
Kim Dung vào thập niên cuối đời.
Chiều 30 tháng 10, Kim Dung qua đời ở tuổi 94, cái tuổi gọi là xưa nay hiếm. Thế nhưng với hàng triệu người hâm mộ tiểu thuyết võ hiệp, họ vẫn chẳng thể tin đó là sự thật.
Trang mạng news.zing.vn trích dẫn lời Tân Hoa Xã gọi Kim Dung là “nhất đại tiểu thuyết võ hiệp”, “Thái đẩu võ hiệp”. “Thái đẩu võ hiệp Kim Dung cũng bỏ chúng ta mà đi. Vừa sinh đã lỗi lạc, bây giờ qua đời vẫn là lỗi lạc.”
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang (Trung Quốc). Ông sinh trưởng trong gia đình thuộc hàng gia thế, không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có học thức hơn người. Gia tộc Kim Dung có những cái tên nổi tiếng như nhà thơ Từ Chí Ma, nhà khoa học Tiền Học Sâm.
Từ nhỏ Tra Lương Dung đã khác các bạn bè cùng trang lứa. Tra Lương Dung không thích nghịch, dành phần lớn thời gian trong phòng sách đọc đến mất ăn mất ngủ. Cha ông ngày đó luôn gọi con là “đứa trẻ ngốc”. Bạn bè cũng gọi ông là “kẻ ngốc”.
Nhiều người cho rằng đây là lý do những năm sau này, các nhân vật chính trong tiểu thuyết Kim Dung đều có chút ngốc.
Ngày nhỏ, ai cũng nghĩ ông trở thành luật sư, bác sĩ hay nhà ngoại giao khi trưởng thành. Nào ngờ, thời cuộc hỗn loạn, ông lại chọn nghề với cây bút.
Kim Dung từng theo học tại Đại học Trùng Khánh, cũng có ý theo đuổi nghiệp ngoại giao. Nhưng với cá tính thẳng thắn, ông nhiều lần bị trường nhắc nhở và bị đuổi ngang.
Ông từng làm việc tại Đại công báo, Tân Văn báo trước khi thành lập Minh Báo.

Thời trẻ của Kim Dung.
Theo trang mạng 24h.com, trong 17 năm, từ 1955 đến 1972, ông đã cho ra đời 15 cuốn tiểu thuyết võ hiệp, hầu hết đều trở thành những bộ tiểu thuyết võ hiệp vào hàng kinh điển, được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng trong khu vực châu Á. Tại Việt Nam, độc giả nhớ tới ông qua các bộ tiểu thuyết: Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký, Anh hùng xạ điêu, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ, Lộc đỉnh ký,..
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông là Thư kiếm ân cừu lục, và cuối cùng là Việt nữ kiếm. Tác phẩm của ông được chuyển thể rất nhiều lần thành phim và trò chơi điện tử.
Trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, ông nhận được vô số giải thưởng như Huân chương Tử kinh (2000), Thành tựu trọn đời cho nghệ sĩ người Hoa có tầm ảnh hưởng thế giới (2008),…
Cuộc đời Kim Dung trải qua 3 cuộc hôn nhân nhưng đều không khiến ông hạnh phúc. Kim Dung từng thừa nhận: “Cuộc sống tình ái của tôi không thực sự viên mãn, cũng chẳng thể nói là đẹp. Nói chung là không viên mãn, cũng chẳng lấy gì làm lý tưởng”.
Người vợ đầu tiên của Kim Dung là Đỗ Dã Phân (có nơi viết là Đỗ Trị Phân) – tiểu thư xuất thân dòng dõi. Bà chính là mối tình đầu, khiến Kim Dung “vừa gặp đã yêu”. Năm 1948, hai người tổ chức đám cưới ở Thượng Hải.

Kim Dung với người vợ đầu Đỗ Dã Phân.
Kết hôn không bao lâu, Kim Dung sang Hong Kong phát triển sự nghiệp, Dã Phân theo chồng. Ở thành phố xa lạ, Dã Phân cảm thấy khó thích nghi. Sau nhiều lần căng thẳng, tới năm 1953, hai người quyết định ly hôn sau gần 5 năm sống chung.
Người vợ thứ hai chính là Chu Mai (có nơi viết là Chu Mân) – người cùng ông đồng cam cộng khổ. Chu Mai (tên khác là Lộ Tây) sinh năm 1933 tại Hong Kong. Hai người nên duyên vợ chồng năm 1956.

Với người vợ thứ hai, Chu Mai.
Đây cũng là khoảng thời gian Kim Dung bắt đầu viết tiểu thuyết võ hiệp và sáng lập nên tờ Minh Báo, ông là tổng biên tập đầu tiên của tờ này. Cả hai có với nhau 4 người con, 2 trai và 2 gái. Nhưng không ai theo nghiệp văn chương của cha. Năm 1976, mâu thuẫn không thể hàn gắn, hai người quyết định ly hôn.

Với người vợ thứ ba, Lâm Lạc Di.
Những ngày cuối đời, Kim Dung sống cùng người vợ thứ ba là Lâm Lạc Di (A May), kém ông 29 tuổi. Bà là một nhà văn và rất hâm mộ Kim Dung. Sau nhiều lần chuyện trò, tâm sự, cả hai dần thân thiết rồi trở thành vợ chồng.
Kim Dung có 4 người con với người vợ thứ 2 Chu Mân. Tuy nhiên, theo kenh14.vn, ngã rẽ cuộc đời của 4 anh chị em lại không hề giống nhau.
Người con đầu của Kim Dung là Tra Truyền Hiệp. Anh sang Mỹ theo học đại học Columbia và là niềm hy vọng của bố mẹ bởi anh là người duy nhất đi theo con đường văn chương của bố. Tuy nhiên, bi kịch xảy đến vào tháng 10 năm 1976 khi người ta phát hiện Tra Truyền Hiệp treo cổ tự vẫn. Nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này chính là vì buồn lòng trước việc cha mẹ cãi nhau, cộng thêm với cuộc điện thoại cãi nhau nảy lửa với người bạn gái khiến cho Tra Truyền Hiệp quyên sinh tự sát.
Người con thứ 2, Tra Truyền Thích, là người giống với bố nhất với gương mặt tròn tròn, đạt được rất nhiều thành tựu trong sự nghiệp nấu ăn từ món Âu Mỹ tới các món Pháp, Ấn.
Cô con gái thứ 3 của Kim Dung tên là Tra Truyền Thi, được ông gọi bằng cái tên “Tiểu Lung Nữ” bởi cô trở nên khiếm thính sau 1 trận sốt cao bị tiêm thuốc quá liều khi mới 5 tuổi.
Từ nhỏ, Truyền Thi đã vô cùng xinh đẹp. Dù rằng bị khiếm thính nhưng Truyền Thi lại có sự nghiệp vô cùng rạng rỡ. Cô tốt nghiệp loại xuất sắc trường đại học New York, từng làm ở tập đoàn Minh Báo Hong Kong, năm 1988 kết hôn với giám đốc đài phát thanh tài chính Trung Quốc tên Triệu Quốc An.
Người con út của Kim Dung là Tra Truyền Nột, là cô con gái mà Kim Dung thương yêu nhất. Có thông tin cho rằng, Truyền Nột chính là hình mẫu lý tưởng để Kim Dung xây dựng nên hình ảnh Tiểu Long Nữ. So với anh chị em trong gia đình, cô có cuộc sống cá nhân hạnh phúc và viên mãn khi kết hôn với 1 bác sĩ và có 3 người con. Gia đình của cô ấm êm, hoà thuận và không có điều tai tiếng gì.
Cao Nguyên Lộc tổng hợp
.
.
Thảo luận
Không có bình luận