//
you're reading...
góp nhặt cát đá, NHÓM HUẾ, Thiền

Người nuôi thú bên bờ biển – Nguyễn Tường Bách

(Trần Đại Lộc góp nhặt – Nguồn: thuvienphatgiao)

Bên bờ biển nọ, có một người nuôi thú, y cô đơn vì không có ai bầu bạn. Y nuôi gia súc từng đàn, nhưng không phải để kiếm ăn, vì không thấy y giết thịt bao giờ. Thú rừng, chim muông cũng kiếm ăn, làm tổ xung quanh căn chòi lá nghèo nàn của y. trẻ con thường đến thăm y, chơi với thú vật và nghe y hát.
Nhưng hình như y băn khoăn một điều gì không rõ. Những lúc chơi với trẻ con, y vẫn lẩm bẩm:
– Sinh vật trong thế gian nhiều vô số kể, cái gì giống nhau, cái gì khác
nhau.
Lúc thú vật già bị chết đi, y đem chôn cẩn thận. Mỗi lần làm thế, y lại hỏi
 lũ trẻ:
– Thú này sẽ đi về đâu?
Trẻ con ngẩn ngơ không hiểu. Chiều chiều, y thường ra biển ngắm trời mây và ngẫm nghĩ điều gì. Trẻ con thấy y chăm chú nhìn từng đợt sóng dồn và nghe y giải thích rằng cứ sau bảy tám đợt sóng thì đợt sóng kế tiếp vỗ vào bờ theo như dạng của đợt sóng đầu tiên. Nhìn sóng nước, y lại lẩm bẩm:
– Sóng vỗ cũng như sinh vật, không giống nhau mà cũng không khác nhau.
Trẻ con không để ý gì đến các thứ sóng lớn, sóng nhỏ. Còn y, dù bây giờ tiên đoán được sóng nào sẽ xuất hiện, nhưng xem ra càng tư lự hơn.

Một buổi chiều y cùng đám trẻ con ngồi xem kiến bò. Đàn kiến bò luân lưu thong thả như dòng nước chảy. Có lúc bị vật gì ngăn cản không rõ, kiến ùn lại từng đàn. Sau đó, đàn kiến lại thong thả bò tiếp. Trẻ con xem chán rồi bỏ đi, chỉ còn lại một đứa bé, nó hỏi:
– Đàn kiến ùn lại, đã đi về đâu?
Y chỉ đàn kiến đang bò. Đứa bé hỏi vặn:
– Không, đây là đàn kiến đang bò thong thả.
Y bỗng la lên một tiếng cực lớn, đứa bé giật mình kinh hãi.
 Người nuôi thú xem ra hết băn khoăn. Y ca hát luôn mồm. Trẻ con đến chơi bắt chước hát theo, rằng: “Sóng không rời nước nhưng nước không phải sóng.
Tứ đại khi có khi không, không đến từ đâu, không đi về đâu, không có phương hướng xứ sở gì”.
Người nuôi thú bình an và đàn kiến vẫn tiếp tục bò…

Trích: Đêm Qua Sân Trước Một Cành Mai – Nguyễn Tường Bách

Thảo luận

2 bình luận về “Người nuôi thú bên bờ biển – Nguyễn Tường Bách

  1. From: Do Tung
    June 19, 2012

    Nghe gần giống như chuyện Thiền tông Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn không truyền y bát cho cao tăng Thần Tú mà truyền cho Huệ Năng là một gã tiều phu chỉ vì bài kệ sau đây:

    Thần Tú:
    Thân thị Bồ đề thọ
    Tâm như minh cánh đài
    Thời thời cần phất thức
    Mạc khiến hữu trần ai
    (Thân là cây bồ đề,
    Tâm như đài gương sáng
    Luôn luôn chăm lau chùi
    Chớ để bụi bặm bám)

    Huệ Năng:
    Bồ đề vốn phi thọ
    Minh cảnh diệc phi đài
    Bổn lai vô nhứt vật
    Hà giả phất trần ai
    (Bồ đề vốn không cây
    Gương sáng chẳng phải đài
    Tự tánh không một vật
    Bụi bặm bám vào đâu ?)

    Tùng
    PS. Không hiểu mấy ông thiền sư hồi xưa mà sống thời bây giờ với hình ảnh galaxies, lý thuyết về big bang, black hole, v.v.. thì nó ảnh hưởng thế nào đến những suy nghĩ của mấy ổng ha ? Ông Dalai Lama bây giờ rất chú ý đến khoa học nhưng không biết ông có viết cuốn sách nào bàn về khoa học ?

    Thích

    Posted by TongMai | Tháng Mười 31, 2014, 2:47 sáng
  2. From: Ph Phuoc
    June 19, 2012

    Phước cám ơn bài đọc rất thú vị và diệu vợi quá.
    Và cùng với những ý tưởng đó muốn nói đến : Vạn Pháp Tùy Duyên với Tứ Đại Giai Không.
    Thân chuyển các bạn:

    ” Bồ tát Long Thọ có bài kệ :
    Chẳng vật tùy duyên sanh,
    Chẳng vật tùy duyên diệt.
    Sanh chỉ các duyên sanh,
    Diệt chỉ các duyên diệt.

    Sắc sanh chỉ là không sanh, sắc diệt chỉ là không diệt. Ví như tánh của gió chẳng động, vì duyên khởi nên thấy động, nếu bản tánh của gió vốn động thì đâu có bao giờ tịnh được. Trong phòng kín nếu có gió sao gặp duyên liền khởi? Chẳng những tánh gió như thế, tất cả pháp đều vậy, nghĩa là sắc với không chẳng khác.
    Nên Duy Ma Cật nói với Bồ tát Văn Thù rằng: “Tướng chẳng đến mà đến, tướng chẳng thấy mà thấy”.
    Văn Thù nói: “Đúng thế, nếu đến rồi thì chẳng đến nữa, nếu đi rồi thì chẳng đi nữa. Tại sao? Kẻ đến chẳng có chỗ xuất phát, kẻ đi chẳng có chỗ đến, cái sở thấy chẳng thể thấy nữa, ấy là ý chỉ của duyên khởi Vô sanh vậy”.

    Tứ Đại : Đất – Nước – Gió – Lửa
    Ta thấy từ đất đã mọc lên cây cỏ. Con người cũng thế, khi sinh ra cha mẹ mình cũng đặt mình lên mặt đất Rồi càng ngày càng lớn khôn, những bước chân đi đầu tiên của ta đã chập chững trên mặt đất. Để rồi khi lớn lên, biết bao nhiêu sự thử tháchcam go trong cuộc sống, đã làm cho ta vấp ngã và té xuống đất. Rồi cũng từ đất ta chống tay đứng dậy, Rồi một ngày nào đó ta phải buông xuôi hai tay vể nơi chín suối. Ấy cũng là lúc tấm thân nầy làm phân bón cho cỏ cây, rồi cỏ cây cũng từ đó đâm chồi, nẩy lộc, sinh hoa, kết trái.

    Còn nước thì sao? Nước từ đâu đến? Nước đi về đâu? – Ở đây trả lời rằng: mây có trước hay nước có trước, cái nào tạo ta cái nào. Khi khai thiên lập địa thì nước từ đâu mà có?, v.v.. và v.v.. ! Đó là cách lập luận nhị nguyên của mọi người. Vì cái nầy có cho nên cái kia có. Cái nầy sinh ra cái kia. Nếu cái nầy không có thì cái kia không có.

    Còn gió thì sao? Ai mang gió đến vậy? Gió từ đâu đến? Và gió đi về đâu? –

    Lửa! Lửa là gì nhỉ? Tại sao có lửa? Lửa tử đâu sinh ra? Và ai sinh ra lửa? Có phải là trong cây có lửa hay lửa đốt thân cây?

    Tứ đại giai không là đúng nhất. Nghĩa là không từ đâu đến và chẳng đi về đâu. Nghĩa là ở đâu đó khi cần là nó xuất hiện. Vì trong cái nầy nó có cái kia, trong cái kia nó có cái nọ. Cái mà ta đang mang trên người đây nó chỉ là một sự vay mượn mà thôi. Nếu một trong bốn chất ấy không còn đứng vững nữa thì thân cát bụi nầy sẽ trả về cho cát bụi.”

    PhP

    Thích

    Posted by TongMai | Tháng Mười 31, 2014, 2:48 sáng

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Thư viện