Sư bà tên thật là Hồ Thị Hạnh sinh ngày 24 tháng 12 năm 1905 (Bính-Ngọ). Chánh quán làng An Tuyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, hiệu là Nhất Điểm Thanh
Thân phụ là Khánh Mỹ Quận Công Hồ Đắc Trung, Thượng thư bộ Học, Đông Các Đại Học Sĩ, thầy dạy vua Duy Tân, bạn của hai ông Thái Phiên, Trần Cao Vân và là người duyệt lại bộ “Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu” một quyển sử quan trọng của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, thân mẫu là bà Châu Thị Ngọc Lương, người làng An Lai huyện Hương Trà Thừa Thiên.
Lúc nhỏ được cha cho học chữ Hán với các anh chị em trong nhà. Lớn lên học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Vốn tư chất thông minh, tính tình lại hiếu hòa và thích hoạt động từ thiện xã hội
Mùa Xuân năm Nhâm Thân (1932), bà xuất gia cầu đạo với tổ Giác Tiên ở tổ đình Trúc Lâm, được Hòa thượng truyền thập giới làm Sa di ni với pháp tự Diệu Không, pháp danh: Trừng Hảo, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42.
Bà là vị ni sư độc nhất được tham dự vào lớp học ở Chùa Trúc Lâm do ngài Phước Huệ dạy bảo trong lớp chỉ có toàn tăng ni là thầy Mật Khế, Đôn Hậu, Vĩnh Thừa, Mật Hiển, Mật Nguyện và Bác sĩ Lê Đình Thám..
Tinh thần Sư bà luôn minh mẫn cho đến giây phút cuối, mỗi khi ai có việc quan trọng đến thỉnh ý, Sư bà đều dạy những lời khuyên hết sức sáng suốt. Mặc dù già bệnh, tuổi đời đã trên 80 mà tinh thần vẫn minh mẫn. Công việc hành hoạt của sư bà vẫn chạy đều vừa dịch sách vừa chỉ bảo cho các môn đệ.
Sư bà tạ thế vào lúc 2 giờ ngày 22 tháng 8 năm Đinh Sửu tức 23 tháng 9 năm 1997, hưởng thọ 93 tuổi đời với 53 năm hạ lạp.
Sư bà đã để lại những áng thơ hay Đạo cũng như Đời, những đóng góp dịch thuật gồm: Sư bà còn dịch thuật trước tác và cộng tác với nhiều tạp chí Phật giáo như Viên Âm, Giác Ngộ, Từ Quang, Liên Hoa… Các bộ kinh luận quan trọng do Sư bà dịch gồm có Thành duy thức luận, Du-già Sư địa luận, Lăng-già Tâm ấn, Di-lặc hạ sinh kinh, Đại trí độ luận, Trung quán luận lược giải (của Long Thụ Bồ Tát), Hiện thật luận (của Thái Hư đại sư) v.v… Ngoài ra, Sư bà còn sáng tác rất nhiều tập thơ văn khuyến tu và giáo dục phụ nữ, như câu chuyện đạo lý, v.v…
Sư bà Diệu Không là chị ruột của cha tôi, trước khi qua đời bà đã để lại một số tài liệu, trong tài liệu dó có tập Hồi Kỳ này, tôi nghĩ đây là một tài liệu có liên quan đến lịch sử
Hồ Đắc Duy
SG 2.10.2015
Duyên Khởi
Một số nhà văn học yêu cầu tôi viết lại tập hồi ký để họ sưu tầm tài liệu các văn nhơn thời ấy. Tôi tùy hỷ công đức ấy, ghi chép những gì còn nhớ lại và nếu tập này giúp ích các quý vị trong sự sưu tầm, thì cũng gọi là đóng góp cho họ một phần nhỏ vậy.
Còn nếu trong ký sự có chỗ nào sai cũng mong quý vị còn lại trong thời ấy bổ sung cho được hoàn
Xin có lời cảm tạ trước
Hồng ân tự
Ngày đầu hạ Bính dần, 1986
Thích nữ Diệu Không
Thời thơ ấu
(từ 1911 đến 1920- 25)
Năm tôi lên 8 tuổi, được sống dưới mái nhà của dinh Tổng đốc Quảng Nam rất êm đềm (1). Từ năm 1905 đến 1911, tính tuổi tây là 7 tuổi, mà tuổi nam là 8 (vì kể cả từ khi nằm trong bụng mẹ) thì một biến cố làm tôi nhớ mãi tới nay:
Một hôm, tôi thấy một số người mặt mũi khôi ngô, tay bị còng lại, đem vào dinh rồi lại đưa sang nhà lao giam họ ở đó. Tôi hỏi thầy Đội:
– Họ làm sao mà bị còng tay? Thầy Đội để tay lên miệng rồi nói nhỏ:
– Họ làm giặc, bị bắt đem về giam ở nhà lao, họ bị xử án tử hình cả đấy.
