//
you're reading...
Colnav Nguyen, Du Lịch, Phóng Sự, Photography

Thế giới chim muông gần Little Saigon, kỳ 3 – Colnav Nguyen

 

 

DSC_9240_r

 

DSC_9238_r

Chim ở đây rất dạn, chúng bay sát cả ngay gần người.

 

Xin lỗi độc giả, tôi không thể đăng từng kỳ mỗi ngày được vì người làm phóng sự này suốt đời không biết chi về chim. Nay ra chơi ở đây, thấy chim nhiều quá, cứ thế mà chụp. Bây giờ muốn viết thành bài cho có mạch lạc, có đầy đủ thông tin thì phải tìm hiểu, mặc dù Internet giúp ích rất nhiều nhưng không biết làm sao hỏi con chim mình chụp tên gì, thuộc loại nào… Rất là mất thì giờ!

 

DSC_9109_r

Đi ngang qua cặp cao niên này, nghe họ nói chuyện tôi đoán họ là người Nhật.

 

Thú thật là tôi sống ở đây trên 35 năm, chỗ nào cũng có mặt, vậy mà không hiểu sao lại bỏ sót nơi này.

Trong mấy tháng gần đây, suốt ngày làm gì thì làm, mỗi chiều tôi phải cố gắng đạp xe đạp 10 dặm, tức 16 cây số. Vì thấy lập đi lập lại mãi một lộ trình hoài cũng ngán nên bắt đầu tìm một lộ trình khác, hơn nữa cũng có sẵn máy hình nên cũng muốn tìm đề tài nào mới lạ luôn.

 

DSC_9110_r

Thỉnh thoàng tôi chạm mặt với người chạy bộ chạy ngược chiều hoặc từ sau lưng chạy qua mặt.

 

Nhờ Google, tôi biết được trên quốc lộ 1 (Pacific Coast Highway), đoạn ở thành phố Seal Beach, giáp ranh với Huntington Beach, có khu bảo tồn thiên nhiên tên là Seal Beach National Wildlife Refuge, tuy nhiên chỗ này không vào ra tự do được mà phải lấy hẹn đi theo tour hướng dẫn vì địa điểm nằm trong khu vực kho đạn của Hải Quân Mỹ và cũng ngay bến tàu quân sự nữa.

 

DSC_9087_r

Dẫn chó ra đây đi bộ cũng là thú vui của người địa phương.

 

Tiếp tục tìm tòi tôi mới biết được chỗ này, nơi luôn luôn mở rộng cửa đón khách.

Ngày đầu tiên tôi mang ba lô có đầy đủ máy hình các thứ, đạp xe đạp ra đến Bolsa Chica Ecological Reserve này, lượt đi và về tổng cộng gần 18 dặm. Đi không mệt nhưng nguy hiểm ở đoạn chạy trên PCH, vì là quốc lộ nên xe hơi chạy rất nhanh. (Bài phóng sự kỳ 1 và kỳ 2 viết từ chuyến đi hôm đầu tiên, Thứ Sáu, 11.08.2017)

 

DSC_9106_r

Chính quyền tiểu bang dành ra một diện tích rất lớn cho chim muông làm cho mấy nhà phát triển địa ốc thèm chảy nước nhải.

 

Hôm sau vì lý do an toàn, tôi lái xe hơi trở lại, theo tiếng gọi của chim muông. Có đi một ngày đàng mới học được một sàng khôn. Hôm đó vì là Thứ Bảy, và có thể có festival gì ngoài biển nữa, kể cả thời tiết nắng nóng, nên ra đến quốc lộ 1 là thấy kẹt xe suốt cả hai chiều. Đến nơi lại không còn chỗ đậu xe vì dân đi tắm biển ăn gian qua bên này đậu chùa, mặc dù có bảng cấm người đi tắm biển đậu xe. Kinh nghiệm cho thấy nên tránh mấy ngày weekend.

 

DSC_9074_r

Bên phía biển hôm ấy không biết người ta làm gì mà cả trên đường lẫn ngoài bãi tắm đều đông. Nhiều người ăn gian qua chiếm chỗ đậu xe của người đi coi chim, mặc dù có bảng cấm.

 

Tôi đành lái xe chạy cà nhích tiếp trên PCH để kiếm chỗ đậu khác. Nhờ nghiên cứu bản đồ trước nên tôi biết có thêm bãi khác nằm ngay cổng Bắc của khu bảo tồn, trên đường Warner. Đến nơi thì chỗ đậu xe khá trống vì xa bãi biển, không ai qua đậu chùa.

 

DSC_9080_r

Đứng trong này nhìn ra thấy đoạn đường trước đây mình vừa đi qua, toàn là xe với cộ, trong khi ở đây chim chóc sống thong dong, khiến mình cũng thấy thoải mái theo.

 

Vậy là từ bãi đậu xe đi đến cây cầu gỗ mà hôm qua tôi thấy có rất nhiều chim phải cuốc bộ cả lượt đi lẫn lượt về phải mất chừng 5 dặm tức chừng 8 cây số. Ngoài ra còn phải đi theo lối mòn xuyên qua lau lách nữa. Đọc tài liệu nghe nói ở đây có cả rắn rung chuông (rattlesnake) nữa. Thôi thì “dân chơi sợ gì mưa rơi,” đã ra đến đây thì cứ tiếp tục chứ biết làm sao, hơn nữa lác đác cũng có gặp đôi ba người trên cùng lộ trình.

 

DSC_9057_r

 

Qua mặt hai bà Mỹ mập, đi một lát thì trông thấy một cánh chim lớn, trông như con diều hâu vai đỏ (red-shouldered hawk) vừa mới gặp tháng trước ở Point Reyes, gần San Francisco. Con này cũng biết ý như con diều hâu, đảo trên đầu hai vòng cho mình chụp rồi sau đó xà xuống đậu khuất trong đám lau lách. Về sau mới biết đây là loài kên kên Tân Thế Giới (turkey vulture), con chim mà người ta nói chuyên đi ăn xác chết.

 

DSC_9058_r

Trên cánh của con kên kên này các bạn có thấy cái gì trăng trắng không. Đó là tấm thẻ nhựa có ghi số 26, chắc nhân viên bảo vệ thú hoang đánh dấu để theo dõi.

 

DSC_9068_r

Theo Wikipedia, loài chim này phân bố từ nam Canada đến mũi cực nam của Nam Mỹ. chúng sinh sống ở một số khu vực mở và bán mở, bao gồm rừng cận nhiệt đới, rừng cây bụi, đồng cỏ và sa mạc. Chúng hầu như chỉ ăn xác chết và tìm xác chết bằng cách sử dụng cặp mắt tinh tường và khứu giác, bay đủ thấp để dò ra khí thoát ra từ quá trình bắt đầu phân hủy của động vật chết.

 

DSC_9060_r

Khi bay chúng sử dụng luồng nhiệt bốc lên để di chuyển trong không khí, đập cánh không thường xuyên. Thường đậu thành nhóm khi ngủ. Kên kên thiếu một minh quản, cơ quan tạo âm của, nên phát âm nhỏ và thấp. Chúng làm tổ trong hang, hốc cây, cho con chim non ăn bằng cách nôn mồi ra. Kên kên có rất ít kẻ thù săn mồi tự nhiên.

 

Tôi đứng một hồi chờ xem nó có bay lên không để chụp tiếp nhưng chờ mãi không thấy nên đành quay gót đi tiếp. Vài phút sau lại thấy một cánh chim nhỏ đáp xuống đậu trên một cành cây khô ai đó cắm trên hàng rào B-40. Đang chớp vài tấm mặc dù không biết chim gì, thì có cặp vợ chồng Mỹ trẻ cùng cậu con trai từ phía sau đi tới, tôi liền hỏi đây là chim gì thì người chồng nói,  nó thuộc một loài chim cú.

 

DSC_9072_r

Một loại chim cú chưa rõ tên gì.

 

Hôm nay mới “mở hàng” mà đã gặp hai “quí điểu,” kên kên và cú rồi, họa phúc chi đây?

 

DSC_9076_r

 

Khác với chỗ tôi đến ngày trước ở cổng vào phía Nam, khu vực bên này ít chim hơn, tuy lòng không vui nhưng sau này khi xem lại loạt hình mình chụp thì thấy mình cũng được nhiều tấm ăn tiền, đáng công cuốc bộ.

 

DSC_9079_r

Ở đoạn cầu đúc bắt qua khúc đầm nhỏ tôi nhác trông thấy chị chim bạch diệc đang đứng suy tư. Xin lỗi không biết chị hay anh, thôi kệ tạm nhìn mặt đặt tên vậy.

Xin lỗi độc giả, hôm nay tôi kể lể hơi dài dòng một tí chẳng qua vì muốn câu giờ để tìm hiểu thêm mấy loài chim mình chụp được. Làm ăn đàng hoàng, có vậy quí bạn mới sẵn sàng bỏ thì giờ theo dõi tiếp. Xin cám ơn trước.

 

(Còn tiếp)

Thảo luận

2 bình luận về “Thế giới chim muông gần Little Saigon, kỳ 3 – Colnav Nguyen

  1. Ảnh đẹp tuyệt vời.

    Thích

    Posted by Bà Tám | Tháng Tám 16, 2017, 6:02 chiều

Gửi phản hồi cho seashelloc Hủy trả lời

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện