Việc đầu hàng của Trung Ðoàn 56 thuộc Sư Ðoàn 3 BB (Bộ Binh) tại Trại Carroll vào trưa ngày 2-4-1972 là một tin chấn động trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) tại thời điểm này. Bài viết này tìm hiểu nguyên nhân, diễn tiến và hậu quả của sư kiện này trong bối cảnh cuộc Tổng Tấn Công Mùa Hẻ 1972 của Cộng sản Bắc Việt tại tỉnh Quảng Trị thuộc Vùng I của VNCH.
Cuộc Tổng Tấn Công Mùa Hè 1972
Trong khoảng thời gian 1968-1972, VNCH đã trải qua một số biến cố chính trị và quân sự rất quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến Chiến Tranh Việt Nam.
Trước hết là cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân của phe Cộng sản trên khắp lãnh thổ của VNCH (tháng 2-1968). Cuộc tấn công này là một thất bại nặng nề về mặt quân sự với số thương vong rất lớn cho phía Cộng sản nhưng lại đưa đến một thắng lợi rất lớn cho phía Cộng sản vì đã buộc Hoa Kỳ phải chịu xuống thang chiến tranh, ngưng oanh tạc Bắc Việt và tiến hành Hòa đàm Paris. Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson quyết định không ra ứng cử nữa; điều này có nghĩa là chủ trương của Hoa Kỳ nhằm giúp VNCH chống lại cuộc xâm lăng của Bắc Việt bằng mọi giá đã hoàn toàn bị loại bỏ. Năm 1968 cũng là năm bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ, và vì dư luận Mỹ nói chung đã quay 180 độ, từ chổ ủng hộ sang chống đối Chiến Tranh Việt Nam, ứng cử viên của cả 2 chính đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều phải hứa hẹn chấm dứt chiến tranh bằng con đường thương thuyết để đạt đến hòa bình cho Việt Nam. Ứng cử viên của Ðảng Cộng Hòa Richard M. Nixon đã thắng trong cuộc bầu cử này và trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ. Ông cử Tiến sĩ Henry Kissinger, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của ông tiến hành mật đàm với Bắc Việt. Vấn đề hòa đàm tại Paris là một mối lo lớn cho Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu.1 Tổng Thống Nixon cũng chủ trương rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam, và ông đã thực hiện việc rút quân với một tốc độ rất nhanh. Quân số Mỹ tại VNCH từ 543.000 vào đầu năm 1969 (khi Nixon bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống) đã rút xuống còn 104.500 vào tháng 1-1972, và đến tháng 5-1972 chỉ còn lại 31.900.2 Riêng tại Vùng I, chỉ còn lại Lữ Ðoàn 196 BB Hoa Kỳ với trách nhiệm bảo vệ an ninh cho 2 phi tường Ðà Nẵng và Phú Bài, nhưng chính lữ đoàn này cũng đang giảm thiểu dần công tác và chuẩn bị rút về Mỹ. Tại phía Bắc Ðèo Hải Vân, trước kia có sự hiện diện của 80.000 quân Mỹ với các sư đoàn thiện chiến của TQLC và Kỵ Binh Không Vận nay chỉ còn lại các đơn vị của QLVNCH là Sư Ðoàn 3 BB (Quàng Tri) và Sư Ðoàn 1 BB (Thừa Thiên – Huế) với sự yểm trợ của một số đơn vị thiết giáp và pháo binh, tất cả chưa đến 25.000 quân.3 Ðổi lại việc rút quân, Nixon đưa ra chánh sách mới gọi là “Việt Nam hóa chiến tranh,” chuyển giao gánh nặng chiến đấu lại cho QLVNCH và để giúp cho VNCH có thể đảm nhận trách nhiệm mới này ông tích cực tăng cường viện trợ quân sự cho VNCH. Ðến cuối năm 1971, QLVNCH đã có một quân số trên 1 triệu quân với đầy đủ tất cả các quân binh chủng trang bị thật tối tân. Cả hai vị tổng thống Việt và Mỹ đều cần phải chứng minh là chính sách Việt Nam hóa chiến tranh là đúng và có kết quả tốt. Trong bối cảnh đó, VNCH đã tổ chức 2 cuộc hành quân lớn bên ngoài lãnh thổ của mình:
· Chiến dịch Kampuchia, từ ngày 29-4 đến ngày 22-7 năm 1970, đánh sang Kampuchia để phá vở các căn cứ hậu cần của Trung Ương Cục Miền Nam của phe Cộng sản
· Hành Quân Lam Sơn 719, từ ngày 8-2 đến ngày 24-3 năm 1971, với lực lượng chủ lực gồm toàn các đơn vị của VNCH, đánh sang Hạ Lào để phá hủy các căn cứ tiếp liiệu và hậu cần của quân Bắc Việt dọc theo Ðường Mòn Hồ Chí Minh; lực lượng Hoa Kỳ chỉ yểm trợ về không vận và hỏa lực.
Tuy không hoàn toàn thành công, hai cuộc hành quân vượt biên này đã gây nhiều khó khăn lớn cho Cộng sản Bắc Việt và, trong một chừng mực nào đó, cho thấy chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh đã có được một số thành quả, và có thể giúp cho Hoa Kỳ và VNCH đạt được thế mạnh tại Hòa Ðàm Paris. Hà Nội, dĩ nhiên, phải chứng minh điều ngược lại là chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của Hoa Kỳ và VNCH đã hoàn toàn thất bại, hòng có thể chiếm được thế thượng phong tại bàn hội nghị ở Paris. Trong bối cảnh chính trị và ngoại giao đó, Cộng sản Bắc Việt đã mở cuộc Tổng Tấn Công Mùa Hè 1972.
Mặt Trận Quảng Trị Tại Vùng I
Khác hẳn cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân đánh tràn lan khắp lãnh thổ của VNCH với phần lớn các trận đánh còn mang tính cách du kích, cuộc Tổng Tấn Công Mùa Hè 1972 không còn mang tính cách du kích nữa mà hẳn hoi là một trận địa chiến theo lối quy ước với những đại đơn vị chính quy có yểm trợ mạnh mẻ của chiến xa và đại pháo và hoàn toàn tập trung vào 3 địa điểm trọng yếu trên lãnh thổ của VNCH: Quảng Trị ở Vùng I, Kontum ở Vùng II và An Lộc ở Vùng III. Bài viết này chỉ đề cập đến mặt trận Quảng Trị mà thôi.
Ðúng 12 giờ trưa ngày 30-3-1972, trong mùa Lễ Phục Sinh, sau sự chuẩn bị của một trận pháo kích dữ dội, Cộng quân đã vượt qua Khu Phi Quân Sự (KPQS, tiếng Anh viết tắt là DMZ = DeMilitarized Zone; được ấn định bởi Hiệp Ðịnh Genève năm 1954 mà Bắc Việt đã có ký kết) và tấn công ác liệt vào các căn cứ đóng quân và các căn cứ yểm trợ hỏa lực (CCHL; tiếng Anh viết tắt là FSB = Fire Support Base) của các đơn vị QLVNCH ở phía Bắc và phía Tây của tình Quảng Trị, như trong bản đồ dưới đây:

Bản Ðồ Các Mũi Tấn Công Của Quân Bắc Việt Trong Trận Quảng Trị Vào Ðầu Tháng 4-1972 (Xuất xứ: The Easter Offensive of 1972 của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, tr.26)
Khi bắt đầu trận đánh, ngày 30-3-1972, Cộng quân đã pháo kích đồng loạt rất dữ dội vào các vị trí phòng thủ trọng điểm và các CCHL của Sư Ðoàn 3 BB và các đơn vị TQLC được tăng phái. Liền ngay sau khi cuộc pháo kích chấm dứt là các cuộc tấn công của bộ binh có chiến xa mở đường, vượt qua KPQS ở phía Bắc và xuyên ngang qua khu vực Khe Sanh ở phía Tây của tỉnh Quảng Trị. Có thể nói là các đơn vị QLVNCH hoàn toàn bị bất ngờ trước sự kiện quân Bắc Việt ngang nhiên vượt KPQS, một chuyện chưa từng xảy ra trong suốt thời gian 18 năm trước đó (1954-1972).
Các đơn vị QLVNCH chống cự mãnh liệt nhưng gặp nhiều khó khăn vì quân số địch đông gấp 3 và vì hiệu quả của đại pháo tầm xa 130 ly của địch. Tại mặt trận phía Tây, vào tối ngày hôm sau, 31-3-1972, CCHL Sarge bi tràn ngập và sáng sớm ngày 1-4-1972 đơn vị TQLC phòng thủ Căn Cứ Núi Bá Hộ được lệnh rút về Căn Cứ Mai Lộc. Các đơn vị của Trung Ðoàn 56 tại CCHL Fuller và của Trung Ðoàn 2 tại CCHL Khe Gió cũng được lệnh rút về phía Nam sông Cam Lộ. Ðến tối ngày 1-4-1972, tất cả các cứ điểm phòng thủ ở phía Bắc đều được di tản, với một vài nơi phải bỏ lại các khẩu đại bác vì thiếu phương tiện di chuyển.4 Về phía Tây, Trung Ðoàn 56 phải rút về đóng tại Trại Carroll.5
Tầm Quan Trọng Của Trại Carroll

Không Ảnh căn cứ hỏa lực Carroll Trước Năm 1968
Trước năm 1968, Trại Carroll, nằm cách thị trấn Cam Lộ 8 km về phía Tây Nam, là một trong 9 CCHL trọng yếu của Sư Ðoàn 3 TQLC Hoa Kỳ (3rd Marine Division) chịu trách nhiệm phòng thủ KPQS. Tên của trại được đặt theo tên của Ðại Úy James J. Carroll, một Ðại Ðội Trưởng của Tiểu Ðoàn 3, Trung Ðoàn 4, Sư Ðoàn 3 TQLC Hoa Kỳ, tử trận ngày 5-10-1966.

Bảng Tưởng Niệm Ðại Úy Carroll dựng trước Trại Carroll Trước Năm 1968
Với tư cách là một CCHL, Trại Carroll có một lực lượng pháo binh lên tới 80 cổ trọng pháo, trong đó có cả đại pháo 175 ly có tầm bắn trên 32 km.5 Tuy nhiên, Trại Carroll không phải chỉ thuần túy là một CCHL mà còn là một căn cứ đóng quân với đầy đủ các doanh trại và phương tiện đồn trú và phòng thủ cho nguyên cả một đơn vị cấp lữ đoàn hay trung đoàn.
Trong kế hoạch phòng thủ vùng giới tuyến của QLVNCH, ngay phía Nam KPQS, Trại Carroll được xem là một cứ điểm rất quan trọng để ngăn chận các cuộc tấn công của Cộng quân vào tỉnh Quảng Trị từ phía Tây. Trại Carroll có lợi điểm lớn là nằm trong một vùng đồi thấp ngay bên sườn phía Ðông của dãy Trường Sơn, có thể kiểm soát toàn vùng chung quanh trong vòng bán kính 15 dặm. Chung quanh trại là hàng rào phòng thủ rất vững chắc với hệ thống hầm chống pháo kích được tăng cường với gổ cứng, bao cát, hàng rào kẽm gai (reinforced bunkers). Sau khi được giao lại cho QLVNCH, Trại Carroll tuy không còn đầy đủ số trọng pháo như trước, nhưng với một pháo đội 175 ly (6 khẩu) cùng với các khẩu đội 155 ly và 105 ly, tất cả là 22 khẩu trọng pháo, không kể số trung liên và đại liên, thì hỏa lực yểm trợ và khả năng phòng thủ của trại vẫn còn rất đáng kể so với các căn cứ đóng quân khác trong vùng. Chính vì thế Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh Sư Ðoàn 3 BB, chịu trách nhiệm phòng thủ tỉnh Quảng Trị, đã có lệnh cho Trung Ðoàn 56 là phải giữ cho được Trại Carroll bằng mọi giá.
Trung Ðoàn 56 là một trung đoàn tân lập của Sư Ðoàn 3BB, chưa có nhiều kinh nghiệm chiến trận, nhưng sĩ quan Trung Ðoàn Trưởng, Trung Tá Phạm Văn Ðính, là một sĩ quan ưu tú, nhiều kinh nghiệm trận mạc, và rất nổi tiếng của QLVNCH. Ông sinh năm 1937 tại Huế, tốt nghiệp Khóa 9 (Khóa Ðoàn Kết, 1959-1960) Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức. Ông đã nổi tiếng là một sĩ quan tác chiến giỏi khi còn là Trung Úy Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội Hắc Báo của Sư Ðoàn 1 BB. Rời Ðại Ðội Hắc Báo, ông thăng cấp Ðại Úy và giữ chức Tiểu Ðoàn Trường Tiểu Ðoàn 2, Trung Ðoàn 3, Sư Ðoàn 1BB. Tháng 6-1967, ông thăng cấp lên Thiếu Tá, và được cử kiêm nhiệm chức vụ Quận Trưởng Quận Quảng Ðiền, tỉnh Thừa Thiên. Trong trận Mậu Thân (đầu năm 1968), chính tiểu đoàn của ông đã có công giải tỏa Thành Nội và dụng lại lá cờ VNCH tại kỳ đài Ðại Nội ở Huế. Tháng 1-1969, ông thăng lên cấp Trung Tá, và giữa tháng 5-1969 tiểu đoàn của ông đã tham gia trận đánh mãnh liệt tại Ðông Ấp Bia (báo chí Mỹ thường gọi là trận đánh Ðồi Thịt Băm = Hamburger Hill để ám chỉ mức độ ác liệt của trận đánh). Tháng 5-1970, ông được cử giữ chức vụ Trung Ðoàn Phó, Trung Ðoàn 54, Sư Ðoàn 1 BB. Tháng 10-1971 ông được cử giữ chức Trung Ðoàn Trưởng, Trung Ðoàn 56, Sư Ðoàn 3BB. Về phía cố vấn Mỹ, Trung Ðoàn 56 có 2 cố vấn là Trung Tá William Camper và Thiếu Tá Joseph Brown. Trung Tá Camper là 1 cố vấn có nhiều kinh nghiệm, đã từng làm cố vấn cho Trung Ðoàn 2 của Sư Ðoàn 1 BB trong thời gian 1964-1965; năm 1972 ông sang Việt Nam lần thứ hai và được cử về làm cố vấn cho Trung Ðoàn 56.
Diễn Tiến Cuộc Ðầu Hàng
Những Vấn Ðề Của Sư Ðoàn 3 BB
Như đã trình bày bên trên, do ảnh hưởng của Chương Trình Việt Nam Hóa, các đơn vị tác chiến của Hoa Kỳ chịu trách nhiệm vùng giới tuyến phía Nam KPQS rút về nước, QLVNCH đã quyết định thành lập thêm 1 sư đoàn BB cho Vùng I. Ðó là lý do ra đời của Sư Ðoàn 3 BB vào ngày 1-10-1971 dưới quyền tư lệnh của Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, một vị tướng nhiều kinh nghiệm trận mạc, nguyên Phó Tư Lệnh Sư Ðoàn I BB (1970-1971).
Sư Ðoàn 3 BB gồm có 3 trung đoàn: 2, 56 và 57, trong đó chỉ có Trung Ðoàn 2 là có kinh nghiệm chiến trường vì trước kia là 1 trung đoàn của Sư Ðoàn 1 BB là sư đoàn thiện chiến nhứt của Vùng I. Hai trung đoàn còn lại, Trung Ðoàn 56 và Trung Ðoàn 57 là 2 đơn vị mới thành lập, với binh sĩ và chiến cụ, trang thiết bị thu nhặt từ các đơn vị khác. Trung Ðoàn 2 trước kia gồm 5 tiểu đoàn nay chỉ được giữ lại 3 tiểu đoàn thôi, đó là các Tiểu Ðoàn 1, 2, và 3; Tiểu Ðoàn 4 trở thành Tiểu Ðoàn 1 của Trung Ðoàn 56; Tiểu Ðoàn 5 trở thành Tiểu Ðoàn 1 của Trung Ðoàn 57. Kế tiếp Tiểu Ðoàn 4 của Trung Ðoàn 51 thuộc Sư Ðoàn 1 BB đóng bên ngoài Ðà Nẵng được chuyển về làm Tiểu Ðoàn 2 của Trung Ðoàn 56; Tiểu Ðoàn 2 thuộc Trung Ðoàn 6 của Sư Ðoàn 2 BB được chuyển về làm Tiểu Ðoàn 2 cho Trung Ðoàn 57. Như vậy, 2 Trung Ðoàn tân lập 56 và 57 có được mổi trung đoàn 2 tiểu đoàn (tức là các Tiểu Ðoàn 1 và Tiểu Ðoàn 2) tương đối có một ít kinh nghiệm chiến trường. Các tiểu đoàn còn lại, tức là các Tiểu Ðoàn 3 của 2 Trung Ðoàn 56 và 57 thì hoàn toàn mới; binh sĩ được lấy về từ các đơn vị Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân với một số lớn là các quân nhân đang bị giảm giữ tại các quân lao vì tội đào ngũ. Tổng số binh sĩ đã phạm tội đào ngũ lấy ra từ các quân lao này lên đến 700, chia đôi ra cho hai Tiểu Ðoàn 3 nói trên, nên có thể nói là đa số binh sĩ của 2 tiểu đoàn này thuộc loại sợ tác chiến và khó có thể tin tưởng được khi lâm trận. Do đó gần như không có tướng nào muốn nắm Sư Ðoàn 3 BB này cả. Sau năm 1975, trong cuộc phỏng vấn dành cho tác giả Mỹ Andrew A. Wiest, Tướng Giai đã than thở như sau:
“After considerable wrangling, Major General Vu Van Giai agreed to become, in his words, “the unlucky commander of this newborn division, the division nobody wanted.” ” 6 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Sau nhiều tranh cải, Thiếu Tướng [đây là một lỗi của tác giả quyển sách này, Tướng Giai chỉ là một Chuẩn Tướng; lẽ ra tác giả phải gọi Tướng Giai là Brigadier General mới đúng] Vũ Văn Giai đồng ý trở thành, như lời ông nói, vị tư lệnh kém may mắn của sư đoàn mới ra đời này, sư đoàn mà không ai muốn nhận cả.”).
Chính vì thế ông cần tìm những sĩ quan ưu tú mà ông biết rõ để giao cho chỉ huy 2 Trung Ðoàn tân lập 56 và 57. Ông đã chọn Trung Tá Ðính, là người ông đã biết rõ vì đã từng là thuộc cấp của ông trong Sư Ðoàn 1 BB, làm Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 56. Tướng Giai cũng rất quan tâm đến việc huấn luyện sư đoàn của ông thành một đơn vị tác chiến có thể đương đầu với các sư đoàn rất thiện chiến của Bắc Việt có mặt tại Vùng I. Chính vì thế, trong chương trình huấn luyện các trung đoàn, Ông đã đề ra việc hoán chuyển vùng hoạt động giữa các trung đoàn để giúp cho binh sĩ đạt được 2 điều sau đây: 1) Quen thuộc với toàn bộ lãnh thổ của vùng giới tuyền là vùng trách nhiệm của toàn sư đoàn; 2) Tránh được thái độ tự mãn với tâm lý an toàn trong căn cứ của đơn vị mình. Ngày 30-3-1972 chính là ngày Trung Ðoàn 2 và Trung Ðoàn 56 phải hoán chuyển khu vực hành quân của nhau, và, thật không may, cũng chính là ngày Bắc Việt bắt đầu cuộc Tổng Tấn Công. Những cố gắng huấn luyện của Tướng Giai vẫn không giúp cho Sư Ðoàn 3 BB khá lên được và tinh thần chiến đấu của binh sĩ vẫn không được cải thiện. Binh sĩ vẫn tiếp tục đào ngũ với mức báo động, như trong lời báo cáo sau đây của toán Cố Vấn Mỹ của Sư Ðoàn 3 BB:
“The desertion rate for 3rd Division units remains unacceptable, but it appears that little can be be done at present to lower it.” 7(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Mức đào ngũ của các đơn vị của Sư Ðoàn 3 vẫn không thể chấp nhận được, nhưng hiện nay có vẻ như không có cách nào làm cho nó giảm xuống được.”).
Trung Ðoàn 56 Bị Tấn Công, Bao Vây và Bỏ Rơi
Ngay từ giờ phút đầu tiên của cuộc Tổng Tấn Công này, Trung Ðoàn 56 đã gặp nhiều khó khăn lớn. Theo chương trình do Tướng Giai đề ra, Trung Ðoàn 56 sẽ tiếp quản các vị trí đóng quân của Trung Ðoàn 2 trong đó có Trại Carroll và các CCHL Khe Gió và Fuller. Ðổi lại, Trung Ðoàn 2 sẽ di chuyển vào các căn cứ đóng quân phía Bắc Cam Lộ mà Trung Ðoàn 56 sẽ rời bỏ. Từ sáng sớm ngày Thứ Năm, 30-3-1972, Trung Ðoàn 56 thực hiện rất trật tự việc hoán chuyển khu vực hành quân với Trung Ðoàn 2. Tiểu Ðoàn 3, do Thiếu Tá Hà Thúc Mẫn làm Tiểu Ðoàn Trưởng, là đơn vị đầu tiên rời Căn Cứ C2 ờ phía Bắc sông Cam Lộ để tiến về phía Nam tiếp quản Căn Cứ Khe Gió. Tiếp theo là Tiểu Ðoàn 1, do Thiếu Tá Tôn Thất Mãn làm Tiểu Ðoàn Trưởng, có nhiệm vụ bảo vệ Quốc Lộ 9 cho các đơn vị khác của Trung Ðoàn 56 di chuyển, và sau đó sẽ tiến về phía Nam để tiếp quản CCHL Fuller. Các đơn vị của Tiểu Ðoàn 2, có sự hiện diện của Trung Tá Vĩnh Phong, Trung Ðoàn Phó Trung Ðoàn 56 cùng với Thiếu Tá Cố Vấn Brown, tiếp tục nằm tại Căn Cứ C2 để chờ bàn giao cho các đơn vị của Trung Ðoàn 2 đến tiếp quản.
Cuộc chuyển quân của Trung Ðoàn 56 vẫn chưa hoàn tất thì cuộc Tổng Tấn Công của Cộng quân xảy ra. Vào khoảng sau 11 giờ 30, Trung Tá Ðính và Trung Tá Camper cùng với đại đội chỉ huy và một đại đội bộ binh vừa vào Trại Carroll, chưa kịp tổ chức phòng thủ gì cà, thì Trại Carroll bị pháo kích dữ dội bằng trọng pháo 130 ly của Cộng quân. Trung Tá Camper kể lại như sau:
“We had no radio contact with the battalion north of the river, and my jeep was destroyed and my radios were destroyed in the first hour. The artillery knocked out the generators and the lines leading to the bunkers … It was difficult for the regiment to operate.” 8 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Chúng tôi đã không liên lạc được với tiểu đoàn còn ở phía Bắc con sông, và xe jeep của tôi đã bị phá hủy, các máy truyền tin của tôi cũng bị phá hủy trong giờ đầu tiên. Pháo binh của họ đã phá hủy các máy phát điện và các đường dây dẫn vào các hầm trú ẩn … Trung đoàn đã hoạt động rất khó khăn.”).
Việc pháo kích dữ dội này diễn ra không phải chỉ tại Trại Carroll mà là ở tất cả các căn cứ đóng quân và CCHL tại vùng giới tuyến Quảng Trị, ngay phía Nam của KPQS, thuộc trách nhiệm của Sư Ðoàn 3 BB và các đơn vị TQLC được tăng phái, cụ thể là:
· Các căn cứ A2, A4 và C1, C2 ở phía Bắc Quảng Trị
· Các CCHL Fuller, Khe Gió và Sarge, và các Trại Carroll (tức là Tân Lâm) và Mai Lộc ở phía Tây Quảng Trị
Cùng lúc với các trận pháo tập kích nầy, ở phía Bắc, 4 mũi tấn công của Sư Ðoàn 308 Bắc Việt nhắm vào các căn cứ đóng quân A1, A2, A4, và CCHL Fuller; ở phía Tây các đơn vị của Sư Ðoàn 304 và Trung Ðoàn độc lập 26 của Bắc Việt tấn công vào các đơn vị của Lữ Ðoàn 147 TQLC tại căn cứ Núi Bá Hộ, và 2 CCHL Sarge và Holcolmb. Vì thời tiết không thuận lợi, việc yểm trợ bằng không quân cho các căn cứ bị tấn công này đã được thực hiện rất là giới hạn.
Ðến đêm các cuộc pháo kích vào các đơn vị của Sư Ðoàn 3 BB và TQLC vẫn tiếp tục. Tính ra nội trong ngày 30-3-1972, Cộng quân đã bắn đi tất cả 11.000 quả đại bác vào các căn cứ của QLVNCH. Ðến giữa khuya, các cứ điểm của TQLC tại Núi Bá Hộ và Sarge có nhiệm vụ bảo vệ phía Tây Trại Carroll bị áp lực rất nặng nề. Trung Tá Ðính nhận định rõ là các đơn vị quân Bắc Việt đang xiết chặt vòng vây chung quanh Trại Carroll, nhưng ông vẫn tin là còn có thể cố thủ, chưa đến nổi tuyệt vọng.
Sáng hôm sau, 31-3-1972, tình hình vẫn nghiêm trọng như ngày hôm trước. Các căn cứ Núi Bá Hộ và Sarge vẫn tiếp tục bị pháo kích và tấn công liên tục. Cũng trong ngày này, các đơn vị của Trung Ðoàn 56 cũng bắt đầu bị các đơn vị quân Bắc Việt trực tiếp tấn công. Tại phía Bắc Quốc Lộ 9, Tiểu Ðoàn 1 chạm súng ác liệt với 1 tiểu đoàn Bắc Việt, và phát hiện 4 xe tăng của địch. Về phía Ðông, Trung Tá Ðính cho gọi Tiểu Ðoàn 2 nhanh chóng di chuyển về Trại Carroll để tăng cường việc phòng thủ Trại. Tiểu Ðoàn 2 đã không thực hiện được ngay việc di chuyển về Trại Carroll như mong muốn vì bị pháo kích liên tục. Về phía Tây Bắc, các đơn vị của Tiểu Ðoàn 3 (Trung Ðoàn 56) tại Khe Gió và của Tiểu Ðoàn 1 (Trung Ðoàn 2) tại Fuller bị tấn công dữ dội và đến trưa thì cả 2 căn cứ này đều bị địch quân tràn ngập. Vào khoảng giữa buổi chiều cùng ngày, các đơn vị TQLC tại cả 2 căn cứ Núi Bá Hộ và Sarge cũng phải rút khỏi các căn cứ này, phá vòng vây của địch và mở đường máu rút về Trại Mai Lộc. Việc tiếp tế bằng đường bộ từ Cam Lộ cũng không còn thực hiện được nữa. Trại Carroll hoàn toàn bị cô lập và bao vây tứ phía. Trước tình hình rất nguy kịch này, tinh thần binh sĩ trong Trại Carroll xuống rất thấp. Trung Tá Ðính biết rất rõ chuyện này. Ông gọi cho Tuớng Giai, báo cáo về tình hình nguy cấp của Trại Carroll và nói rõ nếu không được tiếp viện Trại Carroll sẽ không giữ được nữa trong vài ngày tới. Ông nói với Tướng Giai cả suy nghĩ của ông về tình hình tại vùng giới tuyến, ông cho rằng nếu không có viện binh, cả Sư Ðoàn 3 cũng không chắc có thể giữ nổi Quảng Trị. Tướng Giai đồng ý với nhận định này, cho biết đã có báo về Sài Gòn xin tiếp viện nhưng chưa được trả lời.9 Trung Tá Ðính rất nghi ngờ khả năng trung ương sẽ tiếp cứu vì ông nhớ lại rất rõ kinh nghiệm đau đớn của trận Hạ Lào vào năm trước (Hành Quân Lam Sơn 719, tháng 2-3 năm 1971): bị cô lập, bị bao vây, và bị bỏ rơi, và phải tự mở đường máu để rút về của Tiểu Ðoàn 2, Trung Ðoàn 2, Sư Ðoàn 1 BB; trong biến cố bi thảm đó Tiểu Ðoàn Trưởng Trung Tá Trần Ngọc Huế (ông vừa được thăng cấp lên Trung Tá tại mặt trận hơn 10 ngày trước đó) bị thương nặng và bị bắt làm tù binh vào ngày 20-3-1971.10
Sáng ngày 1-4-1972, trong khi Trại Carroll đã hoàn toàn bị cô lập và bao vây thì mặt trận phía Ðông Quảng Trị cũng bi đát không kém. Bốn cứ điểm từ A1 đến A4, do các đơn vị của Trung Ðoàn 57, Sư Ðoàn 3 BB chịu trách nhiệm, sau 2 ngày bị pháo kích liên tục, bắt đầu bị các đơn vị của Sư Ðoàn 304 Bắc Việt tấn công dữ dội. Căn Cứ A2 bị tràn ngập, trực thăng Mỹ chỉ lo cứu các Cố Vấn Mỹ và bỏ mặc binh sĩ Việt làm cho tinh thần chiến đấu của binh sĩ của Sư Ðoàn 3, mà như đã được trình bày bên trên là không cao lắm, càng sa sút nặng nề. Các căn cứ còn lại đều bị áp lực rất nặng nề. Chấp nhận ý kiến của Ðại Tá Metcalf, Cố Vấn Trưởng của Sư Ðoàn, Tướng Giai, vào lúc 6 giờ chiều, ra lệnh cho các đơn vị của 2 Trung Ðoàn 2 và 57 rút lui về phía Nam, thiết lập tuyến phòng thủ mới tại bờ Bắc sông Cửa Việt. Tối hôm đó, Tướng Giai cũng quyết định dời bộ chỉ huy của ông tứ căn cứ Ái Tử về Quảng Trị. Hai quyết định này của Tướng Giai đều rất hợp lý nhưng trong hoàn cảnh nguy ngập và xuống tinh thần trầm trọng của binh sĩ Sư Ðoàn 3 BB lúc đó, đã khiến cho cuộc triệt thoái diễn ra trong hỗn loạn.
Tình trạng gần như tan rả của Sư Ðoàn 3 ở mặt trận phía Ðông Bắc Quảng Trị như thế, đối với Trung Tá Ðính, có nghĩa là ông còn không còn có thể trông mong gì về tiếp viện từ Sư Ðoàn 3 nữa rồi. Ông cố gắng liên lạc với các tiểu đoàn cơ hữu của Trung Ðoàn 56 của ông để gom họ về phòng thủ Trại Carroll. Với những tổn thất rất nặng nề trong cuộc lui quân nhưng sau cùng các tiểu đoàn 1/56, 2/56 và 3/56 cũng đã về đến được Trại Carroll. Lương thực và đạn dược của Trại Carroll bắt đầu thiếu hụt và không có hy vọng được tiếp tế nữa. Ngay các phi vụ tải thương cũng không còn được thực hiện nữa. Binh sĩ trong trại phải đào những hố cạn để chôn các đồng đội tử trận. Giữa lúc đó, Trung Tá Ðính nhận được một cú gọi của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Ðoàn I. Tướng Lãm báo cho ông biết sẽ không có tiếp viện, nhưng không cho phép rút lui mà trái lại ra lệnh cho ông phải tử thủ. Cú điện thoại này lại làm cho ông nhớ lại tình cảnh của Trung Ðoàn 2, Sư Ðoàn I BB trong trận Hạ Lào vào tháng 3-1971. Ðêm đó, Trung Tá Ðính suy nghĩ rất nhiều, ông thấy rõ không còn hy vọng gì nữa cả, và cấp trên đã hoàn toàn bỏ rơi đơn vị của ông rồi. Ông không còn sự lựa chọn nào khác: chỉ có đầu hàng mới có thể cứu được binh sĩ dưới quyền của ông mà thôi.

Cuộc đầu hàng của Trung Ðoàn 56 thuộc Sư Ðoàn 3 BB tại Trại Carroll — Trung Tá Phạm Văn Ðính (đầu trần) bắt tay sĩ quan Bắc Việt (đội mũ vải)
Khởi Sự Như Thế Nào
Cuộc đầu hàng đã được khởi sự như thế nào, do bên nào chủ động tiến hành? Vấn đề này cho đến hiện nay vẫn chưa được biết rõ. Theo một tài liệu là một bài viết đã được đăng trên báo Quân Ðội Nhân Dân trong nước thì chính Trung Tá Ðính là người chủ động tiến hành việc xin đầu hàng như sau:
“Ngày 2-4-1972, ….Đến 13 giờ, ở đài quan sát Sao Mai, đài tiền tiêu của Trung đoàn pháo binh Bông Lau do đồng chí Trần Thông-Trung đoàn phó chỉ huy nhận được tín hiệu của lính thông tin ngụy nói chỉ huy của Trung đoàn 56 xin gặp chỉ huy cao nhất của Bông Lau. Chiến sĩ thông tin nhận được không dám báo cáo, sợ rằng mình quan hệ với địch vô nguyên tắc. Nhưng Trung đoàn 56 tiếp tục gọi nhiều lần xin gặp, đồng chí Thông điện về sở chỉ huy báo cáo Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 lúc đó là đồng chí Cao Sơn. Đồng chí Cao Sơn ngay lập tức họp hội ý, trao đổi với Chính ủy Trương Linh Huyên và sau khi báo cáo Sư trưởng 304, Đại tá Hoàng Đan, anh cầm máy nói chuyện trực tiếp với Phạm Văn Đính. Đầu dây bên kia là giọng nói Thừa Thiên của Phạm Văn Đính “Tôi, Phạm Văn Đính, Trung tá, Trung đoàn trưởng trung đoàn 56 cùng toàn thể sĩ quan thuộc bộ chỉ huy Trung đoàn đã họp tại phòng làm việc của tôi, trên dưới bàn bạc quyết định không đề kháng nữa để ra với Quân giải phóng.” Trung đoàn trưởng Pháo binh Bông Lau, Cao Sơn nói: “Hoan nghênh các anh hạ súng đầu hàng tập thể. Pháo sẽ ngừng bắn… Sẽ có người tới dẫn đường cho các anh”. 11
Trong tác phẩm Vietnam’s forgotten army: heroism and betrayal in the ARVN, tác giả Andrew A. Wiest đã ghi là chính phe Cộng sản đã tiến hành việc kêu gọi ông Ðính đầu hàng như sau:
“As the fighting raged, Dinh received a call from the NVA. The caller said that he was near and knew all about both Dinh and his men and of their danger. The caller then went on to make an offer; if Dinh surrendered, he and his men would be welcomed by the NVA. If they did not, they would die. The transmission then ended. … Dinh then received a second transmission from someone who claimed to be the commander of communist forces in the area. He repeated the earlier offer and stipulated that it was the last such offer that Dinh would receive. Dinh responded that he would need time to meet with his regimental staff and requested a ceasefire. The NVA representative complied.” 12 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Trong lúc trận đánh đang diễn ra ác liệt, Ðính nhận được một cú gọi từ Quân Ðội Bắc Việt (QÐBV). Người gọi nói rằng ông ta ở gần đó và biết hết về Ðính và binh sĩ của ông và về tình trạng hiểm nghèo của họ. Sau đó, người gọi đua ra một đề nghị; nếu Ðính đầu hàng, QÐBV sẽ hoan nginh ông và binh sĩ của ông. Nếu không đầu hàng, họ sẽ chết. Cuộc gọi chấm dứt. … Sau đó ÐÍnh nhận được một cú gọi thứ nhì từ một người tự nhận là chỉ huy của các lực lượng cộng sản trong vùng. Ông ta lập lại đề nghị đó và nhân mạnh đây là lần đề nghị cuối cùng cho Ðính. Ðính trả lời là ông cần có thời gian để họp với bộ tham mưu trung đoàn của ông và xin một cuộc ngưng bắn. Người đại diện QÐBV đồng ý.”).
Theo đánh giá của người viết bài này, tài liệu của tác giả Wiest có phần đáng tin hơn. Lý do: 1) Bài báo ở Việt Nam, đăng trên báo Quân Ðội Nhân Dân vốn là một công cụ tuyên truyền của ÐCSVN, nên mức độ khả tín rất thấp; bài báo chỉ dựa vào lời kể của một người là Ðại Tá Nguyễn Quý Hải, tại thời điểm của cuộc đầu hàng, là Tiểu Ðoàn Trưởng, Tiểu Ðoàn 2, Trung Ðoàn 38 Pháo Binh (tức Trung Ðoàn Pháo Binh Bông Lau); ông Hải không phải là người trực tiếp điện đàm với Trung Tá Ðính, ông chỉ là “một người nghe kể lại” ; vì vậy nội dung của bài báo chỉ là “dựa vào lời kể lại của một người nghe kể lại.” 2) Ðoạn văn nói trên của tác giả Wiest cũng dựa vào lời kể lại của người trong cuộc, nhưng nó có khác biệt rất lớn với bài báo tại Việt Nam ở 2 điểm sau đây: a) người kể lại không phải là “người nghe kể lại” mà chính là người trong cuộc, Trung Tá Ðính, trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp thực hiện bởi chính tác giả; b) đoạn văn nói trên được viết ra sau khi tác giả đã phỏng vấn không những Trung Tá Ðính mà còn dựa trên phỏng vấn một số người trong cuộc khác nữa, thí dụ: Trung Tá Vĩnh Phong, Trung Ðoàn Phó, Trung Ðoàn 56; Thiếu Tá Tôn Thất Mãn, Tiểu Ðoàn Trưởng, Tiểu Ðoàn 1, Trung Ðoàn 56; Ðại Úy Nguyễn Ðình Nhơn (mà tác giả Wiest ghi sai là Nguyen Dinh Nhu), Trưởng Ban 2 (Tình báo), Trung Ðoàn 56; và cả Trung Tá Wiiliam Camper, Cố Vấn của Trung Ðoàn 56. Tác giả Wiest đã có so sánh và đánh giá các câu trả lời của các đương sự trong các cuộc phỏng vấn đó, như ông đã ghi rõ như sau trong Ghi chú số 63 của Chương 9, ở trang 326:
“Dinh’s account of the secretive meeting was substantiated by interview information from Lt. Col. Vinh Phong, Maj. Ton That Man, and Capt. Nguyen Dinh Nhu. All were at the meeting and agrre that the main point of the meeting was saving the lives of the men and that the agreement of the surrender was unanimous, with Major Man abstaining.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Lời tường thuật của Ðính về cuộc họp bí mật được chứng minh bởi các thông tin từ các cuộc phỏng vấn Trung Tá VĨnh Phong, Thiếu Tá Tôn Thất Mãn, và Ðại Úy Nguyện Ðình Nhu [đúng ra là Nhơn]. Tất cả đều có mặt tại buổi họp và đều đồng ý là điễm chính của buổi họp là để cứu sinh mạng của binh sĩ và có được sự đồng ý của tất cả mọi người, với Thiếu Tá Mãn không bỏ phiếu.”
Cuộc Họp Tại Trại Carroll
Tuy nhiên cả 2 tài liệu đều cùng có nhắc đến một chuyện đúng và có thật: đó là cuộc họp của Trung Tá Ðính với các sĩ quan của Trung Ðoàn 56 trước khi ra hàng địch. Về thời điểm bắt đầu cuộc họp, các tài liệu hiện có cũng ghi không giống nhau, có tài liệu ghi là buổi sáng, có tài liệu ghi là buổi trưa. Bài viết này, dựa trên thông tin nghiêm túc của tác giả Wiest (như đã dẫn chứng bên trên), tin rằng cuộc họp đã diễn ra vào buổi trưa, trong thời gian cuộc ngưng pháo kích mà quân Bắc Việt đã đồng thuận.
Hiện diện tại cuộc họp là các sĩ quan tiểu đoàn trưởng và các sĩ quan tham mưu của trung đoàn có mặt lúc đó trong Trại Carroll. Tác giả Wiest chỉ ghi vắn tắt là độ 13 người (nguyên văn: ‘some thirteen men,” ở trang 259). Trong một bài viết về Thiếu Tá Tôn Thất Mãn, tác giả, rất có thể đã dựa vào lời kể lại của chính Thiếu Tá Mãn, đã ghi chi tiết về những người có mặt tại cuộc họp như sau: 13
· Trung tá Phạm văn Đính – Trung đoàn trưởng
· Trung tá Vĩnh Phong – Trung đoàn phó
· Thiếu tá Thuế – Pháo Binh, phụ tá hỏa lực
· Thiếu tá Tôn Thất Mãn – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/56
· Đại úy Hoàng Quốc Thoại – Trưởng ban 3
· Đại úy Nhơn – Trưởng ban 2
· Đại úy Hoàng Trọng Bôi – Pháo đội trưởng 175
· Đại úy Nguyễn văn Tâm – Pháo đội trưởng TĐ1/PB/TQLC.
· Trung úy Lê Văn Kiểu – Pháo đội 105
· Thiếu úy Thái Thanh Bình – Chi đội trưởng Thiết Giáp
Tại cuộc họp, Trung Tá Ðính trình bày tình thế tuyệt vọng của Trại Carroll (lương thực và đạn dược thiếu thốn, sẽ không có tiếp tế, và không có viện binh, đơn vị đã hoàn toàn bị bỏ rơi, trong khi áp lực của địch quá nặng) và đề nghị mọi người thảo luận về 3 giải pháp:
· Tử thủ, chiến đấu đến giây phút cuối cùng
· Mở đường máu để rời khỏi căn cứ
· Đầu hàng
Mọi người đều im lặng, chỉ có Thiếu Tá Mãn lên tiếng không chịu đầu hàng. Khi bỏ phiếu, mọi người đều bỏ phiếu chịu đầu hàng, chỉ có Thiếu Tá Mãn không bỏ phiếu. Trung Tá Ðính thông báo cho địch quân quyết định đầu hàng của Trung Ðoàn 56. Sau đó mọi việc đã diễn ra theo sự sắp xếp của địch quân. Cả 2 vị tướng Việt Nam, Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư Lệnh Quân Ðoàn I và Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh Sư Ðoàn 3 BB, hoàn toàn không biết gì hết về cuộc đầu hàng lịch sử này cho đến khi được các cố vấn Mỹ báo tin, mà ngay lúc được thông báo hai ông cũng không tin.
Hậu Quả Của Cuộc Ðầu Hàng
Sau khi được Trung Tá Ðính thông báo quyết định đầu hàng, 2 cố vấn Mỹ của Trung Ðoàn 56, Trung Tá Camper và Thiếu Tá Brown, từ chối không tham gia vào cuộc đầu hàng và tìm cách thoát ra khỏi Trại Carroll. Hai ông, cùng một số quân nhân Việt Nam không chịu đầu hàng, được một trực thăng Chinook cứu thoát khỏi kịp thời trước khi Trại Carroll bị quân Bắc Việt tiếp thu.
Tất cả các sĩ quan của Trung Ðoàn 56 đều bị giải ra Bắc. Trước khi bị giải ra Bắc, Trung Tá Ðính đã lên tiếng trên đài phát thanh của quân đội Bắc Việt kêu gọi sĩ quan và binh sĩ QLVNCH buông súng theo phe Cộng sản. Sau một thời gian bị cải tạo ở Miền Bắc, Trung Tá Ðính đã phản lại QLVNCH và theo hẳn phe Cộng sản. Ông được thăng cấp, mang quân hàm Thượng Tá của quân đội Bắc Việt, và trước khi nghĩ hưu, ông được thăng lên cấp Ðại Tá.
Sau khi Trại Carroll lọt vào tay địch quân, Trại Mai Lộc ở phía Nam, do Lữ Ðoàn 147 TQLC phụ trách chống giữ, phải triệt thoái như lời kể sau đây của Trung Tá Lữ Ðoàn Trưởng Nguyễn Năng Bảo:
“ … Tôi đã xin quyết định của tướng Giai và ông ấy đã trả lời- “nếu giữ được thì cố gắng, còn không thì rút.” Như thế thì đã rõ ràng rồi. Tôi và Thiếu tá Jim Joy, cố vấn trưởng của Lữ đoàn đã chuẩn bị một kế hoạch rút quân và lộ trình di chuyển. Khi những thành phần còn lại của TĐ4 và TĐ8 đã về đến Mai lộc và bố trí tại một ngôi làng ngoài căn cứ. Khi TĐ7 từ Đà nẳng đã hiện diện tại đây. TĐ2/PB sau khi đã bắn đi hết đạn và đã cho những quả lựu đạn lửa vào nòng pháo, những cố vấn Mỹ đốt những tài liệu và phá hủy máy móc quan trọng, tôi ra lịnh rút quân. Lúc đó là 1815G ngày 3/4/1972, các đơn vị lần lượt rút ra khỏi căn cứ dưới cơn mưa pháo của địch và cơn mưa bão trút xuống từ trời cao. Con đường bộ dài 20 cây số đầy những gian nan, nguy hiểm nhưng là con đường an toàn nhất. LĐ147 đã về đến Quốc lộ I tại một địa điểm giữa căn cứ Ái Tử và căn cứ Đông Hà. Sau một đêm đóng quân ở đây, LĐ147 được đưa về Huế để tái trang bị và bổ sung. TĐ7 là đơn vị đoạn hậu, hai ngày sau cũng đã về Đông hà và được tăng cường cho LĐ258 vì quân số còn đầy đủ.” 14
Với việc rút khỏi Trại Mai Lộc của Lữ Ðoàn 147 TQLC, phòng tuyến phía Tây Quảng Trị của Sư Ðoàn 3 BB hoàn toàn sụp đổ. Các đơn vị của Sư Ðoàn 304 Bắc Việt tiến về phía Ðông một cách đễ dàng để phối hợp với các đơn vị của Sư Ðoàn 308 Bắc Việt ở mặt trận phía Bắc Quảng Trị cùng tấn công uy hiếp căn cứ Ái Tử và Cổ Thành Quảng Trị. Ngày 1-5-1972, Quảng Trị thất thủ, Sư Ðoàn 3 BB tan rả, rút lui trong hỗn loạn và bị địch quân truy kích tàn bạo, tạo ra “Ðại Lộ Kinh Hoàng” cho dân chúng trên đoạn Quốc Lộ 1 giữa Quảng Trị và Thừa Thiên.
Thay Lời Kết
Cuộc đầu hàng địch của Trung Ðoàn 56, Sư Ðoàn 3 BB tại Trại Carroll, Quảng Trị, vào ngày 2-4-1972, là một vết nhơ không bôi xóa được trong lịch sử tuy ngắn ngủi nhưng rất kiêu hùng của QLVNCH. Sự phản bội của Trung Tá Phạm Văn Ðính, xoay 180 độ, cam tâm phục vụ cho Quân đội Miền Bắc, cũng là một chuyện ngoài sức tưởng tượng của người dân Miền Nam vì ông đã từng là một sĩ quan ưu tú của QLVNCH, một anh hùng với bao nhiêu chiến công hiển hách, mà địch quân đã từng biết tiếng và nể sợ. LỊch sử luôn luôn dành cho chúng ta những điều bất ngờ, có thể là thú vị mà cũng có thể là rất chua xót.
Ghi Chú:
1. Lâm Vĩnh Thế, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Hòa Ðàm Paris, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/i-j-k-l-m/lam-vinh-the/tong-thong-nguyen-van-thieu-va-hoa-dham-paris
2. Lomperis, Timothy J., The Vietnam War from the rear echelon: an intelligence officer’s memoir, 1972-1973. Lawrence, Kansas: University Press of Kansas, 2011. Tr. 64.
3. Wiest, Andrew A., Vietnam’s forgotten army: heroism and betrayal in the ARVN. New York: New York University Press, 2008. Tr. 230.
4. Ngô Quang Trưởng, The Easter Offensive of 1972. Washington, D.C.: U.S. Army Center of Military History, 1980. Tr. 25-27.
5. Camp Carroll, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Camp_Carroll
6. Wiest, sđd, tr. 237.
7. Wiest, sđd, tr. 238.
8. Wiest, sđd, tr. 246
9. Wiest, sđd, tr. 250.
10. Wiest, sđd, tr. 221.
11. Về một sỹ quan QL VNCH phản chiến tháng 4 năm 1972, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://fddinh.blogspot.ca/2012/04/ve-mot-sy-quan-ql-vnch-phan-chien-thang.html
12. Wiest, sđd, tr. 259.
13. Phút cuối Tân Lâm, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://trachcamlo.blogspot.ca/2011/08/phut-cuoi-tan-lam.htmlTân Lâm là tên Việt Nam của Trại Carroll.
14. Kiều Công Cự. Ðến thăm Ðại Tá Nguyễn Năng Bảo, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.tqlcvn.org/linh_tinh/dentham_bacninh-kcc.htm
LÂM VĨNH THẾ
7 Tháng 2, 2017
.
(Nguồn: namkyluctinh.org)
.
.
Theo bài viết của W.R. Baker thì Trung Đoàn 56 sau khi đầu hàng đã bị thảm sát ở gần Rockpile (xem bài viết https://smallwarsjournal.com/jrnl/art/north-vietnamese-army-easter-offensive-1972-massacre-near-rockpile). Tại sao cả 2 bên thân VNCH và VN hiện nay đều không có đăng tin này. Có ai biết thêm về chi tiết này không? Số phận gì đã dành cho quân nhân TD56?
ThíchThích