Triệu Phong dịch thuật theo truyện ngắn “The Little Things” của nhà văn Mỹ Isaac Asimov, người chuyên viết về truyện giả tưởng.
Bà Clara Bernstein tuổi đâu đó ngoài năm mươi, còn nhiệt độ ngoài trời thì đâu đó trên chín mươi. Máy điều hòa tuy đang chạy, tiếng là để tống bớt cái nóng đi nhưng tình thật không ai cảm thấy như vậy cả.
Bà Hester Gold, từ căn số 4-C đang đứng trên tầng 21, nói, “Ở dưới tôi mát hơn trên này.” Bà này cũng trên năm mươi, và có mái tóc vàng không làm bà trông già thêm.
Bà Clara nói, “Thực ra đây chỉ là chuyện vặt vãnh. Nóng thì tôi chịu được nhưng tiếng nước giọt thì tôi không thể chịu nổi. Chị có nghe thấy không?”
“Không,” bà Hester đáp, “nhưng tôi hiểu ý của chị. Cái áo khoác của thằng Joe nhà tôi bị mất một hột nút. Cái áo bảy mươi hai đô mà mất hột nút thì coi như bỏ. Cái nút bằng đồng đẹp đẽ nơi khuy áo giờ hắn kiếm không ra thì lấy gì để đơm vào đây.”
“Có gì rắc rối đâu? Giật phứt luôn cái bên tay áo kia là cân ngay.”
“Chuyện đó khác. Cái áo coi không còn ra gì nữa. Mỗi khi nút lỏng lẻo, chớ chần chờ mà nên đơm lại ngay. Đã hai mươi hai tuổi đầu rồi mà hắn vẫn chưa chịu hiểu giùm. Hắn đi ra ngoài rồi mà cũng không nói với tôi là bao giờ sẽ trở lại.”
Bà Clara nóng nảy, “Lắng nghe kìa. Làm sao mà chị có thể nói là chị không nghe được tiếng nước giọt cơ chứ? Đi vào phía phòng tắm với tôi. Tôi nói có tiếng nước giọt là có tiếng nước giọt ấy mà.”
Bà Hester theo sau và làm ra vẻ cố lắng nghe. Trong sự yên lặng có thể nghe được tiếng nước đang nhỏ giọt – tách – tách – tách.
Bà Clara nói, “Chẳng khác gì một sự tra tấn bằng tiếng nước. Phải nghe suốt cả đêm và đến nay là đã ba đêm rồi.”
Bà Hester điều chỉnh cái mắt kính bự có tráng nhạt lớp nước thuốc, như thể làm vậy sẽ giúp cho bà nghe được rõ hơn, và gặt đầu, nói, “Có lẽ nước vòi sen bị nhỏ nơi tầng trên, ở căn 22-G. Chỗ của cô Maclaren đó mà. Tôi quen cô ấy. Nghe tôi nói đây, cô ấy là người có tâm địa tốt. Cứ gõ cửa và nói với cổ. Cổ chả có cắn đâu mà sợ.”
Bà Clara đáp, “Tôi đâu có sợ gì cô ấy. Tôi đã đấm cửa nhà cổ năm lần bảy lượt rồi mà chẳng có ai trả lời. Tôi gọi điện thoại cho cổ mà cũng êm rơ nốt.”
“Thì cô ấy đi đâu vắng,” bà Hester nói. “Bây giờ là mùa Hè người ta hay đi chơi xa.”
“Nếu cổ đi vắng suốt cả mùa Hè vậy tôi phải nghe suốt cái tiếng nước giọt ấy sao?”
“Gặp lão quản gia thử coi.”
“Gã điên khùng ấy à. Gã làm gì có chìa mở cái khóa đặc biệt của cửa nhà cô ta, hơn nữa lão sẽ không bao giờ phá cửa chỉ vì lý do của mấy tiếng nước giọt ấy đâu. Ngoài ra cổ chẳng có đi đâu xa cả. Tôi biết xe cô ấy mà, giờ này nó còn nằm dưới nhà xe đó.”
Bà Hester bực bội nói : “Biết đâu cô ấy đi chung xe của người khác.”
Bà Clara khụt khịt tỏ vẻ khó chịu. “Tôi biết quá rõ cái cô Maclaren ấy mà.”
Bà Hester nhíu mày, “Cổ ly dị. Chuyện đó chẳng có chi ghê gớm cả. Tuổi cổ còn khoảng ba mươi, ba mươi lăm gì đó thôi và cổ ăn diện dữ lắm.”
“Chị Hester à nếu chị chịu nghe tôi,” bà Clara nói thêm, “cô ấy làm gì trên đó tôi không muốn nói ra nhưng tôi có nghe tiếng.”
“Chị nghe tiếng gì?”
“Tiếng bước chân. Âm thanh các thứ. Cổ ở ngay tầng trên, chỉ lắng nghe tôi cũng biết được phòng ngủ của cổ ở phía nào.”
Bà Hester cáu kỉnh nói, “Chớ có hủ lậu. Cô ấy làm gì trên đó là chuyện riêng của cổ.”
“Đúng vậy. Nhưng cổ cứ vào phòng tắm hoài, vậy thì lý do tại sao cổ để cho nước giọt như thế được cơ chứ? Tôi cá là cổ có lối trang trí kiểu Tây nào đó tôi chả biết là gì.”
“Chị sai rồi. Chị hoàn toàn sai. Đồ đạc của cô ấy đều xoàng cả, nhưng còn có lắm chậu cây cảnh.”
“Làm sao chị biết?”
Bà Hester tỏ vẻ khó chịu. “Tôi tưới cây giùm mỗi khi cổ đi vắng. Cổ sống một mình. Tôi thường giúp mỗi khi cổ đi đâu đó.”
“Ồ, vậy thì chị biết khi nào cô ấy đi xa. Cổ có cho chị hay mỗi khi cổ đi đâu không?”
“Không.”
Bà Clara ngả người lui phía sau, khoành tay lại và nói. “Vậy chắc chị có chìa khóa mở cửa chỗ của cô ấy?”
Bà Hester đáp, “Có, nhưng tôi không thể tự tiện đi vào như vậy được.”
“Sao lại không? Cổ có thể đi đâu xa. Do đó chị phải tưới cây cho cổ.”
“Cổ có nhờ tôi đâu mà tưới.”
Bà Clara nói, “Cổ chắc bịnh nằm bẹp trên giường nên không ra mở cửa được.”
“Cổ hẳn là bịnh nặng đến nỗi không dùng được điện thoại dù có đặt ở cạnh bên giường.”
“Chắc cổ bị trụy tim cũng nên. Nghe đây, biết đâu cổ chết rồi nào hay, có thế cổ mới không tắt hẳn cái vòi nước.”
“Cô ấy còn trẻ. Làm gì mà có thể bị trụy tim được.”
“Nào ai biết. Với cái lối sống của cổ — có thể thằng bồ cổ giết cổ chết rồi. Chúng ta phải vào xem mới được.”
“Đó là phá cửa mà vào,” bà Hester nói.
“Với chìa khóa thì sao? Nếu cổ đi vắng chị đâu để cho cây cảnh chết hết được. Trong khi chị vào tưới thì tôi lo đi khóa nước. Có gì hại đâu? Mà nếu cổ ấy chết, chị có muốn để cổ nằm như vậy cho đến khi có người khám phá hay sao?”
“Cô ấy không có chết đâu,” bà Hester tuy nói thế nhưng cũng đi xuống tầng bốn để lấy chìa khóa mở cửa căn của cô Maclaren.
“Trước hành lang vắng hoe,” bà Clara thầm thì. “Ai cũng có thể đột nhập vào bất cứ đâu bất kỳ lúc nào.”
“Suỵt,” bà Hester nói khẽ. “Biết đâu cô ấy có trong nhà và lên tiếng ‘Ai đó?’ thì sao?”
“Thì chị cứ trả lời là vào tưới cây, còn tôi thì yêu cầu cổ khóa giùm vòi nước.”
Chìa tra vào một ổ khóa rồi thêm ổ khác nữa, thảy đều trơn tru và cuối cùng chỉ là một tiếng tách nhỏ. Bà Hester hít sâu vào rồi đẩy cửa kêu cái cắc. Bà gõ lên cánh cửa.
“Không có tiếng trả lời,” bà Clara bồn chồn nói nhỏ. Bà đẩy cửa mở rộng ra.
“Máy điều hòa không thấy mở. Chị vào tưới cây là hợp lẽ rồi.”
Họ khép cánh cửa phía sau lưng lại. Bà Clara nói, “Ở đây có mùi mốc như mùi cái lò ẩm.”
Họ đi nhè nhẹ dọc theo hành lang. Phòng chứa đồ bên phải trống trơn, phòng tắm trống nốt –
Bà Clara nhìn vào. “Không có nước giọt. Hẳn là bên phòng ngủ lớn.”
Tận cuối hành lang, có một phòng khách ở phía trái với những cây cảnh.
“Chúng cần nước,” bà Clara nói. “Để tôi đi vào trong phòng ngủ l ớ . .”
Bà mở cửa phòng ngủ rồi dừng lại. Không nghe động tĩnh chi cả. Miệng bà há hốc.
Bà Hester đứng cạnh bên. Cái mùi thật khó thở. “Cái gì . . “
“Ôi trời ơi,” bà Clara buột miệng nhưng không còn đủ hơi để kêu thét lên.
Tấm trải giường trông hết sức lộn xộn. Đầu cô Maclaren ngả ra khỏi giường, mái tóc nâu dài quét phệt xuống sàn, trên cổ có vết trầy, một cánh tay đong đưa trên mặt sàn, lòng bàn tay để ngửa lên.
“Cảnh sát,” bà Clara nói. “Mình phải gọi báo cảnh sát.”
Bà Hester miệng há hốc, đi tới phía trước.
“Chị chớ có sờ vào bất cứ thứ gì nghe,” bà Clara nhắc.
Tia sáng của kim loại đồng từ một bàn tay để mở chiếu lóe.
Bà Hester tìm thấy cái nút áo bị mất của con trai mình được rồi.
Thảo luận
Không có bình luận