Tài liệu hướng dẫn
Theo tôi thì tài liệu hướng dẫn cách thức luyện Dịch Cân Kinh rõ ràng, dễ hiểu, thật thà và chính xác nhất là của Thầy Phêrô Phạm Công Thuận thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Muốn có, xin vào đây https://youtu.be/50o04dgpYPc . Youtube này dài 1 giờ.
Các tài liệu khác thấy nhiều trên youtube có thể lựa xem dễ dàng.
Cách tập của tôi
Năm ngoái 2019, có một dạo tôi bị bệnh đến nỗi nằm liệt giường, không muốn ăn uống, gắt gỏng khi nghe những lời săn sóc hỏi thăm, đòi bác sĩ gia đình chích thuốc khỏe vitamin B12 nhiều đến độ bác sĩ phải từ chối, bảo tôi đến phòng cấp cứu của nhà thương để được chữa trị. Chán quá! Ai mà dám! Trên giường bệnh, tôi lãng vãng nghĩ có lẽ đang đến lúc ông bà muốn tôi về thăm. Không sao! Nhưng tôi không muốn về thăm trong tình trạng yếu đuối bệnh hoạn! Suy nghĩ lan man. Tôi chợt nghĩ rằng có lẽ bác Cả Hy cũng đang muốn gặp tôi! Bác Cả Hy! À nhớ rồi! Phép Vẫy Tay tức Phép Đánh Xa giúp bác khỏe mạnh. À há! Tôi cố nhớ lại những gì bác nói với tôi trước kia về phép này. Chưa đủ, tôi mở máy computer vào youtube tìm xem thêm khá nhiều video giới thiệu với những tên gọi khác nhau và quyết định “tập luyện” từ hồi đó!
1. Tập cho khỏe mạnh
Mùa lạnh, tôi tập trong phòng ngủ có đủ ánh sáng, đóng kín cửa sổ để tránh luồng gió lò độc hại. Hai bàn chân mang đôi giày đế bằng: Trước là để giữ thăng bằng khi vẫy, sau là tránh nhiễm hơi đất sinh chứng tê thấp, cuối cùng là sẽ không bị to dẹt hai bàn chân. Lưng và bụng có thắt thật chặc bằng dây bảo vệ xương lưng dùng cho những khi bưng nhấc, làm bằng vải thung thật lớn để phòng ngừa sự sa ruột và sổ bụng bia. Vẫy tay không phải là đong đưa hai tay cùng lên xuống một cách thoải mái. Phải vẫy như thế này: Tưởng tượng đang đứng xoay lưng lại trước một bức tường. Trên tường có hai con ruồi đậu đúng chỗ hai bàn tay khi vẫy ra đàng sau sẽ đập vào. Phải vẫy nhanh và mạnh ra sau nếu không thì ruồi sẽ bay mất là hỏng chuyện! Đặt trước mặt một đồng hồ báo thức nhảy từng phút một. Giấy bút ghi giờ tập và số lần vẫy liên tục đếm được trong 10 phút, 20 phút và 30 phút. Khăn lau mồ hôi. Một ly có nửa lít nước âm ấm.
Mùa nóng, tôi tập trong phòng làm việc, dùng Eyes Relax hoặc Digital Wall Clock trên máy vi tính thay đồng hồ. Nhà tôi có 3 phòng ngủ, nay chỉ còn cặp vợ chồng già nên mới có “văn phòng”.
Tôi thường chọn giờ tập vào những giờ có số phút chẵn như 00, 10, 20, 30, v.v. như 5:00 am, 1:30 pm.
