Tưởng nhớ thầy, người nguyên là Trưởng Khu Giải Phẫu và Cơ Thể Học tại Đại Học Y Khoa Huế.
Sáng hôm nay như thường lệ, khi công việc nhẹ đi, khoảnh khắc rảnh rỗi, tôi đứng nhìn ra khung cửa kính, hàng cây mận trồng dọc ven hồ đang trổ bông trắng xoá, vài con vịt bơi lội nhởn nhơ, rẻ làn nước đi tìm thức ăn. Ánh nắng lấp lánh cùng bầu trời xanh phản chiếu trên mặt hồ báo hiệu mùa Xuân đang về. Trên mặt bàn, những tạp chí nằm chờ đọc, phần lớn được gởi từ các đại học quanh vùng, mục đích giới thiệu những công trình khảo cứu đặc biệt hay những nhân vật xuất sắc mong thu hút bịnh nhân đến tham khảo.
Trang đầu của tạp chí Đại hoc Y khoa Stanford có tấm hình một cô gái Á châu, trang nghiêm, nụ cười hiền hoà. Thật tình mà nói, trong con người, tự ái dân tộc khi nào cũng cao. Đọc tạp chí trong ngành, thấy bóng người Á châu, cứ mong đó là người Việt, rồi nếu tác giả có họ Trần, Lê, Nguyễn, Phạm… thì lòng thầm sung sướng. Lần nầy, một niềm vui quá lớn vì đã nhìn ra đây là Lê Quỳnh Thư, con gái thứ của Thầy Lê Xuân Công.
Quỳnh Thư sinh ra ở Huế, thời kỳ tiểu học và mấy năm đầu trung học nổi trôi theo vận nước, từ Huế vào Sài Gòn, vượt biển sang Ý mãi cho đến 1981 gia đình mới định cư ở San Jose. Sau khi tốt nghiệp trung học, Quỳnh Thư đã được chọn vào trường đại học nổi tiếng Caltech (một M.I.T. của miền Tây). Trong thời gian theo học ở đây, cô thường xuyên đi làm thiện nguyện ở South Africa, đặc biệt ở bịnh viện đại học Durban, nơi đây chăm sóc rất nhiều người bịnh nghèo khổ, cảm nhận được nổi đau nầy, cô quyết định trở thành một bác sỹ y khoa. Tiếp theo Caltech, cô vào học y khoa ở UCSF (University of California, San Francisco), sau đó, làm nội trú và thường trú cũng tại bịnh viện đại học nầy về bộ môn Ung thư xạ trị (radiation oncology). Năm 1997 Quỳnh Thư gia nhập ban giảng huấn đại học Stanford. Bốn năm sau, vào mùa Thu năm 2011 cô được tước vị giáo sư và trưởng khoa bộ môn Xạ trị ung thư. Như thế, cô con gái của đất thần kinh trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu bộ môn nầy, và đây là một bộ môn có lịch sử lâu dài nhất và tiến bộ nhất trong tất cả các trung tâm tương tự trên toàn nước Mỹ.
Lần đầu tiên gặp Quỳnh Thư, lúc đó cô bé mới lên 3 hay 4 tuổi, níu tay mẹ nhãy lên những bậc thềm cao của một ngôi nhà xinh xắn, nằm trên đường Nguyễn Huệ, ngay phía trước đồn Quân cụ, bẵng đi một thời gian dài, hơn mười mấy năm sau gặp lại ở khu Campbell, San Jose, hai anh em đi bộ từ chung cư nầy đến chung cư khác tìm phòng để thuê. Từ đó lại như những nhánh sông chia xa, người đi học, kẻ đi hành vật lộn trong đời sống mới. Nay qua tạp chí trên mới thấy được cái lý lịch xuất sắc của Quỳnh Thư, một niềm hãnh diện cho người Việt xa quê hương nói chung và cho những người sinh ra từ xứ Huế nói riêng.
Sự thành công của cô trên một bình diện nào đó là từ sức mạnh trí tuệ cá nhân, nhưng không thể nào phủ nhận phần công sức cha mẹ đã dìu dắt, hướng dẫn và khuyến khích, vả lại yếu tố di truyền cũng có dự phần vào đây. Họ đã là những nhà giáo dục có tiếng ở Huế. Mẹ, cô Thanh Tâm dạy trường trung học Nguyễn tri Phương, ba là giáo sư trưởng khoa Giải phẩu và cơ thể học đại học Y Khoa, một vị Thầy quí mến.
*****
Từ những năm trước Mậu Thân, thành phố Huế đã nghe tiếng Thầy, khi đó Thầy còn làm ở khu giải phẩu quân y viện Nguyễn tri Phương, đồng thời là thành viên trong Hội đồng giám định y khoa. Tính cương trực và thẳng thắn, Thầy chán ngán những trò lừa dối trong lúc phân loại thương bịnh binh để được giải ngủ. Những đụng chạm tất nhiên phải xẩy ra, vì thế, Thầy quyết định từ bỏ quân y viện, dự thi tuyển vào làm giảng nghiệm viên Đại học Y khoa. Đã từng là cựu nội trú các bịnh viện Saigon nên Thầy dể dàng được thâu nhận vào ban giảng huấn năm 1969.
Ngày nay khi đã được tiếp cận với một nền y tế đứng hàng đầu thế giới mới thấy được những ngày cũ, nơi quê nhà mọi việc thật là đơn giản, nhưng chính trong cái thiếu thốn đó mới thấy tài nghệ của người thầy thuốc giỏi. Khi không có những thử nghiệm cận lâm sàng tiến bộ, đôi tay và trí óc mới là điều quan trọng. Thầy chỉ định một lối làm việc cẩn thận cho tất cả mọi người. Nội trú và sinh viên phải khám bịnh rất kỷ, y lệnh xét nghiệm chừng mực nhưng cần thiết, nhân viên chuẩn bị tiền phẩu hết sức chu đáo, trong cuộc mổ phải theo đúng trình tự quy định và giải quyết tận cùng nguyên nhân, theo dõi, chăm sóc hậu phẩu chặc chẻ, cuối cùng, số bịnh nhân ra viện với kết quả tốt rất lớn. Trong chừng mực nào đó, khoa ngoại 2 bịnh viện Huế, dưới sự hướng dẫn của Thầy đạt nhiều tiếng vang từ 1970-1975.
Những năm tháng làm việc và phụ mổ với Thầy mới thấy thêm một khía cạnh khác, Thầy thương học trò. Vẻ bên ngoài nghiêm trang, ít khi có nụ cười nở rộng, nhưng Thầy thường xuyên dìu dắt và nâng đở họ. Chỉ khi có cas mổ thành công, người nội trú mới nhận được cái vổ vai thân mật từ Thầy và một lời khen trước mặt các nhân viên và sinh viên thực tập.
Thầy không ngại khó, nhớ chăng những ngày thành phố Huế bị pháo kích liên miên, có những đêm làm việc liên tục, tưởng chừng như không bao giờ hết bịnh, lúc nào cũng có Thầy đứng bên hổ trợ, khuyến khích cũng như giải quyết những trường hợp khó cho đến khi xong việc.
Năm 1973-1974 Thầy đi du học ở Úc về Giải phẩu tiết niệu.
Sau tháng 4 năm 1975, gia đình Thầy ở lại, toàn miền Nam bị nhấn chìm trong biển đỏ mà những ngọn sóng chuyên chính vô sản, nghi ngờ, đố kỵ, kềm kẹp tự do đã đánh tan tác lòng người.
Lao động là vinh quang đã đưa người thầy thuốc lên núi cao trồng sắn hoặc làm lao công cho những công trường Nam sông Hương hay sông Thạch Hãn. Tại trường Y khoa, bờ hồ bên nầy, thầy trò, làm sạch nuôi cá, thả rau muống; canh đất phía sau, cuốc xẻng cày bừa trồng lúa cải thiện đời sống. Ý nghĩa lao động đã được triển khai một cách sai lệch, việc làm chỉ có hình thức chứ không đạt được một tiêu chuẩn thực tế nào bởi vì người bác sỹ là một nhóm lao động được đào tạo chuyên biệt để khám bịnh, điều trị và chăm sóc bịnh nhân.
Chính quyền mới tạo nhiều áp lực, ngoài việc học tập cải tạo lại còn xét việc biên chế, nên những ai xuất thân từ quân đội Việt Nam Cọng Hoà đều có phần ưu tư. Làm một con người chính trực thật khó sống trong giai đoạn nầy, vậy mà Thầy đã biểu lộ tư cách của một cá thể uy vũ bất năng khuất, coi nhẹ chuyện biên chế, rời trường đi vào Nam. Ngày đó, nước sông Hương vẫn hờ hững chảy dưới chân cầu Trường Tiền, nắng còn hanh trên con đường Lê Lợi, khu cơ thể học vẫn tấp nập sinh viên thực tập, nhưng khi nghe tin nầy tôi thấy lòng cô đơn, buồn bã vô cùng.
Gia đình Thầy vượt biên thành công năm 1979, khi đang còn lênh đênh trên Thái bình Dương thì được một thương thuyền của Ý vớt và đưa về đó tạm cư. Tại đây mọi người đi hái cà chua đến hoa cả mắt, Thầy còn được mời đi đóng phim nữa. Thời gian sót lại, Thầy ôn lại bài vở và thi đậu văn bằng bác sỹ tương đương Hoa Kỳ (ECFMG) và đạt đủ tiêu chuẩn để có thể làm việc trên nước Ý.
Hai năm sau, định cư tại Mỹ, Thầy hoàn tất chương trình nội trú và hành nghề trở lại. Lúc đầu, mở phòng mạch tư ở Rancho Cordova, thủ phủ Sacramento, nhưng một lần nữa với tính cương trực và không chịu đựng được sự đòi hỏi đôi khi là quá đáng của bịnh nhân, Thầy quyết định đi làm việc cho bịnh viện tiểu bang cho đến khi về hưu
Duyên phận cõi trần mênh mông như trời cao lồng lộng, mắc xích nào đây mà nối lại với nhau. Tình thầy trò cũng như phận vợ chồng là những từ trường tự phát, bỗng dưng hút lại nhờ yếu tố “Duyên”, biết bao nhiêu con người trong cõi ta bà nầy mà tự dưng có hai cá thể riêng biệt kết lại làm thầy và trò.
Những năm đại học, sau khi chọn một phân khoa, một ngành chuyên môn và nhất khi được làm nội trú là một cái duyên rất lớn. Thầy trò liên hệ mật thiết trong việc điều hành trại bịnh và trực gác, người nội trú học hỏi được rất nhiều, từ đó mới thấy kiến thức chuyên môn của Thầy rất rộng. Những trường hợp khó, hiếm hay cá biệt đều được lưu trử để làm tài liệu cho những luận án tiến sỹ về sau. Thầy tận tâm truyền lại kiến thức cho học trò, từ những buổi sáng đi khám bịnh, cái sai, cái đúng được bàn cãi thẳng thắn, cho đến những phiên trực cấp cứu, trong đó những quyết định nhanh chóng, chính xác đưa đến những can thiệp kịp thời cứu sống nhiều bịnh nhân đã là những kinh nghiệm quí báu làm hành trang cho học trò vào đời về sau.
Rồi những lần gặp gỡ khác, tưởng không bao giờ có thể xẩy ra, vẫn cứ tới cho dù trong muôn một. Có ai tưởng tượng rằng nước mất nhà tan như chuyện 1975. Sau tháng 4 năm đó , nhân viên giảng huấn lần lược trở về trường cũ. Cuối năm, trong vài ngày mưa lê thê của xứ Huế, phái đoàn bịnh viện Việt Đức, dẫn đầu bởi bác sỹ Tôn thất Tùng vào làm việc với trường Đại học Y khoa, tiền trạm của nền giáo dục miền Nam. Bác sỹ Tùng, ngôi sao Bắc đẩu của nền y tế miền Bắc, cha đẻ Phương pháp cắt gan có qui phạm, mái tóc bạc trắng, dáng dấp tựa như nhạc sỷ Phạm Duy, đi giày tây, mặc áo bỏ ngoài quần, giọng nói sang sãng. Ông rất muốn tìm biết về nền giáo dục miền Nam, cho nên đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về giải phẩu và cơ thể học, dĩ nhiên bộ phận gan vẫn là ưu tiên một. Sự phân chia thuỳ gan được đề cập đến và khi nghe các anh em trẻ ở lại trình bày từ hệ thống cổ điển của giáo sư C. Couinaud cho đến cập nhật hoá phương thức phân chia mới do chuyện giun chui ống mật của chính ông, xuyên qua các tài liệu đã đọc những năm trước đó bằng tiếng Pháp, thì dể dàng nhận ra cái ngỡ ngàng pha lẫn thiện cảm ông dành cho các thành viên trong bộ môn Giải phẩu Y khoa Huế. Ông đi thăm bịnh, chẩn đoán và cùng mổ, tuy nhiên rất tiếc, trong thời gian quá ngắn, không chuẩn bị trước, chỉ có một bịnh nhân nằm viện, tưởng là ung thư gan tiên phát nhưng khi giải phẩu lại là ung thư buồng trứng di căn lan rộng, nên không học được gì về lối cắt gan bằng các ngón tay như mong đợi.
Nước mất, nhà tan, sau bốn năm chịu đựng để sống còn, một ngày, người học trò cũng lên tàu đi vượt biên, một sống, mười chết trên biển cả. Từ bàn tay trắng, trí tuệ đong đếm bằng những bài học cũ từ các thầy nơi Đại học Huế, kiếm việc làm để sống, vào các trung tâm học thi, chạy tìm chổ nội trú, mấy năm sau mới bắt đầu trở lại nghề, để rồi một hôm nơi trại bịnh, tôi kinh ngạc khi thấy giáo sư Norman Shumway, người đầu tiên thay tim trên con người thành công, lừng lửng bước vào.
Làm việc nhiều nơi, tình cờ gặp nhiều bác sỹ giải phẩu nổi tiếng, so sánh lại, tha thiết nhớ quê nhà và càng quý mến Thầy mình hơn, nhớ vì bịnh viện mình ngày đó đơn sơ và thiếu thốn phương tiện. Quý vì cá tính đạo đức, không kiêu căng, lối giải phẩu từ tốn, thứ lớp, cẩn trọng. Quý hơn nữa, cách sống chan hòa của Thầy, dung hợp với học trò cho dù trong trại bịnh hay ngoài sân tennis làm mọi người đều quý mến.
Nổi nhớ chồng chất, dẫn dắt con người trở lại quê cũ, thường để tìm lại quá khứ vì phần lớn kỷ niệm khi nào cũng đẹp. Làm sao quên được căn nhà xưa, ngôi trường cũ, nấm mộ mẹ cha và đám bạn bè thời đi học. Bịnh viện Huế giờ thay đổi nhiều, những dãy lầu mới ngang dọc, được xây bởi tiền tài trợ của Pháp, Nhật, Đức…Phòng mổ củ không dùng nữa, khi bước vào, những bồn rữa tay vẫn còn đó trơ trọi, tấm bảng đen phân công mổ đóng bên tường trống trơn, hết rồi những chữ viết chi chít của anh y tá trưởng, các phòng mổ lặng câm, một trang sách được khép lại.
Sinh lão bịnh tử là lẻ tuần hoàn tạo hoá, thân thể Thầy bị suy mòn theo năm tháng nhưng trí tuệ còn minh mẫn, vẫn chất chứa hoài bão đóng góp phần mình cho một nước Việt Nam tự do và nhân bản. Ngày rời Huế, Thầy đã mong có một ngày về, vì mấy ai rời mảnh đất nầy mà lại không luyến tiếc. Một thành phố hiền hoà có một dòng sông xanh rất đẹp. Không gian nhiều dấu ấn vương giả, thành quách, điện đài, lăng tẩm. Tinh thần tuy có hoài cổ, nhưng nếp sống đầy giáo dục. Tiếc thay chủ nghĩa xả hội đã lấy đi sự tự do, niềm hạnh phúc, tinh thần độc lập của người dân để rồi ai ra đi cũng ngậm ngùi bỏ lại xứ Huế đằng sau.
Cám ơn số phận cho con được gặp Thầy, được đi cùng Thầy một đoạn đường khá xa. Bắt đầu quãng đời thanh xuân yên bình, vui vẻ ở khoa ngoại 2, phòng khám bịnh trên đường Huỳnh thúc Kháng, khu cơ thể học Đại học Y khoa, qua mấy năm đau buồn ủ dột sau 75 cho đến những ngày lang thang từ New Jersey qua New York đi tìm tương lai. Thầy đã vượt qua mọi khó khăn tạo dựng lại cơ nghiệp.
Cầu mong Thầy Cô thân tâm an lạc, tiếp tục cuộc sống hạnh phúc, trãi dài hơn mấy mươi năm, từ thuở ban đầu trên bãi biển Nha Trang cho đến thành phố Fremont hôm nay. Đây là lúc Thầy nghỉ ngơi, vui với sự thành công của con cái. Chắc chắn những môn sinh mà Thầy đã ra công dạy dỗ sẽ tiếp tục đem cái học chính thống đó chuyển lại cho thế hệ kế tiếp góp phần làm xã hội nầy tốt đẹp hơn.
Trần Tiễn Ngạc
Thảo luận
Không có bình luận