Isaac Bashevis Singer
Triệu Phong dịch
Isaac Bashevis Singer là nhà văn Mỹ gốc Do Thái Ba Lan. Ông viết sách bằng tiếng Yiddish rồi sau đó tự dịch sang tiếng Anh. Ông dẫn đầu phong trào viết văn bằng tiếng Yiddish, được hai giải thưởng National Book Awards của Hoa Kỳ, nhờ cuốn hồi ký viết cho trẻ em Ngày hạnh phúc: những câu chuyện về cậu bé lớn lên ở Warszawa. Ông nói ông viết cho trẻ em bởi vì “Con trẻ hãy còn tin vào Thượng đế và gia đình, thiên thần và quỷ sứ, phù thủy và yêu tinh…”.
Năm 1978, ông được trao giải Nobel Văn Chương. Trong diễn từ nhận giải Nobel, ông coi việc tặng giải cho ông là “sự thừa nhận đối với ngôn ngữ Yiddish – một ngôn ngữ chịu cảnh tha hương, ngôn ngữ không có đất, không có biên cương… một ngôn ngữ mà không có từ để diễn tả những khái niệm như “vũ khí”, “quân trang”, “huấn luyện cực hình”, “chiến thuật nhà binh”… Tiếng Yiddish là một ngôn ngữ khiêm nhường và luôn lo sợ nhưng không đánh mất niềm hy vọng của con người”. Các nhà phê bình có những đánh giá khác nhau về I. Singer, nhưng ông được coi là một người kể chuyện tài hoa, hấp dẫn. Ông mất ở Surfride, Florida, Mỹ năm 1991.
Thuở xưa có một người nông dân nghèo, tên là Jan Skiba. Ông sống với vợ và ba người con gái trong một túp lều tranh một phòng, xa hẳn với xóm làng. Trong lều có một chiếc giường, một giường vừa dùng làm ghế băng, một chiếc lò, nhưng không có gương soi. Gương soi là vật xa xỉ đối với một người nông dân nghèo. Mà việc gì người nông dân cần đến gương soi ? Người nông dân không hề tò mò đến bề ngoài của mình.
Nhưng người nông dân lại có nuôi một chú chó và một cô mèo. Chú chó tên Burek và cô mèo tên Kot. Cả hai đều sinh ra trong cùng một tuần. Dù thực phẩm không đủ cho bản thân và gia đình, ông vẫn không để cho chú chó và cô mèo chịu đói. Vì chú chó chưa hề trông thấy một con chó đồng loại khác, cô mèo cũng chưa bao giờ thấy một con mèo khác, mà cả hai chỉ trông thấy nhau thôi, thế là chú chó nghĩ mình là mèo và cô mèo nghĩ mình là chó. Chúng hoàn toàn không có điểm nào giống nhau. Chó thì sủa còn mèo kêu meo meo. Chó rượt thỏ trong khi mèo thì rình chuột. Nhưng mọi sinh vật dù là đồng loại có bắt buộc phải giống hệt nhau đâu ? Mấy đứa nhỏ con người nông dân có giống nhau đâu. Burek và Kot sống hòa thuận với nhau, chúng cùng ăn chung một đĩa, và thường bắt chước nhau. Khi Burek sủa, Kot bắt chước sủa theo, và khi Kot kêu meo meo, Burek cũng nhái giọng meo meo. Thỉnh thoảng Kot rượt thỏ còn Burek thì gắng thử rình bắt chuột.
Những người mua bán dạo thường mua yến mạch, gà, trứng, mật, bò cái, và bất cứ thứ gì từ các nông dân trong làng nhưng họ không bao giờ đặt chân đến túp lều nghèo nàn của Jan Skiba. Họ biết ông Jan quá nghèo chẳng có thứ gì để bán. Nhưng một hôm có một người bán dạo tình cờ đi lạc qua. Khi bước vào lều, gã bày mớ hàng của mình ra, làm bà vợ ông Jan Skiba và mấy đứa con gái trầm trồ trước mọi món đồ nho nhỏ xinh đẹp. Từ trong cái túi, gã bán hàng lôi ra những hột cườm màu vàng, những viên trân châu giả, những bông tai bằng thiếc, nhẫn, trâm, khăn trùm đầu đủ màu, nịt bít tất, cùng những thứ nữ trang rẻ tiền tương tự khác. Nhưng cái mê hoặc mấy người phụ nữ nầy nhất là một cái gương soi khung viền gỗ. Khi hỏi giá thì người bán dạo nói là nửa đổng gulden (đơn vị tiền Hà Lan), quá nhiều đối với những nông dân nghèo. Sau một lúc, bà Marianna, vợ ông Jan Skiba, đưa ra một đề nghị với người bán dạo. Rằng bà sẽ trả cho gã năm xu groschen mỗi tháng để lấy cái gương soi. Người bán dạo do dự một lúc. Gã nghĩ cái gương soi choán nhiều chỗ trong cái túi và luôn có nguy cơ bị vỡ. Nghĩ thế nên gã ưng thuận, cầm lấy khoản trả góp đầu tiên là năm groschen, để lại cái gương soi rồi ra đi. Gã thường xuyên ghé qua vùng nầy nên gã biết rõ nhà Skiba nầy toàn là người lương thiện cả. Dần dần rồi gã sẽ thu đủ tiền và còn được lời thêm nữa.
Tấm gương soi tạo nên một sự xáo trộn trong túp lều. Trước đây, Marianna và các con hiếm khi nhìn thấy mình qua gương soi. Trước khi có tấm gương họ chỉ nhìn thấy hình ảnh mình phản chiếu trong lu nước đặt bên cửa lớn. Nay họ có thể nhìn thấy họ thật rõ ràng và bắt đầu tìm thấy những khuyết điểm ở trên mặt mình, những khuyết điểm mà trước đây họ chưa bao giờ chú ý đến. Marianna xinh đẹp nhưng bị mất một cái răng cửa khiến bà cảm thấy đó là cái làm cho mình trông xấu xí. Một đứa con gái khám phá rằng mũi mình quá tẹt, hếch và bè ra hai bên; đứa thứ nhì thấy cằm mình quá hẹp và dài; đứa thứ ba bấy giờ mới hay là mặt mình lốm đốm đầy tàn nhang. Ông Jan Skiba cũng vậy, ông nhìn thoáng mình trong gương và đâm ra bất mãn vì nhận thấy mình có đôi môi dày, còn hàm răng thì nhô ra trước như cái lờ bắt lươn. Hôm ấy, mấy người phụ nữ quá bị thu hút bởi tấm gương, trở nên xao nhãng việc nấu cơm tối, không trải dọn giường, bỏ lơ mọi việc nội trợ khác. Marianna nghe nói một người nha sĩ trên đô thị lớn có thể lấp chỗ răng sún bằng cái răng giả khác nhưng mắc tiền dữ lắm. Các cô con gái thì cố tự an ủi nhau rằng họ xinh chừng đó cũng đủ rồi và rằng họ có thể kiếm người chịu xin cưới mình, tuy không còn với vẻ vui nhộn như trước nữa. Họ buồn lòng trước sự kiêu sa của những người con gái chốn thị thành. Cô gái có cái mũi bự ngày nào cũng dùng mấy ngón tay bóp mũi cho hẹp lại bớt; cô có cằm nhọn thì dùng quả nắm bàn tay để đẩy lên cho ngắn lại; còn cô mặt tàn nhang thì tự hỏi không biết trên phố có thứ thuốc xức nào để tẩy chúng hết được không. Nhưng biết đào đâu ra tiền để đi xe lên phố ? Còn tiền để mua dầu xức thì sao ? Lần đầu tiên gia đình Skiba thấm thía cái nghèo của mình và đâm ra ganh tị với giới nhà giàu.
Nhưng không chỉ những thành viên của nhân loại trong túp lều mới bị ảnh hưởng. Cả chú chó lẫn cô mèo cũng ngày càng bị tấm gương làm cho phát cuồng lên. Túp lều thì thấp mà tấm gương lại treo ngay trên cái ghế băng. Thoạt đầu cô nàng mèo nhảy vọt lên cái ghế băng và thấy hình ảnh mình trong gương, cô nàng hết sức bối rối. Từ trước tới nay nàng mèo chưa trông thấy một sinh vật như thế bao giờ. Những sợi ria của nàng Kot dựng đứng lên; cô nàng kêu meo meo về phía hình ảnh phản chiếu của mình trong gương, đồng thời giơ bàn chân móng vuốt lên, nhưng con vật trong gương đáp lại bằng tiếng kêu meo meo và cũng đưa chân lên hăm he. Không mấy chốc sau đó, chú chó cũng nhảy lên chiếc ghế băng, và khi chú nhìn thấy con chó khác, chú trở nên điên cuồng và sốc vì kinh ngạc. Chú sủa con chó kia và nhe răng đe dọa, nhưng con chó kia cũng nhe răng và sủa đáp lại. Nỗi bi thiết của Burek và Kot lớn đến nổi lần đầu tiên trong đời chúng đâm ra đối chọi nhau. Burek đớp một phát vào cổ họng Kot, trong khi Kot thì rít lên khịt khịt, đưa chân vả và cào vào mỏm chú chó. Cả hai bắt đầu chảy máu, và sự thấy máu làm chúng hăng tiết lên đến nổi suýt giết hay gây thương tích cho nhau. Những người trong gia đình chỉ vừa kịp can ngăn chúng ra. Vì chó mạnh hơn mèo nên Burek bị buộc ở ngoài trời, khiến chú tru cả ngày lẫn đêm. Quá khổ não, cả chó lẫn mèo đều bỏ ăn.
Khi ông Jan Skiba nhận thấy sự xáo trộn mà tấm gương tạo nên cho gia đình, ông khẳng định tấm gương không phải là thứ mà gia đình ông cần. “Tại sao phải soi gương,” ông nói, “trong khi ta có thể ngắm và ngợi ca bầu trời, mặt trời, mặt trăng, các vì sao, và trái đất với những cánh rừng, đồng cỏ, sông suối và cây cỏ ?” Ông hạ tấm gương xuống khỏi bức tường và dẹp khuất vào xó củi. Khi người bán dạo ghé lại để thu tiền trả góp hằng tháng, ông Jan Skiba trả lại cho gã tấm gương, và thay vì vậy, ông mua khăn trùm và dép lê cho mấy phụ nữ. Sau khi tấm gương biến mất, Burek và Kot trở lại bình thường. Một lần nữa, Burek nghĩ mình là con mèo và Kot thì tin chắc mình là chó. Mặc dù tìm thấy nơi mình có những khiếm khuyết, các cô gái vẫn có được những cuộc hôn nhân tốt đẹp. Vị linh mục trong làng nghe kể lại câu chuyện xảy ra cho gia đình Skiba, ông nói, “Một tấm gương chỉ cho ta thấy trên lớp da của cơ thể. Hình ảnh thật sự của một người nằm nơi ý nguyện sẵn sàng giúp đỡ bản thân và gia đình, và tất cả những người anh ta tiếp xúc càng xa càng tốt. Cái thứ gương ấy mới soi rọi chính tâm hồn của con người.”
Dịch từ nguyên tác “The cat who thought she was a dog and the dog who thought he was a cat” của tập truyện “Stories for Children, ” xuất bản năm 1984.
Thảo luận
Không có bình luận