Khi vào ăn cơm, tôi hỏi Cụ tôi tử hình là thế nào? Ông cụ bảo là bị “chết chém”
Nói xong, ông Cụ thở dài, buông đũa đi nằm, khác với mọi lần ông Cụ rất vui tính.
Mãi đến 10 giờ, bà Cụ tôi bảo, con đem chén sữa này vào ép Thầy uống nghe. Vâng lời mẹ, tôi qua phòng Cha, thấy im lặng như tờ. Tôi chờ ông Cụ tôi trở mình, mới mời được, nhưng cụ chỉ hớp vài ngụm rồi bảo để yên cho Cụ nằm. Cả ngày hôm ấy, không khí trong nhà thật là buồn. Bà Cụ tôi không dám nói to, gọi to tiếng.
Đến bữa cơm, bà Cụ vào mời ông Cụ cùng ăn, vì ngày thường chỉ có tôi là gái út mới được hầu cơm ông Cụ, còn bà Cụ thì ăn với các con.
Bà Cụ tôi hỏi: Mấy hôm nữa thì “xử” họ? Ông Cụ đáp 3 ngày nữa rồi lau nước mắt và nói:
“Nếu tôi có mệnh hệ nào, bà hãy đem con về Huế mà nhờ bà ngoại”
Bà Cụ tôi cương quyết nói!
Ông lo gì, tôi biết làm ruộng, tôi sẽ dạy các con làm ruộng để sống, nhưng tìm cách nào để cứu họ khỏi chết mới là phước đức để lại cho con cái, chứ chết theo họ thì có ích gì?
Ông Cụ làm thinh đi nằm. Và sau bữa cơm chiều, tôi thấy ông Cụ vội vã mặc áo đen cũ và ra đi cùng một người nữa đến 9 giờ đêm mới về nhà ngủ.
Sáng hôm sau, ông cho gọi Mẹ tôi sang và nói: “Có lẽ yên được, bây giờ tôi phải đi gấp xuống Tòa sứ. Đến giờ ăn cơm trưa, có bà Cụ tôi ngồi chờ, và thấy hôm nay, ông Cụ mới ăn một bữa cơm ngon lành, vui vẻ.
Ông bảo: “Chiều nay họ sẽ xuống Tòa, và mai mốt họ sẽ về nhà họ, may quá, Tỉnh này không có đầu nào bị rơi trong số 42 người cũng còn tiếp tục vì các vụ dân xin thuế…hiện nay Tỉnh nào cũng có. Mẹ tôi hỏi: “Họ chịu đầu hàng hay sao”. Ông Cụ đáp: “Sau khi vào lao tâm sự với 2 ông Trần Cao Vân và Thái Phiên, tôi đã nói rõ tình hình không lợi, và nếu các anh chết hết thì ai là người dạy dân để có trình độ cao hơn? Xin các anh hãy nhẫn nhục, 10 năm chờ đợi đã và họ đã nghe ra và chịu xuống Tòa đầu hàng. Chiều nay tôi phải xuống để bảo đảm họ và nếu có xảy chuyện gì, tôi xin thay đầu của họ
Bà cụ tôi cười rồi bảo: “ông thật là táo bạo. cũng từ hôm ấy, cảnh êm đềm trở lại với gia đình chúng tôi. Mỗi ngày anh em chúng tôi lại tiếp tục được học Quốc văn với 1 cô giáo, học Hán văn với 1 thầy giáo. Anh chị em chúng tôi còn học Pháp văn với 1 người Pháp mỗi tuần 2 lần nữa.
Năm 1913, có tin Cụ tôi được đổi về làm Thượng thư bộ Học, thay cho cụ Cao Xuân Dục sẽ về hưu. Lại có tin ông công sứ Charles cũng được thăng chức về làm Khâm sứ ở Huế. Vậy là cả gia đình tôi đáp xe lửa ra Huế. Cha tôi thì về Huế trước để xép đặt chỗ ăn ở. Về đến bộ Học với chiếc xe ngựa đã đứng đón, họ xếp đồ đoàn vào sau nhà hậu của công đường, vì 2 chái hai bên gia đình cụ Cao Xuân còn ở lại chờ ngày làm lễ bàn giao sau đó.
Hai bà trẻ của cụ Cao ra đón tiếp mẹ tôi và cà nhà vào, bữa cơm trưa được 2 bà đón tiếp. Ăn xong, tôi được Cha tôi gọi lên cho đứng hầu quạt, vì 2 cụ không muốn có người lớn đứng hầu. Vâng lời cha, tôi đã đọc những bài thơ Đường như bài “Nguyệt lạc ô đề” và mấy bài khác, tôi được thưởng kẹo bánh và tôi được quạt hầu nghe các cụ nói chuyện.
Cụ Cao nói: “Tôi nghe ông đã khéo léo khuyên được số các nhà yêu nước khỏi bị chết, trong hoàn cảnh qua, tôi rất mừng. Đề nghị ông về bộ Học mục đích để ông giữ gìn Quốc sử quán mà tôi đã dày công sáng lập. Sau khi người Pháp đã thu hết toàn bộ sách vở, tài liệu…quí giá về Pháp, tôi phải vận động nhờ các ông Thân Trọng Huề, Hoàng Trọng Phu v.v…chụp bóng lại và trên cơ sở đó tôi đã cho viết lại từng bộ sách và hiện để tại Quốc tử giám để con cháu dân ta sau này biết rõ lịch sử nước nhà Việt Nam.
Tôi lại cũng mong Ông nối ý chí mở việc học hành cho con em ở quốc nội cũng như được du học . Cụ tôi đáp:
Xin Thầy đừng lo, tôi đã thảo thư xin lập 1 hội “An Nam du học”, cứ mỗi năm sẽ cấp học bổng cho học sinh giỏi được sang Pháp các nước du học, cũng xin Thầy vào chức danh dự hội và cấp cho vài học bổng.
Cụ Cao đáp: ở Nghệ An tôi có một học điền để giúp học sinh ưu tú bản tỉnh, nay có vào hội cũng không khó.
Nhưng ông nên khéo léo, kẻo mắt bọn mật thám Pháp rất tinh vi, họ mưu mô lắm đó. Cụ tôi đáp: “Xin Thầy hãy an tâm, mẹ tôi chết cũng vì tay người Pháp, con cháu ta sau này sẽ còn nhớ mà lo liệu việc ấy”
Nói đến đó, 2 Cụ thấy tôi đứng đã quá lâu, nên cho nghỉ hầu quạt và cho người vào bưng mâm xuống nhà.
Và cũng từ đó, tôi mới biết bà nội tôi bị Pháp giết và càng hiểu vì sao cứ đến ngày 23 tháng 5 âm lịch là ngày kỵ của bà nội, thấy ông cụ tôi khóc mãi.
Năm 10 tuổi, tôi được học trường gần cửa Thượng tứ, sau 2 năm chuyển qua trường nữ học Đồng Khánh gần trường Quốc học.
Rồi một biến cố lại đến với gia đình tôi Chị gái tôi sắp sửa phải vào Nội và tôi phải nghỉ học (1917) ở nhà để lo nội trợ.
Nguyên 2 cụ tôi sinh được 9 người con, 3 gái và 6 trai. Hai bà vợ hầu có 2 gái, 1 gái đã mất, còn 1 gái gả làm dâu cụ Lê Trinh, 1 gái nữa gả cho cha Bửu Hội tức là cụ Ưng Úy
Trong nhà như vậy chỉ còn 1 chị gái tôi 16 tuổi và tôi 12 tuổi. Cũng vào thời gian đó vua Duy Tân cũng đã 17. Còn các anh trai tôi sau khi đậu tiểu tập, được gởi ra học trường tú tài Albert Sarraut. Cứ mỗi mùa hè, được nghĩ hè, các anh tôi thường cùng đi với tôi để hầu vua Duy Tân đi nghỉ mát ở Cửa Tùng. Chị tôi và tôi cũng được đi theo. Ban đầu chúng tôi không dám đi theo Ngài nhưng sau đó, cứ mỗi sáng đã lại thấy Ngài gọi cùng đi. Chúng tôi nhận thấy những khi Ngài ngự du xuân, ngồi trên kiệu vàng thì rất uy nghi, nghiêm chỉnh, mà sao khi ra chơi, Ngài lại rất bình dân, vui đùa hồn nhiên, vô sự. Ăn sáng xong, Ngài về nhà nghe thầy Phụ đạo giảng dạy tiếng Pháp. Buổi chiều, Ngài lại học chữ Nho với cụ Lê Nhữ Lâm và 5 giờ chiều, lại ra biển. Chị tôi và tôi ở nhà với Cụ tôi. Buổi tối, Ngài cho mời Cụ tôi sang đánh cờ và giải quyết công việc ở triều đình Huế.
Hôm Ngài trở về Huế, lần nào cuộc chia tay cũng thật bịn rịn. Các anh tôi đến chào Ngài thật sớm, và đưa ra tận xe, còn 2 chị em tôi đứng ở xa, chỉ vái chào Ngài. Ngài đưa tay chào lại, còn ngoái đầu ngó lại. Tình vua tôi, Thầy Trò thân mật lạ lùng.
Vài tháng sau, có chiếu của 2 ngài Hoàng Thái hậu ra đòi chị tôi vào hầu và cho đôi vòng làm kỷ niệm. Kế đó có người trong Đại nội ra dạy Chị tôi các nghi lễ nhà vua và bảo sẽ xem ngày lành tháng tốt để làm lễ đưa rước chị tôi vào Đại nội.
Bỗng cuối năm ấy lại một biến cố xảy ra bất ngờ. Ngài (vua Duy Tân) cho đòi cụ tôi vào và nói: “Thầy đã rõ lòng ưu ái của tôi đối với gia đình, vậy mà nay tôi xin rút lui việc hôn nhân mà các Hoàng Thái hậu đã định. Tôi chỉ xin Thầy tìm cho một người cháu gái khác để đưa vào trong ngày cưới đã định. Tôi chắc Thầy sẽ rõ lòng tôi hơn ai hết…”
Ông Cụ tôi về nhà, thuật lại mẹ tôi hay và hỏi, “Bà hãy xem có cháu nào không? Mẹ tôi suy nghĩ một lúc rồi đề nghị: Có con gái cụ Mai Khắc Đôn, là cháu gọi cụ tôi là ông cậu (vì Cụ là cậu của Mẹ cô)
Công việc bàn bạc xong, một tháng sau đúng ngày cưới, Hoàng tộc đưa bà ấy vào Nội, mà không phải chị tôi. Hai Cụ tôi bàng hoàng vô cùng và nhất là chị tôi buồn phiền vô hạn.
Mấy tháng sau, khi vua Duy Tân bị bắt ở gần chùa Thiền Tôn và đem về giam Ngài ở lầu Tòa khâm Huế. Cụ tôi cũng bị mời ở lại dưới lầu ấy.
Bà cụ tôi chuẩn bị đưa các con về làng An Lại để có gạo ăn. Tôi xin Mẹ tôi được ở lại bộ Học để hàng ngày đi bới cơm, vị Cụ tôi không quen ăn cơm tây, nên họ cho được bới xách.
Một tháng đã trôi qua, tôi hỏi Cụ tôi: “Thầy có được gặp Ngài không? Cụ tôi đáp: “Họ đương thẩm vấn, riêng từng người nên không được gặp ai hết”
Về sau, Cụ tôi cho biết rằng: “chính Ngài đã cứu vớt gia đình ta, nên đã từ hôn với chị tôi mà không cho Thầy tôi biét lý do nào cả, thật quá quý”. Hôm mẹ tôi ở làng lên thăm, tôi kể lại, mẹ tôi và chị tôi đều khóc sướt mướt.
Mấy hôm sau, Thầy tôi cũng được trở về Bộ. Mẹ tôi hỏi Cụ: “Ai rũ Ngài đi?”. cụ tôi đáp: “Lại 2 ông Trần Cao Vân và Thái Phiên” mà hồi trước ta đã xin cho khỏi bị chết ở Quảng Nam. Cũng vì vậy mà họ giam tôi để xét hỏi, may mà việc này tôi tuyệt nhiên không biết. Còn Ngài thì khai vì thương nhà mình đông con, sợ bị liên lụy nên tự từ hôn chứ không cho biết vì sao cả!”
