//
you're reading...
Chuyện Xưa Tích Cũ, góp nhặt cát đá, Nhân vật, thời đã qua

Định Viễn : hoàng tử ham chơi mà… giàu to

Bài viết và ảnh : Phanxipang

Nhận xét của vua Minh Mạng dành cho em ruột là Nguyễn Phúc Bính đến nay vẫn được xã hội lưu truyền: Phú bất như Định Viễn.

Chào đời ngày 16 tháng 7 Đinh Tị nhằm 6-9-1797 ở Gia Định, Nguyễn Phúc Bính – ghi chữ Hán thì 阮福昺 – là hoàng tử thứ 6 của vua Gia Long Nguyễn Phúc Anh (1) và Tiệp dư Dương Thị Sự, còn gọi Nhựu, người gốc Duy Xuyên, Quảng Nam. Em cùng cha cùng mẹ của Nguyễn Phúc Bính là Nguyễn Phúc Ngọc Cửu (1802 – 1846), sau được truy phong An Lễ thái trưởng công chúa.

Ấu thời, Bính ham chơi, lắm phen quá hoang nghịch khiến vua cha phải bực mình trách phạt. Thế nhưng, đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Phúc Bính say mê học tập, lại năng nổ kinh doanh đạt lợi nhuận cao, trở thành nhà giàu thuộc hạng nhất nước thuở bấy giờ.

Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc biên soạn (NXB Thuận Hoá, Huế, 1995) ghi nhận về Nguyễn Phúc Bính: “Năm Đinh Sửu 1817, ông được phong Định Viễn Công. Năm Nhâm Dần 1842, hộ giá theo vua Hiến Tổ (2) ra Bắc sung làm Ngự tiền Thân thần trong lễ nhận sắc phong của nhà Thanh, khi vua hồi loan ban thưởng ông rất hậu.”

Thông minh kinh doanh

Mặt ngoài cổng phủ Định Viễn.

Cũng năm Đinh Sửu 1817, phủ riêng của Định Viễn được xây dựng khang trang nơi bờ nam sông Hương, nay thuộc thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Phủ đối ngạn bến đò chợ Dinh, nên Nguyễn Phúc Bính quan sát và phát hiện: thương nhân từ nhiều địa phương trên toàn quốc, cùng một số doanh nhân nước ngoài, đến đây bằng đường biển và đường sông để mua bán rất tấp nập. Hàng hoá gồm vô số chủng loại, được sản xuất ở quốc nội lẫn hải ngoại: gốm sứ, vải lụa, giấy bút, dược liệu, lương thực thực phẩm, v.v. Lắm đặc sản đạt mãi lực mạnh: gạc nai, trầm hương, quế, thịt rừng phơi sấy khô, cau khô, v.v. Tuy nhiên, tồn tại điều bất tiện là thời gian neo đậu của mỗi tàu thuyền khá dài ngày vì chờ bán hết hàng rồi đợi mua đủ hàng.

Đầy mưu trí, Định Viễn linh hoạt phá bỏ điều bất tiện kia. Ông dựng dãy nhà kho với các thiết bị chứa trữ cần thiết gần bến đò chợ Dinh, đồng thời huy động lực lượng nhân viên mẫn cán nhập cuộc. Tàu thuyền khắp nơi đến, sau khi thoả thuận giá sỉ, hàng được bốc xếp ngay vào kho, đối lưu bằng hàng khác mà lái buôn cần, ghi chép giấy tờ thật minh bạch. Thế là từng tàu thuyền nhanh chóng căng buồm đi về. Tuy lời lãi tỉ lệ ít, lại thường xuyên cho Nguyễn Phúc Bính nợ, nhưng bán mua số lượng lớn cùng lúc và nhiều chuyến, được thanh toán sòng phẳng đúng hạn, nên các lái buôn thu lợi cao và chắc chắn. Cánh thương nhân quá thích, dùng nhiều cách bày tỏ lòng biết ơn Định Viễn.

Ngoài ra, Nguyễn Phúc Bính còn đích thân vượt sóng sang Nhật Bản nhằm tìm hiểu thị trường, kết hợp xuất nhập khẩu cả loạt hàng hoá.

Nhờ đó, hoạt động thương mại tại kinh đô Huế càng thêm phồn thịnh, tạo điều kiện thuận lợi cho rất đông người hăng hái làm việc và an vui thụ hưởng cuộc sống. Tất nhiên, Nguyễn Phúc Bính liên tục thu lợi nhuận hậu hĩnh nhất, trở nên giàu kếch sù đến mức anh trai là vua Minh Mạng phải khen ngợi: 富不如定遠. Phiên âm: Phú bất như Định Viễn.

Quả thật, tại nước ta thuở nọ, xét tài sản tư hữu ắt quá hiếm người giàu bằng Định Viễn. Rõ ràng thế lực cực kỳ đặc biệt của Nguyễn Phúc Bính là yếu tố vô cùng thuận lợi để kinh doanh, song chẳng phải ông hoàng bà chúa nào cũng tận dụng để làm ăn phát đạt như thế nổi.

Góp phần phát triển văn hoá dân tộc

Sẵn nguồn tài chính phong phú, Nguyễn Phúc Bính biết đầu tư khá quy mô vào một số hoạt động văn hoá văn nghệ hữu ích cho cộng đồng.

Là người khoái nghệ thuật hát bội (3), Định Viễn không những lập đoàn hát phục vụ phủ riêng, mà còn xây dựng các rạp tuồng tại chợ Dinh và chợ Nam Phổ.

Ông có sáng tác vở hát bội nào chăng? Chưa rõ.

Việc sau chứng tỏ Định Viễn quan tâm cuộc sống của những người dân nghèo khổ ở nông thôn.

Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đại đa số nông dân lam lũ khó lên Dinh. Dịp Tết nhất, họ rảnh rỗi, lên Dinh chơi thì chợ búa lẫn quán xá đều đóng cửa. Bởi vậy, Nguyễn Phúc Bính quyết định tạo lập phiên chợ đặc biệt vào ba ngày Tết: chợ Gia Lạc – nghĩa là tăng thêm niềm vui.

Tết Nguyên đán Bính Tuất 1826, chợ phiên Gia Lạc xuất hiện. Chợ nhóm họp từ mùng 1 tới mùng 3 tháng giêng âm lịch tại khu vực chợ Mai, cách phủ Định Viễn chỉ quãng ngắn, cách sông Hương chỉ 300m, cách trung tâm thành Huế chỉ 3km. Khách thoải mái lựa chọn hàng hoá, từ chén bát, ly cốc, mâm khay, quả hộp, áo quần, phấn nụ, dây chuyền, tằm, nhẫn, đến hoa giấy, hoa tươi, rau củ quả cùng các sơn hào hải vị hấp dẫn như heo quay, bê thui / bò tái, nem, chả, tré, dưa món, cháo lòng chợ Mai, bánh canh Nam Phổ, thêm các loại bánh ngon lành khoái khẩu như bèo, nậm, lọc, ít, ram, ướt, khoái, v.v. Trẻ con thì xúm xít vào các quày bán tượng bà Trưng cưỡi voi, ông Trạng cầm quạt, gà đất, lung tung ngũ sắc, tò he, kẹo cau, kẹo gừng, v.v. Có những món “đậm đà bản sắc dân tộc” một thuở vang danh sang trọng và đắt tiền tại chợ Gia Lạc, chẳng hạn cau Nam Phổ với trầu chợ Dinh, khiến quý bà quý cô ngày Tết cũng phải rên bằng… lời ca tiếng hát:

Cau Nam Phổ mỗi trái mỗi giác (4),
Trầu chợ Dinh mỗi lá mỗi tiền.

Chợ Gia Lạc còn thu hút đông đảo khách khứa nhiều tầng lớp nhờ loạt trò chơi thú vị: bài chòi, bài vụ, bầu cua, ném vòng vịt, hò giã gạo, leo cột mỡ, đu tiên, kéo co, vật võ, v.v.

Định Viễn lại phát động thi nấu bún bò giò chả ngay tại chợ Gia Lạc, đầu bếp nào giành giải nhất thì hân hạnh nhận 4 chữ 十全五得. Phiên âm: thập toàn, ngũ đắc. Thập toàn là 10 điểm hoàn thiện hoàn mỹ của món đặc sản chốn kinh kỳ: ngon lành, thơm tho, ngọt ngào, đậm đà, tinh khiết, bổ dưỡng, bắt mắt, giỏi chọn, rành nấu, khéo bày. Ngũ đắc là 5 yếu tố phổ cập hoá, đại chúng hoá món bún được xem là quý phái: ai cũng biết được, mua được, ăn được, chế biến được, tìm được nguyên vật liệu ngay tại địa phương mình. Ngờ đâu tô bún bò giò chả rất Huế lại biểu hiện tinh thần dân chủ ngay từ thời… quân chủ.

Đến chợ Gia Lạc, người bán lẫn kẻ mua đều phục trang xinh xắn, ăn nói lịch thiệp. Dân nông thôn giao lưu với dân thành thị. Giới quý tộc gặp gỡ giới bình dân. Đó là phiên chợ văn hoá thường niên, là hội chợ vui xuân đáng quý.

Ngày nay, tiếc thay, chợ Gia Lạc không còn, các rạp tuồng của Định Viễn cũng tiêu tán. Nhưng công lao của Nguyễn Phúc Bính đối với việc phát triển văn hoá dân tộc được hậu thế trân trọng tri ân mãi mãi.

Viếng đôi di tích

Nguyễn Phúc Bính từ trần ngày 3 tháng 7 Quý Hợi nhằm 16-8-1863, hưởng thọ 67 tuổi. Lúc đó, vua Tự Đức rất thương tiếc, ban cho ông thuỵ Đôn Lượng, cấp 10 mẫu ruộng để lo thừa tự.

Đầu tháng chạp Canh Dần 1890, đời vua Thành Thái, triều đình truy tặng Nguyễn Phúc Bính tước Định Viễn Quận Vương.

Nguyễn Phúc Bính cùng con cháu mở ra phòng 5 thuộc đệ nhất chính hệ Nguyễn Phúc tộc với bài Phiên hệ thi nhằm đặt chữ lót trong tên gọi cốt phân biệt thế thứ:

Tĩnh (5) Hoài Chiêm Viễn Ái
Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha
Nghiễm Cách (6) Do Trung Đạt
Liên Trung Tập Cát Đa.

Nguyễn Phúc tộc thế phả (sđd) phản ánh: “Ông có 42 con trai và 31 con gái. Con trưởng Nguyễn Phúc Tĩnh Cơ vào năm Quý Mão 1843 được phong Bái Trạch Đinh Hầu, con thứ Tĩnh Phương ân phong Phụng Quốc Khanh, con thứ Tĩnh Long ân phong Trợ Quốc Khanh.”

Cần thêm rằng hậu duệ của Định Viễn có những nhân vật xuất sắc nổi trội trong một số lĩnh vực. Như cháu nội của ông, con trai của Công Tử Tĩnh Quỵ, là Công Tôn Hoài Trấp (1879 – 1928) tức thiền sư Viên Thành từng trụ trì chùa Ba La Mật và sáng lập chùa Tra Am (5) ở Huế. Năm 1918, viết bút ký Mười ngày ở Huế đăng tạp chí Nam Phong(6), Phạm Quỳnh ca tụng Viên Thành Thượng Nhân “là người phong nhã tài tình” và “không những là một tay thi nhân có tài mà lại là một nhà tư tưởng sâu sắc”. Thêm một tằng tôn (cháu 5 đời) của Nguyễn Phúc Bính là Nguyễn Phước Viễn Đệ – từng làm báo Phụ Nữ Việt Nam và tạp chí Kim Lai, chiết xuất tinh dầu tràm chổi để sản xuất dầu khuynh diệp Viễn Đệ (rồi bán bản quyền cho bác sĩ Bùi Kiến Tín làm dầu khuynh diệp bác sĩ Tín), chế biến nước hoa Les Dix Amours / Mười Thương, chủ cơ sở in Viễn Đệ, giám đốc Nhà máy vôi Long Thọ (7), v.v.

Phủ Định Viễn hiện toạ lạc ven chân cầu chợ Mai, còn gọi cầu chợ Dinh. Cầu này được sử dụng chính thức ngày 28-4-2003. Đó cũng là năm cổng phủ được tái thiết với hoành phi khảm sành sứ 3 chữ Hán 定遠府. Phiên âm: Định Viễn phủ. Cổng phủ phía ngoài nổi bật đôi câu đối chữ Hán. Phiên âm:

Nam quốc vương triều phong Định Viễn;
Bắc hà ngự giá tứ Thân thần.

Cổng phủ phía trong thêm đôi câu đối khác cũng bằng chữ Hán. Phiên âm:

Giao lưu sản phẩm vi nhân phú;
Xuất nhập doanh thương dĩ quốc cường.

Phó ban quản trị phủ Định Viễn là Nguyễn Phước Viễn Dương cho tôi hay:

– Đôi cặp câu đối này của cụ Lê Trường Xích, thân phụ hoạ sĩ Lê Thừa Tiến.

Sau cổng, là bình phong, đỉnh, sân. Do từ đường xuống cấp trầm trọng nên sáng thứ bảy 3-4-2010, ban quản trị tiến hành lễ đặt đá nhằm sửa chữa công trình này.

Tẩm mộ Định Viễn Quận Vương ở phường Thủy Biều, TP. Huế.

Tẩm mộ Định Viễn ở bàu Thống, làng Nguyệt Biều, nay thuộc phường Thuỷ Biều, TP. Huế. Âm phần Định Viễn cùng thân mẫu của ông toạ lạc kế cận được trùng tu vào mùa thu Ất Dậu 2005. Thắp nén hương, Tôn Nữ Quỳnh Tương ngắm nghía bia đá được khắc lõm dòng chữ 定遠郡王諡敦諒之寢. Phiên âm: Định Viễn Quận Vương thuỵ Đôn Lượng chi tẩm.

Chị Quỳnh Tương vụt hỏi:

– Phanxipăng thấy ngài Định Viễn ra răng?

– Giàu sang.

– Vua Minh Mạng từng khen ngài Định Viễn giàu. Nay, Phanxipăng thêm từ sang. Vui lòng giải thích cho biết với.

– Giàu nhờ giỏi sản xuất và khôn khéo kinh doanh. Sang nhờ tích cực học tập, nỗ lực nghiên cứu, năng động phát huy văn hoá.

Chị Quỳnh Tương gật:

– Đó cũng là mục tiêu tốt đẹp mà mọi người thuộc mọi thời luôn phấn đấu. 

_________________

(1)   Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc ghi rõ trong Nguyễn Phúc tộc thế phả (NXB Thuận Hoá, Huế, 1995) đúng chính âm: Nguyễn Phúc Anh. Nhiều thư tịch lâu nay quen ghi Nguyễn Ánh.

(2)   Thường được gọi theo niên hiệu là vua Thiệu Trị.

(3)   Mời quý bạn đọc xem lại bài Đầu xuân bói tuồng của Phanxipăng đã đăng KTNN 414 (10-2-2002) & 415 (20-2-2002).

(4)   Giác được người Bắc gọi hào, người Nam gọi cắc, giá trị bằng 1/10 đồng bạc.

(5)   Chữ 靖 được đọc tĩnh hoặc tịnh.

(6)   Chữ 格 được đọc cách hoặc các.

(7)   Dân gian vẫn phát âm sai là Trà Am.

(8)   Có thể tham khảo bản in lại của NXB Văn Học, Hà Nội, 2001.

(9)   Sau trở thành Công ty sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Long Thọ; đến tháng 12-2005 chuyển tên thành Công ty cổ phần Long Thọ.

(Nguồn : phanxipang.wordpress.com)

BÀI ĐỌC LIÊN HỆ : Gia Lạc, ngôi chợ chỉ nhóm trong ba ngày Tết

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: