//
you're reading...
Chuyện Xưa Tích Cũ, góp nhặt cát đá, Nhân vật, Nhạc, Phụ nữ

Bí ẩn bài hát Hoa trinh nữ * Từ Kế Tường

Cùng thời với các ca sĩ Thanh Thúy, Phương Dung, Hoàng Oanh, Trúc Thanh, Kim Loan .. ca sĩ Minh Hiếu cũng là một ngôi sao trong thế giới giải trí về đêm ở Sài Gòn trước năm 1975. Đã là sao nên Minh Hiếu cũng lắm chuyện tình. Đình đám nhất là chuyện tình sấm sét giữa bộ ba: Minh Hiếu- Nhật Trường-Vĩnh Lộc. Đây là nguyên cớ bí ẩn để xuất hiện bài hát Hoa trinh nữ ồn ào một thời.

Kỳ 1 – Con nai vàng ngơ ngác ở rừng cao su Quản Lợi

Ca sĩ Minh Hiếu thời con gái trẻ đẹp, tuy không phải là một mỹ nhân đổ nước nghiêng thành, nhưng vẻ đẹp của cô có chất “hương đồng cỏ nội”, cộng với giọng ca khá đặc biệt: khàn và hơi bị rè khi hát ở tông trầm, thích hợp với điệu boléro và ca từ buồn ảo não mang phong cách của “con chim sơn ca đồng nội”, khiến người nghe khi ngồi ở một góc phố mà không khỏi nhớ về một góc làng quê, một sân ga chiều vắng vẻ nên từng hớp hồn nhiều đàn ông.

Và chuyện tình tay ba của Minh Hiếu – Nhật Trường (tức nhạc sĩ Trần Thiện Thanh) – Trung tướng Vĩnh Lộc (biệt danh “Anh cả Trường sơn” Tư lệnh vùng 2 của chế độ Sài Gòn) đã làm nóng dư luận của một thời ly loạn ..

Tiệm hớt tóc bên rừng cao su Quản Lợi

Trở lại miền Nam Việt Nam cách đây vài chục thập niên vào thời kỳ thực dân Pháp còn đặt ách thống trị ở Đông Dương và ra sức khai phá tài nguyên các xứ thuộc địa mà phương thức khai thác nhanh và hiệu quả nhất là lấy đất mở đồn điền trồng cao su, sử dụng và bóc lột nhân công người bản xứ làm việc tại các đồn điền rộng lớn, bạt ngàn này để làm giàu. Ở miền Nam, thời đó ai cũng nghe danh đồn điền cao su Quản Lợi ở xã Hớn Quản thuộc huyện Bình Long Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương).

Cách đồn điền cao su Quản Lợi khoảng 300m, gần đầu chợ Hớn Quản, ngay góc ngã tư có một tiệm hớt tóc mang đặc trưng của những miền quê nghèo: căn nhà nhỏ một gian, mái lá lụp xụp, một cửa sổ khi mở chống lên bằng một thanh tre, lúc đóng rút thanh tre cửa sập xuống.

Còn cửa chính chỉ đủ một người lách vào, cửa làm bằng nẹp tre kẹp lá chằm, cột kẽm, mở ra, đẩy vô, cột phía ngoài coi như “khóa” khi ông thợ hớt tóc đi vắng. Tiệm hớt tóc đơn sơ như một quán nước bên đường buổi trưa vắng khách có một chiếc ghế xoay cũ kỹ cho ông thợ hành nghề, cái bàn thấp, mấy chiếc ghế ngồi, bình trà, bộ ly tách cáu bẩn ố vàng bởi men trà lưu niên, bàn cờ tướng .. đó là góc giải trí, uống trà, đánh cờ của ông thợ và ba “chiến hữu” tình thương mến thương khi rảnh rỗi, nhàn hạ tạt qua tiệm hớt tóc bù khú với ông thợ lúc vắng khách.

Cô Út Lài con gái rượu của ông Tám đờn kìm

Có lẽ tài sản đắt giá nhất, ngoài bộ tông đơ, dao kéo hớt tóc, cạo râu của ông thợ kiêm chủ tiệm là cây đàn kìm, gọi văn hoa một chút là “nguyệt cầm” bằng gỗ huỳnh đàn lên nước bóng dợn và được cẩn xà cừ sáng lấp lánh. Cây đàn kìm treo trên vách tiệm, chứng tỏ ông thợ hớt tóc cũng là người có máu nghệ sĩ, đàn ca tài tử nức tiếng ở chợ Hớn Quản. Nhưng ông thợ hớt tóc nghệ sĩ biết chơi đàn kìm này là ai?

Đó là ông Đỗ Văn Trực còn gọi là Tám Cò, biệt danh “Tám đờn kìm” người quê gốc ở tận Mỹ Xuyên Sóc Trăng. Do thời loạn lạc, chiến tranh, bom đạn ì xèo nên Tám đờn kìm đùm túm cả gia đình chạy trốn bom đạn lưu lạc đến tận Hớn Quản, đất của đồn điền cao su bạt ngàn, thấy có thể sống được nên Tám đờn kìm quyết định chọn nơi đây làm quê hương, cất căn nhà lá nhỏ, mở tiệm hớt tóc vừa là nơi để cả gia đình trú ngụ.

Gia đình Tám đờn kìm ngoài hai vợ chồng còn 5 người con, 3 trai, 2 gái. Mấy đứa trước đều bình thường, không có gì đặc biệt đáng quan tâm, chỉ có cô con gái út tên Đỗ Thị Lài (sinh năm 1935 hồi còn ở Mỹ Xuyên – nữ danh ca Minh Hiếu sau này) nên thường gọi chết danh là Út Lài thì khá đặc biệt.

Cô gái ở tuổi mới lớn trổ mã rất xinh đẹp, dáng cao, thon thả, da bánh mật, gương mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt bồ câu đen thăm thẳm, cặp môi trái tim mỗi khi nhoẻn miệng cười duyên làm cánh thanh niên ở chợ Hớn Quản và đồn điền Quản Lợi điêu đứng.

Đặc biệt Út Lài có năng khiếu ca cổ bẩm sinh, giọng rất mùi nên được cha tập nhịp, luyện giọng để ca sáu câu vọng cổ. Mỗi khi ông Tám đờn kìm rao đàn, cô Út Lài cất giọng vô sáu câu thì khách trong tiệm và hàng xóm bu coi đông nghẹt và gật gù thán phục thầm đoán rằng Út Lài lớn lên sẽ trở thành một cô đào thương của một đại bang cải lương nào đó ở Sài Gòn.

Nhưng riêng Út Lài, ngoài giờ đi học, phụ việc nhà và mỗi tối khi tiệm hớt tóc của cha nghỉ tiếp khách hớt tóc để đón những “chiến hữu” đờn ca tài tử tới chơi, bày tiệc nhậu lai rai, ca hát văn nghệ thì được ông Tám đờn kìm gọi lên cho tham gia ca vọng cổ, vài bản vắn giúp vui luôn tiện rèn giọng và tập nhịp cho chắc. Út Lài ngây thơ như con nai vàng ngơ ngác giữa đám thanh niên và các bác, các chú đàn ca tài tử bạn của cha mình và cũng là niềm hãnh diện của ông Tám đờn kìm về cô con gái rượu có thể nối nghiệp cha trên con đường văn nghệ.

Kỳ 2 – Lời phán oan nghiệt của ông thầy tướng số

Phải công nhận nhờ có Út Lài mà tiệm hớt tóc của ông Tám đờn kìm lúc nào cũng đông khách, nhất là đám thanh niên cạo mủ cao su trong đồn điền Quản Lợi. Những chàng trai này trước đây mỗi tháng cắt tóc một lần, bây giờ cứ nửa tháng đã ló mặt tới tiệm thậm chí cứ 10 ngày cắt tóc một lần. Nếu không cắt tóc cũng kiếm cớ tới ráy tai, cạo râu, tỉa tót tóc kiểu này, kiểu kia chỉ với mục đích là lân la tìm cách bắt chuyện, làm quen với Út Lài.

Nhưng mỗi khi đi học về, cô Út đều ru rú ở nhà sau phụ việc bếp núc, giặt giũ với mẹ, ít khi bước lên tiệm nên khiến các chàng trai đi “săn nai” thành công cốc, buồn ngẩn, buồn ngơ chờ đến tối lại kéo tới tiệm hớt tóc xem văn nghệ để được nhìn thấy Út Lài.

“Viên ngoại” thách cờ cắt đuôi giùm cô Út

Thủa đó ông Tám đờn kìm thường tổ chức những buổi văn nghệ tại tiệm sau giờ nghỉ hớt tóc buổi tối. Thông lệ thì 8 giờ tối buổi văn nghệ mới bắt đầu, chỉ là đờn ca tài tử, cây nhà lá vườn giữa các giọng ca, tay đờn quen thân chí cốt với ông Tám. Có hôm uống trà, ăn bánh kẹo, có hôm lai rai rượu đế với mồi khô, cóc, ổi .. nhưng ai nấy đều rất hứng khởi, đàn hát nhiệt tình. Và đặc biệt những buổi đờn ca tài tử này đều có Út Lài tham dự nên đám thanh niên “trồng cây si” Út Lài kéo tới từ rất sớm, những chàng trai “gài độ” đánh cờ tướng với ông Tám để “câu giờ” nhằm diện kiến với cô Út.

Biết tõng đám thanh niên “trồng cây si” con gái, ông Tám đờn kìm bèn chơi chiêu “Viên ngoại thách cờ”, nhằm gạt bớt cái đuôi đeo bám giùm cô Út bằng cách “đánh cờ thách”, ông ra điều kiện: đứa nào muốn được coi Út Lài giúp vui văn nghệ thì phải qua 2 vòng đấu cờ tướng, vòng một, đấu với “nhạc gia” Tám đờn kìm, nếu thắng, mới được bước qua vòng 2 đấu với “tiểu thơ” Út Lài. Nếu thắng được Út Lài mới được ở lại xem văn nghệ, nếu thua thì .. về nhà ngủ cho khỏe. Giao ước miệng nhưng rất uy tín, chàng trai nào ăn gian, thua mà còn làm mặt lỳ ở lại thì có nước .. bỏ xứ mà đi chứ không thể sống nổi với lời trêu chọc của bà con cả chợ Hớn Quản và người của đồn điền cao su Quản Lợi.

Nhưng hầu như không có chàng trai nào thỏa mãn được ước nguyện được đấu cờ với Út Lài và được ở lại xem cô Út ca sáu câu vì ông Tám đờn kìm chẳng những cao đàn mà còn cao cờ nên các chàng trai si tình cô Út cứ thua xiểng niểng, đành buông cờ lủi thủi ra về. Sau đó chính ông Tám cũng thấy tội nghiệp nên .. xả cảng, không đấu cờ nữa mà phá lệ: đứa nào muốn xem văn nghệ, nghe con Út ca thì cứ tự do tới, nhưng phải là bậc .. chính nhân quân tử, xem văn nghệ nghiêm túc, không buông lời trêu chọc Út Lài, nếu vi phạm thì là người không có uy tín”. Thế là tiệm hớt tóc của ông Tám đờn kìm lại nô nức những chàng trai si tình không chỉ đến hớt tóc mà còn chen nhau xem văn nghệ.

Phụ nữ lưỡng quyền cao khó lấy chồng

Nhưng vui thì có vui về cô con gái Út được nhiều chàng trai theo đuổi, mà lo thì ông Tám đờn kìm cũng hơi lo vì một lần nọ cách đây khá lâu có ông khách ngoài chợ Hớn Quản ghé tiệm hớt tóc. Trong lúc hàn huyên, tâm sự giữa khách và chủ, chợt thấy Út Lài đi học về cúi đầu chào cha và chào khách, khi Út Lài bước vào trong ông khách bèn nói hỏi chủ tiệm:
– Con gái ông thứ mấy?
– Nó là út, tên Lài nên thường gọi Út Lài.
– Con bé xinh đẹp, tài hoa phát lộ nhưng đường tình duyên .. trắc trở truân chuyên, hậu vận mới làm mệnh phụ nhưng cũng chỉ là “thứ phi”, “thứ hậu” kiểu Võ Tắc Thiên thôi.
– Là sao?
– Thiên cơ bất khả lộ, hồi sau sẽ phân giải.

Ông khách hớt tóc hay ông thầy tướng số với lời phán về vận mệnh Út Lài khiến ông Tám đờn kìm lo lắng, phập phồng ăn ngủ không yên. Ông Tám cố đợi đến kỳ hớt tóc cuối tháng với hy vọng “thầy tướng số” sẽ quay lại, nhất định sẽ hỏi thêm ông thầy rõ hơn về vận mệnh của cô con gái út. Nhưng ông khách ấy đã không bao giờ quay trở lại mà lời tiên tri của “thầy” thì lúc nào cũng còn văng vẳng bên tai khiến cho ông Tám đờn kìm thập phần lo lắng cho tương lai của cô con gái rượu mà ông đặc biệt thương yêu.

Không chỉ ông khách tình cờ tới tiệm hớt tóc đoán vận mệnh của Út Lài với lời phán “oan nghiệt”, mà nhiều ông bạn nghệ sĩ chí cốt với ông Tám đờn kìm cũng đã xem tướng Út Lài một cách ngẫu hứng và từng đưa ra lời phán tương tự nên ông Tám đờn kìm càng lo lắng, phập phồng. Nhiều ông bạn “chiêm tinh gia tài tử” của ông Tám đờn kìm đã nói rằng Út Lài có nốt ruồi dưới gò má trái thuộc dạng quý tướng, nhưng khiếm khuyết là lưỡng quyền cao, cặp chân mày mang hình đôi chân hạc nên bị phá thế quý tướng trở thành phụ nữ cao số nên khó lấy chồng. Còn trẻ thì tình duyên lận đận, trắc trở, phải trải qua mấy đời chồng mới “dừng chân nơi bến nước trong” chờ thuyền tình cặp bến. Út Lài tuổi Ất Hợi mà tuổi Hợi thì “nằm đợi mà ăn”, nên là tuổi sung sướng, không phải âu lo về hậu vận. Tuy nhiên phải đến tuổi 40 mới lập gia đình thì mới tốt.

