Nối tiếp sự kiện thất thủ Thuận An năm 1883. “Năm Mùi thất thủ Thuận An, Tây qua đóng lủ đóng đoàn đã lâu”, đến năm 1885, nhân dân Thừa Thiên Huế căm phẫn, xót xa chứng kiến kinh đô thất thủ. Sự kiện này trở thành đề tài bài vè “Thất thủ kinh đô” dài non 1009 câu “Hai phe lẳng lặng mà nghe, Tôi đặt cái vè thất thủ kinh đô” Bài vè kể lại những đòi hỏi và yêu sách của Pháp đối với triều đình Huế, những hành động chuyên quyền và mưu đồ chống pháp của hai quan phụ chánh Tường và Thuyết bị thất bại, kinh đô thất thủ và vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, nội thành chìm trong khói lửa, nhân dân Thừa Thiên Huế ta thán, oán trách.
Theo sử, sau khi Thuận An thất thủ thì Việt – Pháp ký hòa ước Quí Mùi (1883), về sau hợp thức hóa bằng hòa ước Patenôtre (1884). Theo đó nước Nam thuộc về nước Pháp bảo hộ, Pháp lập tòa khâm sứ ở Huế và được quyền ra vào kinh thành yết kiến vua. Tường và Thuyết vốn đã quyết đoán mọi việc trong triều thì nay lại càng chuyên quyền hơn trong đó có liên quan đến cái chết của vua Kiến Phúc, “Giáp thân tứ nguyệt bằng nay, Vua đức Kiến Phước hồn rày thăng thiên”. Hai ông lập ông Ưng Lịch lên làm vua mới có 12 tuổi, lấy niên hiệu Hàm Nghi mà không cho tòa khâm sứ biết. Vì vậy, tòa khâm sứ buộc triều đình phải xin phép rồi viên khâm sứ vào điện làm lễ phong vương cho vua Hàm Nghi.
Hội triều tôn đức Hàm Nghi
Ngài lên trị vì thiên hạ cầu yên
Giận thay một lũ Tây phiên
Đến triều Nam Việt ỷ quyền mà thôi
Thấy Pháp ngày mỗi lấn áp quyền hạn triều đình, thực chất là của Tường và Thuyết, hai ông mưu đồ chống lại nên tòa khâm sứ chiếm giữ Mang Cá ở thành Huế và bắt dẹp súng đại bác trên thành.
Để cho họ chiếm hãm thành trì
Bạc vàng cống hiến lấy gì lưu lai
Phen này ta phải ra tài
Ví dầu thúc thủ hàng lai cũng đành
Thỏa thuận xong với Tàu bởi hòa ước Thiên Tân, tháng 4 năm 1885, Thống tướng De Courey đem 500 quân vào Huế rồi mời hai quan phụ chính và các các quan trong triều sang tòa khâm sứ để định việc yết kiến vua Hàm Nghi.
Có thơ đại Pháp đưa sang
Xin mời văn võ bách quan qua lầu
Trong thơ có nói một câu
Xin mời văn võ qua lầu một khi
Phần nhiều các quan trong triều muốn hòa cho yên thân, mặt khác cũng có phần hèn nhát trước sức mạnh của Pháp. “Nam triều tình muốn giao hòa, Vàng đem muôn lượng, bạc mà hai muôn thoi”. Cho nên các quan trong triều và quan quận Nguyễn Văn Tường sang tòa khâm sứ, riêng quan tướng Tôn Thất Thuyết cáo bệnh vì căm tức và cũng sửa soạn việc đánh Pháp.
Đủ mặt văn võ chư nha
Can chi ông tướng không qua với triều đình
Hay là lập kế cờ binh
Bước qua hăm bốn đáo đình bắt chơi
Pháp ngày càng lộ mặt vai trò thống trị nên sự vắng mặt của quan tướng, De Courey không những tức giận, nghi ngờ mà còn yêu sách triều đình phải cống nộp vàng bạc, châu báu. Hơn thế nữa, ông muốn được yết kiến vua nhưng đòi đi cửa giữa cùng với tùy tùng mặc cho triều đình phản đối.
Hôm nay tôi có qua lầu
Có nghe Tây nói mấy câu rõ ràng
Tiền đồng cậy hai muôn quan
Còn bạc với vàng vô số kỳ đa
Ba ngày thời phải đem qua
Không thời hăm bốn đáo gia bắt ngài
Nghe ông Tường kể về việc hội kiến với Pháp, ông Thuyết tức giận căm gan, sửa soạn binh mã, dàn binh bố trận, trong và ngoài thành quyết đánh tan tòa khâm sứ.
Quan tướng tức giận một khi
Giận thay phiên tặc gan thì căm gan
Quan nha binh mã sẵn sàng
Tiên hành, phá chiến cho tan Tây thành
Mặc dầu Tôn Thất Thuyết gấp rút chuẩn bị đánh Pháp nhưng để tránh cảnh tang thương, triều đình lại muốn hòa, “Triều đình văn võ chư nha, đều ưng trung hòa với nó mà thôi” nên ngày 22 tháng 5 Ất Dậu (1885), các quan cơ mật viện sang tòa khâm sứ bàn việc đi cửa chính, cửa bên và bà Từ Dũ cũng gởi lễ vật tặng Thống tướng De Courey nhưng bị ông khước từ. Triều đình đã chịu nhún nhường nhưng cũng không thể chấp nhận thái độ trịch thượng, coi thường triều đình của tướng Pháp. Sau khi Tự Đức băng hà, triều đình cùng nhân dân xứ Huế bất mãn và lên án tội chuyên quyền, phế lập vua, triệt hạ những ông quan chân chính nhưng với thái độ của tướng cướp nước, chúng ta không những thông cảm mà còn chấp nhận lòng căm phẫn và quyết tâm tấn công tòa khâm sứ của ông Thuyết.
Thiên binh vạn mã truyền hô
Nam triều xã tắc kinh đô nước mình
Vái cùng thiên địa chư linh
Nguyện xin khôi phục trấn bình nước ta
Nội thành lục bộ chư nha
Một mình quan tướng với là võ ban
Quân gia binh mã sẵn sàng
Phen này quyết đánh cho tan Tây thành
Mọi việc chuẩn bị đã xong, nhân chiều tối ngày 22 tháng 5 Ất Dậu, tướng De Courey chiêu đãi các quan Pháp. Sau khi tan tiệc, vào khoảng sau canh ba, quân triều đình nổ sung tấn công Pháp.
Canh hai cơm nước soạn sành
Hai bên phố xá lạnh tanh như tờ
Canh ba dàn trận binh cơ
Canh tư lấy giờ phát lịnh giao công
Nhân dân Thừa Thiên Huế, chủ yếu là cộng đồng cư dân ở thành phố Huế đang sống bình yên, bỗng nửa đêm sung nổ tứ tung, trong và ngoài thành, chung quanh tòa khâm sứ bên hữ ngạn song Hương khói lửa ngập trời. Pháp chỉ bắn trả cầm chừng, dân chúng khiếp sợ, dắt dìu nhau chạy loạn.
Súng Tây họ bắn tứ tung
Hai bên thiên hạ hãi hung than van
Trời thì mù mịt như than
Chạy đi mà chẳng thấy đàng mà đi
Người than kẻ khóc li bì
Người thời dắt mẹ, kẻ thì dắt con
Rạng sáng 23 tháng 5, Pháp phản công dữ dội, vượt song Hương tấn công nội thành, quân triều đình chống cự không nổi, phần chết phần bỏ chạy. Dân chúng thì “Lao xao như cá trong đìa, Tránh sao cho khỏi đạn ria nhằm mình”
Ai ngờ Tây đánh địa lôi
Kéo lên Trường Định mình thời chết đi
Thuốc đạn mình hết một khi
Thưa cùng quan quận, người thì đặng hay
Thấy tình hìnhnguy biến, Nguyễn Văn Tường cho người rước vua và hoàng gia ra khỏi thành, “Giặc này thế đánh còn lâu, Xin phò Thánh Thượng ra khỏi lầu một khi”, ông đón vua ở cửa Hữu để cùng đi thì được lệnh ở lại để thu xếp mọi việc. Vua Hàm Nghi và hoàng gia đến Kim Long thì Tôn Thất Thuyết rước xa giá ra Quảng Trị. Tại kinh đô, sau 4 giờ giao tranh, quân triều đình tan rã, Pháp kéo cờ của họ lên kỳ đài “Giờ thìn, giặc đánh đã tan, Bước sang giờ tỵ tây sang kéo cờ”. Giặc tiếp tục bắn giết đốt phá từ trong kinh thành ra đến ngoại thành, dân chúng chạy tán loạn, tiền của nửa mất nửa cháy ra tro.
Bốn bề thiên hạ ngất ngơ
Giao chinh 4 giờ thiên hạ suy vi
Đốt từ chợ nội đốt đi
Hai bên thiên hạ vậy thì than van
Hãy còn của cải bạc vàng
Nửa thời mất mát nửa tàn ra tro
Kinh đô thất thủ, khói lửa tang thương, quan quân người theo hầu vua, kẻ chết, kẻ ẩn núp phân vân trong đó có quan quận Nguyễn Văn Tường thì trưa 23 tháng 5, Tường nhờ giám mục Caspard đưa ra đầu thú tướng De courey. Sau đó Tường viết sớ cho người đưa ra Quảng Trị để rước xa giá về cung, Thuyết giữ sớ của Tường, không cho vua và bà Từ Dũ biết vì nghi ngờ tướng phản bội rồi tiếp tục đưa vua Hàm Nghi lên Tân Sở “Quản bao khó nhọc không nài, Băng miền tách dặm tới nơi Sơn phòng”. Về sau lại tiếp tục được sớ của Tường thúc dục bèn đưa xa giá về cung, bà Từ Dũ quay về Khiêm cung, Tường dâng sớ thỉnh an. Tại triều, De Courey chọn các quan trong đó có Tường, lập nội các để sắp xếp lại việc trong triều.
Thành đô quan quận hòa rồi
Lập lường câu chuyện nói hoài với Tây

Vua Hàm Nghi
Tuy đã có hội đồng văn võ nhưng pháp nửa tin nửa ngờ “Tin thì tin, dạ hãy còn phòng. Sợ Nam triều tể tướng đem lòng phục binh” bởi còn nhiều quan quân, dân chúng phò vua để chống Pháp, đặc biệt là quan tướng Tôn Thất Thuyết nên De Courey bàn với hội đồng tìm cách rước vua về kinh.
Bách quan văn võ hội đồng
Sai đi Sơn Phòng triệu vua Hàm Nghi
Rùng rùng binh mã đều đi
Tới đầu Mai Lĩnh, ngài đi qua Lào
Tuy pháp đã chiếm kinh đô, nhưng việc triều chính chưa ổn định, các quan trong triều còn trung thành với vua và sự mâu thuẫn với Nguyễn Văn Tường ngày một gay gắt vì “Trong triều quan quận nghĩ ra gian thần”. Vả lại ngày hẹn của Tường với De Courey về việc vua Hàm Nghi về kinh đã hết hạn nên ông cho lệnh bắt Tường và một số quan lại đày đi Côn đảo, riêng Tường về sau đày sang Haiti rồi chết ở đấy.
Trong trào đừng để nịnh gian
Xoi ao mạch nước, chẳng an nước nhà
Thưa cùng đại Pháp chư nha
Mời về bên nước Lang sa hội đồng
Quân nha binh mã giữ phòng
Mời quan tể tướng hai ông xuống tàu
Mời quan tể tướng xuống mau
Để kịp xuống tàu về nước Lang sa
Đoạn vè nêu trên là phần kết thúc của bài vè Thất thủ kinh đô, đồng thời cũng là cái bi kịch về phần cuối đời của Nguyễn Văn Tường, một con người hai mặt, một quan phụ chánh chuyên quyền, một gian thần. Quả là “Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu” [1]. Trong thời gian ấy Thuyết và một số quan quân phò vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, lên Tân Sở, trên đường đi vua tôi vừa trãi bao nguy nan, khốn khó “Ra đi chẳng quản đường trường, Lên đèo xuống hố, thảm thương chẳng là”, vừa bị Mọi, Mường cản trở tra vấn:
Lưu linh trong chốn rừng già
Mọi, Mường, các Mán vào ra rung rung
Thâm sơn cùng cốc lạ lung
Các người đương thế vào sơn trang làm gì?
Sau khi đã lập được căn cứ địa ở địa giới Lào và Quảng Bình, hịch Cần Vương truyền đi khắp nơi, sĩ phu, dân chúng miền trung, “Chỉ trừ chung quanh kinh thành ra, còn từ Bình Thuận trở ra, cho đến Nghệ An, Thanh Hóa, chỗ nào sĩ, dân cũng nổi lên” [2] rồi lan nhanh đến miền Bắc. Trong lúc chưa có tin tức về vua Hàm Nghi thì tháng 9 năm 1885, tại kinh đô, Pháp lập ông Chánh Mông lên làm vua, lấy niên hiệu Đồng Khánh.

Quan phụ chánh Tôn Thất Thuyết
Thuyết thấy phò vua Hàm Nghi không còn hữu ích cho mình vả lại cũng không thể chống nổi Pháp bèn cùng với Trần Xuân Soạn sang Tàu cầu cứu [3] bỏ vua Hàm Nghi ở lại. Ở Trung kỳ phong trào chống Pháp ngày mỗi lan rộng, Pháp đánh dẹp mãi không yên thì tháng 5 Bính Tuất (1886), vua Đồng Khánh xa giá ra Quảng Bình dụ vua Hàm Nghi nhưng không có kết quả. Sau đó bọn Ngọc ra đầu thú, Pháp sai tên này bắt vua Hàm Nghi giao cho chúng. Vua Hàm Nghi bị đưa về Thuận An rồi đày sang Algerie. Ông Thuyết phò vua ra Tân Sở để sau này thực hiện ý đồ chuyên quyền nhưng không đạt được, bèn tìm đường thoát thân. Do cái ác tâm, cái ham muốn mù quáng nên bỏ thây ở xứ người, cái tệ hại, cái tội ác của kẻ gian thần ngàn năm bia miệng vẫn còn.
Bài vè Thất thủ kinh đô phản ánh vận suy của triều Nguyễn mà nguyên nhân gián tiếp là do bế môn tỏa cảng, trực tiếp là do sự chuyên quyền quá đáng của Tường và Thuyết dẫn đến triều đình rối loạn, và sự mù quáng của hai ông trong mưu đồ dùng quân sự chống pháp. Cùng với nguyên nhân ấy, việc chiếm kinh đô và Trung kỳ ở trong chính sách thôn tính và đô hộ Việt Nam của thực dân Pháp. Bên cạnh đó bài vè còn phản ánh cảnh khói lửa điêu tàn, chết choc, ly tán của cộng đồng cư dân Thừa Thiên Huế và cái kiếp người làm nô lệ, sưu cao thuế nặng của ngoại bang mà vè “Bà Từ Dũ xin thuế cho dân” là một bằng chứng. Cùng với bi kịch này, vè cũng chuyển tải ý thức độc lập dân tộc, tinh thần chiến đấu chống Pháp của quan quân triều đình và nhân dân ta. Bài vè như một trường ca dài non 1009 câu phản ánh hiện thực sự kiện thất thủ kinh đô khá trung thực và chi tiết. Văn phong và ngôn từ bài vè hàm chứa tính dân gian pha trộn với tính Nho học nên có lẽ do nhiều người sang tác, chủ yếu là các quan trong triều rồi ráp nối lại nhưng vẫn có kết cấu hợp lý và hấp dẫn người đọc. Vè là một loại khẩu báo, bên cạnh chức năng tự sự, có nhiều tình tiết trữ tình nên tác động vào lòng yêu nước, yêu cộng đồng và lòng căm thù thực dân Pháp. Nó còn như là lời lên án hai quan phụ chánh, thực dân Pháp, như nước mắt của cư dân Thừa Thiên Huế đối với những người đã nằm xuống trong cuộc chiến.

Hằng năm vào ngày 23 tháng Năm Âm lịch, khắp thành phố Huế người dân bày mâm cúng cho các vong hồn uổng tử.
Nhân việc thất thủ kinh đô, nhìn lại lịch sử Việt Nam từ thời độc lập tự chủ (938) đến khi pháp chiếm kinh đô Huế có những sự kiện thường lặp lại: Đinh Tiên Hoàng mất, Vệ Vương lên nối ngôi mới 6 tuổi, Lê Hoàn nhiếp chính, triều đình rối loạn, nhà Tống bên Tàu đem quân sang đánh. Nhà Trần thay thế nhà Lý, Nguyên – Mông sang xâm chiếm Đại Việt dưới thời Trần Thái Tông (1225 – 1258). Trần Nghệ Tông mất (1394), Lê Quý Ly chuyên quyền rồi xưng đế, lập ra nhà Hồ, các quan trong triều phân hóa…, nhà Minh đem quân sang đánh và đô hộ Đại Việt. Dưới thời Lê Chiêu Tông (1516 – 1527), Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê rồi lên làm Vua, các quan trong triều kẻ theo Lê, người theo Mạc, nhà Minh sai quân sang chiếm Đại Việt. Thời Lê Chiêu Thống (1786), triều đình rối loạn, nhà Thanh đưa quân vào Thăng Long mượn cớ giúp nhà Lê. Dưới triều Nguyễn khi Tự Đức băng hà (1883), Tường và Thuyết phế lập Vua để chuyên quyền, tạo ra sự mâu thuẫn trong triều, Pháp chiếm Thuận An rồi chiếm kinh đô Huế (1885). Nói tóm lại, những thời điểm các vua kế nhiệm tài kém, đức hèn, nội triều phân hóa, thay ngôi đổi chủ thì ngoại bang thực hiện tư tưởng bá chủ xâm lăng và đô hộ Việt Nam. Nếu đây là quy luật thì các thế hệ cầm quyền các giai đoạn kế tiếp phải suy gẫm phạm trù “tài đức” của người trị nước.
__________________
[1] Lưới trời lồng lộng thưa mà cũng chẳng lọt.
[2] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, in lần thứ 6, Tân Việt, Sài Gòn, 1958, trang 554.
[3] Theo chú thích của Trần Trọng Kim thì Thuyết lên ẩn náu tại Lai Châu rồi chém giết những người cùng đi theo.
(Nguồn: Diễn Đàn Sông Hương)
Thảo luận
Không có bình luận