Trước khi đến giờ tập định sẵn khoảng 5-10 phút, tôi xoa bóp tai, mắt, mặt, cằm, gáy, đầu tóc, cổ vai và toàn thân trong 2-5 phút xong trong khoảng 2-3 phút tiếp theo vung tay uốn éo thân mình nhẹ nhàng giữ không động đến các khớp xương đến độ kêu răng rắc, vì tuy thấy thích nhưng lại sợ sẽ gây thói quen làm hại cho các khớp xương về sau. Khoảng một phút trước khi thật sự tập, tôi đứng đúng theo phép tập bắt đầu vẫy hai tay một cách khoan thai, nhẹ nhàng rồi từ từ tăng dần tốc độ và mạnh mẽ như mong muốn khi đồng hồ chỉ giờ ấn định. Lúc này mới đếm 1, 2, 3 … cho đến khi chấm dứt giờ tập. Như lúc dùng xe, trước khi đạt tốc độ mong muốn, người lái phải mở máy và cho xe chạy từ chầm chậm đến nhanh dần và cũng phải cho xe chậm lại từ từ trước khi dừng hẳn. Như vậy khi đồng hồ báo hết giờ tập tôi ghi nhớ số đếm lần vẫy và vẫn tiếp tục vẫy không cần đếm tiếp cho lần tập này thêm vài chục cái nữa, chậm lại từ từ rồi mới dừng hẳn. Lúc mới bắt đầu tập, tôi hít thở bình thường thoải mái. Dần dần tôi thấy hơi thở dài và sâu hơn một cách tự nhiên. Sau chừng một tháng, khi hít vào tôi vẫy được 3 vẫy, lúc thở ra tôi vẫy được 4 vẫy. Sau hai tháng, tôi tập thoải mái, khi hít vào tôi vẫy được 4 vẫy, lúc thở ra tôi vẫy được 5 vẫy. Tôi nhận ra rằng tôi đã vẫy nhanh hơn 70 cái trong một phút nên vẫy khoan thai trở lại. Vẫy càng nhanh, càng mau nóng người và bớt bị nhảy số khi đếm. Thời gian tôi đã dùng để tập cho một lần khoảng 40-50 phút. Tính thong thả là 45 phút!
Lý do chọn phép vẫy tay: Trong thời gian ba bốn tháng đầu tiên sau khi bắt đầu tập, lúc vừa tập xong, hai đầu gối tôi bị cứng lại, khởi sự bước những bước rất ngắn, thật khó khăn và rất chậm. Sau đó bước nhanh dần và dễ dàng hơn. Theo lời cụ Đốc học Thân Trọng Hy mà chúng tôi vẫn gọi là Bác Đốc Hy hay Bác Cả Hy dạy tôi rằng sau khi tập cần phải đi bộ ba trăm bước hay nhiều hơn cho đến lúc trở lại bình thường như trước khi tập. Một trăm bước đầu phải bước thật chậm, khoan thai, giữ thăng bằng không nghiêng lệch. Hai tay thong dong hoặc đánh đàng xa, hoặc đưa chéo tay tuần tự từ trái phải và ngược lại, hoặc xoay qua xoay lại để giảm mỏi lưng vai … thật nhẹ nhàng theo mỗi bước chân và co duỗi các ngón tay theo từng động tác. Tôi không thở mạnh phì phò vì chẳng có gì là mệt. Tôi giữ hơi thở nhẹ nhàng không nghe tiếng, chậm rãi và sâu như ngày xưa khi đi quyền. Việc này dễ dàng vì càng tập, tôi thấy hơi thở càng sâu và dài hơn. Nếu thở nhanh có thể bị lạnh hai bàn tay xuống cả hai bàn chân! Một trăm bước tiếp theo tay vẫn chuyển động như vậy, thong thả như đi dạo. Một trăm bước cuối cùng cũng như một trăm bước trước, tay vẫn chuyển động như vậy nhưng nâng nhẹ đầu gối theo từng bước. Sau khi bước xong 300 bước, nếu cảm thấy chưa được thư thái thì tiếp tục cho đến khi như ý. Có khi tôi bước lâu hơn 10 phút.
Nhắc đến bác Đốc Hy của tôi, tôi nhớ lại hồi trước biến cố Tết Mậu Thân 1968, tôi đã thầm chê cách tập vẫy tay của bác vì tôi đã cho rằng cách thức Phép Đánh Xa này chỉ dành cho người già dùng để đuổi chó xua gà, không làm sao bằng thứ “võ ta” mạnh mẽ múa máy đấm đá tay chân nên tôi mày mò cố tìm võ sư xin học mấy “thảo” Đồng Nhi, Bình Thân, Ngọc Trản, Phượng Hoàng v.v. và suốt ngày cứ kiếm cách tập “múa võ” và đọc các “bài thiệu” vanh vách như con vẹt “Ngọc Trản ngân đài. Tả hữu tấn khai thập tự. Quyển diệp liên ba. Tấn sát túc tọa hồi mai phục. Trực tiền quyển địa. Tấn đã song quyền. Hoành tả tọa bạch xà loang lộ. Trấn thủ thanh long biên giang. Hoành hữu tọa bạch xà loang lộ. Khai sơn bạch hổ phát mộc. Tấn đã tam chiến. Thối thủ nhị linh. Tấn khai hổ khẩu. Bái tổ lập như tiền.” Hay “Phượng hoàng phóng cước vỹ. Mãnh hổ khai địa phi. Song long truyền bá đỉnh. Đoạt trấn vũ uy trì. Nhất cấp khai bình phất ấn. Nhị cấp chảo bạt bình phi. Tấn nhất bộ thủ hồi tam bộ. Tứ cấp công danh kiến thứ chi.” Tôi luyện “võ ta” tức võ của Việt Nam, nhưng đọc “bài thiệu” khi múa võ lại bằng tiếng Hán Việt vốn được thầy dạy võ truyền khẩu như thế nào thì cứ răm rắp nhớ nằm lòng từng tiếng. Tuy chỉ hiểu lõm bõm nhưng tôi không cần, điều quan trọng đối với tôi là những “thế” những “nét” để đi quyền thật đúng mà thôi. Có bạn đồng môn khi thầy dạy thế “Ngô Hổ Xà Rắn” trong bài Hiến Long Tàng Hổ vô ý vội cười “Đã xà mà còn rắn!”, vừa dứt lời bị đuổi ngay. Lấy đó làm kinh nghiệm, tôi luôn luôn nghe lời võ sư vì tôi chỉ cần mấy “thảo” để múa võ chứ không lưu tâm đến bài “thiệu” chỉ có công dụng đọc theo khi đi quyền! Vì chỉ ham múa may luyện võ, tôi cho là chưa cần học Phép Đánh Xa dùng tay “đuổi ruồi” của ông bác ruột là bác Cả Hy. Tôi định rằng “dễ mà!”, cứ để đến khi mô về già hẳn hay. Mà hay thiệt. Mãi đến khi tôi hơn 70 tuổi vì muốn khỏe mạnh, thoát khỏi tình trạng bệnh hoạn rề rề, hàng ngày phải uống hơn 30 viên thuốc đủ loại trước khi về chơi miền tiên cảnh, mới chịu khó tập luyện phương pháp “đuổi ruồi”! Có khi nghĩ lại mà tiếc!
Tiếp theo vấn đề đi bộ sau khi tập, tôi may mắn có điều kiện để nằm ngửa trên nệm cứng hay giường không nệm, không gối, xuôi thẳng hai tay hai chân, để đồng hồ báo thức ngủ một giấc 10, 15 phút hay lâu hơn thêm 5, 10 phút nữa tùy theo sự đòi hỏi cần thiết của cơ thể theo mỗi lần tập. Cách thức nầy tôi học của thầy Hàng Trường hai mươi năm trước dùng cho sau khi tập khí công để lấy lại khí lực đã có thể bị hao tổn phần nào trong khi tập luyện và cảm thấy hiệu quả tốt. Theo lời thầy Hàng Trường, người luyện võ sẽ dễ dàng “đằm tính” hơn nếu chịu “nằm ngủ” như thế này sau khi tập luyện.
Về việc co duỗi nắm thả bàn tay, tôi lại nhớ tới những nét chữ của bác Cả Hy trong thời kỳ bác còn làm hiệu trưởng trường trung học tư thục Hàm Long trong khuôn viên của chùa Báo Quốc. Sau khi tôi thi hỏng vào lớp Đệ Thất trường Hàm Nghi, bác đã nuôi cho đi học trường Hàm Long rồi sau đó cho xuống học trường Bình Minh của bà Ngô Đình Nhu, năm sau tôi thi đậu. Năm 1975 tôi sang Mỹ tỵ nạn, bác thường gởi thơ cho tôi. Năm 1976, có lần bác Cả viết cho tôi nguyên bài thơ bác họa thơ của học trò cũ là Cù Huy Cận bài “Trăm năm Quốc Học” mà Huy Cận đã nâng trường Quốc Học nâng thêm mấy tuổi cho đủ một trăm:“… Quốc Học trường ta, Quốc Học ơi!...” Nét chữ của bác Cả Hy vẫn lão luyện đẹp tuyệt vời khiến tôi hằng yêu thích! Trước khi bác mất ở lứa tuổi trên 90, nét chữ của bác vẫn như xưa tuy bác viết nhỏ hơn! Năm ngoái, có người bạn nhìn tôi với ánh mắt ái ngại khi thấy tôi lóng cóng viết mấy chữ đề tặng anh ta như “gà bươi” trên cuốn sách Một Thoáng Hương Xưa mà tôi vừa thuê in xong tuần trước! Hiện tại thì khác, đôi bàn tay của tôi đã cử động dễ dàng và nét chữ vẫn xinh ra phết cho dù chưa đẹp bằng nét chữ viết trong những năm một ngàn chín trăm hồi đó! Suốt mấy chục năm qua tôi chỉ viết bài bằng cách nhấn phím trên máy điện toán cá nhân, bây giờ cầm bút viết mấy chữ trên giấy xong nhìn lại đã không còn thấy mắc cỡ nữa! Hiệu quả của việc theo Dịch Cân Kinh luyện công ấy mà! Còn việc tập uốn nắm hai bàn tay để kích thích các huyệt đạo nhất là huyệt Lao Cung của tim có thể tập trong bất kỳ thời điểm nào cũng được. Tôi tập bằng hai viên bi kim loại rỗng ruột khi dùng nghe văng vẳng những tiếng thanh tao như tiếng chuông gió mơ hồ mà tôi đã mua tại khu phố của người Tàu khi có dịp đi ngang qua. Loại bi này vẫn gọi là bi âm dương, long hổ, tùng hạc v.v. tùy theo hình chạm của từng bộ bi.
Lại nữa, trong thời gian tập luyện, tôi phải uốn cong lưỡi lên đụng mạng khẩu cái của nóc họng và không cắn chặc hai hàm răng vì sợ khuôn mặt lâu ngày sẽ đanh lại khó coi. Sau khi tập tôi thường cảm thấy đầu lưỡi hơi tê tê, giọng nói thỉnh thoảng hơi cứng. Tôi nghĩ đến phương pháp đánh lưỡi mà vị tổ ngành đông y của Việt Nam chỉ cách tập mỗi buổi sáng là Lãn Ông Lê Hữu Trác trong bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh viết dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Thực hành cách đánh lưỡi trong những bước đi sau mỗi lần tập thấy có hiệu quả nên từ đó tôi tiếp tục giữ mãi luôn.
2. Tập luyện trí nhớ
Theo cách thức tập luyện, tôi phải vẫy hai tay lên xuống cùng một lượt không được ngừng nghỉ trong suốt quãng thời gian ấn định cho buổi tập. Tôi cho cách xoay hai bàn tay úp vào hướng đùi khi vẫy ra phía sau mà thầy Phêrô Phạm Công Thuận cho là “cải cách” không thích hợp với tôi nên không làm theo. Trái lại, bạn Nguyễn Hồng Tuấn cho rằng phương pháp xoay tay “cải cách” có hiệu quả hơn. Sau khi tập được hai tháng, tôi thử cách xoay hai bàn tay như phương pháp “cải cách” của thầy Phêrô Phạm Công Thuận, thấy hai vai và ngực động mạnh thật hiệu quả, nhịp vẫy có vẻ chậm lại.
Ban đầu mới thực tập, tôi cho việc này dễ dàng như trò chơi, nhưng khi thực sự tập, các phản ứng phụ dần dần xảy ra liên tục đã làm tôi khó chịu muốn phá lệ hoặc lo sợ tưởng như định bỏ cuộc. Chẳng hạn nhưng đang chú tâm định trí đếm từng lần vẫy thì thình lình có một mụt rôm sảy quái ác đến trên gò má của tôi chơi trò cho ngứa ngáy thiếu điều làm cho tôi “quay đựng”, muốn dừng ngay tay lại mà gải mấy cái vào má để giết nó đi cho hết ngứa thì thật là đã ngứa biết mấy! Tôi cố gắng chịu đựng đến mấy mươi hơi thở, cái mụt sảy mất dạy này mới chịu đi chỗ khác chơi! Lát sau chóp mũi của tôi như có con ruồi vô hình nào đó bạ vào, vừa dẫm dẫm mấy cái chân tí tẹo, vừa rung rung nhúc nhích như đang vuốt cánh thiệt nhột nhạt vô cùng! Nhìn xuống không thấy con ruồi, tôi kiên nhẫn chịu đựng cho đến khi nó bay đi. Rồi sau gáy như có con kiến cắn phải. Rồi ợ hơi. Rồi nấc cụt. Rồi trung tiện. Rồi ngứa lưng. Rồi đau mỏi hai vai. Rồi đau buốt hai đầu gối vốn đang đau sẵn. Rồi mỏi tê hai bàn chân. Những chuyện xấu xa mà tôi đã phạm ùn ùn kéo về một cách tai ác. Những chuyện buồn cười ập đến khiến tôi phải nín lại làm lạc hơi thở gây trung tiện v.v. … Ôi thôi, trong mấy mươi ngày đầu tiên có cả hàng trăm triệu chứng, kể luôn cả triệu chứng mọc mụt nhọt trước ngực, mụt nhọt sau mông, ho khan, muốn ói, đi tiêu chảy v.v. mỗi thứ kéo dài hai ba ngày, nhưng tôi cố gắng không quan tâm đúng theo lời dạy và cũng chẳng cần chữa trị, kiên nhẫn chờ ngày chúng tự giải tán! Đây là những lần tôi có ý định bỏ cuộc, nhưng vội dập tắt ngay vì tôi muốn mạnh khỏe! Nhờ định trí nhất quyết đếm đúng và nhìn đồng hồ mới khám phá ra tôi vẫy không đều, lúc nhanh lúc chậm. Rồi cũng vượt qua. Lúc đầu tôi vẫy với tốc độ chạy theo đồng hồ. Bây giờ thì số chỉ giây của đồng hồ nhảy chậm hơn tôi vẫy! Tập đến ngày thứ 30, hai vai hết đau mỏi, bắt đầu cảm thấy êm êm khi vẫy qua khỏi những con số đếm trên một ngàn. Hai chân bắt đầu đứng vững, thăng bằng hơn, ít chúi tới trước. Đến ngày thứ 60, những triệu chứng quấy rầy đã giảm rất nhiều. Thoải mái như thong dong đi dạo mát hay cỡi ngựa xem hoa! Sau khi bắt đầu vài phút đã thấy hai vai nhẹ nhàng êm ái thích thú, hai bàn chân ấm dần, như vậy huyệt Dũng Tuyền trong lòng bàn chân đang được kích thích, rất tốt cho thận. Rồi hai bàn tay cũng căng ấm chứng tỏ huyệt Lao Cung trong lòng bàn tay cũng đang được kích thích, rất tốt cho tim. Sau chừng 5 phút, từ lưng lên tới hai tai nóng dần rớm mồ hôi. Hai tay vẫy đều và nhanh mà cứ cho mình vẫy chậm. Sau 10 phút đếm trên số 700. Sau 20 phút đếm trên số 1,400. Khi đến phút thứ 30, số vẫy tay đếm được hơn 2,000. Như vậy, tôi vẫy mỗi phút được 70 cái, quá tiêu chuẩn 10 cái như theo quy định là 60 cái. Thời gian tập 30 phút chỉ cần vẫy đều 1,800 cái thật chuẩn là đủ. Tôi đã vẫy chậm lại vì cũng cho rằng phải theo kinh nghiệm của những người đi trước, nếu không thì giống như chiếc xe vì luôn chạy quá nhanh sẽ mau hỏng máy. Tuy nhiên, khi nhớ lại chuyện học võ của những ngày xưa năm ấy, với tiêu chuẩn là càng nhanh càng mạnh càng tốt! Có buổi tập, tôi nổi hứng vẫy hết sức mình, kết quả sau khi vẫy chậm dần đều khi đến phút thứ 30 tôi đếm được 2,267 vẫy tức trên 75 cái trong một phút! Thì cũng như chiếc xe hơi ấy mà, thỉnh thoảng cho lên xa lộ lượn một vòng cho … tốt máy!
Tôi đếm số vẫy và để luyện trí nhớ, tôi cố nhớ con số khi đếm đến phút thứ 10 và thứ 20. Thoạt đầu, tôi viết vào giấy liền sau khi vừa tập xong để ghi vào bảng luyện tập trong ngày. Tiếp tục đến độ khỏi cần chép ra giấy mà lúc ghi sổ tôi vẫn không quên. Tôi tập không ghi liền ra giấy bằng cách ghi nhớ thêm những con số khi đến phút thứ 10, thứ 20 và thứ 30. Chẳng hạn đến phút thứ 10 là 653, tôi thầm nhớ thêm “Sáu năm ba. Sáu năm ba.” Khi đến phút thứ 20 là 1217, tôi lại thầm nhớ thêm “Hai mười bảy. Sáu năm ba. Sáu năm ba. Hai mười bảy.” Đến phút thứ 30 là 1836 tôi thầm nhớ thêm “Tám ba sáu. Hai mười bảy. Sáu năm ba.” và trong phút cuối khi vẫy chậm dần trước khi dừng hẵn, tôi đọc thầm “Sáu năm ba. Hai mười bảy. Tám ba sáu.” và cứ tiếp tục như vậy khi đi bộ.
Tôi hy vọng sức khỏe của tôi mỗi ngày một tăng và các chứng bệnh nan y có sẵn trong tôi như tiểu đường, cao máu, ù tai, tê thấp v.v. sẽ dần dần biến mất trong vài năm tới! Hiện nay tôi cảm thấy cần buổi tập như ngày xưa tôi cần điếu thuốc hay ly rượu! À chút nữa thì quên: Thuốc lá thì tôi bỏ hút hơn 40 năm nay, và rượu bia mà tôi hằng yêu thích đã phản bội tôi, lén lút nương cơ hội tôi bận luyện công theo Dịch Cân Kinh mà cả gan bỏ tôi để mãi mê chạy theo Cô Nhắc hay Cô Vy 19 đến nỗi biệt tăm mất tích luôn ở mô bên Tây, bên Pháp! Thế cũng hay! Tôi lại tự mừng cho tôi vì đã hết nghiện sau hơn một tuần và quyết định mặc kệ chúng, quên đi nỗi nhớ! Trước kia, sau khi quyết định ly dị em “điếu thuốc thẳng”, tôi phải chịu đựng “ba bảy hai mươi mốt ngày” mới hết dật dờ nhớ nhung ray rứt! Tôi cũng nhớ lại suốt hơn bốn mươi năm qua kể từ ngày tới Mỹ tôi rất ít hoặc không hề uống nước có khi cả năm. Trong các buổi họp cộng đồng, tôi chỉ nhấp tí nước lọc cho đỡ khô cổ. Sau buổi họp, tôi tuyệt nhiên không uống thêm một giọt nước nào nữa, cho đến lần họp tiếp theo vào kỳ tới mới chịu nhấp vài ngụm nước mát cho đỡ khô cổ vì bàn luận. Ở nhà, tôi chỉ uống mỗi một thứ là bia với bạn già quốc tịch Pháp là Mông Xi Nho Rémi Martin. Lão ta là kẻ luôn trưng bày một cách thầm lặng giấy tờ in rõ ràng hắn sinh năm 1738, suốt đời thong dong đi du lịch khắp thế giới. Những lúc sang Mỹ “có tí việc” tên già nồng hắc ốm nhom này luôn ghé nhà tôi cùng nhau nhậu chơi rất chí tình! Hiện nay, khi tôi nhấn phím viết mấy dòng này thì hắn đi đâu biệt tích, chắc là đã bị con quỷ Cô Vy 19 dụ dỗ đem đi mất tiêu! Nếu như vậy thì thật là đáng mừng vì bây giờ tôi đã chán ngấy tên bạn già này rồi, bởi lý do là trí nhớ của tôi đang dần dần phục hồi! Tôi nhớ rõ ràng sau những bữa nhậu hắn lạnh lùng quật tôi ngã nhào lăn quay tơi bời hoa lá! Đã đến lúc cần phải chấm dứt cảnh này đi chứ!
Trí nhớ phục hồi vì tôi cố gắng kiên nhẫn định hết tâm trí vào việc duy nhất là đếm đúng từng cái vẫy tay trong suốt buổi tập, gạt bỏ những ý tạp nham đủ loại xấu tốt cứ mãi dùng xa luân chiến tấn công tôi không ngừng nghỉ! Đếm mãi vẫn lẫn lộn, tôi dùng thêm cách nhớ số lần đếm của phút thứ 10 và phút thứ 20 để hỗ trợ. Phải tốn lâu ngày dài tháng tôi mới gần được như ý! Những lúc thanh thản vui sống thì tôi vẫy nhanh và đều đặn hơn khi tâm hồn bất an buồn bực! Hàng ngày tôi vẫn vẫy đều và nhanh như đã định. Dậy sớm để được hưởng nhiều hơn những giây phút quý báu trong ngày trước khi tôi về thăm ông bà! Tôi đang cảm thấy được vui khi cho đi hơn là đón nhận. Tôi kéo dài bài viết này với hy vọng sẽ giúp người đọc quên đi vài phút giây không được thoải mái cho lắm khi gò bó ngồi nhà suốt nhiều tuần lễ vì phải tránh xa Cô Vy 19 đang tác yêu tác quái ngoài kia! Sau khi qua khỏi 90 ngày, tôi chỉ tập hai lần sáng và tối. Buổi trưa thong thả vui chơi! Nghĩ rằng: Thời còn trai tráng, ăn mạnh ngủ nhiều, nếu mỗi ngày vẫy tay sáu, bảy ngàn cái, chắc chắn dư sức qua cầu dễ như không. Còn bây giờ đã tra lão, kém ăn ít ngủ, phải liệu cơm mà gắp mắm. Liệu đến khi già rệu, biết có vẫy được cái mô không, hay là chỉ đong đưa hai cánh tay gầy đét cho có lệ?
Thảo xong bài này, tôi khoe với một số người lạ người quen. Vài người phê “OK”. Vài người lặng thinh.
Tôi mới vừa gọi thêm cho mấy người quen đang bó gối ở nhà vì cách ly, hí hửng bắt họ nghe chuyện đời của tôi trong ba năm qua.
Có người thích lắm, vui vẻ hăng hái hứa đủ điều.
Có người hờ hững “Thế à?!”.
Có người nghe xong phán ngay “Ối dào! Tưởng gì chứ thứ này thì tôi đang tập 5-7 năm nay, có kết quả tốt! Chuyện xưa rồi diễm!”
HẾT
Thái Cát Thân Trọng Tuấn
California April 03, 2020 –
Cập nhật bổ sung April 13, 2020; April 19, 2020
(*)- Chuyện bảo tôi bị tiểu đột quỵ (mini stroke) nghe được trong lúc đầu gối đang đau đớn như bị kẹp vào giữa hai khúc gỗ, tôi không nhớ rõ là lời của bác sĩ gia đình hay của một trong những người quen biết.
(Nguồn : art2all.net)
Bài đọc khác của cùng tác giả : Nhớ mái trường xưa
Thảo luận
Không có bình luận