Kỳ 3 – Bướm ong dập dìu ve vãn đóa hoa đồng nội

Vẫn biết là “bói ra ma quét nhà ra rác”, nhưng ông Tám đờn kìm thấy chân dung con gái hiện ra mỗi ngày giống y như những gì ông khách tới hớt tóc và bạn bè đờn ca tài tử của ông nói. Tâm lý của một người cha thương con nên ông Tám đờn kìm lo lắng cho Út Lài là chuyện đương nhiên.

Ông Tám đờn kìm để ý thấy trong đám thanh niên chú ý tới Út Lài có một chàng trai tính tình chân thật, hiền hậu, khá nhút nhát, ít khi dám đối mặt với Út Lài nhưng cứ liếc dọc, liếc ngang bằng cặp mắt si tình và gương mặt “ngu” vì yêu say đắm thấy rõ. Đã từng qua tuổi thanh niên, từng yêu với máu nghệ sĩ lãng mạn đầy mình nên ông Tám đờn kìm “nắm thóp” được ngay anh chàng trai trẻ này.

Mối tình đầu sớm tan vỡ

Chàng trai sinh tình Út Lài chẳng ai xa lạ, chính là Huỳnh Văn An, con trai của nhạc sĩ Sáu Tửng, một danh cầm cổ nhạc chuyên trị cây guitar phím lõm nức tiếng miền Tây. Gia đình Sáu Tửng cũng từ Cần Thơ lưu lạc tới xứ Hớn Quản và là bạn chí cốt với ông Tám đờn kìm, tối nào ông cũng tới tiệm hớt tóc của ông Tám tham dự đờn ca tài tử nên hai người trở thành bạn tâm giao với nhau.

Văn An sinh năm 1932, lớn hơn Út Lài 3 tuổi và là anh của nữ danh ca cổ nhạc nổi tiếng của miền Nam sau này, đó là Bạch Huệ. Năm Văn An lên 10 tuổi, ông Sáu Tửng cho con trai theo học đàn với ông thầy thuộc hàng nhạc sư nổi tiếng ở Hậu Giang tên Hai Địa. Được thầy thương yêu và truyền hết ngón nghề nên từ nhỏ Văn An đã nắm vững nhạc lý và biết chơi đàn. Văn An vẫn thường theo cha đến tiệm hớt tóc của ông Tám đờn kìm “dợt” đàn và nghe Út Lài ca vọng cổ, từ chỗ cảm giọng ca, bị hút hồn bời nhan sắc Út Lài nên Văn An không giấu giếm tình yêu của mình. Ngược lại Út Lài cũng có cảm tình đặc biệt với Văn An do chàng trai học giỏi, đàn hay và phong cách rất .. nghệ sĩ.

Hai gia đình Tám đờn kìm và Sáu Tửng thấy “đôi trẻ” Văn An – Út Lài cứ “đá đèn” nhau hoài nên mừng thầm, cả hai ông bạn chí cốt đều mong cho đôi trẻ mau lớn, tới tuổi trưởng thành sẽ tổ chức đám cưới để hai người từ chỗ bạn tâm giao trở thành sui gia và Văn An – Út Lài thành chồng vợ thì không còn gì vui và hạnh phúc hơn.

Tuy nhiên chuyện đời không ai học được chữ ngờ, chẳng ai biết trước ngày sau sẽ ra sao. Bất ngờ chiến tranh bùng nổ, biến xứ Hớn Quản thành nơi khói lửa nên Văn An và Út Lài đành phải xa nhau không hẹn ngày gặp lại. Thế là mối tình đầu ở tuổi mới lớn của họ đành tan vỡ.

Bước ngoặt định mệnh

Đó là biến cố của lịch sử làm đổi thay nhiều góc cạnh của xã hội miền Nam trong đó có gia đình nhỏ của danh cầm Sáu Tửng và tình yêu chớm nở giữa đôi thanh niên nam nữ Văn An – Út Lài. Tháng 8-1945, Nhật đảo chính Pháp để thay ách thống trị này bằng một ách thống trị khác trên toàn cõi Đông Dương trong đó có Việt Nam. Lúc chiến tranh nổ ra, khu vực rừng cao su Hớn Quản cũng như nhiều nơi khác ở miền Nam lâm vào cảnh loạn lạc và nơi này trở thành căn cứ địa của quân đồng minh. Ông Sáu Tửng lại đưa gia đình trở về quê lánh nạn nên Văn An phải đi theo, còn ông Tám đờn kìm thì quyết “bám trụ” để giữ tiệm hớt tóc vì về quê gia đình ông cũng không biết phải lấy gì làm kế sinh nhai trong khi gia đình ông gồm hai vợ chồng và 5 đứa con mỗi ngày một lớn, hao tốn ngày càng nhiều và nghề hớt tóc của ông ở đất này còn kiếm cơm độ nhật được.

Khi chiến sự tạm yên, sinh hoạt xã hội trở lại bình thường thì ở Cần Thơ chàng thiếu niên Văn An vừa đi học, vừa kiếm việc làm thêm để phụ giúp gia đình. Thủa ấy, Cần Thơ là “thủ phủ” của miền Tây, hay còn gọi Tây Đô nên nhịp sống rất sôi nổi, trong thế giới giải trí về đêm cũng có mở vũ trường và chàng trai mới lớn Văn An, con trai trưởng của danh cầm Sáu Tửng đã xin vào làm trong ban nhạc của vũ trường với chân đánh trống và là một tay trống nhỏ tuổi nhất lúc bấy giờ. Năm đó Văn An mới 13 tuổi, lại nổi tiếng là một tay trống xuất sắc ở miền Tây.

Trong khi đó ông Tám đờn kìm vẫn tiếp tục nghề hớt tóc và cũng giữ nếp nhà, ông thường tổ chức những buổi văn nghệ, đờn ca tài tử tại tiệm vào buổi tối. Thời gian trôi rất nhanh, năm Út Lài được 15 tuổi, đang “trổ mã” con gái và trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, có giọng ca rất ngọt nào, cuốn hút lòng người. Mỗi ngày Út Lài mặc áo dài trắng ôm cặp đi học, đoạn đường đến trường không đầy cây số nhưng đã có nhiều chàng trai theo chọc ghẹo để làm quen. Nhưng cô “tiểu thư” chỉ cúi mặt đi, không nói nửa lời, trong thâm tâm Út Lài vẫn vương vất hình bóng của Văn An và mối tình đầu đẹp như giấc mộng vẫn chưa phai nhạt vị mật ngọt của trái tim trong trắng vừa bước vào ngưỡng cửa tình yêu.

Bỗng vào một buổi chiều có anh thanh niên dáng người bệ vệ, đeo cặp kính mát toàn đen, gọng và tròng to bè úp lấy nửa gương mặt rổ hoa, ăn mặc bảnh bao theo phong cách ký giả, bộ đồ bốn túi may rất khéo, trước ngực đeo lủng lẳng chiếc máy ảnh “nhà nghề” hiệu Pentax, chạy chiếc Lambetta 150cc của Ý dừng lại trước tiệm hớt tóc của ông Tám đờn kìm.

Kỳ 4 – Út Lài lọt vào mắt xanh của ký giả kịch trường

Chàng thanh niên lạ mặt không phải là khách hớt tóc của ông Tám đờn kìm mà là một ký giả của của tờ Màn ảnh Sân khấu Sài Gòn, một tờ báo chuyên viết về kịch trường, sân khấu, màn ảnh .. nói chung là những gì liên quan tới thế giới giải trí và nghệ sĩ.

Nhà báo bệ vệ này xưng tên là Nguyễn Lang, thường rời tòa soạn thực hiện những chuyến tác nghiệp xa nhằm mục đích tìm kiếm, phát hiện nhân tố mới cho làng giải trí, tức những kiều nữ trẻ đẹp, có giọng hát hay, diễn xuất tốt đưa về Sài gòn đào tạo thành ca sĩ, diễn viên sân khấu, màn ảnh và viết bài “lăng xê”, giới thiệu đi hát chuyên nghiệp ở các phòng trà, vũ trường, đại nhạc hội hoặc đóng kịch, đóng phim.

Một bước tới .. Sài Gòn

Nguyễn Lang cho biết anh tình cờ phát hiện ra Út Lài tan học về, chỉ mới liếc sơ cô gái, bằng con mắt nhà nghề anh khẳng định Út Lài sẽ là một nghệ sĩ “đẳng cấp” trong tương lai nếu được đào tạo trong môi trường tốt và lăng xê bài bản, mà điều này thì trong tầm tay của Nguyễn Lang. Chính vì thế nên anh ta đã chạy theo Út Lài về tận nơi cho biết nhà và xin phép gia đình cho anh ta được thực hiện tâm nguyện của một ký giả kịch trường phát hiện ra “nhân tố” cần tìm và rất may mắn đã gặp Út Lài ở xứ sở của rừng cao su bạt ngàn này.

Ông Tám đàn kìm mời Nguyễn Lang vào nhà, tiếp đãi ân cần và qua câu chuyện ông thấy có thể tin anh ký giả này được và nhận thấy đây là một dịp may, một cơ hội tốt để Út Lài vươn lên trên con đường sự nghiệp sau này, vừa để tiến thân khỏi uổng phí tài năng, vừa góp phần phụ giúp gia đình. Biết đâu nhờ cô gái rượu trở thành ca sĩ mà gia đình sẽ đổi đời? Sau khi bàn với vợ và thăm dò ý kiến Út Lài, mọi việc đều thuận lợi, riêng Út Lài lại tỏ ý vui mừng vì được về Sài Gòn một nơi mà cô gái đồng nội này chỉ nghe nói chứ chưa từng đặt chân tới nên rất háo hức. Đồng thời cô Út cũng muốn ra khỏi cái tiệm hớt tóc nghèo ở góc chợ Hớn Quản điều hiêu, quanh năm chỉ thấy mưa lầy, nắng bụi đỏ trời.

Nguyễn Lang đưa Út Lài về Sài Gòn cho học thêm văn hóa và gửi học nhạc lý với nhạc sĩ Minh Kỳ trong thời gian 3 tháng. Mọi chi phí, Nguyễn Lang đài thọ hết. Nhờ tư chất thông minh và năng khiếu bẩm sinh kết hợp với giọng ca thiên phú, chỉ sau 3 tháng được nhạc sĩ Minh Kỳ tận tình chỉ dạy, rèn dũa nhạc lý và luyện thanh, Út Lài đã vượt trội hơn các cô học trò khác của nhạc sĩ Minh Kỳ khiến ông thầy nổi tiếng khó tánh này cũng phải khen ngợi và lấy làm hài lòng khi có một cô học trò đầy tiềm năng xuất thân từ lò đào tạo của mình.

Riêng Nguyễn Lang, anh rất vui mừng vì không chọn lầm người. Nhưng công việc trước tiên là phải đặt cho Út Lài một nghệ danh để đi hát. Sau khi vắt óc tìm ra một loạt nghệ danh, cuối cùng Nguyễn Lang chỉ ưng ý với tên Minh Hiếu. Minh là sáng, Hiếu là hiếu thảo, Út Lài từng tâm sự là nhà cô quá nghèo, đông miệng ăn, bao năm qua chỉ trông cậy vào tiệm hớt tóc của ba cô nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Cô chấp nhận xuống Sài Gòn đi hát là vì sở thích, tâm nguyện, ước mơ sẽ trở thành ca sĩ trong đó cũng còn một nguyên nhân khác, muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình. Do đó cái tên Minh Hiếu rất phù hợp với Út Lài. Và quả nhiên cô rất thích.

Út Lài trở thành danh ca Minh Hiếu

Với tài tháo vác của Nguyễn Lang, vừa lo nơi ăn chốn ở cho cô gái, vừa lên kế hoạch lăng xê, viết bài, đăng ảnh trên báo nhà và các báo của “chiến hữu” liên tục tạo bệ phóng để đẩy cô ca sĩ mới toanh Minh Hiếu lên nấc thang danh vọng. Đồng thời qua mối quan hệ rộng, Nguyễn Lang cũng giới thiệu Minh Hiếu đi hát cho phòng trà Tiếng Tơ Đồng, một phòng trà lớn, nổi tiếng ờ Sài Gòn nằm trên đường Yên Đỗ Q3 thủa đó. Các ca sĩ Sài Gòn trước năm 1975 đi hát vũ trường, phòng trà là coi như đi làm việc thường xuyên, đêm nào cũng hát, thường là hát 2 bài, nếu có khách yêu cầu thì hát thêm 1 bài chứ không thể nhiều hơn vì còn dành thời gian cho ca sĩ hát sau. Và ca sĩ không nhận tiền cát xê từng đêm mà lãnh lương tháng theo kiểu khoán gọn trọn gói tùy theo danh phận ca sĩ hát lót, hát chính hay ca sĩ hàng “sao” mà hưởng mức lương khác nhau. Minh Hiếu là ca sĩ mới nhưng ngay khi vào phòng trà Tiếng Tơ Đồng đã được hát chính với mức lương của ca sĩ hàng “sao”, những 14.000 đồng/tháng trong khi vàng có vài ngàn đồng/lượng. Nếu một đêm chạy 3-5 show thì ca sĩ không giàu mới lạ.

Tại phòng trà Tiếng Tơ Đồng, tên tuổi Minh Hiếu nhanh chóng tỏa sáng do cô có chất giọng rất đặc biệt, khàn và nghe như bị rè nhưng đây là chất giọng “không đụng hàng” cực hiếm. Minh Hiếu lên được tông cao cũng như xuống được tông cực trầm mà không méo tiếng, vẫn ngọt ngào thu hút, như rót mật. Minh Hiếu được thầy Minh Kỳ và ký giả Nguyễn Lang chọn cho bài tủ, phù hợp với chất giọng u buồn của cô, đó là bài “Ngăn Cách” của Y Vân. Và cô đã nổi tiếng ngay từ bài này. Đúng hơn, Minh Hiếu hát bài này như ru hồn người nghe vì không chỉ phù hợp với chất giọng của cô mà còn do bài hát gợi cho Minh Hiếu tâm trạng của người trong cuộc khi nhớ về mối tình đầu của mình đã bị “ngăn cách” với chàng trai Văn An ở góc đồn điền cao su Hớn Quản thủa nào.

Ở phòng trà Tiếng Tơ đồng, với chất giọng đặc biệt, hiếm có, Minh Hiếu nhanh chóng trở thành một hiện tượng lạ trong thế giới ca nhạc phòng trà vào thập niên 1950-1960. Nổi tiếng và có tiền là chuyện đương nhiên, nhưng Minh Hiếu lại không biết đi xe máy, cô thuê được một căn nhà một lầu bề thế, đầy đủ tiện nghi nằm trong con hẻm rộng đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần bây giờ) để ở riêng đi hát. Mỗi đêm từ nhà đến vũ trường, phòng trà .. Minh Hiếu đều đi taxi, hoặc xích lô đạp. Còn lúc về, tất nhiên được nhiều cây si tình nguyện chở bằng ô tô sang trọng. Trong số đó không thiếu những quan chức chính quyền, các sĩ quan quân đội chế độ cũ.

Kỳ 5 – Cận vệ của Tổng thống Ngô Đình Diệm săn đuổi

Với tuổi trẻ và sắc đẹp của cô gái mới lớn, thêm giọng ca hút hồn. Mỗi đêm đứng dưới ánh đèn sân khấu phòng trà trong tà áo dài tha thướt, sức hút của ca sĩ Minh Hiếu khiến cánh mày râu trong giới ăn chơi giàu có, quyền thế không cưỡng lại được. Họ không chỉ đổ dồn ánh mắt về cô ca sĩ đẹp lộng lẫy có giọng ca quá u buồn mà còn ước muốn chinh phục được con chim sơn ca từ đồng nội về thành phố như một thứ hương vị mới lạ, độc đáo và rất mê hoặc.

Trong số những kẻ si tình thuộc hàng quan chức mỗi đêm có mặt ở phòng trà Tiếng Tơ Đồng có một anh chàng võ biền, cục mịch: đại úy Ngô Bằng, là cháu ruột, kiêm cận vệ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm của nền đệ nhất cộng hòa miền Nam. Ngô Bằng có nhị đẳng Judo, tam đẳng taekwondo, nghĩa là một tay võ biền thứ thiệt.

Đẹp trai không bằng chai mặt

Chẳng biết Ngô Bằng làm công việc cận vệ cho Ngô tổng thống lúc nào mà hắn canh lúc ca sĩ Minh Hiếu hát xong ở phòng trà Tiếng tơ đồng ra là tới phòng trà đón đầu Minh Hiếu đề nghị được đưa người đẹp về. Minh Hiếu không đồng ý, lên xe xích lô đi thẳng, Ngô Bằng không bỏ cuộc, tà tà lái chiếc Vespa Sprins 150cc theo. Hắn không mặc thường phục mà chơi luôn bộ quân phục của cận vệ Tổng thống phủ cho nó “oách”, với bộ quân phục cận vệ tổng thống phủ và cây P38 kè kè bên hông, chẳng tay ma cà bông nào dám tranh giành hay “cản địa” lộ trình Ngô Bằng hộ tống người đẹp từ đường Yên Đỗ về Trần Quý Cáp.

Tuy không được người đẹp đoái hoài, tay sĩ quan võ biền này cũng chẳng biết tán tỉnh văn hoa, hắn chỉ chăm chăm vào lợi thế của mình là .. cái mặt lỳ, “đẹp trai không bằng chai mặt” – Ngô Bằng rất thích câu này và cứ thế mỗi đêm trong vai anh hùng câm lặng, hắn đường hoàng làm .. cận vệ đưa ca sĩ Minh Hiếu về dinh và kiên nhẫn chờ thời cơ thế nào rồi cũng tới – Ngô Bằng nghĩ vậy.

Quả nhiên, vào một buổi tối cuối tháng 7-1958, khi ca sĩ Minh Hiếu vừa bước ra khỏi cửa phòng trà Tiếng Tơ Đồng thì trời đã giúp Ngô Bằng khi bất ngờ trút xuống một cơn mưa cực lớn. Cả con đường khuya vắng tanh trong cơn mưa như xối, không có bóng chiếc taxi chạy qua cũng như bác xích lô nào núp mưa đợi khách.

Trong lúc ca sĩ Minh Hiếu sốt ruột, lúng túng định quay vào phòng trà trú mưa thì Ngô Bằng xuất hiện với chiếc Vespa Sprins quen thuộc. Hắn mặc áo mưa nhà binh Mỹ và chìa cho Minh Hiếu chiếc áo mưa kiểu phụ nữ màu hồng mới cáu đã chuẩn bị sẵn từ bao giờ. Ngô Bằng ân cần mời Minh Hiếu mặc áo mưa vào và lên xe để hắn đưa về vì trời đã khuya mà mưa thì chưa biết bao giờ mới tạnh. Thấy gã đàn ông tử tế, theo đuổi mình mãi, giờ lại xuất hiện đúng lúc đưa cho chiếc áo mưa rồi đề nghị chở về nên Minh Hiếu cảm động. Cô chớp đôi mắt sâu đen, sáng long lanh trong ánh đèn mỉm cười đồng ý và ngồi lên yên xe. Ngô Bằng sung sướng khi lần đầu tiên được chở người trong mộng. Hắn rồ ga, phóng vút đi trong cơn mưa tầm tã. Người cứ phơi phới như đang bay lên mây.

Khi đưa Minh Hiếu về tới nhà, do cơn mưa quá lớn nên dù có áo đi mưa nhưng cả Ngô Bằng và Minh Hiếu đều ướt sũng. Thấy “người ơn” của mình lạnh run, Minh Hiếu không nỡ để Ngô Bằng dầm mưa quay về nên cô bảo Ngô Bằng hãy cởi áo ra để cô hong cho khô, sau đó hãy mặc về nếu không sẽ bị cảm lạnh. Chỉ đợi có thế, Ngô Bằng lẳng lặng đi đóng cửa và thay vì cởi áo ra “hong cho khô” anh chàng chuyên đi “bẻ hoa trộm” này đã xông đến Minh Hiếu như con hổ đói lâu ngày không được miếng thịt người. Ngô Bằng dùng một thế võ đơn giản khóa hai tay Minh Hiếu lại khi cô ra sức chống cự và thực hiện hành vi chiếm đoạt trinh tiết của “đóa hoa đồng nội”.

Kẻ đi đày, người uống thuốc ngủ tự tử

Sau đêm mưa định mệnh, bị đại úy Ngô Bằng cưỡng hiếp, ca sĩ Minh Hiếu bị suy sụp tinh thần nặng, cô cố giấu chuyện này với tất cả mọi người nhất là với “ân nhân” của mình là ký giả Nguyễn Lang. Nhưng chẳng hiểu có phải do gã Ngô Bằng chơi trò tung tin chứng tỏ sự chiến thắng của mình trong việc khuất phục ca sĩ Minh Hiếu hay không mà một số báo nắm được loại tin tức cực hót này nên đua nhau tung lên trang nhất, giật tít ca sĩ Minh Hiếu bị cận vệ của tổng thống hiếp dâm. Người ta đổ xô mua báo đọc và bàn tán khắp mọi nơi, còn ca sĩ Minh Hiếu thì nằm khóc sưng cả mắt, đau khổ đến tột cùng. Riêng đại úy Ngô Bằng thì đứng trước cơn thịnh nộ của “ông cậu” tổng thống, Ngô Đình Diệm đã bàn với ông em cố vấn Ngô Đình Nhu tìm cách “dàn xếp” với báo chí cho qua vụ này vì nếu để bùng ra thì không có lợi về mặt chính trị lẫn .. đạo đức cho gia đình họ Ngô. Một mặt ông Diệm cũng nghĩ cách “đày” thằng cháu trời đánh ra vùng 1 chiến thuật cho làm lao công đào binh ít lâu như một biện pháp kỷ luật nặng để trấn an dư luận.

Bị báo chí đưa tin, các ca sĩ đồng nghiệp bàn tán, cạnh khóe, ca sĩ Minh Hiếu như không còn đứng vững nổi trên sân khấu. Một đêm gió đầy trời thành phố như nhắc nhớ kỷ niệm đớn đau vẫn chưa làm sao nguôi ngoai được, tại vũ trường Liberty trên đường Tự Do (Đồng Khởi bây giờ), sau khi gắng gượng hát xong bài “Ngăn Cách” của Y Vân và bài “Quen nhau trên đường về” của Thăng Long trong nước mắt, ca sĩ Minh Hiếu lẻn vào toilet mở ví lấy ra một vốc thuốc ngủ Euquinol 20 viên cho cả vào miệng, cô quyết tự tử để giải thoát khỏi nỗi đau dằn xé mỗi đêm khi đi hát về và cũng để cho xong một kiếp cầm ca.

(Xem tiếp kỳ sau)

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: