//
you're reading...
Biên Khảo, Khoa Học, Triệu Phong

Kim Cương Máu, Computer Máu – Triệu Phong

 

(28.07.2009)

Khi cuốn phim Blood Diamond (Kim Cương Máu) mới đem chiếu vào năm 2006, người ta đều kinh ngạc được biết rằng té ra xuất xứ của thứ đá quí này là từ nơi có những xung đột đẫm máu, và bắt đầu tự hỏi phải chăng các thứ trang sức mình đang đeo trên tay đều phải trả giá bằng chính sinh mạng con người. Rồi đây khách tiêu dùng có sẽ thắc mắc với câu hỏi tương tự đối với điện thoại di động và máy điện toán mà họ đang sử dụng?

 

Global Witness mới đây tố giác các công ty đa quốc gia đang gia tăng kinh doanh các loại khoáng sản dùng trong khu vực kỹ nghệ tiên tiến, mà kỹ nghệ này đang nuôi dưỡng một cuộc nội chiến khủng khiếp ở nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Global Witness cũng chính là tổ chức không vụ lợi, trước đây đã từng phơi bày cho thế giới thấy những bạo động đẫm máu làm ô uế cho nguồn kim cương quí giá. Tuy vậy, các công ty bị cáo buộc đều phủ nhận lời trách cứ ấy, họ cho rằng Global Witness đã quá đơn giản hóa một tiến trình kinh tế hết sức phức tạp, trong một bối cảnh địa dư chính trị đầy bất ổn.

 

diamond

Một dân công đang sàn lọc đất để lấy vàng tại một hầm mỏ bỏ phế ở Mongbwalu, Congo.

 

Các tỉnh Nam và Bắc Kivu của nước Congo tập trung đầy các mỏ cassiterite, wolframite, coltan và vàng, là những khoáng chất cần thiết dùng để chế tạo mọi thứ từ bóng đèn cho đến laptops, từ MP3 đến Playstations. Trong hơn 12 năm qua, vùng này phải hứng chịu những cuộc xung đột có vũ trang, các phe phái tranh nhau quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên quí giá này, vì chúng được coi như là cách kiếm lợi nhuận để có tiền mua súng đạn và nuôi dưỡng chiến tranh. Global Witness báo cáo rằng họ biết được nhờ lần theo dây chuyền phân phối đi từ các phe phái lâm chiến, đến giới trung gian, rồi sau cùng đến người thu mua ở khắp toàn cầu.

 

Khoáng chất coltan có nhiều ở Congo, sau khi tinh chế trở nên dạng bột màu xám xanh, gọi là tantalum, và được mệnh danh là chất kim loại chuyển tiếp. Nói chung, tantalum có một công dụng tối quan trọng, đó là thỏa mãn sự khao khát vô độ cho kỹ thuật cá nhân của Tây Phương. Ðược dùng trong các sản phẩm điện tử thông dụng như điện thoại di động, máy DVD, và computers. Coltan xuất cảng từ đông bộ Congo sang các thị trường ở Bắc Mỹ và Âu Châu. Theo các chuyên gia, nguồn lợi này đã tài trợ cho cuộc xung đột hiện nay ở Congo nói riêng và các cuộc nội chiến khác ở Phi Châu nói chung.

 

Từ năm 2000 khi Sony bắt đầu tung ra Playstation PS2, nhu cầu về tụ điện (capacitors) gia tăng, mà nguyên liệu để làm chúng cũng lấy từ tantalum. Hậu quả là giá của chất này ở dạng bột trên thị trường thế giới tăng từ US $49 mỗi cân Anh lên đến $275. Nhu cầu này đưa đến gia tăng cường độ khai thác coltan ở các vùng đồi núi thuộc xứ Congo.

 

Liên Hiệp Quốc khám phá ra rằng quân đội Rwanda và các phiến quân ở quốc gia này dùng tù binh chiến tranh và trẻ con để khai thác các mỏ “vàng đen.” Phê bình về tình trạng tồi tệ này, một chính trị gia Anh tên Oona King nói, “Trẻ con ở Congo bị đưa xuống mỏ để chết cho trẻ con ở Âu và Mỹ Châu có cơ hội bắn giết những người hành tinh tưởng tượng trong games ở phòng khách tiện nghi của mình.”

 

Trước khi đến tay các công ty điện tử, các khoáng chất đã được sang tay đến bảy lần. Ví dụ khi bạn cài đặt điện thoại di động của mình ở chế độ rung, chức năng này có được nhờ chất wolframite. Điều này có nghĩa là nếu không rõ lịch sử của quá trình phân phối nguyên liệu, thì làm gì bạn biết được wolframite là một khoáng chất đến từ miền Đông xứ Congo, nơi vì nó mà có những cuộc giết chóc và tàn sát kinh hoàng. Đã có hơn 5 triệu người bỏ mạng từ khi cuộc xung đột khởi đầu vào năm 1996. Các băng nhóm có vũ trang thường ép buộc dân chúng đi đào mỏ để lấy khoáng chất, tống tiền họ, buộc họ phải đóng đủ loại sưu cao thuế nặng, và kể cả cướp đoạt luôn tiền lương của công nhân. Bản báo cáo trích dẫn lời của một thợ mỏ ở South Kivu, “Chúng tôi chẳng khác gì một thứ thịt sống, là con vật của họ. Chúng tôi không còn gì để nói nữa.”

 

Theo Global Witness, mặc dù quân đội Congo và các nhóm phiến quân FDLR đang xung đột lẫn nhau nhưng lại cùng nhau hợp tác về vấn đề khai thác quặng mỏ, có khi còn mở đường cho đi hoặc tạo điều kiện cho sử dụng phi trường được dễ dàng, thậm chí còn chia chác nhau chiến lợi phẩm nữa. Nghiên cứu cho thấy mức độ mua bán nguyên liệu và mức lợi nhuận từ lối kinh doanh này còn cao hơn người ta tưởng trước đây; một viên chức chính phủ Congo cho hay 90% số vàng bán ra khỏi quốc gia này không được loan báo chính thức. Báo cáo còn tố giác rằng do thiếu sự can thiệp của chính phủ các nước vào việc khai thác và mua bán tài nguyên bất hợp pháp, đã làm nản lòng nỗ lực phát triển của cộng đồng quốc tế nơi khu vực tranh chấp này.

 

Bản nghiên cứu nhan đề “Faced with a Gun, What Can You Do?,” đưa ra những thắc mắc về sự dính líu của gần 240 công ty thuộc các lãnh vực khoáng chất, kim loại và kỹ thuật. Nghiên cứu này nêu đích danh bốn công ty quan trọng thuộc Âu lẫn Á Châu như là những tay lái buôn công khai, chúng gồm: Thailand Smelting and Refining Corp. (chủ nhân ông là British Amalgamated Metal Corp.), British Afrimex, Belgian Trademet and Traxys. Ngoài ra các công ty khác ở tận dưới dây chuyền chế tạo cũng bị nêu nghi vấn như Hewlett-Packard, Nokia, Dell và Motorola. Mặc dù những công ty này hoạt động có tính cách hợp pháp, nhưng Global Witness chỉ trích rằng họ thiếu minh bạch ở mọi giai đoạn của dây chuyền phân phối nguyên liệu.

 

Công ty British Amalgamated Metal Corp thẳng thừng phủ nhận lời cáo buộc trên bằng cách lập luận rằng họ chủ trương ngày một cải tiến tính minh bạch để các phe phái tranh chấp không hưởng lợi được từ việc mua bán khoáng chất.

 

Mark Kristoff, chủ tịch điều hành công ty Traxys, trả lời phỏng vấn với tạp chí TIME rằng công ty của ông đã ngưng mua bán với Congo từ hồi Tháng Năm, 2009, cho đến khi có một đường lối hợp tác rõ ràng giữa các công ty với Liên Hiệp Quốc, và các chính quyền. Ông Mark còn cho biết thêm rằng việc mua bán trị giá US $50 triệu với nước Cộng Hòa Congo chỉ tương đương với 1% tổng số thương vụ của công ty.

 

Afrimex thì cho tờ TIME biết rằng chuyến hàng cuối cùng mua từ nước Congo là vào Tháng 9, 2008, và từ đó mọi mua bán đều chấm dứt.

 

Một chuyện liên hệ đến computer máu gần đây nhất là chuyện một sản phẩm mới nhất và được coi như là hết sức tuyệt mật của Apple. Ðó là cái iPhone thế hệ thứ tư, đang trong giai đoạn thử nghiệm (prototype) chưa được tung ra thị trường. Nó “vô giá” đến nổi cướp mất mạng sống của một kỹ sư trẻ.

 

Nạn nhân là một thanh niên tên Sun Danyong, 25 tuổi, làm việc cho công ty Foxconn Technology Group ở Quảng Châu bên Tàu. Công ty này chuyên thầu làm cơ phận điện thoại di động và máy điện toán có tầm cỡ của Ðài Loan. Theo tin từ các báo và những blogs trên mạng, hôm 9 Tháng Bảy, Sun tiếp nhận 16 iPhone thế hệ thứ tư, loại prototype từ dây chuyền sản xuất, và chịu trách nhiệm sẽ gửi qua cho Apple. Vài ngày sau, Sun khám phá một trong 16 máy bị thất lạc, nghĩ là còn đâu đó trong công ty nên anh trở lại kiếm nhưng không thấy. Ngày 13 Tháng Bảy, anh khai báo việc này với giám thị của mình.

 

Khi Apple không nhận đủ số iPhone như yêu cầu, công ty này tình nghi sản phẩm tuyệt mật của mình chưa được tung ra thị trường mà đã bị Foxconn tiết lộ ra ngoài. Apple liền áp lực mạnh lên Foxconn, việc này đưa đến an ninh trưởng của công ty này phải có biện pháp nặng tay đối với Sun hai ngày sau đó.

 

Công ty Foxconn cho nhân viên an ninh đến lục soát apartment của anh Sun, đồng thời bắt anh về tra khảo và đánh đập. Sáng sớm ngày 16, lúc 3 giờ 30, anh ta uất ức quá nên nhảy từ lầu 12 xuống đất tự vẩn. Chín mươi phút trước đó, Sun gửi text cho một người bạn kể rằng apartment của anh bị ba nhân viên của Foxconn lục soát và anh bị một an ninh trưởng của Foxconn có họ là Yuan đánh đập.

 

Anh Sun cũng nói chuyện trên mạng với bạn gái tên Gao Ge chừng ba giờ trước khi tự tử, cô này cũng là bạn cùng lớp ở đại học trước đây. Sun tâm sự với Gao rằng anh bị công ty nghi ngờ đã đánh cắp một máy iPhone prototype loại mới nhất. Anh than là suốt đời chưa bao giờ thấy nhục nhã đến thế.

 

Cuộc nói chuyện này, hai ngày sau khi anh chết được đưa lên blog Tianya, một blog rất phổ thông ở Trung Hoa. Từ đó dấy lên cả một làn sóng công phẫn đối với Foxconn. Ðồng thời nhật báo Nanfang Daily thì chạy nguyên một bài báo tường thuật lại câu chuyện tang thương, họ cũng kèm theo hình chụp lại văn bản bài text mà anh Sun đã gửi cho bạn.

 

Công ty Foxconn giữ im lặng không bình phẩm gì về tin này. Trong một bản văn ngắn được công bố hôm 22 Tháng Bảy, hảng Apple nói, “Chúng tôi rất đau buồn về cái chết của người công nhân trẻ tuổi này, và đang mong chờ tin tức của cuộc điều tra. Chúng tôi yêu cầu các công ty sản xuất phải đối xử với mọi công nhân với tinh thần tôn trọng nhân phẩm.” Foxconn về sau cho biết họ đã cho an ninh trưởng ngưng làm việc và giao người này cho công an. Tin mới nhất từ một nhân viên của Foxconn nhưng dấu tên, cho hay, công ty này sẽ đền bù bằng cách tặng cho bạn gái của Sun một laptop hiệu Apple. Tin khác lại cho hay, gia đình của anh ta được trả 53 ngàn đô la Mỹ, cộng thêm 4.400 đô mỗi năm cho mỗi cha mẹ của anh Sun cho đến khi họ qua đời.

 

Cho dù có đền bao nhiêu đi nữa thì máu của anh Sun đã đổ, mạng sống anh đã không còn.

 

Advertisement

Thảo luận

Không có bình luận

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện

%d người thích bài này: