//
you're reading...
Du Lịch, góp nhặt cát đá, Phong Tục Tập Quán, Vang Bóng Một Thời, Về Huế

Gia Lạc, ngôi chợ chỉ nhóm trong ba ngày Tết – Thu Sương

(Tựa gốc : “Chợ Gia Lạc đầu Xuân !”)

Nhớ xưa, cứ mỗi độ Xuân về, suốt ba ngày Tết, các chợ lớn nhỏ ở Huế đều đóng cửa. Chỉ riêng vùng Nam Phổ-Ngọc Anh gần Chợ Mai trên đường về Thuận An có một chợ họp đông vui!

Gia Lạc, một chợ Tết quê nhưng lại có sức cuốn hút vô song với nhiều người dân Huế. Không những trẻ con mà cả người lớn, ai ai cũng chờ mong về họp chợ, ngôi chợ chỉ họp trong ba ngày đầu Xuân này. Đã có nhiều bài viết về chợ Tết độc đáo này như của Nhà Nghiên cứu Tôn Thất Bình, những bài khác ở các trang giới thiệu về Du lịch Huế nhưng khi đọc bài của Thu Sương, người có dòng máu hoàng tôc phía ngoại, là cháu gọi GS Vĩnh Tiên Trường Kiểu Mẫu xưa kia và BS Vĩnh Chiến YKH bằng cậu, trong lòng chúng tôi bỗng dâng lên một niềm xúc cảm vô song! Kỷ niệm đẹp một thời như hiển hiện trước mắt, cảnh cũ người xưa như phảng phất đâu đây!

Cám ơn, xin cám ơn Thu Sương, người bạn đời của Thanh Nghị Lê Gia Phước YKH #17 (hiện định cư ở Calgary, Alberta, Canada) đã đưa mọi người trở về thời thơ ấu yêu thương, đã đưa con dân Huế tha phương về với quê hương, về với kỷ niệm. Xin  kính giới thiệu đến quý thầy cô, quý anh chị em bài viết về phiên chợ Tết độc đáo của Cố Đô, được viết bởi một cây viết sung mãn và rất đỗi tài hoa : Thu Sương.

Trọng Đông Giáp Ngọ

BBT

Phác họa chợ xuân Gia Lạc 200 năm trước.

Hôm nay tôi sẽ viết về chợ Gia Lạc theo ký ức của tôi vì tôi đã sinh sống ở đó gần 25 năm (từ 1958-1983).

Nhắc đến chợ Xuân Gia Lạc, ai cũng biết rằng “Người sáng lập chợ Gia Lạc là Định Viễn Công Nguyễn Phước Bình, con thứ tư của Gia Long, lập chợ Gia Lạc từ thời Minh Mạng (1820-1840). Định Viễn Công là người hào hoa phong nhã thích vui chơi múa hát, đã lập một đội tuồng riêng để diễn trong phủ. Định Viễn Công còn là người có óc thương nghiệp, thường liên hệ mua bán với các thương nhân Trung Quốc lúc ấy thường xuyên có mặt tại kinh đô Huế, lấy sông Hương làm đường giao thông (?).

Nhân ngày Tết, Công muốn lập một ngôi chợ nhỏ cho thân nhân trong phủ đệ có nơi trao đổi hàng hóa, vui chơi. Lúc đầu chợ chỉ họp nhóm trong giới hạn thân nhân của phủ đệ, sau thấy vui, nhân dân quanh vùng cũng đến mua bán, rồi bày ra các trò chơi dân gian. Chợ Gia Lạc trở thành một hình thức hội chợ vui xuân, loại chợ phiên trong ngày Tết…” Đó là một đoạn trong bài viết của Tác giả Tôn Thất Bình đăng ở tạp chí Sông Hương năm 1986. 

Tuy nhiên, theo tác giả Tôn thất Cổn, người đứng đầu Tôn Nhơn Phủ trước năm 1945, viết trong quyển Hoàng Tộc Lược Biên thì Ngài Định Viễn Quận Vương được phong tước Vương chứ không phải tước Công. Một chi tiết khác cũng trong sách nầy thì Định Viễn là con thứ sáu của vua Gia Long, con thứ tư là vua Minh Mạng, còn con đầu là Hoàng tử Cảnh.

Phủ của Định Viễn Quận vương ở cạnh chợ Gia Lạc

Chợ Gia Lạc thoạt đầu chỉ mở trong phạm vi phủ Định Viễn cho con cháu vui ngày tết mang ý nghĩa niềm vui trong gia tộc (Gia Lạc). Về sau người ngoài cũng được tham dự.  Những năm về sau vì đông quá nên mới thương lượng với các làng lân cận cho dời Gia Lạc ra ngả ba Âm Hồn, chỗ ở đường về Thuận An rẽ phải để đi Chiết Bi, Dưỡng Mong, An Truyền tức làng Chuồn. Ngả ba là nơi lý tưởng tụ họp.  Phải nói điểm họp chợ Gia Lạc là một Ngả Năm mới đúng nghĩa vì còn 2 ngả theo sông đào từ Nam Phổ ra và một ngả khác từ Ngọc Anh, Lại Thế tới.  Người tới họp chợ Gia Lạc từ xa xưa phải tuân một lệ bất thành văn là phải ăn nói hòa nhã, chào cười vui vẻ, không mua bán, chỉ trao đổi. Đó là chuyện thuở ban đầu của chợ Tết ấy!

Bây giờ tôi có thể kể ra chi tiết hơn vì gia đình tôi sinh sống ở đó và là chủ nhân của gian hàng đồ chơi lớn nhất ở chợ Gia Lạc.

Mảnh đất tổ chức thành những gian hàng trong 3 ngày Tết nằm chung quanh cái miễu âm hồn được tổ chức kỵ giỗ rất lớn hằng năm vào ngày 23 tháng 5. Bây giờ thì chẳng ai nhìn ra dấu tích xưa vì diện tích mặt bằng đã bị chiếm hữu để xây nhà nên chợ cứ họp bừa bãi ở hai bên lòng đường trông rất mất… trật tự.

Ngày xưa, mỗi lúc gần Tết, là có một nhóm viên chức làng Ngọc Anh ra địa điểm đó dựng những dãy rạp dài rất khang trang để làm gian hàng bán thịt. Số tiền thu được dùng làm quỹ cho việc Lễ tế Âm Hồn mỗi năm. Ngoài thịt heo luộc, heo quay, các quầy hàng đó bán chủ yếu là thịt … bê thui. Từng tảng thịt bê thui vàng ươm treo lủng lẳng trông rất hấp dẫn và đẹp mắt. 

Tôi nhớ là Tết nào cũng ăn thịt bê thui mệt nghỉ. Nào là bê thui chấm nước mắm gừng ăn kèm với rau sống, chuối chát và vả rất ngon, nếu ngán thì mẹ tôi thay đổi khẩu vị bằng bê thui chấm tương gừng ăn ghém với cải con, ngò, rau thơm cũng ngon không kém. Ngoài những hàng thịt thì không thiếu những gian hàng rau cải đồ vặt như cà rốt, su su, khoai tây… để người mua có thể làm những mâm cỗ cúng tổ tiên ông bà. Đắt nhất là gian hàng trầu cau của O Tính, mâm cỗ cúng đưa ông bà không thể nào thiếu dĩa cau chẻ trầu têm. Còn phải mua thêm để đón những vị khách trưởng thượng trong làng đến viếng nhà, nhai miếng trầu… lấy hên (như tụi nhỏ mình cúp hạt dưa vậy). Về hàng ăn thì tôi nhớ không có nhiều ( có lẽ người ta cữ ăn hàng đầu năm chăng?), chỉ có hàng bún chay và vài hàng bánh lọc nậm mà thôi. Món ăn mà tôi nhớ nhất là bánh đúc mật đặc biệt chỉ bán trong 3 ngày Tết. Từng miếng bánh đúc mềm mại, xanh mướt với lớp mật tươm trên mặt như chực tan trong miệng, ăn xong còn muốn liếm luôn dĩa.

Hoa giấy làng Thanh Tiên

Vượt lên đầu người lố nhố đi chợ là những cây bông giấy và cây lung tung.  Cây bông giấy là một đoạn tre bằng cổ tay dài không quá 2 thước, đoạn trên quấn rơm bện cắm những cành hoa giấy nhiều màu rực rỡ. Thường người ta mua hoa này để cắm ở các am thờ và ông táo xó bếp. Hoa giấy xuất phát ở nơi có tên thật đẹp là làng Thanh Tiên. Cây lung tung cũng thế, thay vì cắm hoa giấy thì cắm lung tung. Ngoài ra, còn có những chùm bong bóng bay nhiều màu được thổi căng bằng bình ga, khác bong bóng được thổi phồng từ một bơm xe đạp thường.

Tôi thích nhất là những gian hàng bán đồ chơi truyền thống như con giống bột, con gà nung bằng đất sét gắn tu huýt, cái lung tung, những cái kèn thổi làm bằng 2 đoạn tre ngắn và cái lưỡi gà bằng lá tre. Tôi đã nhiều giờ đứng mê mải ở gian hàng chú nắn con giống. Những con thú đầy màu sắc tươi tắn bày trên chiếc rổ tre đan xinh xắn cuốn hút đám trẻ con chúng tôi. Chú còn nhận đặt hàng theo “order” nữa. Năm nào tôi cũng đặt chú làm cả một bầy gà (chả là vì tôi tuổi dậu), chú gà trống hiên ngang với cái mồng màu đỏ tía, cô gà mái đủng đỉnh xù lông và đám gà con màu vàng tươi với cái mỏ đỏ hoét. Những cục bột màu dưới bàn tay phù thủy của chú có thể biến ra bất cứ gì có trong trí tưởng tượng của tụi nhỏ chúng tôi.

Rời hàng con giống, tôi lại đi theo ông già bán “cái lung tung”. Lung tung giống như cái trống nhỏ, có khung là nan tre uốn tròn to bằng miệng chén ăn cơm, dày khoảng 4 cm và được phất căng với giấy màu làm mặt trống. Hai bên thành trống có dán sợi chỉ gắn với 1 tí đất sét bằng hạt gạo. Khi lấy tay xe cái cần thì hai hạt gạo đó vỗ vào thành trống kêu… lung tung rất là vui tai.

Những đồ chơi mang kí ức tuổi thơ

Vì nhà là cửa hàng bán đồ chơi cho con nít đủ mọi lứa tuổi nên thấy tôi cầm về các món đồ chơi là thế nào cũng bị mạ mắng “Nhà có thiếu thứ gì đâu mà mua thêm nữa” và lúc nào ba cũng bênh con gái “Anh lớn rồi mà nhìn vẫn còn thích huống gì con.”

Quả thật hàng nhà tôi không thiếu một món gì. Từ những cây súng bắn nước, bắn pháo đủ loại và cả dàn xe hơi, xe tăng bằng nhựa… cho các bé trai cho đến một loạt búp bế lớn nhỏ đủ loại cho các bé gái, bong bóng đủ màu… Ngoài ra, mẹ tôi còn có một hàng nữ trang bằng vàng giả từ dây chuyền cho đến hoa tai vòng ngọc… dành cho các cô bé mới lớn biết làm điệu… Tôi còn nhớ một cô bé đến mua cái ví đựng tiền xinh xinh hình con thỏ, sau khi rút hết những đồng tiền lì xì mới keng trả tiền cho cái ví thì chẳng còn đồng nào bỏ vào ví cả. Nhìn cái dáng tần ngần thương hại quá nên tôi lén lấy tờ tiền mới cho lại em, nhìn dáng em chạy vụt đi mà tôi thấy ấm lòng.

Trước 75, tuy đất nước còn đang nóng bỏng vì chiến sự nhưng nói chung tình hình an ninh của dân rất ổn định và thanh bình. Chợ Gia Lạc nằm ngay trên ngã ba hướng về các làng Dưỡng Mong, Mậu tài, An truyền, Chuồn, Xuân Ổ, Xuân Đại… nên cư dân thành phố đổ về như nêm. Những chiếc xe xích lô chở những ông bà lớn tuổi về thăm quê hay mồ mả tổ tiên ông bà. Những cặp vợ chồng trẻ và con nhỏ cũng đàn đúm nhau trên những chiếc xe máy trực chỉ về làng. Ngang qua chợ thế nào họ cũng dừng lại mua thêm thẻ nhang, gói trầm, gói mứt gừng… Hoặc mua cho cháu bé thêm vài chiếc bong bóng… Ai ai cũng áo lượt quần là, trẻ em thì xúng xính trong những bộ đồ mới còn nguyên cả hồ nhìn rất… Tết.

Nhưng không khí Tết rộn ràng và ồn ào nhất phải nói đến mấy sòng bầu cua, mấy hàng bài vụ, chẵn lẻ… Tiếng xóc  lóc cóc của hột bầu cua, hột nhứt lục lẫn tiếng rao “Hai cua một gà” “Hai bầu một nai” làm sống động cả một quãng đường đi vào chợ Nam Phổ. Lần vào chợ Nam Phổ, cảnh tượng càng thích mắt và náo động hơn với Hội bài Chòi cổ truyền dành cho người lớn. Cờ xí đủ màu cắm ở giữa sân, chung quanh là 8 chòi cao có người tham dự và cờ cắm trước chòi tượng trưng cho những con bài vừa thắng được. Mỗi lúc người chủ xướng giữa sân rút và xướng lên một con bài bằng câu thơ ví von nghĩa bóng. Chòi nào hiểu nghĩa và có con bài đó thì hô lớn, sẽ có một anh long tong cầm cờ đó cắm vào chòi sau khi kiểm tra quân bài. Tiếng hò bài thai, tiếng rao bài chòi, tiếng mỏ tre chòi trúng con bài và mỗi lần “tới” chòi trúng đánh mỏ liên hồi, các chòi khác cũng lốc cốc chúc mừng náo loạn cả lên một lúc. Mỗi ván bài chỉ có 6 hoặc 8 người chơi nhưng người tò mò hiếu kỳ và những người ủng hộ “gà nhà” reo hò rất đông vui và náo nhiệt.

Tên chợ ở Huế có tên độc một chữ thường do dân chúng quen gọi thành tên như chợ Hôm, chợ Mai, chợ Mới, chợ Cống, chợ Xép, chợ Sam, Chợ Phổ, chợ Nọ, chợ Dinh… Chợ mang tên đôi có tính chất hành chánh mang tên địa phương nơi chợ tọa lạc như chợ Kim Long, chợ Vỹ Dạ, chợ Dưỡng Mong, chợ Bến Ngự, chợ Bao Vinh, chợ An Cựu… Riêng chợ Đông Ba ban đầu ở Đông Ba thật sau dời ra chỗ bây giờ xưa có tên là Giại chỗ luyện voi ngựa trận của triều Nguyễn gần sở đúc tiền:              

            Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại,

           Cầu Trường Tiền đúc lại xi mon

Tên chợ Gia Lạc vượt ra khỏi dân chúng hay địa phương gọi tên mà được đặt dựa lên ước mong nhà nhà an vui, ngày xuân hạnh phúc.

Sau 75, những trò chơi cổ truyền dần dần biến mất, những gian hàng thịt bò tái cũng giảm lần lần vì tình hình đói kém sau cuộc “đổi đời”. Gian hàng đồ chơi của nhà tôi cũng dẹp vĩnh viễn sau một trận bị đánh tư sản của chính quyền. Người ta ra sức xoá những thuần phong mỹ tục, những nét hay đẹp cổ truyền mà ông cha ta cố công gìn giữ. Để đến bây giờ, những gì còn lại là “một nước Việt buồn.” Tôi đã rất lạc lõng khi mỗi lần về thăm quê cha đất tổ, mới có mấy mươi năm mà vật đổi sao dời. Về đến mái nhà xưa của chính mình cũng không còn nhận ra được. Những ngôi nhà chen lấn mất trật tự làm mất hết cảnh quan của một cố đô trầm mặc. Không thể làm gì hơn, đành mượn bút giấy ghi lại đôi dòng, nửa như hoài niệm, nửa mong lưu lại hầu chống chỏi với sự xói mòn dâu bể của thời gian: 

“Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.”

Thu Sương

(Nguồn : ykhoahuehaingoai.com)

BÀI ĐỌC LIÊN HỆ : Định Viễn : hoàng tử ham chơi mà … giàu to

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: