//
you're reading...
Chuyện Xưa Tích Cũ, góp nhặt cát đá, Nhân vật, Phụ nữ, thời đã qua

Martine Bokassa – công chúa ‘thật’, công chúa ‘giả’ * Từ Kế Tường

Sự thật chuyện trao nhầm công chúa cho tổng thống “vương quốc kim cương”

GiadinhNet – Sài Gòn vào cuối năm 1969, đầu năm 1970, đã xảy ra một sự kiện chấn động dư luận khi Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Jean Bedel Bokassa (lên nắm quyền từ cuộc đảo chánh năm 1966) đã thông qua Tòa đại sứ Pháp nhờ chính quyền Sài Gòn cũ tìm đứa con rơi trong thời gian ông ta đi lính Pháp sang Việt Nam.

Chính quyền Sài Gòn cũ đã tích cực tìm kiếm và “phát hiện” ra đứa con rơi của Tổng thống Bokassa ở Xóm Gà (Gò Vấp) là một cô gái và đưa sang Trung Phi.
 
Câu chuyện được báo chí Sài Gòn cũng như nước ngoài khi đó đã ca ngợi như một câu chuyện cổ tích về tình cảm giác gia đình. Nhưng ngay sau có một người khác đã đã xuất hiện và nhờ công luận đánh tiếng “trả danh phận công chúa” về cho mình. Câu chuyện “công chúa thật, công chúa giả” theo đó cũng trở thành một sự kiện sôi động khắp Sài Gòn thời bấy giờ nhưng sau đó bị chính quyền Sài Gòn cũ bưng bít nên nó được truyền tai nhau như giai thoại.
Để có một góc nhìn rõ ràng hơn về câu chuyện “công chúa thật, công chúa giả”, phóng viên đã tìm gặp lại những “nhân chứng sống”, những nhà báo đã từng trực tiếp tham gia vào sự kiện tìm con rơi cho tổng thống Bokassa, những người họ hàng của cô “công chúa lọ lem” hiện đang còn sinh sống ở Việt Nam hiện nay, hay những thông tin chưa từng công bố về người làm chủ hôn cho tống thống Bokassa và “bà phu nhân chân đất” người Việt.
.
Người đàn ông với tập hồ sơ “nguy hiểm”

Theo đó, câu chuyện bắt đầu vào một buổi trưa cuối năm 1969, nhà báo Nguyễn Việt trong Ban Thư ký tòa soạn của nhật báo Trắng Đen- một tờ báo có số lượng phát hành khá lớn của Sài Gòn lúc bấy giờ đang ngồi trực tòa soạn để chờ xử lý tin giờ chót trước khi quyết định cho báo lên máy để in. Bất ngờ, lúc ấy có một người đàn ông khoảng trên 50 tuổi, vẻ như công chức bước vào tòa soạn gặp nhà báo Nguyễn Việt, nôn nóng lên tiếng đòi gặp ông chủ bút của báo.
Người đàn ông nhìn Nguyễn Việt như để dò xét, khi có vẻ tìm được sự tin cậy ở nhà báo này nên ngồi xuống ghế đối diện, lên tiếng hỏi: “Chú là nhà báo, chắc nắm rõ vụ cô gái lai da đen tên Baxi ở xóm Gà được cho là “công chúa” lạc ở Việt Nam do chính quyền tìm được và đã gửi qua Cộng Hòa Trung Phi cho tổng thống Bokassa nhận làm con chứ?… Cái cô Baxí- Ba tú gì đó không phải là con gái của ông Bokassa đâu chú ơi, họ đưa…đồ giả cho ông tổng thống ấy rồi!”.
Nhà báo Nguyễn Việt ngỡ ngàng nhìn người đàn ông ngồi trước mặt mình để đoán thầm xem ông ta nói đùa hay nói thật, bởi đây là một sự kiện vô cùng hệ trọng. Đang khi còn nghi ngờ thì người đàn ông bất ngờ tẩn mẩn mở một cái túi nylon, bên trong đựng một gói gồm một số giấy tờ và hình ảnh đưa cho nhà báo Nguyễn Việt rồi chậm rãi nói rõ ràng từng chữ: “Đây là giấy tờ và hình ảnh chứng minh mối quan hệ giữa chị tôi là bà Nguyễn Thị Huệ và ông Bokassa khi ông ấy đi lính tại Sài Gòn. Hai người sống với nhau như vợ chồng bên Tân Thuận Đông, Nhà Bè (Quận 7 bây giờ). Còn hình ảnh kia là của cháu gái tôi tên Martine, con gái của chị Huệ và ông Bokassa”.
Trước những thứ giấy tờ đã úa vàng và mấy tấm hình cũ của người đàn ông, Nguyễn Việt đã hình dung được câu chuyện sẽ rối rắm như thế nào nếu uẩn khúc này được bung ra. Vấn đề mà nhà báo Nguyễn Việt đắn đo ở chỗ, không phải là tìm ra sự thật, chứng minh giữa hai cô Baxi và Martine, cô nào là công chúa thật mà đây còn liên quan tới “thể diện quốc gia”, một vấn đề mang tính ngoại giao và biết đâu lại có ý nghĩ chính trị đằng sau thì hậu quả thật khó lường. Và khi đó thì không chỉ một nhà báo như ông mà cả toà soạn này sẽ “có chuyện với Phủ tổng thống”. Bởi lẽ, Bộ Ngoại Giao chính quyền Sài Gòn khi đó vừa công bố đã tìm ra “công chúa” Baxi, con của bà Thân ờ Xóm Gà (Gò Vấp) và đã gửi công hàm qua đường ngoại giao đến nước Cộng hòa Trung Phi báo tin cho Tổng thống Bokassa. Không lẽ Bộ Ngoại Giao chính quyền Sài Gòn lại làm một việc thiếu thận trọng nhự vậy?
.
Sự kiện chấn động dư luận 
 .
Mọi việc càng nghiêm trọng hơn ở chỗ các báo ở Sài Gòn đã đưa tin rầm rộ sự kiện này, có báo đã chạy tít 5 cột, 8 cột và đăng cả hình ảnh “công chúa Baxi và mẹ là bà Thân”. Sau khi nghe nhà báo Nguyễn Việt báo cáo lại sự việc, ông Việt Định Phương là chủ nhiệm tờ Trắng Đen lúc bấy giờ lập tức lái xe tới tòa soạn, bỏ buổi ngủ trưa. Sau khi tiếp xúc với người đàn ông tên Sáu và xem qua giấy tờ, hình ảnh chứng minh, ông Việt Định Phương quyết định báo Trắng Đen sẽ vào cuộc đi tìm ra chân tướng sự việc. Ông Phương đich thân lái xe đưa người đàn ông tên Sáu về nhà cho biết mặt bà Huệ rồi cùng đưa cô Martine tới một nơi bí mật.
 
Bởi thế, ngay đầu buổi họp tại tòa sọan báo Trắng Đen vấn đề nêu lên cũng đã hết sức căng thẳng. Nó chưa gây ra cơn sốt trong dư luận thì đã gây ra cơn sốt ngay trong tòa soạn. Những người dự họp đều chuyền tay nhau hồ sơ, hình ảnh về cô Martine và tất cả đều nhìn nhận “án tại hồ sơ”, nghĩa là có thể tin đến 50%  còn 50% là nhân chứng sống và những gì sẽ được chứng minh bằng cơ sở điều tra, truy tìm căn nguyên. Có ý kiến cho rằng nhìn ở góc độ xã hội, việc Tổng thống Bokassa của nước Trung Phi vừa được Pháp trao trả độc lập đã bằng con đường ngoại giao nhờ tìm đứa con lạc loài đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, một người đàn ông có đạo đức, khiến cho mọi người xúc động, cảm kích. Đồng thời việc chính quyền Sài Gòn khi đó nhanh chóng tìm được cô Baxi ở xóm Gà, được cho là con gái ruột của Tổng thống Bokassa rồi gửi qua Trung Phi cho cha con đoàn tụ cũng là một việc đáng ngợi khen. Nhưng nếu cô Martine, con bà Huệ ở Tân Thuận Đông được chứng minh là “công chúa” thật thì có nghĩa chính quyền Sài Gòn đã sai. Cái sai ở đây lại là “thể diện của quốc gia”, báo Trắng Đen có dám khui chuyện này ra hay không?
Cuối cùng ông Việt Định Phương chủ nhiệm, và ông Vị Thủy, Tổng thư ký tòa soạn báo Trắng Đen đã quyết định phải tìm ra sự thật vì đây là trách nhiệm của người làm báo. Vấn đề là phải điều tra kỹ, có đủ tài liệu chứng minh và khai thác loạt bài điều tra phải hết sức khéo léo, nên có bài thăm dò trước và không nên đánh thẳng vào vấn đề cô Baxi, cứ đặt nghi vấn về cô Martine, khi chứng cứ nắm chắc trong tay thì “phát pháo”.
Sau buổi họp, từng nhóm phóng viên giỏi được tòa soạn phân công phụ trách một mũi điều tra, khai thác tư liệu, lập tức tỏa đi các hướng. Đặc biệt mũi phóng viên đi Rừng Sác lục tìm cho được hồ sơ hộ tịch xác thực nhất của mẹ con bà Huệ, đây là cơ sở để khẳng định cô Baxi hay cô Martine là con ruột của Tổng thống Bokassa. Công việc điều tra của các nhóm phóng viên tiến hành khẩn trương, sôi nổi nhưng hoàn toàn bí mật. Nhất là không ai được tiết lộ chỗ ở bí mất của cô Martine, điều này không chỉ đối phó với tin tức rò rỉ ra bên ngoài, các báo khác sẽ xúm vào khai thác làm cho báo Trắng Đen mất lợi thế độc quyền mà còn đề phòng mật vụ của chính quyền Sài Gòn lần ra chỗ ở của Martine thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Ngay ngày hôm sau, báo Trắng Đen tung ra loạt bài đầu tiên, gọi là “thăm dò” phản ứng của chính quyền Sài Gòn, báo chạy tít 8 cột “hoành tráng”: “Ba xi không phải là con gái tổng thống Bokassa-Một bà mẹ chứng minh con gái mình mới là con ruột của tổng thống Bokassa, nước Cộng hoà Trung Phi”. Bài báo này như một quả bom dư luận, Phủ Đầu rồng của Chình quyền Sài Gòn khi đó như bị điện giật…
 .
 
————-
 .
 

Số phận kỳ lạ của cô công nhân bốc vác thành… công chúa Trung Phi

GiadinhNet – Ngay sau khi báo Trắng Đen đưa ra thông tin về việc xuất hiện một công chúa Bokassa thứ 2 đã gây thành một cơn địa chấn không chỉ tại Sài Gòn mà sức rung chuyển của nó còn lan nhanh trên thế giới.

Khi độc giả khắp hang cùng ngõ hẻm đều đón chờ báo Trắng Đen để đọc loạt bài về công chúa của Tổng thống Bokassa và bàn tán sôi nổi thì cánh nhà báo cũng sốt đùng đùng. Tất cả các báo đều đua nhau tung phóng viên đi khai thác đề tài nóng bỏng này. Tuy nhiên mọi tin tức đều bị chính quyền Sài Gòn khi đó bịt kín.

Truy tìm sự thật giữa hai “làn đạn”

Trong bối cảnh đó, báo Trắng Đen huy động toàn bộ tòa soạn tìm tài liệu để chứng minh câu chuyện đưa ra là có thật. Phóng viên được chia thành hai hướng, một nhóm phóng viên âm thầm nhanh chóng tìm được các hồ sơ gốc của cô gái tên Martine, càng nhiều chứng cứ càng tốt. Nhóm còn lại phải chuẩn bị đối phó với chính quyền Sài Gòn, phản ứng của bộ Ngoại Giao, phản ứng của Pháp, của Trung Phi và chính bản thân Tổng thống Bokassa. Cũng vào thời điểm đó, phóng viên tờ Time nổi tiếng của Mỹ đã tới toàn soạn báo Trắng Đen thương lượng mua lại bản quyền tài liệu và hình ảnh của cô Martine để khai thác. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc báo chí quốc tế đã vào cuộc khiến vấn đề càng trở nên hệ trọng.

Dù như ngồi trên chảo lửa là thế nhưng tin vui từ nhóm phóng viên điều tra “vụ án” công chúa Bokassa cũng liên tục được gửi về. Theo đó họ đã thu được thêm rất nhiều hồ sơ để chứng minh thân thế công chúa thật. Công lớn trong việc điều tra vụ án hy hữu này phải kể đến trước tiên là nữ phóng viên của nhật báo Trắng Đen có tên Lam Hồng Cúc. Nhà báo nữ kỳ cựu này đã cải trang thành một cô gái nông dân, mặc bộ đồ bà ba đen, đội nón lá, chân đi guốc, tay xách giỏ đệm lặn lội từ Sài Gòn xuống Rừng Sác (nay là Cần Giờ), đến tận một xã vùng sâu nơi bà Nguyễn Thị Huệ từng sinh sống và sinh cô Martine ngay tại địa phương này để tìm tài liệu.

Và chính nhà báo này đã tìm được tờ giấy chứng minh bà Nguyễn Thị Huệ sinh cô con gái tên Nguyễn Thị Martine với tên cha là J.B.Bokassa. Còn tờ giấy khai sinh do ông Sáu cung cấp chỉ là tờ “thế vì khai sinh” do bà Huệ làm sau này không ghi tên cha vì trước đó bà Huệ đã làm mất tờ giấy chứng sinh của bệnh viện. Điều đặc biệt là ngoài giấy chứng sinh của bệnh viện, Lam Hồng Cúc còn lấy được cả khai sinh gốc của cô Martine dán trong sổ hộ tịch. Thủ được 2 tờ giấy này, coi như báo Trắng Đen đã có trong tay “bửu bối” để giành lại thế “thượng phong” với các thứ áp lực chực chờ đổ ập xuống tờ báo.

Để chuẩn bị cho kỳ kế tiếp, tòa soạn báo Trắng Đen cho chụp lại nhiều bản sao giấy chứng sinh và khai sinh của cô Martine rồi lên phương án tung tài liệu này ra bằng hai con đường: một là công khai trên mặt báo để khẳng định loạt bài đã đăng là chính xác, hai là gửi theo đường ngoại giao qua Tòa đại sứ Pháp để nhờ chuyển đến Trung Phi. Nhận định “cái gật đầu của Tổng thống Bokassa là mấu chốt của vấn đề” nên tòa soạn báo Trắng Đen đồng thời chuyển một bộ hồ sơ qua đường hàng không đến phóng viên thường trú của báo tại Pháp và phóng viên này mang tận tay tới Bộ ngoại giao Pháp đề nghị chuyển cho Tổng thống Bokassa bằng hình thức khẩn cấp. Bộ hồ sơ này gồm giấy chứng sinh, khai sinh và hình của cô Martine, bà Nguyễn Thị Huệ và ông Bokassa chụp chung lúc còn là trung sĩ khi tham gia đội quân viễn chinh của Pháp xâm lược Việt Nam.

Giữa lúc mọi cái đầu đang căng thẳng, tòa soạn như ngồi trên “chảo lửa” nóng ran thì phóng viên thường trú của báo Trắng Đen ở Pháp gọi về cho biết hồ sơ về cô Martine đã tới tay Tổng thống Bokassa và Cộng hòa Trung Phi đã có công hàm gửi qua Sài Gòn. Và không lâu sau đó, trong một buổi trưa trực tại tòa soạn như thường lệ, nhà báo Nguyên Việt đã nhận được bức điện tín gửi tới bằng đường bưu điện, bức điện tín nội dung hoàn toàn bằng tiếng Pháp, ghi nơi gửi là Bangui (Thủ đô của nước cộng hòa Trung Phi). Bức điện tín ngay lập tức được dịch ra với nội dung: Tổng thống Bokassa xác nhận bà Nguyễn Thị Huệ là vợ của ông ở Sài Gòn trước đây hơn 15 năm và người đàn ông da đen chụp chung trong ảnh với bà Huệ chính là ông Bokassa.

Số phận kỳ lạ của cô công chúa làm nghề… bốc vác

Ít hôm sau toà soạn báo Trắng Đen nhận được văn bản của bộ Ngoại giao chính thức thông báo nội dung: “Tổng thống Bokasa hoàn toàn nhìn nhận bà Nguyễn Thị Huệ chính là người vợ của ông khi còn là Trung sĩ trong quân đội lê dương tại Nam Việt Nam. Tổng thống  Bokassa cũng nhìn nhận cô Martine là con gái ruột của ông. Đồng thời Tổng thống Bokassa cũng rất mong được gặp vợ và con gái tại Bangui trong một ngày gần nhất. Rất mong báo Trắng Đen cử người đưa vợ con ông đến thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi”. Ngoài văn bản mang tính chất thông báo đó ra, bộ Ngoại giao không hề xin lỗi về việc nhầm lẫn đã đưa cô gái tên Baxi sang Trung Phi cho Tổng thống Bokassa nhận làm con, và cũng không nhắc gì tới sự đe dọa trừng phạt báo Trắng Đen, xem như… phớt lờ mọi chuyện. Nhưng đối với báo Trắng Đen như vậy đã là quá đủ.
 

Quay sang câu chuyện về thân thế của Tổng thống Bokassa thì được biết, nước Công hòa Trung Phi của vị tổng thống này được Pháp trao trả độc lập vào ngày 13/8/1960. Đây là một nước nghèo, đất rộng người thưa, tài nguyên thiên nhiên chủ yếu là các mỏ, quặng kim cương, coban, sắt… với diện tích khoảng 662.984 km2. Từ khi được Pháp trao trả độc lập, Cộng hòa Trung Phi do Tổng thống D.Đacô lãnh đạo. Năm 1966, trung tá Jean Beldel Bokassa đứng đầu một binh đoàn, dẫn quân về lật đổ Tổng thống D. Đacô để nắm quyền lãnh đạo Cộng hòa Trung Phi, tự phong đại tá rồi vọt lên… đại tướng chỉ trong vòng có mấy ngày và lên cầm quyền. Trước khi làm Tổng thống, rồi Hoàng đế nước Trung Phi, Jean Beldel Bokassa đi lính cho Pháp. Trong chiến tranh Thế giới lần thứ II, Bokassa theo đội quân lê dương đi đánh thuê nhiều nước như Ma rốc, Algierie và vào năm 1953 có mặt ở miền Nam Việt Nam. Lúc bấy giờ Bokassa mang cấp bậc trung sĩ nhất, đóng quân tại Chánh Hưng, Sài Gòn.

Hồi tưởng lại những ký ức về vụ “công chúa giả công chúa thật”, ông Dương Đức Dũng, nguyên là phóng viên của báo Trắng Đen cho biết: Người chú mang tập hồ sơ đến báo Trắng Đen để đòi lại thân thế cho cháu mình cũng chính là chủ hôn của đám cưới giữa Tổng thống Bokassa và bà Nguyễn Thị Huệ. Người chủ hôn thứ hai là ông Linh Quang Viên, một trung tướng của của Chính quyền Sài Gòn cũ. Ngày đó, việc cưới được một người lính lê dương làm chồng đã giúp bà Huệ có một cuộc sống khá thoải mái. Tuy nhiên, khi Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ, phải ký hiệp định đình chiến ngày 20/7/1954, rồi rút quân đội về nước thì Bokassa lúc này cũng phải theo đoàn quân thua trận của Pháp lên tàu về nước, để lại cái thai trong bụng bà Huệ, không biết là gái hay trai.

Sau khi chồng về nước, bà Huệ phải một thân một mình tự bươn chải, sống một cuộc sống nghèo khổ. Martine lớn lên cũng chỉ biết mặt bố mình qua một số bức ảnh kỷ niệm mà bà Huệ còn giữ lại. Vào thời điểm ngay trước khi có thông tin Tổng thống Bokassa đi tìm người con rơi ở Sài Gòn thì Martine đang làm… bốc vác cho nhà máy xi măng Hà Tiên, gần Thủ Đức. Những lúc rảnh thì lại đi làm… phu thợ hồ để kiếm thêm thu nhập. Sau khi việc công chúa thật công chúa giả được phân định trắng đen, Tổng thống Bokassa đã mời chủ bút báo Trắng Đen là ông Việt Định Phương cùng vợ là bà Phúc Hà và hai phóng viên nữa qua Trung Phi. Tổng thống Bokassa đã tiếp đãi đoàn nhà báo Trắng Đen như thượng khách, ông rất hoan hỉ đón nhận cô Martine. Riêng công chúa giả Baxi đã được Bokassa cho ở lại Trung Phi và nhận làm con nuôi, một cách cư xử rất khôn khéo, có hậu. Còn bà Huệ về sau mỗi tháng đều được Tổng thống Bokassa trợ cấp một khoản tiền gửi qua ngân hàng.

Xung quanh chuyến đi này có nhiều tin đồn cho rằng ông Việt Định Phương đã được tặng hàng ký lô kim cương cùng vàng bạc châu báu. Tuy nhiên theo ông Dương Đức Dũng khẳng định thì không hề có hàng bao tải châu báu như mọi người đồn đoán. Thực ra Tổng thống Bokassa cũng cảm tạ ông Việt Định Phương khá hậu hĩnh. Ngoài một số dây chuyền và vòng trang sức tặng riêng cho vợ ông Phương thì Tổng thống Bokassa còn thưởng riêng cho ông Phương một chiếc ô tô khá sang trọng vào thời điểm đó, cũng như tài trợ toàn bộ cho ông Phương xây dựng một nhà máy in ở bến Chương Dương. Với tất cả anh em trong tòa soạn, mỗi người đều được thưởng một bộ vest.
 .
Câu chuyện cổ tích không có hậu
 .
Theo một số tài liệu mà chúng tôi thu thập được nhưng chưa có điều kiện kiểm chứng thì câu chuyện của Tổng thống Bokassa với hai cô công chúa một thật một giả lại không có hậu. Công chúa thật Martine sau này đã lấy chồng là là một bác sĩ quân y tên Jean Bruno. Còn công chúa nuôi Baxi lấy một người tên là Fidel Obrou. Chính người chồng của công chúa giả đã đảo chính lật đổ Tổng thống Bokassa và giết chết bố nuôi của vợ. Rất may công chúa thật Martine cùng chồng thoát được qua Pháp sống lưu vong. Nhưng sau đó, đến lượt chồng của công chúa giả bị một nhóm khác đảo chính. Còn công chúa nuôi Baxi nghe đâu đã bị nhóm đảo chính lật đổ chồng cô giết chết trên đường ra phi trường Bangui để trở về Việt Nam.
.
(Nguồn: giadinh.net.vn)

Thảo luận

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện