Rời bãi đậu xe, cả bọn lại chạy qua trở lại cầu Golden Gate để đi đến Muir Woods National Monument. Lần này bác Hoàng dẫn đường nhưng bác ra sớm một exit nên lại lạc quanh co thêm một lần nữa. Cuối cùng thì cũng đến nơi, có điều khách đến viếng quá đông, không còn một chỗ trống nào để đậu xe, buộc lòng phải lái ra ngoài tìm chỗ đậu dọc theo ngoài đường rồi lội bộ lên.

Hai bác Hoàng và Hòa Ga đi bộ về phía cổng vào Muir Woods, Lộc ĐP và bác Tùng, hai đứa đau chân đi cà nhắc theo sau. Còn bác Hoằng và Lộc TĐ thì kiếm được chỗ đậu ở đâu đó, không nhập bọn với tụi này.
Theo lời bác Hoàng, tại cổng, Lộc ĐP mua một thẻ hội viên giá US $10 dành cho công dân Mỹ sáu bó trở lên, có thẻ này từ nay đến mãn đời có thể đi vào bất cứ Công Viên Quốc Gia (National Park) nào trên toàn nước Mỹ mà không cần phải mua vé nữa.

Không hiểu sao vào đến đây Hòa Ga đi phía sau bác Hoàng, không còn sánh bước như trước nữa. Giận nhau chăng?
Muir Woods National Monument, nằm ở núi Mount Tamalpais, gần duyên hải Thái Bình Dương, thuộc phía Tây Nam Marin County của tiểu bang California. Khu du lịch này cũng cách San Francisco 12 dặm về hướng Bắc, bao gồm 554 mẩu đất, trong đó 240 mẩu là rừng của những cây redwood lâu đời (sequoia sempervirens). Vì nằm tiếp cận với Thái Bình Dương nên khu rừng này luôn luôn bao phủ bởi lớp sương mù từ biển đưa vào khiến redwood ở đây tăng trưởng rất mạnh. Ngay vào mùa Hè và những lúc nắng hạn, hơi ẩm của sương mù cũng giúp cho sự phát triển của cây. Nhiệt độ ban ngày tại đây quanh năm trong khoảng 40 đến 70 độ F, hay 4 đến 21 độ C.

(Colnav Nguyen)
150 triệu năm trước, redwood và sequoia mọc khắp cả nước Mỹ. Nhưng ngày nay sequoia sempervirens chỉ còn có thể tìm thấy trên dãi đất hẹp dọc duyên hải từ Monterey, tiểu bang California, ở phía Nam, lên đến tiểu bang Oregon ở phía Bắc.

Đẹp quá phải không bạn, chắc lần sau phải đến đây một mình để có thể lang thang suốt ngày mà chụp hình. (Colnav Nguyen)
Trước khi kỹ nghệ chặt đốn cây tràn đến California, tiểu bang miền Tây này có khoảng hai triệu mẩu rừng redwood già mọc dọc theo duyên hải. Nhưng đến đầu thế kỷ 20, hầu hết đều bị đốn hạ. Chỉ về phía Bắc của vịnh San Francisco, một thung lũng tên Redwood Canyon là chưa bị đụng tới vì địa thế hiểm trở.

(Colnav Nguyen)
Bấy giờ ông William Kent, một chính trị gia tiếng tăm đang lên ở California, và về sau ra tranh cử ghế thượng nghị sĩ, cùng vợ là bà Elizabeth Thacher Kent, mua lại 611 mẩu đất từ công ty Tamalpais Land and Water Company với mục đích bảo vệ rừng redwoods khỏi bị tàn phá.

(Colnav Nguyen)
Năm 1907, một công ty nước gần Sausalito dự trù xây một đập nước gần đó, nếu tiến hành thì kết quả là cả thung lũng sẽ ngập nước.

(Colnav Nguyen)
Khi ông Kent chống lại thì bị công ty nước dọa sẽ đưa ra tòa. Ông Kent chỉ còn cách hiến tặng khu rừng cho chính quyền liên bang, qua mặt tòa án địa phương, để cứu lấy những cây redwood.

(Colnav Nguyen)
Đến năm sau, 1908, Tổng Thống Theodore Roosevelt ra nghị định đặt phần đất này vào hạng National Monument.

(Colnav Nguyen)
Thoạt đầu người ta đề nghị đặt tên cho khu rừng này là Kent Monument nhưng ông Kent không nhận mà xin đặt tên theo nhà thiên nhiên học John Muir, người có công vận động thiết lập hệ thống Công Viên Quốc Gia (National Park), và được Tổng Thống Roosevelt chấp thuận.

(Colnav Nguyen)
Do vậy từ đó đến nay nơi này được gọi tên là Muir Woods National Monument.

(Colnav Nguyen)

Bác Hòa Ga bao giờ cũng điệu!

Điệu hơn nữa là bác muốn làm chim đại bàng tung cánh từ rừng cây cổ thụ làm phó nhòm sợ quá chụp mờ đi mất. Xin lỗi bác nghe.

Trên đường về sáu tiên ông tìm một nhà hàng vào lót bụng và cũng coi như buổi tiệc chia tay luôn. Lộc ĐP theo bác Hoằng và bác Lộc TĐ về San José, để hôm sau Lộc ĐP lấy xe đò Hoàng đi xuống Los Angeles.

Đường ra khỏi khu vực Muir Woods quanh co muôn lối.

Lại phải qua cầu Golden Gate để đi San José. Trời vẫn cứ còn mù.

Thêm một lần qua cổng thu phí nhưng không thấy ai hỏi tiền cả, cứ tưởng là hệ thống hôm ấy bị hư. Hóa ra họ hiện đại hóa, chụp hình bảng số xe rồi gởi giấy đòi tiền sau, chạy đâu cho thoát Uncle Sam.

Qua đường hầm này là vào địa phận thành phố San Francisco. (Colnav Nguyen)

Nhà cửa ở đây cũng đủ màu đủ sắc có khác gì một số nước bên Âu Châu đâu. (Colnav Nguyen)

Đến một ngả tư đèn đỏ, nhìn qua phải thì thấy một bích chương lớn quảng cáo “cần sa mới về.” Tiểu bang California sau nhiều năm cho phép dùng cần sa trong việc chữa bệnh, nhưng kê từ năm ngoái thì được cử tri bỏ phiếu cho phép sử dụng với tính cách giải trí.
Thảo luận
Không có bình luận