Langford lội nước sâu đến ống chân, dáng đi chầm chậm của một người đang lội qua giấc mơ. Bùn nhão kéo rì đôi giày bốt khiến có cảm tưởng như mang thêm chì dưới chân.
Vào thời gian này của năm, hầu hết miền quê đều ngập nước, mưa như trút cả ngày. Langford suốt đời chưa bao giờ thấy mệt đến thế. Anh những muốn quăng hết đồ và nằm dài xuống, nhưng biết là không có hy vọng chừng nào Đ/úy Trung chưa ra lệnh cho dừng quân.
Đây là ngày thứ ba của cuộc đi càn. Hai đại đội quân Miền Nam tiến cách xa nhau, băng qua vùng đầm lầy ngập nước, đầy cỏ dại. Langford bước theo đại đội do Đ/úy Trung dẫn đầu. Những người lính Việt Nam nhỏ con khiêng vác nặng trĩu với vũ khí, đạn dược và tư trang, còn Langford thì chỉ lo với đồ nghề của mình, gồm một máy quây phim hiệu Bell and Howell buộc với dây quấn quanh cổ tay; một máy cassette nhỏ để thu âm treo trên dây thắt lưng vải; một túi đeo qua vai, đựng máy ảnh, mớ phim quí giá, đồ chùi ống kính, và các kính lọc. Một dụng cụ đo ánh sáng hiệu Weston cất trong hộp da, đeo lủng lẳng trước cổ, trông như một cái bùa. Chiếc máy ảnh Leica cũng thế, anh vẫn mang theo mặc dù thực tế là anh chỉ được thuê để quay phim mà thôi.
Áo quần anh mặc là đồ ăn cắp hoặc lấy từ người chết mà anh mua tại khu chợ đen chuyên bán đồ chôm chỉa ở Sài Gòn, và nay cũng đã mất đi vẻ mới của chúng. Chiếc áo màu lính ướt đẫm do cơn mưa như trút vừa qua đang bốc hơi nước, chưa bao giờ được thực sự ráo hẳn, vì mồ hôi cũng làm ướt áo khi thiếu vắng cơn mưa, khiến dưới nách áo đọng lại những cặn muối trắng. Anh mang trên người bộ đồ lính của đa quốc gia, như đồ trận, dây nịt vải, túi ba lô và bi đông nước của Mỹ; bốt lính may vải bên hông của Pháp; mũ vải của bộ binh Úc. Anh trông như một người lính bê bối với tóc tai cần cắt tỉa gọn gàng. Langford không bao giờ mang vào vùng chiến địa nón sắt hay áo giáp của Mỹ, những thứ mà hầu hết các phóng viên thường chọn, anh muốn làm giảm cái mệt do nóng bức gây nên bằng cách tránh dùng đến chúng, như chủ trương của bộ binh Úc.
Băng qua các cánh đồng lúa, toán tuần tiễu tìm mấy chỗ khô ráo bằng cách đi dọc trên các bờ kè. Bằng không, nước bao trùm tất cả, một yếu tố mà họ không thể nào thoát khỏi.
Tất cả bắp thịt trên hai cẳng chân của Langford ê ẩm đến độ mà chưa môn bóng bầu dục nào từng làm cho anh nhức nhối bằng, và nỗ lực đi băng qua sình lầy trong bầu không khí nóng ngột ngạt như trong phòng tắm hơi, làm người ta cạn kiệt hết sức lực. Những năm tập luyện thể lực nay trở nên hữu ích đối với Langford. Có nhiều lúc trong hai ngày vừa qua, anh tưởng không còn sức để đi thêm mười phút nữa, nhưng rồi anh vẫn luôn vượt qua, anh vẫn tìm được năng lực dự trữ để đem ra xài. Langford kể lại rằng anh cương quyết không tỏ dấu hiệu mệt mỏi trước mặt Đ/úy Trung, người có dáng gầy guộc nhưng vẫn bước đều trước trung đội dẫn đầu. Khi tới lúc dừng quân, Trung chỉ khẻ liếc nhìn Langford và gật đầu, nhưng ông ta hiếm khi nói chuyện với anh; thay vì vậy ông nói với người của ông bằng tiếng Việt. Và mỗi ngày trôi qua, niềm cảm phục của Langford đối với những người lính Miền Nam nhỏ con trong chiếc nón sắt lớn quá khổ ngày một sâu đậm hơn.
– Tôi nghĩ về thể chất họ giống như con nít. Tuy nhiên với những ngày trôi qua, tôi thấy họ cứng cát và lanh lợi như thế nào. Họ vẫn tiếp tục tiến tới không tỏ chút dấu hiệu mệt mỏi nào, dù mang nặng trên người số đạn dự phòng và vũ khí các loại, hầu hết quá lớn so với kích thước họ, nào súng carbine M-1 từ thời Thế Chiến Hai; súng tiểu liên Thompson; súng tự động Browning, và loại súng mới của Mỹ M-16 đang được trang bị dần cho các đơn vị. Khi chúng tôi băng qua những con suối nhỏ, nước ngập đến ngực tôi nhưng với họ thì cao quá đầu, khiến họ phải dùng hai tay đưa ba lô và vũ khí cao trên mặt nước. Rồi đến khi trồi lên thì họ bắt đầu cười.
– Họ là những thanh niên xuất thân từ miền quê như tôi, chúng tôi hòa hợp với nhau được. Họ không biết tiếng Anh hoặc chỉ tí chút, tiếng Pháp cũng không nốt; thứ đó chỉ thông dụng trong hàng ngũ sĩ quan. Vì thế tôi sử dụng thứ ngôn ngữ ra dấu, và được họ dạy cho tiếng Việt. Họ không tiếp xúc nhiều với người Âu, nên tôi là một người mới đối với họ, một gã khổng lồ khôi hài, tôi nghĩ vậy. Và họ thích cười.
Trung dặn Langford phải luôn luôn đội cái mũ vải trên đầu. (“VC sẽ nhắm bắn vào mái tóc vàng của anh đó.”). Ông cũng dặn Trung đi sát sau người dẫn đầu, bước lên chỗ người lính vừa bước qua, làm theo y hệt từng động tác. Với cách đó, Đ/úy Trung nói, Langford có được cơ may tránh được các cạm bẫy vốn tràn lan khắp miền đất của Việt Cộng; đôi khi chúng là mìn, đôi khi lựu đạn, nhưng thông dụng nhất là chông vót bằng tre, có ngạnh sắt được trui lửa, cài trong ruộng hoặc trong cỏ, đầu mũi có trét phân người. Lỡ dẫm phải có nhiều nguy cơ bị thối chân. Được biết chúng có thể đâm xuyên qua giày bốt lính.
Vì vậy đội tuần tiễu phải luôn luôn cẩn thận và cẩn thận, tiến chậm không chỉ bởi do bùn và nước mà còn do ý tưởng luôn coi chừng về chông, mắt không nhìn thấy được. Langford hết sức chú ý đến người lính đi trước mình. Đó là một người trai trẻ khoảng hai mươi hai, tên Thọ. Họ nói chuyện với nhau mỗi khi có dịp dừng quân.
Thọ nói tiếng Anh nhiều hơn so với những người lính khác. Anh ta nói với Langford rằng anh học tiếng Anh từ mấy quán bar ở Sài Gòn, nơi anh làm việc với tính cách thợ sửa chữa vặt vãnh các thứ. Một hôm đi ra ngoài mua nước đá, anh bị chận xét và bị bắt lính vì thiếu giấy tờ hợp lệ. Thọ không thấy xót xa vì chuyện đó mà còn luôn luôn tươi vui.
– Mặc dù anh ta có khuôn mặt rất Việt Nam nhưng anh vẫn gợi tôi nhớ đến một thằng nhóc chúng tôi quen nhau hồi tôi còn nhỏ ở New Norfolk, thích nói chuyện tếu, cũng cái quai hàm rộng đó và đôi mắt nâu nằm cách xa nhau ấy. Thọ thích khoe mớ tiếng Pháp của mình; như khi tôi hỏi VC hiện diện ở nơi đâu, thì anh chỉ tay về phía chân trời và nói: ‘Beaucoup VC!’ Một cách đùa vui giữa chúng tôi. Khi tôi muốn nói không có VC nào cả thì anh lắc đầu. ‘Beaucoup VC!’ Anh giúp tôi giữ tinh thần mà tiến bước.
Thảo luận
Không có bình luận