(tt) Thế rồi một hôm, chàng họa sĩ đa tình nhận được một bức thư của người yêu – , không, của người hết yêu, báo tin nàng sắp lấy chồng.
Thư viết bằng mực tím, trên bốn trang giấy học trò, xé trong một quyển vở Nam Phương Hoàng Hậu (loại vở học trò rất thông dụng lúc bấy giờ). Thư do một cô bạn gái của Khánh đem đến tòa báo Bắc Hà trao tận tay Tuấn Trình. Cô bạn gái hỏi “ông Tuấn Trình” chứ không gọi Thâm Tâm.
Ngoài bao thư cũng đề : Monsieur Tuấn Trình (chữ Mr bằng tiếng Pháp), nét chữ quen thuộc của T.T Khánh. Đại khái Khánh nhắc lại tình yêu “thơ mộng” của cô với người “nghệ sĩ tài hoa son trẻ” (những chữ cô dùng trong thư), tình yêu rất đẹp, nhưng vì Thầy Me của cô rất “nghiêm”, theo lễ giáo, nên dù người vị hôn phu của cô là một người chỉ mới biết sơ thôi, nhưng cô vẫn có bổn phận “giữ tròn chữ hiếu, không dám cãi lời Thầy Me đặt đâu ngồi đấy, … ” Cô nói cô buồn lắm vì tình yêu dang dở, “em vẫn yêu anh mãi mãi ! không bao giờ quên anh, nhưng “van” anh đừng giận em, thương hại em, chứ đừng trách móc em … ” Cô than thở đời cô khổ nên tình duyên ngang trái, cô khóc suốt đêm …
Khánh không nói một câu nào về người vị hôn phu không cho biết ngày cưới, và cuối thư ký tắt : KH.
Bức thư của KH. chấm dứt một cách đột ngột cuộc tình duyên thật sự không mấy “thơ mộng” của Họa sĩ Tuấn Trình và cô Trần Thị Khánh.
* * * * *
Sau do sự dọ hỏi vài người quen ở phố Sinh Từ, Tuấn Trình được biết chồng cô Khánh là một nhà buôn giàu có ở phố Hàng Ngang, 39 tuổi, góa vợ và không có con. Trong câu thơ “Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi” chỉ sự cách biệt tương đối giữa tuổi 39 của người chồng với tuổi hãy còn vị thành niên của cô Khánh. Đó chỉ là nhận xét chủ quan và mỉa mai của Thâm Tâm, so sánh tuổi mình 20 với người đàn ông được diễm phúc làm chồng cô Khánh, nhưng trên thực tế và theo lời những người hàng xóm ở phố Sinh Từ nói với Tuấn Trình thì người chồng cô Khánh “giàu sang và trẻ đẹp” chứ không phải một ông già.
Đám cưới đã nhờ mối lái qua lại từ lâu, và đồ sính lễ có kiềng vàng, xuyến, nhẫn, vòng, kim cương, quần áo hàng lụa quí giá cả. Rước dâu bằng 10 chiếc xe Citroen mới, cô dâu đeo nữ trang rực rỡ, mặc chiếc áo cưới màu đỏ tươi, lộng lẫy ngồi trong xe hoa như nàng công chúa ngồi cạnh người chồng mặc áo gấm xanh. Đêm trước hôm cô Khánh lên xe hoa, Thâm Tâm có tổ chức tại tòa báo Bắc Hà một tiệc thịt chó, uống Mai Quế Lộ, mời Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can tham dự. Họ say sưa, ngâm thơ, làm thơ, cười đùa cho đến khuya rồi lăn ra ngủ trên đất.
Người đau khổ trong cuộc tình dang dở nầy không phải là cô Khánh. Trái lại, cô có đầy đủ hạnh phúc với người chồng rất chiều chuộng cô. Trần Huyền Trân đã gặp cô đi hí hởn với chồng vào ăn kem ở tiệm Blanche Neige (kem Bạch Tuyết), Bờ Hồ, hai lần. Hai ông bà nhìn nhau và cười với nhau ra vẻ âu yếm lắm. Khánh đã có thai, được chồng săn sóc nâng đỡ lên chiếc xe nhà Citroen, lúc ra về, còn đi một vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm. Trần Huyền Trân kể lại cảnh âu yếm đó cho Tuấn Trình nghe và kết luận : “Con Khánh nó cho cậu leo cây, cậu còn si nó làm gì nữa, thêm tủi nhục.”
Người đau khổ dĩ nhiên là Tuấn Trình THÂM TÂM.
Chàng yêu nhớ đơn phương với mặc cảm của một nghệ sĩ nghèo bị người yêu bỏ rơi, lại còn bị mấy thằng bạn trẻ chế nhạo đùa bỡn, nhất là Vũ Trọng Can.
Vì một chút tự ái văn nghệ, đối với mấy người bạn kia, Tuấn Trình đã phải thức một đêm, theo lời anh, làm một bài thơ đề là “HAI SẮC HOA TI GÔN” ký T.T. KH. với thâm ý để Trần Huyền Trân và Vũ Trọng Can tin là của Khánh làm, để thương tiếc mối tình tan vỡ. Muốn giữ tính cách bí mật, Tuấn Trình dán kín bao thư rồi nhờ cô em họ, con gái của người cô ở phố Cửa Nam, mang thư đến tòa báo. Cũng chính cô em họ đó đã chép giùm bài thơ với nét chữ con gái dịu dàng của cô, để khỏi bị nghi ngờ. Cho nên giọng thơ hoàn toàn là giọng thơ lãng mạn của Tuấn Trình, và lời thơ khác hẳn những lời tâm sự trong bức thư cuối cùng của KH. báo tin sắp lấy chồng. Cô Khánh không biết làm thơ. Cô chưa bao giờ làm thơ cả ! Và cô ghét những bài thơ của Thâm Tâm nữa là khác. Tuấn Trình đã nói quả quyết với tôi như vậy, sau khi nhận được một bức thư của Khánh, bức thư cuối cùng, tỏ ý KHÔNG BẰNG LÒNG anh mượn tên cô để làm thơ kể chuyện tình duyên cũ, có thể làm hại đến cuộc đời của cô. Trong thư PHẢN ĐỐI đó, Khánh xưng TÔI chứ không xưng EM như những thư trước, để chấm dứt trò chơi vô ích ấy. Thâm Tâm lấy những lời nghiêm khắc giận dữ của người yêu cũ để làm ra “BÀI THƠ CUỐI CÙNG” :
TRÁCH AI mang cánh ti gôn ấy,
Mà viết tình xưa ĐƯỢC ÍCH GÌ ?
…..
BÀI THƠ đan áo nay RAO BÁN,
CHO KHẮP NGƯỜI đời thóc mách xem.
LÀ GIẾT ĐỜI nhau đấy, BIẾT KHÔNG ?
Dưới giàn hoa máu, tiếng mưa rung,
Giận anh tôi viết dư giòng lệ,
Là chút dư hương điệu cuối cùng.
Từ nay anh hãy BÁN THƠ ANH,
VÀ ĐỂ YÊN TÔI với một mình.
Những cánh hoa lòng, HỪ ĐÃ BỎ,
Còn đem mà ĐỔI LẤY HƯ VINH.
Cô Khánh “TRÁCH” người cũ không những đem chuyện tình xưa ra viết chẳng “ĐƯỢC ÍCH GÌ” lại còn làm BÀI THƠ đi “RAO BÁN” cho người đời THÓC MÁCH mua xem. Như thế là ANH “GIẾT ĐỜI TÔI, anh CÓ BIẾT KHÔNG ?” Anh đem BÁN THƠ để kiếm chút “HƯ VINH”, nhưng chuyện xưa ĐÃ BỎ rồi, anh hay ĐỂ TÔI YÊN ! …
Thâm Tâm lấy gần hết chữ và nghĩa trong bức thư đoạn tuyệt tàn nhẫn của Trần Thị Khánh làm bài thơ CUỐI CÙNG đó mà vẫn ký T.T. KH., một lần cuối cùng. Rồi, để đáp lại, chàng làm một bài ký tên THÂM TÂM và cũng là bài cuối cùng, mỉa mai, chua chát :
Đây bài thơ chót KÍNH DÂNG TẶNG BẠN.
Và thành chúc đời em luôn tươi sáng,
Như mộng kiều đầm ấm tuổi xuân xanh,
Như hương trinh bát ngát ý dịu dàng,
Hoa nhạc mới triều dâng tơ hạnh phúc.
…..
Trên phương diện văn thơ cũng như tình cảm, ta chỉ thương hại Thâm Tâm, nhà thơ trẻ, hãy còn ngây thơ với tuổi 19, đầy thơ mộng, cứ tưởng rằng cô Khánh vẫn thành thật yêu chàng, rằng cô bị cha mẹ ép gả cho một “ông già”, nhưng cô vẫn giữ mối tình thiêng liêng chung thủy với người nghệ sĩ tài hoa. Cho nên tưởng làm vui lòng người yêu, chàng lấy tên nàng để ký dưới bài thơ thương tiếc, với những câu tình tứ như :
Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ ?
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ,
Người ấy cho nên vẫn hững hờ.
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi, người ấy có buồn không ?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ,
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng ?
…..
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ,
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.
…..
Nhưng chàng thi sĩ si tình có ngờ đâu không những cô Khánh không hề tỏ chút gì cảm động vì mối tình đau khổ, thủy chung của chàng, hoặc cám ơn những bài thơ an ủi của chàng, mà trái lại cô còn gởi một bức thư vô cùng tàn nhẫn hằn học, nào là : “Anh giết đời tôi, anh biết không ?” nào là anh mang chuyện cũ ra viết “chẳng ích gì”, cô lại còn tỏ ý khinh rẻ : “từ nay anh cứ đem thơ anh đi bán rao để kiếm chút hư vinh, nhưng anh hãy để tôi yên”, …
Bấy giờ Thâm Tâm mới thức tỉnh, tìm lời bào chữa cho mình ! Nào là :
… Anh biết cái gì xưa đã chết,
Anh càng buồn, càng muốn viết thành thơ.
Nhưng thôi,
Mộng đang xanh, mộng hóa bơ phờ,
Đây bài thơ chót kính dâng tặng bạn.
Thâm Tâm tự hạ mình viết “kính dâng tặng bạn” có ý xin lỗi chua chát người không phải là người yêu của mình nữa, và chàng đã viết :
Chim muốn bay, cũng giữ chẳng được nào !
(Nàng đã không muốn yêu nữa, thì giữ làm sao được ?)
Và :
Có gì đâu, khi bướm muốn xa cành !
Thâm Tâm không những đã tỉnh ngộ, mà lại còn uất hận vì thái độ khinh bạc của cô Khánh :
Chiều nay lạnh, có nhiều sương rơi quá,
Nhưng lòng ANH đã BÌNH THẢN lại rồi,
Hết đau buồn và cảm thấy sục sôi,
Niềm UẤT HẬN của một thời lạc lối.
Lấy nghệ thuật làm trò hề múa rối,
Đem tài hoa cung phụng sóng mắt huyền,
Để cầu khẩn xin một nụ cười duyên.
Thâm Tâm tự thú nhận : LẤY NGHỆ THUẬT VĂN THƠ để làm trò hề múa rối, (vì sự thật chẳng có gì cả) trong mấy bài thơ ký tên T.T. KH. với mục đích “Đem tài hoa cung phụng sóng mắt huyền, để khẩn cầu xin một nụ cười duyên”.
Để rồi, mỉa mai thay, nhận những lời khinh khi ngạo mạn, và hằn học của nàng. Đó là “niềm uất hận” của Tuấn Trình trong một thời “lạc lối” (lầm đường lạc lối).
Nhưng : “Thôi, em nhé, từ đây anh cất bước,
Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui … “
Chàng hứa chấm dứt “trò hề múa rối” về văn thơ. Và nàng không mong gì hơn.
Để tôn trọng thực tế của những sự kiện đã qua trong Lịch sử hay trong Văn học, để đừng xuyên tạc những chuyện không có, phải nói ngay rằng tên T.T. KH. không hề gợi một dư luận nào “xôn xao” ở thời Tiền chiến, và cuộc tình duyên của Tuấn Trình (Thâm Tâm) với cô Trần Thị Khánh không hề gây một xúc động nào về tâm lý cũng như về Văn chương trong giới Văn nghệ và giới Trẻ thời bấy giờ.
Tôi chắc rằng những nhà Văn Thơ Tiền chiến ở Hà Nội hiện còn sống tại Sài Gòn, như các anh Vi Huyền Đắc, Lê Tràng Kiều, Tchya, Vũ Bằng … (cả các anh Nhất Linh và Lê Văn Trương vừa tạ thế mấy năm trước) đều phải hết sức ngạc nhiên thấy một vài người của thế hệ Hậu chiến ở Sài Gòn bỗng dưng tôn sùng ba tên T.T. KH. thành một thần tượng, bà biến một mối tình rất tầm thường, có thể nói là quá tầm thường, của cô học trò cũ trường Tiểu học Sinh Từ, thành một thảm kịch của tình yêu !
Nguyễn Nhược Pháp, nhà ở gần nhà cô Khánh, chỉ cách 5, 6 căn, mà cũng không hề nghe nói đến cô nầy, và cũng không biết một tí gì về mối tình của một Họa sĩ kiêm Thi sĩ, Tuấn Trình hay Thâm Tâm, xảy ra cùng dãy phố với anh.
Cũng như người đàn bà tên Mộng Cầm, hiện là vợ một Giáo chức ở Phan Rang, đã phủ nhận những chuyện người ta thêu dệt về mối tình của Bà, lúc còn là nữ y tá, với Thi sĩ Hàn Mặc Tử (Phổ Thông tạp chí, số 63, ngày 15.8.1961.)
“Tôi không thể yêu được một người bị bịnh cùi !” Bà Mộng Cầm đã thẳng thắn nói thế, không thể trách bà được.
HẾT
(Trích VĂN THI SĨ TIỀN CHIẾN của Nguyễn Vỹ, nhà sách Khai Trí, xuất bản năm 1970)(tt)
Thảo luận
Không có bình luận