Hai ông Trần và Thái thì nói “vì khi ở trong lao ở Quảng Nam có hứa với cụ Hồ Đắc sau mười năm sau mới hoạt động. Nay tuy mới 6 năm, nhưng gặp cơi hội tốt: Pháp đã thua Đức, giao hàng vạn cây súng vào tay người Việt sắp đi đánh thuê, nếu Ngài Vua cho một lời chiếu để quân lính quay súng lại, thì nhất định người Pháp phải rời khỏi Việt Nam. Vì vậy mà chúng tôi (2 ông Trần và Thái) đã bí mật xin gặp Ngài ở hồ Tịnh Tâm và định ngày khởi nghĩa. Không ngờ có người phản bội chỉ điểm, nên Ngài bị bắt. Vậy chúng tôi xin hoàn toàn chịu tội”.
Cũng nhờ những lời khai trên mà tôi (Cụ tôi) được vô tội nhưng với điều kiện tìm cho được 1 ông vua khác, đừng có đầu óc cách mạng thì mới tha tội cho tôi.
Sau những lời nói ấy, mẹ tôi suy nghĩ hồi lâu mới nói: “Vậy cái ông Hoàng mà tôi thường gặp ở chùa Tây Thiên, là rể của cụ Trương Như Cương đó, con người thích đeo vòng, đeo nhẫn như đàn bà đó, ông nghĩ sao?
Ông Cụ tôi mừng quá nói, “Ừ, phải khi vua Đồng Khánh mất, ông ta còn nhỏ quá, cho nên họ không tôn lên thay, mà tôn vua Thành Thái, Duy Tân là con cháu Ngài Dục Đức”.
Sáng hôm sau, Cụ tôi sang tòa Khâm đề nghị ông Hoàng Cả thì người Pháp họ đồng ý ngay. Họ lại còn giao cho cụ tôi phải thảo tờ trình về cái án của vua Duy Tân.
Ông Cụ tôi về nhà, lở khóc, lở cười, chiều hôm ấy Cụ chỉ nằm khóc bỏ cả cơm nước. mẹ tôi phải an ủi, động viên mãi, ông Cụ mới ngồi dậy và suốt đêm hôm đó, cụ ngồi mãi viết hoài…đại để bản án hay ở chỗ là khen Vua có lòng ái quốc, chỉ vì tuổi còn nhỏ, nên đã làm sai đường lối mà nước Pháp muốn mở mang cho Việt Nam, cho nên xin người Pháp hãy nghĩ tình mà tha thứ. Bản án có lý, có tình rất thống thiết nên được duyệt y(2).
Ngày Cụ tôi đi chào Ngài lần cuối, Vua tôi nhìn nhau thật lâu, rồi nghẹn ngào cụ tôi nói: “Xin Ngài giữ gìn sức khỏe”.
Ngài cười và gởi lời chào tạm biệt các bạn trẻ nữa. Cụ tôi về nhà nằm khóc 2,3 hôm liền. Chị tôi cũng khóc mãi, không kém ông Cụ.
Tôi bảo chị khóc vậy có ích gì? Hãy can đảm, tự hào về 2 nhà ái quốc sẽ bị xử tử ngày mai đó. Ông Cụ tôi càng buồn mà sinh ốm.
Qua cơn sóng gió. Triều đình đã tôn ông Hoàng Cả lên làm vua, hiệu là Khải Định và lựa chọn bách quan vào các chức vụ mới.
Một hôm, Cụ tôi đi hầu về trưa hơn mọi ngày. Bà Cụ tôi hỏi, Cụ bảo là Ngài Khải định đã cho mời riêng tôi vào lầu Kiến Trung và hỏi rằng: “Tôi có thể tin Thầy là ông gia hụt của Duy Tân không? Cụ tôi tâu lại: “Nếu Ngài không tin xin cho tôi về”. Ngài nói thêm: “Ông Khâm sứ nói: Tôi cần có một người vợ nói tiếng Pháp giỏi để làm các việc cơ mật, mà người con gái đó lại là con Thầy, nên tôi muốn biết ý kiến Thầy. Trước đây tôi đã có bà vợ con Cụ Trương Như Cương rồi nhưng bà ấy đã xin về 3 năm nay rồi. Tôi sẽ cưới con Thầy làm Hoàng Phi vợ chính. Thật ra, tôi cũng đã có 1 người hầu và 1 con mới 4 tuổi, nó sẽ là con Bà Hoàng Phi.
Về nhà, cụ tôi thuật lại mà thở dài và nói: “Xem chừng con nhỏ nó còn nhớ vua Duy Tân lắm. Mẹ tôi cũng thở dài rồi đem chuyện thuật lại cho chị tôi rõ. Vừa khóc, chị tôi vừa thưa: “Con xin nguyện ở trọn đời, không nhận lời ai nữa hết” và vào phòng riêng khóc nức nở. Anh cả tôi hôm ấy cũng về, gọi chị tôi, nhưng chị tôi cũng không dậy, và đòi tự vẫn.
Ông cụ tôi lo lắng, bảo tôi vào dỗ chị và nếu chị con vẫn không nghe lời, thì Thầy cũng xin trở về cày ruộng để khỏi bị tình nghi.
Đêm đó tôi đem cháo vào dỗ chị ăn và ngủ cùng chị. Khuya hôm đó, tôi nói: Thầy và anh Khải đều là văn nhân, nay về làm ruộng sao được, huống nữa còn 4 anh em đang học ở Hà Nội, vậy ai là người nuôi các anh nên tương lai? Nếu chị mà không biết hy sinh, thì Chị còn thua nàng Kiều đã bán mình chuộc cha. Còn Ngài (Duy Tân) đã vị quốc gia, vậy sao chị không vì gia đình như Ngài đã hy sinh vì nước?
Lắng nghe tôi nói, chị nằm im lặng không trả lời. Sáng hôm sau, đôi mắt còn sưng húp, nét mặt buồn phiền sang phòng Cụ tôi và thưa: “con xin nghe lời Thầy và anh. Cụ tôi mừng quá, ứa nước mắt nói: “Thầy biết con vì hiếu quên tình, như vậy là cả nhà anh em đều có phước nhờ con đó”.
Sáng hôm sau, Cụ tôi vào Nội trả lời và định ngày cho chị tôi vào cung để hầu thăm 2 Thái hậu.
Trong thời gian đó, phong trào Duy Tân tuy bên ngoài có vẻ đã im lặng, nhưng thực ra vẫn âm ỷ cháy bỏng trong nam nữ thanh niên nam nữ học sinh ở Huế. Lại thêm lúc này “Huyết thư của cụ Phan Sào Nam gửi về, tiếp đó cụ Phan bị bắt đem về nước và giam lỏng ở Huế. Lại còn phong trào Phan Chu Trinh năm 1922 đưa 7 điều lên án vua Khải Định ở Pháp làm rúng động lòng dân.
Năm 1926, đám tang cụ Phan Chu Trinh. Sau lễ truy điệu, học sinh 2 trường Quốc học, Đồng Khánh, Trường Bách công bãi khóa. Họ kéo xuống Tòa Khâm biểu tình. Nhiều nam nữ học sinh bị bắt giam ở hai nơi, nữ ở nhà cụ Ưng Úy, nam ở sân vận động, trong đó có chị Trần Như Mân và số nữ sinh, nam sinh…
Hồi đó, tôi ham đọc sách về cách mạng các nước. Gandhi ở Ấn Độ, và cách mạng Pháp, Nga v.v… vì muốn nghiên cứu kỹ trước khi hành động vào đời. Tôi vẫn giữ chức thủ quỹ tài chánh do 2 ông Hải Triều và Bà Trần Như Mân giao phó để che mắt bọn mật thám.
Muốn giữ vững nhiệm vụ, tôi đề nghị Cụ Đạm Phương lập Hội Nữ Công để mỗi tháng đi thu tiền hội viên cả 2 phần ủng hộ Cách mạng và của Hội.
Các anh chị mỗi lần cần tiền để mua giấy in ấn tài liệu hoặc công việc khác, tôi đều ứng trước, có khi phải bù đắp.
Được sự ủng hộ của cha, tuy có những lần tên mật thám gọi tra hỏi, tôi đều được cụ tôi bảo lãnh nên vô sự.
Có lần bị soát gắt gao, anh em đem tài liệu mật giao tôi đưa cất giấu ngay trong bộ Học, đều được song suốt.
Ngày lập hội Nữ công xong, tôi có bài thơ tặng chị em, được Cụ Đạm Phương cho thêu treo ở phòng giữa.
Tặng hội Nữ Công
Nữ công sáng lập tại Thừa Thiên
Kinh tế nâng cao bước nữ quyền
Gánh vác giang sơn thân gái Việt
Duy trì nòi giống đất Rồng Tiên
Công dung tinh tấn không lười biếng
Ngôn hạnh đoan trang ấy chính chuyên
Tất cả chị em nên gắng bước
Noi gương Trưng Triệu mãi lưu truyền
Năm 1928, vì hội Nữ Công thiếu tiền trả về đất đai, tôi đã lập một cuộc đấu xảo mỹ nghệ phụ nữ, và 10 đêm giúp vui lấy tiền vào cửa để thánh toán món nợ cho Hội. Bà con gái cụ Đạm Phương là bà Bửu Du giử quỷ đó. Hội cũng đã trích ra để làm giải thưởng khen các sản phẩm và tài khéo tay của chị em.
Sau cuộc đấu xảo đó, tôi đã mở một cửa hàng hiệu “Nam hóa”, chuyên bán toàn đồ nội hóa, đồng thời cổ động chị em chuyên dùng hàng nội. Hiệu còn nhận hàng của các nước ngoài đặt hàng của nghệ nhân VN (chạm trổ, vàng bạc, hàng tơ lụa, hàng thêu, đồ mỹ nghệ…)
Một hôm, tôi bị sở mật thám gọi và cho tôi là gây phong trào bài ngoại như Gandhi ở Ấn Độ. Tôi đáp: “Kiếm công ăn việc làm cho phụ nữ nghèo là có tội hay sao? Xin ông cho tôi bằng cớ phản động và tôi xin chịu tội”. Bọn chúng thả tôi về nhưng làm rắc rối cho Cụ tôi.
Một hôm Cụ tôi gọi tôi và bảo: “Con nên tổ chức sao cho khéo mới dể hoạt động”. Tôi liền thảo một bức thư mời các Bà Chúa, các phu nhân của các vị Thượng thơ, các bà quan lớn và các bà Đầm vợ của những ông Tây quyền cao chức trọng lập thành 1 hội cứu tế tên hội “Lạc Thiện”. Có dịp cụ tôi đi Hà Nội, tôi xin đi theo ra gặp Bà Toàn quyền, đưa đơn mời Bà làm danh dự hội viên, Bà ấy vui vẻ nhận lời. Vậy là tôi được phép đi các tỉnh gặp mời các bà ? bà quan lớn của Nam triều, và phong trào ngày càng lớn mạnh.
Hồi ấy hội Nữ công hoạt động mạnh, đã từng lấy quỹ hội làm lời, phần gấp anh chị em hoạt động cách mạng, phần giúp phong trào Cường Để ở Nhật, giúp anh em học ở Trung Hoa (du học) một phần bỏ vào quỹ An Nam Du học hội, giúp Cụ Phan Sào Nam (Phan Bội Châu) ở Bến Ngự do ông Trần Đình Nam và ông Thân Trọng Phước ủng hộ. Một việc làm mà tôi không thể quên, lúc Bà cụ Phan vào Huế thăm chồng. Chị em hội Nữ Công chúng tôi do Cụ Đạm Phương dẫn đầu lên thăm và đem quà tặng Bà.
Sau 1 tháng ở lại cùng Cụ ông, Bà đòi về quê. Biết hoàn cảnh của gia đình Cụ, Bà đạm Phương và tôi đem biếu Cụ 500đ và Hội tặng 500đ (3), và xin Cụ ở lại vài tháng, Cụ nói là sắp đến ngày mùa, tôi cần về lo việc đồng ruộng và cúng kỵ giỗ, ai nỡ ngồi ănám của chồng mà quốc dân ủng hộ. Nhưng vì nể chị em, Bà chịu ở thêm 1 tháng nữa.
Tháng sau, tôi lên tiễn Cụ Bà ra ga. Cụ ông đưa cụ Bà ra cửa với đôi khóe mắt lưng tròng. Ở ga về, bà Đạm Phương cùng tôi ghé lại Bến Ngự, thấy ông Cụ ngồi trầm ngâm với chén trà. Ông Cụ mời tôi ngồi và nói: “Không có bà ấy thì không có tôi ngày nay, rồi cụ thuật lại câu chuyện.”
Khi anh em chúng tôi bị bắt, tôi phải tạm trốn về nhà. Bà ấy nói: “Đã cưỡi cọp, phải đi xa, nếu ông còn bịn rịn e sẽ liên lụy cả”. Tôi nói: “Con là con chung, cha mẹ tôi gài cả rồi, bà nghĩ sao?” Bà ấy liền nói: “Ông không tin ở tôi sao? Tôi là nội tướng, ông là ngoại tướng phải lo xa lánh mới để bề hoạt động”. Tôi bèn vái bà ấy 3 vái, gửi lại cha mẹ và 2 con rồi khuya ấy tôi ra đi và từ ấy đến nay tôi mới gặp lại Bà ấy!
Vì vậy mà tôi nói sự nghiệp cách mạng của tôi là do tay bà giúp đỡ!
Chúng tôi chào cụ ra về. Có người hỏi sao thời ấy mà lời thơ, câu đối của cụ Phan đều tỏ ý tôn trọng, đề cao nữ quyền. Tôi đáp rằng: vì Cụ đã nhận thấy phụ nữ Việt Nam ta là vậy, trong đó có vợ Cụ. Tuy hồi ấy chị em được ít học hành, nhưng yêu nước, kiên cường, đảm đang, hy sinh… Cũng nghĩ vậy nên tôi có làm bài thơ tặng cụ Bà mà tôi còn nhớ mãi.
Tặng cụ Bà Phan Sào Nam.
Một đấng anh thư thật đáng yêu
Ba mươi năm trước chuyện còn nhiều
Quyết tình dứt áo về quê quán
Vững dạ khuyên chồng giữ chí kiên
Vì nước hy sinh chia cuộc sống
Thương đời nên phải quyết tâm liều
Đôi ta chung sống trong tin tưởng
Gởi mối tình thâm đến mỗi chiều.
Năm 1930, được tin ở Nghệ An bị vỡ ổ, nhiều nhà chí sỹ bị xử án tử hình, phơi thây, bêu đầu…Anh chị em ở Huế gặp nhau, nước mắt lưng tròng mà không dám khóc. Tôi về nhà anh Hải Triều ở Đạp Đá. Bà Đạm Phương hỏi: Bây giờ ai hy sinh ra Nghệ An gặp các gia đình ấy và tìm cách giúp đỡ các gia đình đó, các cháu mồ côi? Tôi nói: “chỉ có người trong hội Lạc Thiện đi mới không bị ngờ vực. Cụ Bà Đạm Phương nói: “Phải rồi, chỉ có Chị, hãy gắng ra thăm hỏi, ? họ.
Tôi về nhà sắp đặt, nhóm hội lại xin số tiền giúp đỡ, rồi cũng một bà nữa đi ra Vinh lấy cớ là làm việc từ thiện. Tôi gặp gỡ các bà đầm vợ mấy ông quan người Pháp và nói: “Họ có tội thì xử tội họ, nhưng phải chôn cất kẻo mất vệ sinh, và hội chúng tôi sẽ xin mua hòm được mấy chục cái và chôn cất họ. Nhân dịp ấy mới gặp vợ con họ lên chôn chồng, nên hội chúng tôi cũng giúp đỡ các gia đình đó được ít nhiều trong lúc gặp tai họa.
Lúc ngồi trên xe trở về Huế, tôi cảm xúc có làm bài thơ mấy câu, nay mới dám chép:
Thấy cảnh tang thương
Thấy cảnh này ai chẳng đoạn trường
Đau lòng khó tỏ mối tình thương
Lam giang sóng cuộn trăm dòng lệ
Hồng lĩnh tro vùi những nắm sương
Khắc khoải luống thương người chí sỹ
Ngậm ngùi thêm tủi khách tha phương
Ấy ai tri kỷ cùng non nước!!
Gỡ bớt cho nhau mối đoạn trường.
Bài này cụ Đạm Phương khen là hay mà không dám cho ai nghe . Chỉ có bà Đốc Tạ là mẹ của Tạ Quang Bửu đọc thôi. Viết đến đây lại nhớ bà Cụ Đốc Tạ khi đi qua thôn nọ thấy họ lấy nền chùa làm nhà Thờ, bà có gửi tôi 2 câu thơ:
Ngọn Thủy triều toan xoay cỗ đô
Bóng Tà dương đã ruỗi cô thôn.
Tôi đáp lại 2 câu khi lên chùa:
Mặc cho sóng ngập khắp trời
Con thuyền vững lái, tá thời vượt qua.
Thảo luận
Không có bình luận