Trong lần lướt mạng cách đây vài năm, tôi đọc thấy ở Hà Nội có quán cà phê bên trong trang trí theo lối nhà binh, đặc biệt vật dụng toàn là đồ quân cụ thời VNCH, rất tiếc tôi đã quên mất tên quán. Lần này về Huế, tôi được dẫn vào một quán tương tự, nằm trong khu phố Tây và cũng là “phố đi bộ,” tuy nhiên từ đồ quân cụ trang trí bên trong cho đến quân phục của các tiếp viên, nam cũng như nữ, đều là đồ rằn ri của một quân đội nào đó, có thể thuộc khối XHCN.

Tên quán là Tipsy.

Vào quán khi bên ngoài trời đang mưa lớn, và ở trong thì ban nhạc “lính” đang trình diễn một bản hòa tấu.

Khách gồm người ngoại quốc lẫn người trong nước, tuy vậy giá cả cũng khá bình dân, chỉ cao hơn quán bình thường có chút đỉnh.

Ánh sáng nội thất trông khá ấm cúng, không rực đèn néon sáng trắng như quán ở Hà Nội, đề cập ở trên.

Đồ quân cụ treo trên tường như nón sắt, bi đông, đều có vẻ thuộc khối XHCN.

Sau vài phút nghỉ giải lao, thành viên ban nhạc làm thủ tục chào kính lẫn nhau kiểu nhà binh trước khi bắt đầu cầm nhạc cụ chơi tiếp.

Rời Tipsy, tôi qua quán Đông Bar ở xéo phía bên kia đường.
Bước vào bên trong khách có thể cảm nhận ngay tiếng nhạc thật lớn đến nỗi muốn nổ tung cả lồng ngực lẫn lỗ nhĩ. Ánh sáng từ các ngọn đèn pha chiếu rọi đủ màu sắc, khi sáng rực khi mờ tối.

Chỗ ngồi trong quán được thiết kế xếp dọc theo hai bên tường và tường phía sau, quay lưng với cửa ra vào, theo hình chữ U, nhìn lên sàn cao nơi các DJ mix nhạc và giới thiệu chương trình. Sàn nhảy nằm lọt phía giữa.

Khách không thấy ai ra nhảy ngoại trừ lui tới vài người có vẻ là người của quán.
Huế bây giờ như vậy đó, cái gì nơi khác có Huế cũng phải có, đâu chịu thua ai! Hồi chiến tranh, lính Mỹ qua miền Nam có khi lên tới nửa triệu quân nhưng Huế nhất định không giống ai khi không cho phép bất kỳ một quán bar nào hiện diện trên đất cố đô, trong khi tỉnh thành nào cũng đầy dẫy. Vì sao nay Huế lại thay đổi, chắc vì thế Huế còn được mệnh danh là “đất Thần Kinh.”
.
HẾT
.
“Đất Thần Kinh!” Hay!
ThíchThích
Cám ơn bà Tám.
ThíchThích