Thời kì phong kiến nào cũng vậy, bên cạnh các bậc quân vương luôn phủ bóng hồng của các mỹ nhân, với vua chúa Nguyễn cũng không ngoại lệ. Bằng nhan sắc lộng lẫy, những hương sắc này được sủng hạnh hết mực. Thế nhưng, vận đổi sao dời, họ đều phải bỏ mạng một cách thảm khốc với những nguyên cớ khác nhau. Vậy, họ là ai ?
Dâm phụ họ Tống phải trả giá!
Chính sử nhà Nguyễn không ghi chép nhiều về người đàn bà này, chỉ biết, Tống Thị là một nữ lưu “chọc trời khuấy nước” của lịch sử Đàng trong nửa đầu thế kỷ XVII. Tống Thị là con gái đầu lòng Tống Phước Thông (lúc đó đương làm Cai Cơ) trốn về với họ Trịnh. Bà kết hôn với Hoàng tử Kỳ, có được ba mặt con trai. Phước Thông nghĩ rằng sẽ được thơm lây vinh hiển của con gái. Để rồi khi con rể chết, Phước Thông vô cùng thất vọng, liền “dẫn gia quyến lẻn ra ngoài cửa Eo” (cửa biển Thuận An ngày nay) bỏ trốn, chỉ có mình Tống Thị không đi (Theo sách Đại Nam Thực lục tiền biên ).
Là một người đầy tham vọng, thèm khát thâu tóm quyền lực – tiền tài, Tống Thị không từ thủ đoạn để lấy lòng các chúa. Qua số ghi chép, bà ta có bảo vật “bùa yêu” là chuỗi hoa vòng ngọc liên châu. Năm 1639, Tống Thị dâng nó lên Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. Hương thơm quyến rũ khiến lòng Chúa lâng lâng. Đã vậy, người ngọc còn sử dụng “khổ nhục kế”, quỳ lạy, khóc than cảnh goá chồng. Chúa vừa si mê, vừa mủi lòng nên đặc cách cho người đẹp có quyền mặc sức ra vào phủ chúa. Mối quan hệ loạn luân chị dâu – em chồng cứ thế triền miên trong âm mưu và dục vọng. Thế nhưng, bởi lời vạch tội từ Phạm Nội tán, Tống Thị đã đánh mất sự sủng sái của chúa.
Vốn mưu mẹo, Tống Thị không chịu an phận, liền viết mật thư cùng với “bùa yêu”, nhờ người dâng đến chính tay Chúa Trịnh Tráng, nhằm kích động chiến tranh. Nếu cuộc tấn công xuống phía Nam thành công, bà ta sẽ có cơ hội về Đàng ngoài dưới phủ chúa Trịnh. Trời không chiều lòng dạ thâm độc của Tống Thị, quân Trịnh bị đả bại, người đàn bà lập tức giở mặt, chuyển đối tượng sang võ quan Nguyễn Phúc Trung hòng lật đổ Chúa Hiền, xúi bẩy Trung làm phản, làm nội gián cho Đàng ngoài.
Sự việc bại lộ, hai kẻ bất trung phải chịu quả báo. Nguyễn Phúc Trung bị tống vào ngục, rồi chết. Về phần Tống Thị, chứng cớ rành rành không thể điêu xảo chối cãi được gì, bị chém đầu và bêu ra giữa chợ, gia sản to lớn của Tống Thị bị tịch thu và đem “phân phát cho quân, dân trong vùng” (Trích Đại Nam Thực lục tiền biên).
Đào Thừa cùng một bệnh với Tây Thi?
Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần vốn là người chuyên tâm chính sự, không màng nữ sắc, vui chơi tiệc tùng và cực kì tin yêu người tài. Thế nhưng, tương truyền, vào tháng 4 năm 1652, nổi lên giữa đám ca nhi ở phủ Chúa có một nàng Đào Thừa thập phần đẹp xinh. Đào Thừa là người con gái của miền Nghệ An, phong thái đúng chất trâm anh đài các, lại có tài ca hát xuất chúng. Sự xuất hiện của nàng lập tức khiến mọi nét thanh tú của đám phi tần kia trở nên tầm thường, cũng như công sức để lấy lòng chúa trở nên tiêu tan. Với nhan sắc, tài năng cùng với “ma lực của sóng mắt khuynh thành”, nàng ca nhi này đã làm tan chảy trái tim cứng rắn của Hiền Vương”, theo sử sách ghi chép.
Cũng từ đây, Hiền Vương dường như trở thành một con người khác hẳn, lao vào dục vọng, bỏ bê việc chính sự. Khi được can gián, Hiền Vương chẳng những không tiếp thu mà còn tức giận, kể công từng trải gian lao để bảo vệ cơ đồ, giờ “giống nòi đã vững vàng, trăm họ đã an lạc”, chúa được quyền hưởng thú vui cho riêng mình.
Rồi đến khi đọc sách Quốc ngữ, có đoạn kể về việc vua nước Việt là Câu Tiễn đánh nhau với nước Ngô, thua trận. Nhờ Phạm Lãi hiến mưu, Câu Tiễn hiến mỹ nhân Tây Thi cho Ngô vương Phù Sai. Ngô vương chìm đắm trong nữ sắc, sao lãng quốc sự, Câu Tiễn nhân đó đưa quân chinh phạt, nước Ngô rơi vào thất bại. Sau đó, Phạm Lãi cùng Tây Thi du ngoạn vùng Ngũ Hồ, rồi mới qua đời. Hiền Vương cảm thấy có sự trùng hợp với hoàn cảnh của mình nên nghi ngờ Đào Thừa là nội gián của chúa Trịnh cài vào.
Ngay sáng hôm sau, Phúc Tần lệnh cho Đào Thừa mang một bộ triều phục mới tới tư thất của quan Nguyễn Cửu Kiều … cũng từ đó không thấy vết tích của nàng. Sử sách ghi lại trong tay áo của bộ triều phục mà Đào Thừa mang có tẩm thuốc độc kèm mật thư giao cho Cửu Kiều “kết liễu đời nàng để tránh cho non nước xứ Đàng trong cái họa Tây Thi”.
Mẹ loạn luân với con trai?
Đông cung Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh có người vợ là bà Tống Thị Quyên cùng hai con trai là Mỹ Đường và Mỹ Thùy. Năm 1801, khi đương 21 tuổi, Thái tử mất do mắc bệnh đậu mùa. Với suy tính “Khi người ta chết đi mà còn để lại món nợ trên đời (vua từng cầu viện trợ từ người Pháp và có sự giúp sức của giám mục Bá Đa Lộc)”, thì chủ nợ chỉ thanh toán con, chứ không tìm cháu, nên vua Gia Long truyền ngôi cho Hoàng tử Đảm, sau lên trị vì lấy niên hiệu Minh Mạng, thay vì chọn Mỹ Đường.
Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, vào năm 1824, có lời tố cáo Mỹ Đường thông dâm với mẹ. Thông dâm là một tội cực lớn, gọi đây là hành vi “còn hơn chó lợn”. “Mụ đàn bà lăng loàn ấy”, tức bà Tống Thị Quyên đáng chịu cảnh bị dìm chết.
Bà Quyên bị mấy tên lính canh trấn áp giải trong tình trạng tóc tai rũ rượi. Tháng ngày giam cầm, bà ở trong một phòng riêng, chân tay không xiềng xích, ăn uống đủ đầy, chăn ấm nệm êm, có nước tắm rửa và bô để đi vệ sinh. Không được phép nói một lời thanh minh, bà bị dìm xuống nước cho đến ngạt thở mà chết.
Một quan điểm cho rằng, vụ thông dâm này do vua Minh Mạng dựng lên hòng đổ oan để diệt sạch đối thủ, nhất là khi Lê Văn Khôi nổi dậy với nghĩa phù Mỹ Đường. Tuy nhiên, tới tận bây giờ, nghi án này vẫn trong vòng bí mật.
Dương Thị Ngọt chết vì khi quân?
Dương Thị Ngọt là bà phi thứ 9 của vua Thành Thái. Bà sinh trưởng từ mảnh đất Quảng Trị. Khi tiến cung được vua yêu mến nhưng lại phải chết thảm cũng từ mệnh lệnh của vua. Thành Thái là một vị vua có tư tưởng tiến bộ nên để tóc ngắn. Theo ông Dương Quang Diêu, người cháu họ thuộc đời thứ 3 của bà Dương Thị Ngọt cho biết: Một lần, sau khi cắt tóc, nhà vua dạo một lượt đến từng người vợ hỏi xem tóc mới của vua có đẹp không. Bà phi nào cũng hết lời ca tụng tóc mới của vua, riêng bà Dương Thị Ngọt đã không khen lại còn buông một câu nhận xét rằng: “Trông giống như kẻ cướp ấy”. Vua nổi trận lôi đình, cho nấu bà Ngọt trong vạc dầu. Cũng có nguồn cho rằng Dương Thị Ngọt được yêu quý nên những bà phi khác đã tìm cách hãm hại để vua hiểu nhầm bà có ý khi quân phạm thượng. Tựu chung, nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà Ngọt là làm mất lòng vua. Tuy nhiên, đám tang của bà vẫn được tổ chức trang trọng với tư cách vợ vua.
Trong bốn mỹ nhân kể trên, có người chết do tâm cơ, người bị nghi oan, người do “hồng nhan họa thủy”, người chưa xác định được thực hư câu chuyện. Cái chung của họ là đều đẹp, bước vào cuộc đời vương quyền rồi bỏ mạng…
Lịch Sử Việt Nam
(Nguồn : lichsunuocvietnam.com)
Thảo luận
Không có bình luận