So với ngày đầu, ngày hôm nay đi bộ hơi nhiều. Nắng tuy gay gắt nhưng không thấy nóng như trong thành phố do luôn có gió mát và bốn phía đều là nước. Nhiều lúc nhìn trước nhìn sau không thấy một ai, có khi không cả tiếng chim mà chỉ nghe tiếng giày của mình nghiến trên đường đá sỏi kêu rào rạo. Không thấy bóng chim nào để chụp, không có cảnh nào đáng đưa máy lên bấm, đôi khi tôi tự đùa vui với chính mình để giết thì giờ bằng cách vung tay và bước mạnh chân, như giữ nhịp khúc quân hành cùng với bạn bè cùng khóa hồi còn học nghề lính ở Thủ Đức. Có khi chợt gợi nhớ lại hồi đóng đồn ở quận Tam Bình, Vĩnh Long, một mình lang thang băng ruộng ra quận lỵ chơi, vì ngày ngày trong chỗ đóng quân ngồi nhìn chung quanh toàn ruộng lúa mãi cũng chán. Nghĩ lại hồi đó mình điếc không sợ súng, dám lang thang một mình, không súng không dao găm, đi hằng cây số theo đường mòn ra chốn có người cho đỡ buồn vì từ nhỏ đến lớn quen sống nơi thị thành. Tuy nhiên cảnh hai bên đẹp và lạ mắt, giữa ruộng lúa mọc lên những cây thốt nốt, lác đác đó đây mấy ngôi chùa Miên. Từ lâu ít có thói quen đi bộ đường dài, nhất là đi một mình nên cảm giác là lạ này dễ làm mình nhớ lại những kỷ niệm cũ, tuy chúng chỉ nhẹ nhàng, không có gì sôi nổi, vậy mà làm mình nhớ hoài.

Lúc này có lẽ đã hơn ba giờ chiều, mặt trời hơi chếch về hướng Tây, hướng biển Thái Bình Dương, nơi nếu đi miết nửa vòng trái đất sẽ đến VN.
Sau khi đi ngang qua chỗ hai người cao niên gốc Nhật ngồi hóng mát (hình chụp đăng trong kỳ ba), cảnh sắc bắt đầu hơi đổi khác, với bên phải vẫn cái đầm hẹp chạy song song với quốc lộ, nhưng bên trái tuy vẫn khoảng trời nước mênh mông nhưng có nổi lên nhiều cồn nhỏ, chim chóc đủ loại tụ lại khá nhiều.

Kìa một con bạch diệc, Wikipedia tiếng Việt gọi là cò tuyết.

Dọc theo bờ cát cồn đất hoặc dọc theo bờ lối đi bộ, ta có thể thấy mấy loại chim nhỏ khác nhau đang đi tìm mồi.

Đây là giống chim thuộc họ sandpiper, VN gọi là họ dẽ, chuyên ăn những động vật nhỏ không xương sống trong bùn hay đất. Chúng thường tụ ở vùng ven biển.

Đây là một con thuộc họ dẽ khác, người Việt còn gọi là chim mỏ nhát, và tiếng Anh là long-billed curlew.

Chim mỏ nhát sinh sống ở vùng Trung và Tây Bắc Mỹ Châu, về mùa Đông chúng thiên di về phương Nam.

Long-billed curlew thuộc loại lớn nhất trong họ chim dẽ ở vùng Bắc Mỹ. Chúng có chiều dài từ 50-65 cm, sải cánh từ 62-90 cm, và nặng từ 490-950 g.

Chúng ta có thể thấy chim chóc tụ tập rải rác trên các cồn đất ở phía xa.

Kia là một loại diệc khác, lông không trắng như tuyết, chúng có thêm loại blue heron và tricolored heron nữa.

Con diệc này có màu lông trông chẳng đẹp tí nào, chắc nó biết phận nên trông có vẻ ủ rủ.

Tương phản với nó là một con diệc tuyết. Con này ỷ mình đẹp hơn nên dương mào chọc quê.

Còn đây là một con greater yellowlegs, không biết tiếng mình gọi là gì nhưng có vẻ thuộc họ dẽ, có cẳng màu vàng.

Loài dẽ cẳng vàng này có mặt ở vùng duyên hải Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, xuống đến tận Nam Mỹ, họa hoằn lắm cũng lang thang qua đến Tây Âu.

Có đi thì có đến, cuối cùng thì tôi đến chỗ ngày hôm trước, nơi có hàng rào chận, không cho phép con người vượt qua, ngoại trừ chim.

Dãi cồn đất mà tôi gọi là phi trường quốc tế của loài chim, hôm qua đông đúc chừng nào thì hôm nay lại vắng hoe.
(Còn tiếp)
Thảo luận
Không có bình luận