập để hoạt động nhưng cũng lơ cho họ làm phận sự yêu nước.
Đề mục các bài giảng chỉ giới hạn 3 mục tiêu: Mến Đạo, Giúp người, lòng liêm sỉ. Trong mục liêm sỉ, cố gieo tinh thần bất khuất mà bọn mật thám cùng khó kiểm duyệt rõ ràng. Các vị giảng sư cũng nhiệt tình nữa.
Năm 1942, phong trào đã chín muồi, nên các nhà cách mạng đi đâu, về đâu đều yên ổn, được sự bảo đảm của nhân dân yêu nước.
Ngày Bảo Đại thoái vị cũng có sự tham gia của Phật giáo ở nội cung mà cụ Phan Khắc Hòa đâu có biết. Cũng nhờ vậy mà Bảo Đại khi thối lui cách ôn hòa nên cũng khỏi đổ máu dân chúng, nhưng cũng làm cho bà Nam Phương hoàng hậu gần bổ ngửa, vì kế hoạch của người Nhật do không thành công.
Khi người Pháp đưa Nam Phương về làm hoàng hậu đều có mục đích chính trị, nhưng liền bị sự phản ứng ở nội cung, đứng đầu là đức Thánh cung nên cũng xảy sự bất hòa giữa mẹ con, bà cháu. Các Hòa Thượng bảo tôi vào nội khuyên ngài Từ cung nên học Phật, nên chìu con để Bảo Đại khỏi bỏ đạo Phật. Vì vậy khi Từ cung đã đốc lòng theo Phật thì rất sợ sự sát sinh nên mới không có việc đổ máu kể trên, mặc dù bà Nam Phương thúc vua theo Nhật chống lại Việt minh.
Khi Pháp trở lại cai trị, Phật giáo bị điêu đứng muôn phần. Một cuộc lùng bắt tình nghi ? đã theo Việt minh. Hòa thượng Đôn Hậu bị cầm tù và sắp bị tử hình. Hòa thượng Mật Hiển phải giữ quyển kinh Kim Cang, không rời chùa, sau đó ra đồn xin giấy mời các Hòa Thượng về Huế, và tin thầy Mật Thể đã đi khỏi.
Khi cho người giả bán bánh kẹo đi tìm ở các đồn Tây, mới được giấy thầy báo tin cho biết ngày mai HT Đôn Hậu sẽ bị xử tử. Tôi đưa thầy Mật Hiển xem, chỉ khóc. Tôi xin đi cứu. Thầy hỏi: “Bà đi với ai? Tôi đáp: “Nếu tôi có chết sẽ có Cô Ba Nghêu đem xác tôi về, chứ không thể ngồi yên vậy được”.
Tôi và cô Ba xuống sở mật thám Pháp. Cô Ba ở ngoài, còn tôi có 2 người lính bồng súng đi kèm vào phòng trong. Mật thám Pháp hỏi: Bà đi đâu? Tôi nói: Đến để đưa 1 tin quan trọng, rồi trình bày tình hình Ngài Đôn Hậu. Ông mật thám ấy lấy ngay 1 cái ảnh có thầy Mật Thể và thầy Đôn Hậu, nó chửi Phật giáo một hồi. Tôi lúc ấy giận quá, mắng lại nó là người thô lỗ đối với phụ nữ. Thấy tôi trả lời bằng tiếng Pháp giỏi, nó bèn quay sang hỏi lai lịch tôi. Khi đã biết tôi là ai rồi, nó đấu dịu mời tôi ngồi xuống và hỏi: Vậy giờ đây bà muốn gì? Tôi nói: “Các ông đã lầm, ông này là thầy của thầy Mật Thể. Ông mà làm sai, lổi lầm trong việc này thì Phật tử họ sẽ thù ông vạn đợi. Nó lại hỏi: “Vậy ông Đôn Hậu hiện nay bị giam ở đâu? Tôi cho biết chỗ giam Thầy và yêu cầu họ để cho ông được về lao Thừa phủ để xét lại kẻo sẽ giết oan một ông Thầy tu chức lớn ấy. Tôi ngồi đó và được nghe ở đầu dây máy nói là họ sẽ cho Thầy về chùa Tây Thiên lấy áo quần vào hồi 9 giờ sáng hôm sau và sẽ đem giam tại lao Thừa phủ.
Mừng quá, tôi cám ơn lão rồi đi ra. Về đến chỗ cô Ba vừa đúng 12 giờ trưa, gặp thầy Mật Hiển. Chúng tôi cùng ăn bữa cơm rau thật ngon lành, vì cả ngày hôm qua nhịn, mà quên cả đói.
Sáng hôm sau, chúng tôi qua Tây thiên thấy 2 người lính đưa thầy Đôn Hậu về mà chúng tôi nhìn không ra mặt của Thầy nữa. Mặt mày tím bầm, nói không ra tiếng, và rất yếu. Lấy áo quần xong, được ăn bữa cơm ở chùa rồi họ lại đem về giam ở lao Thừa phủ.
Tôi hỏi thăm và được biết quan Phủ doãn sở tại là ông Nguyễn Khoa Toàn. Mừng quá, tôi viết mấy chữ bỏ vào hộp Kalmine gián lại rồi nói của bà vợ ông ở Vỹ Dạ gửi lên cho ông. Trong thơ, chủ yếu tôi chỉ xin cho Thầy Đôn Hậu được qua nhà thương, được chữa bệnh và để xét lại.
3 ngày sau, Thầy được đưa qua bệnh viện. Tôi lại viết thơ nhờ ông Tráng đinh đem về cho bà Từ cung, cố gắng nhờ bà Nam Phương bảo đảm cho là vị vô tội, bị bắt oan. Một tháng sau, trị lành các bịnh, mới trở về chùa Linh mụ.
Lại nói từ khi Pháp quay lại, Phật giáo bị nhiều cảnh quá khổ đau. Một hôm có người Pháp dẫn lính vào chùa Hồng Ân bảo tôi là phải tin cho chúng nó biết ngay khi có Việt minh về. Nếu không báo ngay thì chúng kết tội đồng lõa với giặc. Tôi nghĩ mãi về việc này. Chốn này anh em hay về để tiếp tế, giao liên, thật khó nghĩ. Một hôm có quân lính của chúng đi tập. Tôi vội cho báo chúng hay. Chúng đem quân vào hỏi, tôi chỉ họ đường ở ngã vào chùa Thuyền Tôn. Vào đến nơi, thì ra toàn là lính của Pháp đang tập bắn. chúng lại kéo ra Hồng ân, chửi bới om sòm, tôi nhẹ nhàng xin lỗi vì không rõ ràng là ai, chỉ biết họ tập bắn thì báo.
Cũng từ đó về sau, bọn Pháp không sai khiến và vào quấy nhiểu nữa nhưng mật thám người Việt của bọn tay sai lại để ý, gọi tôi về sở mật thám hỏi han lôi thôi lắm. May có Ngài Từ cung đở cho, mà cho chúng đến hỏi tôi ở An định cung. Ông Võ Như Nguyện nói: “Sư Bà tiếp tế cho bọn cộng sản phải không? Tôi trả lời: “Cộng sản là ai, họ có dấu hiệu gì? Nhà chùa chúng tôi chỉ có giúp đỡ những ai nghèo khổ, đói, đau mà biết ai là cộng sản”. Tôi quay về phía bà Từ cung và thưa: “Người Phật tử thấy người Việt Nam, đói, rét, đau khổ có nên giúp đỡ không? Ngài nói: “Nên chứ, chỉ trừ cộng sản” Tôi lại thưa, khi đói khổ, họ đến xin đâu có nói họ là ai, chỉ biết họ đến xin thì mình giúp. Nói qua lại một hồi, Bà Từ cung bảo: “Thôi, ông Nguyện cho bà lên, để mai còn đi nghe kinh”.
Lúc bấy giờ, đa số các chùa ở núi như: Thiền tôn, Trúc lâm,Trà am, Hồng ân, Diệu viên, Khải ân, Từ Hiếu, đều bị chung số phận như nhau, nghĩa là bị tình nghi tiếp tế cho Việt cộng cả. Mà cũng không oan, vì mỗi khi thấy họ về thiếu thốn, nhất là họ cho biết quân đói đã mấy ngày mà không cơm thì ai mà không xót ruột, đau lòng!
Thật trong giai đoạn đó, vùng tạm bị chiếm phải chịu nhiều nỗi đắng cay kể sao xiết, vậy mà còn bị người vu cáo, Việt cọng thì cho là theo Mỹ, theo Pháp, Việt Nam thì cho là theo Việt cộng, người dân bị lưỡng đầu thọ khổ.
Các chùa là nơi ẩn trú của các nhà cách mạng: từ vụ án Đoàn Trưng, Đoàn Trực đã bị Pháp bắt bớ, nhất là ở Huế nơi phát xuất các vụ biểu tình nên hồi đó có câu ca dao:
Sông Hương nước lặng như tờ
Đến ngày nước đổ, ai ngờ tràn lan
Người Huế là người lặng yên
Vậy mà làm dậy 2 miền Bắc Nam.
(Nguồn : chimvie3.free.fr)
BÀI LIÊN QUAN :
Thảo luận
Không có bình luận